SUY NGUYỆN và SỐN

 

 

Dung Nhan của Tình Thương

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Bài chia sẻ cho Ngày Tĩnh Tâm về Lòng Thương Xót Chúa

tại Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm Dallas TX - 24/4/2015 Thứ Bảy áp CN Chúa Chiên Lành

Cảm hứng theo Sắc Chỉ "Misericordiae Vultus" của Đức Thánh Cha Phanxicô 11/4/2015.

 

1.      Nếu Thiên Chúa không yêu thương không phải là Thiên Chúa!

2.      Nếu Chúa Kitô không là Dung Nhan của Tình Thương không phải là Chúa Kitô!

3.      Nếu Giáo Hội không phản ảnh Chúa Kitô là Dung Nhan Tình Thương không phải là Giáo Hội!

 

 

Theo tâm lý, hầu như, nếu không muốn nói là tất cả mọi người đều, dù có tệ đến thế nào chăng nữa, cũng không muốn bị mất giá, vẫn không chấp nhận mình được ai "thương hại" hay cần ai "thương hại". Tuy nhiên, ít có ai dám cho mình là người "đáng yêu", nhất là thuộc loại người "đáng yêu nhất", dù là người đẹp nhất thế giới, chỉ trừ những ai trắng trợn phủ nhận thân phận loài người thấp hèn của mình, không chấp nhận những gì là tính mê nết xấu tồi bại của mình, những gì mù quáng cùng yếu hèn của mình, những cái khốn nạn xấu xa về luân lý của mình. 

 

Nhất là đối với Vị Thiên Chúa vô cùng cao cả và toàn thiện, không ai dám cho mình là "đáng yêu", mà là "đáng thương", đáng thương hơn hết mọi sự, đáng thương hơn ai hết, đáng thương hơn bao giờ hết, đáng thương vô cùng bất tận v.v. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là con người được Thiên Chúa yêu thương hay thương yêu? - Có thể nói cả hai đều đúng. 

 

Đúng thế, trước hết, Thiên Chúa "yêu thương" con người, ở chỗ, nếu "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) thì Ngài không thể nào không "yêu" mà còn là Thiên Chúa, thế nhưng loài người vô cùng tội lỗi và khốn nạn không đáng yêu, không xứng với tình yêu của Ngài, bởi vậy, trước hết và trên hết, con người đáng Ngài "thương" và sở dĩ Ngài "thương" họ là vì Ngài là tình yêu. 

 

Sau nữa, Thiên Chúa "thương yêu" con người, ở chỗ, nếu loài người tạo vật thấp hèn chẳng có công gì và chẳng xứng đáng để được Thiên Chúa yêu, thì chỉ vì "thương" loài người mà Ngài "yêu" họ, để qua họ và nơi họ, bản tính là "tình yêu" của Ngài được hoàn toàn mạc khải, tỏ hiện, nơi Lời Nhập Thể Vượt Qua, đến độ Ngài trở thành đáng thương hơn chính loại người tội nhân đáng thương.

 

Có thể nói, tình thương của Thiên Chúa chính là chân dung của bản tính là tình yêu của Thiên Chúa, là tột đỉnh mạc khải thần linh về tình yêu của Thiên Chúa, về chính Thiên Chúa là tình yêu, một Tình Yêu vô cùng nhân hậu nơi loài người tạo vật vô cùng hèn hạ và tội lỗi xấu xa. 

 

 

1- Nếu Thiên Chúa không yêu thương không phải là Thiên Chúa!

 

 

Theo quan niệm phàm nhân, nhất là đối với thành phần không phải là Kitô hữu hay Công giáo, thì đã là Thiên Chúa thì phải là Đấng toàn năng và chính trực thưởng phạt công minh. Thế nhưng, nếu Thiên Chúa theo quan niệm phổ quát của loài người như thế thì vị Thiên Chúa ấy sẽ chỉ là một ác thần, là một thần dữ, vì loài người vô cùng yếu đuối và mù tối làm sao có thể tránh được sa ngã phạm tội. Như thế thì loài người chỉ đáng phạt hơn là đáng thưởng trước Vị Thiên Chúa vô cùng công minh chính trực. Nghĩa là cuối cùng sẽ không còn ai tồn tại với vị ác thần này.

 

Bởi thế, là Thiên Chúa thật thì hai phẩm tính toàn năng và công minh chính trực vẫn chưa đủ, còn phải yêu thương trọn lành nữa, bằng không, đúng như đã xác tín: "nếu Thiên Chúa không yêu thương không phải là Thiên Chúa"! Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định điều xác tín này trong Sắc Chỉ mở Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương ban hành Thứ Bảy 11/4/2015 như sau:

 

·         "Nếu Thiên Chúa tự giới hạn mình vào công lý thì Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa nữa, trái lại, Ngài sẽ như loài người là thành phần chỉ muốn luật lệ được tôn trọng" (đoạn 21). 

 

Trái lại, Đức Thánh Cha Phanxicô còn nhấn mạnh đến tình thương của Thiên Chúa một cách rất ư là chính xác và đầy cảm kích như sau:

 

·         "Thiên Chúa vượt ra ngoài công lý bằng tình thương và sự tha thứ của Ngài" (đoạn 21).

 

·         "Sự công chính của Thiên Chúa giờ đây trở thành một quyền lực giải phóng cho những ai bị áp bức bởi tình trạng làm nô lệ cho tội lỗi cũng như bởi các hậu quả của tội lỗi. Đức công chính của Thiên Chúa là tình thương của Ngài" (đoạn 20).

 

·         "Tình thương của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả tác dụng của tội lỗi nữa. Tình thương này trở thành ân xá về phía Chúa Cha" (đoạn 22).

 

Những cảm nghiệm và xác tín cũng là giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô trên đây thực sự là những gì phản ảnh nơi mạc khải thần linh của Vị Thiên Chúa là tình thương qua dân tộc được Ngài tuyển chọn:

 

·         "Vì tình thương mà tất cả mọi biến cố trong Cựu Ước đầy những ý nghĩa cứu độ sâu xa. Tình thương làm cho lịch sử của Thiên Chúa với dân Do Thái thành một lịch sử cứu độ" (đoạn 7).

 

Đúng thế, 3 cảm nhận và đầy xác tín trên đây của vị giáo hoàng của Lòng Thương Xót Chúa và cho Lòng Thương Xót Chúa Phanxicô: 1- "Đức công chính của Thiên Chúa là tình thương của Ngài"2- "Thiên Chúa vượt ra ngoài công lý bằng tình thương và sự tha thứ của Ngài", 3- "Tình thương làm cho lịch sử của Thiên Chúa với dân Do Thái thành một lịch sử cứu độ", đã hoàn toàn phản ảnh trung thực mạc khải thần linh trong Thánh Kinh Cựu Ước, đặc biệt qua 4 trường hợp điển hình sau đây: 1- Hai nguyên tổ sa phạm; 2- Dân Do Thái thờ bò vàng; 3- Dân Do Thái đòi về Ai Cập; 4- Dân Do Thái bị lưu đầy.

 

Hai Nguyên Tổ sa phạm (xem Sách Khởi Nguyên 3:1-15)

 

Lý do sâu xa cho thấy tại sao hai nguyên tổ đã sa ngã phạm tội là vì hai vị đã không tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng vô cùng chân thật, mà tin vào rắn quỉ tự bản chất là gian trá (xem Gioan 8:44), như chính nữ nguyên tổ Evà đã thú nhận bị con rắn đánh lừa (xem Khởi Nguyên 3:13), một tội phạm thượng quả tình không thể tha thứ, đáng phạt chết ngay lập tức, ở chỗ dám cho Thiên Chúa là gian dối đã mưu mô đánh lừa mình đúng như bị rắn quỉ xui bẩy, còn rắn quỉ thì lại chân thật đáng nghe theo hơn cả Đấng đã dựng nên mình, đã ban cho mình tất cả mọi sự tốt lành nhất trong mọi loài tạo vật hữu hình, và chính vì tin rắn quỉ hơn Thiên Chúa, con người tạo vật đã dám cả gan đến độ tỏ ra bất tuân phục mệnh lệnh tối cao của Thiên Chúa. Ôi, nếu Thiên Chúa chỉ toàn năng và công minh thì hai nguyên tổ đã bị tru diệt ngay lúc bấy giờ rồi, chẳng còn một loài tạo vật gọi là loài người nữa. 

 

Thế nhưng, chính "Đức công chính của Thiên Chúa là tình thương của Ngài", ở chỗ, Ngài xử phạt một cách công minh theo tình thương của Ngài, bằng cách nhìn vào bản chất hữu hạn và bản tính là tạo vật bất toàn không thể nào bằng mình, nên "Thiên Chúa vượt ra ngoài công lý bằng tình thương và sự tha thứ của Ngài", để rồi Ngài đã phản ứng một cách hoàn toàn khác hẳn, ở chỗ, cho dù con người phạm thượng đáng bị hủy diệt ngay tức khắc như thế, họ lại còn chẳng tỏ ra hối lỗi, trái lại, tìm cách đổ tội cho nhau (xem Khởi Nguyên 3:12-13), thậm chí không hề lên tiếng xin lỗi Ngài, ấy thế mà Ngài vẫn đã tự động tha thứ cho họ và còn hứa cứu chuộc họ nữa (xem Khởi Nguyên 3:15), như thể Ngài lợi dụng tội lỗi của họ để tỏ lòng thương họ hơn bao giờ hết hợp với thân phận của họ và xứng với bản tính là tình yêu của Ngài.

 

Dân Do Thái thờ bò vàng (xem Sách Xuất Hành toàn đoạn 32

 

Dân Do Thái thực sự đã được chứng kiến hết sức tỏ tường việc Chúa là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp  là tổ phụ của họ, qua trung gian Moisen, đã cứu họ ra khỏi Ai Cập là nơi họ đang sinh sống và làm tôi cho người Ai Cập, nhất là biến cố vượt qua Biển Đỏ của họ một cách lạ lùng không thể nào tượng tượng được, ở chỗ, trong khi họ đi bộ an toàn vượt qua Biển Đỏ thì đạo binh hùng mạnh của Pharaon phi ngựa oai hùng lại bị chết hết phơi thây trên bờ biển ngay trước mắt dân Do Thái. Ấy thế mà, mới mấy tháng sau, tại Núi Sinai, trong khi Moisen lên núi 40 ngày để lĩnh 2 Bia Đá Lề Luật của Chúa thì ở dưới chân núi, dân chúng đã phản loạn, đòi Aaron tư tế đúc cho họ một con bò được đúc bằng các thứ vàng bạc quí báu của họ, để họ sụp lậy tôn thờ con bì ngẫu tượng mà họ cho là Vị Thiên Chúa đã cứu họ ra khỏi Ai Cập chứ không phải Vị Thiên Chúa của cha ông tổ phụ họ, của Moisen.

 

Thiên Chúa quả thực đã nổi cơn thịnh nộ và báo cho Moisen bấy giờ đang ở trên núi biết về ý định Ngài tính tiêu diệt đám dân này và tạo nên một dân tộc khác thay thế. Nhưng vị trung gian Moisen đã đánh trúng tim đen của Chúa, đã nhân danh chính Thiên Chúa là Đấng hiện hữu, là "Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp" (Xuất Hành 3:14-15), Đấng không bao giờ thay đổi, Đấng trung thành với những gì Ngài hứa, bất chấp lỗi lầm và phản bội của dân Ngài, lên tiếng can ngăn Ngài đừng tiêu diệt dân mà Ngài đã cố ý cứu ra khỏi Ai Cập để mang về Đất Hứa chứ không phải để tiêu diệt họ. 

 

Đúng thế, chính "Đức công chính của Thiên Chúa là tình thương của Ngài", ở chỗ, Ngài xử phạt một cách công minh theo tình thương của Ngài, bằng cách nhìn vào bản tính đang vướng mắc nguyên tội đầy mù quáng và yếu dại của dân Ngài tuyển chọn, nên "Thiên Chúa vượt ra ngoài công lý bằng tình thương và sự tha thứ của Ngài", để rồi Ngài đã phản ứng một cách hoàn toàn khác hẳn, ở chỗ, không hủy diệt họ nữa. Trong khi đó, về chính bản thân của vị trung gian Moisen, đang lúc mang hai Bia Đá xuống núi, tới một nơi (có thể là lưng chừng núi) vừa thấy cảnh tượng bò vàng cùng dân chúng đang phủ phục tôn thờ nó thì liền nổi khùng lên không thể cầm hãm được nữa, đến độ đã quẳng cả 2 bia đá trên tay vào ngay con bò vàng, làm nó vỡ tan tành. 

 

Moisen bấy giờ đã bát tuần mà còn khỏe như thế, còn có thể, nói theo ngôn ngữ võ thuật của phim Tầu, tung ra một chưởng tuyệt chiêu chưa từng thấy như vậy. Nếu Moisen được thấy cảnh tượng này rồi thì cho dù có nghe Chúa cho biết Ngài có ý định hủy diệt họ thì chắc chắn ông đã đồng ý liền, không hề lên tiếng can thiệp cho họ nữa. Ở đây mới thấy rằng vị trung gian Moisen chỉ là người mà còn quá tức giận như vậy thì Thiên Chúa là Đấng vô cùng thiện hảo đã bị xúc phạm đến đâu. Nếu Moisen bấy giờ là chính Thiên Chúa thì dân Do Thái đã bị tận diệt mất tiêu rồi. 

 

Dân Do Thái đòi về Ai Cập (xem Sách Dân Số toàn đoạn 13 và đoạn 14). 

 

Theo lệnh Chúa, Moisen đã chọn 12 đại diện cho 12 chị tộc Do Thái để sai họ đi thám hiểm vùng Đất Hứa Canaan là nơi họ đang tiến về. Và khi trở về sau 40 ngày dò thám, hai người trong họ đã phải gánh một chùm nho từ đất Canaan để làm bằng chứng cho Moisen và dân chúng bấy giờ đang cấm trại tại sa mạc Paran ở Kadesh thấy rằng Đất Hứa quả thật là một mảnh đất chảy sữa và mật đúng như lời Chúa báo trước. Thế nhưng, họ cũng đồng thời cho dân chúng biết vể cảm nhận có vẻ tiêu cực và yếm thế theo bản tính tự nhiên của họ là dân Do Thái chỉ là châu chấu đá voi trước những con người khổng lồ trong miền đất Canaan này, và vì thế sẽ không thể nào chiếm được mảnh đất ấy như lời Chúa hứa.

 

Thế là dân chúng bắt đầu tru trếu kêu la than khóc vang trời, đòi trở về chết ở Ai Cập còn hơn bị chết ở giữa sa mạc như thế, thậm chí họ còn muốn truất phế cả vị cứu tinh Moisen của họ mà tự chọn lấy cho họ một lãnh đạo viên khác để dẫn họ về lại Ai Cập. Cơn thất vọng của họ đã lên đến tột độ khi họ muốn nhào tới ném đá Gioduệ và Celeb (1 trong 12 thám hiểm viên) bấy giờ đã dám lên tiếng can ngăn họ, thúc giục họ tin tưởng vào Vị Thiên Chúa đã làm biết bao điều kỷ diệu trong suốt cuộc hành trình về Đất Hứa của họ. Bấy giờ Thiên Chúa mới tỏ mình ra và lại muốn tiêu diệt dân của Ngài một lần nữa. Nhưng Moisen lại sử dụng cùng một chiêu trước đây đã can thiệp cho dân, và đã hoàn toàn thành công, vì quả thực "Đức công chính của Thiên Chúa là tình thương của Ngài", và "Thiên Chúa vượt ra ngoài công lý bằng tình thương và sự tha thứ của Ngài".

 

Dân Do Thái bị lưu đầy (xem Tiên Tri Êzêkiên 36:16-24, bài đọc VII Đêm Vọng Phục Sinh).

 

Tình trạng dân do Thái bị lưu đầy đã được vị tiên tri tiên khởi là Moisen đã tiên báo (xem Đệ Nhị Luật 28:36,63-67; 29:27) trong lời trăn trối trước khi qua đời của vị trung gian cứu tinh dân Do Thái này, vị cứu tinh đồng thời cũng tiên báo biến cố hồi hương sau cuộc lưu đầy của dân Do Thái (xem Đệ Nhị Luật 30:1-5), và nhất là tiên báo về một vị tiên tri cứu tinh giống mình sẽ xuất hiện (xem Đệ Nhị Luật 18:15). 

 

Tuy nhiên, qua Tiên Tri Êzêkiên, người ta thấy quả thực "Đức công chính của Thiên Chúa là tình thương của Ngài", và "Thiên Chúa vượt ra ngoài công lý bằng tình thương và sự tha thứ của Ngài". Ở chỗ, Ngài tìm đủ mọi lý lẽ theo tình thương của Ngài, đúng hơn theo "đức công minh là tình thương của Ngài" để cứu độ dân của Ngài. Chẳng hạn, Ngài đầy ải họ ở đất khách quê người là vì họ đã làm ô uế mảnh đất Ngài đã ban cho họ, nhưng khi sống lưu vong họ vẫn tiếp tục sống bất xứng với tình yêu của Ngài hơn nữa, ở chỗ làm ô danh của Ngài trước mặt dân ngoại. Bởi thế, để bảo vệ danh của mình, Ngài lại phải mang họ trở về Đất Hứa, cho dù tự mình họ chưa xứng đáng để được hồi hương và sống tự do độc lập như thế. Sau đây là chính những gì Ngài đã phán:

 

"Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: Hỡi con người, con cái nhà Ít-ra-en đang cư ngụ trên đất của chúng, đã làm cho đất ấy ra ô uế vì lối sống và các hành vi của chúng; lối sống của chúng trước mặt Ta cũng ô uế như người đàn bà trong thời kinh nguyệt. Ta đã trút xuống trên chúng cơn thịnh nộ của Ta vì máu chúng đã đổ ra trên đất ấy và làm cho đất ấy ra ô uế vì các việc ô uế của chúng. Ta đã tung chúng đi các dân và gieo chúng vào các nước. Ta đã căn cứ vào lối sống và các hành vi của chúng mà xét xử. Chúng đã làm cho danh Ta bị xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến, khiến người ta nói về chúng rằng: 'Đó là dân của ĐỨC CHÚA, chúng đã phải ra khỏi xứ của Người'. Nhưng Ta ái ngại cho thánh danh Ta đã bị nhà Ít-ra-en xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến. Vì thế, ngươi hãy nói với nhà Ít-ra-en : ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Hỡi nhà Ít-ra-en, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến. Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng. Bấy giờ, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi'" (bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Giờ Kinh)

 

Chưa hết, để có thể bảo đảm làm sao cho họ sống xứng đáng ở trong Đất Hứa, nghĩa là xứng đáng sống trong tình yêu thương của Ngài, Ngài còn ban cho họ những gì thiết yếu bất khả thiếu nữa, đó là thanh tẩy họ, ban cho họ một quả tim mới và một thần khí mới, nhờ đó họ được biến đổi không còn sống sa đọa như trước nữa mà là sống đúng như lòng Ngài mong muốn nơi họ, và được hiệp nhất nên một với Ngài trong mối hiệp thông thần linh, như Ngài phán qua miệng Tiên Tri Êzêkiên ở cùng một đoạn trên đây như sau:

 

"Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi" (bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Giờ Kinh)

 

 

2- Nếu Chúa Kitô không là Dung Nhan của Tình Thương không phải là Chúa Kitô!

 

 

Thật vậy, "Lời đã hóa thành nhục thể (là) Đấng tỏ ra Cha" (Gioan 1:14,18), vì "Người Con này là phản ảnh vinh quang Cha, là hiên thân đích thực của bản thể Cha" (Do Thái 1:3), để "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9). Mà Cha của Người là Vị "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Con Một của mình để ai tin vào Người thì không bị chết nhưng được sự sống đời đời", Vị "Thiên Chúa đã không sai Con đến thế gian để luận phát thế gian mà để thế gian nhờ Người mà được cứu độ" (Gioan 3:16-17), cũng là Vị Thiên Chúa thậm chí "đã không dung tha cho Con Một của mình, một đã phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Rôma 8:32). Bởi thế, để "tỏ Cha ra", Chúa Giêsu Kitô thật sự phải làm sao cho chung nhân loại và riêng dân Do Thái thấy được "Dung Nhan của Tình Thương", dung nhan của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi đời sống trần gian của Người, qua lời nói và tác hành của Người nói chung và cuộc Khổ Giá của Người nói riêng.

 

Trong Sắc Chỉ mở Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương 2016, Đức Thánh Cha đã cảm nhận và xác tín về Chúa "Giêsu Kitô là dung nhan của tình thương", câu mở đầu của văn kiện mang tực đề "Misericordiae Vultus - Dung Nhan của Tình Thương" như sau:

 

·         "Tình thương đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu Nazarét, đạt đến tột đỉnh của mình nơi Người". (đoạn 1)

 

·         "Đức Giêsu Nazarét là Đấng mạc khải cho thấy tình thương của Thiên Chúa, bằng lời nói của Người, hành động của Người và toàn thể bản thân của Người". (đoạn 1)

 

·         "Sứ vụ Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ Cha là sứ vụ mạc khải tất cả mầu nhiệm tình yêu thần linh" (đoạn 8).

 

·         "Tình yêu này giờ đây đã trở thành hữu hình và khả giác nơi tất cả cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu. Bản thân của Người chẳng là gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được tặng ban một cách nhưng không" (đoạn 8).

 

·         "Hết mọi sự nơi Người đều nói về tình thương. Không một sự gì nơi Người mà lại trống rỗng lòng cảm thương" (đoạn 8).

 

·         "Tình thương được mạc khải cho thấy như là một khía cạnh chủ chốt nơi sứ vụ của Chúa Giêsu… mối liên hệ Người có với những ai bị lề luật coi là tội nhân làm cho chúng ta nhận thấy được chiều sâu nơi tình thương của Người" (đoạn 20). 

 

Chúa Giêsu Kitô quả thực đã chứng thực Người là "Dung Nhan của Tình Thương", là hiện thân của tình yêu vô cùng nhân hậu Thiên Chúa, qua một số trường hợp điển hình (chứ không phải dụ ngôn) như sau: trường hợp với hai viên thu thuế Mathêu và Giakêu; trường hợp với người phụ nữ Samaria; trường hợp với người phụ nữ tội lỗi trong thành; trường hợp với người đàn bà ngoại tình; và trường hợp với tông đồ Giuđa Íchca.

 

Hai viên thu thuế Mathêu và Giakêu (Mathêu 9:9-13 và Luca 19:1-10)

 

Đối với xã hội Do Thái thời của Chúa Giêsu, thời dân Do Thái đang bị đế quốc Rôma đô hộ, thì một trong hai thành phần bị xã hội Do Thái giáo này coi là tội nhân, đó là thành phần thu thuế làm việc cho đế quốc và ăn hối lộ của dân, trong đó có hai chàng Mathêu và Giakêu được Phúc Âm thuật lại. Cả hai đều mở tiệc linh đình tiếp đón Chúa Giêsu, bao gồm cả bạn bè thu thuế của 2 chàng, toàn là một "lũ" phản quốc, một "bọn" tội nhân trước con mắt của người Do Thái. 

 

Đó là lý do, ở trường hợp tại nhà của chàng thu thuế Mathêu, khi nghe thấy tiếng phàn nàn của thành phần biệt phái với các môn đệ của mình rằng "tại sao Thày của các anh lại đi ngồi ăn uống đồng bàn với bọn thu thuế và coi thường lề luật chứ?" (Mathêu 9:11), Người đã trả lời rằng: "Tôi đến không phải để kêu gọi thành phần công chính mà là tội nhân" (Mathêu 9:13). Còn ở trường hợp của chàng thu thuế trưởng Giakêu lùn, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh hơn nữa rằng: "Tôi đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư đi" (Luca 19:10). 

 

Đúng thế, nếu trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho thấy Ngài yêu thương chung dân Do Thái trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, thì vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), qua Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Ngài đã tỏ ra yêu thương từng người một, mà là thành phần tội nhân chứ không phải thành phần công chính, bằng việc "tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất", chứ không phải chỉ ngồi chờ và gìn giữ kỹ càng những gì còn nguyên chưa hư mất. 

 

Hai nhân vật tiêu biểu Mathêu và Giakêu trong xã hội Do Thái giáo thời Chúa Kitô là thành phần tội lỗi xấu xa quả thật đã cho thấy Chúa Kitô thực sự "đến không phải để kêu gọi thành phần công chính mà là thành phần tội nhân". Vì chính hai nhân vật này cũng đâu có ngờ được đích thân Người tự động lên tiếng gọi họ. Và vì họ cảm thấy thân phận tội lỗi của mình mà không ngờ lại được Đức Kitô Thiên Sai kêu gọi nên họ đã cảm kích đáp lại bằng cách theo Người như chàng thu thuế viên Mathêu (xem Mathêu 9:9), hay bằng cách bù đắp gấp 4 cho những ai bị thiệt hại vì việc làm gian lận của mình như chàng trưởng ban thu thuế Giakêu lùn (xem Luca 19:8).

 

Hai nhân vật thu thuế điển hình Mathêu và Giakêu này, về phía nam nhân, thật sự là đối tượng "tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư đi" của Chúa Giêsu Kitô. Thế nhưng, càng rõ ràng hơn nữa, về phía nữ giới, nhất là thành phần liên hệ xác thịt bất chính, Người quả thực đã "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư đi", như trường hợp của 3 người phụ nữ tiêu biểu sau đây: Người phụ nữ Samaria do chính Người tìm kiếm, Người phụ nữ tội lỗi trong thành do chị tự tìm đến với Người, và chị phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình do người ta dẫn đến với người. 

 

Người phụ nữ Samaria (Gioan 4:1-42)

 

Trước hết, về trường hợp của người phụ nữ Samaria, người phụ nữ đã sống với 6 người đàn ông không phải là chồng của chị. Người không hề đã động gì đến cuộc đời bê tha trụy lạc và tội lỗi của chị. 

 

Người đến tìm chị là để cứu vớt chị, nên Người phải sắp xếp làm sao để có thể gặp riêng chị ở một nơi công khai, nhưng chỉ duy có một mình Người với chị, một người phụ nữ bị mặc cảm tội lỗi nên đã không dám ra kín nước ban sáng cho mát và gặp gỡ chị em dân làng, mà là ra kín nước ban trưa cho khỏi gặp bất cứ một người nào, nhưng không ngờ lại gặp chính Đấng đang muốn gặp chị mà chị hoàn toàn chẳng ngờ là Người đang ngồi chờ chị đến, để rồi chị đâu ngờ người đàn ông Do Thái xa lạ theo như chị tưởng rằng không biết gì đến cuộc đời tư bê bối tồi bại của chị ấy đã được Người chinh phục một cách nhẹ nhàng mau chóng, đến độ, đang là tội nhân, chị đã trở thành tông đồ mạnh bạo loan báo về Người cho dân làng của chị, dẫn họ đến với Người, Đấng họ đã tỏ ra tin tưởng qua trung gian môi giới giới thiệu của chị. 

 

Người phụ nữ tội lỗi trong thành (Luca 7:36-50)

 

Sau nữa là trường hợp của người phụ nữ tội lỗi trong thành, phải nói là "một người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng hay được biết đến trong thành" ("a woman known in the town to be a sinner"), được Thánh ký Luca thuật lại mà không cho biết tên, nhưng căn cứ vào các Phúc Âm thì theo người viết suy đoán người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng này hay được biết đến này là cô gái điếm Maria Mai Đệ Liên (xem Gioan 11:2; Luca 8:2 và Marco 16:9). 

 

Thế nhưng, cho dù người phụ nữ này tội lỗi gấp 10 lần người bình thường (câu 41) chăng nữa, nhất là tội nhục dục đê hèn ghê tởm, thế mà Người vẫn để cho bàn tay của chị và đôi môi của chị thật là nhơ nhớp bẩn thỉu chạm đến Thánh Thể của Người, chứ không tránh né chị, hay đặt vấn đề với chị, moi móc cuộc đời của chị v.v., trái lại, còn nhờ đó chữa lành cho chị, một con người, có thể vào một lúc nào đó, âm thầm đến với Người, chẳng hạn trong đám tội nhân ở nhà chàng thu thuế Mathêu (xem Phúc Âm Thánh Luca ở đoạn 5), hoặc trong bài giảng trên núi về ơn gọi xót thương như Cha thương xót (xem Phúc Âm Thánh Luca đoạn 6), đã thực sự cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Người, nên đã bất chấp ánh mắt khinh chê của gia chủ biệt phái, cứ nhất quyết tìm đến với Người là Đấng duy nhất theo chị có thể chữa lành cho con người tội lỗi của chị, một tâm hồn thật sự tan nát khiêm cung về những gì mình đã làm nhưng vẫn hoàn toàn tin tưởng vào tình thương của Người.

 

Người đàn bà bị bắt ngoại tình (Gioan 8:1-11)

 

Còn trường hợp của người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình mới lạ hơn nữa. Lạ ở chỗ Chúa Kitô không đi tìm chị như tìm người phụ nữ Samaritanô, hay chị tìm Người như người phụ nữ tội lỗi có tiếng trong thành, mà là được người ta dẫn đến với Người. Cũng như hai trường hợp của hai người phụ nữ trước, Chúa Giêsu không hề đả động gì đến tội lỗi của chị, hay hạch hỏi chị xem chị có thực sự phạm tội ngoại tình hay chăng, trái lại, Người hoàn toàn giữ thinh lặng một cách khó hiểu đối với thành phần tố cáo chị và chỉ chờ đợi câu trả lời thuận chiều của Người để ném đá chị ấy trước mặt Người. 

 

Thế nhưng, họ đâu có ngờ rằng, chính họ đã cống hiến cho người một mồi ngon để Người trước hết hoán cải họ trước rồi mới hoán cải nạn nhân bị cáo của họ sau. Quả vậy, sau khi mọi người đã bỏ đi, từ người già trước, sau khi nghe lời Người hỏi: "Ai trong quí vị không có tội thì hãy ném đá chị ta trước đi", thì Người mới nhỏ nhẹ tỏ thái độ tha thứ cho chị và khuyên chị "hãy về đừng phạm tội ấy nữa". Như thế là Người chẳng những cứu toàn thể con người của chị bao gồm cả xác lẫn hồn của chị mà còn dùng chị để cứu thành phần tố cáo chị nữa. Vấn đề cần lưu ý ở đây là Chúa Kitô luôn tỏ ra thương yêu thông cảm để thu phục những tấm lòng vốn đã cảm nhận được tội lỗi của mình và nhờ cảm nghiệm được tình thương của Người mà trở về nhà Cha. 

 

Tông đồ Giuđa Íchca (Gioan 13:1-11)

 

Sau hết, trong Bữa Tiệc Ly, trước khi nhập tiệc với các môn đệ, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ của mình. Thánh ký Luca đã mở đầu bằng câu: "Người đã yêu thương những ai thuộc về Người thì Người muốn chứng tỏ là Người yêu họ cho đến cùng" (Gioan 1:13). Nếu "họ" đây là "những ai thuộc về Người" mà bấy giờ là các tông đồ, thì Người "yêu họ cho đến cùng" ở đây qua tác động rửa chân của Người cho họ nghĩa là gì, nếu không phải là Người yêu cả người môn đệ đã có ý định phản nội Người, người môn đệ được bộ Phúc Âm Nhất Lãm liệt kê ở cuối cùng trong danh sách các tông đồ, bởi thế, nếu "một người đã tắm thì đã sạch không cần rửa nữa (chỉ trừ chân của họ); các con cũng thế, nhưng không phải là các con sạch hết đâu" (Gioan 13;10) thì phải chăng Chúa Kitô muốn ám chỉ đến tông đồ đoàn nói chung đã sạch chỉ còn mỗi một mình Giuđa Íchca là người môn đệ cuối cùng, như chân của cả bộ thân tông đồ đoàn, cần phải rửa mà thôi. 

 

Vậy tác động Chúa Kitô rửa chân cho các tông đồ là tác động Người muốn bày tỏ rằng "Người yêu những ai thuộc về Người thì Người yêu cho đến cùng", đến cả người môn đệ cuối cùng trong danh sách các tông đồ, đến cả người môn đệ lạc loài đáng thương hơn hết trong tông đồ đoàn. Chưa hết, "yêu cho đến cùng" đây, ngoài ý nghĩa yêu cả con chiên lạc duy nhất trong số 100 con chiên cùng một đàn chiên, còn bao gồm hai ý nghĩa nữa: đó là yêu cho tới chết về phía người yêu là chính bản thân của Chúa Kitô hy hiến cho phần rỗi của chung loài người (xem mathêu 20:28) và cho việc thánh hóa của các tông đồ (xem Gioan 17:19), và yêu cho tới độ sẵn sàng tha thứ cho tất cả mọi kẻ thù của mình: "Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34), cho dù họ là ai như người môn đệ Giuđa Íchca, hay cho dù thậm chí họ có cố tình sát hại Người, như thẩm quyền Do Thái giáo và chính quyền đế quốc Rôma bấy giờ. 

 

 

3- Nếu Giáo Hội không phản ảnh Chúa Kitô là Dung Nhan Tình Thương không phải là Giáo Hội!

 

 

Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Giêsu Kitô và là chứng nhân của Người cho đến tận cùng trái đất (xem Sách Tông Vụ 1:8). Mà "Chúa Giêsu Kitô là dung nhan của tình thương" nên Giáo Hội cần phải làm sao để có thể luôn trung thực phản ảnh sống động một "Chúa Giêsu Kitô là dung nhan của tình thương". 

 

Nếu "Chúa Giêsu Kitô là dung nhan của tình thương" ở chỗ đã "đến để kêu gọi thành phần tội nhân" (Mathêu 9:13), bằng cách "tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất" (Luca 19:10), đã "yêu cho đến cùng", yêu từng con chiên lạc, yêu cho đến chết, yêu cả kẻ thù mình, thì Giáo Hội hiền thê của Người cũng phải dấn thân phục vụ những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, chẳng những mở cửa bằng thái độ đón nhận họ mà còn chủ động đi tìm họ, băng bó vết thương cho họ, cho dù có vì thế mà Giáo Hội bị lem lấm, bầm dập và khốn cực. 

 

Tình Thương - Giáo Hội bản chất

 

Sau đây là một số đoạn trong Sắc Chỉ mở Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương của Đức Thánh Cha Phanxicô về ơn gọi và vai trò của Giáo Hội liên quan đến tình thương:

 

·         "Tình thương là chính nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả mọi hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được gắn bó với niềm êm ái dịu dàng Giáo Hội tỏ ra với các tín hữu; không một sự gì nơi việc giảng dạy của Giáo Hội cũng như nơi chứng từ của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng tình thương. Chính cái uy tín của Giáo Hội được nhận thấy ở cách thức Giáo Hội tỏ ra cho thấy tình yêu nhân hậu và cảm thương". (Đoạn 10)

 

·         "Ngôn ngữ của Giáo Hội và cử chỉ của Giáo Hội cần phải truyền đạt tình thương, để có thể chạm đến tâm can của tất cả mọi người và phấn chấn họ một lần nữa trong việc tìm kiếm con đường dẫn về cùng Chúa Cha"; "Sự thật tiên quyết của Giáo Hội là tình yêu của Chúa Kitô. Giáo Hội biến mình trở thành tôi tớ cho tình yêu này và hòa giải nó với tất cả mọi dân tộc: một tình yêu tha thứ và tỏ mình ra nơi việc ban tặng bản thân mình. Nhờ đó, bất cứ Giáo Hội hiện diện ở đâu thì tình thương của Cha cần phải được hiện lộ ở đó" (Đoạn 12).

 

·         "Giáo Hội cảm thấy nhu cầu khẩn trương cần phải loan báo tình thương của Thiên Chúa. Đời sống của Giáo Hội chân thực và có uy tín chỉ khi nào Giáo Hội trở thành một sứ giả thuyết phục của tình thương"; "Giáo Hội được kêu gọi trước hết trở thành một chứng nhân khả tín cho tình thương, tuyên xưng tình thương và sống tình thương như là cốt lõi của những gì Chúa Giêsu Kitô mạc khải" (Đoạn 25).


Trong bài giảng cho Giờ Kinh Tối Thứ Bảy 11/4/2015, vọng Chúa Nhật lễ Lòng Thương Xót Chúa 12/4/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho biết lý do và mục đích cho Năm Thánh Ngoại lệ về Tình Thương 2016 như sau:

·         "Tại sao hôm nay đây lại có Năm Thánh Tình Thương? Chỉ vì Giáo Hội, ở vào thời điểm đổi thay lịch sử cả thể này, được kêu gọi để cống hiến những dấu hiệu hiển nhiên hơn nữa về sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa... Lý do cho Năm Thánh này đó là vì đây là thời điểm của tình thương. Đây là thời điểm thuận lợi để chữa lành các vết thương..." 

Tình Thương - Giáo Hội chữa lành


Thật thế, đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, như ngài đã cảm nhận và bày tỏ trong huấn từ cho hàng giáo sĩ Rôma ngày 6/3/2014 thì "Đây là thời điểm của tình thương"! Tại sao thế, tại sao "đây là thời điểm của tình thương", một thời điểm được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của ngài đã trực giác thấy và phát động hơn 30 năm về trước, như chính ngài cho biết trong cùng bài huấn từ, thì nếu theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giảng ở Balan ngày Thứ Bảy 17/8/2002, là vì "mầu nhiệm lỗi lầm / gian ác" (mystery of iniquity) của con người tân tiến, còn ngài thì tại vì:

·         "Có rất nhiều người bị thương, bởi các vấn đề về vật chất, bởi gương mù gương xấu, cả ở trong Giáo Hội nữa... Thành phần bị thương bởi những ảo tưởng của thế gian... Rồi cũng có cả các vết thương sâu kín nữa, vì có những con người rời xa khiến không thấy được các vết thương của họ... Có những con người rời xa vì hổ thẹn, vì ngại ngùng để lộ ra vết thương của họ.... Và họ rời xa có lẽ mang một bộ mặt lầm lỡ khác với Giáo Hội, nhưng tận thâm tâm họ mang một vết thương đau...".

Chính vì có rất nhiều vết thương ngày nay cần phải được băng bó mà vị giáo hoàng Phanxicô đã chủ trương Giáo Hội phải như là một bệnh viện lưu động và phải là một người mẹ chăm sóc cho con cái mình, là mục tử nhân lành hy sinh cho đàn chiên:

 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ La Catholica 8/2013, ngài đã bày tỏ mơ tưởng của ngài về chung Giáo Hội và riêng các vị mục tử như sau:


·         ".... Tôi mơ tưởng đến một Giáo Hội như là một bà mẹ và là một nữ mục tửCác thừa tác viên của Giáo Hội cần phải biết xót thương, cần phải tỏ ra trách nhiệm đối với con người và hỗ trợ họ như người Samaritanô nhân lành, người tẩy rửa, lau sạch và nâng dậy cận nhân của mình. Đó là Phúc Âm tinh tuyền. Thiên Chúa là Đấng cao cả hơn tội lỗi. 

 

“Những thứ canh tân cải cách về cấu trúc và tổ chức là những gì thứ yếu - tức là đến sau. Cái canh tân cải cách đầu tiên cần phải là thái độ. 

 

“Các thừa tác viên của Phúc Âm cần phải là người có thể sưởi ấm lòng người, là người bước đi với họ qua đêm đen, là người biết làm sao để có thể trao đổi đối thoại và chính mình đi vào màn đêm của con người của mình, đi vào bóng tối mà không bị lạc mất. Dân Chúa muốn các vị mục tử chứ không phải hàng giáo sĩ tác hành như thành phần quan lại hay các viên chức chính quyền..."

 

Trong Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại lệ III Thứ Bảy 18/10/2014, ngài còn mong muốn Giáo Hội phải làm sao có thể thực sự phản ảnh Chúa Kitô phu quân của mình:

 

·         "Và đó là Giáo Hội, là vườn nho của Chúa, là Người Mẹ phong phú và là Người Thày ân cần, một Giáo Hội không sợ vén tay áo của mình lên để đổ rượu và dầu trên thương tích của con người; một Giáo Hội không coi nhân loại như là một thứ nhà kính để phán xét hay phân loại con người. 

 

“Đó là Giáo Hội, Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo, Tông Truyền, bao gồm cả thành phần tội nhân cần đến tình thương của Thiên Chúa. Đó là Giáo Hội, hiền thê thực sự của Chúa Kitô, một hiền thê muốn trung thành với phu quân của mình cũng như với tín lý của mình. 

 

“Đó là một Giáo Hội không sợ ăn uống với những người làm điếm và thu thuế. Một Giáo Hội mở rộng cửa để đón nhận người thiếu thốn, thống hối nhân chứ không phải chỉ có thành phần công chính hay những ai cho mình là hoàn hảo! 

 

“Giáo Hội không hổ thẹn về người anh em sa ngã và giả bộ như không nhìn thấy người anh em ấy, trái lại, cảm thấy mình có liên hệ và hầu như buộc phải nâng người anh em ấy lên cùng phấn khích người anh em này lại tiếp tục cuộc hành trình và hỗ trợ người anh em ấy hướng tới cuộc gặp gỡ cuối cùng với Phu Quân của mình trong Giêrusalem thiên quốc". 

 

Trong huấn từ ngỏ cùng hàng giáo sĩ Rôma ngày 6/3/2014, ngài nhấn mạnh đến việc cấp bách chữa lành các vết thương thời đại nơi con người trước hết và trên hết hơn là cứ đặt vấn đề với nạn nhân:


·         "Ngày nay, chúng ta có thể nghĩ về Giáo Hội như là 'một bệnh viện lưu động'. Điều này, xin tha cho tôi, tôi xin lập lại, vì tôi thấy nó như thế, tôi cảm thấy là như vậy: 'một bệnh viện lưu động'. Cần phải chữa trị các vết thương, rất ư là nhiều vết thương! Rất ư là nhiều vết thương! ...

 

“Tình thương trước hết là chữa trị các vết thương. Khi một người bị thương thì họ cần được chữa trị lập tức, chứ không phải là các thứ phân tích, như tầm quan trọng của vấn đề cao mỡ, cao đường...

              

“Thế nhưng vết thương ngay đó, hãy chữa trị vết thương đã, sau đó chúng ta mới lưu ý tới việc phân tích. Bấy giờ người chuyên viên ra tay chữa trị, thế nhưng cần chữa trị các vết thương bên ngoài trước. Đối với tôi, vào lúc này đây, đó là những gì quan trọng nhất".


Tình Thương - Giáo Hội chứng nhân


Chính vì việc chửa trị cần phải làm ngay, làm liền, làm gấp, hơn là phải phân tích xong mới làm, chẳng hạn phải xét đến tội lỗi, loại tội nào, nặng hay nhẹ, cần phải sửa phạt ra sao, cần phải tránh né như thế nào v.v. mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã hầu như chưa bao giờ mổ xẻ hay nói động đến các thứ tội lỗi tiêu biểu của thời đại, như phá thai, ly dị tái hôn hay đồng tính luyến ái, cho dù ngài có vì thế mà bị phê phán:

 

·         "Trong chuyến bay từ Rio de Janerio về (28/7/2013) tôi đã nói rằng nếu một người đồng tính có thiện tâm và tìm kiếm Thiên Chúa thì tôi không phải là người phán xét. Nói như thế là tôi nói những gì giáo lý viết".

 

"Chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh đến các vấn đề liên hệ tới việc phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Không thể thế được. Tôi không nói nhiều về những vấn đề này, và vì thế mà tôi đã bị trách móc. Thế nhưng, khi chúng ta nói về những vấn đề ấy, chúng ta cần phải nói về chúng trong một bối cảnh. Giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này đã rõ ràng và tôi là con của Giáo Hội, thế nhưng không cần phải lúc nào cũng nói về những vấn đề ấy". 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô hầu như chưa bao giờ kể tội hay hạch tội thời đại nói chung một con người lạc loài nào đó, như Chúa Kitô đã không hề nói tới hay trách móc tội lỗi của từng con chiên lạc, như các nhân vật thu thuế hoặc nữ giới đàng điếm đã được trình bày trên đây, nhưng ngài rất cương quyết với tinh thần tục hóa thiêng liêng (spiritual worldiness) nơi hành giám mục và giáo sĩ cùng tu sĩ, thành phần cần phải thánh đức và xót thương như Chúa Giêsu đối với thành phần biệt phái và luật sĩ giả hình, bằng không cần phải chú trọng để cải hóa, như ngài đã trao đổi lời chúc Giáng Sinh của ngài cho Giáo Triều Rôma ngày 22/12/2014, liên quan đến 15 chứng bệnh của chung hàng giáo sĩ (bao gồm cả các vị giám mục) và riêng Giáo Triều Rôma.

 

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, chủ trương của ngài và những gì ngài làm từ ngày lên làm giáo hoàng đến nay, kể cả trước đó khi ngài còn chăn dắt đàn chiên của ngài ở Á Căn Đình, đều hiện thực hóa chủ trương của ngài, đó là chủ trương trước hết và trên hết làm sao để loan báo về Lòng Thương Xót Chúa và làm chứng cho Lòng Thương Xót Chúa, quyền lực duy nhất và trên hết có thể cứu độ con người tội lỗi: 

 

·         “Những thứ canh tân cải cách về cấu trúc và tổ chức là những gì thứ yếu - tức là đến sau. Cái canh tân cải cách đầu tiên cần phải là thái độ” .

 

·         "Việc công bố tình yêu cứu độ của Thiên Chúa xuất phát trước những đòi hỏi về luân lý và đạo lýNgày nay, đôi khi cái thứ tự đảo ngược lại thịnh hành hơn".  

 

Chủ trương này của ngài, như 2 câu vừa được nhắc đến trên đây, khi ngài trả Lời phỏng vấn với tờ La Catholica 8/2013là chủ trương cứu trước chữa sau: cứu người trước - chữa tội sau, con người đáng thương - tội lỗi cần chữa, có thương con người mới có thể cứu chữa / cứu chuộc tội lỗi của họ được, như Chúa Giêsu đã lấy chính mạng sống mình mà chuộc lại nhân loại, mà đền bù tội lỗi của con người.

 

Tóm lại, để thấy được tất cả những gì vị giáo hoàng đương kim Phanxicô chủ trương về Giáo Hội, xin hãy đọc lại đoạn 49 trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm sau đây:

·         "Bởi vậy chúng ta hãy xông pha, chúng ta hãy xông pha để cống hiến cho hết mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô.

“Ở đây tôi muốn lập lại cho toàn thể Giáo Hội những gì tôi đã thường nói với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires rằng: Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, đớn đau và lem luốc vì xuống đường vào đời hơn là một Giáo Hội thiếu lành mạnh bởi bị giam hãm và dính chặt với cái an toàn của mình. 

“Tôi không muốn một Giáo Hội chỉ quan tâm tới vấn đề trở thành tâm điểm để rồi đi đến chỗ bị rơi vào một mạng lưới đầy những thứ ám ảnh và phương thức. 

 

“Nếu một điều gì đó có lý quấy rầy chúng ta và khiến cho lương tâm của chúng ta cảm thấy áy náy, thì đó là sự kiện là có rất nhiều anh chị em của chúng ta đang sống không có sức mạnh, ánh sáng và niềm ủi an là những gì xuất phát từ tình thân hữu với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và mục đích trong đời. 

 

“Niềm hy vọng của tôi đó là chúng ta sẽ được tác động bởi nỗi lo sợ, hơn cái sợ bị lầm đường lạc lối, trong việc cứ khép kín trong các thứ cơ cấu cống hiến cho chúng ta một cảm giác sai lầm về sự an toàn, trong các thứ luật lệ khiến chúng ta có những phán đoán thô lỗ, trong những thứ thói quen khiến cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi đó thì ở ngay cửa nhà của mình, dân chúng đang chết đói và Chúa Giêsu vẫn không ngừng nói với chúng ta rằng: ‘Các con hãy cho họ ăn gì đi’" (Mk 6:37).

 

 

Bài này đã được nguyệt san Hiệp Nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam GP Orange CA phổ biến trong 2 số Tháng 8 và 9/2015