GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tóm lược Thông Điệp “Laudato sí” của Đức Thánh Cha
Phanxicô
ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình
Laudato sí: một “bản đồ”
Bản văn này nhắm giúp đọc Thông điệp lần đầu tiên, giúp lãnh hội diễn tiến tổng
quát và nhận ra những hướng đi căn bản của Thông điệp. Phần “Một cái nhìn tổng
quát” trình bày tổng quan Thông Điệp, sau đó trình bày nội dung mỗi chương, nêu
rõ mục tiêu và trích dẫn vài đoạn nòng cốt. Các con số ở trong ngoặc đơn là số
đoạn của Thông Điệp. Phần chót là Mục Lục tổng quát của Thông Điệp.
Một cái nhìn tổng quát
“Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta,
cho các trẻ em đang lớn lên?”. Câu hỏi này chính là trọng tâm thông điệp
“Laudato sí”, Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà người ta chờ đợi về việc
săn sóc căn nhà chung. Ngài viết tiếp: “Câu hỏi này không phải chỉ liên quan
riêng đến môi trường mà thôi, vì ta không thể đặt câu hỏi một phần”, và điều này
khiến ta tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống
xã hội:
“Chúng
ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào?
Tại sao trái đất lại cần chúng ta?”.
Đức Giáo Hoàng viết:
“Nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn
bản ấy, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể
có những hiệu quả quan trọng”.
Thông điệp lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô. “Laudato sí, mí Signore”
(Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa), trong bài ca của các thụ tạo có nhắc nhớ
rằng trái đất là căn nhà chung của chúng ta, “cũng như người chị chúng ta, chúng
ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta
trong vòng tay của mẹ” (1). Chính “chúng ta là đất” (Xc St 2,7). Chính thân thể
chúng ta được cấu thành nhờ những yếu tố của trái đất, không khí là yếu tố mang
lại cho chúng ta hơi thở và nước của trái đất làm cho chúng ta được sống và được
bổ dưỡng” (2).
Giờ đây, trái đất, bị ngược đãi và cướp phá đang kêu than và những tiếng than
trách của trái đất đang hiệp với những tiếng rên xiết của tất cả những người bị
bỏ rơi trên thế giới này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi hãy lắng nghe họ, ngài
kêu gọi tất cả và từng người - cá nhân, gia đình, tập thể địa phương, quốc gia
và cộng đồng quốc tế - hãy “hoán cải về môi sinh”, theo kiểu nói của thánh Gioan
Phaolô 2, nghĩa là “đổi hướng”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để 'săn
sóc căn nhà chung'. Đồng thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn nhân rằng: “Người ta
nhận thấy có sự nhạy cảm ngày càng gia tăng đối với môi trường và việc săn sóc
thiên nhiên, và thành thực lo lắng vì những gì đang xảy ra cho hành tinh của
chúng ta” (19), hợp thức hóa cái nhìn hy vọng mà toàn thể Thông Điệp làm nổi bật
và gửi đến tất cả mọi người một sứ điệp rõ ràng và đầy hy vọng: “Nhân loại
còn có khả năng cộng tác để xây dựng một căn nhà chung” (13); “con người còn
khả năng can thiệp tích cực” (58); “không phải tất cả đã bị mất mát, vì con
người, tuy có khả năng thoái hóa tột độ, nhưng vẫn còn có thể tự vượt thắng, tái
chọn lựa điều thiện và tái tạo” (205).
Dĩ nhiên ĐGH Phanxicô ngỏ lời với các tín hữu Công Giáo, ngài nhắc lại lời thánh
Gioan Phaolô 2: “Đặc biệt các tín hữu Kitô nhận thấy rằng nghĩa vụ của họ giữa
lòng thiên nhiên, các nghĩa vụ của họ đối với thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa là
thành phần đức tin của họ” (64), nhưng họ “đặc biệt muốn đối thoại với tất cả
mọi người về căn nhà chung của chúng ta” (3): đối thoại được nói đến trong toàn
Thông điệp, và trong chương V nó trở thành một phương thế để đối phó và giải
quyết các vấn đề. Ngay từ đầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở rằng cả
“các
Giáo Hội và các Cộng đoàn Kitô khác - cũng như các tôn giáo khác - đã phát triển
sự quan tâm sâu xa và một suy tư quí giá” về đề tài môi sinh học (7).
Đúng hơn, họ đóng góp đặc biệt, bắt đầu từ sự đóng góp của “Đức Thượng Phụ
chung quí mến Bartolomeo” (7), được trích dẫn nhiều trong các đoạn số 8-9. Rồi
nhiều lần, Đức Giáo Hoàng cám ơn những người giữ vai chính trong công cuộc này -
các cá nhân cũng như các hiệp hội và tổ chức - ngài nhìn nhận rằng “suy tư của
vô số nhà khoa học, triết gia, thần học gia và các tổ chức xã hội đã phong phú
hóa tư tưởng của Giáo Hội về những vấn đề ấy” (7) và Đức Giáo Hoàng mời gọi tất
cả mọi người hãy nhìn nhận “sự phong phú mà các tôn giáo có thể đóng góp cho một
nền môi sinh học toàn diện và cho sự phát triển trọn vẹn con người” (62).
Lộ trình của Thông Điệp được trình bày trong số 15 và được khai triển trong 6
chương. Văn kiện đi từ một sự lắng nghe tình trạng, dựa trên những thủ đắc khoa
học tốt nhất ngày nay (ch. 1), đối chiếu với Kinh Thánh và truyền thống Do thái
- Kitô (ch. 2), nêu rõ căn cội của các vấn đề (ch. 3) trong thời đại kỹ thuật
làm chủ và trong thái độ co cụm thái quá tự tham chiếu của con người. Chủ trương
của Thông điệp (ch 4) là một “nền môi sinh học toàn diện, bao gồm rõ rệt các
chiều kích nhân bản và xã hội” (137), gắn chặt với vấn đề môi trường. Trong
viễn tượng ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị (ch. 5) khởi sự một cuộc đối
thoại chân thành trên mọi bình diện của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị,
cuộc đối thoại này cơ cấu hóa các tiến trình quyết định minh bạch và ngài nhắc
nhở (ch.6) rằng không dự phóng nào có thể hữu hiệu nếu không được linh hoạt nhờ
một lương tâm được huấn luyện và có tinh thần trách nhiệm, Đức Giáo Hoàng đề
nghị những điểm để tăng trưởng trong chiều hướng này trên bình diện giáo dục, tu
đức, Giáo Hội, chính trị và thần học. Thông điệp kết thúc với 2 kinh nguyện: một
được trình bày để chia sẻ với tất cả những người tin nơi “Một Thiên Chúa Sáng
Tạo và là Cha” (246) và một được đề ra cho những người tuyên xưng niềm tin nơi
Chúa Giêsu Kitô, theo nhịp điệp khúc “Laudato sí” khởi đầu và kết thúc Thông
Điệp.
Thông Điệp được một số chủ đề hướng dẫn, được cứu xét dưới những viễn
tượng khác nhau, mang lại cho nó một sự nhất thống vững mạnh: “Quan hệ thâm sâu
giữa những người nghèo và sự mong manh của trái đất; xác tín rằng mọi sự trên
trái đất có liên hệ mật thiết với nhau; sự phê bình mô hình mới và những hình
thức quyền lực xuất phát từ kỹ thuật; lời mời gọi tìm kiếm những cách thức khác
để hiểu kinh tế và tiến bộ; giá trị riêng của mỗi thụ tạo; ý nghĩa nhân bản của
môi sinh học; sự cần thiết phải có những cuộc thảo luận chân thành và ngay
thẳng; trách nhiệm hệ trọng của chính trị quốc tế và địa phương; nền văn hóa gạt
bỏ và đề nghị một lối sống mới” (16)
Chương I - Những gì đang xảy ra cho nhà chúng ta
Chương này tóm lược những thủ đắc khoa học mới nhất về môi trường như một cách
thức để lắng nghe tiếng kêu của thiên nhiên, “biến những gì xảy ra cho thế giới
thành đau khổ đang xảy ra cho bản thân mình, và như thế nhìn nhận đâu là sự đóng
góp mà mỗi người có thể mang lại” (19). Chương này đề cập đến “các khía cạnh
khác nhau của cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay” (15).
- Những thay đổi khí hậu: “Những thay đổi khí hậu là một vấn đề hoàn cầu
với những hệ lụy trầm trọng về môi trường, xã hội, kinh tế, phân phối và chính
trị, và chúng là một trong những thách đố chính hiện nay đối với nhân loại”
(25). Nếu “khí hậu là một thiện ích chung của tất cả và cho tất cả mọi người”
(23), thì ảnh hưởng nặng nề
nhất của sự thay đổi khí hậu đè nặng trên những người nghèo nhất, nhưng “nhiều
người có nhiều tài nguyên và quyền lực kinh tế hoặc chính trị hơn, dường như chỉ
chú tâm tới việc che đậy vấn đề hoặc dấu nhẹm những triệu chứng của sự thay đổi
khí hậu” (26): “sự thiếu phản ứng đứng trước những thảm trạng ấy của anh chị em
chúng ta là một dấu hiệu cho thấy có sự mất ý thức trách nhiệm đối với những
người đồng loại của chúng ta, trách nhiệm này vốn là nền tảng của mọi xã hội dân
sự' (25).
- Vấn đề nước uống: Đức Giáo Hoàng khẳng định rõ ràng rằng “có được nước
uống an toàn là một nhân quyền thiết yếu, cơ bản và của tất cả mọi người, vì nó
ảnh hưởng tới sự sống còn của con người và vì thế, đây là điều kiện để thực thi
các nhân quyền khác”. Tước bỏ quyền của người nghèo được nước uống có nghĩa là
“phủ nhận quyền sống vốn bắt nguồn từ chính phẩm giá bất khả nhượng của họ”
(30).
- Bảo vệ sự đa dạng sinh vật (biodiversità): “Mỗi năm có hàng ngàn
loại thực vật và động vật biến mất mà chúng ta không có thể biết chúng nữa, các
con cháu chúng ta không thể thấy chúng nữa, chúng biến mất vĩnh viễn” (33).
Không những chúng là những “tài nguyên” có thể khai thác được, nhưng còn có giá
trị tự mình. Trong viễn tượng đó “thật là đáng ca ngợi và ngưỡng mộ những cố
gắng của các nhà khoa học và kỹ thuật tìm cách giải quyết các vấn đề do con
người gây ra”, nhưng sự can thiệp của con người, khi nó nhắm phục vụ cho tài
chánh và sự thiêu thụ, thì “làm cho trái đất nơi chúng ta sinh sống bớt phung
phú và tươi đẹp hơn, ngày càng giới hạn và u ám hơn” (34)
- Món nợ môi sinh: trong khuôn khổ một nền luân lý đạo đức về các quan hệ
quốc tế, Thông điệp của Đức Giáo Hoàng cho thấy có “một thứ nợ về môi sinh”
(51), nhất là nợ của các nước giầu đối với những nước nghèo trên thế giới. Đứng
trước những thay đổi khí hậu, có “những trách nhiệm khác nhau” (52), và trách
nhiệm của các nước phát triển thì lớn hơn.
Ý thức về những khác biệt sâu xa về các vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ
ra rất ngạc nhiên vì “chỉ có những phản ứng yếu ớt” trước những thảm
trạng của bao nhiêu con người và dân tộc. Mặc dù không thiếu những ví dụ tích
cực (58), nhưng Thông Điệp tố giác “một thái độ thiếu nhạy cảm và một thứ vô
trách nhiệm thiếu suy xét” (59). Thiếu một nền văn hóa thích hợp (53) và sự sẵn
sàng thay đổi lối sống, sản xuất và tiêu thụ (59), trong khi đó cần cấp thiết
“kiến tạo một hệ thống qui phạm (...) đảm bảo hệ thống môi sinh” (53).
Chương II - Tin Mừng về sự sáng tạo
Để đương đầu với những vấn đề được trình bày trong chương thứ I, Đức Giáo Hoàng
Phanxicô đọc lại các trình thuật Kinh Thánh, và trình bày một cái nhìn toàn diện
đến từ truyền thống Do thái - Kitô và nêu rõ “trách nhiệm lớn lao” (90) của con
người đối với thiên nhiên, mối liên hệ thâm sâu giữa tất cả các loài thụ tạo và
sự kiện “môi sinh là một thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại và
là trách nhiệm của mọi người” (95).
Trong Kinh Thánh, “Thiên Chúa giải thoát và cứu vớt cũng là Đấng đã tạo dựng vũ
trụ... [...] nơi Ngài, lòng quí mến và sức mạnh liên kết với nhau” (73). Ở vị
thế trung tâm là trình thuật về sự sáng tạo để suy tư về tương quan giữa con
người và các loài thụ tạo khác, và cho thấy tội lỗi phá vỡ sự quân bình của toàn
thể thiên nhiên nói chung: “Các trình thuật này gợi ý về “Cuộc sống con người
dựa trên 3 tương quan căn bản có liên hệ mật thiết với nhau: tương quan với
Thiên Chúa, tương quan với tha nhân và tương quan với trái đất”. Theo Kinh
Thánh, 3 tương quan sinh tử này bị cắt đứt, không những bên ngoài, nhưng cả bên
trong chúng ta nữa. Sự tan vỡ ấy chính là tội lỗi” (66)
Vì thế, cho dù “đôi khi các tín hữu Kitô đã giải thích Kinh Thánh không đúng,
nhưng ngày nay chúng ta phải mạnh mẽ phủ nhận rằng từ sự kiện được dựng nên theo
hình ảnh Thiên Chúa và từ mệnh lệnh thống trị trái đất, người ta có thể biện
minh cho một sự thống trị tuyệt đối trên các loài thụ tạo” (67). Loài người có
trách nhiệm “vun trồng và gìn giữ” vườn thế giới (Xc St 2,15), vì biết rằng “mục
đích chung kết của các loài thụ tạo khác không phải là chúng ta. Trái lại tất cả
tiến bước, cùng với chúng ta và qua chúng ta, hướng về một mục tiêu chung, là
Thiên Chúa” (83).
Sự kiện con người không phải là chủ tể của vũ trụ, “không có nghĩa là mọi sinh
vật đều giống như nhau và tước bỏ giá trị đặc thù của chúng”; và “cũng không bao
hàm sự thần thánh hóa trái đất, làm cho chúng ta không còn ơn gọi cộng tác và
bảo vệ sự mong manh của trái đất” (90), nhưng “một tâm tình kết hiệp thâm sâu
với các hữu thể khác trong thiên nhiên, không thể là một tâm tình chân chính,
nếu đồng thời trong tâm hồn không có sự dịu dàng, cảm thông và quan tâm đến con
người” (91). Cần ý thức về một sự hiệp thông đại đồng: “Được cùng một Cha dựng
nên, tất cả hữu thể của vũ trụ chúng ta được liên kết với nhau bằng những mối
dây vô hình và chúng ta họp thành một thứ gia đình đại đồng, [...] thúc đẩy
chúng ta có thái độ tôn trọng thánh thiêng, yêu thương và khiêm tốn” (89).
Chương này kết thúc điều nòng cốt của mạc khải Kitô giáo: “Chúa Giêsu trần thế”,
với “tương quan rất cụ thể và thương yêu của Ngài với thế giới”, đã “sống lại
vinh hiển, hiện diện trong mọi thụ tạo với quyền chủ tể đại đồng của ngài” (100)
Chương III - Căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra
Chương này trình bày một phân tích tình hình hiện nay, “để có thể nhận thấy,
không những các triệu chứng, nhưng cả những nguyên do sâu xa” (15), trong một
cuộc đối thoại với triết học và các khoa học nhân văn.
Điểm nòng cốt trước tiên của chương III là những suy tư về kỹ thuật: với lòng
biết ơn, nhìn nhận những đóng góp của kỹ thuật để cải tiến các điều kiện sống
(102-103), tuy nhiên kỹ thuật “mang lại một sự thống trị lớn lao trên toàn
thể nhân loại và thế giới cho những người nắm giữ kiến thức kỹ thuật và nhất là
quyền lực kinh tế để khai thác nó” (104). Chính chủ trương thống trị bằng kỹ
thuật đưa tới sự phá hủy thiên nhiên và khai thác bóc lột con người và các dân
tộc yếu thế hơn. “Mô hình kỹ thuật trị có xu hướng thi hành sự thống trị trên
cả kinh tế và chính trị” (109), ngăn cản không cho nhìn nhận rằng “nguyên thị
trường [...] không đảm bảo sự phát triển toàn diện con ngừơi và không làm cho
mọi người được hội nhập xã hội” (109).
Nơi căn cội người ta nhận thấy trong thời đại tân tiến ngày nay một chủ trương
quy hướng vào con người thái quá (116): con người không còn nhìn nhận vị thế
đúng đắn của mình so với thế giới và tự tham chiếu, chỉ qui hướng mọi sự về mình
và quyền lực của mình. Từ đó nảy sinh chủ trương “sử dụng rồi vứt bỏ” biện minh
cho mọi thứ gạt bỏ, dù là môi trường hay con người, đối xử với tha nhân và thiên
nhiên như những đồ vật và dẫn tới vô số những hình thức thống trị. Đó là thứ chủ
trương dẫn tới sự khai thác trẻ em, bỏ rơi người già, biến những người khác
thành nô lệ, đánh giá quá cao khả năng của thị trường tự điều khiển, thực hành
việc buôn người, buôn bán da thú vật đang trên đường bị triệt tiêu và “những kim
cương đẫm máu”. Đó cũng chính là chủ trương của nhiều tổ chức bất lương mafia,
buôn bán cơ phận con người, những kẻ buôn bán ma túy và gạt bỏ các thai nhi vì
chúng không đáp ứng các dự phóng của cha mẹ (123).
Dưới ánh sáng ấy, Thông Điệp cứu xét hai vấn đề nghiêm trọng đối với thế giới
ngày nay. Trước tiên là lao công: “Trong bất kỳ sự áp dụng nền môi sinh học toàn
diện nào, không loại trừ con người, điều tối cần thiết là phải nhìn nhận giá trị
lao công' (124), và nhìn nhận rằng “từ khước không đầu tư vào con người, để
được lợi nhuận ngay tức khắc, đó thực là một lối kinh doanh tệ hại nhất cho xã
hội” (128).
Vấn đề thứ hai liên quan đến những giới hạn của tiến bộ khoa học, cụ thể là
những thực phẩm biến thái hệ di truyền, gọi tắt là OGM (132-136), đây là “một
vấn đề phức tạp” (135). Mặc dù “tại một số vùng, việc sử dụng loại thực phẩm này
đã làm tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết một số vấn đề, nhưng người ta
gặp những khó khăn lớn không thể coi thường” (134), bắt đầu từ sự “tập trung đất
đai canh tác vào tay một thiểu số người” (134). Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặc biệt
nghĩ đến các nhà sản xuất nhỏ và các công nhân ở miền quê, sự đa sạng sinh học,
các hệ thống môi sinh (ecosistemi). Vì thế cần “có một cuộc thảo luận khoa học
và xã hội theo tinh thần trách nhiệm và có tính chất rộng rãi, có thể cứu xét
tất cả thông tin hiện có và gọi đích danh sự vật” từ “những đường hướng nghiên
cứu độc lập và liên ngành” (135)
Chương IV - Môi sinh học toàn diện
Trọng tâm đề nghị của Thông Điệp là một nền môi sinh học toàn diện như một mô
hình công lý: một nền môi sinh học “hội nhập chỗ đứng đặc biệt của con người
trong thế giới này và tương quan của con người với thực tại xung quanh” (15).
Thực vậy, “chúng
ta không thể coi thiên nhiên như cái gì tách biệt khỏi chúng ta hay như một cái
khung cho đời sống chúng ta” (139). Điều này có giá trị vì chúng ta
sống trong các lãnh vực khác nhau: trong kinh tế và chính trị, trong các nền văn
hóa khác nhau, đặc biệt trong những nền văn hóa bị đe dọa nhất, và thậm chí
trong mọi lúc đời sống thường nhật của chúng ta.
Viễn tượng toàn diện cũng đòi một nền môi sinh học về các cơ chế: “Nếu mọi sự
đều có liên hệ với nhau, thì tình trạng sức khỏe của các cơ chế trong một xã
hội cũng có những ảnh hưởng đối với môi trường và tới chất lượng đời sống con
người: “Những gì làm thương tổn tình liên đới và tình thân hữu của dân chúng
cũng đều gây hại cho môi trường” (142).
Với nhiều thí dụ cụ thể, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lập lại tư tưởng của ngài, đó
là có một liên hệ giữa các vấn đề môi sinh và các vấn đề xã hội và con người mà
không bao giờ người ta có thể phá vỡ. Vì thế, “sự phân tích các vấn đề môi
trường không thể tách rời khỏi sự phân tích các bối cảnh nhân bản, gia đình, lao
động, thành thị, và tách khỏi tương quan của mỗi người với chính mình” (141),
xét vì “không có hai cuộc khủng hoảng riêng rẽ, một cuộc khủng hoảng môi trường
và một cuộc khủng hoảng xã hội, nhưng chỉ có một cuộc khủng hoảng duy nhất và
phức tạp về xã hội và môi trường” (139).
Nền môi sinh học toàn diện này “không thể tách rời khỏi ý niệm công ích” (156),
nhưng phải hiểu một cách cụ thể: trong bối cảnh ngày nay, trong đó “có bao nhiêu
bất công và ngày càng có nhiều những người bị gạt bỏ, thiếu các nhân quyền căn
bản”, sự dấn thân cho công ích có nghĩa là thực hiện những chọn lựa liên đới
trên căn bản “sự chọn lựa ưu tiên dành cho những người nghèo nhất” (158).
Đó cũng là cách thức tốt nhất hầu để lại một thế giới lâu bền cho các thế hệ
mai sau, không phải qua những lời tuyên bố, nhưng qua sự dấn thân săn sóc người
nghèo ngày nay, như Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã nhấn mạnh: “Ngoài sự liên
đới chân thành giữa các thế hệ, còn cần tái khẳng định nhu cầu cấp thiết về luân
lý cần có sự liên đới được canh tân giữa các thế hệ” (162).
Nền môi sinh học toàn diện cũng ảnh hưởng tới đời sống thường nhật, điều mà
Thông Điệp đặc biệt chú ý trong môi trường thành thị. Con người có khả năng lớn
trong việc thích ứng và “thật
là điều đáng ngưỡng mộ óc sáng tạo và lòng quảng đại của các cá nhân và các nhóm
có khả năng gỡ bỏ các giới hạn của môi trường [...], học cách định
hướng cuộc sống của họ giữa sự xáo trộn và bấp bênh” (148). Dầu vậy, một sự phát
triển chân chính đòi phải cải tiến toàn diện về chất lượng cuộc sống con người:
không gian công cộng, nhà ở, phương tiện di chuyển, v.v... (150-154).
Cả thân xác chúng ta cũng đặt chúng ta trong tương quan trực tiếp với môi trường
và với các sinh vật khác. “Sự
đón nhận thân thể mình như hồng ân của Thiên Chúa là điều cần thiết để đón tiếp
và chấp nhận toàn thế giới như món quà của Chúa Cha và như căn nhà chung; trái
lại một chủ trương thống trị trên thân xác mình đang biến thành một thứ thống
trị nhiều khi rất tinh vi” (155).
Chương V - Một vài đường hướng và hoạt động
Chương này đề cập đến câu hỏi: chúng ta có thể và phải làm gì? Nếu chỉ phân tích
mà thôi thì không thể đủ: còn cần phải có những đề nghị “đối thoại và hành động
đòi có sự can dự của mỗi người chúng ta, cũng như của nền chính trị quốc tế nữa”
(15) và “giúp chúng ta ra khỏi cái vòng lẩn quẩn tự hủy diệt mà chúng ta đang
phải đương đầu” (163). Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một điều không thể loại
bỏ, đó là làm sao để việc xây dựng những hành trình cụ thể không được cứu xét
như một ý thức hệ, hời hợt hoặc thu hẹp. Vì thế một điều không thể thiếu, đó là
đối thoại, một từ luôn đặc nhắc đến trong mỗi phần của chương V này: “Có những
cuộc thảo luận, về những vấn đề liên quan đến môi trường, trong đó thật là khó
đạt tới một sự đồng thuận. [....], Giáo Hội không chủ trương giải quyết các
vấn đề khoa học, cũng không thay thế chính trị, nhưng tôi mời gọi thảo luận chân
thành và minh bạch, để những nhu cầu đặc thù hoặc các ý thức hệ không làm thương
tổn công ích” (188).
Trên căn bản đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không sợ đưa ra một phán đoán nghiêm
khắc về những hoạt động quốc tế gần đây:
“Các hội nghị thượng đỉnh thế giới về
môi trường trong những năm gần đây không đáp ứng các mong đợi, vì thiếu quyết
định chính trị, chúng không đạt tới các hiệp định môi trường hoàn cầu thực sự có
ý nghĩa và hữu hiệu” (166). Và ngài tự hỏi: “Tại sao ngày nay người
ta muốn duy trì một quyền bính sẽ được nhắc đến trong tương lai là không có khả
năng can thiệp khi cấp thiết và cần phải hành động?” (57). Trái lại - như các vị
Giáo Hoàng đã nhiều lần lập lại kể từ Thông điệp “Hòa bình dưới thế”, cần có
những hình thức và dụng cụ hữu hiệu để quản trị thế giới” (175):
“Chúng
ta cần một hiệp định về các chế độ quản trị cho toàn thể những gì gọi là công
ích của thế giới” (174), xét vì “sự bảo vệ môi trường không thể được
bảo đảm dựa trên tính toán tài chánh về phí tổn và lợi lộc mà thôi. Môi trường
là một trong những thiện ích mà các cơ cấu thị trường không có khả năng bảo vệ
hoặc thăng tiến một cách thích hợp” (190, trích dẫn Sách Toát yếu đạo lý xã
hội của Hội Thánh).
Cũng trong chương này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh việc phát triển những
tiến trình quyết định lương thiện và minh bạch, để có thể “phân định” đâu là
những chính sách và sáng kiến xí nghiệp có thể đưa tới một “sự phát triển toàn
diện” (185). Đặc biệt, việc nghiên cứu ảnh hưởng của một dự án mới về mặt môi
sinh “đòi có những tiến trình chính trị minh bạch và có sự đối thoại, trong khi
nạn tham ô che đậy ảnh hưởng thực sự về môi sinh của một dự án để đổi lấy
những ân huệ, nó thường đưa tới những hợp đồng mơ hồ, trốn tránh nghĩa vụ thông
tin và một cuộc thảo luận sâu rộng” (182).
Đặc biệt quan trọng là lời kêu gọi gửi đến những người nắm giữ các trách vụ
chính trị, để họ “tránh tiêu chuẩn hành động duy hiệu năng và nhất thời” (181)
đang thịnh hành ngày nay; “Nếu
họ có can đảm làm, thì họ sẽ có thể tái nhìn nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban
cho họ như một người và họ sẽ để lại một chứng tá về trách nhiệm quảng đại, sau
khi họ đi vào lịch sử” (181)
Chương VI - Giáo dục và linh đạo môi sinh
Chương cuối cùng đi thẳng vào trọng tâm sự hoán cải môi sinh mà Thông Điệp mời
gọi. Những căn cội cuộc khủng hoảng văn hóa tác động sâu xa và không dễ điều
chỉnh lại những tập quán và cách cư xử. Giáo dục và huấn luyện vẫn là những
thách đố chủ yếu: “Mọi thay đổi cần có những động lực và một hành trình giáo
dục” (15); cần có sự can dự của tất cả các lãnh vực giáo dục, trước tiên là
“trường học, gia đình, các phương tiện truyền thông, việc huấn giáo” (213).
Điểm đầu tiên là “nhắm đến một lối sống mới” (203-208), có thể tạo ra cơ
hội “gây một sức ép lành mạnh trên những người nắm giữ quyền bính chính trị,
kinh tế và xã hội” (206). Và điều này xảy ra khi những chọn lựa của những ngừơi
tiêu thụ “thay đổi được cách hành xử của các xí nghiệp, bó buộc họ cứu xét ảnh
hưởng về môi sinh và những kiểu mẫu sản xuất” (206).
Ta không thể coi nhẹ tầm quan trọng của hành trình giáo dục về môi sinh có khả
năng ảnh hưởng tới những cử chỉ và thói quen thường nhật, từ sự giảm bớt tiêu
thụ nước, cho đến việc thu lượm rác theo các loại khác nhau, 'tắt những đèn điện
vô ích' (211): “Một
môi sinh học toàn diện được thực hiện kể cả bằng những cử chỉ đơn sơ thường nhật
trong đó chúng ta phá vỡ lý lẽ bạo lực, khai thác bóc lột, ích kỷ”
(230). Tất cả điều ấy sẽ đơn giản hơn nhờ cái nhìn chiêm niệm đến từ đức tin:
“Đối với tín hữu, thế giới không được chiêm ngắm từ bên ngoài nhưng từ bên
trong, nhìn nhận những lối liên hệ qua đó Chúa Cha liên kết chúng ta với mọi
sinh vật. Ngoài ra khi làm tăng trưởng khả năng đặc thù mà Thiên Chúa ban cho
mỗi tín hữu, sự hoán cải môi sinh dẫn đưa họ đến chỗ phát huy khả năng sáng tạo
và sự hăng hái' (220). Trở lại đường hướng được đề nghị trong Tông Huấn
“Niềm
vui Phúc Âm”: “Sự điều độ, được sống một cách tự do và ý thức, có
tác động giải thoát” (223), cũng vậy “hạnh phúc đòi phải biết giới hạn một
số nhu cầu làm cho chúng ta choáng váng, và nhờ đó tỏ ra sẵn sàng đối với nhiều
cơ may do cuộc sống mang lại” (223); theo cách thức đó, chúng ta có thể tái cảm
thấy chúng ta cần lẫn nhau, chúng ta có một trách nhiệm đối với nhau và đối với
thế giới, và sống tốt lành lương thiện là điều thật bõ công” (229)
Các thánh tháp tùng chúng ta trong hành trình này. Thánh Phanxicô nhiều
lần được trưng dẫn, là “mẫu gương tuyệt hảo về sự chăm sóc những gì là yếu đuổi
và một nền môi sinh toàn diện, được sống trong vui mừng” (10), mẫu gương về sự
“không thể tách biệt nhau giữa mối quan tâm đối với thiên nhiên, công bằng đối
với người nghèo, dấn thân trong xã hội và hòa bình nội tâm (10). Nhưng Thông
điệp cũng nhắc đến thánh Biển Đức, thánh Têrêsa thành Lisieux, chân
phước Charles de Foucauld.
Sau thông điệp Laudato sí này, việc xét mình, - phương thế mà Giáo Hội luôn cổ
võ để định hướng cuộc sống của mình dưới ánh sáng tương quan với Chúa, - phải
bao gồm một chiều kích mới: không những cứu xét xem ta đã sống tình hiệp thông
với Thiên Chúa, với tha nhân và với bản thân như thế nào, nhưng còn với toàn thể
các loài thụ tạo và thiên nhiên nữa.
MỤC
LỤC THÔNG ĐIỆP
Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa [1-2]
Chúng ta không dửng dưng đối với điều gì của thế giới này [3-6]
Được liên kết do cùng một mối quan tâm [7-9)
Thánh Phanxicô Assisi [10-12]
Lời kêu gọi của tôi [13-16]
CHƯƠNG I
Điều đang xảy ra cho căn nhà của chúng ta [17-61)
I. Sự ô nhiễm và thay đổi khí hậu [20-26)
Ô nhiễm, rác rưởi và văn hóa gạt bỏ [20-22)
Khí hậu như công ích [23-26]
II. Vấn đề nước uống [27-31]
III. Đánh mất sự đa dạng sinh vật [32-42]
IV. Suy giảm phẩm chất đời sống con người và suy thoái xã hội [43-47)
V. Bất công hoàn cầu [53-59)
VI. Phản ứng yếu ớt [53-59]
VII. Các ý kiến khác nhau [60-61]
CHƯƠNG II
Tin Mừng về sự sáng tạo [62-100]
I. Ánh sáng do đức tin mang lại [63-64]
II. Sự khôn ngoan của các trình thuật Kinh Thánh [65-75]
III. Mầu nhiệm vũ trụ [76-83)
IV. Sứ điệp của mỗi thụ tạo trong sự hòa hợp của toàn thể công trình tạo dựng
[84-88]
V. Một sự hiệp thông đại đồng [89-92]
VI. Của cải để mưu ích cho mọi người [93-95]
VII. Cái nhìn của Chúa Giêsu [96-100]
CHƯƠNG III
Căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra [101-136]
I. Kỹ thuật: óc sáng tạo và quyền bính [102-105]
II. Hoàn cầu hóa mô hình kỹ thuật trị [106-114]
III. Khủng hoảng và hậu quả của thuyết duy nhân loại học tân thời [115-136]
Chủ thuyết duy tương đối thực hành [122-123]
Cần thiết bảo vệ lao công [124-139]
Canh tân sinh học từ nghiên cứu [130-136]
CHƯƠNG IV
Một nền môi sinh học toàn diện [137-162]
I. Môi sinh học môi trường, kinh tế, xã hội [138-142]
II. Môi sinh học văn hóa [143-146]
III. Môi sinh học về đời sống thường nhật [147-155]
IV. Nguyên tắc công ích [156-158]
V. Công lý giữa các thế hệ [159-162]
CHƯƠNG V
Vài đường nét định hướng và hành động [163-201]
I. Đối thoại về môi trường trong chính trị quốc tế [164-175]
II. Đối thoại hướng về những chính sách quốc gia và địa phương [176-181]
III. Đối thoại và minh bạch trong các tiến trình quyết định [182-188]
IV. Chính trị và kinh tế trong đối thoại
để đạt tới sự viên mãn của con người [189-198]
V. Các tôn giáo trong cuộc đối thoại với khoa học [199-201]
CHƯƠNG V
Giáo dục và linh đạo môi sinh học [202-215]
I. Nhắm đến một lối sống mới [203-208]
II. Giáo dục về liên minh giữa nhân loại
và môi trường [209-215]
III. Hoán cải môi sinh học [216-232]
IV. Vui mừng và hòa bình [222-227]
V. Tình yêu dân sự và chính trị [228-232]
VI. Các dấu chỉ bí tích và nghỉ lễ [233-237]
VII. Chúa Ba Ngôi và tương quan giữa các thụ tạo [238-240]
VIII. Nữ Vương toàn thể thụ tạo [241-242]
IX. Đi xa hơn mặt trời [243-246]
Kinh nguyện cho trái đất của chúng ta
Kinh nguyện Kitô giáo với thụ tạo
(G. Trần Đức Anh OP, dịch từ bản tóm
lược chính thức của Hội Đồng Tòa Thánh “Công lý và Hòa bình”).