GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV - 2015: Bản Tổng Kết - Những Mấu Chốt

 

"Các Vị Nghị Phụ của Thượng Nghị này không nói rằng tất cả mọi sự đều hoàn tất, mà chỉ xác định rằng các vị đệ trình Bản Tổng Kết cho Đức Thánh Cha để giúp ngài có thể thẩm định xem có nên tiếp tục con đường này bằng một văn kiện hay chăng, dựa trên bản văn của Thượng Nghị, để khảo sát hơn nữa đề tài về gia đình này theo quan điểm ngài muốn cống hiến".

  

The Synod assembly approves the concluding text

 

Những điểm nóng trong Bản Tổng Kết Thượng Nghị Giám Mục Thế giới Thường Lệ XIV về Gia Đình


Về việc chấp thuận Bản Tổng Kết, các Nghị Phụ đã chấp thuận với 177 phiếu trên 265, tức đa số với tỷ lệ 2/3 phiếu thuận, Bản Tổng Kết Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV về Gia Đình, một bản văn bao gồm 94 đoạn, và được bỏ phiếu từng đoạn một.

 

Về những tình trạng gia đình phức tạp cũng đã được chấp nhận với số phiếu khá khít khao là 178 và 180. Hai đoạn này đề cập đến phương thức mục vụ đối với các gia đình bị thương tích hay những ai sống bất thường theo quan điểm giáo luật và kỷ luật của Giáo Hội, đặc biệt như ăn ở vợ chồng với nhau (cohabitation), như hôn nhân dân sự, hay ly dị tái hôn.

 

Về vấn đề đồng tính, Giáo Hội vẫn tiếp tục đường lối không kỳ thị những ai có khuynh hướng đồng tính nhưng đồng thời chống lại những cuộc hợp hôn đồng tình và phản đối những áp lực bên ngoài lên Giáo Hội về vấn đề này.

 

Về "những bóng tối" thường bao phủ gia đình, như Bản Tổng Kết liệt kê: 1- sự hiện diện của chủ nghĩa cuồng tín chính trị và tôn giáo thù hận Kitô giáo, cá nhân chủ nghĩa gia tăng, ý hệ giống tính, những xung khắc, tình trạng bách hại, cảnh nghèo túng, việc làm bấp bênh, tình trạng băng hoại, những khó khăn về kinh tế có thể loại trừ gia đình khỏi việc giáo dục và văn hóa, tình trạng toàn cầu hóa của tính chất dửng dưng làm cho vị trí trọng tâm của gia đình trong xã hội bị tiền bạc, khiêu dâm và giảm sút tỷ lệ sinh sản chiếm đoạt.

 

Về các khóa dự bị hôn nhân cần phải củng cố để giúp giới trẻ đang sợ kết hôn, nhất là giúp họ được huấn luyện về cảm xúc thích đáng hợp với các nhân đức thanh tịnh và hy sinh. 

 

Về vấn đề ngôn từ của Giáo Hội cần phải được điều chỉnh để có một ý nghĩa hơn nữa giúp cho việc loan báo Phúc Âm gia đình có thể đáp ứng với những ước vọng sâu xa nhất của con người, ở chỗ chẳng những trình bày một loạt các qui định mà còn loan báo ân sủng có thể giúp sống trọn vẹn sự thiện của gia đình nữa.

 

Về tín lý liên quan đến hôn nhân gia đình, bản văn kiện đã 1- tái khẳng định tính chất bất khả phân ly của hôn nhân theo bí tích, 2- nhấn mạnh rằng sự thật và tình thương gặp gỡ nhau ở nơi Chúa Kitô; 3- nhắc nhở rằng thành phần ly dị tái hôn không phải là những người bị vạ tuyệt thông, tùy các vị giám mục nhận định tùy từng trường hợp theo giáo huấn của Giáo Hội và bằng lòng tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa không loại trừ ai.

 

Về Tông Huấn hậu Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV - 2015 này, một văn kiện theo thông lệ sẽ được chính ĐTC ban bố. Theo kinh nghiệm cho thấy nhanh nhất là 1 năm chậm là 2 năm sau Thượng Nghị, như ĐTC Phanxicô đã ban bố Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm" ngày 24/11/2013 sau khi Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIII về chủ đề "Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa đề Truyền Đạt Đức Tin Kitô Giáo" bế mạc từ ngày 27/10/2012. Vị linh mục giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết rằng: 

 

"Các Vị Nghị Phụ của Thượng Nghị này không nói rằng tất cả mọi sự đều hoàn tất, mà chỉ xác định rằng các vị đệ trình Bản Tổng Kết cho Đức Thánh Cha để giúp ngài có thể thẩm định xem có nên tiếp tục con đường này bằng một văn kiện hay chăng, dựa trên bản văn của Thượng Nghị, để khảo sát hơn nữa đề tài về gia đình này theo quan điểm ngài muốn cống hiến. 'Chúng ta tiếp tục con đường của chúng ta'". 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng lược theo VIS (Vatican Information Service) Thứ Hai 26/10/2015

 

 

Về 3 khoản nóng được phiếu thuận khít khao.

 


Như VIS tường trình trên đây, những khoản trong Bản Tổng Kết của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV - 2015 liên quan đến phương thức mục vụ giúp cho những tâm hồn đang sống trong tình trạng gia đình phức tạp, đều đã được chấp thuận với một tỷ lệ phiếu rất khít khao trong tổng số 2/3, tức là trên số phiếu ấn định 177 chỉ duy một phiếu (178) hay vài phiếu (180) thế thôi. Điển hình là 3 khoản 84, 85 và 86. 


Khoản 84: 



"Tín hữu Công giáo đã ly dị và tái hôn theo một lễ nghi dân sự nào đó cần phải được hội nhập vào các cộng đồng Kitô hữu hơn nữa bao nhiêu có thể, để tránh gương mù. Lý lẽ về việc hội nhập này là yếu tố chính yếu cho việc hỗ trợ về mục vụ của họ," để giúp họ cảm thấy rằng họ chẳng những "thuộc về" Giáo Hội mà cảm nghiệm của họ trong Giáo Hội còn có thể là một cảm nghiệm hân hoan và phong phú. "Họ được lãnh nhận Phép Rửa, họ là những người anh chị em, Thánh Thần tuôn đổ các tặng ân và đặc sủng trong họ cho thiện ích của hết mọi người". 

 

Về những hình thức tham dự của họ, thì cần phải "nhận thức được đâu là các hình thức khác nhau của việc loại trừ đang được thực hành cần phải thắng vượt", chẳng hạn họ không thể làm cha mẹ đỡ đầu hay không được dạy giáo lý hoặc đọc sách trong Nhà Thờ. Thành phần ly dị tái hôn chẳng những không "cảm thấy bị tuyệt thông mà còn cần phải sống và tăng trưởng như là những phần tử sống động của Giáo Hội, cảm thấy Giáo Hội như người mẹ của họ bao giờ cũng đón nhận họ".

 

"Việc chăm sóc cho những người này" "không có nghĩa là đức tin" của cộng đồng Kitô hữu "bị yếu kém, hay chứng từ về tính chất bất khả phân ly của hôn nhân trở nên suy yếu, trái lại, Giáo Hội thể hiện đức ái của mình nhờ thứ chăm sóc ấy".

 

Khoản 85:

 

Khoản 85 này đã trích dẫn "một tiêu chuẩn chung" trong Tông Huấn "Familiaris consortio" về "vai trò của gia đình Kitô hữu trong thế giới tân tiến" của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 22/11/1981 sau Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần thứ V trong thời khoảng 26/9-25/10, như sau: "

 

"Các vị Mục Tử cần phải biết rằng, vì sự thật, các vị buộc phải thực hiện việc cẩn thận nhận thức về các hoàn cảnh. Thật vậy, có vấn đề khác nhau giữa những ai đã thành thật cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân đầu tiên của mình và đã bị loại bỏ một cách bất chính, với những ai vì lỗi lầm trầm trọng của mình đã hủy hoại đi cuộc hôn nhân hiệu thành theo giáo luật. Sau hết, có những người lập gia đình lần thứ hai vì việc dưỡng dục con cái, và những người đôi khi theo lương tâm chủ quan tin rằng cuộc hôn nhân của họ bị hủy hoại trước đó và bất khả sửa chữa là cuộc hôn nhân không bao giờ hiệu thành".  

 

Căn cứ vào những tiêu chuẩn này, Bản Tổng Kết đã được các Nghị Phụ chấp thuận viết rằng: "Vì thế, các linh mục có nhiệm vụ hỗ trợ những ai quan tâm tỏ ra muốn nhận thức theo giáo huấn của Giáo Hội và các các hướng dẫn của vị giám mục. Cần phải khảo sát lương tâm của chúng ta theo tiến trình này, bằng những giây phút suy tư và thống hối. Những người ly dị tái hôn cần phải tự hỏi xem họ đã đối xử với con cái của họ ra sao khi mối hiệp nhất phu thể của họ bị khủng hoảng; họ có cố gắng hòa giải hay chăng; đâu là tình trạng của người bạn đời bị bỏ rơi; đâu là những hậu quả gây ra bởi cuộc khủng hoảng này trên phần còn lại của gia đình và cộng đồng tín hữu; đâu là gương mẫu nó cống hiến cho giới trẻ đang sửa soạn thành hôn". 

 

Khoản 86:

 

Một số tiêu chuẩn để "nhận thức" về các hoàn cảnh khác nhau có liên hệ đến cuộc hôn nhân trước, đến vấn đề con cái cũng như đến mối liên hệ mà các phần tử trong cuộc đối với cộng đồng Kitô hữu. Nhất là tiêu chuẩn đã được đề cập đến trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khoản 1735: "Không thể chối cãi được rằng trong một số hoàn cảnh, 'việc qui tội và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay thậm chí vô hiệu' do bởi một số yếu tố".

 

"Bởi thế, phán đoán về một hoàn cảnh khách quan không thể nào dẫn đến một phán đoán về việc qui tội chủ quan (Pontifical Council for Legislative Texts, Declaration of 24 June 2000, 2a). Ở một số hoàn cảnh, con người ta thấy rất khó hành động khác đi. Thế nên, cho dù cần phải theo một qui luật chung cũng cần phải công nhận rằng trách nhiệm đối với một số hành động hay quyết định không phải lúc nào cũng giống nhau trong tất cả mọi trường hợp. Việc nhận thức mục vụ cần phải giải quyết những trường hợp ấy với ý thức rằng lương tâm của con người ta được căn cứ vào giáo huấn của Giáo Hội. Hậu quả của một tác hành cũng không nhất thiết giống nhau trong tất cả mọi trường hợp".

"Tiến trình của việc bổ xung và nhận thức là những gì phấn khích tín hữu lưu tâm đến tình trạng của họ trước Thiên Chúa. Việc bàn luận với vị linh mục trong tòa giải tội giúp dễ dàng hóa vấn đề hình thành một phán đoán đúng đắn về những gì ngăn trở cơ hội trọn vẹn tham dự vào đời sống của Giáo Hội cũng như về những bước cần phải thực hiện theo chiều hướng ấy và giúp nó tăng trưởng". 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tóm lược theo http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/sinodo-famiglia-44212/