KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

 

Trái đất lo phòng vệ trước đe dọa thiên thạch

Anh Vũ RFI
mediaMột mảnh vỡ thiên thạch. Ảnh của NASA ngày 23/01/2015.REUTERS/ NASA

Theo Le Figaro, « các thiên thạch giờ đây thực sự là mối đe dọa đối với nhân loại. Các chuyên gia đã ước tính cứ khoảng 1.000 năm thường vẫn có một thiên thạch có chiều dài cả trăm mét rớt xuống trái đất ». Tảng đá vũ trụ như vậy lao xuống với tốc độ hàng chục nghìn km/ giờ có thể xóa sổ thành phố lớn như Paris trong nháy mắt. Nếu như rơi xuống biển, thiên thạch đó có thể gây ra một cơn sóng hủy diệt có độ cao vài chục mét, đó sẽ là một thảm họa cho các vùng ven biển.

Ý thức được cái lưỡi hái tử thần luôn treo lơ lửng trên chín tầng trời đó, các nhà khoa học trên thế giới, cứ hai năm một lần lại họp nhau lại để điểm lại những kiến thức mà họ thu thập được về các khối đá vũ trụ mà trái đất vẫn thường xuyên gặp trên quỹ đạo của nó, và để đề xuất những giải pháp trong trường hợp có thể xảy ra va chạm giữa trái đất và các thiên thạch. Năm nay, hội nghị « phòng thủ hành tinh » lần thứ 4 như vậy diễn ra trong tuần này tại thành phố Fracasti của nước Ý.

Vẫn theo Le Figaro, hôm thứ Hai (11/4) các nhà khoa học tham gia hội nghị đã tập dượt với giả định phát hiện một thiên thạch đang đe dọa trái đất. Nhiều nhóm chuyên gia đã nghiên cứu hành trình bay của thiên thạch, những hậu quả cũng như các giải pháp.

Cách nay hai năm trong một bài tập tương tự, các chuyên gia đã không thống nhất với nhau về chiến lược đưa ra và hậu quả giả định cả thành phố Nice (Pháp) bị phá hủy. Điều này cho thấy, trong trường hợp có đe dọa thiên thạch thực sự thì loài người chưa sẵn sàng chống đỡ.

Hiện tại chưa một cơ quan vũ trụ nào thành công trong việc làm chệch đường bay hoặc phá hủy thiên thạch. Chính vì vậy Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và NASA của Mỹ đã bắt tay cùng xây dựng dự án AIDA, dự tính năm 2020 phóng vào không gian hai máy thăm dò đến gần sát với một thiên thạch kép, được đặt tên là Didymos, có đường kính 800 mét, bay quanh nó có một thiên thạch vệ tinh có đường kính 170 mét.

Phần việc của Cơ quan vũ trụ châu Âu là dự án mang tên AIM ( Astroid Impact Mission). Theo ông Patrick Michel, phụ trách dự án thì châu Âu sẽ đưa một máy thăm dò lên nghiên cứu trên thiên thạch và triển khai hệ thống micro vệ tinh quanh quỹ đạo bay của thiên thạch đó. Sau đó vào năm 2021, người Mỹ sẽ đưa một thiết bị nặng 300 kg lên để bắn phá thiên thạch nhỏ với tốc độ bắn 22500km/giờ, nhằm làm thay đổi đường đi của thiên thạch lớn.

Những tiểu thiên thạch vẫn luôn là mối đe dạ nghiêm trọng cho từng khu vực của trái đất, hiện vẫn chưa có chương trình nghiên cứu có hệ thống nào trong lĩnh vực này. Le Figaro cho biết, Quỹ phi vụ lợi của Mỹ có tên gọi B612, hy vọng sẽ đưa vào vũ trụ một kính viễn vọng tia hồng ngoại vào năm 2018 để theo dõi các thiên thạch nhỏ.