SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Đức Tin: đẹp, rẻ, bền

Tấm vé số trúng độc đắc Nước Trời

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

  

11-04 – Revelation 7 [2-17] – A Great Multitude Standing Before ...

 

 

Nội Dung

Kho Tàng Đức Tin

Bảo Tồn Đức Tin

Truyền Bá Đức Tin

Kho Tàng Đức Tin

 

Kinh nghiệm thực tế bình thường cho thấy mỗi khi đi mua sắm bất cứ một cái gì, trừ phi giầu quá không biết để tiền đâu cho hết nên dễ dàng phung phá, ai cũng theo tiêu chuẩn: đẹp, rẻ và bền.

 

Tất nhiên, tiêu chuẩn nhu cầu phải trên hết. Cần cũng phải mua dù đắt. Chẳng hạn các loại sách giáo khoa ở trong các đại học đường đối với thành phần sinh viên chưa đi làm còn đang mượn nợ để học. Nhưng, cả trong những vật cần hay vật thích (dù không cần), tiêu chuẩn để chọn mua bao giờ cũng là tính chất đẹp hay vẻ đẹp của vật được mua. Chẳng ai lại ngớ ngẩn đến độ bỏ tiền ra đi mua những đồ xấu xí, trừ phi làm business, chẳng hạn mua nhà cũ sửa sang lại để bán kiếm lời. Hoặc mua các xe phế thải để tháo gỡ đồ bán kiếm lời v.v.

Two Parables | "Hidden Treasure/Valuable Pearl" Warren Camp.

Nếu đức tin thể hiện qua đức ái (Galata 5:6) thì đức ái là viên ngọc quí đức tin

được tìm thấy và có giá hơn tất cả những gì được đánh đổi để có nó (Mathêu 13:45)

 

Tiêu chuẩn thứ hai để mua đó là rẻ. Trong hai món hàng cùng đẹp như nhau thì ai dại gì mua cái mắc, nên mới có vấn đề đi khảo giá. Đôi khi vì trọng tính chất của món đồ muốn mua hay dịch vụ cần có mà sẵn sàng chịu tốn một tí còn hơn ham rẻ mà than, chẳng hạn cho con đi học trường Công giáo bảo đảm hơn trương công của chính phủ. Trừ phi không có tiền đành phải mua thứ rẻ, chẳng hạn ở Việt Nam đa số là nghèo nên đành phải mua xe gắn máy rẻ tiền của Trung cộng mà xài, chấp nhận hậu quả "tiền nào của đó".

 

Tuy nhiên, có khi rẻ mà lại được việc hơn là mắc. Sáng hôm Thứ Ba ngày 5/2/2013, tôi ra bưu điện gửi quà tết từ California cho con tôi ở New York cho cháu được dịp thưởng thức các món ăn thuần túy tết nhất của Việt Nam. Vì Tết chỉ còn 5 ngày nữa, ngày 10/2/2013, nếu tôi gửi thường cho rẻ vị thùng đồ nặng (4 pounds 10 ounces, tức gần 5 pounds) thì chắc chắn cháu sẽ không thể nào kịp nếm hưởng hương vị Tết Việt Nam. Bởi thế, tôi đã phải gửi priority mail (ưu tiên) cho nhanh, bởi 2 hôm sau cháu có thể nhận được rồi. Bưu phí là 12.35 Mỹ kim, còn rẻ hơn cả gửi first class mail với chi phí là 14.50 Mỹ kim, nhưng mãi một tuần sau mới tới. Tôi hỏi nhân viên bưu điện tại sao bưu phí rẻ hơn mà lại đi nhanh hơn như thế, cả hai người đều lắc đầu không hiểu!

 

Tiêu chuẩn thứ ba trong vấn để chọn lựa mua đồ vật hay dịch vụ đó là bền. Bình thường thì những đồ rẻ tiền thì không bền bằng những thứ đồ đắt giá. Ở Mỹ có những trạm xăng gần nhau, bên này đường bên kia đường, thế mà giá xăng rất khác nhau, cùng một loại xăng, chẳng hạn unleaded, mà cách nhau đến cả 1 Mỹ kim một gallon. Có người muốn cho xe chạy bền và tốt nên sử dụng loại xăng mắc tiền hơn, chẳng hạn xăng super unleaded thay vì unleaded. Thảm hơn nữa là còn có người thích thuê contractor người Mỹ hơn Việt, vì họ đã từng bị lừa bởi các contractor kiểu handy man Việt Nam đồng hương, tiền mất tật mang.

 

Tuy nhiên, không một vật nào trên thế gian này quí đẹp sang trọng bằng Nước Trời: "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi" (Mathêu 16:26). Và trong khi tất cả mọi sự trên trần gian, dù quyền hành mấy chăng nữa, dù khỏe mạnh đến thế nào chăng nữa, dù sống lâu đến bao lâu chăng nữa, cũng như trong vũ trụ này, dù các hành tinh và các giải ngân hà bao la hầu như bất tận và như đã có từ đời đời qua muôn triệu năm trước, rồi cũng sẽ phải qua đi thì Nước Trời vẫn tồn tại và vĩnh hằng. 

THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN - Mt 13, 44 – 46 - Giáo Phận ...

 

Thế mà, một bảo vật vô cùng quí báu và muôn đời bất hủ này lại rẻ hơn tất cả mọi sự, rẻ đến độ con người trần gian vô cùng nghèo hèn không cần phải tốn một đồng xu nào vẫn có được trong tay. Vì Nước Trời là một tặng vật được ban nhưng không cho "những ai tin và chịu phép rửa" (Marco 16:16). Nếu những ai sống trong thời Cựu Ước mong đợi ngày mở xổ số Nước Trời, (tức mong đợi Thiên Chúa mở cửa Nước Trời), để xem vé số của mình có trúng hay chăng, thì những ai thuộc về Dân Tân Ước thực sự, qua Phép Rửa, đã được ban tặng nhưng không tấm vé số độc đắc trúng Nước Trời, một Nước Trời đã được Chúa Kitô chuộc lại bằng giá máu vô cùng châu báu của Người.

 

Một con người vừa được rửa tội xong mà bị chết bất đắc kỳ tử, chưa kịp phạm một tội lỗi nào, thì không phải là họ được lên thiên đàng thẳng băng hay sao? Phải, đức tin chính là tấm vé số free trúng lô độc đắc Nước Trời này! Bởi vì đức tin tự mình chất chứa tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, tất cả Nước Trời được tỏ ra cho loài người nơi Chúa Giêsu Kitô nên "ai có Con là có sự sống" (1Gioan 5:12). Thế nhưng, chính vì đức tin là tấm vé số trúng độc đắc Nước Trời như thế mà ai làm mất tấm vé số cứu độ này thì kể như cũng mất luôn Nước Trời. Đó là lý do vấn đề vô cùng quan trọng ở đây là phải làm sao có thể giữa được tấm vé số đức tin trúng Nước Trời này cho đến cùng: "Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ" (Mathêu 24:13).

 

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, ai có của quí trong nhà cũng sợ bị trộm cướp biết được mà đột nhập vào nhà lấy đi (xem Mt 24:43). Nếu đức tin là tấm vé số free trúng Nước Trời quí giá vô cùng như vậy ở trong tay loài người vô cùng hèn yếu thì tự sức mình chắc chắn họ không thể giữ được nó cho tới cùng. Nhất là thành phần ma quỉ, vì biết được hơn cả con người cái giá trị vô cùng cao quí của phần rỗi con người nhờ tấm vé số đức tin trúng độc đắc Nước Trời này, chúng sẽ vận dụng mọi mưu chước cám dỗ vô cùng dối trá để cướp mất tấm vé số định đoạt số phận đời đời ấy của con người.

Worldwide lotto winners who gave back | abc13.com

 

Ngoài ra, vấn đề làm sao có thể giữ tấm vé số đức tin trúng độc đắc Nước Trời này cho đến cùng không phải chỉ ở chỗ làm sao đừng làm mất nó đi là đủ, trái lại, còn phải làm sao cho nó sinh lợi ngay ở đời này (xem Mt 25:24-27), như thể người trúng số được quyền lĩnh hưởng từ từ những gì bao gồm trong phần độc đắc Nước Trời ấy, chứ không phải đợi cho tới khi vĩnh biệt trần gian này mới có thể được lĩnh hưởng một lúc.

 

Bảo Tồn Đức Tin

 

Trước hết, về vấn đề phải làm sao giữ được tấm vé số đức tin trúng lô độc đắc Nước Trời cho đến cùng. Đó là, ở chỗ, đừng để cho mình bị trói buộc bởi kẻ thù khiến mình dù có mạnh mẽ cũng sẽ trở thành bất lực không đủ sức chống lại hắn nữa: "làm thế nào mà một người có thể vào nhà của một kẻ mạnh để lấy đi sản vật của kẻ này nếu trước hết họ không trói kẻ ấy lại đã" (Mathêu 12:29). Thế nhưng nếu mình đã mạnh mà còn bị kẻ thù đột nhập trói lại là vì mình một là khinh địch hai là không chịu đề phòng: "Chắc chắn là nếu chủ nhà biết được giờ kẻ trộm đến thì họ đã canh chừng, không để cho nhà của mình bị đột nhập" (Mathêu 24:43).

Jesuit João Rodrigues Tçuzu: Scholar, Diplomat, and Adventurer ...

 

Một trong những lý do chính yếu các môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, trong đó có một vị chối Người, dù trước đó rất hăng say, đến thề chết bỏ chứ không chối Người (xem Luca 22:33), đó là vì không tỉnh thức và cầu nguyện: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ" (Mathêu 26:41). Cũng thế, sở dĩ ngày nay càng văn minh con người càng trở nên bạo loạn nói chung và Kitô hữu càng phá sản đức tin nói riêng là vì họ không tỉnh thức và cầu nguyện nên đã dễ dàng sa chước cám dỗ, ở chỗ chiều theo chủ nghĩa tương đối duy nhân, duy vật và vô thần, hoàn toàn sống theo tự nhiên của nền văn hóa sự chết.

 

Trong cuốn Thần Đô Huyền Nhiệm được Nữ Tu Đáng Kính Maria D'Agreda viết từ thế kỷ 17 những gì được Mẹ Maria tiết lộ về cuộc đời của Mẹ liên quan đến Chúa Kitô, có đoạn về mưu mô quỉ quyệt của hỏa ngục trong việc phá hoại công ơn cứu chuộc của Người nơi Kitô hữu, những mưu mô đang hiển nhiên ứng nghiệm ở thế giới văn minh về cả vật chất lẫn nhân bản ngày nay hơn bao giờ hết, nguyên văn như sau:

 

v  “Tất cả hội đồng quỉ đều đồng ý gieo rắc vào giữa loài người những mầm mống bất hòa, ghen ghét và thù oán, những tâm tư kiêu căng và sắc dục, long tham muốn sang giầu và vinh dự, và dùng những lý do tinh xảo để chống lại tất cả mọi nhân đức mà Chúa Kitô đã dậy; trên hết mọi sự, chúng có ý định làm quên lãng đi cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Người, những phương tiện cứu rỗi, và những đau khổ đời đời của hỏa ngục. Bằng những phương tiện này, bọn qủi hy vọng dồn tất cả mọi quyền năng và khả năng của con người vào việc ham mê những dính bén với trần gian và những thỏa mãn sắc dục, không cho họ còn giờ nghĩ đến việc thiêng liêng và đến phần rỗi của họ nữa”. (số 719)

 

Đó là lý do, trong Bí Mật La Salette, Mẹ Maria đã cảnh báo về tình trạng của loài người nói chung và Kitô hữu nói riêng sẽ trở nên hết sức nguy hiểm và thê thảm trước cuộc tấn công khủng khiếp của tên Phản Kitô cùng đám ma quỉ, nguyên văn như sau:

 

v  "Rôma sẽ mất Đức Tin và nên tòa của tên Phản Kitô. Đám quỉ trên không trung hợp với tên Phản Kitô sẽ thực hiện những sự lạ lùng cả thể trên mặt đất và trên không trung, và con người sẽ càng ngày càng hư hỏng".

 

Để có thể giữ đức tin cho đến cùng, như Chúa Kitô đã thúc giục 3 môn đệ thân tín của Người trong Vườn Cây Dầu vào Đêm Thứ Năm Tuần Thánh, Kitô hữu ở mọi nơi và trong mọi lúc phải "tỉnh thức và cầu nguyện".

 

First UCC - Last Hours of Christ 2

 

Về việc "tỉnh thức" để giữ đức tin, theo tu đức và gương các thánh, Kitô hữu cần phải sống khổ chế và tránh dịp tội, hai điều kiện bất khả phân ly. Chúa Kitô vô tội và trọn lành vẫn còn phải vào hoang địa để chay tịnh suốt 40 đêm ngày mới có thể thắng được các chước cám dỗ của Satan vô cùng quỉ quyệt thì thử hỏi Kitô hữu là ai không chịu khổ chế lại có thể đứng vững trước sức tấn công mãnh liệt của Satan chứ? Khổ chế đây liên quan chung đến đời sống theo bản tính tự nhiên luôn tìm thỏa mãn trong tất cả mọi sự cần phải cầm hãm, đừng hoàn toàn chiều theo nó, và nhất là riêng đến ngũ quan, những cơ quan giao tiếp mật thiết với "thế gian" là nơi "không thể nào tránh được xẩy ra gương mù" (Mathêu 18:7). Thật vậy, cho dù đã được rửa tội, được thánh hóa, nhưng tự mình Kitô hữu vẫn còn đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, cần phải hãm dẹp và bỏ mình mới có thể thực sự "vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24), mới có thể hoàn toàn "từ tối tăm tiến vào ánh sáng lạ lùng" (1Phêrô 2:9).

 

Đúng thế, dịp tội ở ngay bản thân của con người phạm tội: "nếu mắt phải... tay phải của các con gây rắc rối (hay nên dịp tội) cho các con thì..." (Mathêu 5:29-30), chứ không phải ở thế gian. Thế gian chỉ có gương mù mà thôi, chẳng hạn kiểu cách ăn mặc sexy gợi dục nơi phụ nữ, phim ảnh dâm ô, quyền được hôn nhân đồng tính, thuốc ngừa thai, dịch vụ phá thai v.v. Về phần kẻ làm gương mù gây ra gương xấu tất nhiên phải chịu trách nhiệm về các việc làm của mình: “Khốn cho kẻ gây ra gương mù” (Mathêu 18:7). Nhưng Kitô hữu vẫn có quyền không chấp nhận gương mù gương xấu của thế gian, và vì thế vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi nếu sa chưc cám dỗ của gương mù gương xấu thế gian ấy: Ai nhìn người đàn bà một cách dâm ô thì đã phạm tội ngoại tình với người đàn bà này trong tư tưởng rồi vậy” (Math êu 5:28).

 

Tuy nhiên, có những trường hợp người phụ nữ vô tình hoàn toàn không biết gì đến tâm tưởng của một người nam nào đó đang bị nhan sắc hay thân xác của mình quyến rũ, mà vẫn có thể làm cho người nam sa ngã. Như trường hợp Bà Batseba tắm ở bên ngoài nhà của mình mà lại lọt ngay vào mắt của đức vua rất công minh chính trực nhất của Dân Do Thái được gọi là Thánh Vương Đavít (xem 2Samuel 11:2-4). Hay trường hợp bà Suzanna tắm kín đáo ở ngoài vườn nhà của mình cũng bị hai lão già thẩm phán vốn say mê nhan sắc tuyệt trần của bà cùng nhau rình rập toan tính chiếm đoạt thân xác của bà (xem Daniel 13:19-21).

 

Kinh nghiệm sống đạo cho thấy, Kitô hữu nào luôn tỉnh thức bằng cách khổ chế để có thể tránh dịp tội nhờ đó dễ dàng kết hợp với Chúa hơn thì cũng dễ dàng cầu nguyện và cầu nguyện một cách sốt sắng hơn. Bởi vì lòng của họ luôn kính sợ Chúa, sợ làm mất lòng Chúa, và luôn hướng về Chúa, nên tấm lòng gắn bó ấy của họ đối với Chúa là chính tác động cầu nguyện căn bản nhất và chính yếu nhất, bởi cốt lõi của tác động cầu nguyện phát xuất từ chính cõi lòng của con người, bằng không việc cầu nguyện của họ chỉ là những gì bôi bác ngoài môi miệng mà thôi (xem Marco 7:6; Isaia 29:13), và việc cầu nguyện của họ cũng không thể nào liên lỉ được. Họ chẳng những cầu nguyện bằng cách thường xuyên tham dự vào việc cử hành Hy Tế Thánh Thể và hiệp lễ cùng năng chịu Bí Tích hòa giải, mà còn tưởng nhớ đến công ơn cứu chuộc của Chúa khi cầu kinh mân côi chung riêng hằng ngày, để nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria và cùng với ánh mắt say mến của Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô.

 

 

ĐTC Phanxicô cầu Kinh Mân Côi trong Mùa Đại Dịch Covid-19

 

 

Truyền Bá Đức Tin

 

Sau nữa, đức tin chẳng những bảo tồn cho đến cùng mà còn cần phải sinh hoa kết trái nữa. Vào một ngày Thứ Bảy Đầu Tháng trong năm 2000, giới trẻ thuộc Phong Trào Thiếu Nhi Fatima ở Tổng Giáo Phận Los Angeles đang qui tụ lại để cùng nhau Đền Tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria hằng tháng theo lệ của mình từ năm 1992, thì có một vị linh mục lái xe đến dậu ngay chỗ các em (có cả tôi ở đó) bấy giờ đang tụ tập bên ngoài hội trường sát với parking của Giáo Xứ San Gabriel Mission, chúng tôi nhận ra đó là chính Cha Sở của giáo xứ này, vị đột nhiên nói với chúng tôi rằng: "Don't keep faith - Đừng giữ đức tin!".

 

Tôi giật nẩy mình lên khi nghe thấy vị linh mục chánh xứ này nói như vậy, và đang thắc mắc thì có em lên tiếng hỏi ngài rằng: "Why?" Ngài mỉm cười trả lời bằng câu khuyên nhủ thật chí lý rằng: "Spreat it out - hãy truyền bá đức tin". Tức là ngài có ý khuyên giới trẻ Thiếu Nhi Fatima mà ngài biết là đang sống đạo một cách tốt lành như vậy qua việc giữ các Thứ Bảy Đầu Tháng rằng "đừng giữ đức tin mà còn phải truyền bá đức tin nữa. Đừng chỉ có thực hành việc đạo đức mà còn phải làm chứng cho đức tin nữa".

Saint Francis Xavier (1506-1552). Spanish missionary. Death of ...

Thánh Phanxicô Xavier, Vị linh mục thừa sai Dòng Tên, Quan Thày các nơi truyền giáo

 

Đúng thế, nếu "một thành xây trên núi không thể nào khuất được nữa... (và) không ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng" (Mathêu 5:14-15) thì quả thật căn tính của chung Giáo Hội Công Giáo và riêng mỗi Kitô hữu chính là "lumen gentium - ánh sáng muôn dân" (nhan đề của Hiến Chế quan trọng nhất của Công Đồng Chung Vaticanô II): "Các con là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14), xuất phát từ và phản ánh "Thày là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12). Chính vì nếu ánh sáng không chiếu soi không phải là và không thể là ánh sáng thế nào thì Giáo Hội và Kitô hữu không thể nào không truyền giáo. Đó là lý do, "hoạt động truyền giáo của Giáo Hội rõ ràng được bắt nguồn sâu xa từ chính bản tình của Giáo Hội" (Sắc Lệnh Truyền Giáo "ad gentes - cho muôn dân", đoạn 6), đến độ, phải nói rằng "tự bản chất, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo" (cùng nguồn đoạn 2).

 

Thật vậy, đức tin tuy là một tặng ân chất chứa tất cả mạc khải thần linh, "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) là Chúa Kitô, một tặng ân nhưng không được ban cho Kitô hữu khi họ lãnh nhận Phép Rửa, nhưng đồng thời đức tin cũng là một đáp ứng mạc khải thần linh này nữa. Và càng trung thực đáp ứng Kitô hữu càng được dẫn vào "tất cả sự thật", hay nói đúng hơn, càng được "tất cả sự thật" chiếm hữu và "giải phóng" (Gioan 8:32) để họ hoàn toàn không còn làm tôi cho tội lỗi nữa (xem Gioan 8:34), sống ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian (xem Gioan 17:11,16), trái lại, "họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19), nhờ đó "tất cả được hiệp nhất như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha... cho thế gian biết rằng Cha đã sai Con và Cha yêu họ cũng như yêu Con" (Gioan 17:21,23).

 

Vấn đề truyền bá đức tin không phải chỉ ở chỗ trở nên các nhà thừa sai ở những nơi chưa được gieo hạt giống Phúc Âm của Chúa Kitô. Bởi chỉ có một thiểu số được đặc biệt kêu gọi thực hiện sứ vụ này mà thôi, như lịch sử Giáo Hội cho thấy, thường là qua các dòng tu, như Dòng Đaminh, Dòng Tên, Hội Thừa Sai Balê v.v. Ngoài ra, như thế giới ngày nay cho thấy, có những nơi không thể nào công khai truyền giáo bằng việc giảng dạy đức tin được, chẳng hạn ở thế giới Hồi Giáo, nơi mà Kitô hữu chẳng những không thể nào phát triển mà còn bị bách hại và sát hại nữa. 

Thật ra việc truyền bá đức tin chính yếu nhất là việc làm chứng bằng đời sống đức tin trung thực của mình, được gọi là Sống Thánh Chứng Nhân. Một khi chúng ta thánh thì đồng thời chúng ta cũng làm chứng cho Chúa Kitô vậy. Mẹ Thánh Terêsa Calcutta chẳng truyền bá đức tin bằng việc rao giảng đức tin mà chỉ bằng việc làm chứng cho đức tin ở hoạt động bác ái, phục vụ người nghèo nhất trong các người nghèo, theo đúng nguyên tắc "đức tin hoạt động qua đức ái" (Galata 6:5). Ấy thế mà, hoạt động truyền bá đức tin bằng việc bác ái của Mẹ chẳng những không đụng chạm đến thế giới Ấn Giáo mà còn làm cho tín đồ Ấn giáo ngưỡng phục, thậm chí chính quyền Ấn Độ đã cử hành nghi thức quốc táng để an táng sau khi Mẹ qua đời ngày 5/9/1997.

Mother Teresa | Mother teresa, Jesus mother, Missionaries of charity

Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, vị sáng lập Dòng Nữ Thừa Sai Bác Ái ở Ấn Độ, nhà thừa sai bằng chính chứng từ bác ái trọn hảo của mình

 

Đối với Kitô hữu, tùy hoàn cảnh và khả năng của mình, và bằng cách này hay cách khác, lúc này hay lúc kia, để truyền bá đức tin của mình, về tinh thần, trước hết và trên hết, họ cần phải Sống Thánh Chứng Nhân. Vì một khi họ sống thánh thì đồng thời họ cũng làm chứng cho Chúa Kitô vậy. Chỉ có các thánh nhân mới có thể canh tân thế giới, mới có thể cách mạng nhân gian. Họ Sống Thánh Chứng Nhân ở trong chính gia đình của mình, giữa lân bang hàng xóm của mình, trong văn phòng sở làm của mình, trong cộng đoàn giáo xứ của mình v.v. bằng đức ái trọn hảo, phục vụ hơn hưởng thụ (xem mathêu 20:28), hiền lành khiêm nhượng (xem Mathêu 11:29), quảng đại bao dung v.v.

 

Nếu Kitô hữu Sống Thánh Chứng Nhân một cách sống động và trung thực, đến độ có thể phản ánh một Chúa Kitô là "ánh sáng chiếu trong tăm tối" (Gioan 1:5), ở chỗ họ cương quyết không thỏa hiệp với thế gian, hoàn toàn sống ngược lại với mọi lôi cuốn của trần gian, bất chấp áp lực ý hệ thời đại thịnh hành của đám đông, thì chắc chắn đầy tớ không hơn chủ, "môn đệ không hơn Thày" (Gioan 15:20), họ sẽ bị thế gian ghét bỏ và bách hại vì danh Người.

 

Thế nhưng, họ sẵn sàng trở thành như "cành nho sinh trái bị cắt tỉa cho càng sai trái hơn" (Gioan 15:2). Nhờ đó, đức tin của họ và nơi họ trở thành một quyền năng vô địch, bất chấp tử thần, "họ theo Con Chiên đến bất cứ nơi nào Con Chiên tới" (Khải Huyền 14:4), dù có phải chết vì Người, như Các Vị Tử Đạo trên Đất Việt, nhất là như Mẹ Maria là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo khi Mẹ đứng dưới chân thập tự giá Con Mẹ trên Đồi Canvê vậy (xem Gioan 19:25).

 

Chính vì chẳng những cần phải bảo tồn gìn giữ đức tin mà còn phải truyền bá đức tin mà đó là lý do chỉ trong vòng 45 năm Giáo Hội đã phải cần đến 2 Năm Đức Tin, Năm Đức Tin 1967 do Đức Thánh Cha Phaolô II phát động, và Năm Đức Tin 2012-2013 do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mở ra. Và Năm Đức Tin lần thứ hai này theo đúng như chiều hướng chủ đề của Thượng Nghị Giám Mục thường lệ XII (7/11011-28/10/2012) mở màn cho Năm Đức Tin lần thứ hai này, đó là "tân truyền bá phúc âm hóa để truyền đạt Đức Tin Kitô giáo".

 

Thật vậy, Giáo Hội Công giáo nói riêng cần phải "tân truyền bá phúc âm hóa" cho chính mình, nhất là ở thế giới Tây phương vốn là thế giới Kitô giáo nhưng đã bị phá sản đức tin, bị khủng hoảng về căn tính Kitô giáo của mình, hoàn toàn sống phản với văn minh yêu thương của Phúc Âm, nhờ đó mới có thể "truyền đạt Đức Tin Kitô giáo" cho muôn dân đang sống trong một thời đại đang quay cuồng với trận bão lốc văn hóa tử vong xuất phát từ chính thế giới Tây phương Kitô giáo.

 

v  Phúc thay các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đã chịu bắt bớ vì sự công chính mà vẫn sống sót qua những cuộc thử thách kinh hoàng, nên đã được Nước Đức Chúa Trời làm của mình vậy. Xin các Đấng lấy chiếc áo thân xác của mình đã được giặt trắng tinh trong Máu Chiên Thiên Chúa: bao bọc dân nước Việt Nam thân yêu, và thêm sức cho chúng con được  hoàn tất nơi thân xác mình những gì còn thiếu nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã chịu vì nhiệm thể của Người. Amen. (xem Mathêu 5:10/ Khải Huyền 7:14/ Côlôsê 1:24).

 

  

Bài này đã được Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phổ biến

trong 2 số báo Tháng 5 và 6/2015

 

Xin nghe bài giảng của ĐTC Phanxicô về thành phần chứng nhân sống đức tin ở cái link dưới đây:

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ 2020