GIÁO HỘI HIỆN THẾ
"'Có thẩm quyền' đây nghĩa là gì?
Nghĩa là nơi ngôn ngữ loài người của Chúa Giêsu
người ta cảm thấy được quyền lực của Lời Chúa,
cảm thấy chính thẩm quyền của Thiên Chúa,
Đấng linh ứng Thánh Kinh".
Đức Thánh Cha Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Thường Niên 1/2/2015
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em buổi sáng!
Bài Phúc Âm Chúa Nhật này (Marco 1:21-28) cho thấy Chúa Giêsu, Đấng, cùng với
cộng đoàn môn đệ nhỏ bé của mình, tiến vào Capenaum là thành phố Thánh Phêrô
sinh sống và là thành phố vào thời ấy lớn nhất Galilêa. Người đã đến thành ấy.
Thánh ký Marcô nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu, hôm ấy là ngày Hưu lễ, đã mau
chóng đến hội đường và Người đã bắt đầu giảng dạy (câu 21). Điều này khiến chúng
ta nghĩ đến tính chất chính yếu của Lời Chúa, một lời cần phải được lắng nghe,
nhận lãnh và loan truyền.
Khi đến Capernaum, Chúa Giêsu không tung ra
những lời loan báo về Phúc Âm, Người không nghĩ đến dự tính cần yểm trợ, cho dù
thật sự là cần thiết, từ cộng đoàn nhỏ bé của Người. Người không lãng phí thời
gian cho việc tổ chức. Quan
tâm chính yếu của Người đó là mối quan tâm truyền đạt Lời Chúa bằng sức mạnh của
Thánh Linh.
Dân chúng trong hội đường đã tỏ ra ngỡ ngàng sửng sốt vì Chúa Giêsu "đã dạy họ
như một đấng có thẩm quyền chứ không như các luật sĩ" (câu 22).
"Có thẩm quyền" đây nghĩa là gì? Nghĩa
là nơi ngôn ngữ loài người của Chúa Giêsu người ta cảm thấy được quyền lực của
Lời Chúa, cảm thấy chính thẩm quyền của Thiên Chúa, Đấng linh ứng Thánh Kinh. Một
trong những đặc tính của Lời Chúa đó là nói sao nên vậy. Vì Lời Chúa tương hợp
với ý muốn của Ngài. Trái lại, chúng
ta thường nói những lời rỗng không, chẳng sâu xa hay là những lời hời hợt nông
nổi, không tương hợp với chân lý.Còn Lời
Chúa tương hợp với chân lý và liên kết với ý muốn của Ngài cùng thực hiện những
gì Ngài nói.
Thật vậy, sau khi giảng dạy, Chúa Giêsu đã mau chóng chứng tỏ thẩm quyền của
mình bằng việc giải thoát một người đang có mặt trong hội đường bị quỉ ám (câu
23-26). Chính thẩm quyền thần linh của Chúa Kitô đã làm cho Satan đang ẩn nấp
trong con người ấy đã phải tỏ phản ứng; về phần mình, Chúa Giêsu liền nhận ra
ngay tiếng của sự dữ và "khiển trách hắn rằng: 'Hãy im đi! Xuất ngay ra khỏi
người này!'" (câu 25). Chỉ bằng quyền năng lời của mình, Chúa Giêsu đã giải
thoát con người ấy khỏi sự dữ. Những ai có mặt lại bàng hoàng sửng sốt một lần
nữa. "Nhưng con người này, Người từ đâu mà đến vậy? Người ra lệnh một cái đến cả
các thần ô uế cũng phải tuân phục Người". Lời Chúa mãnh liệt khiến chúng ta bàng
hoàng. Lời Chúa gây cho chúng ta sửng sốt.
Phúc Âm là lời sự sống: Phúc Âm không áp đảo con người, trái lại, Phúc Âm giải
thoát những ai bị rất nhiều thần dữ trong thế giới này cầm buộc, giải thoát họ
khỏi lòng dính bén với tiền bạc, với kiêu kỳ, với cảm giác... Phúc Âm
làm thay đổi tâm can, Phúc Âm khiến tâm can thay đổi! Phúc Âm làm thay đổi
cuộc đời; Phúc Âm biến xu hướng làm dữ thành những quyết định làm lành.
Phúc Âm có khả năng biến đổi lòng người. Vì thế, phận vụ của Kitô hữu là lan
truyền khắp nơi quyền năng cứu chuộc này, trở thành các nhà truyền giáo và những
người rao giảng tin mừng Lời Chúa. Chính đoạn văn của bài đọc hôm nay được kết
thúc bằng một hé mở truyền giáo đã cho thấy điều ấy: "Danh tiếng của Người -
danh tiếng của Chúa Giêsu - lan ra khắp cả miền Galilêa" (câu 28).
Giáo huấn mới được Chúa Giêsu giảng dạy đầy thẩm quyền này là những gì Giáo Hội
mang đến cho thế giới, cùng với những dấu hiệu thực sự về sự hiện diện của
Người, ở chỗ giáo
huấn có thẩm quyền và hành động giải thoát của Con Thiên Chúa trở thành ngôn từ
cứu độ và tác động yêu thương của Giáo Hội thừa sai.
Hãy luôn nhớ rằng Phúc Âm có quyền lực làm thay đổi cuộc sống! Đừng quền điều
này! Đó là tin
mừng biến đổi chúng ta chỉ khi nào chúng ta để mình được nó biến đổi. Và đó là
lý do tại sao tôi xin anh chị em luôn phải hằng ngày giao tiếp với Phúc Âm.
Hãy đọc Phúc Âm hằng ngày; một đoạn thôi. Hãy suy niệm Phúc Âm và cũng hãy mang
Phúc Âm theo anh chị em đi khắp nơi, ở trong túi của anh chị em, ở trong xách
tay của anh chị em. Tức là hãy nuôi dưỡng mình hằng ngày từ nguồn mạch cứu độ
bất tận này. Đừng quên đọc một đoạn Phúc Âm hằng ngày. Phúc Âm là quyền năng
thay đổi chúng ta, là quyền lực biến đổi chúng ta, Phúc Âm thay đổi cuộc đời,
Phúc Âm thay đổi tâm can.
Chúng ta hãy xin lời chuyển cầu từ mẫu của Trinh Nữ Maria là vị đã lãnh nhận lời
Chúa và sinh sản Lời Chúa cho thế giới, cho toàn thể nhân loại. Chớ gì Mẹ dạy
chúng ta biết trở thành những người chuyên chú lắng nghe và là thành phần uy tín
loan truyền Phúc Âm của Thiên Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn
mạnh tự ý)
http://www.zenit.org/en/
Phụ thêm: Sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha loan báo một dự định mới
của ngài vốn chưa có trong lịch trình sinh hoạt năm 2015 của ngài, đó là chuyến
tông du của ngài đến Sarajevo là thủ đô của Bosnia Herzegovina vào ngày mùng 6
tháng 6 năm nay. Ngài xin cầu nguyện cho chuyến tông du này của ngài. Thế rồi
sau khi chào hỏi các phái đoàn hành hương có mặt tại Quảng Trường Thánh Phêrô
bấy giờ, ngài bao giờ cũng kết thúc buổi nguyện Kinh Truyền Tin trưa Chúa
Nhật bằng việc chúc mọi người một Chúa Nhật tốt đẹp, rồi xin cầu nguyện cho ngài
cùng chúc họ một bữa trưa ngon.