GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du 3 Nước Mỹ Châu Latinh: Ecuador, Bolivia và Paraguay 5-13/7/2015

     

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2015/outside/documents/papa-francesco-ecuador-bolivia-paraguay-2015.html

http://www.romereports.com/pope-in-south-america
(xin xem các video clips trong chuyến tông du này tùy thích ở trong cái link trên đây)

 

Dẫn Nhập của người dịch:

 

Trong chuyến tông du thứ 9 của giáo triều mới 2 năm 4 tháng của mình, chuyến tông du đến Nam Mỹ Châu với 3 nước nhỏ bé và nghèo khổ theo chiều hướng vươn đến các vùng xa xôi cùng khổ như các xứ sở Ecuador, Bolivia và Paraguay, vị giáo hoàng 78 tuổi này sẽ phải di chuyển bằng máy bay đến 7 lần và nói 22 bài, để loan báo "Niềm Vui Phúc Âm" là chủ đề cho chuyến tông du này cho gần 28 triệu dân ở 3 xứ sở nhỏ bé thuộc vùng Mỹ Châu La Tinh này.

Ecuador là một xứ sở có diện tích 283,561 cây số vuông với 15,775,000 cư dân trong đó có 87.4% là Công giáo, tức có 13,978,000 Kitô hữu Công giáo, bao gồm 25 giáo phận, 1,250 giáo xứ và 4,369 trung tâm, được phục vụ bởi 52 vị giám mục, 2,198 linh mục, 5,261 nam nữ tu sĩ, chưa kể đến 973 chủng sinh; về cơ sở mục vụ và bác ái còn có 1,469 học đường từ cấp tiểu học lên đại học, 173 nhà thương và bệnh xá, 56 dưỡng viện và 169 viện mồ côi, 32 trung tâm hỗ trợ gia đình và 626 cơ cấu xã hội khác. 

Bolivia là một xứ sở có diện tích 1,098,581 cây số vuông với 11,280,000 cư dân, trong đó có 9,301,000 Kitô hữu Công giáo (82.5%), bao gồm 18 giáo phận, 600 giáo xứ và 210 trung tâm mục vụ, được phục vụ bởi 38 vị giám mục, 1,208 linh mục, 2,869 tu sĩ nam nữ, chưa kể đến 599 chủng sinh. Về cơ cấu mục vụ và bác ái, còn có 1,791 học trường đủ các cấp, 183 nhà thương và bệnh xá, 48 dưỡng viện và 186 cô nhi viện, 49 trung tâm hỗ trợ gia đình và 293 các cơ cấu xã hội khác. 

Paraguay là một xứ sở có diện tích rộng 406,752 cây số vuông với dân số 6,783,000, trong đó Kitô hữu Công giáo là 6,318,000 (93.2%), bao gồm 15 giáo phận, 372 giáo xứ và 1,451 trung tâm mục vụ, được phục vụ bởi 23 vị giám mục, 804 linh mục và 180 nam nữ tu sĩ, chưa kể 684 chủng sinh. Về cơ cấu mục vụ và bác ái còn có 38 nhà thương và bệnh xá, 14 dưỡng viện và 26 cô nhi viện, 56 trung tâm hỗ trợ gia đình, và 46 cơ quan xã hội khác. 

Trước chuyến tông du lần thứ 9 này, Đức Thánh Cha chẳng những đến kính viếng Đức Mẹ ở Đền Thờ Đức Bà Cả như mọi lần, lần này vào lúc 7 giờ tối, ngài đã thinh lặng nguyện cầu 20 phút trước Ảnh Đức Mẹ Phù Hộ Dân Rôma - "Mary, Salus Popoli Romani" và đặt một bó hoa được trang trí mầu sắc của 3 quốc gia ngài sắp viếng thăm. 

Ngay trước chuyến tông du, khoảng 1 tiếng đồng hồ, ngài còn gặp gỡ 7 anh chị em homeless ở Rôma nữa. Ngài rời Rôma vào lúc 9 giờ 15 sáng và đã đến Quito Xứ Ecuado trước 3 giờ chiều một chút. Ngài là vị giáo hoàng thứ 2 viếng thăm xứ sở này, sau vị tiền nhiệm GP II, đúng 30 năm 6 tháng (30/1-2/2/1985). 

Trong mùa hè, không có lễ hằng ngày cho public ở Nhà Trọ Matta trong 2 tháng 7 và 8, và không có buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần trong tháng 7, nhưng Chúa Nhật nào cũng vẫn có huấn từ truyền tin như thường. 

Đức Thánh Cha Phanxicô đương kim của chúng ta từ ngày lên làm giáo hoàng đến naychưa bao giờ nghỉ hè, chỉ nghỉ ngơi chút xíu vậy thôi, khi cần và hè đến. Ngài không nghỉ mát hay nghỉ hè kể cả ở nhà nghỉ mát của Tòa Thánh như ĐTC Biển Đức XVI vừa đến ở trong mùa hè này, hay ở miền núi Bắc Ý như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô được mọi sự tốt đẹp theo Thánh ý Chúa. Xin xem tiếp các bài nói của Đức Thánh Cha Phanxicô được tổng hợp trong các ngày tới.

Ecuador (5-8/7/2015)

 

http://www.romereports.com/pope-in-ecuador
(xin xem các video clips trong chuyến tông du này tùy thích ở trong cái link trên đây)

 

 

Lời đáp mừng ở Phi Trường Quốc Tế "Mariscal Sucre" ở Quito Ecuador, Chúa Nhật 5/7/2015

 

"Hôm nay tôi cũng đến như một chứng nhân của tình thương Thiên Chúa và của niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô".

 

.... Tôi đã viếng thăm Ecuador một số lần vì lý do mục vụ. Hôm nay tôi cũng đến như một chứng nhân của tình thương Thiên Chúa và của niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Qua các thế kỷ, đức tin này đã hình thành căn tính của dân tộc đây và mang lại dồi dào hoa trái, bao gồm những nhân vật nổi bật như Thánh Mariana de Jesus, Thánh Miguel Febres, Thánh Narcisa de Jesús và Chân Phước Mercedes de Jesús Molina, vị được phong á thánh ở Guayaquil 30 năm trước trong chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II...

... Các bạn thân mến, tôi bắt đầu chuyến viếng thăm của tôi với nỗi phấn khởi và niềm hy vọng về những ngày tới đây. Ở Ecuador có một điểm gần nhất với vùng không gian ngoại biên, đó là Chimborazo, một địa điểm mà vì lý do đó được gọi là nơi 'gần mặt trời nhất', gần mặt trăng và các tinh tú. Kitô hữu chúng ta coi Chúa Kitô như là mặt trời, và Giáo Hội như là mặt trăng; mặt trăng không có ánh sáng riêng, nếu nó thật sự khuất khỏi mặt trời nó sẽ bị bóng tối bao phủ.Mặt trời là Chúa Giêsu Kitô và nếu Giáo Hội di chuyển lệch khỏi hay bị khuất mất Người, Giáo Hội sẽ ở trong tăm tối và không còn có thể làm chứng nhân được nữa. Chớ gì những ngày tới đây làm cho tất cả chúng ta nhận thức một cách rõ ràng hơn nữa mặt trời 'chiếu tỏa chúng ta từ trên cao' gần với chúng ta là chừng nào. Chớ gì mỗi người chúng ta là phản ánh thực sự ánh sáng của Người và tình yêu của Người.

....

Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria mà Ecuador đã được hiến dâng lên ban cho anh chị em mọi ân sủng và phúc lành. Xin cám ơn anh chị em. 


Bài Giảng cho các gia đình ở Samanes Park, Guayaquil (Ecuador) Thứ Hai 6/7/2015

 

"Tiệc cưới Cana được tái diễn ở hết mọi thế hệ, trong hết mọi gia đình, nơi hết mọi con người của chúng ta... Chúng ta hãy giành chỗ cho Mẹ Maria... Thiên Chúa luôn tìm tới những vùng xa xôi hẻo lánh, những ai hết rượu, những ai chỉ uống những gì là chán chường. Chúa Giêsu cảm thấy nỗi yếu hèn của họ, để tuôn đổ những thứ rượu thượng hạng cho những ai, vì bất cứ lý do nào, cảm thấy tất cả các chum nước của mình đã bị tan vỡ". 


Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe là dấu hiệu trọng yếu đầu tiên trong Phúc Âm của Thánh Gioan. Mối quan tâm từ mẫu của Mẹ Maria được tỏ hiện nơi lời thỉnh cầu của Mẹ ngỏ cùng Chúa Giêsu: "Họ hết rượu rồi", và việc Chúa Giêsu nói đến "giờ của Người" sẽ được trọn vẹn hiểu biết sau này trong câu chuyện Khổ Nạn của Người. 

 

Đấy là một dấu hiệu tốt lành, vì nó cho chúng ta thấy được lòng nhiệt tình của Chúa Giêsu trong việc giảng dạy, hỗ trợ, chữa lành và mang lại niềm vui, nhờ lời của Mẹ Người: "Họ hết rượu rồi".

Tiệc cưới Cana được tái diễn ở hết mọi thế hệ, trong hết mọi gia đình, nơi hết mọi con người của chúng ta, và nỗ lực của chúng ta là để cho tấm lòng của chúng ta được nghỉ ngơi trong tình yêu mạnh mẽ, tình yêu phong phú và tình yêu hoan lạc. Chúng ta hãy giành chỗ cho Mẹ Maria, như vị thánh ký gọi Mẹ là "Người Mẹ". Giờ đây chúng ta hãy cùng Mẹ hành trình đến Cana. 

 

Mẹ Maria chú ý, Mẹ chú tâm trong suốt bữa tiệc cưới này, Mẹ tỏ ra quan tâm cho nhu cầu của đôi tân hôn. Mẹ không khép kín bản thân mình, chỉ quan tâm về thế giới nhỏ bé của Mẹ. Tình yêu thương của Mẹ làm cho Mẹ "vươn" tới kẻ khác. Mẹ không tìm kiếm bạn bè của Mẹ để nói về những gì đang xẩy ra, để phê bình chỉ trích việc tổ chức tiệc cưới chẳng ra làm sao. Và vì Mẹ chú ý nên Mẹ  mới âm thầm thấy được tình trạng hết rượu xẩy ra. Rượu là biểu hiệu cho hạnh phúc, yêu thương và phong phú. Có bao nhiêu là thanh thiếu niên và giới trẻ cảm thức rằng rượu không còn ở trong nhà của họ nữa? Có bao nhiêu phụ nữ, cảm thấy buồn bã và cô đơn, nghĩ rằng đó là lúc tình yêu rời xa họ, lúc tình yêu chuồn khỏi cuộc đời của họ? Có bao nhiêu là người già cảm thấy bị tách khỏi những cuộc mừng vui của gia đình, bị ra rìa và mong mỏi từng ngày một chút yêu thương từ những người con trai con gái của họ, từ những đứa cháu đứa chắt của họ? Tình trạng thiếu "rượu" này cũng có thể gây ra bởi nạn thất nghiệp, bởi bệnh nạn và những trường hợp khó khăn được gia đình của chúng ta khắp nơi trên thế giới cảm nghiệm thấy. Mẹ Maria không phải là một người mẹ "đòi hỏi", không phải là người mẹ chồng mẹ vợ tỏ ra thích thú về tình trạng thiếu kinh nghiệm của chúng ta, về những sai lầm của chúng ta và về những điều chúng ta quên làm. Maria là một Người Mẹ hoàn toàn chân tình! Mẹ ở đó, tỏ ra chú ý và quan tâm. Thật là mát ruột khi nghe thấy rằng: Maria là một Người Mẹ! Tôi mời gọi anh chị em hãy cùng tôi lập lại: Maria là một Người Mẹ! Một lần nữa: Maria là một Người Mẹ! Lại một lần nữa: Maria là một Người Mẹ!

 

Thế nhưng, Mẹ Maria, vào chính lúc Mẹ thấy rằng không còn rượu thì Mẹ đã tin tưởng tiến đến với Chúa Giêsu: nghĩa là Mẹ cầu xin. Mẹ đến với Chúa Giêsu, Mẹ cầu xin. Mẹ không đến với nhóm phục tiệc, Mẹ nói ngay với Con Mẹ về vấn đề của đôi tân hôn. Câu trả lời Mẹ nhận được có vẻ cay đắng: "Điều ấy có can chi tới bà và tôi chứ? Giờ của tôi chưa đến" (câu 4). Thế nhưng, Mẹ dầu sao cũng đặt vấn đề vào tay Thiên Chúa. Mối quan tâm sâu xa của mẹ trong việc đáp ứng các nhu cầu của người khác làm cho giờ của Chúa Giêsu mau đến. Và Mẹ Maria thuộc về giờ ấy, từ máng cỏ cho tới thập giá. Mẹ đã có thể "biến máng cỏ thành ngôi nhà cho Chúa Giêsu, với các thứ khăn lót nghèo hèn và một tình yêu dạt dào" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 286). Mẹ đã chấp nhận chúng ta như là con cái của Mẹ khi lưỡi gươm đâm thâu trái tim của Mẹ. Mẹ dạy chúng ta hãy đặt gia đình của chúng ta vào bàn tay của Thiên Chúa; Mẹ dạy chúng ta hãy cầu nguyện, hãy thắp lên một niềm hy vọng làm cho chúng ta thấy rằng các mối quan tâm của chúng ta cũng là những mối quan tâm của Thiên Chúa vậy. 

 

Việc luôn luôn cầu nguyện đưa chúng ta ra khỏi những âu lo và các thứ quan tâm của chúng ta. Nó làm cho chúng ta vượt lên trên hết mọi sự gây đau đớn, buồn phiền hay bất mãn cho chúng ta, và giúp chúng ta đặt mình vào trường hợp của người khác, vào tình trạng của họ.Gia đình là một học đường, nơi mà việc cầu nguyện nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là những cá nhân cô lập; chúng ta là một và chúng ta có một người cận nhân ở kề ngay bên: họ đang sống dưới cùng một mái nhà, thuộc về đời sống của chúng ta, và đang cần giúp đỡ.

 

Sau hết, Mẹ Maria tác hành. Nhng lời của Mẹ nói: "Hãy làm những gì Người bảo" (câu 5), được ngỏ cùng những phục vụ viên, cũng là lời mời gọi chúng ta hãy mở lòng của chúng ta ra cho Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Phục vụ là dấu hiệu của tình yêu chân thật. Những ai yêu thương đều biết phục vụ người khác. Chúng ta học biết điều này đặc biệt là trong gia đình, nơi chúng ta trở nên những người tôi tớ vì yêu thương nhau. Ở tâm điểm của gia đình không có ai bị loại trừ; tất cả đều có cùng một giá trị. Tôi nhớ có lần mẹ của tôi được hỏi rằng trong 5 người con của bà - chúng tôi có 5 anh chị em - bà yêu đứa nào nhất. Bà đã nói: giống như các ngón tay trong bàn tay của mẹ, nếu mẹ cấu một ngón trong 5 ngón thì những ngón khác như thể cũng bị cấu vậy. Con cái làm sao thì người mẹ yêu thương chúng như thế. Trong gia đình, con cái được yêu thương như chúng là. Không đứa con nào bị ruồng rẫy. "Trong gia đình chúng ta biết làm thế nào để xin mà không đòi hỏi, làm thế nào để nói 'cám ơn' như để bày tỏ lòng biết ơn chân chính về những gì chúng ta được ban tặng, làm thế nào để kiềm chế tính chất hung hăng và tham lam của chúng ta, và làm thế nào để xin tha thứ khi chúng ta gây ra tai hại, khi chúng ta cãi nhau, vì trong tất cả mọi gia đình đều xẩy ra tình trạng cãi cọ. Vấn đề thử thách đó là sau đó biết xin tha lỗi. Những cử chỉ đơn sơ có tính cách lịch sự chân thành này là những gì giúp kiến tạo nên một thứ văn hóa chung sống và tôn trọng những gì ở chung quanh chúng ta" (Thông Điệp Laudato Sí, 213).Gia đình là bệnh viện gần nhất; khi một phần tử trong gia đình bị yêu bệnh, chính ở nơi gia đình mà họ được chăm sóc cho bao lâu có thể. Gia đình là một học đường cho giới trẻ, là nhà ở tốt nhất cho người già. Gia đình cấu tạo nên tình trạng "social capital / tham gia tương ích" tốt đẹp nhất. Nó không thể nào được thay thế bằng các cơ cấu tổ chức khác. Nó cần được giúp đỡ và củng cố, kẻo chúng ta đánh mất đi cái cảm quan phục vụ thích đáng của chúng ta được xã hội nói chung cung cấp cho. Những việc phục vụ được xã hội cung cấp cho các công dân của mình đó không phải là một thứ bố thí mà là một "món nợ xã hội" đích thực liên quan đến cơ cấu gia đình là cơ cấu nền tảng và là cơ cấu góp phần cho công ích. 

 

Gia đình cũng là một tiểu Giáo Hội, được gọi là "Giáo Hội tại gia", một giáo hội, dọc theo cuộc đời, cũng làm môi giới cho niềm êm ái dịu dàng và tình thương của Thiên Chúa. Trong gia đình, chúng ta thấm nhiễm đức tin bằng sửa mẹ của chúng ta. Khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của mẹ cha chúng ta, chúng ta cảm thấy gần gũi với tình yêu của Thiên Chúa. 

 

Trong gia đình, như tất cả chúng ta đều chứng kiến thấy điều này, đó là các phép lạ xẩy ra chỉ bằng một chút xíu những gì chúng ta có, những gì chúng ta là, những gì chúng ta sẵn có trong tay... và nhiều lần, nó không phải là những gì lý tưởng, không phải là những gì chúng ta mơ tưởng, không phải là những gì "cần phải là". Có một điều làm cho chúng ta suy nghĩ đó là thứ rượu mới, thứ rượu ngon được vị quản tiệc đề cập đến trong tiệc cưới Cana, đã xuất phát từ những chum nước, những chum nước được sử dụng để rửa ráy, chúng ta thậm chí có thể nói rằng xuất phát từ một nơi chốn mà mọi người đã trút bỏ tội lỗi của mình... Nó xuất phát từ những gì "xấu xa nhất", vì "nơi đâu tội lỗi gia tăng thì ở đó ân sủng càng dồi dào" (Roma 5:20). Trong gia đình riêng của chúng ta và trong gia đình bao rộng hơn mà tất cả chúng ta thuộc về thì không gì bị thải đi, không gì là vô ích. Trước khi khai mạc Năm Thánh Tình Thương, Giáo Hội sẽ cử hành Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới về gia đình, đào sâu nhận thức thiêng liêng của Giáo Hội và cứu xét các giải quyết cụ thể cùng giúp đáp nhiều thách đố khó khăn và đáng kể mà gia đình đang phải đương đầu hiện nay. Tôi xin anh chị em hãy sốt sắng cầu nguyện cho ý chỉ này, để Chúa Kitô có thể sử dụng thậm chí cả những gì đối với chúng ta có vẻ ô uế, như thứ nước trong các chum đang gây tệ hại hay đe dọa chúng ta, mà biến nó - bằng việc làm cho nó thuộc về "giờ" của Người - thành một phép lạ. Gia đình hôm nay đây cần đến phép lạ này. 

 

Tất cả những điều này đã được bắt đầu là vì "họ đã hết rượu rồi". Tất cả đều có thể thực hiện vì một người nữ - Trinh Nữ Maria - đã chú ý, đã đặt các mối quan tâm của Mẹ trong bàn tay của Thiên Chúa và đã tác hành một cách tinh tế và can trường. Thế nhưng còn một chi tiết khác nữa, chi tiết hay nhất cần phải xẩy ra, đó là hết mọi người đã hoan hưởng thứ rượu ngon nhất trong các rượu. Và đó là tin vui: thứ rượu hảo hạng nhất dầu sao cũng đã được nếm hưởng; đối với các gia đình, những điều phong phú nhất, đậm đà nhất và tuyệt mỹ nhất dầu sao cũng cần phải xẩy ra. Thời điểm này đang xẩy ra lúc mà chúng ta sẽ nếm hưởng được tình yêu thương hằng ngày, khi mà con cái của chúng ta sinh ra cảm nhận được ngôi nhà chúng ta chung sống, và những vị lão thành sẽ hằng ngày chung hưởng niềm vui của cuộc sống. Thứ rượu ngon nhất trong các rượu được thể hiện bởi niềm hy vọng, thứ rượu này sẽ đến với những ai làm mọi sự vì tình yêu thương. Và thứ rượu thượng hạng này dầu sao cũng cần phải xẩy ra, bất chấp tất cả mọi thứ biến thiên và thống kê khác lạ. Thứ rượu thượng hạng này sẽ xẩy ra cho những ai hôm nay đây cảm thấy lạc lõng vô vọng. Hãy nói với chính mình cho đến khi anh em xác tín về nó. Hãy nói với chính mình, trong tâm can của anh chị em: thứ rượu thượng hạng này dù sao cũng xẩy ra. Hãy thủ thỉ điều này với những ai vô vọng và thiếu thốn yêu thương. Hãy nhẫn nại, hy vọng và theo gương của Mẹ Maria, hãy cầu nguyện, hãy mở lòng mình ra, vì thứ rượu thượng hạng này dầu sao cũng sẽ xẩy ra. Thiên Chúa luôn tìm tới những vùng xa xôi hẻo lánh, những ai hết rượu, những ai chỉ uống những gì là chán chường. Chúa Giêsu cảm thấy nỗi yếu hèn của họ, để tuôn đổ những thứ rượu thượng hạng cho những ai, vì bất cứ lý do nào, cảm thấy tất cả các chum nước của mình đã bị tan vỡ

 

Như Mẹ Maria mời gọi chúng ta, chúng ta hãy "làm những gì Chúa bảo chúng ta". Hãy làm những gì Người bảo. Vậy chúng ta hãy tỏ lòng tri ân cảm tạ về điều này, đó là vào thời điểm của chúng ta và thời giờ của chúng ta, thứ rượu mới, thứ rượu thượng hạng này sẽ làm cho chúng ta lấy lại được niềm vui gia đình, niềm vui sống trong một gia đình. Chớ gì được như vậy.  

 

(Cuối lễ ĐTC còn nói thêm:)

 

Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và hỗ trợ anh chị em. Tôi cầu cho mỗi một gia đình của anh chị em và xin anh chị em hãy theo gương của Mẹ Maria. Xin đừng quên cầu cho tôi. Cho đến khi chúng ta được gặp nhau lần nữa!

 

 

Giảng Lễ về Truyền Giáo cho Chư Dân ở Công Viên Bicentenario, Quito, Ecuador, Thứ Ba 7/7/2015



"Việc truyền bá phúc âm hóa không ở tại việc dụ giáo... trái lại, việc truyền bá phúc âm hóa cần đến chứng từ của chúng ta để thu hút những ai xa cách, tức là khiêm tốn đến gần với những ai cảm thấy xa cách Thiên Chúa trong Giáo Hội, đến gần với những ai cảm thấy bị phán xét và lên án một cách thẳng thừng bởi những kẻ cho mình là toàn hảo và tinh tuyền".

.......... Chúng ta truyền bá phúc âm hóa không phải bằng những lời lẽ trọng đại, hay bằng những quan niệm phức tạp, mà là bằng "niềm vui Phúc Âm", một niềm vui "tràn đầy cõi lòng và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Vì những ai chấp nhận việc Người cống hiến ơn cứu độ đều được thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn đau, khỏi tâm trạng trống rỗng nội tâm, khỏi lẻ loi cô độc, và khỏi lương tâm bị cô lập" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 1). Chúng ta, thành phần qui tụ lại ở bàn tiệc với Chúa Giêsu đây thì tự mình đã là một tiếng kêu vang, một tiếng la hò xuất phát từ niềm xác tín rằng sự hiện diện của Người là những gì dẫn chúng ta tới mối hiệp nhất, "hướng tới một chân trời mỹ lệ và mời gọi người khác đến bàn tiệc ngon" (cùng nguồn, 15).


"Lạy Cha, xin cho họ được hiệp nhất nên một... để thế gian tin tưởng". Đó là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khi Người hướng mắt lên trời. Lời nguyện cầu này xuất phát trong bối cảnh truyền giáo: "Như Cha đã sai Con vào thế gian, Con cũng sai họ vào thế gian". Lúc ấy, Chúa Giêsu cảm nghiệm thấy nơi xác thịt của Người những gì là xấu xa nhất của thế gian này, một thế gian dù sao cũng được Người thắm thiết yêu thương. Quá biết về những dan díu lạc loài của nó, những sai lầm của nó và những phản bội của nó, Người vẫn không quay mặt đi, Người vẫn không phàn nàn chê trách. Hằng ngày chúng ta cũng gặp gỡ một thế giới bị chiến tranh và bạo động tàn phá. Chúng ta thường dễ nghĩ rằng tình trạng chia rẽ và thù ghét chỉ liên quan đến những cuộc đối chọi giữa các xứ sở với nhau hay giữa các phe nhóm trong xã hội. Trái lại, chúng là những gì biểu lộ một thứ "cá nhân chủ nghĩa tràn lan" làm chia rẽ chúng ta và khiến chúng ta chống lại nhau (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 99), chúng là những gì thể hiện một di sản tội lỗi ẩn nấp trong tâm can con người, gây ra rất nhiều đau khổ trong xã hội cũng như cho toàn thể tạo vật. Thế nhưng chính cái thế giới bị trục trặc này, qua những hình thức vị kỷ của nó, mà Chúa Giêsu sai chúng ta đến. Chúng ta không được đáp ứng bằng thái độ thờ ơ lãnh đạm, hay bằng cách than vãn rằng chúng ta không có đủ nguồn lực để làm việc ấy, hoặc các vấn đề ấy là những gì quá to lớn. Thay vào đó, chúng ta cần phải đáp ứng bằng cách nhận lấy tiếng kêu của Chúa Giêsu và lãnh nhận ân sủng cùng thách đố trong vai trò làm thành phần xây dựng hiệp nhất. 

.............. Mối hiệp nhất ấy đã bao gồm ở trong tác động truyền giáo rồi, "để cho thế gian tin tưởng". Việc truyền bá phúc âm hóa không ở tại việc dụ giáo, vì dụ giáo là một thứ biếm họa của việc truyền bá phúc âm hóa, trái lại, việc truyền bá phúc âm hóa cần đến chứng từ của chúng ta để thu hút những ai xa cách, tức là khiêm tốn đến gần với những ai cảm thấy xa cách Thiên Chúa trong Giáo Hội, đến gần với những ai cảm thấy bị phán xét và lên án một cách thẳng thừng bởi những kẻ cho mình là toàn hảo và tinh tuyền. Chúng ta cần phải đến gần những ai lo sợ hay dửng dưng để nói cùng họ rằng: "Chúa cũng đang hết sức trân trọng và yêu thương kêu gọi anh chị em hãy thuộc về dân của anh chị em" (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 113). Vì Thiên Chúa của chúng ta tôn trọng chúng ta ngay cả trong tình trạng thấp hèn của chúng ta cũng như trong tình trạng tội lỗi của chúng ta. Lời mời gọi này của Chúa được diễn tả một cách khiêm tốn và tôn trọng trong đoạn Sách Khải Huyền sau đây: "Này, Ta đang ở ngoài cửa và Ta đang kêu gọi; các người có muốn mở cửa hay chăng?" Người không muốn sử dụng quyền lực, Người không bẻ khóa, trái lại, hết sức chân tình, Người bấm chuông, gõ nhẹ vào cửa rồi chờ đợi. Đó là vị Thiên Chúa của chúng ta

Diễn từ cùng Các Vị Đại Diện Học Đường và Đại Học ở Giáo Hoàng Đại Học Viện Ecuador, Thứ Ba 7/7/2015


"Chúa Giêsu là Vị Sư Phụ đã dạy đám đông dân chúng và nhóm nhỏ môn đệ của Người bằng việc hòa mình với khả năng hiểu biết của họ... Chúa Kitô không tìm cách 'đóng vai giáo sư'. Trái lại, Người tìm cách tiến đến với cõi lòng của dân chúng"


Trong Phúc Âm chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu là Vị Sư Phụ đã dạy đám đông dân chúng và nhóm nhỏ môn đệ của Người bằng việc hòa mình với khả năng hiểu biết của họ. Người làm điều ấy bằng các dụ ngôn, như dụ ngôn người gieo giống (xem Luca 8:4-15). Người làm như vậy để mọi người có thể hiểu được. Chúa Kitô không tìm cách "đóng vai giáo sư". Trái lại, Người tìm cách tiến đến với cõi lòng của dân chúngđến với kiến thức của họ và đến đời sống của họ, nhờ đó họ sinh hoa kết trái. 

Dụ ngôn người gieo giống nói với chúng ta về "việc vun trồng". Nó nói về những loại đất khác nhau, cách thức gieo và sinh hoa trái, và cách thức mà tất cả những điều ấy liên hệ với nhau. Ngay từ thời Khởi Nguyên, Thiên Chúa đã âm thầm thôi thúc chúng ta "hãy vun trồng và chăm sóc trái đất"...


........ Có một mối liên hệ giữa đời sống của chúng ta và đời sống của mẹ đất (mother earth), giữa đường lối chúng ta sống và tặng ân chúng ta đã được Thiên Chúa ban cho. "Môi sinh nhân bản và môi sinh thiên nhiên cùng nhau thoái hóa; chúng ta không thể chiến đấu một cách thích đáng tình trạng thoái hóa về môi sinh trừ phi chúng ta chú ý tới những căn nguyên liên hệ tới tình trạng thoái hóa về nhân bản và về xã hội" (Thông Điệp Laudato Sí, 48). Tuy nhiên, nếu như cả hai có thể "thoái hóa" thì chúng ta cũng có thể nói rằng chúng có thể "hỗ trợ nhau và có thể thay đổi cho tốt đẹp hơn". Mối tương liên này có thể dẫn đến chỗ cởi mở, biến đổi, và sự sống, hay đến chỗ hủy hoại và chết chóc. Một điều có thể nắm chắc trong tay đó là chúng ta không thể nào quay lưng lại với thực tại, với anh chị em chúng ta, với mẹ đất. Thật là sai lầm khi quay lưng khỏi những gì đang xẩy ra chúng quanh chúng ta, như thể một số trường hợp nào đó không hề hiện hữu hay chng có gì liên hệ gì với đời sống của chúng ta. 


........... Đường lối duy nhất để suy nghĩ bao gồm tất cả chúng ta, gia đình, học đường và thày giáo. Chúng ta cần phải làm thế nào để giúp giới trẻ của chúng ta đừng coi bằng cấp đại học như là những gì đồng nghĩa với địa vị cao, với tiền bạc và thế giá trong xã hội? Làm sao chúng ta có thể giúp cho việc giáo dục của chúng thành một nhãn hiệu đảm trách hơn nữa đối với những vấn đề ngày nay, đối với các nhu cầu của người nghèo, liên quan đến môi sinh? 


Các bạn sinh viên thân mến, tôi cũng có một câu hỏi cho các bạn. Các bạn là hiện tại và là tương lai của Ecuador, là luống hạt giống cho việc tăng trưởng sau này của xã hội các bạn. Các bạn có nhận thức được rằng thời điểm học hành đây chẳng những là một quyền lợi mà còn là một đặc ân hay chăng? Biết bao nhiêu là bạn hữu của các bạn, dù là những người các bạn biết tới hay không biết tới, muốn có được một vị trí ở ngôi nhà này mà không được vì các lý do khác nhau? Việc học vấn của chúng ta giúp chúng ta cảm thấy được tình đoàn kết với họ đến độ nào?


Các cộng đồng giáo dục giữ một vai trò thiết yếu trong việc làm phong phú đời sống dân sự và văn hóa. Việc phân tích và diễn tả thực tại chưa đủ: cần phải hình thành các môi trường cho việc suy tư sáng tạo, cho các cuộc bàn luận để khai triển những giải pháp đối với các vấn đề hiện tại, nhất là ngày nay.


.............  Với vai trò là một đại học, là những cơ quan giáo dục, là thày giáo và là những sinh viên, chính đời sống thách đố chúng ta trả lời câu hỏi này: Thế giới này cần chúng ta để làm gì? Anh chị em của bạn ở đâu?.............


 

Diễn từ ngỏ cùng thành phần lãnh đạo xã hội dân sự ở Nhà Thờ San Francisco Ecuador, Thứ Ba 7/7/2015

 

 

"Tình đoàn kết trong xã hội xuất phát từ cảm nghiệm trong gia đình về tình huynh đệ, một tình đoàn kết chẳng những ở chỗ cống hiến cho những ai thiếu thốn mà còn cảm thấy trách nhiệm đối với nhau nữa".


Xã hội của chúng ta hưởng lợi khi mỗi một người và mỗi một nhóm người trong xã hội cảm thấy tự nhiên như ở nhà. Trong một gia đình, cha mẹ, ông bà và con cái cảm thấy tự nhiên thoải mái; không ai bị loại trừ. Nếu ai đó trong gia đình có vấn đề, cho dù là vấn đề trầm trọng, cho dù là họ gây ra cho chính bản thân mình, thì những người khác trong gia đình đều ra tay trợ giúp họ; những người ấy nâng đỡ họ, vấn đề của họ cũng là của những người trong gia đình. Tình trạng này chẳng lẽ không giống như ở trong xã hội hay sao? Thế nhưng, các mối liên hệ của chúng ta trong xã hội và trong đời sống chính trị lại thường theo chiều hướng đối chọi lẫn nhau và cố gắng loại trừ đối phương của chúng ta. Chủ trương của tôi, ý nghĩ của tôi và các dự án của tôi sẽ tiến triển nếu tôi có thể thắng vượt được người khác và có thể áp đặt ý muốn của tôi. Phải chăng đó là cách thức gia đình cần phải có? Trong gia đình, hết mọi người đều góp phần vào mục đích chung, hết mọi người đều hoạt động cho công ích, không chối bỏ cá nhân tính của mỗi người nhưng phấn khích và nâng đỡ nó. Niềm vui và nỗi buồn của mỗi một người đều được mọi người chia sẻ. Đó là những gì mang ý nghĩa gia đình! Chỉ cần chúng ta có thể nhìn các đối phương chính trị của chúng ta hay tha nhân của chúng ta cùng một cách thức chúng ta nhìn con cái của chúng ta hay vợ chồng của chúng ta, nhìn người mẹ hay người cha! Chúng ta có yêu thương xã hội của chúng ta hay chăng? Chúng ta có yêu thương xứ sở của chúng ta hay chăng, một cộng đồng mà chúng ta đang cố gắng xây dựng hay chăng? Chúng ta có yêu thương xứ sở của chúng ta một cách trừu tượng, theo lý thuyết hay chăng? Chúng ta hãy yêu thương xứ sở của chúng ta bằng hành động của chúng ta hơn là bằng lời nói! Nơi hết mọi người, trong các hoàn cảnh cụ thể, nơi cuộc đời cùng nhau chung sống của chúng ta, tình yêu bao giờ cũng dẫn đến chỗ truyền đạt, không bao giờ lẻ loi cô độc. 

............. Tình đoàn kết trong xã hội xuất phát từ cảm nghiệm trong gia đình về tình huynh đệ, một tình đoàn kết chẳng những ở chỗ cống hiến cho những ai thiếu thốn mà còn cảm thấy trách nhiệm đối với nhau nữa. Nếu chúng ta nhìn những người khác như là anh chị em của chúng ta, thì không ai bị xẩy sót hay bị loại trừ. Như nhiều quốc gia Mỹ Châu Latinh khác, Ecuador giờ đây đang trải qua những thay đổi sâu xa về xã hội và văn hóa, những thách đố mới cần phải được đương đầu bởi hết mọi cơ cấu trong xã hội. Tình trạng di dân, những thành phố quá đông đúc, chủ nghĩa hưởng thụ, các cuộc khủng hoảng trong gia đình, vấn đề thất nghiệp và bần cùng: tất cả những yếu tố này là những gì tạo nên tình trạng bất ổn và căng thẳng đe dọa đến mối hòa hợp xã hội. Các thứ luật lệ và những qui định, cũng như dự án xã hội, cần phải có tính cách bao gồm, tạo cơ hội để đối thoại và gặp gỡ, loại trừ tất cả mọi hình thức đàn áp, kiểm soát thái quá hay mất tự do như những ký ức đau thương trong quá khứ. Niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn đòi phải cống hiến những cơ hội thực sự cho dân chúng, nhất là cho giới trẻ, đòi phải kiến tạo công ăn việc làm, và đòi phải bảo đảm một thứ tăng trưởng về kinh tế được mọi người chung hưởng (hơn là chỉ hiện hữu trên giấy tờ, theo các thống kê của khoa kinh tế học vĩ mô), và đòi phải cổ võ một thứ phát triển khả trợ có thể làm nẩy sinh một cơ cấu xã hội vững chắc và gắn bó..... 


 


Huấn từ cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh Ecuador ở Đền Thánh Mẫu 'El Quinche' Quito Thứ Tư 8/7/2015

 

 

"Chúng ta không phải là thành phần nhân công được thuê mướn, mà là những người tôi tớ. Chúng ta không đến để được phục vụ mà là phục vụ, và chúng ta làm thế một cách hoàn toàn không dính bén gì hết, không gậy gộc hay túi bao". 

 

............ Trong Phúc Âm, Chúa mời gọi chúng ta hãy chấp nhận sứ vụ của chúng ta một cách vô điều kiện. Đó là một sứ điệp quan trọng chúng ta không bao giờ được quên. Ở nơi đây, nơi Đền Thánh được cung hiến cho Đức Mẹ Dâng Mình này, sứ điệp ấy lại vang vọng một cách đặc biệt hơn nữa. Mẹ Maria là một mẫu gương làm môn đệ cho chúng ta là thành phần, như Mẹ, đã nhận lãnh một ơn gọi. Lời đáp ứng tin tưởng của Mẹ: "Xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài truyền", nhắc nhở chúng ta về những lời Mẹ nói ở tiệc cưới Cana: "Hãy làm những gì Người bảo" (Gioan 2:5). Mẫu gương của Mẹ là một lời mi gọi phục vụ như Mẹ đã phục vụ 

 

Trong việc Dâng Mình của Đức Trinh Nữ này, chúng ta thấy được một số gợi ý cho ơn gọi riêng của chúng ta. Con trẻ Maria là một tặng ân của Thiên Chúa ban cho cha mẹ của Người cũng như cho toàn thể dân của Người là thành phần đang trông đợi được giải phóng. Đó là điều chúng ta thấy lập đi lập lại trong Thánh Kinh. Thiên Chúa đã đáp ứng tiếng kêu của dân Ngài, bằng cách sai một trẻ nhỏ đến để mang ơn cứu độ và phục hồi niềm hy vọng cho nhị vị cha mẹ lão thành. Lời của Chúa cho chúng ta biết rằng, trong lịch sử của dân do Thái, các vị quan án, các vị tiên tri và các vị vua chúa đều là các tặng ân của Thiên Chúa ban cho dân của Ngài, mang đến cho họ niềm êm ái dịu dàng và tình thương của Ngài. Họ là những dấu hiệu về lòng ưu ái nhưng không của Ngài. Chính Ngài đã chọn họ, đã đích thân chọn họ và sai họ. Việc nhận thức này giúp chúng ta vượt ra ngoài cái tôi tâm điểm của mình và hiểu rằng chúng ta không còn thuộc về mình nữa, ơn gọi của chúng ta là loại trừ tất cả những gì là vị kỷ, tất cả những gì là tìm kiếm lợi lộc vật chất hay tưởng thưởng về cảm xúc, như Phúc Âm đã nói với chúng ta. Chúng ta không phải là thành phần nhân công được thuê mướn, mà là những người tôi tớ. Chúng ta không đến để được phục vụ mà là phục vụ, và chúng ta làm thế một cách hoàn toàn không dính bén gì hết, không gậy gộc hay túi bao

............. "Quyền Bính" mà các Tông Đồ đã lãnh nhận từ Chúa Kitô không phải cho lợi ích riêng của các vị: các tặng ân của chúng ta là để được dùng cho việc canh tân và xây dựng Giáo Hội. Đừng từ chối chia sẻ, đừng ngần ngại cống hiến, đừng bị ràng buộc với những thứ thoải mái dễ chịu của riêng chúng ta, nhưng hãy trở nên như một con suối tuôn chảy và làm tươi mát người khác, nhất là những ai chồng chất tội lỗi, chán chường và bất mãn (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 272). 


Việc Dâng Mình của Đức Mẹ còn là những gì khiến tôi nghĩ đến sự kiên trì. Nơi hình ảnh gợi lên liên quan đến lễ Dâng Mình này, Con Trẻ Maria được trông thấy rời khỏi cha mẹ của mình khi Bé trèo lên các bậc của Đền Thờ. Trẻ Maria không quay nhìn lại, như một ám chỉ rõ ràng liên quan đến lời khuyên phúc âm, Bé dứt khoát cương quyết tiến lên. Như những người môn đệ trong Phúc Âm, chúng ta cũng cần phải tiến lên khi chúng ta mang đến cho tất cả mọi dân nước và khắp nơi Tin Mừng của Chúa Giêsu. Việc kiên trì trong sứ vụ không phải là việc đi từ nhà này sang nhà khác, tìm kiếm một nơi nào đó chúng ta sẽ được đón tiếp một cách thoải mái dễ chịu hơn. Nó có nghĩa là khuôn đúc số phận của chúng ta với Chúa Giêsu cho tới cùng

 

.................. Hình ảnh về việc Dâng Mình của Đức Mẹ nói với chúng ta rằng, sau khi được vị tư tế chúc lành, con trẻ Maria bắt đầu nhảy mừng ở dưới chân bàn thờ. Tôi nghĩ đến niềm vui được diễn tả nơi hình ảnh của bữa tiệc cưới, của người bạn của chàng rể, của nàng dâu trang điểm với các thứ nữ trang của nàng. Đó là niềm hạnh phúc của tất cả những ai đã khám phá ra một kho tàng và bỏ lại tất cả mọi sự để chiếm lấy nó. Việc tìm kiếm Chúa, việc ở trong nhà của Ngài, việc tham dự vào sự sống của Ngài, là những gì thúc đẩy chúng ta loan báo Vương Quốc của Ngài và mang ơn cứu độ của Ngài đến cho tất cả mọi người. Việc vượt qua ngưỡng cửa Đền Thờ có nghĩa là, như Mẹ Maria, trở nên đền thờ của Chúa và lên đường mang tin mừng đến cho anh chị em của chúng ta. Đức Mẹ, như là người môn đệ truyền giáo tiên khởi, một khi đã lãnh nhận sứ điệp của vị thiên sứ, đã vội vàng bỏ nhà để đi đến một thành ở Giuđa để chia sẻ niềm vui khôn tả này, khiến Thánh Gioan Tẩy Giả nhẩy mừng trong lòng thai mẫu của ngài. Ai nghe tiếng Chúa thì "nhẩy mừng" và trở nên cho thời điểm của mình tin mừng cho niềm vui của Chúa. Niềm vui của việc truyền bá phúc âm hóa đẩy Giáo Hội tiến bước như Mẹ Maria. ............



Bolivia (8-10/7/2015)


http://www.romereports.com/pope-in-bolivia

(xin xem các video clips trong chuyến tông du này tùy thích ở trong cái link trên đây)




Đáp từ ở Phi Trường Quốc Tế "El Alto" La Paz Bolivia Thứ Tư 8/7/2015

"Với tư cách là một vị khách và là khách hành hương, tôi đến để củng cố đức tin của những ai tin vào Chúa Kitô Phục Sinh...."

... Trên hết mọi sự, Bolivia là một mảnh đất được chúc phúc nơi nhân dân của nó. Nó là một ngôi nhà cho một thứ đa dạng lớn lao về văn hóa và sắc tộc, một thứ đa dạng vừa là một nguồn mạch phong phú cả thể vừa là một hiệu triệu liên tục cho việc tương kính và đối thoại.... 

.... Với tư cách là một vị khách và là khách hành hương viên, tôi đến để củng cố đức tin của những ai tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, để trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta trên trái đất này, thành phần tín hữu chúng ta có thể trở thành những chứng nhân của tình yêu Ngài, thành men cho một thế giới tốt đẹp hơn và thành những cộng tác viên trong việc xây dựng một xã hội công chính và huynh đệ hơn....

... Trong những ngày tới, tôi muốn phấn khích ơn gọi làm môn đệ của Chúa Kitô để chia sẻ niềm vui Phúc Âm, để làm muối đất và ánh sáng thế gian...

.... Trong một thế hệ mà các giá trị căn bản thường bị coi thường hay bóp méo, thìgia đình đáng được đặc biệt chú trọng về phần của những ai có trách nhiệm lo cho công ích, vì gia đình là tế bào gốc của xã hội....

... Giáo Hội cũng cảm thấy quan tâm đặc biệt đến giới trẻ, thành phần nếu dấn thân cho đức tin của họ và hoan hỉ với những lý tưởng cao cả, là hứa hẹn của tương lai, là thành phần "gác đêm để loan báo ánh sáng rạng đông và mùa xuân mới của Phúc Âm" (John Paul II, Message for the 18th World Youth Day, 6)...



Diễn từ ngỏ cùng thành phần thẩm quyền dân sự ở Vương Cung Thánh Đường La Paz Bolivia 8/7/2015


"Chúng ta rất dễ trở nên quen thuộc với bầu khí bất bình đẳng xẩy ra chung quanh chúng ta, mà hậu quả là chúng ta tự nhiên nhiễm phải. Thậm chí không để ý gì đến nó, chúng ta bị lầm lẫn giữa "công ích" và 'thịnh vượng"


.... Mỗi người chúng ta ở đây đều có cùng một ơn gọi là hoạt động cho công ích. Năm mươi năm trước đây, Công Đồng Chung Vaticanô II đã định nghĩa công ích như là "tổng số những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các nhóm xã hội cùng những phần tử riêng của các nhóm ấy có thể tương đối hoàn toàn đạt được tầm vóc viên trọn của mình"...


.... Vì hết mọi sự đều có liên hệ với nhau mà chúng ta cần nhau. Nếu chính trị được chủ trị bởi việc đầu cơ về tài chính, hay nếu kinh tế chỉ bị chi phối bởi một thứ mẫu thức có tính chất kỹ thuật và thực dụng liên quan đến mức sản xuất tối đa, chúng ta sẽ không nắm bắt được, lại càng không giải quyết được, những vấn đề lớn lao của nhân loại. Đời sống văn hóa đóng một vai trò quan trọng về khía cạnh này, vì nó có liên hệ chẳng những với việc phát triển của trí khôn nhờ khoa học và của tính chất sáng tạo về vẻ đẹp qua nghệ thuật, mà còn với cả sự quí trọng đối với các truyền thống địa phương của một dân tộc, những truyền thống thể hiện rõ môi trường chúng xuất phát và được chúng làm cho có ý nghĩa...


... Chúng ta rất dễ trở nên quen thuộc với bầu khí bất bình đẳng xẩy ra chung quanh chúng ta, mà hậu quả là chúng ta tự nhiên nhiễm phải. Thậm chí không để ý gì đến nó, chúng ta bị lầm lẫn giữa "công ích" và 'thịnh vượng", nhất là khi chúng ta là những người đang hoan hưởng những gì là thịnh vượng. Thịnh vượng được hiểu chỉ liên quan đến vấn đề giầu có về vật chất có khuynh hướng trở thành vị kỷ, trong việc bênh vực các thứ lợi lộc riêng tư, trong việc không quan tâm đến người khác, và trong việc thả dàn hưởng thụ. Nếu hiểu như thế thì thịnh vượng thay vì giúp đỡ lại gây ra tình trạng xung khắc và phân tán xã hội; khi nó thừa thắng xông lên nó mở đường cho sự dữ băng hoại là những gì sau đó gây ra rất nhiều thứ chán chường và tai hại. Trái lại, công ích là những gì vượt lên trên tổng s những lợi lộc riêng tư. Nó đi từ "những gì tốt nhất cho tôi" đến "những gì tốt nhất cho mọi người". Nó bao gồm tất cả những gì làm cho một dân tộc qui tụ lại với nhau, như cùng chung một mục đích, cùng chung các giá trị, cùng chung các tư tưởng là những sự giúp cho chúng ta phóng tầm nhìn ra bên ngoài những chân trời cá nhân hạn hẹn của chúng ta. 


............. Trong số những nhóm xã hội khác nhau, tôi muốn đề cập đặc biệt đến gia đình là cơ cấu đang bị đe dọa ở khắp nơi bởi bạo động trong gia đình, bởi rượu chè, bởi tình dục, bởi thuốc phiện, bởi thất nghiệp, bởi bất ổn phố phường, bởi người già bị bỏ rơi, và bởi trẻ em bụi đời. Những vấn đề này thường được đáp ứng bằng những giải quyết ngụy tạo cho thấy những tác dụng rõ ràng của một thứ thực dân về ý hệ... Rất nhiều vấn đề xã hội đã được âm thầm giải quyết trong gia đình; việc không trợ giúp các gia đình làm cho những ai dễ bị tổn thương nhất không được bảo vệ....


........ Bolivia đang ở ngã ba đường của lịch sử: chính trị, thế giới văn hóa, các tôn giáo là tất cả mọi yếu tố của cái thách đố đẹp đẽ này trong việc gia tăng mối hiệp nhất. Ở mảnh đất có một lịch sử đã từng bị lu mờ bởi tình trạng khai thác, tham lam và rất nhiều hình thức vị kỷ và bè phái, thì giờ đây là lúc cho việc nhất thống. Hôm nay đây Bolivia có thể "kiến tạo nên các hình thức mới của cuộc tổng hợp văn hóa"........... 



Giảng Lễ ở Quảng Trường Chúa Kitô Cứu Thế Santa Cruz de la Sierra Bolivia Thứ Năm 9/7/2015


"Tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta là, nếu nó được nhận lấy, chúc lành và ban phát, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng của tình yêu Ngài, có thể trở thành bánh cho tất cả mọi người..." 


... "Họ không cần phải đi đâu hết; chính các con hãy liệu cho họ ăn".

Những lời này của Chúa Giêsu có một âm vang đặc biệt đối với chúng ta ngày nay: Không ai cần phải đi đâu hết, không ai bị loại trừ; chính anh chị em hãy liệu cho họ ăn. Chúa Giêsu nói với những lời này với chúng ta ở nơi đây, tại quảng trường này. Phải, không ai bị loại trừ; anh chị em hãy liệu cho họ ăn. Đường lối của Chúa Giêsu nhìn sự vật không nhường chỗ cho thứ tâm thức bỏ bê thành phần yếu kém và những ai thiếu thốn nhất. Để mở đường dẫn lối, Người đã cống hiến cho chúng ta tấm gương của Người, Người chỉ cho chúng ta thấy con đuờng tiến bước. Những gì Người làm có thể được tóm lại thành 3 chữ. Người nhận lấymột ít bánh và mấy con cá, Người chúc lành cho chúng rồi sau đó Người trao ban chúng cho các môn đệ để chia cho dânĐó là cách thức phép lạ xẩy ra. Nó không phải là những gì có tính chất ảo thuật hay yêu thuật. Với 3 cử chỉ này, Chúa Giêsu có thể biến một thứ tâm thức loại trừ kẻ khác thành một thứ tâm tư hiệp thông và cộng đồng. Tôi muốn vắn gọn lưu ý tới từng tác động này. 

Nhận lấy. Đây là khởi điểm: Chúa Giêsu nhận lấy bản thân mình và đời sống của họ một cách rất trân trọng. Người nhìn vào con mắt của họ, và Người biết những gì họ đang nghiệm cảm, những gì họ đang cảm thấy. Người thấy trong những con mắt ấy tất cả những gì đang có trong ký ức và tâm can của dân Người. Người nhìn nó, ngẫm nghĩ về nó. Người nghĩ về tất cả sự thiện họ có thể làm, tất cả những sự thiện họ có thể dựng xây. Thế nhưng Người không quan tâm quá nhiều về những đối tượng vật chất, về những kho tàng văn hóa hay về những tư tưởng cao sang. Người quan tâm đến dân chúng. Sự giầu sang phú quí nhất của một xã hội được đo lường bằng đời sống dân chúng của nó, nó được đo đếm bằng những vị lão thành của nó, thành phần truyền đạt kiến thức của mình cùng ký ức của dân tộc mình cho giới trẻ. Chúa Giêsu không bao giờ lơ là với phẩm vị của bất cứ một ai, cho dù họ chỉ có một chút xíu hay dường như có khả năng đóng góp. 

Chúc lành. Chúa Giêsu nhận lấy những gì được trao cho Người và chúc tụng Cha trên trời của Người. Người biết rằng hết mọi sự đều là tặng ân của Thiên Chúa. Bởi thế mà Người không đối xử với các sự vật như là "những đồ vật", mà là yếu tố của một sự sống bởi tình yêu nhân hậu Thiên Chúa. Người trân quí chúng. Người vượt lên trên các dáng vẻ thuần túy bề ngoài, và nơi cử chỉ chúc lành cùng chúc tụng này Người xin Cha ban tặng ân Thánh Linh. Việc chúc lành mang khía cạnh lưỡng diện này: tạ ơn và quyền năng biến đổi. Nó là việc nhìn nhận rằng sự sống bao giờ cũng là một tặng ân, mà khi được trao phó vào tay Thiên Chúa, nó bắt đầu tăng lên gấp bội. Cha của chúng ta không bao giờ bỏ rơi chúng ta; Ngài làm cho hết mọi sự tăng lên gấp bội. 

Trao ban. Với Chúa Giêsu, vấn đề là ở chỗ không thể nào "nhận lấy" mà lại không phải là một "phúc lành", và không phúc lành nào mà lại cũng không phải là một "trao ban". Việc chúc lành bao giờ cũng là một sứ vụ, mục đích của nó là để chia sẻ những gì chúng ta đã lãnh nhận. Vì chỉ khi nào trao ban, chia sẻ, chúng ta mới cảm được nguồn vui của mình và cảm nghiệm thấy ơn cứu độ. Việc trao ban là những gì nhắc nhở về dân thánh của Thiên Chúa, thành phần được kêu gọi và được sai đi để mang niềm vui ơn cứu độ cho người khác. Đôi tay Chúa Giêsu nâng lên chúc tụng Thiên Chúa ở trên trời cũng là những bàn tay đã ban bánh cho đám đông đói khát. Chúng ta có thể tưởng tượng cách thức dân chúng chuyền những ổ bánh và cá từ bàn tay này sang bàn tay kia, cho đến khi chúng tiến đến những ai ở xa nhất.Chúa Giêsu đã làm phát sinh ra một luồng điện nơi thành phần môn đệ của Người, khi họ chia sẻ những gì họ có, biến nó thành tặng ân cho người khác, nhờ đó họ được ăn uống no thỏa.Không ngờ vẫn còn dư được 7 thúng đầy. Vấn đề cần nhớ ở đây là những gì được nhận lấy, được chúc phúc và được ban phát bao giờ cũng làm thỏa đáng cơn đói của dân chúng

Thánh Thể là "tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế gian". Đó là đề tài của Hội Nghị Thánh Thể Lần Năm được tổ chức ở Tarija được khai mạc hôm nay. Thánh Thể là một bí tích hiệp thông, một bí tích kéo chúng ta ra khỏi cá nhân chủ nghĩa để cùng nhau sống như là các môn đệ. Thánh Thể cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng rằng tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta là, nếu nó được nhận lấy, chúc lành và ban phát, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng của tình yêu Ngài, có thể trở thành bánh cho tất cả mọi người.... 

 

Huấn Từ ngỏ cùng Hàng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Bolivia ở Coliseum of Don Bosco College Thứ Năm 9/7/2015

 

............ Trong Phúc Âm Thánh Marco, chúng ta cũng đã nghe thấy cảm nghiệm của Bartimaeus, người đã nhập bọn với nhóm môn đệ của Chúa Giêsu. Anh đã trở thành một người môn đệ vào giây phút cuối cùng. Điều này xẩy ra trong chuyến hành trình cuối cùng của Chúa, từ Giêrico lên Giêrusalem, nơi Người sắp bị trao nộp. Một người hành khất là Bartimaeus ngồi ở vệ đường, bị đẩy ra ngoài. Khi anh nghe thấy Chúa Giêsu đi ngang qua thì anh ta bắt đầu la lên.....................


Có 3 đáp ứng trước lời kêu vang của người mù này. Chúng ta có thể diễn tả chúng bằng ba cụm từ được lấy từ Phúc Âm: Họ đi ngang qua, họ bảo anh ta im đi, và họ bảo anh ta hãy an tâm đứng lên. 


1- Họ đi ngang qua. Có lẽ một số người đi ngang qua thậm chí không nghe thấy tiếng la hò của anh ta. Việc băng ngang qua là một thứ đáp ứng lạnh lùng, tránh né các vấn đề của người khác vì chúng không ảnh hưởng gì tới chúng ta. Chúng ta không nghe thấy chúng, chúng ta không nhận ra chúng. Ở đây chúng ta có khuynh hướng thấy đau khổ là những gì tự nhiên, cho bất công là thường. Chúng ta tự nhủ mình rằng: 'Điều ấy chẳng có gì là lạ; sự thể là như thế'. Đó là thứ đáp ứng xuất phát từ một con tim khép kín mù quáng đã mất đi khả năng cảm kích và vì thế mất cả cơ hội đổi thay. Một con tim quen đi ngang qua mà không để mình được đụng chạm; một đời sống băng ngang qua từ điều này đến vật kia nhưng chưa từng thấm thía đời sống của dân chúng chung quanh chúng ta. 


Chúng ta có thể gọi điều ấy là "thứ linh đạo quần quật - the spirituality of zapping". Lúc nào cũng chuyển động, thế nhưng chẳng có gì cho thấy như thế. Có những người biết được các tin tức mới nhất, biết được những thứ mới bán chạy nhất, thế nhưng họ chẳng bao giờ cố gắng liên hệ với các người khác, cố gắng kiến tạo một mối liên hệ, cố gắng tham gia.............


2- Họ bảo anh ta im đi. Đây là cách đáp ứng thứ hai đối với tiếng kêu của Bartimaeus: im đi, đừng làm phiền đến chúng tôi, hãy để cho chúng tôi yên. Không như cách đáp ứng thứ nhất, cách đáp ứng này có nghe thấy, có nhận ra, và có liên hệ với tiếng kêu của người khác.Nó nhận ra rằng họ ở đó, nhưng chỉ phản ứng bằng cách trách móc. Nó là thái độ của một số vị lãnh đạo của dân Chúa; họ tiếp tục khiển trách người khác, trút xuống họ các lời quở mắng, bảo họ câm cái miệng lại.  


Đó là thảm kịch của thứ nhận thức cô lập, của những ai nghĩ rằng sự sống của Chúa Giêsu chỉ giành cho những ai xứng đáng với nó. Họ dường như tin rằng chỉ có chỗ cho thành phần "xứng đáng", cho "người khá hơn", để rồi từ từ họ tách mình ra khỏi người khác. Họ gắn cho cái căn tính của họ một nhãn hiệu trổi vượt. 


Họ nghe thấy nhưng không lắng nghe. Cái nhu cầu cần phải tỏ ra rằng họ là một con người khác hẳn đã đóng cõi lòng họ lại. Cái nhu cầu cần nói với họ "tôi không như người ấy, không  như những con người ấy", chẳng những chặn họ lại trước tiếng kêu của dân họ, chặn họ lại không cho họ chảy nước mắt, thế nhưng trên hết là chặn họ lại không cho họ lập luận để hoan hỉ. Cuời với những ai vui cười, khóc với những ai than khóc; tất cả những điều này đều thuộc về mầu nhiệm của cõi lòng vị linh mục. 


3- Họ bảo anh ta hãy an tâm đứng lên. Sau hết, chúng ta sang cách đáp ứng thứ ba. Đây không phải là một cách đáp ứng trực tiếp với tiếng kêu của Bartimaeus cho lắm như là một âm vang, hay như là một phản ánh, của cách thức chính Chúa Giêsu đã đáng ứng lời van xin của người ăn xin mù lòa này. Nơi những ai bảo anh ta hãy an tâm đứng lên, tiếng kêu của người ăn xin đã làm phát sinh một lời, một mời gọi, một cách thức đáp ứng mới mẻ và thay đổi với Dân thánh của Thiên Chúa. 


Không giống như những ai chỉ đi ngang qua, Phúc Âm nói rằng Chúa Giêsu đã dừng lại và hỏi những gì đang xẩy ra. Người đã dừng lại khi có ai kêu la tới Người. Chúa Giêsu chọn lựa họ trong đám đông vô danh và can dự vào đời sống của họ. Và chẳng những không bảo họ im đi, Người hỏi anh ta rằng: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Người không cần tỏ ra rằng Người khác lạ, là một con người ngoại lệ; Người không xét xem Bartimaeus có xứng đáng hay chăng trước khi nói với anh ta. Người chỉ hỏi anh ta một câu hỏi, nhìn anh ta và tìm cách đi vào đời của anh ta, để chia sẻ với thân phận của anh ta. Làm như thế, Người từ từ phục hồi cái phẩm giá bị mất đi của con người ấy; Người đã bao gồm anh ta. Người chẳng những không tỏ ra khinh thường anh ta, Người còn cảm kích muốn biết vấn đề của con người này, để nhờ đó Người có thể tỏ quyền năng biến đổi của tình thương. Không thể nào có cảm thương nếu không dừng lại, nghe thấy và tỏ tình đoàn kết với người khác. Lòng cảm thương không phải là những gì quần quật, nó không phải là một thứ đớn đau câm nín, mà là lý lẽ của tình yêu. Một thứ lý lẽ, một đường lối suy tư và cảm thức, không bắt nguồn từ sợ hãi mà từ tự do xuất phát bởi tình yêu và lòng mong muốn coi sự thiện của người khác trước hết mọi sự khác. Một thứ lý lẽ xuất phát không bởi sợ đến gần với nỗi đớn đau của dân chúng ta. Thậm chí còn có nghĩa là đứng bên cạnh họ và cầu nguyện với họ nữa.


Đó là thứ lý lẽ của vai trò làm môn đệ, nó là những gì Thánh Linh làm với chúng ta và trong chúng ta. Chúng ta là những chứng nhân về điều này. Có ngày Chúa Giêsu đã thấy chúng ta trên vệ đường, đắm mình trong đớn đau và khốn khổ của chúng ta. Người không bịt tai lại trước tiếng kêu của chúng ta. Ngài đã dừng lại, đã đến gần và đã hỏi xem những gì Người có thể làm cho chúng ta. Nhờ nhiều chứng nhân, thành phần đã nói với chúng ta rằng: "Hãy an tâm đứng lên", chúng ta đã dần dần cảm nghiệm được tình yêu nhân hậu này, tình yêu biến đổi này, một tình yêu giúp chúng ta có thể thấy được ánh sáng. Chúng ta là những chứng nhân không phải của một thứ ý hệ, của một thứ thực đơn, của một thứ thần học đặc biệt. Chúng ta là những chứng nhân cho việc chữa lành và tình yêu nhân hậu của Chúa Giêsu. Chúng ta là những chứng nhân của việc Người làm trong đời sống của các cộng đồng chúng ta...


 

Diễn Từ ngỏ cùng các tù nhân ở Trung Tâm Cải Huấn Santa Cruz-Palmasola Thứ Sáu 10/7/2015

"Nếu có những lúc anh chị em cảm thấy buồn, chán, tiêu cực, tôi xin anh chị em hãy nhìn lên Chúa Kitô tử giá. Hãy nhìn vào dung nhan của Người. Người đang nhìn chúng ta; nơi đôi mắt của Người có một chỗ cho chúng ta ở đó".

 

Anh Chị Em thân mến, 

Xin chào anh chị em!

 

Tôi không thể rời Bolivia mà không nhìn thấy anh chị em, mà không chia sẻ đức tin và đức cậy là hoa trái của tình yêu được tỏ hiện trên thập giá của Chúa Kitô. Cám ơn anh chị em đã nghênh đón tôi; tôi biết rằng anh chị em đã dọn mình cho giây phút này và anh chị em cũng đã từng cầu nguyện cho tôi. Tôi hết lòng cám ơn anh chị em về điều ấy.

 

Qua những lời của Đức Tổng Giám Mục Jesús Juárez cũng như nơi các chứng từ của những người anh em đã bày tỏ, tôi đã thấy được cái đớn đau vẫn không thể dập tắt được niềm hy vọng sâu xa trong cõi lòng của con người, và sự sống vẫn tiếp tục với một sức mạnh mới ngay cả giữa những khó khăn.

Anh chị em đang tự hỏi mình rằng: "Ngưòi đang đứng trước mặt chúng ta đây là ai vậy?" Tôi xin trả lời câu hỏi ấy bằng một niềm tin tưởng tuyệt đối về đời sống của bản thân tôi. Người đang đứng trước mặt anh chị em đây là một con người đã cảm nghiệm được ơn tha thứ. Một con người đã và đang được cứu độ khỏi nhiều tội lỗi của mình. Tôi là con người ấy. Tôi không có nhiều điều để trao ban cho anh chị em hay để cống hiến cho anh chị em, thế nhưng tôi muốn chia sẻ với anh chị em những gì tôi có và những gì tôi yêu mến, đó là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu Kitô, tình thương của Chúa Cha. 

 

Chúa Giêsu đã đến để tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đối với anh chị em, đối với anh chị em, đối với anh chị em, đối với tôi. Đó là một tình yêu mãnh liệt và thực hữu. Đó là một tình yêu trân trọng lưu ý tới sự khốn khổ của những ai Người yêu thương. Đó là một tình yêu chữa lành, tha thứ, vực dậy và quan tâm. Đó là một tình yêu gần gũi và phục hồi phẩm vị. Chúng ta có thể đánh mất phẩm vị này bằng rất nhiều cách. Thế nhưng Chúa Giêsu lại ngoan cố, ở chỗ, Người đã trao ban chính sự sống của Người để phục hồi cái căn tính chúng ta đã đánh mất, để khoác vào người chúng ta tất cả quyền năng của phẩm vị Người

 

Những điều sau đây có thể giúp chúng ta hiểu được điều ấy. Thánh Phêrô và Phaolô, những người môn đệ của Chúa Giêsu, cũng đã là những tù nhân nữa. Các vị đã không đánh mất tự do của các vị. Thế nhưng có một cái gì đó đã bảo trì các vị, một cái gì đó đã không làm cho các vị thất vọng, không làm cho các vị cảm thấy tối tăm và vô nghĩa. Cái đó là cầu nguyện, vừa cá nhân lẫn cùng với người khác. Các vị đã cầu nguyện và các vị đã cầu nguyện cho nhau. Hai thể thức cầu nguyện này đã trở thành một móc nối để duy trì sự sống và niềm hy vọng. Và cái móc nối đó giữ chúng ta cho khỏi thất vọng. Nó phấn khích chúng ta tiến tới. Nó là một thứ móc nối nâng đỡ sự sống, sự sống của riêng anh chị em cũng như sự sống của gia đình anh chị em. Anh chị em đã nói về người mẹ của anh chị em. Lời cầu nguyện của những người mẹ, lời cầu nguyện của những người vợ, lời cầu nguyện của những đứa con, đó là một thứ móc nối, và lời cầu nguyện của anh chị em là những gì đưa anh chị em bước tới.

 

Khi Chúa Giêsu trở thành một phần đời của chúng ta thì chúng ta không còn bị giam giữ trong ngục tù quá khứ của chúng ta. Trái lại, chúng ta bắt đầu nhìn vào hiện tại và chúng ta thấy nó một cách khác hẳn, bằng một niềm hy vọng khác. Chúng ta bắt đầu thấy bản thân mình và đời sống của chúng ta bằng một thứ ánh sáng khác. Chúng ta không còn bị tắc nghẹn trong quá khứ, nhưng có thể nhỏ ra những giọt lệ và tìm thấy nơi chúng sức mạnh để bắt đầu lại. Nếu có những lúc anh chị em cảm thấy buồn, chán, tiêu cực, tôi xin anh chị em hãy nhìn lên Chúa Kitô tử giá. Hãy nhìn vào dung nhan của Người. Người đang nhìn chúng ta; nơi đôi mắt của Người có một chỗ cho chúng ta ở đó. Tất cả chúng ta có thể mang đến cho Chúa Kitô các thương tích của chúng ta, nỗi đớn đau của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, cũng như các lầm lỗi của chúng ta, các tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đã phạm rất nhiều lầm lỗi. Nơi các thương tích của Chúa Giêsu, có một nơi cho các thương tích của chúng ta. Tất cả chúng ta đều bị thương không cách này thì cách khác. Hãy đặt những thương tích của chúng ta vào các thương tích của Chúa Giêsu. Để làm gì chứ? Để chúng có thể được xoa dịu, rửa sạch, thay đổi và chữa lành. Người đã chết vì chúng ta, vì tôi, để Người có thể vươn tay của Người ra cho chúng ta mà nâng chúng ta dậy. Hãy nói cho các vị linh mục đến đây, hãy nói với các vị, nói với những người anh chị em đến đây. Hãy nói, hãy nói với họ bất cứ những gì anh chị em có về Chúa Giêsu! Chúa Giêsu bao giờ cũng muốn giúp anh chị em chỗi dậy. 

Niềm tin tưởng này làm cho chúng ta chịu khó để bảo trì phẩm vị của chúng ta. Tình trạng bị nhốt tù, "không ra ngoài được - shut in" thì không giống như trường hợp "không được vào trong - shut out", cần phải cho rõ ràng. Việc giam cầm là một phần của tiến trình tái hội nhập vào xã hội. Tôi biết rằng có nhiều điều ở đây gây thêm khó khăn - tôi biết rất rõ và anh chị em cũng đã đề cập đến: nào là quá đông, nào là công lý bị trì trệ, nào là thiếu những cơ hội được đào luyện và các chính sách phục hồi, nào là bạo lực, nào là thiếu các cơ sở cấp đại học. Tất cả những điều ấy đều nhắm đến nhu cầu cần phải hợp tác một cách mau chóng và hiệu quả giữa các cơ quan để tiến đến việc giải quyết. 

Tuy nhiên, trong khi hoạt động cho điều ấy, chúng ta không được nghĩ rằng tất cả mọi sự đều tiêu tan mất mát. Có những điều chúng ta có thể làm ngay cả hôm nay đây. 

Ở đây, tại trung tâm cải huấn phục hồi này, cách thức anh chị em cùng nhau chung sống tùy thuộc vào chính anh chị em ở một mức độ nào đó. Tình trạng đau khổ và bị tước đoạt là những gì có thể làm cho chúng ta có một con tim vị kỷ và dẫn đến chỗ đối chọi, thế nhưng chúng ta cũng có khả năng để làm cho những điều ấy trở thành cơ hội cho tình huynh đệ chân thực. Hãy giúp đỡ nhau. Đừng sợ giúp nhau. Ma quỉ đang tìm cách gây ra đấu đá, kình địch, chia rẽ, băng đảng. Đừng chiều theo hắn. Hãy tiếp tục hoạt động cho việc tiến bộ. 

Tôi xin anh chị em hãy chuyển lời chào của tôi đến gia đình của anh chị em mà một số người hiện đang ở đây. Sự hiện diện và nâng đỡ của họ là những gì rất quan trọng! Ông bà, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái: tất cả đều nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc đời thì đáng sống và chúng ta cần phải tiếp tục chiến đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Sau hết, tôi xin có lời phấn khích tất cả những ai đang làm việc ở trung tâm này: các quản trị viên, nhân viên cảnh sát và tất cả mọi nhân viên. Họ thi hành một việc phục vụ công cộng quan trọng. Họ có một trách nhiệm quan trọng trong việc làm cho dễ dàng tiến trình tái hội nhập. Trách nhiệm của họ là vực dậy chứ không phải nhấn xuống, là phục hồi phẩm vị chứ không phải hạ nhục; là phấn khích chứ không phải gây khó dễ. Nghĩa là loại trừ một thứ tâm thức coi con người "tốt" hay "xấu", mà là cố gắng tập trung vào việc giúp đỡ người khác. Cái tâm thức giúp người này sẽ cứu anh chị em khỏi tất cả mọi hình thức bại hoại và sẽ giúp tạo nên những điều kiện tốt đẹp hơn cho hết mọi người. Nó sẽ cống hiến phẩm vị, mang lại động lực, và làm cho tất cả chúng ta nên người tốt hơn. 

Trước khi ban cho từng anh chị em phép lành của mình, tôi xin chúng ta hãy thinh lặng cầu nguyện trong giây lát. Mỗi một người trong anh chị em, bằng bất cứ cách thức nào có thể đối với anh chị em....

Tôi xin anh chị em làm ơn tiếp tục cầu nguyện cho tôi, vì tôi cũng có những lầm lỗi và cả tôi nữa cũng cần phải thống hối ăn năn. Xin cám ơn anh chị em. Xin Thiên Chúa là Cha của chúng ta nhìn đến cõi lòng của chúng ta, xin Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài, sự nhẫn nại của Ngài, sự êm ái dịu dàng làm cha của Ngài và xin Ngài chúc lành cho chúng ta. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. 

 

Paraguay (10-12/7/2015)

 

http://www.romereports.com/pope-in-paraguay
(xin xem các video clips trong chuyến tông du này tùy thích ở trong cái link trên đây)

 

Giảng Lễ ở trước Đền Thánh Mẫu Caacupé Paraguay Thứ Bảy 11/7

"Mẹ Maria là người nữ của niềm tin; Mẹ là Mẹ của Giáo Hội; Mẹ đã tin tưởng. 
Đời sống của Mẹ chứng tỏ rằng Thiên Chúa là Đấng không lừa dối chúng ta". 

..... Trong Phúc Âm chúng ta vừa nghe lời vị thiên thần chào Đức Maria: Hãy vui lên hỡi đầy ơn phúc. Chúa ở cùng cô. Hãy vui lên, Maria, hãy vui lên. Khi nghe thấy lời chào này, Mẹ Maria cảm thấy bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa gì. Mẹ hoàn toàn không hiểu được những gì đang xẩy ra lúc ấy. Thế nhưng Mẹ biết rằng vị thiên thần này từ Thiên Chúa mà đến và vì thế Mẹ đã thưa xin vâng. Maria là Mẹ của Xin Vâng. Xin vâng với ước mơ của Thiên Chúa, xin vâng với việc chăm sóc của Thiên Chúa, xin vâng với ý muốn của Thiên Chúa. 

Như chúng ta đều biết, đó là tiếng xin vâng không dễ gì để sống. Một tiếng xin vâng chẳng được đặc ân hay chuyên biệt nào. Ông Simeon đã nói tiên tri về Mẹ rằng: "sẽ có một lưỡi gươm đâm vào lòng của cô" (Luca 2:35), và thật sự đã xẩy ra như thế. Đó là lý do chúng ta yêu mến Mẹ rất nhiều. Chúng ta thấy được một Người Mẹ thật sự ở nơi Mẹ, một người mẹ giúp chúng ta giữ cho đức tin và đức cậy được sống động giữa những hoàn cảnh éo le phức tạp. Suy nghĩ về lời tiên tri của Ông Simeon, chúng ta cần chia sẻ ngắn gọn về 3 thời khắc khó khăn trong đời sống của Mẹ Maria: 

1- Thi khắc thứ nhất là cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu. Các vị không có chỗ trọ. Các vị là những người vô gia cư, không nơi nào đón nhận Con của Mẹ. Không có nơi để Mẹ có thể sinh hạ. Các vị không có họ hàng thân thuộc ở gần đó; các vị lẻ loi cô độc. Chỉ có một nơi duy nhất đó là một hang của thú vật. Chắc hẳn Mẹ vẫn nhớ những lời của thiên thần: "Hãy vui lên hỡi Maria, Chúa ở cùng cô". Mẹ dám tự hỏi rằng: "Thế thì Ngài ở đây bây giờ?"

2- Thời khắc thứ hai là việc trốn sang Ai Cập. Các vị cần phải ra đi, đi đến nơi lưu đầy. Các vị chẳng những không có phòng, không có gia đình gần gũi, sự sống của các vị còn nguy hiểm nữa. Các vị cần phải lên đường ra nước ngoài. Các vị là các kẻ di dân bị bách hại, vì lòng ghen tương và tham lam của ông vua. Cả ở đó nữa, Mẹ có thể đã dám tự hỏi rằng: "Tất cả những gì đã được thiên thần hứa hẹn đâu cả rồi?" 

3- Thời khắc thứ ba là biến cố Chúa Giêsu chết trên thập tự giá. Không một cảm nghiệm nào khó khăn hơn đối với một người mẹ khi chứng kiến thấy cái chết của con mình. Thật là đoạn trường. Chúng ta thấy Mẹ Maria ở đó, ở dưới chân cây thập tự giá, như hết mọi người mẹ, mạnh mẽ, trung thành, ở với người con của Mẹ cho tới lúc người con chết, chết trên thập giá. Cả ở đó nữa, Mẹ có thể đã đặt vấn đề: "Đâu là tất cả những lời hứa hẹn thiên thần đã nói với tôi?" Bấy giờ chúng ta thấy Mẹ tỏ ra can đảm và nâng đỡ các môn đệ.......

Mẹ Maria là người nữ của niềm tin; Mẹ là Mẹ của Giáo Hội; Mẹ đã tin tưởng. Đời sống của Mẹ chứng tỏ rằng Thiên Chúa là Đấng không lừa dối chúng ta, Thiên Chúa không bỏ rơi dân của Ngài, ngay cả trong những lúc hay những trường hợp đường như Ngài không có đó. Mẹ Maria là người môn đệ đầu tiên của Con Mẹ và trong những lúc khó khăn Mẹ đã giữ cho niềm hy vọng của các tông đồ sống động. Họ cảm thấy lo sợ nên đã giam mình ở căn thượng lầu. Là một người phụ nữ chú ý tới các nhu cầu của người khác, Mẹ có thể nói - khi việc cử hành và bầu khí vui vẻ đã đi đến cùng - "này, họ hết rượu rồi" (Gioan 2:3). Mẹ là người nữ đã đến ở với người họ hàng của Mẹ "chng 3 tháng" (Luca 1:56), nhờ đó bà Isave không bị lẻ loi khi sửa soạn sinh con. Đó là người mẹ của chúng ta, rất tốt lành và rất nhân ái, Mẹ là Đấng hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống của chúng ta...........

 

Bài Giảng Giờ Kinh Tối cho các Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ, Chủng Sinh và các Phong Trào Công Giáo ở Vương Cung Thánh Đường Mông Triệu Asunción Paraguay Thứ Bảy 11/7/2015

 

"Cầu nguyện là việc bày tỏ cho thấy những gì chúng ta cảm nghiệm và những gì chúng ta cần phải cảm nghiệm trong đời sống hằng ngày của chúng ta.... Cầu nguyện là phản ảnh tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, với người khác và với toàn thể thiên nhiên vạn vật".

 

Kinh nguyện phụng vụ, theo cấu trúc thanh thản của nó, là để trở thành một bày tỏ của toàn thể Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa Kitô, khi Giáo Hội cố gắng trở nên giống Chúa của mình hơn.Mỗi người chúng ta, trong khi cầu nguyện, đều muốn trở nên giống Chúa Giêsu hơn. 

 

Cầu nguyện là việc bày tỏ cho thấy những gì chúng ta cảm nghiệm và những gì chúng ta cần phải cảm nghiệm trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Việc cầu nguyện thực sự tối thiểu thì không được tập trung vào bản thân mình hay chỉ để trình diễn. Cầu nguyện làm cho chúng ta mang ra thực hành, hay khảo sát lương tâm của chúng ta về những gì chúng ta cầu nguyện theo các bài Thánh Vịnh. Chúng ta là những bàn tay của Thiên Chúa, Đấng "nâng người nghèo từ bụi đất lên" (Thánh Vịnh 112:7). Chúng ta làm việc để biến những gì là khô khan và cằn cỗi thành niềm vui của mảnh đất phì nhiêu. Chúng ta kêu lên rằng "quí báu thay trước mắt Chúa đời sống của những kẻ tín trung của Ngài". Chúng ta là nhưng người chiến đấu, lên tiếng nói và bênh vực phẩm vị của hết mọi sự sống con người, từ khi được thụ thai cho đến tuổi già, khi tháng năm của chúng ta đã nhiều và sức khỏe của chúng ta tàn lụi. Cầu nguyện là phản ảnh tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, với người khác và với toàn thể thiên nhiên vạn vật. Giới răn yêu thương là đường lối hay nhất cho người môn đệ thừa sai để được nên giống Chúa Giêsu. Mối hiệp nhất với Chúa Giêsu là những gì đào sâu ơn gọi Kitô hữu của chúng ta, một ơn gọi liên quan đến những gì Chúa Giêsu "làm" - còn cao cả hơn là những "sinh hoạt" thuần túy nữa - đến việc trở nên giống như Người hơn trong tất cả những gì chúng ta làm. Vẻ đẹp của cộng đồng giáo hội được xuất phát từ mối hiệp nhất này của mỗi phần tử thuộc chi thể Giáo Hội với bản thân Chúa Giêsu, kiến tạo nên "một thứ tương đồng về ơn gọi" trong sự phong phú của tính chất đa dạng hài hòa. ............


Mỗi người chúng ta đều có những giới hạn của mình, và không ai có thể tái tạo nên Chúa Giêsu với tất cả tầm vóc viên trọn của Người. Cho dù tất cả các ơn gọi được liên kết với một số khía cạnh của đời sống và hoạt động của Chúa Giêsu, một số ơn gọi vẫn có tính cách tổng quan và thiết yếu hơn. Như lúc này đây chúng ta chúc tụng Chúa vì "Người đã không coi mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được"(Philiphê 2:6). Đây là trường hợp cho hết mọi ơn gọi Kitô hữu, không coi mình "cứ phải ngang hành với Thiên Chúa mới được". Một người được Thiên Chúa kêu gọi thì không khoe khoang tự đắc; họ không tìm cách để được nhận biết hay hoan hô; cho mình ngon lành hơn kẻ khác, nổi bật hơn............

 

Giảng Lễ cho Cộng Đồng Dân Chúa Paraguay ở Compo Grande Asunción Chúa Nhật 12/7

"Hôm nay đây Chúa nói với chúng ta hết sức rõ ràng: theo tâm thức của Phúc Âm, 

các con thu phục con người ta không phải bằng những thứ tranh cãi, bằng những chiến thuật hay sách lược. 

Các con thu phục họ chỉ bằng cách làm sao để đón nhận họ"

 

..................  Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Người và sai các vị ra đi, ban cho họ những lời huấn dụ rõ ràng và chính xác. Người thách đố các vị hãy có một loạt những thái độ và đường lối tác hành. Đôi khi những điều ấy khiến chúng ta cho là quá đáng hay thậm chí là ngu xuẩn. Để dễ chấp nhận hơn thì các thái độ ấy thường hiểu là có tính cách tiêu biểu hay "thiêng liêng" thôi. Thế nhưng, Chúa Giêsu rất ư là chính xác, rất ư là rõ ràng. Người không bảo các vị chỉ cần làm bất cứ những gì các vị có thể. 


Ch
úng ta hãy nghĩ đến một số những thái độ ấy: "Đừng mang theo gì dọc đường ngoại trừ cây gậy; không mang bánh, không mang bị, không mang tiền bạc..." "Khi các con vào nhà nào thì hãy ở đó cho đến khi các con rời chỗ ấy"(xem Marco 6:8-11). Tất cả những điều này dường như chẳng thực tế tí nào. 


Chúng ta có thể tập trung vào các chữ "bánh", "tiền", "bị", "gậy", "dép" và "áo".... Thế nhưng tôi bị đánh động bởi một chữ chính yếu có thể dễ dàng bị quên sót trong những chữ thách đố tôi vừa liệt kê. Nó là một chữ ở tâm điểm của linh đạo Kitô giáo, của cảm nghiệm về vai trò làm môn đệ của chúng ta, đó là chữ "tiếp đón". Chúa Giêsu với tư cách là vị chủ tốt lành, là thày dạy tốt lành, đã sai các vị đi để được đón nhận, để kinh nghiệm được lòng hiếu khách. Người nói cùng các vị rằng: "Khi các con vào nhà nào thì cứ ở đó". Người sai các vị đi để học một trong những tiêu chuẩn của cộng đồng tín hữu. Chúng ta có thể nói rằng Kitô hữu là người đã học biết đón nhận người khác, là người học biết tỏ lòng hiếu khách


Chúa Giêsu không sai các vị đi như những nam nhân có tầm ảnh hưởng, như những tay địa chủ, những quan chức trang bị đầy những luật lệ và nguyên tắc. Trái lại, Người làm cho các vị thấy rằng cuộc hành trình Kitô hữu chỉ là cuộc hành trình thay đổi tâm can lòng dạ. Trước hết là lòng dạ của mình, rồi giúp biến đổi lòng dạ của người khác. Cuộc hành trình Kitô hữu liên quan đến việc học sống một cách khác biệt, theo một luật lệ khác, theo các qui định khác. Nó liên quan đến việc từ bỏ đường lối vị kỷ, xung khắc, chia rẽ và kẻ cả, thay vào đó là đi theo đường lối của sự sống, của lòng quảng đại và của tình yêu thương. Nó liên quan đến việc vượt qua từ một thứ tâm thức hống hách, bóp chẹt và mạo dụng đến một thứ tâm thức tiếp đón, chấp nhn và chăm sóc. 


Đây là hai tâm thức đối chọi nhau, hai đường lối tiến tới của đời sống chúng ta và của sứ vụ chúng ta.


Biết bao lần chúng ta coi sứ vụ theo khía cạnh của những dự án và các thứ chương trình. Biết bao lần chúng ta thấy việc truyền bá phúc âm hóa như liên hệ với những con số về sách lược, về chiến thuật, về vận động, về kỹ thuật, như thể chúng ta có thể hoán cải dân chúng bằng những tranh cãi của chúng ta. Hôm nay đây Chúa nói với chúng ta hết sức rõ ràng: theo tâm thức của Phúc Âm, các con thu phục con người ta không phải bằng những thứ tranh cãi, bằng những chiến thuật hay sách lược. Các con thu phục họ chỉ bằng cách làm sao để đón nhận họ


Giáo Hội là một người mẹ có một trái tim cởi mở. Giáo Hội biết đón tiếp và chấp nhận, nhất là những ai thiếu thốn việc chăm sóc hơn nữa, những ai đang gặp khốn khó hơn nữa. Như Chúa Giêsu mong muốn, Giáo Hội là ngôi nhà của lòng hiếu khách. Và chúng ta có thể thực hiện tốt đẹp biết bao nếu chúng ta chỉ biết cố gắng nói thứ ngôn ngữ hiếu khách này, thứ ngôn ngữ chấp nhận và tiếp đón này. Nỗi đớn đau có thể được xoa dịu biết bao, thất vọng có thể được lắng dịu ở một nơi chúng ta cảm thấy tự nhiên như ở nhà! Điều này cần phải có những cánh cửa mở ra, nhất là những cánh cửa lòng của chúng ta. Hãy đón nhận người đói khổ, kẻ xa lạ, người trần trụi, kẻ yếu đau, người tù tội (Mathêu 25:34-37), k phong cùi và người bất toại.Hãy đón nhận những ai không nghĩ như chúng ta nghĩ, những ai không có đức tin hay những ai mất đức tin. Mà đôi khi chúng ta cần phải trách móc. Hãy đón nhận người bị bách hại, người không có công ăn việc làm. Hãy đón nhận các nền văn hóa khác nhau, những nền văn hóa nhờ đó trái đất của chúng ta rất ư là diễm phúc. Hãy đón nhận các tội nhân, vì mỗi một người chúng ta cũng là một tội nhân.
 

Chúng ta rất thường hay quên rằng có một sự dữ đỡ đầu cho tội lỗi của chúng ta, sự dữ đi trước tội lỗi của chúng ta. Có một gốc rễ đáng tiếc gây tác hại, gây tác hại lớn lao, và âm thầm hủy hoại rất nhiều cuộc sống. Có một thứ sự dữ, từng chút một, tìm được một chỗ trong cõi lòng của chúng ta và gặm nhấm đời sống của chúng ta, đó là sự cô lập. Cô lập có thể có nhiều gốc rễ, nhiều căn nguyên. Nó hủy hoại đời sống của chúng ta biết là chừng nào và nó tác hại chúng ta biết bao nhiêu. Nó làm cho chúng ta quay lưng lại với người khác, với Thiên Chúa, với cộng đồng. Nó làm cho chúng ta khép kín bản thân lại. Từ đó chúng ta mới thấy rằng công việc thực sự của Giáo Hội, mẹ của chúng ta, chính yếu không phải là những gì về các việc điều hành và các thứ dự án, mà là về việc học biết cảm nghiệm tình huynh đệ với người khác. Một tình huynh đệ tràn đầy đón nhận là chứng từ tốt đẹp nhất cho Thiên Chúa là Cha của chúng ta, vì "cứ dấu này mà tất cả sẽ biết rằng các con là môn đệ của Thày, nếu các con yêu thương nhau"(Gioan 13:35).  

 

 

Như thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta một cách thức suy nghĩ mới. Người mở ra trước chúng ta một chân trời tràn đầy sự sống, tràn đầy vẻ đẹp, chân lý và toàn vẹn. 

 

 

Thiên Chúa không bao giờ khép kín các chân trời; Ngài không bao giờ không quan tâm đến đời sống và khổ đau của con cái Ngài. Thiên Chúa không bao giờ để cho mình bị qua mặt về lòng quảng đại. Bởi thế Ngài đã sai đến với chúng ta Con của Ngài, Ngài ban Người cho chúng ta, Ngài trao nộp Người, Ngài chia sẻ Người với chúng ta... để chúng ta có thể học biết đường lối sống tình huynh đệ, biết hy hiến bản thân. Người vĩnh viễn mở ra một chân trời mới; Người là một thế giới mới chiếu ánh sáng trên rất nhiều trường hợp bị loại trừ, bị phân tán, bị lẻ loi và bị cô lập. Người là lời nói phá vỡ cái thinh lặng của cô đơn.   

 

 

Và khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và rã rời vì nỗ lực truyền bá phúc âm hóa thì nên nhớ rằng sự sống mà Chúa Giêsu truyền đạt cho chúng ta là những gì đáp ứng các nhu cầu sâu xa nhất của dân chúng. "Chúng ta đã được tạo dựng nên cho những gì Phúc Âm cống hiến chúng ta, đó là tình thân hữu với Chúa Giêsu và tình yêu thương đối với anh chị em của chúng ta" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 265).  



Có một điều chắc chắn đó là chúng ta không thể nào bắt người nào đó phải đón tiếp chúng ta; điều này tự nó thuộc về sự khó nghèo và tự do của chúng ta. Thế nhưng không ai có thể bắt chúng ta không được đón tiếp, không được hiếu khách nơi đời sống của dân chúng mình. Không ai có thể nói với chúng ta là đừng chấp nhận và ôm lấy đời sống đời sống của anh chị em chúng ta, nhất là những ai đã mất niềm hy vọng và nhiệt huyết sống. Tốt đẹp biết bao khi nghĩ đến các giáo xứ, các cộng đồng, các nguyện đường, bất cứ ở đâu có Kitô hữu, với cửa rộng mở, trở thành những trung tâm gặp gỡ giữa chúng ta và Thiên Chúa.


Giáo Hội là một người mẹ như Mẹ Maria. Ở nơi Mẹ chúng ta có được một mô mẫu. Chúng ta cũng cần phải cung cấp một ngôi nhà, như Mẹ Maria, Vị đã không chủ trị lời Chúa mà là đón nhận lời Chúa, cưu mang lời Chúa trong cung dạ của mình và cống hiến lời Chúa cho người khác. 


Chúng ta cũng cần phải cung cấp một ngôi nhà, như trái đất này, một trái đất không làm chết nghẹt hạt giống mà là lãnh nhận hạt giống, nuôi dưỡng hạt giống và làm cho hạt giống tăng trưởng


Đó là cách thức chúng ta muốn trở thành Kitô hữu, đó là cách thức chúng ta muốn sống đức tin trên mảnh đất Paraguay này, như Mẹ Maria, ở chỗ chấp nhận và đón nhận sự sống của Thiên Chúa nơi anh chị em của chúng ta, một cách tin tưởng và xác tín rằng "Chúa sẽ tưới dội xuống các phúc lành, và đất đai của chúng ta sẽ dồi dào trổ sinh". Chớ gì được như vậy. 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Vấn Đáp về Chuyến Tông Du 

5-12/7/2015




 

Xin cám ơn ngài về việc ngài nâng cấp đền thánh Đức Mẹ Caacupé thành cấp đền thờ, thế nhưng dân chúng Paraguay vẫn tự hỏi tại sao chúng tôi chưa có một vị hồng y nào?



Này nhé, vấn đề không có được một vị hồng y thì đâu phải là những gì tội lỗi. Hầu hết các xứ sở trên thế giới đều không có hồng y. Đa số là thế. Về quốc tịch của các vị hồng y, tôi không nhớ là bao nhiêu, thế nhưng các vị chỉ là thiểu số so với toàn thể. Đúng thế, cho đến nay Paraguay chưa bao giờ có được 1 vị hồng y, thế nhưng tôi không thể nào cho bạn biết lý do. Đôi khi để thực hiện một cuộc thẩm định thì cần phải cứu xét từng hồ sơ một về con người, về đặc sủng nhất là của vị hồng y là vị cần phải làm cố vấn và trợ giúp giáo hoàng trong việc quản trị Giáo Hội hoàn vũ. Vị hồng y ấy, nếu thuộc về một Giáo Hội riêng, cần phải nhập vào Giáo Hội ở Rôma, và cần có một nhãn giới phổ quát. Điều này không có nghĩa là chẳng có một vị giám mục nào ở Paraguay được như vậy. Thế nhưng bao giờ cũng cần chọn lựa cho đủ số, không thể nào vượt quá gii hạn 120 vị còn hợp lễ bầu giáo hoàng. Bolivia có 2 vị. Uruguay cũng có 2 vị. Một số quốc gia Trung Mỹ Châu chưa bao giờ có vị nào. Thế nhưng đó không phải là những gì tội lỗi mà tùy thuộc vào các hoàn cảnh và dân chúng, dù sao vẫn không có nghĩa là các vị giám mục ở Paraguay không xứng đáng. Có một số vị giám mục đã làm nên lịch sử ở Paraguay. Paraguay có đáng được một vị hồng y hay chăng? Nhìn vào Giáo Hội ở Paraguay tôi có thể nói là Giáo Hội này chẳng những xứng đáng có 1 vị mà còn 2 vị nữa là đàng khác. Đây là một Giáo Hội sinh động, một Giáo Hội hân hoan, một Giáo Hội chiến đấu bằng một lịch sử vinh quang. 


Ngài có nghĩ rằng cho tới nay nhân dân Bolivia có chủ quyền qua lại biển khơi khôngNếu Chí Lợi và Bolivia xin ngài làm môi giới thì ngài có chấp nhận hay chăng?


Vấn đề môi giới là một vấn đề rất tế nhị. Nó chỉ là bước đường cuối cùng mà thôi. Á Căn Đình đã có kinh nghiệm này với Chí Lợi rồi, và đó là một trường hợp rất gay go để chấm dứt chiến tranh. Nó được giải quyết rất tốt đẹp vì Tòa Thánh đã nhận được công việc này theo chiều hướng lợi ích của Đức Gioan Phaolô II cũng như theo chiều hướng tự nguyện của hai xứ sở liên hệ. Thế nhưng, đó chỉ là giải pháp cuối cùng. Còn có các nhân vật ngoại giao khác có thể giúp. Hiện nay tôi cần phải rất trân trọng vì Bolivia đã khiếu nại với tòa án quốc tế. Bởi vậy, nếu bây giờ tôi bày tỏ nhận định của tôi, với tư cách là một thủ lãnh quốc gia, nhận định của tôi có thể được cho rằng tôi đang cố gắng pha mình vào chủ quyền của một nước khác. Tôi tôn trọng quyết định của nhân dân Bolivia trong việc khiếu nại này. Tôi được cho biết rằng khi tổng thống Chí Lợi là Lagos còn đang tại chức, họ đã gần giải quyết được vấn đề, Đức Hồng Y Errazuriz đã nói với tôi như thế. Trong Vương Cung Thánh Đường ở Bolivia, tôi tỏ ra rất tinh tế về vấn đề này, vì biết rằng họ đã khiếu nại lên tòa án quốc tế. Anh chị em cần phải dấn thân đối thoại, các dân tộc Mỹ Châu Latinh cần phải dấn thân đối thoại, để kiến tạo nên một Đại Quê Hương, việc đối thoại là những gì cần thiết. Nói đến đy tôi đã dừng lại trong chốc lát mà rằng: "tôi đang nghĩ đến vấn đề biển cả", rồi tôi tiếp tục: Đó là những gì cần "đối thoại và đối thoại hơn nữa". Tôi tôn trọng tình hình hiện nay. Chúng ta cần chờ tòa án quốc tế phân xử. Bao giờ công lý cũng có cơ cấu nền tảng khi xẩy ra các thay đổi về lãnh giới sau trận chiến. Không phải là bất chính khi bày tỏ niềm ước vọng này. Tôi nhớ lại năm 1961, năm triết học đầu tiên của tôi, tôi được trình bày cho thấy một văn kiện về Bolivia - tôi nghĩ rằng nó được gọi là "Bản Mười Sao" - một văn kiện cho thấy từng khu vực trong 9 khu vực của quốc gia này, với biển khơi là khu vực thứ 10 mà chẳng có một dẫn giải kèm theo nào. Bởi vậy trước hết cần phải đối thoại, phải thực hiện việc thương thảo lành mạnh. 


Ecuador đã bị bất ổn trước viếng thăm của ngài, và sau khi ngài rời khỏi xứ sở này thì thành phần đối phương của chính quyền lại xuống đường. Hình như có một ý đồ gì đó muốn sử dụng việc hiện diện của ngài ở Ecuador cho lý do chính trị, nhất là với câu nói của ngài: "nhân dân Ecuador đã đứng lên cho phẩm vị". Ngài có thiện cảm với dự phóng chính trị của Correa hay chăng? Ngài có tin rằng những lời khuyên nhủ ngài gửi gấm Ecuador sẽ giúp vào việc xây dựng nền dân chủ hay chăng?

Dĩ nhiên, tôi biết có những vấn đề chính trị và tranh đấu trước chuyến viếng thăm. Tôi đã nhận thức được những điều ấy. Tôi không biết tất cả mọi chi tiết về chính trị ở Ecuador. Thật là bất khôn nếu tôi đưa ra ý kiến của tôi. Tôi được cho biết là đã có một cuộc tạm ngưng đối đầu trong chuyến viếng thăm của tôi, khiến tôi phải ngỏ lời cám ơn về cử chỉ của một dân tộc biết đứng lên, biết tôn trọng chuyến viếng thăm của một vị Giáo Hoàng. Tôi muốn nói đến một tâm thức bao rộng hơn của nhân dân Ecuador là những gì đã từng tỏ ra can trường. Đã xẩy ra một cuộc chiến tranh với nước Peru trước đây không lâu, bởi thế mới có lịch sử về một trận chiến. Từ trận chiến tranh đó mới có được một nhận thức mãnh liệt hơn về tính chất đa dạng chủng tộc, và nhận thức này mang lại phẩm vị. Bởi thế Ecuador không phải là một quốc gia sa thải, bởi vậy cụm từ tôi nói ám chỉ đến nhân dân như là một khối chung cũng như đến phẩm vị của nó. Sau cuộc chiến biên giới, Ecuador đã đứng lên và phục hồi nhận thức về tính chất đa dạng của nó cùng với sự phong phú của tính chất đa dạng này, bởi thế cụm từ này không thể nào bị gán ghép vào một trường hợp cụ thể. Cụm từ này được cả đôi bên khai thác. Một cụm từ có thể bị khai thác. Việc diễn giải của một bản văn là những gì rất quan trọng theo chiều hướng làm việc của anh chị em: Một bản văn không thể nào chỉ được giải thích bằng một câu văn, mà bằng việc dẫn giải về nó. Có những cụm từ là yếu tố chính cho việc dẫn giải ấy, còn những cụm từ khác thì không, những cụm từ được nói "váo lúc bấy giờ". Hay nếu chúng ta đang nói về quá khứ, chúng ta cần giải thích một biến cố trong quá khứ bằng những dẫn giải về thời điểm của nó. Chẳng hạn những cuôc viễn chinh thánh giá: chúng ta hãy giải thích các cuộc viễn chinh thánh giá này theo bối cảnh của thời điểm bấy giờ. Tôi không muốn đóng vai trò là một thày dạy mà chỉ cố ý giúp bạn mà thôi. 


Trong bài nói với phong trào quần chung (the popular movement), ngài đã nói về nạn tân thực dân, về việc tôn thờ tiền bạc và về sự áp đặt khắc khổ bắt dân chúng phải thắt lưng buộc bụng. Ở Âu Châu chẳng hạn, Hy Lạp đang có nguy cơ rời bỏ Khối sử dụng đồng tiền Chung Âu Châu. Ngài nghĩ sao về trình trạng này?


 

Trước hết, tại sao lại tôi lại can thiệp vào hội nghị của các phong trào quần chúng này? Đây là lần hội nghị thứ hai. Hội nghị lần đầu được tổ chức ở Vatican, trong sảnh đường thượng nghị cũ. Đó là những gì Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình tổ chức, nhưng tôi cảm thấy gần gũi với nó, vì đó là một hiện tượng liên quan đến toàn thế giới, thậm chí với cả Miền Đông, Phi Luật Tân, Ấn Độ và Thái Lan. Đó là những phong trào qui tụ lại không phải để chống đối mà là để tiến lên nhờ đó mới có thể sống, và chúng là những phong trào mạnh mẽ. Những con người này, và có nhiều, nhiều người trong họ cảm thấy họ không được các nghiệp đoàn đại diện, vì họ nói rằng các nghiệp đoàn đã trở thành một hiệp hội và không tranh đấu - tôi đang giản lược hóa một chút - thế nhưng tư tưởng mà nhiều người có đó là các nghiệp đoàn không tranh đấu cho quyền lợi của thành phần nghèo khổ nhất. Giáo Hội không thể làm ngơ. Giáo Hội có giáo huấn về xã hội và dấn thân đối thoại với các phong trào này. Các bạn đã thấy lòng nhiệt thành đã đồng hành với cảm thức là Giáo Hội không xa cách và giúp chúng ta tranh đấu. Không phải Giáo Hội chấp nhận tình trạng hỗn loạn. Không, họ không phải là thành phần làm loạn. Họ làm việc, thậm chí làm những công việc liên hệ với rác rưới và những thứ thặng dư. Về trường hợp Hy Lạp và hệ thống tổ chức quốc tế, tôi rất kỵ với bất cứ những gì liên quan đến kinh tế, vì cha của tôi là một kế toán viên và ông không hoàn thành công việc của ông ở sở thì ông mang về nhà làm cả Thứ Bảy lẫn Chúa Nhật. Tôi thực sự không hiểu được tất cả mọi sự thực hiện ra sao. Chắc hẳn là quá dễ dàng khi nói rằng chỉ một bên có lỗi. Các chính quyền Hy Lạp trong trường hợp này gánh vác món nợ quốc tế đã tỏ ra có trách nhiệm một phần nào. Với tân chính quyền Hy Lạp, một tiến trình kiểm điểm đã bắt đầu công bình hơn một chút... Tôi hy vọng rằng họ tìm được đường lối giải quyết vấn đề Hy Lạp cũng như đường lối cần phải coi chừng để vấn đề tương tự sẽ không tái diễn ở các xứ sở khác. Tôi hy vọng điều này sẽ giúp chúng ta tiến lên vì đường lối nợ nần đó là những gì chẳng bao giờ cùng. Khoảng chừng 1 năm rưỡi trước đây, họ đã nói với tôi một điều - mà tôi không biết có đúng hay chăng - về một dự phóng ở Liên Hiệp Quốc, theo đó một quốc gia có thể tự khai phá sản mà không giống như kiểu vỡ nợ. Tôi không biết kết quả ra sao, tôi chỉ sử dụng nó để minh họa điều tôi đã nghe. Nếu một công ty có thể khai phá sản thì tại sao một quốc gia lại không làm như thế được chứ, nhờ được giúp đỡ? Thế rồi có cả vấn đề về những thứ tân thực dân nữa. Tất cả về vấn đề giá trị. Tình trạng thực dân hóa về chủ nghĩa hưởng thụ. Thói chủ nghĩa hưởng thụ là một sản phẩm của chủ nghĩa thực dân hóa. Nó đưa đến một thói quen không phải là của các bạn và gây ra tình trạng mất thăng bằng nơi phẩm tính cá nhân cùng sức khỏe thể lý cũng như tinh thần của họ, đó chỉ là một thí dụ. 


Một trong những sứ điệp mãnh liệt nhất trong chuyến viếng thăm này của ngài đó là ngài nói rằng nền kinh tế hiện nay thường đặt lợi lộc lên trên tất cả mọi sự khác. Hoa Kỳ coi câu nói này như là một lời phê phán chống lại lối sống của họ: Ngài có cần phải nói gì về nhận định này hay chăng


 

Những gì tôi nói chẳng có gì là mới mẻ, cụm từ ấy không phải là những gì mới. Tôi đã nói rằng "nền kinh tế này sát hại" trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm cũng như trong Thông Điệp Lausato Sii. Tôi đã nghe thấy có một số bình phẩm ở Hoa Kỳ. Tôi không có giờ để tìm hiểu kỹ những điều ấy, nhưng hết mọi lời phê phán đều cần phải đón nhận, cứu xét và rồi sau đó tiến đến chỗ đối thoại. Các bạn hỏi tôi nghĩ gì. Vì tôi không bàn luận với những ai bày tỏ những lời bình phẩm ấy, nên tôi không có quyền đưa ra ý kiến. Vậy tôi sẽ viếng thăm Hoa Kỳ nên tôi cần phải bắt đầu thực hiện việc tìm hiểu. Cho đến nay tôi mới đọc các hồ sơ về 3 xứ sở Mỹ Châu Latinh mỹ miều này. Giờ đây tôi cần phải nghiên cứu về Cuba và về Hoa Kỳ. 


Ngài cảm thấy ra sao khi Tổng Thống Marales tặng cho ngài cây thập tự giá kèm theo cái búa và cái đe? Kết cục đã xẩy ra như thế nào?


Tôi đã thắc mắc, tôi không biết Cha Espinal là một điêu khắc gia và cũng là một thi sĩ. Tôi đã biết về nó trong mấy ngày vừa rồi, tôi đã thấy nó và tôi cảm thấy bỡ ngỡ. Nó có thể được loại vào một hình thức nghệ thuật phản kháng. Ở Buenos Aires mấy năm trước đây đã có một cuộc triển lãm về các tác phẩm của một điêu khắc gia tài giỏi, một người Á Căn Đình có óc sáng tạo đã chết. Đó là một thứ nghệ thuật phản kháng, và tôi nhớ có một bức cho thấy Chúa Kitô tử giá ở trên một chiếc máy bay thả bom rơi xuống: một phê phán chống lại Kitô giáo vì Kitô giáo liên minh với chủ nghĩa đế quốc. Tôi liệt nó vào thứ nghệ thuật phản kháng, mà ở vào một số trường hợp nó có thể bị coi là những gì xúc phạm. Cha Espinal đã bị sát hại vào năm 1980. Đó là thời điểm Thần Học Giải Phóng có nhiều chi nhánh. Một trong những chi nhánh này đã sử dụng phân tích của Mác-xít về thực tại và Cha Espinal chấp nhận những tư tưởng ấy. Tôi biết điều ấy là vì vào năm đó tôi là viện trưởng khoa thần học và chúng tôi đã nói nhiều về nó. Trong cùng năm này, Cha Arrupe là bề trên Tổng Quyền của Dòng Tên đã gửi một bức thư cho tu sĩ dòng này, yêu cầu họ ngưng việc phân tích về thực tại của Mác-xít, và 4 năm sau, vào năm 1984, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã ban hành văn kiện đầu tiên có tính cách bình luận, và văn kiện thứ hai bao gồm những quan điểm của Kitô giáo hơn. Cha Espinal là một trong những người nhiệt liệt với những phân tích này của Mác-xít và ngài đã chế ra bức tượng này. Thi ca của ngài cũng thuộc về thứ loại ấy. Đó là đời sống của ngài, là đường lối suy tư của ngài. Ngài là một con người đặc biệt đầy những biệt tài nhân bản, một con người thành tâm. Chúng ta cứ cho là như thế đi: Tôi hiểu được bức tượng ấy và tôi đã không cảm thấy bị xúc phạm. Tôi mang nó theo với tôi, vì tôi nghĩ về nó như là những gì từ dân chúng. Tôi đã cầu nguyện và nghĩ rằng tôi nên lưu chúng lại với Đức Mẹ Copacabana, để chúng gửi về đền thánh này. Còn tượng Chúa Kitô bằng gỗ thì tôi đã mang theo với tôi. 


Trong bài giảng của ngài ở Guayaquil, ngài đã xin dân chúng hãy cầu nguyện để Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới tới đây có được những giải đáp cho các vấn đề của gia đình đang còn phải đương đầu, và để Thiên Chúa biến những gì gây gương mù cho chúng ta và đối với chúng ta như là những gì ô uế trở thành một phép lạ. Ngài có một trường hợp nào đặc biệt và cụ thể trong trí khôn khi ngài nói về điều này hay chăng? 



Cả ở đây nữa, tôi sẽ thực hiện một số dẫn giải về bản văn. Tôi đã cố ý nói đến phép lạ của thứ rượu ngon. Tôi nói rằng những chum nước đã được đổ đầy, thế nhưng chúng đã từng được sử dụng vào việc thanh tẩy. Hết mọi người tham dự tiệc cưới này đều thực hiện việc thanh tẩy của mình và lưu lại cái bẩn thỉu thiêng liêng của họ. Đó là một nghi thức thanh tẩy trước khi tiến vào một ngôi nhà hay đền thờ. Hiện nay chúng ta có điều này ở nơi nước thánh.... Chúa Giêsu biến nước bẩn, nước bẩn nhất, thành thứ rượu hảo hạng. Nhận định này tôi muốn bày tỏ là như thế này: Gia đình đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng, như tất cả chúng ta đều biết. Điều này là những gì hiển nhiên ở trong bản văn làm việc - instrumentum laboris (của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới tới đây). Tôi muốn nói đến tất cả những điều nàyĐó là Chúa sẽ thanh tẩy chúng ta khỏi tất cả những gì đang xuất hiện từ các cuộc khủng hoảng này, là Ngài sẽ làm cho chúng ta trở thành con người tốt đẹp hơn và chúng ta tiến bước. Tất cả những trường hợp đặc biệt đều được đề cập đến trong bản văn làm việc này. 

 

 


Vì thấy được vai trò môi giới tốt đẹp biết bao giữa Cuba và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mà có thể nào xẩy ra một trường hợp tương tự giữa các xứ sở khác ở Mỹ Châu Latinh hay chăng?Tôi đang nghĩ đến Colombia và Venezuela.

 


Tiến trình xẩy ra giữa Cuba và Hoa Kỳ không phải là một thứ môi giới, nó không có đặc tính của một việc môi giới. Cả hai bên đều đã bày tỏ ước vọng. Thành thực mà nói thì 3 tháng đã trôi qua: Tất cả những gì tôi đã làm đó là cầu nguyện về vấn đề này. Người ta còn có thể làm gì khác nếu tình hình giữa họ vốn là như thế 50 năm qua chứ? Thế rồi. Chúa khiến cho tôi nghĩ đến một vị hồng y, vị đã đến đó để nói chuyện. Sau đó tôi chẳng nghe thấy gì nữa mấy tháng trời cho đến một ngày kia, vị Quốc Vụ Khanh đã nói với tôi rằng: "ngày mai, chúng ta sẽ có một cuộc gặp gỡ thứ hai với hai phái đoàn. Tôi hỏi 'Sao lại thế?' 'Đúng vậy, đúng vậy, họ đang nói chuyện với nhau!' Rồi các sự việc tiếp tục xẩy ra. Không có vấn đề môi giới. Đó là thiện chí của hai xứ sở, và họ có công làm điều ấy. Chúng tôi đâu có làm gì mấy, chỉ một ít điều nho nhỏ vậy thôi. Thế rồi việc loan báo đã xẩy ra vào giữa Tháng 12. Ngoài ra thực sự chẳng có gì nữa để nói. Hiện nay tôi đang quan tâm về tiến trình hòa bình ở Colombia và hy vọng rằng nó sẽ tiếp tục. Chúng tôi bao giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ và có rất nhiều cách để giúp. Thật là một điều kinh hoàng nếu nó không tiếp tục. Ở Venezuela, Hội Đồng Giám Mục đang hoạt động cho hòa bình ở đó nhưng không có vấn đề môi giới nào hết. Về vấn để thỏa hiệp giữa Hoa Kỳ và Cuba ... chính là Chúa, nó được tình cờ bắt đầu và các sự việc nối tiếp từ đó. Ở trường hợp của Colombia, chúng ta cần phải cầu nguyện cho tiến trình này đừng bị khựng lại, 50 năm liên tục và sau khi có rất nhiều người đã bị mất mạng.  



Đâu là cái bí mật cho sinh lực ngài có được, một sinh lực mà mọi người đã nhận thấy trong tuần lễ vừa qua?

 

 

 

Ngài đã sử dụng loại thuốc gì phải không? Đó mới thực sự là câu hỏi. Trà Maté đã giúp tôi, thế nhưng tôi không thử những thứ lá coca, tôi muốn minh bạch hóa vấn đề! 


Trong thời gian của chuyến viếng thăm này, chúng tôi đã nghe thấy nhiều sứ điệp rất mạnh mẽ giành cho người nghèo và cũng nhiều sứ điệp mạnh mẹ và đôi khi cứng cỏi ngỏ cùng thành phần giầu sang và quyền thế. Nhưng chúng tôi nghe rất ít sứ điệp được ngỏ cùng thành phần trung lưu, thành phần làm việc trả thuế, thành phần dân chúng bình thường. Tại sao lại có ít sứ điệp như vậy ngỏ cùng thành phần trung lưu? Và sứ điệp nào là sứ điệp giành cho họ? 

 

 

 

Xin đa tạ, đó là một chỉnh đốn tốt đẹp. Bạn nói đúng đấy, đó là lỗi tại tôi. Tôi sẽ thực hiện một nhận định nhưng không phải để biện minh cho bản thân mình. Tôi cần nghĩ về nó một chút. Thế giới này đang bị phân cực, hạng trung lưu đang bị co cụm lại và có một lỗ hổng lớn giữa giầu nghèo. Tại sao tôi nói về người nghèo? Vì họ ở ngay tâm điểm của Phúc Âm. Và tôi bao giờ cũng nói về họ từ tâm điểm của Phúc Âm, chứ không theo góc cạnh xã hội học. Về thành phần trung lưu, tôi cũng đã nói một số lời thế nhưng chỉ mới chút xíu. Thành phần bình thường, thành phần giản dị, những công nhân có một giá trị lớn lao. Tôi nghĩ bạn đang nói với tôi về một điều tôi cần phải làm. Xin cám ơn việc giúp đỡ của bạn. 

 


Trong những ngày gần đây ngài đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hội nhập và đối thoại và đã hỗ trợ cho các dự án sống tốt đẹp... Ngài sẽ đề cập đến các vấn đề này hay chăng khi ngài viếng thăm Liên Hiệp Quốc và Nhà Trắng?


Không, tôi chỉ nghĩ đặc biệt đến chuyến thăm Mỹ Châu Latinh này và đến thế giới nói chung, đúng là như vậy. Thế nhưng nợ nần ở các xứ sở khắp thế giới là những gì kinh hoàng. Tất cả mọi xứ sở đều mắc nợ. Một số xứ sở đã mua nợ nần của các xứ sở khác. Thế nhưng tôi không xét đến điều ấy...


Chúng ta đã nói về Cuba và vai trò của Vatican. Giờ đây Cuba đang đóng một vai trò trong cộng đồng quốc tế, quốc gia này có cần phải cải tiến ở lạnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo hay chăng? Cuba sẽ được lợi gì và bị bất lợi ra sao?


Nhân quyền là những gì giành cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ được tôn trọng ở một hay hai xứ sở. Tôi có thể nói rằng ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới nhân quyền không được tôn trọng. Cuba hay Hoa Kỳ sẽ chịu thiệt những gì? Cả hai đều được lợi hay thiệt một điều gì đó vì đó luôn là trường hợp xẩy ra khi thương lượng với nhau. Cả hai sẽ được hưởng hòa bình, sẽ có các cuộc gặp gỡ, có tình hữu nghị, có sự hợp tác, là những gì họ được hưởng... thế nhưng họ sẽ bị thiệt những gì. Tôi không thể nghĩ ra. Thế nhưng trong các cuộc thương lượng bạn được hưởng và bạn bị thiệt một điều gì đó. Tuy nhiên, hãy trở lại với vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Chỉ cần nghĩ đến một số xứ sở, một số xứ sở Âu Châu là nơi bạn không thể thực hiện các cử chỉ tôn giáo vì các lý do khác nhau. Chúng ta cũng thấy những điều giống như vậy ở các châu lục khác nữa. Tự do tôn giáo không hiện hữu ở tất cả các phần đất trên thế giới, có nhiều nơi thiếu tự do tôn giáo. 


Ngài tỏ ra như là một vị tân lãnh đạo thế giới về ngành chính trị chuyển đổi, vì ngài chú trọng nhiều đến các phong trào quần chúng hơn là đến thế giới kinh doanh. Ngài có nghĩ rằng Giáo Hội sẽ theo ngài trong nỗ lực của ngài để nâng đỡ phong trào quần chúng là phong trào có một yếu tố trần thế mãnh liệt hay chăng? 


Các phong trào quần chúng có một chỗ đứng quan trọng trên thế giới. Điều tôi cống hiến cho họ là giáo huấn về xã hội của Giáo Hội. Như tôi đang làm với thế giới kinh doanh vậy. Nếu bạn nhìn lại những gì tôi đã nói với các phong trào quần chúng thì tất cả đều xuất phát từ giáo huấn về xã hội của Giáo Hội, những gì được áp dụng vào trường hợp của họ. Chẳng hạn, trong Thông Điệp Laudato Sí có một đoạn về nợ nần xã hội và công ích. Thế nhưng tất cả những gì tôi làm đó là áp dụng giáo huấn về xã hội của Giáo Hội. Tôi là một người theo đuổi Giáo Hội vì tôi chỉ giảng dạy giáo huấn về xã hội của Giáo Hội. Điều này không nhắm tới một kẻ thù nào, nó không phải là một yếu tố chính trị, mà là một yếu tố về giáo lý. 


Ngài có quan tâm một chút nào về vấn đề các lời nói của ngài có thể bị khai thác bởi các chính quyền, bởi các cuộc vận động và các phong trào hay chăng ?


Hết mọi lời nói và câu nói đều có thể bị khai thác, bị làm cho méo mó. Cụm từ được một phóng viên ở Ecuador đặt ra hỏi tôi đã bị một số cho là ủng hộ chính quyền, những người khác lại nói là chống chính quyền. Đôi khi các câu chuyện tin tức chỉ chộp lấy các cụm từ ngoài mạch văn của nó. Tôi không sợ. Tất cả những gì tôi nói đều chú trọng mạch văn. Và nếu tôi gây ra lầm lỗi, cảm thấy xấu hổ tôi sẽ xin thứ lỗi và tiến tới. 


Ngài nghĩ gì về tất cả những người tự chụp ảnh xin được chụp với ngài?


Tôi cảm thấy như là một người ông! Nó là một thứ văn hóa khác. Hôm nay, khi tôi rời Asunción, một viên cảnh sát vào khoảng 40 tuổi đã xin tôi cho một tấm ảnh tự chụp! Tôi đã nói với anh ta rằng anh là một thanh thiếu niên! Nó là một thứ văn hóa khác - tôi tôn trọng thứ văn hóa này. 


Ngài đã muốn nhắn gửi một sứ điệp ra sao cho Giáo Hội ở Mỹ Châu Latinh và Giáo Hội Mỹ Châu Latinh cần phải gửi cho thế giới ngày nay sứ điệp nào? 

 


Giáo Hội Mỹ Châu Latinh có một cái vốn khổng lồ, ở chỗ Giáo Hội này là một Giáo Hội trẻ trung. Đó là điều quan trọng. Giáo Hội này là một Giáo Hội trẻ trung với một tính chất tươi mới nào đó cùng với một số những ngoại thường không theo qui định. Giáo Hội này cũng có một khoa thần học phong phú đang được tìm tòi nghiên cứu. Tôi muốn phấn khích Giáo Hội trẻ trung này, và tôi tin rằng Giáo Hội này có thể dồi dào cống hiến cho chúng ta. Tôi sẽ nói cho bạn biết một điều thực sự làm cho tôi cảm kích. Đó là ở nơi cả 3 xứ sở ấy, cả 3, dọc theo các con đường có những người mẹ và người cha đứng với con cái của họ, đã làm hiệu cho thấy con cái của họ. Tôi chưa từng thấy nhiều trẻ em như thế bao giờ! Họ là một dân tộc và họ là một bài học cho chúng ta, cho Âu Châu, nơi đang lo âu về tình trạng suy giảm mức độ sinh sản, và cũng là nơi có ít chính sách giúp đỡ các gia đình đông con. Tôi nghĩ đến nước Pháp, nơi có một chính sách tốt để giúp các gia đình đông đảo. Nó đã tiến đến chỗ 2% cao hơn về mức độ sinh sản, thế nhưng các xứ sở khác ở mức zero % hay ít hơn. Thế nhưng đó không phải là những gì xẩy ra ở khắp nơi. Ở Albania chẳng hạn, tôi nghĩ là 45% dân số của nước này dưới 40 tuổi. Ở Paraguay con số này lên tới 72% hay 75%. Sự phong phú của Giáo Hội này, của quốc gia ấy và của Giáo Hội sống động đây, đó là một Giáo Hội của sự sống, một Giáo Hội đang sống. Điều này là những gì hệ trọng. Chúng ta có thể học hỏi từ điều ấy. Tôi bận tâm với thứ văn hóa sa thải ngày nay. Trẻ em bị loại trừ. Người già bị loại trừ, và tình trạng thiếu công ăn việc làm có nghĩa là giới trẻ cũng bị loại trừ nữa. Những quốc gia của giới trẻ mới mẻ này cống hiến cho chúng ta sức mạnh trong bối cảnh ấy. Giáo Hội Mỹ Châu Latinh là một Giáo Hội trẻ trung với rất nhiều vấn đề. Giáo Hội này có vấn đề và đây là sứ điệp tôi thấy được ở nơi đây, đó là: Đừng sợ tuổi trẻ của tính chất tươi mới này trong Giáo Hội. Giáo Hội này có thể là một Giáo Hội vô kỷ cương nhưng với thời gian Giáo Hội này sẽ trở nên qui củ hơn và sẽ cống hiến cho chúng ta rất nhiều sức mạnh và nghị lực. 

 

 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/francesco-sudamerica-42350/