SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

KHÁCH MỜI DANH DỰ

 ĐẠI TIỆC LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

 

·       Thanh Tâm - Mái Nhà của Tình Yêu và Lòng Thương Xót

Dưới bóng mát của cây si lớn, những chiếc bàn nhựa được xếp thành hàng ngay ngắn. Cô bé cắt tóc búp bê tươi rói nhắc các bạn chào khách. Em vui vẻ lễ độ:

- Thưa cô, đây là lớp năm. Hết năm nay chúng con RA TRƯỜNG. Vì thiếu phòng học cho nên chúng con học ở dưới gốc cây này, mát lắm ạ. Nếu mưa thì chúng con dời bàn vào hiên học tiếp ạ.

Cách đó một quãng, cái chòi nhỏ lợp tranh, người phụ nữ gầy mảnh mai đang trò chuyện với một cậu bé đen gầy, nhưng ánh mắt sắc lẻm. Thằng bé đang phân bua, như cố chứng minh với người phụ nữ một chuyện gì đó.

Người phụ nữ mảnh mai chính là nữ tu phụ trách “lớp học đặc biệt” này. Còn cậu bé đó là một học trò rất lỳ và bướng, sắp vào mùa thi cậu trốn học đi chơi game. Dĩ nhiên cậu sẽ bị phạt. Và hình phạt dành cho cậu chính và cuộc chuyện trò riêng trong căn chòi nhỏ. Không có cảnh bị nêu tên phê bình trước bạn bè, đòn roi, khiếp sợ, những lý giải đầy lòng thương mến của sơ phụ trách đủ để cậu bé tâm phục khẩu phục…

Bọn trẻ tràn ra sân nghỉ giữa giờ, ríu rít tiếng cười, làm rạng rỡ khoảng sân nhỏ bởi mỗi đứa một màu áo khác nhau. Có đứa mặc áo đồng phục thêu một cái tên một trường học lạ hoắc trong nội thành. Một phụ huynh nào đó gửi cho bé chiếc áo mà con họ không dùng. Có mấy đứa lại mặc những chiếc áo thun vàng rực, có hình ông NenXơn Mandela mãi châu phi với khát vọng tự do. À, có khách tới trường chơi, và chia cho chúng những chiếc áo với hình ngộ nghĩnh làm quà tặng.

Nếu bạn là người lần đầu tiên biết tới thiện nguyện Tín Thác, và lần đầu tiên chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện ngôi trường này thì sẽ lấy làm ngạc nhiên, còn với thiện nguyện viên, nơi này đã thành thân quen: trường tình thương Thánh Tâm, nơi nuôi dạy những em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hoàn cảnh khác biệt, nên ngôi trường, rồi phương cách dạy các em cũng khác.

Ngoài dạy chữ theo giáo án, ở đây các nữ tu dòng đức bà truyền giáo còn cố gắng dạy các em những kỹ năng sống cho các em thích nghi, hoàn thiện bản thân, để khi rời khỏi sân trường vui vẻ bình yên, các em có chút kiến thức tồn tại ngoài cuộc đời, nơi các em luôn bị thiệt thòi, luôn chịu những tổn thương mặc cảm.

Và trên hết là lòng thương xót. Tiếp cho các em tình thương, băng bó xoa dịu những trái tim bé bỏng sớm bị tổn thương bởi hoàn cảnh gia đình đổ vỡ tan nát, để các em được tận hưởng những phút giây thơ trẻ bình an. Để các em tin rằng các em rất xứng đáng được yêu thương, các nữ tu đã cố gắng xiết bao để dành cho các em những yêu thương vô cùng thiếu thốn nơi cuộc đời !

Hiểu được điều đó, thiện nguyện Tín Thác về đây, trong phút giao lưu và tặng quà, muốn chuyển tới các em niềm vui lớn lao này : toàn giáo hội đang hân hoan đón mừng đại lễ Lòng Chúa Xót Thương, thì chính các em, những mầm non nho nhỏ nơi mái trường mồ côi thanh tâm, các em rất xứng đáng được những thương yêu ngọt ngào nhất. Và nếu có tổ chức Đại Tiệc Lòng Chúa Thương Xót thì các em mồ côi này phải là “Khách Mời Danh Dự”, có chỗ dành riêng cao nhất, đẹp nhất, sang nhất.

Đôi khi nghĩ cũng thấy buồn buồn tủi tủi. Những dịp Lễ Trọng, những Đại Hội, những dịp Lễ Lớn, Khánh Thành, Truyền Chức, Khấn Dòng, những buổi Hội Thảo, Diễn Nguyện, Trình Diễn Thánh Ca… luôn có thiệp mời, có phù hiệu, có ghế dành riêng cho những “khách mời danh dự” là các đại gia, các đại ân nhân, các chức sắc, những người có vai vế, có quyền thế… còn chỗ đâu cho những người nghèo khổ, thấp cổ bé miệng, không có tiền bạc đóng góp. Đúng ra những con người đó mới cần được thương xót, phải được ưu tiên, có chỗ dành riêng, có vé mời đặc biệt… thay vì phải đứng mãi ở xa nghển cổ ngó vào nhà thờ, hoặc đứng nắng đội mưa chen chúc lóp ngóp sau hàng rào trật tự hùng hổ bảo vệ các đấng bậc, và cuối cùng phải ôm bụng kẹp lép ra về sau buổi lễ, vì không có vé mời vào dự tiệc liên hoan. Họ buồn tủi ra về, “không có lòng thương xót, ở những nơi đáng ra cần phải làm chứng cho lòng thương xót”!

Ôi sao mà bất công thế! Sao mà có sự phân biệt đối xử trong cộng đoàn dân Chúa như thế. Chúa bảo: “người làm đầu phải hầu thiên hạ” và “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống” cơ mà! Chúa còn khẳng định rõ ràng những gì ta làm cho những người bé mọn nhất là làm cho chính Chúa. Chả lẽ chỉ đón tiếp những người giầu có, quyền cao chức trọng, mới là tiếp đón Chúa sao ? Không lẽ làm cho những người bé mọn, những người vô danh tiểu tốt, khố rách áo ôm, thì không phải là làm cho Chúa à ?

Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn dành chỗ ưu tiên cho những người vô gia cư, cho các em mồ côi lang thang bụi đời, trong các thánh lễ Đại Trào tại Rôma. Lo cho họ có chỗ tắm rửa, ăn uống, cắt tóc cạo râu, và cho đi vào tham quan trong đền thờ thánh Phêrô, viện bảo tàng, điện Vatican. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí, và họ luôn được làm “Khách Mời Danh Dự” trong những buổi Đại Lễ và yến tiệc liên hoan. Quá hay! Có cộng đoàn tu nào, nhà thờ nào, xứ đạo nào, làm theo gương của người lãnh đạo giáo hội chưa?

Sao thế nhỉ? Sao thì sao, thiện nguyện Tín Thác, con cái của lòng thương xót, nhất quyết chọn đối tượng ưu tiên để phục vụ là những con người nghèo khổ tội lỗi, bị xã hội, cộng đoàn, gia đình ruồng bỏ. Chính vì thế để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Lòng Chúa Thương Xót, họ tìm đến những mảnh đời rách nát, đau khổ, bệnh hoạn tật nguyền, và hôm nay họ đến mời các em mồ côi làm “Khách Mời Danh Dự” trong “Đại Tiệc Lòng Chúa Thương Xót”.

Nhận quà, và hân hoan với bóng bay đủ màu trên tay, các em rạng rỡ cười, những nụ cười ngây thơ như mọi nụ cười của trẻ em. Nỗi đau, sự thiệt thòi cũng không thể lấy hết đi sự hồn nhiên. Giữ cho những nụ cười ấy còn thơ ngây, những ánh mắt còn trong trẻo ngời lên, các nữ tu ở nơi này đã dành cho các em cả một tuổi xuân để làm mẹ những trẻ con mình chẳng đẻ chẳng sinh, bất hạnh và đầy tổn thương. Chỉ mong sao những thiện lành sẽ đến và ở lại cùng các trẻ.

 

·   Thiên phúc - Những Mầm Non Bất Hạnh Từ Khắp Miền Đất Nước

Chia tay những đứa trẻ dễ thương ở mái ấm Thánh Tâm, đoàn người Tín Thác lại đến một mái ấm nữa mang tên Thiên Phúc. Người thiện nguyện già trong nhóm Tín Thác bất ngờ khi thấy cả trăm đứa trẻ ùa ra từ cửa mái ấm, bất ngờ vì thấy các em… nói nhiều thứ tiếng quá. Hỏi ra mới biết mái ấm hiện đang cưu mang hơn 100 em nhỏ mồ côi, nhiều em khuyết tật bị cha mẹ bỏ rơi rất đáng thương. Đặc biệt hơn, các em lại có nhiều nguồn gốc dân tộc khác nhau trên cả nước Việt Nam. Thành ra khi có khách đến, các em vui mừng quá nên lời chào pha tiếng Kinh lẫn tiếng dân tộc hết cả.

Các nữ tu và các thầy tại đây luôn đau đáu câu hỏi, làm cách nào để hoàn cảnh xuất thân không phải là rào cản ngăn các em phát triển toàn diện, và lớn lên cống hiến được cho cuộc đời, cho xã hội. Chính vì thế ở đây, học vấn luôn là ưu tiên dành cho các em, với phương châm “học cao tới đâu tốt tới đó”. Thực tế, các em ở mái ấm Thiên Phúc luôn được các nữ tu và thầy khuyến khích học hết sức mình. Những em có tố chất học, sẽ được khuyến khích và hỗ trợ lên tận bậc đại học, sau khi ra trường lại quay về đây, dìu dắt những lớp đàn em nhỏ khác. Nhiều em cũng đã học xong trung cấp, có nghề nghiệp ổn định. Chẳng phải là quá tuyệt vời sao?

Vừa may khi đoàn thiện nguyện đến thì các em đang trong giờ ăn trưa. Theo chân các em, thiện nguyện viên được dẫn vào một bữa “đại tiệc xa hoa”. Nơi bàn ăn, hơn một trăm em nhỏ ngồi ngay ngắn. Các em cất lên những lời ca ngợi Thiên Chúa và tụng ca cuộc sống tươi đẹp vẫn còn dành ra một mái nhà ấm áp để các em trú ngụ, quên đi nỗi bất hạnh của trẻ mồ côi mồ cút. Người thiện nguyện viên tóc bạc trắng tay lập cập vừa trao quà cho các em, vừa hào hứng hát theo các em. Tuổi tác chẳng còn là rào cản trong bữa tiệc bất ngờ này. Những phần quà chính là tấm lòng mà những thiện nguyện viên của Lòng Chúa Thương Xót muốn trao đến tay các em. Cùng với tràng chuỗi, sách lòng thương xót Chúa, tập vở, bánh kẹo, bong bóng… thì nụ cười, tiếng hát ngay lúc này đây là món quà vô giá.

Sau những phút giây rộn rã giao lưu trò chuyện giữa các em và thiện nguyện Tín Thác, tất cả cùng yên lặng để lắng nghe tiếng hát của em Hơ Reng, giọng hát trong veo thánh thót trong khu nhà ăn của mái ấm. Nghe trong đó là âm giọng của núi rừng, của bình nguyên đất đỏ bạt ngàn. Lòng Thương Xót của Chúa đang ở nơi đây, tiếp sức cho em, tiếp sức cho những giấc mơ của em vượt qua sự u tối của quá khứ bất hạnh, của nỗi cô đơn không mẹ cha. Con cái của Lòng Chúa Thương Xót tiếp nối chắp cánh cho các em nơi đây sức mạnh và trí khôn để trưởng thành.

Lời tâm tình của người tu sĩ trẻ phụ trách mái ấm Thiên Phúc với thiện nguyện viên trước lúc chia tay, làm tất cả chúng ta phải suy nghĩ: “Vì các em, chúng tôi không quản ngại tuổi trẻ và sức lực”. Phải, phải có những người dám hy sinh, dám thiêu đốt bản thân mình, thiêu đốt cuộc sống mình, như xơ Hào ở mái ấm Thanh Tâm, hay thầy Trần Văn Long – người tu sĩ trẻ đang chào tạm biệt chúng tôi ở mái ấm Thiên Phúc này. Họ âm thầm dâng hiến đời mình thành phân bón, chăm sóc tưới tắm cho những mầm non bị cuộc đời làm gẫy dập, bị nghịch cảnh làm cho tàn héo.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Ngày nay có quá nhiều trẻ em bị loại bỏ ngay từ trong trứng nước, bị coi thường, bị tước đoạt tuổi thơ và tương lai, đói khát, nghèo túng, dốt nát, không biết đến trường học là gì, quá nhiều em bị bỏ rơi trên các đường phố.

Đó là những lý do để chúng ta thương các em hơn, với lòng quảng đại lớn lao hơn.

Chúng ta đang làm gì trong những tuyên ngôn long trọng về nhân quyền của con người và của các trẻ em? Tất cả những người lớn có trách nhiệm đối với các em, và mỗi người hãy làm những gì có thđể thay đổi tình trạng này.

Mỗi một em bị bỏ rơi, gạt ra ngoài lề xã hội, sống trên vỉa hè ăn xin, không học hành, không có sự săn sóc thuốc men, đang kêu lên đến Chúa và tố cáo hệ thống mà những người lớn chúng ta đã xây nên.

Tuy nhiên, Chúa Cha là cha trên trời không bỏ quên một em nào trong các em! Không giọt nước mắt nào của các em bị lãng quên.

Và Ngài cũng không bỏ qua trách nhiệm của mỗi người chúng ta, trách nhiệm của xã hội, của các quốc gia.

Thiên Chúa phán xét đời sống chúng ta bằng cách lắng nghe những gì các thiên thần trình lại cho Ngài về các trẻ em, các thiên s “hằng chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10).

Chúng ta phải luôn luôn tự hỏi: Các thiên thần của các em sẽ nói gì với Thiên Chúa về chúng ta?”

Chính những trẻ thơ đó, những con người nghèo khổ thấp cổ bé miệng đó, mới là “Khách Mời Danh Dự” của “Đại Tiệc Lòng Chúa Thương Xót”. Nếu không chung tay cứu giúp các em, không thực hành lòng thương xót với những người nghèo khổ một cách cụ thể, thì mọi bài giảng, mọi suy niệm, mọi lý thuyết thần học triết học “cao vời khôn với”… kể cũng là vô nghĩa!

Thiện Nguyện Tín Thác

Củ Chi 2015