GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: thứ kinh tế sát hại

 

Vào ngày Thứ Ba 13/1/2014 tới đây sẽ có một tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Ý, tựa đề"Papa Francesco. Questa economia uccide" (Đức Giáo Hoàng Phanxicô: thứ kinh tế sát hại), trong đó, ở cuối sách có phần phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô của nhị vị đồng tác giả Andrea Tornielli và Giacomo Galeazzi , một cuộc phỏng vấn họ đã thực hiện vào Tháng 10/2014. Sau đây là một số câu phỏng vấn đặc biệt liên quan đến người nghèo ở trang 228 trong tác phẩm này Papa Francesco. Questa economia uccide, Piemme, pp. 228

 

Pope Francis

 

 

Vấn: Tâu Đức Thánh Cha, theo ý nghĩ của Đức Thánh Cha thì phải chăng chủ nghĩa tư bản của các thập niên vừa qua là một thể chế bất khả đảo ngược?

 

Đáp: Tôi không biết phải trả lời câu hỏi này ra sao. Tôi nhìn nhận rằng việc toàn cầu hóa đã giúp cho nhiều người thoát khỏi nghèo khổ, thế nhưng nó cũng đầy đọa nhiều người khác đói khổ cho đến chết. Sự giầu thịnh toàn cầu thực sự là đang gia tăng không thể chối cãi, thế nhưng những gì bất quân bình cũng tăng theo cùng với tình trạng bần cùng mới. Điều mà tôi nhận thấy đó là thể chế này tự chống đỡ bằng một thứ văn hóa thải trừ là thứ văn hóa tôi đã đề cập đến mấy lần rồi. Có những thứ chính trị, khoa xã hội học và thậm chí cả thái độ thải trừ. Khi mà tiền bạc, thay vì con người, là trọng tâm của thể chế này, khi mà tiền bạc trở thành một thứ ngẫu tượng, thì con người nam nữ trở thành như là các thứ dụng cụ thuần túy của một thể chế xã hội và kinh tế, một thể chế có đặc tính, đúng hơn bị chủ trị bởi những gì hết sức bất quân bình. Bởi vậy mà theo lý lẽ này chúng ta loại trừ đi bất cứ những gì không còn hữu dụng; chính thái độ này đã loại trừ trẻ em và thành phần già lão, giờ đây đến giới trẻ. Tôi giật mình khi biết rằng ở trong các nước phát triển có rất nhiều triệu thành phần giới trẻ dưới 25 tuổi chẳng có việc làm gì hết. Tôi đã gán cho họ cái tên là thứ giới trẻ 'nhì nhằng / neither-nor', vì họ chẳng học hành cũng chẳng làm việc. Họ không học hành vì họ chẳng có cơ hội để học, họ cũng không làm việc, vì chẳng có việc để làm. Thế nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh về thứ văn hóa thải trừ; khía cạnh khiến con người loại trừ các thơ nhi bằng việc phá thai. Tôi sửng sốt trước mức sinh thấp ở Ý quốc đây; chúng ta đã đánh mất đi mối liên kết của chúng ta với tương lai là như thế. Thứ văn hóa thải trừ cũng đi đến chỗ triệt sinh an tử kín đáo những người già nữa, thành phần bị loại bỏ. Thay vì họ được coi như ký ức của chúng ta, mối liên hệ của chúng ta với quá khứ và là nguồn mạch khôn ngoan cho hiện tại. Đôi khi tôi tự hỏi rằng đâu là cái sẽ bị thải trừ tiếp theo đây? Chúng ta cần ngưng lại trước khi quá trễ. Xin chúng ta làm ơn ngưng lại đi! Thế nên, trong nỗ lực trả lời câu hỏi của quí vị, tôi muốn nói rằng chúng ta không được coi tình trạng này như là những gì bất khả đảo ngược. Chúng ta đừng chịu thua nó. Chúng ta hãy cố gắng và xây dựng một xã hội và một nền kinh tế đặt trọng tâm vào con người và phúc hạnh của họ thay vì tiền bạc.

 

Vấn: Vấn đề tăng thêm đạo lý nơi lãnh vực kinh tế có thể làm thay đổi hay chăng, bằng hình thức của một thứ quan tâm gia tăng về công lý xã hội, hay việc nghiên cứu liên quan đến các thứ thay đổi về cơ cấu đối với thể chế cũng được rồi? 

 

Đáp: Trước hết chúng ta cần nhớ rằng chúng ta cần đến đạo lý nơi kinh tế, đồng thời chúng ta cũng cần đạo lý nơi cả chính trị nữa. Các vị lãnh đạo Quốc Gia và các vị lãnh đạo chính trị khác nhau, thành phần tôi đã gặp từ khi được chọn làm Giám Mục Rôma, đã nói với tôi về điều này, không phải là một lần đâu. Họ đã nói với tôi rằng, chúng tôi là thành phần lãnh đạo tôn giáo, cần giúp họ và cống hiến cho họ những chỉ dẫn về đạo lý. Phải, vị mục tử có thể thực hiện các lời kêu gọi của mình, thế nhưng tôi xác tín rằng chúng ta cần, như Đức Benedicto XVI đã nhắc lại trong thông điệp Yêu Thương trong Chân Lý của ngài là con người nam nữ hướng về Chúa trong nguyện cầu với cánh tay của mình; ý thức rằng tình yêu và việc chia sẻ, những gì mang lại việc phát triển chân thực, không phải là một sản phẩm của bàn tay chúng ta mà là một tặng ân cần kêu xin. Tôi đồng thời cũng xác tín rằng chúng ta cần những con người nam nữ này dấn thân ở mọi lãnh vực, về xã hội, chính trị, các tổ chức và kinh tế, để hoạt động cho công ích. Chúng ta không thể đợi chờ lâu hơn nữa trong việc giải quyết các nguyên nhân về cơ cấu của bần cùng, để chữa lành xã hội của chúng ta cho khỏi một chứng bệnh chỉ có thể dẫn đến những cuộc khủng khoảng mới. Các thứ thị trường cùng với việc nghiên cứu về tài chính không thể nào có lợi từ việc hoàn toàn tự lập. Không giải quyết vấn đề của người nghèo, chúng ta sẽ không giải quyết được các vấn đề của thế giới này. Chúng ta cần đến những dự án, những phương pháp và những tiến trình để áp dụng việc phân phối các nguồn lợi một cách tốt đẹp hơn, từ việc kiến tạo nên những việc làm mới đến việc phát triển toàn diện những ai bị loại trừ. 

 

Vấn: Tại sao những lời mạnh mẻ có tính cách tiên tri của Đức Giáo Hoàng Piô XI trong thông điệp Quadragesimo Anno của ngài chống lại chủ nghĩa đế quốc toàn cầu về tiền bạc, ngày nay, đối với nhiều người - thậm chí là Công giáo - lại có vẻ rất ư là cực đoan và thái quá? 

 

Đáp: Đức Piô XI chỉ có vẻ thái quá đối với những ai cảm thấy bị lời ngài tấn công và bị những lời lên án tiên tri của ngài đánh trúng. Thế nhưng vị Giáo Hoàng này không phóng đại, ngài đã nói lên sự thật sau cuộc khủng hoảng về kinh tế và tài chính năm 1929, và, như một viên leo núi giỏi, ngài đã thấy được các sự việc theo bản chất của chúng, ngài có thể nhìn xa trông rộng. Tôi sợ rằng những ai vẫn còn muốn đặt vấn đề trước những lời khiển trách của Đức Piô XI là những người đã đi quá đà...

 

Vấn: Phải chăng những nơi trong thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc (của Đức Phaolô VI, biệt chú của người dịch), nói rằng tư hữu không phải là một thứ quyền tuyệt đối mà là những gì phụ thuộc vào công ích, và những nơi trong Sách Giáo Lý của Thánh Giáo Hoàng Piô X, vị liệt kê, trong số các tội kêu Trời Cao báo oán, việc đàn áp người nghèo và ăn gian lương bổng của nhân công là những gì vẫn còn hiệu lực?

 

Đáp: Chúng chẳng những vẫn còn hiệu lực mà thời gian càng qua đi tôi lại thấy chúng càng được kinh nghiệm chứng thực nữa. 

 

Vấn: Những lời của Đức Thánh Cha về người nghèo như là 'nhục thể của Chúa Kitô' đã gây đụng chạm mãnh liệt nơi nhiều người. Đức Thánh Cha có cảm thấy bị phiền toái trước lời tố cáo về 'chủ nghĩa bần cùng' (pauperism) hay chăng?

 

Đáp: Trước khi Thánh Phanxicô Assisi xuất hiện thì đã có 'thành phần bần cùng'; có nhiều đường hướng thành phần bần cùng ở Thời Trung Cổ. Chủ nghĩa bần cùng là một thứ biếm họa về Phúc Âm và về chính sự nghèo khổ. Trái lại, Thánh Phanxicô đã giúp chúng ta khám phá thấy cái liên hệ sâu xa giữa nghèo khổ và đường lối của Phúc Âm. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không thể làm tôi hai chủ là Thiên Chúa và giầu sang. Phải chăng đó là chủ nghĩa bần cùng? Chúa Giêsu nói với chúng ta đâu là 'chuẩn mẫu' để căn cứ vào đó chúng ta bị phán xét. Đó là vị chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 25: Ta đói, Ta khát, Ta tù ngục, Ta yếu đau, Ta trần truồng và các ngươi giúp đỡ Ta, mặc cho Ta, viếng thăm Ta, chăm sóc Ta. Khi nào chúng ta làm điều ấy cho một trong những người anh chị em hèn mọn nhất của chúng ta là chúng ta làm điều ấy cho Chúa Giêsu. Việc chăm sóc cho tha nhân của chúng ta, cho những ai nghèo khổ, cho những ai chịu khổ nơi thân xác và linh hồn, cho những ai đang thiếu thốn. Đó là tiêu chuẩn. Phải chăng đó là chủ nghĩa bần cùng? Không, đó là Phúc Âm. Nghèo khổ đưa chúng ta ra khỏi ngẫu tượng và khỏi cảm giác tự mãn. Giakêu, sau khi đã bắt gặp ánh mắt nhân hậu của Chúa Giêsu, đã cho người nghèo cả nửa gia tài của mình. Sứ điệp Phúc Âm là để cho hết mọi người, Phúc Âm không lên án người giầu, mà là việc sùng bái ngẫu tượng giầu sang phú quí, việc sùng bái ngẫu tượng làm cho con người thành dửng dưng trước tiếng gọi của người nghèo. Chúa Giêsu đã nói rằng, trước khi chúng ta dâng lễ vật của chúng ta trên bàn thờ, chúng ta cần phải làm hòa với anh em của chúng ta. Cũng thế, tôi nghĩ chúng ta cần phải nới rộng điều yêu cầu làm hòa này với những người anh em nghèo khổ này nữa. 

 

VấnĐức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tính chất liên tục với truyền thống của Giáo Hội nơi mối liên hệ của Giáo Hội với người nghèo. Đức Thánh Cha có thể cho chúng tôi mấy thí dụ về điều này? 

 

Đáp: Trước khi khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II một tháng, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói rằng 'Giáo Hội chứng tỏ mình như Giáo Hội muốn là Giáo Hội của hết mọi người, đặc biệt là Giáo Hội của người nghèo'. Vào những năm sau đó, việc đối xử ưu ái với người nghèo ấy đã trở thành giáo huấn chính thức. Một số người nghĩ nó là một cái gì đó mới mẻ, thật ra nó là mối quan tâm xuất phát từ Phúc Âm và được trở thành văn kiện ngay từ các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Nếu tôi lập lại một số đoạn từ những bài giảng của các vị Giáo Phụ của Giáo Hội, vào thế kỷ thứ hai và thứ ba, về cách thức chúng ta cần phải đối xử với người nghèo, thì một số người có thể sẽ tố cáo tôi là thực hiện một bài giảng về chủ nghĩa Mác-Xít. 'Anh chị em không biến thành một quà tặng từ những gì là của anh chị em cho người nghèo mà là anh chị em đang trả lại cho họ những gì là của họ. Những gì anh chị em đang chiếm hữu là để sử dụng chung của hết mọi người. Trái đất này thuộc về hết mọi người, chứ không phải về người giầu'. Đó là những lời của Thánh Ambrosio, những lời được Đức Phaolô VI sử dụng để nói, trong Thông Điệp Sự Tiến Triển của Các Dân Tộc, rằng của cải riêng tư không tạo nên một thứ quyền lợi tuyệt đối và vô điều kiện đối với bất cứ ai, và không ai được phép giữ độc quyền sử dụng những gì thặng dư đối với các nhu cầu của họ, trong khi các người khác đang thiếu thốn những nhu cầu căn bản. Thánh Gioan Chrysostom đã nói rằng 'việc không chia sẻ các sản vật của anh chị em với người nghèo có nghĩa là anh chị em đánh cắp họ và lấy mạng sống của họ. Những sản vật chúng ta có không phải của chúng ta mà là của họ'. (...) Như chúng ta thấy đó, mối quan tâm đối với người nghèo này là ở trong Phúc Âm, nó ở trong truyền thống của Giáo Hội, nó không phải là một phát minh của cộng sản chủ nghĩa và nó không được biến thành một thứ ý hệ, như đôi khi đã xẩy ra trước đây trong giòng lịch sử. Giáo Hội, khi mời gọi chúng ta hãy thắng vượt những gì tôi gọi là 'việc toàn cầu hóa tính chất dửng dưng', hoàn toàn không dính dáng gì tới bất cứ khuynh hướng chính trị nào và bất cứ ý thức hệ nào. Giáo Hội được tác động bởi duy những lời của Chúa Giêsu, và muốn cống hiến việc đóng góp của mình trong việc xây dựng một thế giới là nơi chúng ta lưu ý đến nhau và chăm sóc cho nhau. 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/38493/