GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

"Lòng thủy chung là một lời hứa dấn thân để tự mình làm cho trọn vẹn và tăng triển việc  tự do chấp nhận những gì đã nói. Lòng thủy chung là một niềm tin tưởng thực sự 'muốn' được chia sẻ, và là một niềm hy vọng 'muốn' được cùng nhau vun trồng".

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình bài 32 - Thứ Tư 21/10/2015

 

 

Xin chào anh Chị Em thân mến!

 

Trong bài suy niệm lần vừa rồi, chúng ta đã chia sẻ về những hứa hẹn quan trọng của cha mẹ với con cái, khi chúng được yêu thương nghĩ đến và được cưu mang trong lòng dạ.

 

Chúng ta có thể nói thêm là, khi nhìn kỹ vào gia đình, thì thực tại của toàn thể gia đình được đặt nền tảng trên một lời hứa: hãy nghĩ kỹ điều ấy, đó là căn tính của gia đình được dựa vào một lời hứa. Có thể nói rằng gia đình sinh động bắt đầu từ lời hứa yêu thương và lòng thủy chung được người nam và người nữ thề nguyền với nhau. Điều này bao gồm cả việc dấn thân lãnh nhận và giáo dục con cái, thế nhưng nó cũng được thực thi nơi việc chăm sóc cho cả cha mẹ lão thành nữa, nơi việc bảo vệ và giúp đỡ những phần tử yếu kém nhất của gia đình, nơi việc giúp đỡ nhau hoàn trọn những phẩm chất của nhau cũng như chấp nhận những giới hạn của nhau.

 

Lời hứa sống đời phu thê bao gồm cả việc chia sẻ niềm vui nỗi khổ của tất cả những người làm cha, làm mẹ và làm con, bằng sự rộng lượng cởi mở với tất cả những gì liên quan đến việc con người chung sống và công ích. Gia đình nào tự khép kín thì mâu thuẫn với lời hứa, thì gây tử vong cho lời hứa hẹn trong việc làm gia đình được xuất phát và sống động. Đừng bao giờ quên căn tính của gia đình; cái căn tính này bao giờ cũng là một lời hứa vươn ra và được vươn rộng tới toàn thể gia đình cũng như tất cả nhân loại. 

 

Trong thời điểm của chúng ta đây, việc coi trọng lòng thủy chung với lời hứa sống đời gia đình thì rất ư là yếu kém. Một đàng gây ra bởi một thứ quyền lợi sai lạc trong việc tìm kiếm những gì là thỏa mãn bản thân mình, bằng bất cứ giá nào và với bất cứ mối liên hệ nào. Thứ quyền này được suy tôn như là một nguyên tắc tự do bất khả thương lượng. Mặt khác lại gây ra bởi việc họ chỉ dựa trên những gì luật lệ trói buộc liên quan đến các mối tương quan nơi cuộc sống liên hệ cũng như nơi việc dấn thân cho công ích. Tuy nhiên, thực sự thì không ai lại muốn được yêu vì các thiện ích của mình hay vì bị bắt buộc.Tình yêu, cũng như liên hệ, có được sức mạnh của mình và vẻ đẹp của mình chính là vì sự kiện này: đó là nó làm phát sinh mối hiệp nhất mà không bị mất tự do. Yêu thương là những gì tự do; lời hứa của gia đình là những gì tự do. Đó là vẻ đẹp của nó. Thiếu tự do thì chẳng có gì là tình nghĩa bạn bè; thiếu tự do thì chẳng có vấn đề yêu thương; thiếu tự do thì chẳng có chuyện hôn nhân. Bởi thế, tự do và lòng thủy chung không được ngược chống nhau, hơn thế nữa, chúng nâng đỡ nhau, cả ở nơi các mối liên hệ riêng tư và xã hội. Thật vậy, chúng ta hãy nghĩ đến những tác hại gây ra bởi thứ văn minh truyền thông toàn cầu nơi việc lạm phát những lời hứa hẹn cần được tuân giữ ở một số lãnh vực, cũng như bằng việc nuông chiều tính bất tín trung với những gì hứa hẹn và dấn thân

 

Phải, anh chị em thân mến, lòng thủy chung là một lời hứa dấn thân để tự mình làm cho trọn vẹn và tăng triển việc  tự do chấp nhận những gì đã nói. Lòng thủy chung là một niềm tin tưởng thực sự "muốn" được chia sẻ, và là một niềm hy vọng "muốn" được cùng nhau vun trồng. Khi nói về lòng thủy chung, chúng ta nghĩ đến những gì các vị lão thành của chúng ta, những gì ông bà của chúng ta đã nói với chúng ta về 'những thời điểm khi tỏ ra đồng ý thì chỉ cần một cái bắt tay, vì đã có tính tín trung nơi những lời hứa hẹn ấy rồi'. Việc tỏ ra đồng ý này, một biến cố xã hội, cũng có nguồn gốc của nó trong gia đình, nơi việc bắt tay của một người nam và một người nữ cùng nhau trọn đời tiến bước. Việc thủy chung với những lời hứa hẹn thật sự là một kiệt tác của nhân loại! Nếu chúng ta nhìn vào vẻ đẹp táo bạo của nó, chúng ta cảm thấy rùng mình, thế nhưng nếu chúng ta khinh thường tình chất bền bỉ can trường của nó, chúng ta sẽ bị lạc loài. Không có mối liên hệ yêu thương nào - không có tình bạn hữu nào, không có cách thức yêu thương nào, không có hạnh phúc công ích nào - vươn tới cao điểm của lòng chúng ta ước mong và hy vọng, nếu thứ phép lạ này của linh hồn không xẩy ra nơi chúng ta. Tôi nói "phép lạ" là vì sức mãnh liệt và tính thuyết phục của lòng thủy chung, bất chấp mọi sự, không bao giờ tận cùng, làm cho chúng ta hân hoạn và khiến cho chúng ta bàng hoàng. Việc tôn kính những gì đã nói, việc trung tín với những gì hứa hẹn, không thể nào mua bán được. Chúng không thể bị cưỡng bức hay có thể theo đuổi mà lại thiếu hy sinh.

 

Không có một học đường nào có thể dạy về sự thật của tình yêu nếu gia đình không làm điều ấy. Không có thứ luật nào có thể áp đặt vẻ đẹp và di sản của kho tàng phẩm giá con người này, nếu mối hiệp nhất riêng tư giữa tình yêu và việc truyền sinh không đánh dấu nó nơi xác thịt của chúng ta. 

 

Thưa anh chị em, cần phải phục hồi niềm tôn trọng của xã hội đối với lòng thủy chung yêu thương, phục hồi niềm tôn trọng của xã hội đối với lòng tín trung của tình yêu. Cần phải lấy đi cái bản chất bí mật nơi phép lạ hằng ngày của hằng bao nhiêu là triệu con người nam nữ đang tái phát sinh nền tảng gia đình của họ, là những gì mà mỗi xã hội nhờ đó sống động, nhưng không có cách nào bảo đảm được nó. Không phải là tình cờ ngẫu nhiên mà nguyên tắc thủy chung với lời hứa yêu thương và sinh sản này được ghi dấu nơi việc Thiên Chúa tạo dựng như là một phúc lành vĩnh viễn mà thế giới được ký thác cho nó.

 

Nếu Thánh Phaolô có thể khẳng định rằng trong mối hiệp nhất gia đình một sự thật định đoạt được tỏ hiện một cách huyền nhiệm đối với cả mối hiệp nhất giữa Chúa và Giáo Hội, thì có nghĩa là tự mình Giáo Hội gặp được ở đây một phúc lành để chăm sóc và học hỏi, thậm chí ngay cả trước khi giảng dạy nó. Lòng thủy chung của chúng ta với lời hứa hẹn bao giờ cũng được ký thác cho ân sủng và tình thương của Thiên Chúa. Tình yêu thương đối với gia đình nhân loại, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, là vấn đề Giáo Hội trân trọng! Xin Thiên Chúa giúp chúng ta sống trọn vẹn lời hứa này. 

 

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Nghị Phụ của Thượng Nghị: xin Chúa chúc lành cho việc làm của các vị, được thi hành bằng bằng tấm lòng tín trung sáng tạo, tin tưởng rằng Đấng, là đầu, là Chúa, trung thành với những lời hứa hẹn của Ngài. Xin cám ơn anh chị em. 

 

 

http://www.zenit.org/en/articles/on-promises-made-between-husband-and-wife

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)




Giáo Hội Hiện Thế 

 

1- Sức khỏe của ĐTC bị báo chí tuyên truyền sai lạc

 

Vì có một tờ nhật báo Ý quốc tung tin là Đức Thánh Cha Phanxicô bị bướu não và đang được chữa trị, sáng hôm nay, Thứ Tư 21/10/2015, Cha Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh, đã phổ biến những lời như sau:

 

"Việc loan tải tin tức hoàn toàn vô căn cớ này liên quan đến sức khỏe của Đức Thánh Cha bởi một tờ nhật báo Ý thật là những gì bất trách nghiêm trọng và chẳng đáng chú tâm. Hơn nữa, hiển nhiên rõ ràng là Đức Giáo Hoàng đang thi hành sinh hoạt rất bận rộn của ngài một cách hoàn toàn bình thường". 

 

Sau đó, trong buổi tường trình về Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới đang diễn ra, vị linh mục phát ngôn viên của Tòa Thánh này còn nói thêm như sau:

 

"Tôi hoàn toàn khẳng định lời tôi đã nói trước, bằng cách chứng thực các sự kiện từ các nguồn thích đáng, bao gồm cả chính Đức Thánh Cha.

 

"Không có một bác sĩ Nhật bản nào đã đến thăm viếng Đức Giáo Hoàng ở Vatican và không hề có một thứ khám bệnh nào theo kiểu được đề cập đến trong bài báo ấy. Các văn phòng liên hệ đã xác nhận rằng không có phần tử nào bên ngoài đã đến Vatican bằng trực thăng, cũng thế, không hề có chuyện đến Vatican nào tương tự như thế xẩy ra vào Tháng Giêng vừa rồi.

 

"Tôi có thể khẳng định rằng Đức Giáo Hoàng đang lành mạnh về sức khỏe. 

 

"Tôi xin lập lại rằng việc phổ biến tin tức sai lầm này là một hành động vô trách nhiệm nghiêm trọng, hoàn toàn không thể nào chạy tội được và táng tận lương tâm. Cũng thế, không thể nào biện minh cho việc tiếp tục tung ra những thứ tin tức vô căn cứ như thế. Bởi thế, tôi hy vọng rằng vấn đề này cần phải được lập tức chấm dứt". 

 

2- Đức Thánh Cha viếng thăm anh chị em vô gia cư ở Vatican

 

Tối Thứ Năm 15/10/2015, như được vị giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh xác nhận sáng hôm sau, "đêm hôm qua, vào buổi tối, sau khi cuộc họp của Thượng Nghị, sau 7 giờ một chút, Đức Thánh Cha đã đến nhà ngủ mới giành cho nam giới vô gia cư ở Via dei Penitenzieri, trong khu vực của Nhà Tổng Quyền của Dòng Tên". 

 

Khu nhà ngủ mới này được gọi là "Dono di Mesericordia - Quà Tặng của Tình Thương, vừa được khánh thành trong tháng 10/2015 này. Khu nhà cho 34 nam giới vô gia cư, được tài trợ bởi Tông Phòng Bác Ái Cứu Trợ, và được tặng bởi Nhà Mẹ của Dòng Tên ở Rôma để đáp lại lời kêu gọi của ngài ngỏ cùng cộng đồng tu sĩ trong việc cho dân chúng trú ngụ khi cần và trong những lúc khó khăn ở khu vực viện tu của các dòng. 

 

Khi Đức Thánh Cha đến thăm thì ngài được nghênh đón bởi vị phát chẩn viên của ngài là Đức TGM Konrad Krajewski, bởi Cha Tổng Quyền Dòng Tên Adolfo Nicolás v.v. cùng với các nữ tu Dòng Thừa Sái Bác Ái của Mẹ Chân Phước Terêsa Calcutta. 

 

Ngài đã chào hỏi từng người (trong 30 người) anh em vô gia cư và ngỏ ý muốn tham quan một vòng khu nhà mới này. "Đức Giáo Hoàng đã ở đó khoảng 20 phút với các vị khách này, những người tỏ ra cảm động và sung sướng về việc ngài viếng thăm ấy".

 

Theo qui định thì để được nhận vào sống ở ngôi nhà mới giành cho người vô gia cư này, ai cũng phải được phỏng vấn bởi các nữ tu trách nhiệm ở đây. Họ có thể ở đó tối đa là 30 ngày. Giờ giấc được vào nhà ngủ này là từ 6-7 giờ tối, thức dậy vào lúc 6:15 sáng và giờ đóng cửa là 8 giờ sáng để thu quén dọn dẹp. Ai được đến ở đây thì trước khi đến được ăn tối ở Casa Dono di Maria, và được ăn điểm tâm trước khi ra đi hôm sau. Họ có thể tắm rửa ở các phòng tắm giành cho họ ở khu vực Hàng Cột của Quảng Trường Thánh Phêrô.  

 

Về nhà trọ cho chị em vô gia cư thì từ năm 1988, ở Casa Dono di Maria Vatican, đã có 50 giường cho họ trú ngụ qua đêm, và thường có 30 chị em cần đến nơi trú ngụ này mỗi đêm.  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp theo VIS (Vatican Information Services)