SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

Biểu Hiện Mầu Nhiệm Vượt Qua trong Tuần Thánh
Vào Mùa Vọng và Giáng Sinh chúng ta thường có thói quen (được khởi xướng bởi Thánh Phanxicô Khó Khăn) trưng bày cảnh Hang Đá, làm sao để có thể bao gồm được tất cả những gì Phúc Âm thuật lại về biến cố Giáng Sinh này, chẳng hạn phải có tượng Chúa Hài Đồng, tượng Mẹ Đồng Trinh Maria, tượng Bõ Dưỡng Phụ Giuse, tượng Mục Đồng cùng với chiên bò, tượng Ba Vua cùng với các lễ vật v.v., chưa kể đến những gì trang trí phụ thuộc như Ánh Sáng, Thông Xanh và Quà Tặng ở dưới cây thông này. Nếu có thêm bức phong vẻ cảnh Thành Giêrusalem với Ánh Sao Lạ tái xuất trên bầu trời Bêlem hướng về Hang Đá nữa thì thật tuyệt.

Riêng ba biểu tượng phụ thuộc là Ánh Sáng, Thông Xanh và Quà Tặng, tuy không phải là những gì chính yếu như Ba Đấng đóng vai chính làm nên mầu Nhiệm Giáng Sinh là Chúa Hài Đồng, Mẹ Đồng Trinh và Bõ Giuse, nhưng nó là những gì nói lên ý nghĩa sâu xa của Giáng Sinh: Ánh Sáng - ám chỉ "Ánh Sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9); Thông Xanh (tươi trong mùa đông tượng trưng cho chết chóc) -  ám chỉ "Sự Sống đời đời ở nơi Cha và đã trở nên hữu hình cho chúng ta" (1Gioan 1:2) trên thế gian; và Quà Tặng - ám chỉ "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Người Con riêng của Ngài để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Gioan 3:16).




Hằng năm tôi vẫn trưng bày tất cả những gì ý nghĩa nhất và đầy đủ nhất, như được nói trên đây, ở phòng khách, kèm theo một cái chiếu lớn trải ra trước Hang Đá để làm nơi chiêm niệm Mầu Nhiệm Giáng Sinh. Cho đến mãi năm nay, để chiêm niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua, tột đỉnh của Mạc Khải Thần Linh và Phụng Niên của Giáo Hội, tôi mới thực hiện những gì mà tôi nghĩ rằng bao gồm hết mọi sự về Mầu Nhiệm Vượt Qua vô cùng quan trọng và sâu xa siêu vời tuyệt diệu này. Ảnh chụp dưới đây, theo tôi, bao gồm đầy đủ ý nghĩa về Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua.


Thật vậy, trước hết, mầu tím tượng trưng cho đau thương sầu khổ. Những cành lá khô liên quan đến biến cố Chúa Giêsu vinh quang tiến vào Thánh Thánh Giêrusalem là biến cố được Giáo Hội cử hành vào Chúa Nhật Lễ Lá hằng năm, mở đầu cho Tuần Thánh. 

Tột đỉnh của Tuần Thánh là Tam Nhật Vượt Qua, thời điểm được bắt đầu từ Thứ Năm Tuần Thánh, với biến cố Bữa Tiệc Ly được chính Chúa Kitô cử hành với các môn đệ của Người, bằng cách lập Bí Tích Thánh Thể để Giáo Hội Nhiệm Thể của Người tiếp tục cử hành để nhớ đến cuộc Vượt Qua cứu độ của Người.

Sau Bữa Tiệc Ly là thời điểm Vườn Cầu Nguyện, được tượng trưng nơi một cây khô lớn, (ở ngay trước tấm hình tiệc ly như để làm nền cho cảnh tượng trước nó), ở đó cũng hiện lên mấy bông hoa đỏ trên một thân cây đầy những gai nhọn, ám chỉ hình ảnh của Đấng buồn đến chết được - xem Mathêu 26:38 (thân gai nhọn) tới nỗi đổ mồ hôi máu - xem Luca 22:44 (mấy cánh hoa đỏ).

Cây gai nở hoa đỏ đây cũng ám chỉ cả lời cầu nguyện của Chúa Kitô xin vâng theo ý của Cha (bông hoa đỏ) chứ đừng theo ý riêng của Người, cho dù Người cảm thấy trước chén đắng (thân gai nhọn) Người phải uống theo ý Đấng đã sai Người để có thể cứu độ trần gian tội lỗi. 

Cây gai nở hoa đỏ đây còn ám chỉ Cây Biết Lành Biết Dữ trong Vườn Địa Đường (xem Khởi Nguyên 2:16-17), một thứ cây có thể hiểu là chính lương tâm con người, biết đâu là lành(bông hoa đỏ) và đâu là dữ (thân gai nhọn), mà theo ấn định thần linh của Thiên Chúa, ai mà phạm đến lương tâm của mình, tức làm trái với lương tâm là tiếng nói thần linh của Thiên Chúa nơi họ thì phải chết.

Trong Vườn Địa Đường chẳng những có Cây Biết Lành Biết Dữ mà còn có cả Cây Sự Sống nữa (xem Khởi Nguyên 2:9). Nếu cây thân gai nở hoa đỏ tượng trưng cho Cây Biết Lành Biết Dữ thì Cây Khô cao lớn (trong tấm hình) tượng trưng cho Cây Sự Sống. Cây Sự Sống mà tại sao khô cằn? Bởi vì, Cây Thánh Giá cũng chẳng có hoa lá gì, hoàn toàn trơ trụi, như Đấng bị đóng đanh trên đó. 

Thứ Sáu Tuần Thánh không phải chỉ liên hệ đến Cây Thánh Giá mà đến chính Đấng bị treo trên thập giá cùng với Người Mẹ đứng kề bên Thánh Giá của Người (xem Gioan 19:25), Người Mẹ đã đau cái đau của Người và thay Người khi thấy Người bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn (xem Gioan 19:34), Người Mẹ đã ôm lấy tấm thân của Người Con tử giá được hạ xuống khỏi thập giá trước khi an táng, với mạo gai và đinh đóng được gỡ ra khỏi thi thể đã chết của Người, một thân thể đã được làm nên bởi huyết nhục trinh nguyên củaNgười Mẹ Đồng Công ấy. 


Nếu Mẹ Maria đã thụ thai Lời Nhập Thể trước hết và trên hết bằng "đức tin tuân phục" (Roma 1:5; Luca 1:38) của Mẹ thế nào thì Mẹ cũng đã cộng tác với Người để cứu chuộc loài người bằng đức tin tuân phục của Mẹ như thế. 

Ở chỗ, Mẹ chẳng những vững tin Đấng Tử Giá trong lòng Mẹ bấy giờ như thể hoàn toàn bị thua bại ấy vẫn là "Con Đấng Tối Cao... sẽ cai trị trong nhà Giacóp đến muôn đời" (Luca 1:32), đúng như Tổng Thần thiên Sứ Gabiên đã khẳng định với Mẹ ngay từ trong biến cố Truyền Tin, và vì thế Mẹ vẫn tin tưởng hoàn toàn rằng Con của Mẹ sẽ phục sinh đúng như lời Người đã báo trước và quả quyết với các môn đệ mà các vị không thể nào hiểu được và chấp nhận nổi nên đã phản nộp Người, bỏ Người mà tẩu thoát khi Người bị bắt trong Vườn Cây Dầu và trắng trợn chối bỏ Người. 

Đức tin tuân phục của Mẹ về Người Con Đấng Tối Cao của Mẹ và về việc Người sẽ sống lại đúng như lời Người đã phán: "Cứ phá đến thờ này đi, nội trong 3 ngày Tôi sẽ dựng lại" (Gioan 2:19), được tượng trưng nơi ngọn lửa lung linh trên cây nến có chữ Pax (Bình An) và hai dấu hiệu Alpha (Nguyên Thủy) và Omega (Cùng Đích): 

Bình An được Chúa Kitô Phục Sinh mang đến cho các tông đồ khi hiện ra với các vị: "Bình an cho các con" (Gioan 20:19,21), và nhất là chứng tỏ cho các vị thấy rằng Người quả thực đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, với chứng cớ hiển nhiên là các dấu tích tử giá còn trên thân xác phục sinh của Người (xem Gioan 20:27), đúng như Người đã tự xưng trước khi hồi sinh Lazarô: "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25), nghĩa là: "Ta là Đầu và là Cuối, là Đấng đang sống. Ta đã từng chết những nay đang sống - đời đời kiếp kiếp" (Khải Huyền 1:17-18).

Thế nên, là môn đệ của Chúa Kitô Vượt Qua, nhờ Phép Rửa tái sinh, Kitô hữu chúng ta chẳng những như Tông Đồ Toma tin vào Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" (Gioan 20:28), mà còn làm chứng cho đức tin phục sinh này, ở chỗ "các con phải là những chứng nhân của Thày... cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8) nữa: "Thày được toàn quyền trên trời dưới đất; vậy các con hãy đi tuyển mộ môn đồ khắp các dân nước. Hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Hãy dạy họ thi hành hết những gì Thày truyền cho các con" (Mathêu 28:18-20). 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Thứ Bảy, 28/3/2015, tuần V Mùa Chay, vọng Tuần Thánh

 

 

Bầu Trời Tuần Thánh - Tam Nhật Vượt Qua

Sau đây là một số hình ảnh người dịch chụp được gần đây ở quanh khu vực nhà mình là Rancho Cucamonga GP San Bernadino California trong giai đoạn chuyển tiếp giữa mùa đông sang mùa xuân, bao gồm những sắc thái rất thích hợp với Tuần Thánh bao gồm Tam Nhật Vượt Qua, ở một số cảnh trời tiêu biểu sau đây:

Hình ảnh bầu trời có tính cách vừa vui mừng hớn hở vừa buồn thương tang tóc của Chúa Nhật Lễ Lá mở màn cho Tuần Thương Khó.

Thứ Năm Tuần Thánh với Bữa Tiệc Ly nhuốm mầu sắc âm u của xót xa vĩnh biệt Thày trò (về thể lý) kèm theo tiên báo chối bỏ và phản bội v.v.

Thứ Sáu Tuần Thánh là cả một bầu trời đen kịt khổ nạn và đau thương trên đồi Canve nhưng vẫn le lói Phục Sinh ở cuối chân trời...

Thứ Bảy Tuần Thánh như một bầu trời âm u lặng lẽ nhưng lại le lói Phục Sinh ở cuối đường hầm Vượt Qua từ cõi chết sang cõi sống

Chúa Nhật Phục Sinh như một bầu trời sau cơn mưa trời lại sáng, mà lại càng sáng tươi rực rỡ tràn đầy sự sống hơn bao giờ hết!

Xin kính chúc Quí Môn Đệ rất yêu dấu của Chúa Kitô Khổ Nạn và Tử Giá 
một Tuần Thánh tràn đầy "Ánh Sáng Sự Sống" (Gioan 4:24) của Đấng Vượt Qua