GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

"Chúng ta không phải là những đứa con mồ côi; 

chúng ta là con cái của Giáo Hội, chúng ta là con cái của Đức Mẹ,

và chúng ta là con cái các bà mẹ của chúng ta".

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Mẹ Chúa GiêsuMẹ Giáo Hội và Mẹ Gia Đình Thứ Tư ngày 7/1/2014

 

Anh Chị Em thân mến chào anh chị em buổi sáng! 

 

Hôm nay, chúng ta tiếp tục giáo lý về Giáo Hội và chúng ta sẽ suy tư về Mẹ Giáo Hội. Giáo Hội là Mẹ, Mẹ Thánh Giáo Hội của chúng ta.

 

Trong những ngày này, phụng vụ của Giáo Hội đã nêu lên trước mắt chúng ta hình ảnh Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Ngày đầu tiên trong năm là ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, một ngày lễ được tiếp theo bởi Lễ Hiển Linh là lễ gợi lại cuộc viếng thăm của các vị Đạo Sĩ. Thánh ký Mathêu viết: "tiến vào nhà họ đã thấy con trẻ cùng với Maria là Mẹ của Người, và họ phục xuống thờ lạy Người" (Mathêu 2:11). Chính Người Mẹ này, vị mà sau khi hạ sinh Người, trao ban Người Con này cho thế giới. Mẹ cống hiến cho chúng ta Chúa Giêsu, Mẹ tỏ Chúa Giêsu ra cho chúng ta, Mẹ làm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu.

 

Chúng ta tiếp tục với bài giáo lý về gia đình, và trong gia đình có người mẹ. Hết mọi người đều nợ người mẹ sự sống của mình, và hầu như luôn nặng nợ bà về cuộc sống sau đó của họ, việc giáo dục về nhân bản và tinh thần của họ. Tuy nhiên, mặc dù được tôn tụng theo các quan điểm biểu hiệu - rất nhiều vần thơ, rất nhiều điều đẹp đẽ đã nói một cách thi ca về người mẹ - người mẹ vẫn ít được lắng nghe và ít được giúp đỡ trong cuộc sống hằng ngày, ít được quan tâm đến vai trò chính yếu của họ trong xã hội. Thật vậy, thường hay xẩy ra tình trạng lợi dụng việc người mẹ sẵn sàng hy sinh cho con cái của mình để "đỡ" các chi phí của xã hội. 

 

Trong cộng đồng Kitô giáo cũng xẩy ra tình trạng người mẹ không được coi trọng một cách chính đáng, bà ít được lắng nghe. Tuy nhiên, ở tâm điểm của đời sống Giáo Hội là Người Mẹ của Chúa Giêsu. Có lẽ cần phải lắng nghe hơn nữa những người mẹ sẵn sàng hy sinh cho con cái của mình - và cũng không hiếm trường hợp hy sinh cho cả những con cái của người khác nữa. Cần phải thông cảm hơn nữa đối với cuộc đối chọi hằng ngày của họ trong việc làm sao để hiệu năng hóa việc làm của họ kèm theo sự chú tâm và lòng trìu mến trong gia đình; cần hiểu hơn nữa những gì họ mong muốn bày tỏ, những hoa trái của việc giải phóng họ một cách tốt đẹp nhất và đích thực nhất. Người mẹ luôn có vấn đề với con cái của mình, luôn có việc để làm. Tôi nhớ ở trong nhà -  5 đứa con chúng tôi - trong khi  đứa nọ làm điều này, đứa kia nghĩ làm điều khác, khiến người mẹ tội nghiệp của chúng tôi phải lo cho hết đứa này đến đứa kia, nhưng bà lấy làm vui sướng. Bà đã cống hiến cho chúng tôi rất nhiều. 

 

Các người mẹ là chất giải độc mạnh nhất để ngăn chận tình trạng lan tràn của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. "Cá nhân" tức là "không thể phân chia". Trái lại, các người mẹ thì lại "phân chia bản thân mình ra", từ giây phút bà có được một đứa con để cống hiến nó cho thế giới và làm cho nó tăng trưởng. Chính họ, chính các bà mẹ, là những người ghét các cuộc chiến tranh giết chết con cái của mình. Tôi rất nhiều lần nghĩ đến những bà mẹ nhận được bức thư thế này: "Tôi báo cho bà biết rằng con trai của bà đã bỏ mình trong việc bảo vệ quê cha đất tổ..." Những người phụ nữ đáng thương! Những người mẹ chịu đựng biết bao! Họ là những người chứng kiến thấy vẻ đẹp của sự sống. 

 

Đức Tổng Giám Mục Oscar Amulfo Romero đã nói rằng các bà mẹ sống "một cuộc tử đạo làm mẹ". Trong bài giảng án táng cho một vị linh mục bị sát hại bởi các toán tử thần, ngài đã âm vang Công Đồng Chung Vaticanô II như sau: "Tất cả chúng ta cần phải chết cho đức tin của chúng ta, cho dù Chúa không ban cho chúng ta vinh dự này... việc cống hiến mạng sống của mình không có nghĩa là bị sát hại; việc cống hiến mạng sống của mình, theo tinh thần tử đạo, đó là việc dấn thân làm nhiệm vụ, trong thinh lặng, trong nguyện cầu, trong việc chân tình hoàn thành nhiệm vụ của mình; trong sự thinh lặng của cuộc sống hằng ngày; trong việc hiến sự sống mình từng chút một. Phải, như một người mẹ cống hiến sự sống, người mà không lo âu sợ hãi, chân tình chấp nhận cuộc tử đạo làm mẹ, thụ thai đứa con trong bụng dạ của mình, cho nó có sự sống, nuôi dưỡng nó, giúp nó lớn lên và ân cần chăm sóc cho nó. Đó là cống hiến sự sống của mình. Đó là tử đạo". Lời trích dẫn kết thúc ở chỗ này. Phải, việc làm mẹ không chỉ có nghĩa là sinh con vào đời mà còn là một chọn lựa của cuộc sống nữa. Đâu là những gì người mẹ chọn, việc người mẹ chọn sự sống là gì? Việc người mẹ chọn sự sống đó là chọn cống hiến sự sống, đó là những gì cao cả, là những gì đẹp đẽ. 

 

Một xã hội không có những người mẹ là một xã hội vô nhân bản, vì các bà mẹ bao giờ cũng có thể chứng tỏ, ngay cả trong những giây phút tệ hại nhất, nỗi dịu dàng, việc dấn thân, sức mạnh về luân lý. Người mẹ cũng thường truyền đạt ý nghĩa sâu xa nhất của việc hành đạo. Giá trị đức tin được in ấn vào đời sống của một con người nơi các kinh nguyện đầu tiên, nơi những cử chỉ sùng mộ đầu tiên mà con trẻ học đượcNó là một sứ điệp mà những người mẹ tin tưởng có thể truyền đạt không cần phải giải thích: những thứ giải thích sau này mới cần, còn hạt giống đức tin ở những giây phút đầu tiên rất quí báu ấy - và Giáo Hội là Mẹ, bằng tất cả những sự ấy, Giáo Hội là Mẹ của chúng ta! Chúng ta không phải là những đứa con mồ côi; chúng ta có một Người Mẹ! Đức Mẹ, Người Mẹ của Giáo Hội, là Mẹ của chúng ta. Chúng ta không phải là những đứa con mồ côi; chúng ta là con cái của Giáo Hội, chúng ta là con cái của Đức Mẹ, và chúng ta là con cái các bà mẹ của chúng ta.

 

Các bà mẹ rất thân mến, xin cám ơn các bà; cám ơn các bà về những gì các bà là ở trong gia đình và về những gì các bà cống hiến cho Giáo Hội và cho thế giới. Xin cám ơn Giáo Hội, Giáo Hội yêu dấu, xin cám ơn Giáo Hội vì làm Mẹ. Xin cám ơn Mẹ Maria, Mẹ của Thiên Chúa, vì đã giúp chúng con thấy Chúa Giêsu. Xin cám ơn tất cả mọi người mẹ hiện diện ở nơi đây: chúng ta hãy chào họ bằng tràng pháo tay!

 

(Trong phần chào hỏi cuối cùng, ngài đã ngỏ lời cùng đám xiệc nằng Ý ngữ, như sau:)

 

Trước hết, tôi muốn ngỏ lời cám ơn những người làm xiệc đã đến đây. Chúng ta nghĩ rằng: "Hãy đi xem xiệc, cùng nhau vui thú..." Phải, đúng thế, xiệc là một màn trình diễn và chúng ta cảm thấy vui thú xem. Chúng ta cũng thấy những con người nam nữ làm những sự lạ, khéo léo biểu diễn thăng bằng. Phải, đúng thế; chúng ta đã từng thấy như thế. Hãy gặp họ ở đó, hãy chào họ tất cả! Tuy nhiên, xiệc còn dạy chúng ta một cái gì hơn thế nữa. Người biểu diễn làm xiệc là thành phần tạo nên vẻ đẹp; họ là sáng tạo viên của vẻ đẹp! Đúng thế, đời sống của chúng ta là những gì rất cụ thể, chúng ta hành sự, bao rộng hơn nữa công việc của mình - điều này cần phải thực hiện; hãy làm việc, ngôn ngữ của đôi bàn tay, hãy làm việc. Tuy nhiên đời sống của chúng ta còn là suy tư nữa, còn là lý luận. Điều này quan trọng vì chúng ta là những con vật tư duy. Suy nghĩ, ngôn từ của trí khôn, là những gì quan trọng. Chúng ta cũng là con người yêu thương, những con người có khả năng để yêu thương: ngôn nữ của tấm lòng. Suy nghĩ là ngôn ngữ của trí khôn; yêu thương là ngôn ngữ của tấm lòng; làm việc là ngôn ngữ của đôi tayVà tất cả 3 thứ ngôn ngữ này hiệp nhất lại làm thành mối hòa hợp của con ngườiVà vẻ đẹp là ở chỗ đó. Những con người này, thành phần hôm nay thực hiện màn biểu diễn ấy, là các sáng tạo viên của sự hòa hợp, sáng tạo viên của vẻ đẹp, dạy một đường lối cao hơn về vẻ đẹp. Thiên Chúa thực sự là chân thật, Thiên Chúa thật sự là tốt lành, Thiên Chúa thật sự có thể làm nhiều điều; Ngài đã tạo dựng nên thế giới này, nhưng trước hết Ngài là Đấng diễm lệ! - sự mỹ của Thiên Chúa. Chúng ta rất thường quên mất vẻ đẹp! Nhân loại suy nghĩ, cảm xúc, hành động thế nhưng ngày nay nhân loại rất cần đến vẻ đẹp. Chúng ta đừng quên điều này và cám ơn những con người tốt lành này trong việc làm của họ, giỏi thăng bằng trong màn biểu diễn nhưng đặc biệt là giỏi trong việc tạo nên vẻ đẹp. Xin cám ơn tất cả anh chị em rất nhiều. 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (bao gồm nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-general-audience-address-on-mother-church-and-motherhood