SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
HIỆP THÔNG THẦN LINH
Hướng về Lời nhập thể
để loài người được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa:
"Cho
tất cả được hiệp nhất nên một trong Chúng Ta"
(Gioan 17:22).
Biệt tặng những tâm hồn hằng “khao khát nhân đức trọn lành” (Mt
5:6)
khao khát được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh,
nhất là trong Năm Đời Tận Hiến của Giáo Hội 30/11/2014 – 2/2/2016.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Cốt lõi của Hành trình Đức Tin và Tu đức Kitô giáo
Nếu
chủ ý của Thiên Chúa tạo dựng nên con người là để cho họ được hiệp thông thần
linh với Ngài thì hiệp thông thần linh chính là mục đích của dự án cứu độ cũng
như công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, và vì thế, hiệp thông thần linh cũng là
đích điểm của hành trình đức tin nơi những ai khao khát thần linh nói chung
và nơi Kitô hữu nói riêng. Nếu cuộc hành trình đức tin bao gồm cảm nghiệm thần
linh của tâm hồn con người hướng về thần linh, tìm kiếm thần linh và nên một với
thần linh thì hiệp thông thần linh chính là cốt lõi của tu đức Kitô giáo nữa vậy,
đến
độ, như ước nguyện của chính Con Thiên Chúa Nhập Thể Vượt Qua, đó là "cho tất cả
được hiệp nhất nên một trong Chúng Ta" (Gioan 17:22).
Đúng
thế, Kitô giáo có nhiều linh đạo khác nhau, trong số đó nổi tiếng nhất có thể kể
đến 3 nước có nhiều hiển thánh tu trì nhất, như ở Ý có 2 linh đạo tiêu biểu là
Linh Đạo Cầu Nguyện và Lao Động của Thánh Biển Đức (thế kỷ 6) tổ phụ đời sống
đan tu Tây phương, và Linh Đạo Nghèo của Thánh Phanxicô Khó Khăn (thế kỷ 13)
sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn; ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 16 Dòng cũng có 2 linh
đạo tiêu biểu đó là Linh Đạo Dòng Tên của Thánh Ignatio, cũng như Linh Đạo Dòng
Carmêlô của Thánh Têresa Avilla và Gioan Thánh Giá; còn ở Pháp có 2 linh đạo
khác, một vào thế kỷ 18 là Linh Đạo Nhờ Mẹ Đến Chúa - Per Mariam Ad Jesum của
Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort), và một vào thế kỷ 19 là Linh Đạo Thơ Ấu
Thiêng Liêng của Chị Thánh Thiên-Sa Hài Đồng Giêsu (Thérèse of the Infant
Jesus). Tuy nhiên, linh đạo nào thì linh đạo, dù đường lối "linh thao" khác nhau
theo thời đại và nhu cầu tâm linh, nhưng tất cả đều đồng qui ở tâm điểm chung đó
là hiệp thông thần linh.
Tuy
nhiên, linh đạo nào thì linh đạo, nổi tiếng đến đâu chăng nữa, dù đường lối
"linh thao", (tức việc thao luyện của linh hồn, việc thao luyện thiêng liêng,
việc thực hành và tập luyện các nhân đức trọn lành v.v. một cách có hệ thống và
nền tảng), giữa các linh đạo có khác nhau theo thời đại và nhu cầu tâm linh,
nhưng tất cả mọi linh đạo đều đồng qui ở một tâm điểm chung duy nhất đó là hiệp
thông thần linh - hiệp thông thần linh giữa Thiên Chúa và con người, hay hiệp
thông thần linh giữa con người và Thiên Chúa. Bởi vì, thực tại hiệp thông bao
giờ cũng bao gồm hai chứ không phải một, nhưng làm sao để cả hai thành một. Thế
nên, vấn đề ở đây là làm thế nào để Thiên Chúa và con người
có
thể hiệp thông thần linh, hay hiệp thông thần linh xẩy ra như thế nào, cần đến
những yếu tố nào, và diễn tiến ra sao?
Thiên Chúa “tái sinh (con người) bởi trên cao»
- Con người được Thông Hiệp Thần Linh
với
Thiên Chúa là “Cha và Con và Thánh Thần”
Trước
hết, về phía Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người và muốn con người hiệp
thông thần linh với Ngài, thì Ngài phải ban cho họ có đủ tư cách và khả năng để
nhờ đó họ có thể làm được một việc vượt quá giới hạn là tạo vật của họ về thân
phận vừa thấp hèn lẫn yếu đuối của họ. Vậy đâu là tư cách của con người để nhờ
đó họ có thể hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, nếu không phải tư cách làm
con, nghĩa là Ngài biến họ từ thân phận là một tạo vật trở nên thân phận là con
cái của Ngài, ở chỗ Ngài cho họ được thông phần vào hay được thông hiệp với bản
tính thần linh của Ngài và sống sự sống thần linh như Ngài, bằng cách "Lời đã
hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta... " (Gioan 1:14), để "ai chấp nhận Người
thì Người ban cho họ được quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1;12).
Chưa
hết, để nâng cấp con người từ thân phận "là" tạo vật thuần túy vô cùng xa cách
Thiên Chúa lên thân phận "là" con cái của Thiên Chúa, có thể nói là một thân
phận ngang hành với Ngài về bản tính, cho dù với "tư cách dưỡng tử" (xem Galata
4:5), nhờ đó họ có thể được hiệp thông thần linh với Ngài, nhờ bản tính thần
linh và sự sống thần linh họ được thông hiệp với Ngài, Ngài cần phải ban Mình
cho họ, bằng việc chẳng những Tỏ Mình cho họ nơi Lời Nhập Thể và còn phải Thông
Mình ra cho họ khi tuôn đổ Thánh Linh vào lòng của họ nữa (xem Rôma 5:5): "Tất
cả những ai được dẫn dắt bởi Thần Linh đều là con cái của Thiên Chúa" (Roma
8:14).
Và
việc "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24), vì muốn con người là tạo vật được
hiệp thông thần linh với Ngài, Tỏ Mình cho con người và Thông Mình cho con người
như thế chính là việc Ngài tái sinh họ "từ trên cao" (Gioan 3:3), "bởi nước và
Thần Linh" (Gioan 3:5): "Bởi trên cao" là "không bởi máu huyết, bởi ước muốn
nhục dục hay bởi ý muốn loài người mà là bởi Thiên Chúa" (Gioan 1:13), hay bởi
Cha; bởi "nước" là bởi Lời Nhập Thể, vì "nước" ám chỉ sự sống ("máu và nước chảy
ra" - Gioan 19:34 - nếu "máu" ám chỉ cuộc tử nạn chết đi của Chúa Kitô thì
"nước" ám chỉ sự sống phục sinh của Người), mà "sự sống" liên quan đến Chúa
Kitô, đến Lời Nhập Thể: "Sự sống đã trở nên hữu hình" (1Gioan 1:2) và "sự sống
này ở nơi Con của Ngài... ai có Con là có sự sống" (xem 1Gioan 5:11-12).
Đó là
lý do, để có thể trở nên con cái của Thiên Chúa, thông hiệp với bản tính thần
linh của Ngài và sống sự thần thần linh như Ngài, nhờ đó được hiệp thông thần
linh với Ngài, "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha" (Gioan 17:21), con
người cần phải được tái sinh - tái sinh bởi Giáo Hội Chúa Kitô bằng bộ 3 Bí Tích
Gia Nhập Kitô Giáo là Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thêm Sức, bộ
3 bí tích đầu tiên theo thứ tự trong bảng liệt kê 7 Bí Tích Thánh. Có thể nói,
bộ 3 Bí Tích Gia Nhập Kitô Giáo này liên quan đến thứ tự 3 Ngôi Thiên Chúa: Bí
Tích Rửa Tội với Chúa Cha, Bí Tích Thánh Thể với Chúa Con và Bí Tích Thêm Sức
với Thánh Linh.
Thật
vậy, Bí Tích Rửa Tội liên quan đến Chúa Cha trước hết và trên hết là vì Ngài đã
tái sinh họ "bởi trên cao", nghĩa là đã thần linh hóa họ, nâng họ từ thân phận
"là" tạo vật vô cùng thấp hèn và thân phận "là" tội nhân vô cùng khốn nạn lên
thân phận "là" con cái vô cùng cao trọng của Ngài, "ban cho họ quyền làm con cái
của Thiên Chúa" (Gioan 1:12), nhờ "ân sủng của Đức Kitô và ơn thông hiệp của
Chúa Thánh Thần" (2Corinto 13:13).
Bí
Tích Thánh Thể liên quan đến Chúa Con và Bí Tích Thêm Sức liên quan đến Thánh
Linh là sự thật đã quá rõ ràng nơi chính tính chất và nội dung của từng bí tích
này. Bí Tích Thánh Thể cần cho thành phần con cái của Thiên Chúa, thành
phần sống sự sống thần linh của Thiên Chúa, một sự sống thần linh không thể nào
có thể tồn tại và sinh hoa trái nơi con người Kitô hữu vốn còn mầm mống nguyên
tội nếu không có Thánh Thể để họ được sống bởi Chúa Kitô như Người sống bởi Cha
(xem Gioan 6:57). Bí Tích Thêm Sức liên quan đến Thánh Linh là Đấng, bằng các
tặng ân của mình, sẽ làm cho sự sống thần linh nơi thành phần con cái của Thiên
Chúa phát triển và lớn mạnh cho đến khi họ
đạt đến chỗ thực sự hoàn toàn hiệp thông thần linh với "Thiên Chúa là thần linh
trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24).
Ở một
nghĩa nào đó và ở một khía cạnh nào đó, 3 Bí Tích Gia Nhập Kitô Giáo là Rửa Tội,
Thánh Thể và Thêm Sức này còn liên quan đến cả 3 thần đức nữa. Vẫn biết Kitô hữu
đã lãnh nhận cùng một lúc nơi Phép Rửa 3 thần đức thiên phú là Tin, Cậy và Mến
này, để nhờ đó họ có khả năng sống sự sống thần linh xứng với thân phận "là" con
cái của Thiên Chúa, nhưng theo thứ tự, Đức Tin liên quan tới Bí Tích Rửa Tội,
Đức Cậy liên quan đến Bí Tích Thánh Thể và Đức Mến liên quan đến Bí Tích Thêm
Sức.
Đức
Tin liên quan đến Bí Tích Rửa Tội là bí tích thông ban sự sống thần linh, bởi
vì "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng
Cha sai là Đức Giêsu Kitô" (Gioan 17:3). Đức Cậy liên quan đến Bí Tích Thánh Thể
là bí tích duy trì và gia tăng sự sống thần linh nơi Kitô hữu, bởi vì "chính nhờ
Người, với người và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa
là Cha toàn năng cùng với Chúa Thánh Thần muôn đời" (lời xưng tụng kết phần Kinh
Nguyện Thánh Thể). Đức Mến liên quan đến Bí Tích Thêm Sức là bí tích kiện toàn
và viên trọn sự sống thần linh nơi Kitô hữu, bởi vì "tình yêu của Thiên Chúa đã
tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng được ban cho chúng ta" (Roma
5:5).
Như
thế, khi lãnh nhận Phép Rửa nói riêng và bộ 3 Bí Tích Gia Nhập Kitô Giáo nói
chung, Kitô hữu được thông hiệp thần linh với 3 Ngôi Thiên Chúa là Cha và Con và
Thánh Thần: họ có Thánh Sủng của Cha, Thánh Thể của Con và Thánh Thần của cả
Cha lẫn Con.
Thánh
Sủng của Cha chính là sự sống thần linh được Ngài ban cho con người khi họ được
"tái sinh bởi trên cao" (Gioan 3:3), nhờ đó họ được thông hiệp với bản tính thần
linh của Thiên Chúa, trở nên con cái của Ngài, một bản tính thần linh không thể
nào mất được nữa, cho dù sự sống thần linh có thể vị tội trọng bị mất đi, như
trường hợp đứa con phung phá đánh mất đi gia tài Thánh Sủng của mình bởi cuộc
sống hoang đường của nó nhưng thân phận làm con vì có cùng bản tính như cha của
nó vẫn còn đó để xứng đáng được cha chấp nhận xứng với chức phận đã từng làm con
của nó. Vậy, khi Kitô hữu còn Thánh Sủng là còn được Thiên Chúa ở cùng, còn sống
sự sống thần linh như Ngài và với Ngài.
Thánh
Thể của Con là phương tiện được Chúa Kitô thiết lập để truyền đạt sự sống thần
linh cho những ai đã thuộc về Người, một sự sống thần linh xuất phát từ Thân Xác
phục sinh vinh hiển đã chịu khổ nạn và tử giá và vẫn còn nguyên 5 Dấu Thánh của
Người, được Người thông ban cho Giáo Hội, qua các vị tông đồ, vào tối ngày thứ
nhất trong tuần, sau khi Người từ cõi chết sống lại và "thở hơi trên các vị mà
phán 'các con hãy nhận lấy Thánh Linh'" (Gioan 20:22).
Thánh
Linh "là Đấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính) của cả Con lẫn Cha, Đấng chẳng những
được Con thông ban cho các tông đồ là nền tảng của Giáo Hội qua thân xác phục
sinh của người (xem Gioan 20:22) mà còn được Người "từ Cha sai đến" (Gioan
16:13) vào Ngày lễ Ngũ Tuần sau khi Người Thăng Thiên về trời cùng Cha, để sự
sống thần linh nơi Kitô hữu trở thành một quyền lực thần linh, "quyền năng từ
trên cao" (Luca 24:49), biến Kitô hữu thành "chứng nhân của Thày cho đến tận
cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8).
Con người Hiệp Thông Thần Linh với
Thiên Chúa
"hết lòng, hết linh hồn và hết sức"
- "Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện"
Nếu Thiên Chúa đã tái sinh con người tạo vật vô cùng thấp hèn vốn sống trong
thân phận "xác thịt sinh sản xác thịt" (Gioan 3:6) "bởi trên cao", "bởi nước và
Thần Linh", tức bởi Lời Nhập Thể và Vượt Qua của Ngài cũng như bởi Thánh Linh
của Chúa Kitô Phục Sinh, nhờ đó, Ngài đã ban cho con người vốn "nô lệ tội lỗi"
(Gioan 8:34) "được quyền làm con Thiên Chúa", trở nên con cái của Ngài, được
thông hiệp vào (participation in) bản tính thần linh của Ngài và sống sự thần
thần Linh như Ngài, nhờ đó Kitô hữu mới có đủ tư cách thần linh xứng đáng và khả
năng thần linh siêu việt để được hiệp thông thần linh (in communion) với Ngài,
thì về phần mình, Kitô hữu phải làm sao để nên trọn như Thiên Chúa mong muốn khi
tạo dựng nên mình?
Thực
tế sống đạo cho thấy, cho dù được thực sự thông hiệp thần linh với 3 Ngôi Thiên
Chúa là Cha và Con và Thánh Thần nhờ 3 Bí Tích Gia Nhập Kitô Giáo là Thánh Tẩy,
Thánh Thể và Thêm Sức, tức là họ được Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong con người của
họ: Ngôi Cha với Thánh Sủng, Ngôi Con với Thánh Thể và Ngôi Ba là Thánh Linh,
thế mà họ vẫn sống một cách dân ngoại hay dân Do Thái:
Họ
sống như dân ngoại ở chỗ tâm tưởng cùng hành vị cử chỉ và phản ứng của họ hoàn
toàn theo tự nhiên (xem Mathêu 5:47), và họ còn thậm chí sống như dân Do Thái ở
chỗ liên lỉ ngoại tình với các thứ ngẫu tượng không phải là Thiên Chúa chân thật
duy nhất của họ như chính Ngài tỏ mình ra trong Lịch Sử Cứu Độ của họ, hay cho
dù có giữ luật thì họ cũng chỉ ở tầm mức hình thức, rồi tưởng rằng như thế là
tốt lành hơn người và có quyền khinh người. Tóm lại, Kitô hữu, thành phần con
cái của Thiên Chúa, vẫn không luôn sống phản Phúc Âm, sống ngược lại với các
phúc đức trọn lành được Chúa Giêsu giảng dạy ở Bài Giảng Trên Núi (Mathêu 5-7),
không "là muối đất ... là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:13-14) như ơn gọi và sứ
vụ của mình, không "nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu
5:48) như lý tưởng của mình!
Không
phải hay sao, phũ phàng thay, có những Kitô hữu đóng vai trò tư tế thừa tác hằng
ngày được giao tiếp thần linh với Thiên Chúa qua việc cử hành phụng vụ Thánh Thể
và ban phát các Bí Tích Thánh, ấy thế mà bàn thánh thánh hiến của các vị vẫn lạm
dụng tình dục trẻ em. Hay có những Kitô hữu Công giáo chúng ta rất ngoan đạo,
đọc kinh cầu nguyện hằng ngày sáng trưa chiều tối, thậm chí dự lễ rước lễ hằng
ngày, còn ăn chay kiêng cữ hằng tuần v.v., ấy thế mà lại là những người đoán xấu
cho anh chị em mình nhất, khinh người nhất và tự ái nhất, đụng đến họ một chút
là thấy ngay hình thù của một con nhím mình mẩy đầy những gai nhọn vươn ra một
cách hung dữ chưa từng thấy.
Hoặc
có những Kitô hữu Công Giáo chúng ta vẫn còn sống trong tình trạng Giuđa sẵn
sàng phản nộp Thày mình chỉ vì tham lam vật chất thế gian (xem Mathêu 26:14-16),
hay sống trong tình trạng Phêrô trắng trợn chối bỏ Thày mình chỉ vì sợ hãi nguy
đến tính mạng (xem Mathêu 26:69-74). Hay có những Kitô hữu Công Giáo chúng
ta được ơn đặc biệt trở nên thân tình với Chúa, dù trong viện tu hay ở
ngoài đời, nhưng có những lúc vẫn không thể thức với Thày lấy được một giờ trong
những khi Người buồn rầu đến nỗi chết được (xem Mathêu 26:40,38).
Tại
sao thế? - Phải chăng họ là những hạt giống rơi ở vệ đường, rơi trên soi đá hay
rơi vào bụi gai (xem Mathêu 13:19-22)? - Phải chăng họ là một ngôi nhà không
được trang bị đàng hoàng nên bị lực lượng mạnh hơn từ bên ngoại đột nhập cướp
bóc (xem Luca 11:21-23)? - Phải chăng họ là ngôi nhà đã dọn dẹp sạch sẽ hơn
trước nhưng vẫn bị bảy thần ô uế tàn phá còn trở nên tệ hơn trước nữa (xem Luca
11:24-26)? - Phải chăng họ là những cành nho khô cằn đã bị chặt đứt khỏi thân
nho nên không còn nhựa sống thần linh (xem Gioan 15:6)?
Vấn đề giải quyết ở đây không hẳn chỉ bằng cách tìm kiếm nguyên nhân gây ra hiện
tượng phản chứng sống đạo như thế, kiểu clean up cho máy điện toàn khỏi virus là
những gì phá hoại và gây trở ngại, cho bằng tìm cách tune up lại trọn vẹn bộ máy
sinh hoạt thiêng liêng của Kitô hữu. Ở chỗ, nếu Thánh Sủng, Thánh Thể và Thánh
Linh họ lãnh nhận nơi 3 Bí Tích Gia Nhập Kitô Giáo không có một tác dụng thần
linh nào trong họ, hay có cũng rất tối thiểu không đáng kể, thì phải làm sao cho
mọi sự ăn khớp với nhau cho thực tại hiệp thông thần linh có thể xẩy ra và hiện
thực giữa hai vế Thiên Chúa và Kitô hữu. Bằng cách nào?
Nếu
về phần Thiên Chúa, Ngài đang hiện diện thần linh nơi Kitô hữu bằng Thánh Sủng,
Thánh Thể và Thánh Linh của Ngài thì về phần kitô hữu cũng phải làm sao mỗi ngày
một cảm nghiệm thần linh hơn sự hiện diện thần linh của Ngài. Ở chỗ, Kitô hữu
"phải kính mến Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng, hết linh hồn và hết
sức mình" (Đệ Nhị Luật 6:5; Mathêu 22:37). Thứ tự trong giới răn dân Do Thái và
Kitô hữu cần phải tỏ ra đối với vị "Chúa là Thiên Chúa" của họ này, ở một nghĩa
nào đó, dường như liên hệ thứ tự với từng Ngôi Vị trong 3 Ngôi Thiên Chúa cũng
như liên hệ tới khả năng nhân bản nơi Kitô hữu: "Kính mến hết lòng" liên hệ đến
Chúa Cha, "kính mến hết linh hồn" liên hệ đến Chúa Con, và "kính mến hết sức"
liên hệ đến Thánh Linh.
Thật
vậy, nếu Thánh Sủng là chính sự sống thần linh được Chúa Cha ban cho Kitô hữu
khi họ lãnh nhận Phép Rửa, để nhờ đó họ sống sự sống thần linh với Ngài
như thành phần con cái của Ngài, mà sự sống thần linh đây chính là Con của Ngài:
"Thiên Chúa đã ban sự sống đời đời cho chúng ta và sự sống này ở nơi Con của
Ngài. Ai có Con là có sự sống" (1Gioan 5:11-12), thì Kitô hữu, qua Phép Rửa,
bằng tác động bao gồm toàn thể con người của mình là lòng muốn, đã "chấp nhận
Người" (Gioan 1:12) "hết lòng", nhờ đó "Người đã ban cho họ quyền làm con Thiên
Chúa" (Gioan 1:12).
Nếu
Thánh Thể của Lời Nhập Thể và Vượt Qua là phương tiện Chúa Kitô muốn dùng để
hiện diện nơi cả thân xác tro bụi của Kitô hữu, một thân xác, cùng với hồn
thiêng của họ, cũng sẽ được biến đổi nên như thân xác hiển vinh của Người khi
Người đến trong vinh quang (xem Philiphe 3:21), nhất là để bảo tồn và bồi bổ
Thánh Sủng là sự sống thần linh nơi họ, như nhựa sống từ thân nho truyền sang
cho cành nho (xem Gioan 15:5), mà sự sống thần linh nơi họ ấy cũng là chính
Người, thì khi Kitô hữu lãnh nhận Thánh Thể, sau khi thưa "amen", là họ bày tỏ
tác động "nhận biết Đấng Cha sai" (Gioan 17:3) "hết linh hồn" của họ.
Tác
động "nhận biết" của Kitô hữu khi lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô cũng chính
là "sự sống đời đời" (Gioan 17:3) nơi họ. Bởi vì, sau khi "chấp nhận Người" nơi
Phép Rửa để được "Người ban cho quyền làm con Thiên Chúa" rồi, thì họ đồng thời
cũng được lãnh nhận Thánh Sủng là sự sống thần linh, một sự sống thần linh là
chính Chúa Kitô ở trong họ, nên tác động Kitô hữu lãnh nhận Thánh Thể là tác
động của chính Chúa Kitô, tác động "nhận biết" thần linh của họ. Như các tông đồ
xưa, sau khi chấp nhận Chúa Kitô, ở chỗ bỏ hết mọi sự mà theo người, các vị vẫn
tiếp tục tiền trình nhận biết Người thế nào, cho đến khi có thể làm chứng về
Người, thì Kitô hữu cũng thế, sau khi "chấp nhận Người" nơi Phép Rửa, cũng tiếp
tục "nhận biết" Người mỗi lần lãnh nhận Thánh Thể của Người, cho đến khi đạt đến
chỗ "sự sống viên mãn" (Gioan 10:10).
Nếu
Thánh Linh của cả Con lẫn Cha (xem Gioan 16:13) được Kitô hữu lãnh nhận chẳng
những qua Phép Rửa, như các vị tông đồ lãnh nhận từ thân xác phục sinh của Chúa
Kitô vào tối ngày thứ nhất trong tuần (xem Gioan 20:22), mà còn lãnh nhận nơi Bí
Tích Thêm Sức, như "quyền lực từ trên cao" (Luca 24:49), trong Ngày Lễ Ngũ Tuần
ở Giêrusalem (Tông Vụ 2:4), để Ngài có thể kiện toàn sự sống thần linh là Chúa
Kitô nơi Kitô hữu, đến độ biến đổi họ hoàn toàn nên giống Chúa Kitô, Đấng sống
trong họ hơn là chính họ sống (xem Galata 2:20), nhờ đó Người làm chủ toàn thể
con người của họ, và "tất cả quyền năng trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18) trở
thành "sức lực" của họ trong việc đáp ứng sứ vụ chứng nhân cho Người như Người
đã ủy thác: "Các con là chứng nhân của Thày cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ
1:8).
Tóm kết: áp dụng và thực hành
Thực
tại hiệp thông thần linh giữa Thiên Chúa và con người hay giữa Kitô hữu và Thiên
Chúa:
Trước
hết, đã được ấn định trong dự án thần linh của Ngài khi Ngài tạo dựng nên con
người theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài (Khởi Nguyên 1:26);
Sau
đó, đã được Ngài thực hiện nơi công cuộc thần linh của Ngài khi Ngài tỏ mình ra
nơi Lời Nhập Thể Vượt Qua và thông mình ra nơi Thánh Linh để có thể tái sinh con
người "bởi trên cao" cho họ "được quyền làm con Thiên Chúa" của Ngài;
Sau
hết đã được hiện thực nơi con người chẳng những ở chỗ họ lãnh nhận 3 Bí Tích Gia
Nhập Kitô Giáo để Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần có thể hiện diện thần
linh nơi họ bằng Thánh Sủng, Thánh Thể và Thánh Linh, mà còn ở chỗ họ làm sao để
có thể càng ngày càng thực sự cảm nghiệm thần linh, bằng tất cả con người của
họ, bao gồm "lòng muốn" của họ "chấp nhận" Chúa Kitô “là đường” (Gioan 14:6),
"linh hồn" của họ liên lỉ "nhận biết" Chúa Kitô là “sự thật”, và "sức lực" của
họ làm chứng cho Chúa Kitô là ‘sự sống”!
Vậy, để áp dụng vào đời sống tu đức thường nhật của Kitô hữu,
hay nói đúng hơn vào cuộc hành trình đức tin của mình, Kitô hữu cần phải "tỉnh
thức và cầu nguyện" (Mathêu 26:41):
"Tỉnh thức" ở chỗ 1- luôn ý thức mình là con cái của Thiên Chúa, được thông hiệp
vào bản tính thần linh của Ngài và đang sống sự sống thần linh với Ngài, nên
không thể sống theo tự nhiên và trần tục nữa mà là siêu nhiên và trọn lành, xứng
với chức phận là con cái thần linh; 2- luôn cố gắng nhớ đến Chúa là Đấng thực sự
đang hiện diện trong mình bằng Thánh Sủng (khi còn ở trong Ơn Nghĩa Chúa), Thánh
Thể (khi hiệp lễ) và Thánh Linh (nhất là khi hoạt động tông đồ); 3- và luôn cố
gắng sống bình an thanh thản, không vội vàng hấp tấp đến độ không còn làm chủ
được mình, hay không để mình bị thu hút bởi bất cứ một tư lợi nào, cũng
không để mình bị thúc đẩy bởi một đam mê ham thích nào.
"Cầu nguyện" ở chỗ 1- luôn khao khát thần linh bằng ước muốn sống đẹp lòng Ngài
ở mọi nơi và trong mọi lúc, được tỏ bày bằng những lời than thở hay hy sinh; 2-
liên lỉ lắng nghe Lời Ngài cùng với các tác động thần linh của Ngài trong tâm
hồn cũng như trong đời sống của mình để có thể đáp ứng mau mắn và trọn vẹn những
gì Ngài muốn; 3- coi Ngài trên hết mọi sự, "kính mến Ngài hết lòng, hết linh hồn
và hết sức"; 4- hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Ngài khi bị cám dỗ hay gặp gian
nan khốn khó khổ đau; 5- để Ngài toàn quyền quyết định về con người của mình và
sử dụng cuộc đời của mình cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể
hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Lạy Cha chúng con ở trên trời
là Thần Linh Hằng Hữu và Toàn Thiện,
đáng kính mến hết lòng, hết linh hồn và hết sức chúng con.
Chúng con nguyện danh Cha cả sáng
Vì
Cha
là Thiên Chúa chân thật duy nhất,
ngoài Cha ra không có một chúa tể nào khác
trong trời đất này cũng như trong cuộc đời của chúng con.
Chúng con nguyện nước Cha trị đến
nơi
Lời
Nhập Thể Vượt Qua là tất cả Mạc Khải Thần Linh về Tình Yêu của Cha.
Chúng con nguyện ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
bởi
Thánh Linh
của Cha là Sự Sống Hiệp Thông nội tại nơi Cha.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày
Ở chỗ xin hãy liên lỉ tỏ ra cho từng người chúng con
Tình
Cha
vô cùng nhân hậu yêu thương chúng con,
nhất là bằng những khổ đau thử thách,
để chúng con không còn ham ước gì hơn và tìm no thỏa gì khác ngoài tình yêu của
Cha.
Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con
Đó là xin tình yêu vô cùng nhân hậu của Cha nơi
Chúa Giêsu Kitô
Tử Giá
mỗi ngày một biến đổi chúng con,
nhất là khi chúng con sa ngã phạm tội làm mất lòng Cha,
nhờ đó chúng con mới có thể xứng đáng trở thành tông đồ cho Lòng Thương Xót Cha,
đặc biệt đối với những người anh chị em xúc phạm đến chúng con.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ
Bằng cách xin Cha hãy tuôn đổ vào lòng chúng con
Thánh Thần
là Đấng đã làm cho Chúa Kitô phục sinh từ trong cõi chết,
hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết,
để chúng con đừng bao giờ lấy mắt đền mắt răng đền răng,
trái lại, biết lấy sự lành thắng sự dữ,
như Cha là Đấng Trọn Lành
ở
trên trời.
Amen.
(xem
Jn 4:24; Ex 3:14; Deut 6:4-5; Jn
3:16; Jn 17:3; Is 43:11; Is 47:8; Rm 5:5; Rm 8:11; Mt 5:38,48)
Bài này đã được Nguyệt San Hiệp Nhất của CĐ CG GP Orange CA phổ biến trong hai số báo Tháng 5-6/2015