GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

"Tôi có thể cầu nguyện chiêm niệm như thế nào với bài Phúc Âm hôm nay?"

 

Từ ngày lên làm Giáo Hoàng tới nay, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng nhắc nhở và kêu gọi đàn chiên của ngài việc chẳng những luôn mang theo bên mình cuốn Phúc Âm mà còn đọc Phúc Âm hằng ngày nữa, điển hình là trong Huấn Từ Truyền tin Chúa Nhật Chúa Chịu Phép Rửa ngày 11/1/2015 và Chúa Nhật IV Thường Niên ngày 1/2/2015 vừa qua. 

Tuy nhiên, trong bài giảng cho Thánh Lễ Thứ Ba ngày 3/2/2015 tại nguyện đường ở Nhà Thánh Matta, Đức Thánh Cha đã cho thấy lý do sâu xa tại sao ngài cứ nhấn mạnh đến việc cần có cuốn Phúc Âm bên mình như một bửu bối sống đức tin mà còn suy niệm Phúc Âm, đó là vì hành động này có liên quan mật thiết với việc cầu nguyện chiêm niệm. 

Trước hết, cầu nguyện chiêm niệm là gì, theo ngài, đó là những gì được Thánh Phaolô nói ở trong bài đọc thứ nhất hôm nay (Do Thái 12:1-4): "Chúng ta hãy gắn mắt vào Chúa Giêsu" (câu 2).  

Một trong những ích lợi thiêng liêng của việc cầu nguyện chiêm niệm là gắn mắt vào Chúa Giêsu này, đó là, như Đức Thánh Cha khẳng định trong cùng bài giảng, Kitô hữu có được niềm hy vọng: "Nếu chúng ta không gắn mắt vào Chúa Giêsu thì chúng ta khó lòng mà hy vọng", cho dù con người có thể cảm thấy "lạc quan, tích cực, nhưng không hy vọng?" 

Bởi vậy, theo ngài, "hy vọng được học biết chỉ bằng việc nhìn lên Chúa Giêsu, chiêm ngưỡng Chúa Giêsu; chúng ta học biết bằng việc cầu nguyện chiêm niệm" là những gì ngài "muốn nói đến hôm nay đây". 

Mở đầu ngài đề cập đến các cách thức cầu nguyện thông thường bằng những câu hỏi:"Tôi có thể hỏi anh chị em rằng anh chị em cầu nguyện thế nào? 'Thưa cha, con đọc những kinh con học từ hồi còn nhỏ' - 'OK, tốt'. 'Hằng ngày con cầu cả kinh mân côi nữa' - 'Cầu kinh mân côi hằng ngày là điều tốt'. 'Con cũng nói chuyện với Chúa khi con có vấn đề, hay với Đức Mẹ hoặc các thánh...' - 'điều ấy tốt'" 

Từ những vấn đáp gợi ý về các cách cầu nguyện này, Đức Thánh Cha vào đề bằng câu hỏi chính yếu như sau: "Anh chị em có cầu nguyện bằng cách chiêm niệm hay chăng?" - "Thưa cha như thế nghĩa là gì? Loại cầu nguyện này là thế nào? Chúng con có thể mua nó ở đâu? Chúng con phải thực hiện ra sao?

Thế rồi chính ngài tự trả lời: "Nó có thể được thực hiện bằng cách chỉ cần có trong tay cuốn Phúc Âm". Ở chỗ, ngài dẫn giải thêm: "Anh chị em cầm sách Phúc Âm lên, chọn lấy một đoạn, đọc đoạn ấy một lần, rồi hai lần; hãy mường tượng như thể anh chị em thấy những gì đang xẩy ra rồi chiêm ngắm Chúa Giêsu". 

Để áp dụng thực hành một cách thực tế, ngài đã sử dụng ngay bài Phúc Âm hôm nay của Thánh ký Marcô (5:21-43), một bài phúc âm "dạy cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp", bao gồm 2 sự kiện xẩy ra liên quan đến việc Chúa Giêsu chữa lành cho người đàn bà loạn huyết 12 năm và hồi sinh bé gái 12 tuổi. Ngài lại đặt vấn đề như sau: 

"Tôi có thể cầu nguyện chiêm niệm ra sao với bài Phúc Âm hôm nay?" Dựa vào kinh nghiệm của mình, ngài đã chỉ dẫn từng bước một như sau: "Tôi nhìn thấy Chúa Giêsu đang ở giữa đám đông dân chúng, có một đám rất đông bủa vây Người. Chữ 'đám đông' được sử dụng đến 5 lần trong đoạn phúc âm này. Thế nhưng chẳng lẽ Chúa Giêsu không nghỉ ngơi hay sao? Tôi có thể nghĩ rằng Người bao giờ cũng ở với đám đông! Hầu hết cuộc đời của Chúa Giêsu là sống ở bên đường với đám đông. Người chẳng nghỉ ngơi hay sao? Có chứ, có một lần thôi: Phúc Âm nói rằng Người đã ngủ trên thuyền, thế nhưng bão tố nổi lên khiến các môn đệ đánh thức Người dạy. Chúa Giêsu liên lỉ ở giữa dân chúng".  

Căn cứ vào đó, Đức Thánh Cha gợi ý rằng: "Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu như thế, tôi chiêm ngắm Chúa Giêsu như vậy, tôi mường tượng thấy Chúa Giêsu như thế. Và tôi nói với Chúa Giêsu bất cứ những gì tôi nghĩ tôi cần phải thưa cùng Người".  

Ngài tiếp tục đi sâu vào bài Phúc Âm liên quan đến các chi tiết khác nữa: "Bấy giờ, ở giữa đám đông có một người đàn bà bị bệnh và Chúa Giêsu biết được như thế. Thế nhưng, làm thế nào Chúa Giêsu ở giữa đám người rất đông như thế lại nhận thấy người đàn bà này chạm đến Người?- 'Ai chạm đến Tôi?'... Chúa Giêsu chẳng những hiểu được đám đông, cảm thấy được đám đông mà còn nghe thấy được cả nhịp tim của từng người chúng ta nữa, của từng người chúng ta nữa: Người chăm sóc cho hết mọi người cũng như cho từng người, bao giờ cũng thế!" 

Đối với trường hợp đứa con gái bị bệnh nặng của vị trưởng hội đường, "Người đã bỏ tất cả để đến chăm sóc cho con người bé nhỏ này: Chúa Giêsu ở cả với người lớn lẫn kẻ nhỏ, bao giờ cũng vậy!... Chúng ta có thể tiếp tục và thấy rằng Người tới nhà đó, Người thấy đầy những ồn ào, thấy những phụ nữ than van khóc lóc như thể muốn đánh thức người chết dậy vậy: nào than van, nào khóc lóc... 'Đừng lo: cháu nó đang ngủ thôi!'" Cho dù bị khinh khi, "Người vẫn im lặng". Và sau khi làm cho cháu gái hồi sinh, Chúa Giêsu "thay vì nói 'Chúc tụng Chúa' thì lại nói cùng họ rằng: 'Hãy cho cháu nó ăn cái gì đi'". Chúa Giêsu "luôn lưu ý tới những chi tiết nho nhỏ như thế". 

Đức Thánh Cha chia sẻ kinh nghiệm của ngài về việc áp dụng thực hành được ngài gợi ý trên đây như sau: "Điều tôi đã thực hiện với bài Phúc Âm này đó là cầu nguyện một cách chiêm niệm, ở chỗ, cầm sách Phúc Âm lên, đọc và đặt mình vào cảnh tượng ấy, suy tưởng về những gì đang xẩy ra và nói với Chúa Giêsu những gì xuất phát từ tâm can của mình".  

Sau khi nói đến bản chất của việc cầu nguyện chiêm niệm là gắn mắt vào Chúa Giêsu và việc áp dụng thực hành bằng cách đọc Phúc Âm, theo dõi việc Chúa Giêsu làm trong Phúc Âm và tâm sự với người, Đức Thánh Cha đã nói tới lợi ích tích cực và tiêu cực của nó như sau: 

"Bằng việc cầu nguyện chiêm niệm này chúng ta để cho niềm hy vọng gia tăng, vì chúng ta gắn cái nhìn của chúng ta, chúng ta gắn ánh mắt của chúng ta vào Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta cần phải thực hiện việc cầu nguyện chiêm niệm này. 'Thế nhưng con có rất nhiều việc phải làm!'. Ở nhà, 15 phút, cầm lấy Phúc Âm, một đoạn ngắn thôi, hãy suy tưởng những gì đã xẩy ra và nói cùng Chúa Giêsu về điều ấy. Nhờ thế ánh mắt của anh chị em gắn liền với Chúa Giêsu hơn là vào một màn nhạc kịch truyền hình nào đó chẳng hạn. Tai của anh chị em sẽ tập trung vào những lời của Chúa Giêsu hơn là vào những lời xì xèo đồn đoán của hàng xóm láng giềng...Đó là cách cầu nguyện chiêm niệm giúp chúng ta sống trong hy vọng. Sống bản chất của Phúc Âm! Hãy luôn cầu nguyện". 

Sau hết ngài kêu gọi như thế này: "Anh chị em hãy cầu các kinh nguyện của anh chị em, hãy cầu kinh mân côi, hãy thưa chuyện với Chúa, nhưng cũng thực hiện cả việc cầu nguyện chiêm niệm này nữa bằng cách gắn ánh mắt vào Chúa Giêsu... Đời sống của Kitô hữu chúng ta diễn tiến trong bối cảnh giữa hồi niệm và niềm hy vọng". 

"Hồi niệm về cuộc hành trình đã qua của chúng ta, hồi niệm về rất nhiều ân sủng đã được Chúa ban cho. Và hy vọng, khi nhìn vào Chúa, Đấng duy nhất có thể cống hiến hy vọng cho chúng ta. Và để gắn mắt vào Chúa, để biết Chúa, chúng ta hãy cầm Phúc Âm lên và thực hiện việc cầu nguyện chiêm niệm này. Chẳng hạn hôm nay, có gắng khoảng 10 phút - 15 phút, không hơn - để đọc Phúc Âm, suy tưởng Phúc Âm và thưa chuyện với Chúa Giêsu. Đủ rồi. Nhờ thế kiến thức của anh chị em về Chúa Giêsu sẽ gia tăng và niềm hy vọng của anh chị em sẽ phát triển. Đừng quên gắn mắt vào Chúa Giêsu. Để thực hiện việc cầu nguyện chiêm niệm này".

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Theo L'Osservatore Romano và Vatican Radio