SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Maria - Đệ Nhất Cao
Thủ Banh Quật
“Mẹ Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy mà suy niệm trong lòng” (Lc 2:19,51): Nhận định này của Thánh Ký Luca về Mẹ Maria đây có thể nói là tất cả Linh Đạo Maria cũng là Linh Đạo Kitô Giáo. Tại sao?
Nếu mục đích Thiên Chúa dựng nên con người là để họ được hiệp
thông thần linh với Người (xem Tổng
Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, câu 1), thì tất cả khoa tu đức học Kitô
Giáo chẳng qua chỉ là một thứ linh đạo (dù mang danh là linh đạo Giang Thánh
Giá, linh đạo I Nhã, linh đạo Thiên Sa Hài Đồng, linh đạo Long Mộng Phố v.v.)
nhắm đến một mục đích duy nhất đó là giúp tâm hồn Kitô hữu làm sao để có thể
hiệp thông thần linh với “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16).
Để đạt được mục đích hiệp thông thần linh với Thiên Chúa một
cách chắc chắn và hoàn toàn đến mức tối đa và trọn lành hết cỡ, linh đạo nào
cũng phải bao gồm một yếu tố bất khả thiếu hết sức quan trọng đó là việc con
người đáp ứng tác động thần linh. Tức là, nếu con người không biết đáp ứng tác
động thần linh của Đấng đã chẳng những tỏ hết mình ra cho chung nhân loại nơi
Con Ngài là Đức Giêsu Kitô Lời Nhập Thể, mà còn tiếp tục và liên tục tỏ mình ra
cho từng tâm hồn chúng ta, qua Thánh Linh của Ngài là Đấng được ban cho chúng ta
và ở trong chúng ta (xem Rm 5:5; 8:9,11), thì chúng ta chắc chắn và vĩnh viễn sẽ
không thể nào đạt tới chỗ hiệp thông thần linh với Ngài.
Thế nhưng, để có thể đáp ứng tất cả mọi tác động thần linh và
từng tác động thần linh của Vị Thiên Chúa thượng trí toàn năng để có thể hiệp
thông thần linh với Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất toàn thiện, linh
hồn không còn cách nào khác ngoài con đường duy nhất là lắng nghe tất cả những
gì Ngài muốn nói với họ và tỏ ra cho họ, qua những dấu chỉ thời đại bên ngoài
cũng như qua ơn soi động bên trong, (như Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra với các
tông đồ - Lk 24:40,43,45), vào một lúc nào đó hay liên lỉ suốt cuộc đời của họ.
Thực tế sống đạo lại hết sức phũ phàng cho thấy, vì vướng mắc
nguyên tội, cho dù đã được thánh tẩy nơi Phép Rửa, linh hồn Kitô hữu vẫn bị chi
phối bởi khuynh hướng sống xa lìa Thiên Chúa, “chuộng tối tăm hơn ánh sáng” (Jn
3:19), không nhận biết thực sự Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và Cứu Độ của mình là
ai, lúc nào cũng chiều theo tự nhiên đến độ rất dễ dàng “sa chước cám dỗ” là “sự
dữ” chống lại Thiên Chúa, không tuân theo lề luật căn bản của Ngài, chứ chưa nói
gì đến những điều trọn lành trong Phúc Âm của Ngài.
Bởi thế, cũng theo kinh nghiệm tu đức, để được tiến đến chỗ
hiệp thông thần linh với “Cha trên trời của các con là Đấng trọn lành” (Mt
5:48), linh hồn cần phải trải qua những cuộc thanh tẩy nội tâm và thử thách đức
tin, để từ từ siêu thoát, sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian (xem Jn
17:11,14), đến độ có một trái tim thanh sạch hầu có thể được thấy và thấy được
Thiên Chúa (xem Mt 5:8), trong chính bản thân mình cũng như trong anh chị em
mình và trong tất cả mọi sự, bằng một cảm nghiệm thần linh, nhờ đó, họ được lớn
lên trong Chúa, đạt đến tầm vóc thành toàn của Chúa Kitô là Đầu (xem Eph
4:13,15), lúc mà họ có thể nói “sự sống tôi đang sống không phải là tôi sống nữa
nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).
Đến đây chúng ta mới thấy được Linh Đạo Maria quả thực được
tóm gọn nơi thái độ tu đức “Mẹ Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy mà suy niệm
trong lòng” (Lc 2:19,51), một thái độ nhờ đó Mẹ có thể liên lỉ đáp ứng tác
động thần linh của Thiên Chúa, ở mọi nơi và trong mọi lúc, suốt cuộc đời của Mẹ.
Thái độ tu đức này của Mẹ Maria có một liên hệ mật thiết trực tiếp tới Đặc Ân
Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ cũng như đến trạng thái Đầy Ơn Phúc của Mẹ.
Sự kiện Mẹ được hoài thai vô nhiễm nguyên tội đây không phải
chỉ ở chỗ tiêu cực là được Thiên Chúa gìn giữ nguyên tội ngay từ giây phút Mẹ
được thụ thai trong lòng thai mẫu, mà còn ở nghĩa tích cực nữa đó là Mẹ được
hưởng trước ơn cứu độ của Chúa Kitô Con Mẹ. Thật ra, nếu không được hưởng trước
ơn cứu độ của Chúa Kitô thì Mẹ cũng không được gìn giữ cho khỏi nguyên tội ngay
từ giây phút hoài thai trong lòng mẹ. Bởi thế, trạng thái vô nhiễm nguyên tội
ngay từ giây phút hoài thai đây là một trạng thái đầy ơn phúc, một trạng thái
“được Thiên Chúa ở cùng” (Lk 1:28) ngay từ giây phút đầu tiên Mẹ hiện hữu trên
trần gian này. Tức Mẹ được Thiên Chúa chiếm đoạt ngay từ khi mới xuất hiện trong
lòng thai mẫu trên trần gian.
Tuy nhiên, trạng thái Thiên Chúa ở cùng Mẹ ngay từ lúc Mẹ hoài
thai này không hoàn toàn giống như trạng thái Thiên Chúa ở cùng loài người khi
hai nguyên tổ của họ còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy chưa biết đến
tội lỗi là gì, “trần truồng không biết xấu hổ” (Gen 2:25). Đúng thế, nếu Chúa
Kitô đến là “để cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn” (Jn 10:10),
thì vì Mẹ được hưởng trước ơn cứu độ nên Mẹ chẳng những đã “được sự sống” nhờ ơn
vô nhiễm nguyên tội, mà còn là “một sự sống viên mãn” ở trạng thái “đầy ơn phúc”
nữa, một trạng thái “đầy ơn phúc” được mở đầu bằng ơn vô nhiễm nguyên tội, một
đặc ân biểu hiệu cho trạng thái “đầy ơn phúc” của Mẹ. “Đầy ơn phúc” chính là tên
gọi của Mẹ xuất phát từ cửa miệng của Tổng Thần Gabiên trong giây phút truyền
tin Lời Nhập Thể: “Kính mừng đầy ơn phúc” (Lk 1:28), và “hoài thai vô nhiễm
nguyên tội” cũng là tên gọi của Mẹ ở Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức 25/3/1858.
Có thể nói, nếu thánh danh của vị Thiên Chúa chân thật duy
nhất được tỏ cho Moisen là Hiện Hữu hay Toàn Hữu (xem Ex 3:14) thì Mẹ Maria là
Đầy Phúc hay Toàn Phúc. Thế nhưng, trạng thái đầy ơn phúc của Mẹ Vô Nhiễm đây
không phải chỉ ở chỗ Mẹ “được Thiên Chúa ở cùng” (Lk 1:28), mà còn ở chỗ
Mẹ “được ơn nghĩa trước mặt Chúa” nữa
(Lk 1:30), tức là ở chỗ Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa mọi đàng, không bao giờ làm mất
lòng Ngài, trái lại, Mẹ hằng liên lỉ suốt cuộc đời không giây phút nào ngơi đáp
ứng tất cả mọi sự và từng sự lớn nhỏ Thiên Chúa muốn trong và cho cuộc đời Mẹ.
Hai lời Mẹ thưa với Tổng Thần Ga-Biên trong biến cố truyền tin đã cho thấy tất
cả con người thuộc về Chúa của Mẹ: “Tôi không hề biết đến nam nhân” (Lk
1:34), cùng với cuộc đời toàn hiến của Mẹ chỉ biết sống cho một mình “Thiên
Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lk 1:46) của Mẹ: “Này tôi là tôi tớ Chúa. Tôi xin
vâng như lời ngài truyền” (Lk 1:38).
Tuy nhiên, trạng thái đầy ơn phúc của Mẹ và nơi Mẹ ở đây không
phải như là một tách nước đầy, không hơn được nữa, bằng không sẽ tràn ra ngoài.
Cũng thế, trạng thái đầy ơn phúc của Mẹ không phải chỉ ở chỗ Mẹ không làm gì mất
lòng Chúa, nghĩa là tách nước đầy ơn phúc luôn ở mức độ đầy, không bị vơi đi vì
bất cứ lầm lỗi nào dù nhỏ bé mấy của Mẹ, trái lại, Mẹ luôn làm đẹp lòng Chúa,
tức luôn làm cho mức độ đầy ơn phúc nơi Mẹ như hạt giống gặp mảnh đất thật tốt
“trổ sinh gấp 100” (Mt. 13:23), chứ không chỉ tăng 30 hay 60. Theo tu đức, mỗi
lần làm đẹp lòng Chúa, sống trọn ý Chúa, đáp ứng tác động thần linh, thì Ơn
Thánh lớn lên trong linh hồn, hay linh hồn được lớn lên trong Chúa.
Vậy nếu ngay từ giây phút đầu thai Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên
Tội đã được đầy ơn phúc như tách nước đầy thì cho tới giây phút cuối đời trần
gian của Mẹ, hết mọi hành động lớn nhỏ của Mẹ luôn đẹp lòng Chúa sẽ càng làm cho
mức độ đầy ơn phúc hay trạng thái đầy ơn phúc này nơi Mẹ gia tăng! Như thế nào?
Nếu không phải như một hạt cải nhỏ bé nhất trở thành một cây vĩ đại để trở thành
nơi làm tổ cho chim trời (xem Mt 13:32) thế nào, thì nơi Mẹ Maria cũng thế, đặc
ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ đã trở thành một cây vĩ đại với vai trò Đồng Công
Cứu Chuộc của Mẹ để các linh hồn có thể nhờ Mẹ mà “được tái sinh bởi trên cao”
(Jn 3:3): “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường
đưa con đến cùng Thiên Chúa” (Mẹ Maria với 3 Thiếu Nhi Fatima ngày
13/6/1917) là như thế.
Vấn đề được đặt ra ở đây là, được hoài thai vô nhiễm nguyên
tội, nhờ đó, không có đam mê nhục dục, không bị mầm mống nguyên tội chi phối, Mẹ
Maria đầy ơn phúc có thể nào phạm tội được không? Như hai nguyên tổ trong vườn
địa đường khi còn ở trong trạng thái công chính nguyên thủy đã có thể phạm tội
thế nào thì Mẹ Maria cũng vẫn có thể như vậy, tùy theo tự do của Mẹ có biết đáp
ứng Ý Chúa hay chăng! Nếu trong biến cố truyền tin Mẹ không xin vâng thì Mẹ còn
đầy ơn phúc hay chăng? Nếu vì tự nhiên thương Con không muốn Người bị khổ nạn,
như Thánh Phêrô đã vì lòng ngay của tình thày trò đã mạnh dạn can ngăn Người
(xem Mt 16:23), thì Mẹ có còn đầy ơn phúc hay chăng!
Phải, ngay cả trong những lúc tăm tối “không hiểu” (Lk 2:50)
thấu những gì Thiên Chúa tỏ ra cho, như trong trường hợp tìm thấy Thiếu Nhi
Giêsu trong đền thờ sau 3 ngày lạc mất và nghe lời đối đáp của Người (xem Lk
2:49), Mẹ vẫn sống “đức tin tuân phục” (Rm 1:5), ngoan ngoãn xin vâng bằng thái
độ tu đức trọn lành cố hữu của Mẹ là “ghi nhớ tất cả những điều ấy mà suy
niệm trong lòng” (Lk 2:51). Trong cuộc đời lúc nào cũng sống bằng một đức
tin tuân phục hết mình như thế, Mẹ chẳng khác gì như một đệ nhất cao thủ chơi
banh quật, cho dù mắt có bị bịt chặt không trông thấy gì trước những trái banh
là các tác động thần linh huyền diệu “như gió muốn thổi đâu thì thổi” (Jn 3:8)
ném tới một cách bất ngờ, mãnh liệt và ào ạt đầy oái oăm oan nghiệt mà Mẹ cũng
quật trúng và “home run”, ở chỗ, “theo Con Chiê n đến bất cứ nơi nào Con Chiên
tới” (Rev 14:4).
Được như thế là vì Mẹ không bước đi theo mắt thấy mà bằng lòng tin (xem 2Cor 5:7), một đức tin có được nhờ ở biết lắng nghe (xem Rm 10:14,16,17). Mẹ quả thực đã được chính Con Mẹ khen tặng về tài lắng nghe này của Mẹ, khi Mẹ được người phụ nữ khen là có phúc vì Mẹ đã được cưu mang và cho Người bú (xem Lk 11:27), bởi vì, phúc của Mẹ là ở chỗ “nghe và giữ Lời Chúa” (Lk 11:28), nhờ đó Mẹ mới thật sự xứng đáng trở nên và làm Mẹ Thiên Chúa: “Mẹ của Tôi là những người làm theo ý Cha Tôi trên trời” (Mt 12:50).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh,
BVL
Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ báo tháng 4/2009
Viết cho chủ đề Ngày Thánh Mẫu 2009:
“Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy mà suy niệm trong lòng” (Lc 2:19,51)