GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014

 

2015

 

"Gia đình và giáo xứ là hai nơi trong đó mối hiệp thông yêu thương được hiện thực... 

gia đình và giáo xứ cần phải thực hiện phép lạ sống cộng đồng hơn cho toàn thể xã hội..."

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình bài 27 Thứ Tư 9/9/2015

 

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

 

Hôm nay tôi muốn chú trọng đến mối liên hệ giữa gia đình và cộng đồng Kitô hữu. Có thể nói nó là một thứ "liên hệ" tự nhiên, vì Giáo Hội là một gia đình thiêng liêng và gia đình là một tiểu Giáo Hội (xem Lumen gentium, 9). Cộng đồng Kitô hữu là nhà của những ai tin vào Chúa Giêsu như nguồn mạch của tình huynh đệ giữa tất cả con người. Giáo Hội bước đi giữa các dân tộc, bước đi trong lịch sử của con người nam nữ, của những người làm cha làm mẹ, của những người con nam nữ: đó là một lịch sử được Chúa quan tâm. Những biến cố lớn lao của các quyền lực trần gian này đang được viết lại trong các sách sử học và chúng lưu lại ở đó. Tuy nhiên, lịch sử về những cảm tình của con người được trực tiếp viết trong cõi lòng của Thiên Chúa; và nó là một lịch sử tồn tại đến muôn đời. Đó là nơi chốn của sự sống và của đức tin. Gia đình là nơi khởi sự của chúng ta - nơi bất khả thay thế, bất khả lu mờ - đối với lịch sử này, đối với lịch sử sự sống đời đời sẽ được kết thúc bằng việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa vô cùng bất tận trên Thiên Đàng. Thế nhưng, nó được bắt đầu trong gia đình! Bởi thế, gia đình rất quan trọng. Con Thiên Chúa đã học biết lịch sử con người bằng cách ấy, và Người đã sống lịch sử này cho tới cùng (xem Do Thái 2:18;5:8).

 

Thật là tốt đẹp trong việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu một lần nữa cùng với những dấu hiệu của mối liên hệ này! Người được sinh ra trong một gia đình và ở đó Người "học biết về thế giới" bao gồm một xưởng thợ, bốn căn nhà, một ngôi làng chẳng là gì. Tuy nhiên, nhờ sống kinh nghiệm này 30 năm trời, Chúa Giêsu đã đồng hóa với thân phận của con người, qui tụ nó lại vào mối hiệp thông giữa Người với Cha của Người cũng như vào chính sứ vụ tông đồ của Người. Sau đó, khi Người rời bỏ Nazarét và bắt đầu cuộc sống công khai của mình, Người đã hình thành một cộng động ở với Người, "một hội đồng", tức là một tập hợp của những con người. Đó là ý nghĩa của chữ "giáo hội". Trong các Phúc Âm, cộng đồng của Chúa Giêsu mặc hình thức của một gia đình hiếu khách, chứ không phải là một giáo phái duy biệt: chúng ta thấy có Thánh Phêrô và Gioan, nhưng cũng có thành phần đói khát, thành phần xa lạ và thành phần bị bách hại, thành phần tội nhân và thu thuế, thành phần biệt phái và đám đông dân chúng. Và Chúa Giêsu không thôi tiếp nhận và nói với tất cả mọi người, cũng như với những ai không còn mong muốn gặp gỡ Thiên Chúa trong cuộc đời của họ nữa. Đó là một bài học mạnh mẽ cho Giáo Hội!

 

Chính các môn đệ đã được chọn để chăm sóc cộng đồng này, gia đình các vị khách của Thiên Chúa. Để cho thực tại cộng đồng của Chúa Giêsu này được sống động ngày hôm nay đây, không thể nào không làm sống lại mối liên minh giữa gia đình và cộng đồng Kitô hữu. Chúng ta có thể nói rằng gia đình và giáo xứ là hai nơi trong đó mối hiệp thông yêu thương được hiện thực, một mối hiệp thông có nguồn mạch tối hậu của mình nơi chính Thiên Chúa

 

Một Giáo Hội thực sự theo Phúc Âm không thể nào lại thiếu hình thức của một ngôi nhà tiếp nhận qua những cánh cửa luôn mở ra. Các thánh đường, các giáo xứ, các cơ quan đóng cửa không được gọi là Giáo Hội; chúng phải được gọi là những bảo tàng viện! Đó là một mối liên minh quan trọng ngày hôm nay đây. "Chúng ta đặt niềm hy vọng một lần nữa vào các trung tâm yêu thương này, vào những trung tâm truyền bá phúc âm hóa này, những nơi phong phú về tình nồng ấm của con người bằng tình liên đới và tham gia", cũng như bằng việc tha thứ cho nhau (PONTIFICAL CONSTITUTION FOR THE FAMILY, the Teachings of J.M. Bergoglio – Pope Francis on the Family and Life, 1999-2014, LEV 2014, 189). Ngày nay rất cần phải tái củng cố mối liên hệ giữa gia đình và cộng đồng Kitô hữu. Chắc chắn là cần phải có một đức tin quảng đại để phục hồi trí thông minh và lòng can đảm trong việc làm mới lại mối liên minh ấy. Đôi khi các gia đình thoái lui, khi nói rằng họ chưa đạt tới mức độ ấy: "Thưa cha, chúng con là một gia đình nghèo và đồng thời cũng lệch lạc làm sao ấy", "Chúng con không có khả năng", "Chúng con đã có quá nhiều vấn đề ở nhà rồi", "Chúng con không có sức". Đúng thế, thế nhưng nào có ai xứng đáng chứ, nào có ai đạt được chỉ tiêu chứ, nào có ai mạnh mẽ chứ! Chúng ta chẳng có thể làm gì được nều thiếu ơn Chúa, Chúng ta lãnh nhận mọi sự một cách nhưng không! Và Chúa chẳng bao giờ đến với một gia đình nào mà chẳng làm phép lạ. Chúng ta hãy nhớ đến những gì Người đã làm ở Tiệc Cưới Cana! Phải, nếu chúng ta đăt mình vào bàn tay của Ngài,thì Chúa giúp chúng ta làm phép lạ - những phép lạ của cuộc sống hằng ngày khi Chúa ở trong gia đình ấy.

 

Dĩ nhiên, cộng đồng Kitô hữu cũng cần phải làm phần của mình nữa. Chẳng hạn, nó cần phải tìm cách thắng vượt những thái độ quá chỉ huy và quá hành chánh, bằng việc nuôi dưỡng cuộc đối thoại liên cá thể cũng như việc tương kiến và tương kính. Các gia đình hãy thực hiện bước khởi đầu và cảm thấy mình có trách nhiệm đóng góp những tặng ân quí báu của mình với cộng đồng này. Tất cả chúng ta cần phải nhận thức rằng đức tin Kitô giáo được thể hiện nơi lãnh vực rộng mở của đời sống chung với tất cả mọi người; gia đình và giáo xứ cần phải thực hiện phép lạ sống cộng đồng hơn cho toàn thể xã hội. Mẹ của Chúa Giêsu ở Cana là một "Người Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành". Chúng ta hãy lắng nghe tiếng của Mẹ: "Hãy làm những gì Người bảo" (xem Gioan 2:5). 

 

Các gia đình thân mến, các cộng đồng giáo xứ thân yêu, chúng ta cần phải để cho mình được tác động bởi Người Mẹ này: chúng ta hãy làm mọi sự Chúa Giêsu bảo chúng ta và chúng ta sẽ thấy phép lạ xẩy ra! - một phép lạ của hằng ngày. Cám ơn anh chị em. 

 

 

http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-the-family-and-the-christian-community

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)