GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

"Khi chúng ta thấy rằng mức sinh sản khó lòng đạt được 1%

thì chúng ta có thể nói rằng xã hội này là một xã hội u xám vì nó vẫn thiếu trẻ em vậy"

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình: Bài 10 - Thứ Tư 18/3/2015

http://vaticaninsider.lastampa.it/typo3temp/pics/8d131496ce.jpg

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!


Sau khi ôn lại các nhân vật khác nhau trong đời sống gia đình - người mẹ, người cha, con cái, anh chị em và ông bà - tôi muốn chấm dứt loạt bài đầu tiên về giáo lý gia đình này để nói về trẻ em. Tôi sẽ nói về vấn đề này trong hai buổi: hôm nay tôi sẽ chia sẻ về đại tặng ân trẻ em đối với nhân loại. Đúng là như thế; cám ơn anh chị em đã vỗ tay. 
Các em là một đại tặng ân cho nhân loại, thế nhưng các em cũng bị loại trừ rất nhiềuTuần tới, tôi sẽ chia sẻ về một số vết thương tác hại trẻ em thật là tội nghiệp. Tôi nhớ đến nhiều trẻ em tôi đã được gặp trong chuyến hành trình vừa rồi ở Á Châu của tôi: đầy sự sống, đầy nhiệt tình, đàng khác, tôi lại thấy có nhiều em sống trên thế giới này trong tình trạng bất xứng. Thật vậy, có thể đánh giá về một xã hội căn cứ vào việc xã hội này cư xử với trẻ em. Chẳng những về phương diện luân lý mà còn cả về phương diện xã hội nữa, để biết nó là một thứ xã hội tự do hay là một xã hội làm nô lệ cho các thứ khuynh hướng lợi lộc quốc tế

 

Điều đầu tiên trẻ em nhắc nhở chúng ta đó là tất cả chúng ta, trong những năm đầu tiên của cuộc đời, hoàn toàn lệ thuộc vào việc chăm sóc và yêu chiều của người khác. Chính Con Thiên Chúa cũng không muốn tránh khỏi giai đoạn này. Đó là mầu nhiệm chúng ta chiêm ngưỡng hằng năm vào Lễ Giáng Sinh. Máng Cỏ là hình ảnh nói cho chúng ta biết về thực tại này một cách chân chất nhất và trực tiếp nhất. Thế nhưng vấn đề đáng chú ý ở đây là Thiên Chúa không có vấn đề tỏ mình ra cho trẻ em, và trẻ em chẳng hề bị trục trặc để hiểu biết Thiên Chúa. Không phải tình cờ mà trong Phúc Âm Chúa Giêsu sử dụng những chữ rất đẹp và mạnh mẽ về "những kẻ bé mọn - little ones". Từ ngữ "bé mọn' này nói lên chuyện mà tất cả mọi người đều phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, đặc biệt là của trẻ em. Chẳng hạn, Chúa Giêsu nói: "Con tạ ơn Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã giấu thành phần khôn ngoan kiến thức những điều này và đã tỏ ra cho các trẻ thơ" (Mathêu 11:25). Ở chỗ khác nữa: "Các con hãy coi chừng đừng khinh khi một trong những kẻ bé mọn này; vì Thày bảo cho các con hay thiên thần của chúng trên trời hằng thấy nhan Cha của Thày là Đấng ở trên trời" (Mathêu 18:10). Bởi thế, tự mình trẻ em là một kho tàng cho nhân loại cũng như cho Giáo Hội, vì chúng liên lỉ nhắc nhở chúng ta về điều kiện cần thiết để vào Vương Quốc của Thiên Chúa: đừng tự mãn với bản thân mình, nhưng cần giúp đỡ, yêu thương và tha thứ. Tất cả chúng ta đều cần giúp đỡ, yêu thương và tha thứ. Hết mọi người! 

 

Trẻ em còn nhắc nhở chúng ta một điều tốt đẹp khác nữa: họ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta lúc nào cũng là trẻ em, cho dù người ta đã trở thành một người lớn hay người già, cho dù người ta đã trở thành phụ huynh, cho dù người ta đóng vai trò có trách nhiệm, thì bên dưới tất cả những thứ ấy vẫn còn cái căn tính của một trẻ em. Tất cả chúng ta đều là trẻ em! Điều này nhắc nhở chúng ta về sự kiện là chúng ta không tự cống hiến cho mình sự sống mà là lãnh nhận sự sống. Đại tặng ân của đời sống, tặng ân đầu tiên chúng ta nhận lãnh đó là sự sống. Đôi khi chúng ta sống mà quên mất điều ấy, như thể chúng ta là chủ nhân ông của việc chúng ta hiện hữu; trái lại, chúng ta hoàn toàn lệ thuộc. Thật vậy, đó là lý do thật vui khi biết rằng ở mọi lứa tuổi của cuộc đời, ở mọi hoàn cảnh, ở mọi tình trạng xã hội, chúng ta vẫn là và vẫn còn là trẻ em. Đó là sứ điệp chính yếu trẻ em cống hiến cho chúng ta bằng chính hiện diện của các em. Nguyên sự hiện diện này của các em đã nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người chúng ta và tất cả chúng ta đều là trẻ em

 

Thế nhưng trẻ em mang đến cho nhân loại rất nhiều tặng ân, rất nhiều phong phú. Tôi sẽ nhắc lại đây một ít thôi. Các em mang đến cho nhân loại cách thức nhìn thực tại, một cái nhìn tin tưởng và tinh tuyền. Một đứa nhỏ có một lòng tin tưởng tự nhiên nơi người cha của bé cũng như nơi người mẹ của bé: và em có một lòng tin tưởng tự nhiên nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu cũng như nơi Đức Mẹ. Đồng thời, cái nhìn nội tâm của em thì tinh tuyền, chưa nhiễm ám khí bởi ác tâm, bởi nhị tâm, bởi những "thứ nhập nhiễm" trong đời sống làm chai cứng tâm can

 

Chúng ta biết rằng trẻ em cũng mắc nguyên tội, nên chúng cũng có tính vị kỷ, thế nhưng chúng có một tính chất tinh tuyền, một tính chất đơn thành nội tâm. Trẻ em không có tính cách ngoại giao! Chúng nói những gì chúng cảm thấy. Chúng nói những gì chúng trực tiếp thấy! Nên thường chúng gây rắc rối cho cha mẹ chúng. Chúng nói: "con không thích cái này vì nó xấu" trước mặt những người khác. Thế nhưng trẻ em nói những gì chúng thấy. Chúng không mang 2 bộ mặt, chúng chưa học được khoa nhị tâm như người lớn chúng ta đã học biết

 

Hơn nữa, nơi tính chất đơn thành nội tâm của mình, chúng mang nơi bản thân mình khả năng lãnh nhận và cống hiện sự dịu dàng êm ái. Sự dịu dàng êm ái nghĩa là có một trái tim "bằng thịt" chứ không phải "bằng đá" như Thánh kinh nói (xem Ezekien 36:26). Sự êm ái dịu dàng còn là thi ca, ở chỗ nó "cảm thấy" những sự vật và các biến cố, không phải để đối xử với những điều ấy như là những gì thuần đồ vật, chỉ để sử dụng vì chúng hữu dụng... Trẻ em có khả năng tươi cười và khóc lóc: có một số em tươi cười khi tôi nhắc em lên và hôn em. Có những em khác nhìn chằm chằm vào tôi, nghĩ rằng tôi là một vị bác sĩ và đang chủng ngừa cho các em, nên các em khóc lóc - nhưng một cách bộc phát tự nhiên. Trẻ em là thế đó, chúng cười chúng khóc: hai điều này ở trong người lớn chúng ta thường bị "ngăn chặn lại", chúng ta không còn khả năng...  và thường nụ cười của chúng ta trở thành một nụ cười vẽ vời, một cái gì đó thiếu sức sống, một nụ cười không sinh động - cũng là một nụ cười nhân tạo, của một tay hề. Trẻ em tươi cười một cách tự nhiên và khóc lóc một cách tự nhiên... nó bao giờ cũng tùy thuộc vào trái tim và trái tim của chúng ta bị ngăn chặn, thường mất đi khả năng tươi cười và khác lóc... (ở đoạn có những dấu ... này là những lúc ĐTC nói một cách tự phát - biệt chú của người dịch).

 

Thế nên trẻ em có thể dạy chúng ta lại cách tươi cười hay khóc lóc. Tuy nhiên, chúng ta thường cần phải tự vấn xem tôi có cười một cách hồn nhiên vui tươi, yêu thương hay nụ cười của tôi là một nụ cười nhân tạo? Tôi có còn khóc lóc hay tôi đã mất đi khả năng khóc lóc rồi? Thế nhưng đó là hai vấn đề rất con người mà trẻ em đang dạy chúng ta đó. 

 

Chính vì tất cả những lý do ấy mà Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Người rằng "hãy trở nên như các trẻ nhỏ", vì "kẻ nào giống như các em thì thuộc về Vương Quốc của Thiên Chúa" (xem Mathêu 18:3; Marco 10:14).

 

Anh chị em thân mến, trẻ em là thành phần mang đến sự sống, hân hoan, hy vọng, cũng như rắc rối, nhưng đời sống là như thế đó. Chúng thực sự cũng gây ra những âu lo và đôi khi những trục trặc. Tuy nhiên, thà có một xã hội cùng với những âu lo và trục trặc này hơn là một xã hội buồn thảm và u xám vì không có trẻ em! Khi chúng ta thấy rằng mức sinh sản khó lòng đạt được 1% thì chúng ta có thể nói rằng xã hội này là một xã hội u xám vì nó vẫn thiếu trẻ em vậy.  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyến dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý) 

http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-the-gift-of-children--2