GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014
2015
"Các
người coi thường giới luật của Thiên Chúa mà gắn bó với truyền thống loài
người...
Phán ra những lời ấy Chúa Giêsu cũng muốn cảnh giác cả chúng ta hôm nay nữa, anh
chị em có nghĩ như thế hay chăng? Cảnh giác chúng ta về ý nghĩ rằng việc tuân
giữ luật lệ bề ngoài đã đủ để là một Kitô hữu tốt lành...
Đó là những gì Chúa Giêsu lên án vì nó là một thứ phản chứng Kitô giáo".
Đức Thánh Cha Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXII Thường Niên
ngày 30/8/2015
Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy một cuộc tranh luận giữa Chúa
Giêsu và một số người Pharisiêu và luật sĩ. Cuộc tranh luận này liên quan đến
"truyền thống của cha ông" (Marco 7:3), một thứ truyền thống được Chúa Giêsu,
trích lời Tiên tri Isaia, cho là "những qui lệ của loài người". Và chúng
không được thay thế cho "các giới luật của Thiên Chúa".
Những qui định xưa được đặt ra ở đây bao gồm chẳng những các qui luật của Thiên
Chúa đã tỏ cho Moisen biết mà còn cả một loạt những chi tiết dẫn giải những
gì đặc biệt nơi các lời chỉ dẫn của lề luật Moisen nữa.
Những người đàm luận này đã áp dụng những chuẩn mực ấy một cách rất tỉ mỉ và cho
thấy chúng như là những gì thể hiện tính chất tôn giáo thực sự. Nên họ khiển
trách Chúa Giêsu và các môn đệ của Người về việc lỗi phạm các điều ấy, đặc biệt
là những gì liên quan đến việc thanh tẩy bên ngoài của thân thể.
Câu trả lời của Chúa Giêsu có mãnh lực của một lời công bố ngôn sứ: "Các
người coi thường giới luật của Thiên Chúa mà gắn bó với truyền thống loài người".
Đó là những lời khiến cho chúng ta đầy lòng cảm phục vị Sư Phụ của chúng ta, ở
chỗ, chúng ta cảm thấy rằng nơi Người chất chứa sự thật và sự khôn ngoan của
Người giải thoát chúng ta khỏi định kiến.
Thế nhưng, đến đây cũng hãy coi chừng. Phán
ra những lời ấy Chúa Giêsu cũng muốn cảnh giác cả chúng ta hôm nay nữa, anh
chị em có nghĩ như thế hay chăng? Cảnh
giác chúng ta về ý nghĩ rằng việc
tuân giữ luật lệ bề ngoài đã đủ để là một Kitô hữu tốt lành. Đối
với những người biệt phái ngày xưa thế nào thì chúng ta cũng có nguy cơ cho rằng
chúng ta ngon lành hết mọi sự, hay chúng ta khá hơn những người khác ở chỗ tuân
giữ một số luật phép hay tập tục nào đó, thậm chí chúng ta không yêu thương tha
nhân, chúng ta cứng lòng và tỏ ra kiêu hãnh.
Việc tuân giữ theo chữ nghĩa các qui luật là những gì cằn cỗi nếu nó không
làm thay đổi tâm can và nếu nó không được chuyển thành những thái độ cụ thể, ở
chỗ hướng mình tới cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và lời của Ngài, ở chỗ tìm kiếm công
lý và hòa bình, ở chỗ giúp đáp người nghèo, những kẻ yếu kém và những ai bị áp
bức.
Tất cả chúng ta đều biết ở nơi cộng đồng, giáo xứ và hàng xóm láng giềng của
chúng ta, những gì là xấu xa lọt vào Giáo Hội cũng như gương mù gây ra bởi những
ai gọi mình là Công giáo, thành phần thường đi nhà thờ thế rồi trong cuộc sống
hằng ngày của họ lại không chăm sóc gia đình của họ, lại nói xấu người khác v.v.
Đó là những gì Chúa Giêsu lên án vì nó là một thứ phản chứng Kitô giáo.
Tiếp tục với huấn dụ của mình, Chúa Giêsu còn chú ý tới
một khía cạnh khác sâu xa hơn nữa và khẳng định rằng: "Không gì từ ngoài vào
trong con người có thể làm con người ra ô uế mà là những sự xuất phát từ bên
trong mới làm cho họ trở thành dơ bẩn".
Như thế là Người nhấn mạnh đến tính chất chính yếu nội tâm của "tấm lòng": những điều
bên ngoài không phải là những gì làm cho chúng ta nên thánh hảo hay không thánh
hảo, mà tấm lòng là những gì thể hiện các ý hướng của chúng ta, thể hiện các ước
muốn của chúng ta và ước muốn làm mọi sự vì yêu mến Thiên Chúa.
Những thể hiện bề ngoài là thành quả của những gì chúng ta quyết định trong lòng
chứ không phải ngược lại. Với những thể hiện bề ngoài mà nếu tấm lòng không
thay đổi thì chúng ta không phải là Kitô hữu thật sự. Biên giới giữa thiện và ác
không phải ở bên ngoài chúng ta mà là ở bên trong chúng ta, ở trong lương tâm
chúng ta.
Chúng ta có thể tự vấn xem: Lòng
của chúng ta ở đâu? Chúa Giêsu đã phán kho tàng của các con ở đâu thì lòng các
con ở đó. Kho tàng của tôi là gì? Phải chăng là Chúa Giêsu và giáo huấn của
Người? Lòng
của tôi thì tốt lành hay kho tàng của tôi lại là một điều gì khác? Bởi vậy chính
tấm lòng là những gì chúng ta cần phải thanh tẩy và hoán cải. Không có một con
tim được thanh tẩy chúng ta không bao giờ có được đôi bàn tay thực sự thanh sạch
và miệng lưỡi có thể nói lên những lời chân thành đầy yêu thương, nhân hậu và
tha thứ.
Chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Rất Thánh Trinh Nữ, ban
cho chúng ta một trái tim tinh tuyền, thoát khỏi tất cả những gì là giả hình -
giả hình là tĩnh từ được Chúa Giêsu sử dụng với những người Pharisiêu, thành
phần giả hình, vì nói một đàng mà làm một nẻo. Một trái tim thoát khỏi tất cả
những gì là giả hình, nhờ đó
chúng ta có thể sống theo tinh thần của lề luật và đạt được mục đích của nó là
yêu thương.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn
mạnh tự ý).
http://www.zenit.org/en/