GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

"Một trong những thách đố khẩn trương nhất tôi muốn nói đến trong

 

Sứ Điệp này đó chính là vấn đề toàn cầu hóa tình trạng dửng dưng lạnh

 

 lùng".

Đức Thánh Cha Phanxicô - Sứ Điệp Mùa Chay 2015


 
Anh Ch Em thân mến,

Mùa Chay là thời điểm canh tân cho toàn thể Giáo Hội, cho mỗi một cộng đoàn và hết mọi tín hữu. Trước hết nó là "thời điểm của ân sủng" (2Corinto 6:2). Thiên Chúa không xin chúng ta bất cứ điều gì mà chính Ngài không ban cho chúng ta trước. "Chúng ta hãy mến yêu vì Ngài đã yêu mến chúng ta trước" (1Gioan 4:19). Người không cách xa chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều có một chỗ ở trong cõi lòng Ngài. Ngài biết đích danh chúng ta, Ngài chăm sóc cho chúng ta và Ngài tìm kiếm chúng ta những khi chúng ta trở mặt với Ngài. Ngài chuyên chú tới từng người chúng ta; tình yêu của Ngài không cho phép Ngài được dửng dưng lạnh lùng với những gì xẩy ra cho chúng ta. Bình thường, khi chúng ta được lành mạnh và thoải mái, chúng ta quên mất người khác (những gì Thiên Chúa chẳng bao giờ làm): chúng ta chẳng quan tâm gì tới các vấn đề của họ, các khổ đau của họ và các thứ bất công họ phải chịu... Cõi lòng của chúng ta trở nên lạnh lùng. Bao lâu tôi còn tương đối lành mạnh và thoải mái, tôi không nghĩ đến những ai kém may mắn. Ngày nay, thái độ dửng dưng vị kỷ này đã đạt tới tầm mức toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đến một thứ toàn cầu hóa tình trạng dửng dưng lạnh lùng. Nó là một vấn đề mà chúng ta là thành phần Kitô hữu cần phải đương đầu

Khi dân của Thiên Chúa hoán cải trở về với tình yêu của Ngài thì họ thấy được những giải đáp cho các vấn nạn được lịch sử liên tục khơi lên. Một trong những thách đố khẩn trương nhất tôi muốn nói đến trong Sứ Điệp này đó chính là vấn đề toàn cầu hóa tình trạng dửng dưng lạnh lùng.
Thái độ dửng dưng lạnh lùng với tha nhân của chúng ta và với Thiên Chúa cũng cho thấy một chước cám dỗ thực sự đối với cả Kitô hữu chúng ta nữa. Mỗi năm, trong Mùa Chay, chúng ta cần nghe lại một lần nữa tiếng của các vị tiên tri kêu lên khiến cho lương tâm của chúng ta day dứt. 
Thiên Chúa không tỏ ra dửng dưng lạnh lùng với thế giới của chúng ta; Ngài đã quá yêu thương nó đến ban Con của Ngài vì phần rỗi của chúng ta. Trong việc Nhập Thể, nơi đời sống trần gian, nơi cái chết và phục sinh của Con Thiên Chúa, cánh cổng giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và đất, một lần nữa được mở ra cho tất cả mọi người. Giáo Hội như thể bàn tay giữ cho cánh cửa mở ra, nhờ việc Giáo Hội loan báo lời của Thiên Chúa, việc Giáo Hội cử hành các bí tích và nhờ chứng từ đức tin qua đức ái của Giáo Hội (xem galata 5:6). Thế nhưng thế giới lại có khuynh hướng co mình lại và đóng lại cánh cửa mà qua đó Thiên Chúa đã tiến vào thế gian và thế gian có thể đến với Ngài. Bởi thế mà bàn tay, tức Giáo Hội, không bao giờ được tỏ ra ngạc nhiên khi bị loại trừ, chà đạp và đả thương. 
Bởi vậy, dân của Thiên Chúa cần đến cuộc canh tân nội tâm này, kẻo chúng ta trở nên dửng dưng lạnh lùng và thu mình lại. Để đào sâu hơn việc canh tân đổi mới này, tôi muốn gợi lên cho việc suy nghĩ của chúng ta 3 đoạn Thánh Kinh. 

1- "Nếu một phần thể đau đớn thì tất cả cùng đớn đau" (1Corinto 12:26) - Giáo Hội
Tình yêu của Thiên Chúa phá tan cái co thân thụt mình tai hại là tính chất dửng dưng lạnh lùng. Giáo Hội cống hiến cho chúng ta tình yêu này của Thiên Chúa bằng giáo huấn của Giáo Hội và nhất là bằng chứng từ của Giáo Hội. Thế nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng cho những gì chính chúng ta đã nghiệm cảm thấy mà thôi. Kitô hữu là thành phần, cùng với Chúa Kitô, để cho Thiên Chúa mặc cho họ sự thiện hảo và lòng xót thương, nhờ đó, như Chúa Kitô, trở nên tôi tớ của Thiên Chúa và của người khác. Điều này rõ ràng được thấy nơi phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, với nghi thức rửa chân. Thánh Phêrô không muốn Chúa Kitô rửa chân cho mình, thế nhưng ngài đã nhận ra rằng Chúa Giêsu không muốn chỉ trở thành một tấm gương về cách thức chúng ta cần phải rửa chân cho nhau. Chỉ có những ai trước hết để cho Chúa Giêsu rửa chân cho mình thì họ mới có thể cống hiến việc phục vụ này cho người khác. Chỉ khi nào họ được dự "phần" với Người (Gioan 13:8) thì họ mới có thể phục vụ kẻ khác 
Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc để cho Chúa Kitô phục vụ chúng ta nhờ đó về phần mình chúng ta mới có thể trở nên giống như Người hơn. Điều này xẩy ra khi chúng ta nghe lời của Thiên Chúa và lãnh nhận các bí tích, nhất là Thánh Thể. Khi ấy chúng ta trở nên những gì chúng ta nhận lãnh, đó là Thân Mình của Chúa Kitô. Nơi thân mình này, không có chuyện dửng dưng lạnh lùng là những gì dường như rất thường xâm chiếm cõi lòng của chúng ta. Vì bất cứ ai bởi Chúa Kitô đều thuộc về một thân thể duy nhất, và trong Người chúng ta không thể nào lại tỏ ra dửng dưng lạnh lùng với nhau được. "Nếu một phần thể khổ đau thì tất cả mọi phần thể khác đều đau khổ; nếu một phần thể được vinh dự thì mọi phần thể khác đều được hân hoan" (1Corinto 12:26). 
Giáo Hội là mối hiệp thông các thánh - communio sanctorum không phải chỉ vì các thánh nhân của Giáo Hội, mà còn vì Giáo Hội là mối hiệp thông của các sự thánh nữa, ở chỗ tình yêu của Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nơi Chúa Kitô cùng với tất cả mọi tặng ân của Ngài. Trong số những tặng ân này bao gồm cả việc đáp ứng của những ai để mình cho tình yêu này chạm tới. Trong mối hiệp thông các thánh, trong việc thông phần vào các sự thánh này, không ai chiếm hữu được bất cứ điều gì một mình mà là để chia sẻ mọi sự với người khác. Và vì chúng ta được liên kết trong Thiên Chúa, chúng ta có thể làm một điều gì đó cho những ai xa cách, những ai chúng ta không thể tự mình vươn tới được, vì, cùng với họ và cho họ, chúng ta xin Chúa để tất cả chúng ta được cởi mở trước dự án cứu độ của Ngài. 

2- "Em của ngươi đâu?" (Khởi Nguyên 4:9) - Các Giáo Xứ và Các Cộng Đoàn

Tất cả chúng ta đã từng nói về Giáo Hội hoàn vũ giờ đây cần phải áp dụng cho đời sống của các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta. Những cơ cấu giáo hội này có giúp cho chúng ta cảm nghiệm thấy mình thuộc về một thân thể hay chăng? Một thân mình nhận lãnh và chia sẻ những gì Chúa muốn ban cho hay chăng? Một thân mình có lưu ý và chăm sóc cho những phần thể yếu kém nhất, nghèo khổ nhất và nhỏ mọn nhất hay chăng? Hay chúng ta nép vào một thứ tình yêu phổ quát bao gồm toàn thế giới, trong khi lại không thấy được Lazarô đang ngồi ở trước những cánh cửa then cài của chúng ta (xem Luca 16:19-31)?
Để lãnh nhận những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta và làm cho nó sinh hoa kết trái, chúng ta cần phải dấn thân vượt ra ngoài biên cương bờ cõi của Giáo Hội hữu hình bằng hai cách.
Trước hết, bằng việc liên kết mình vào lời cầu nguyện với Giáo Hội trên trời. Những lời cầu nguyện của Giáo Hội trên trái đất này là những gì thiết lập một mối hiệp thông của việc phục vụ lẫn nhau cũng như của sự thiện hảo vươn lên trước nhan Thiên Chúa. Cùng với các thánh là những vị đã đạt được tầm vóc viên trọn của mình trong Thiên Chúa, chúng ta làm nên một phần của mối hiệp thông tình yêu thắng vượt những gì là dửng dưng lạnh lùng.Giáo Hội trên trời không phải là Giáo Hội chiến thắng vì Giáo Hội này đã quay lưng lại với những khổ đau của thế giới và hoan hưởng vinh quang một cách cô lập. Trái lại, các thánh là những vị đã hoan hỉ thấy được sự kiện là, nhờ cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, các vị đã chiến thắng một lần vĩnh viễn những gì là dửng dưng lạnh lùng, là cứng lòng và hận thù ghen ghét. Cho đến khi cuộc chiến thắng của tình yêu này thấm nhập toàn thế giới, các thánh vẫn tiếp tục hỗ trợ chúng ta trên con đường hành trình của chúng ta. Thánh Thérèse Lisieux, Tiến Sĩ của Hội Thánh, đã bày tỏ niềm xác tín của mình là niềm vui trên trời, vì cuộc hiển thắng của tình yêu tử giá vẫn chưa trọn vẹn, bao lâu vẫn còn một người nam hay nữ trên thế gian này chịu khổ đau và đớn đau kêu than: "Tôi thực sự tin tưởng rằng tôi sẽ không rảnh rỗi ở trên trời; tôi mong muốn tiếp tục làm việc cho Giáo Hội và cho các linh hồn" (Thư 254, ngày 4/7/1897). 
Chúng ta thông phần vào công nghiệp và niềm vui của các thánh, thậm chí như các vị tham phần vào các thứ chống chọi của chúng ta cũng như niềm trông mong hòa bình và hòa giải của chúng ta. Niềm vui của các vị nơi cuộc vinh thắng của Chúa Kitô Phục Sinh cống hiến cho chúng ta sức mạnh khi chúng ta cố gắng thắng vượt tính chất dửng dưng lạnh lùng và cứng lòng của chúng ta. 
Sau nữa, hết mọi cộng đồng Kitô hữu đều được kêu gọi để vươn mình ra tham gia vào đời sống của một xã hội bao rộng hơn trong đó có các cộng đồng này, nhất là vươn mình ra với người nghèo và những ai xa cách. Giáo Hội tự chính bản chất của mình là truyền giáo; Giáo Hội không thu mình lại mà được sai đến với hết mọi quốc gia và dân tộc. 
Sứ vụ của Giáo Hội là nhẫn nại làm chứng cho Đấng muốn kéo tất cả mọi tạo vật và hết mọi con người nam nữ đến cùng Cha. Sứ vụ của Giáo Hội là mang đến cho tất cả mọi người một thứ tình yêu không thể lặng thinh. Giáo Hội theo Chúa Giêsu Kitô dọc theo những con đường dẫn đến với mọi con người nam nữ, đến tận cùng trái đất (xem Tông Vụ 1:8). Bởi thế, nơi mỗi tha nhân của chúng ta, chúng ta cần phải thấy được một người anh em hay chị em được Chúa Kitô chết đi và sống lại cho. Những gì chúng ta đã lãnh nhận, là chúng ta lãnh nhận cả cho họ nữa. Cũng thế, tất cả những gì anh chị em của chúng ta có đều là tặng ân cho Giáo Hội cũng như cho toàn thể nhân loại. 
Anh chị em thân mến, tôi thiết tha biết bao mong muốn thấy tất cả những nơi Giáo Hội hiện diện, nhất là các giáo xứ của chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta, trở nên những hải đảo tình thương giữa biển khơi dửng dưng lạnh lùng!

3- "Hãy làm cho tâm can của anh em nên vững mạnh" (Giacôbê 5:8) - Từng cá nhân Kitô hữu

Cả với tư cách là cá nhân nữa, chúng ta cũng xu hướng về tính chất dửng dưng lạnh lùng.Nhận được tràn ngập những tin tức và các hình ảnh nhức nhối về cảnh khổ đau của nhân loại, chúng ta thường cảm thấy hoàn toàn bất lực trong việc giúp đỡ. Chúng ta có thể làm gì để tránh được tình trạng bị cuốn theo cơn lốc buồn thảm và bất lực đây
Thứ nhất, chúng ta có thể cầu nguyện trong mối hiệp thông với Giáo Hội trên trần gian và trên thiên cung. Chúng ta đừng coi nhẹ quyền lực của rất nhiều tiếng nói liên kết nguyện cầu với nhau! Sáng kiến 24 Giờ cho Chúa, những gì tôi hy vọng sẽ được tuân giữ vào ngày 13-14/3 khắp trong Giáo Hội cũng như ở tầm cấp giáo phận, có mục đích như là một dấu hiệu về nhu cầu cần cầu nguyện này.  
Thứ hai, chúng ta có thể giúp đỡ bằng các hành động bác ái, vươn tới cả những ai ở gần và những kẻ ở xa qua nhiều tổ chức bác ái của Giáo Hội. Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để bày tỏ mối quan tâm này với người khác bằng các dấu hiệu nho nhỏ nhưng cụ thể liên quan đến việc chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất.
Thứ ba, tình trạng đau khổ của người khác là một lời kêu gọi hoán cải, vì nhu cầu của họ nhắc nhở chúng ta về tính chất bấp bênh của đời sống riêng của tôi và của việc tôi lệ thuộc vào Thiên Chúa cũng như vào anh chị em của tôi. Nếu chúng ta khiêm tốn van xin ân sủng của Thiên Chúa và chấp nhận những hữu hạn của chúng ta, chúng ta sẽ tin tưởng vào muôn vàn cơ hội được tình yêu của Thiên Chúa trao cho chúng ta. Chúng ta cũng sẽ chống lại chước cám dỗ của ma quỉ trong việc nghĩ rằng tự sức mình chúng ta có thể cứu thế giới và bản thân mình.
Như một cách thức thắng vượt tính chất dửng dưng lạnh lùng và những ước muốn tự mãn của chúng ta, tôi muốn mời gọi hết mọi người hãy sống Mùa Chay này như là một cơ hội dấn thân vào những gì được Đức Benedicto XVI gọi là một cuộc khuôn đúc tâm can(xem Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu - 31). Một con tim nhân hậu không có nghĩa là một con tim hèn yếu. Bất cứ ai muốn xót thương đều cần phải có một con tim mạnh mẽ và vững chắc, một con tim đóng lại trước tên cám dỗ nhưng cởi mở cho Thiên Chúa. Một con tim để mình được Thần Linh xuyên thấu hầu mang yêu thương dọc theo những con đường dẫn đến anh chị em của chúng ta. Nhất là một con tim nghèo khó, một con tim nhận thức được cái bần cùng của mình và tự nguyện hiến thân cho người khác.
Bởi vậy, thưa anh chị em, trong Mùa Chay này, tất cả chúng ta hãy xin Chúa "Fac cor nostrum secundum cor tuum”: Xin hãy làm cho trái tim của chúng con nên giống trái tim Chúa (Kinh Cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu). Có thế chúng ta sẽ nhận được một trái tim mạnh mẽ và nhân hậu, quan tâm và quảng đại, một trái tim không khép kín, dửng dưng lạnh lùng hay chiều theo trào lưu toàn cầu hóa tình trạng dửng dưng lạnh lùng. 
Niềm hy vọng nguyện cầu của tôi đó là Mùa Chay này sẽ sinh hoa trái thiêng liêng cho mỗi một tín hữu và hết mọi cộng đồng giáo hội. Tôi xin tất cả anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em. 

Tại Vatican ngày 4/10/2014
Lễ Thánh Phanxicô Assisi

PHANXICÔ

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch (kèm theo những chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/lent/documents/papa-francesco_20141004_messaggio-quaresima2015.html