GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

"Chúng ta đang làm gì đây ở những tuyên ngôn long trọng về các quyền lợi của con người và các quyền lợi của trẻ em để rồi sau đó chúng ta lại quay ra trừng phạt trẻ em vì những lỗi lầm của người lớn chứ?" 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình: Bài 12 - Thứ Tư 8/4/2015

 

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

 

Hôm nay chúng ta hoàn tất bài chia sẻ về trẻ em trong loạt bài giáo lý về gia đình, những con người này là hoa trái phúc lành đẹp đẽ nhất của Đấng Hóa Công đã ban cho con người nam nữ. Chúng ta đã nói về trẻ em là một tặng ân cao cả; hôm nay, tiếc thay, chúng ta cần phải nói về "những câu chuyện khổ nạn" mà nhiều em phải trải qua.

 

Rất ư là nhiều trẻ em đang bị ruồng bỏ ngay từ đầu, bị bỏ rơi, bị cướp mất tuổi thơ của các em và tương lai của các em. Có một số người dám nói, hầu như để tự biện minh cho mình, rằng thật là sai lầm đem chúng vào trần gian. Đấy là những gì ô nhục! Xin chúng ta đừng trút đổ lầm lỗi của chúng ta lên đầu trẻ em! Trẻ em không bao giờ là "một lầm lỗi". Tình trạng đói ăn của các em không phải là một lỗi lầm, tình trạng nghèo khổ của các em cũng thế, tính mỏng dòn yếu đuối của các em cũng vậy, tình trạng các em bị bỏ rơi cũng thế - rất nhiều em bị bỏ rơi trên đường phố; tình trạng vô tri của các em hay tình trạng bất lực của các em cũng vậy - có rất nhiều trẻ em không hề biết đến học đường. Trái lại, đó là những lý do lại càng phải yêu thương các em hơn nữa, quảng đại với các em hơn nữa. Chúng ta đang làm gì đây ở những tuyên ngôn long trọng về các quyền lợi của con người và các quyền lợi của trẻ em để rồi sau đó chúng ta lại quay ra trừng phạt trẻ em vì những lỗi lầm của người lớn chứ? 

 

Những ai có trách nhiệm phải quản trị, giáo dục - nhưng theo tôi thì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với trẻ em và đối với mỗi một người chúng ta trong việc làm những gì có thể để thay đổi tình trạng này. Tôi đang nói đến "cuộc khổ nạn" của trẻ em. Hết mọi đứa trẻ bị hết ra ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi đang sống ăn mày ăn xin trên hè phố bằng tất cả mọi phương kế, không được đến trường, không được chăm sóc sức khỏe, là một tiếng kêu vang lên Thiên Chúa và đang tố cáo cái thể chế được người lớn chúng ta tạo nên. Thảm thương thay, những trẻ em này đang trở thành mồi ngon cho thành phần tội ác, những kẻ đang khai thác các em cho các cuộc buôn bán bất xứng, hay huấn luyện các em cho các cuộc chiến tranh và bạo lực. Tuy nhiên, ở các xứ sở được gọi là giầu thịnh lại có rất nhiều trẻ em cũng sống các thảm kịch một cách trầm trọng, gây ra bởi gia đình khủng hoảng, bởi thiếu giáo dục và bởi các điều kiện sống có những lúc dã man vô nhân đạo. Trong bất cứ trường hợp nào cũng thế, chúng là các trẻ em bị phạm đến về thân xác và linh hồn. Tuy nhiên, Chúa Cha trên trời lại không quên một ai trong những trẻ em này! Từng giọt lệ của các em đều được Ngài quan tâm lứu ý! Ngài cũng không bỏ qua trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm xã hội của con người ta, của từng người trong chúng ta, và của các xứ sở

 

Có lần Chúa Giêsu đã khiển trách các môn đệ của Người vị các vị đã xua đuổi trẻ em được cha mẹ các em mang đến với Người để Người chúc lành cho các em. Đoạn Phúc Âm thật là cảm động: "Bấy giờ các em được mang đến với Người để Người đặt tay trên chúng mà cầu nguyện. Các môn đệ lên tiếng trách móc dân chúng; thế nhưng Chúa Giêsu đã nói: 'Hãy để trẻ em đến cùng Thày, đừng ngăn cản chúng; vì nước trời thuộc về những ai giống như chúng'. Và Người đã đặt tay trên chúng rồi ra đi" (Mathêu 19:13-15). Niềm tin tưởng này của các người làm cha làm mẹ dễ thương biết bao, cả việc đáp ứng của Chúa Giêsu cũng vậy nữa! Tôi mong muốn biết bao cho đoạn Phúc Âm này trở thành một câu chuyện bình thường của tất cả mọi trẻ em! Thật vậy, nhờ Chúa, mà trẻ em bị các sự khốn khó trầm trọng thường lại có được những người làm cha làm mẹ đặc biệt, sẵn sàng quảng đại hy sinh bất cứ giá nào. Tuy nhiên, những người làm cha làm mẹ này lại bị lẻ loi một mình! Chúng ta cần phải nâng đỡ nỗ lực của họ, mà còn cống hiến cho họ những giây phút chung vui và thảnh thơi hạnh phúc nữa, nhờ đó họ không chỉ loay hoay lẩn quẩn với những gì là liên miên trị liệu.  

 

Ở bất cứ trường hợp nào, khi có vấn đề về trẻ em, chúng ta không được nghe những luận điệu bao che về luật pháp như: "dù sao chúng tôi không phải là một thực thể về an sinh", hay "mỗi người được tự do làm những gì họ muốn tùy nghi", hoặc "chúng tôi không thích thì chúng tôi không thể làm gì hết". Những lời lẽ này không đúng khi liên quan đến vấn đề về trẻ em. 

 

Những tác dụng gây ra bởi một đời sống căng thẳng do công việc bấp bênh hay lương lậu không khá, bởi những giờ giấc ngoài tầm tay, bởi tình trạng thiếu phương tiện chuyên chở, thì trẻ em là thành phần phải hứng chịu... Thể nhưng, trẻ em cũng phải trả giá cho các cuộc hợp hôn non dại và các cuộc phân ly vô trách nhiệm: các em là những nạn nhân đầu tiên; các em phải chịu đựng các kết quả từ nền văn hóa của những thứ quyền lợi chủ quan quá khích, và rồi chúng trở nên thành phần trẻ em sớm tinh khôn nhất. Thường các em hấp thụ bạo lực là những gì các em không thể "tiêu hóa", và dưới con mắt của thành phần khôn lớn thì các em đang bị cưỡng ép để trở nên dầy dạn với những gì là thoái hóa

 

Cả trong thời đại của chúng ta, cũng như trong quá khứ, Giáo Hội lấy tình từ mầu mà phục vụ trẻ em cùng gia đình của các em. Giáo Hội mang đến cho các phụ huynh và các em của thế giới chúng ta đây phúc lành của Thiên Chúa, niềm êm ái dịu dàng mẫu thân, lời khiển trách mạnh mẽ và việc lên án quyết liệt. Người ta không được giỡn chơi với trẻ em!

 

Hãy nghĩ xem một một xã hội sẽ ra sao một khi chấp nhận nguyên tắc này: "Thật ra thì chúng ta đều bất toàn và chúng ta đều gây ra nhiều lầm lỗi. Tuy nhiên, về vấn đề trẻ em vào trần gian này, việc người lớn hy sinh không có gì là quá đắt giá hay quá lớn lao để đứa nhỏ khỏi nghĩ rằng nó là một thứ lỗi lầm, nó chẳng có giá trị gì và nó bị bỏ rơi cho các vết thương đau của đời sống cũng như cho cái ngạo mạn của con người". Tuyệt vời thay một xã hội như thế! Tôi cho rằng một xã hội như thế đáng được thứ tha, muôn vàn lầm lỗi của nó - thật vậy, nhiều lầm lỗi được tha thứ. 

 

Chúa phán xét đời sống của chúng ta bằng việc lắng nghe các vị thiên thần nói với Ngài về trẻ em, các vị thiên thần "hằng chiêm ngưỡng nhan Chúa trên trời" (Mathêu 18:10). Chúng ta cần phải luôn tự vần xem: các vị thiên thần của trẻ em nói gì với Thiên Chúa về chúng ta?

xem thêm video clip: http://www.romereports.com/pg160978-pope-francis-it-is-shameful-that-some-children-are-left-by-parents-en

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-the-passion-suffered-by-children