KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

 

Ngủ ngày rất có ích?

Chia sẻ

Khi tôi còn nhỏ, giấc ngủ được xem là tối quan trọng trong gia đình. Tôi và các anh chị em không phải tuân thủ nhiều nguyên tắc. Giờ đi ngủ rất linh động. Nhưng có một điều luôn rõ ràng: chúng tôi không được phép làm phiền người lớn hay trẻ em đang ngủ.

Khi tôi lớn lên, tôi lại sẵn sàng đánh thức người khác một cách đường đột. Điều rõ ràng là xã hội là của những người làm việc khinh thường việc ngủ ngày. Tuy nhiên, ngày càng nhiều có các bằng chứng cho thấy giấc ngủ trưa có thể đem đến những lợi ích về trí não từ giúp tăng cường sự tỉnh táo cho đến cải thiện cảm giác và củng cố trí nhớ.

Giúp ích cho trí nhớ

Trong một công trình nghiên cứu được xuất bản hồi năm ngoái, các nhà khoa học nhận thấy rằng cả giấc ngủ đêm và ngủ ngày giúp củng cố trí nhớ đối với những cặp từ không liên hệ gì với nhau, chẳng hạn như ‘tiêu cay’ và ‘khuỷu tay’. Điều này cho thấy giấc ngủ có ích trong việc giúp chúng ta học những khái niệm rắc rối.

Một nghiên cứu khác của Đại học Công nghệ Bắc Kinh thì tìm hiểu tác động của giấc ngủ đối với các vận động viên sau quá trình tập luyện. Họ nhận thấy rằng giấc ngủ ngày có thể giúp não bộ hoạt động tốt hơn và tăng cường thị giác cũng như giúp phục hồi cả tinh thần và thể chất.

Trong một công trình nghiên cứu được công bố hồi năm 2008, bà Sara Mednick ở Đại học California và các đồng sự đã so sánh tác động của 200mg chất caffeine có trong một cốc cà phê thông thường với 60 đến 90 phút ngủ ngày đối với trí nhớ. Họ phát hiện rằng giấc ngủ trưa nhìn chung giúp trí nhớ hoạt động tốt hơn trong khi caffeine hoặc là không ảnh hưởng hoặc là làm giảm trí nhớ vì nó ngăn trở các thông tin mới được củng cố vào trong trí nhớ lâu dài của chúng ta.

Những ích lợi của giấc ngủ thậm chí còn khiến cho một số công ty cho phép nhân viên của họ ngủ trưa trong giờ làm việc. Hồi đầu năm, công ty phần mềm HubSpot đã thiết kế một phòng ngủ trưa tại trụ sở văn phòng của họ ở bang Massachusetts của Mỹ. Trong đó có võng và ánh đèn mờ. Nhân viên được thoải mái đăng ký chỗ mà không bị hạn chế gì.

Theo bà Alison Elworthy ở công ty HubSpot, chính sách này ‘rất thành công’ và rất có ích cho những người mới có con nhỏ – giúp họ ngủ bù cho việc giấc ngủ bị phá suốt đêm – và những người vừa bay một chuyến dài. “Các nhân viên đều rất hứng thú và không ai lạm dụng việc này cả,” bà cho biết.

Ngủ ngày thế nào tốt nhất?

Các công ty khác thì không được thành công như vậy. BBC Capital từng đưa tin rằng chính sách ngủ trưa đã dẫn đến công việc bị chậm lại hay kéo dài ở một số công ty và dẫn đến năng suất sụt giảm đến 30% ở một công ty công nghệ ở Toronto.

Ngay cả khi như vậy, bà Mednick vẫn cho rằng 40% nhân loại là những người ngủ trưa thường xuyên. Điều này có nghĩa là họ cảm thấy cần phải ngủ trưa và ngủ trưa có lợi cho họ. Vậy thì ngủ trưa như thế nào là hiệu quả nhất?

Theo một số nhà nghiên cứu thì thời gian tự nhiên nhất để ngủ trưa dựa trên đồng hồ sinh học của chúng ta là khoảng từ 2 đến 4 giờ trưa. Tuy nhiên, cách ngủ trưa tốt nhất còn tùy vào việc bạn muốn có ích lợi gì từ giấc ngủ. Trong một công trình nghiên cứu hồi năm 2009, bà Mednick đã so sánh tác động của giấc ngủ mơ (REM sleep tức ngủ với mắt chuyển động và sinh hoạt não gần giống như lúc thức) với giấc ngủ sâu và giấc ngủ chợp mắt (tức là vẫn thức) đối với việc giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Vào buổi sáng, các sinh viên tham gia vào nghiên cứu được yêu cầu phải tìm một từ liên quan với ba từ không có liên hệ gì với nhau. Đến đầu giờ trưa thì các sinh viên được cho hoặc là ngủ sâu, ngủ mơ hay chỉ chợp mắt. Đến buổi chiều khi họ được yêu cầu làm lại công việc lúc sáng thì những người ngủ mơ làm tốt nhất. Nói cách khác, dường như giấc ngủ mơ giúp tăng cường khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

“Do đó nếu bạn muốn một giấc ngủ trưa để phục hồi, bạn cần ngủ vào lúc muộn hơn khi giấc ngủ của bạn nhiều khả năng là giấc ngủ có sóng chậm,” bà Mednick nói, “Và nếu bạn muốn ngủ trưa để tăng cường khả năng sáng tạo thì bạn nên ngủ vào lúc sớm hơn khi bạn có nhiều khả năng ngủ mơ hơn.”

Ngủ đêm đầy đủ

Nhưng nếu ngủ mơ thì cũng có nghĩa là bạn cần ngủ lâu hơn – khoảng 60 cho đến 90. Giấc ngủ ngắn cũng đem lại lợi ích. Một nghiên cứu ở Úc cho thấy giấc ngủ trưa khoảng 10’ là đủ để giúp chúng ta hồi phục sau một đêm ngủ ít. Những người tham gia vào thí nghiệm có cảm giác ít buồn ngủ hơn, tràn trề sức lực hơn và đầu óc hoạt động tỉnh táo hơn cho đến tận 155 phút sau khi ngủ trưa. Mặc dù ngủ trưa 20 hay 30’ cũng có ích nhưng sẽ mất thời gian hơn để não bộ tăng cường khả năng hoạt động có lẽ là vì chúng ta cần thời gian để quay trở lại như thường từ trạng thái ù lì của giấc ngủ dài.

Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của ông John Groeger, một giáo sư tâm lý tại Đại học Hull của Anh. Nghiên cứu này cho thấy những người vừa ngủ ngày xong không nên làm những công việc phức tạp hay những việc điều hành ở cấp độ cao. “Nếu vừa thức dậy bạn có thể làm những việc đơn giản rất tốt,” ông nói, “nhưng não bộ của bạn cần một đến hai tiếng để hoàn toàn tỉnh táo.”

Tất cả những lời khuyên về cải thiện giấc ngủ trưa đều cần có cảnh báo. Bà Elizabeth McDevitt ở Phòng thí nghiệm về Giấc ngủ và Nhận thức ở Đại học California đang nghiên cứu liệu những người không có xu hướng ngủ tập luyện để ngủ ngày có thể giúp cải thiện trí óc hay không. Mặc dù nghiên cứu này chưa được công bố, bà nói rằng cho đến nay những người này không có cải thiện gì hết. Điều này có nghĩa là nếu bạn không cảm thấy mình cần ngủ trưa thì việc miễn cưỡng không đem lại lợi ích gì.

Một số nhà khoa học cũng bác bỏ việc ngủ những giấc ngắn nhiều lần trong ngày để giảm thời gian ngủ vào ban đêm. Họ cho rằng việc ngủ ngày không bao giờ tốt bằng ngủ đủ giấc vào ban đêm.