SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

21/2/2015 (Thứ Bảy) : 

 

Thân Mệnh của thành phần "chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi" (Gioan 10:27)  

 

Phụng vụ lời Chúa cho Thứ Bảy sau Lễ Tro hôm nay bao gồm bài Phúc Âm của Thánh ký Luca (5:27-32) liên quan đến biến cố viên thu thuế Mathêu đã nồng nhiệt đáp ứng lời kêu gọi của Chúa Giêsu, và bài Sách Tiên Tri Isaia (58:9b-14) liên quan đến thành quả của việc từ bỏ những gì là bất chính mà theo đường công chính.

 

Trước hết, tại sao Giáo Hội không chọn bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, vị tông đồ đã thuật lại biến cố trở lại của chính mình (9:9-13), mà lại chọn bài của Thánh ký Luca. Xin thưa, có thể là vì chỉ ở Phúc Âm Thánh ký Luca mới có những đoạn hay truyện giữa Lòng Thương Xót Chúa với các hối nhân mà không có ở hai Phúc Âm trong bộ Phúc Âm Nhất Lãm.

 

Chẳng hạn, so hai đoạn Phúc Âm về biến cố liên quan đến bản thân của viên thu thuế được Chúa Giêsu bất ngờ kêu gọi, Mathêu, thì trong Phúc Âm Thánh ký Luca người ta thấy thêm được hai chi tiết này:

 

Chi tiết thứ nhất là tên của viên thu thuế này là Lêvi, một tên gọi gắn liền với cuộc đời tội lỗi hay nghề nghiệp bất chính của đương sự, trong khi trong Phúc Âm của chính đương sự thì tên của viên thu thuế này là Mathêu;

 

Chi tiết thứ hai đó là thái độ đáp ứng nồng nhiệt của đương sự (mà trong Phúc Âm Thánh Mathêu không có): “Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thiết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi bàn ăn với các ngài” (Luca 5:29).

 

Chính câu Phúc Âm này về thái độ đáp ứng nồng nhiệt của viên thu thuế Lêvi sau khi nghe lời mời gọi của Chúa Kitô: “Hãy đi theo Ta”, đương sự chẳng những “liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người”, mà còn “dọn một bữa tiệc linh đình thiết đãi Người tại nhà ông” nữa, là câu rất ăn khớp với bài đọc thứ nhất hôm nay, nhất là câu cuối cùng: "Nếu ngươi bỏ công ăn việc làm và những cuộc bàn tính mưu lợi mà ca tụng Chúa, thì người sẽ được hoan lạc nơi Thiên Chúa, và Ta sẽ đưa ngươi lên làm chủ các núi đồi, Ta cho ngươi thừa hưởng gia nghiệp của Giacóp, tổ phụ ngươi" (Isaia 58:13-14).

 

Thật vậy, viên thu thuế Lêvi, ngay sau khi nghe tiếng Chúa gọi, đã "bỏ công ăn việc làm" là nghề thu thuế của mình, một việc làm có tính chất vừa có vẻ phản quốc mà lại gian dối nữa. Bởi thế, đương sự một khi "bỏ công ăn việc làm" thu thuế của mình thì đồng thời cũng bỏ cả "những cuộc bàn tính mưu lợi" nữa, nhờ đó mới có thể "ca tụng Chúa". 

 

Hành động từ "bỏ công ăn việc làm và những cuộc bàn tính mưu lợi" này của viên thu thuế Lêvi đã có một tác dụng ra sao nơi chính đương sự, nếu không phải là đương sự, như bài đọc một đã cho thấy: "được hoan lạc nơi Thiên Chúa" hay sao, khi “dọn một bữa tiệc linh đình thiết đãi Người tại nhà ông”? 

 

Chưa hết, còn được "làm chủ các núi đồi", nghĩa là sống trọn lành hơn trần gian. Ý nghĩa của câu "làm chủ các núi đồi này" đã được ứng nghiệm nơi địa điểm của Bài Giảng Trên Núi được chính đương sự với tư cách là một Thánh ký sau này rõ ràng ghi lại: "Khi Người thấy đám đông dân chúng thì Người lên sườn núi. Sau đó Người đã ngồi xuống vây quanh là các môn đệ của Người, và Người bắt đầu giảng dạy các vị..." (Mathêu 5:1-2),

 

Đúng thế, trong bài giảng dài về các phúc đức trọn lành của mình, sau khi liệt kê các mối phúc đức trọn lành, Người đã ví chung Giáo Hội và riêng từng vị tông đồ, trong đó có viên thu thuế Lêvi được gọi là Mathêu, (ở Phúc Âm Thánh ký Luca thì đoạn Chúa gọi Lêvi - đoạn 5, xẩy ra trước Bài Giảng Trên Núi - đoạn 6) là: "Các con là ánh sáng thế gian. Một thành ở trên núi không thể che khuất được nữa" (Mathêu 5:14). 

 

Sau hết, thành quả của việc "bỏ công ăn việc làm và những cuộc bàn tính mưu lợi" này của viên thu thuế Lêvi còn được "thừa hưởng gia nghiệp của Giacóp, tổ phụ ngươi" nữa, tức là, như Chúa Giêsu đã khẳng định cùng các tông đồ rằng: "Thày bảo thật cho các con biết rằng vào thời điểm mới là lúc Con Người đến ngự tòa vinh hiển của Người thì các con là những người đã theo Thày cũng sẽ ngồi trên 12 tòa là chỗ của các con để xét xử 12 chi tộc Israel" (Mathêu 19:28).

 

Nơi cả 3 bài phúc âm cho cả 3 ngày sau Lễ Tro trong Mùa Chay,  Giáo Hội muốn cho con cái của mình thấy được cái viễn ảnh rạng ngời sự sống của chay tịnh và vinh quang của việc từ bỏ theo Người.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL