SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

19/2/2015 (Thứ Năm) : Chay Tịnh là Vượt Qua sự chết mà vào Sự Sống


Phụng vụ lời Chúa cho ngày Thứ Năm sau Lễ Tro hôm nay, Giáo Hội cho con cái của mình thấy lý do chính yếu tại sao Kitô hữu chúng ta cần phải bỏ mình và chịu đau khổ.

 

Trước hết, việc bỏ mình và chịu khổ của Kitô hữu không phải là cứu cánh, tức là những gì làm cho chúng ta được sống. Như thể kiểu cha mẹ dụ con nếu con làm việc này thì con được cái kia, vì thế khi chúng làm thì chúng cứ tưởng là do công của chúng, do việc làm của chúng mà chúng chiếm được những gì chúng chưa có và muốn có.

 

Thế nhưng, ở đây, việc Kitô hữu bỏ mình và chịu khổ chỉ là một đáp ứng những gì họ đã nhận lãnh mà thôi, và vì thế, những gì họ nhận lãnh mới là cùng đích của họ, và nhờ đó việc bỏ mình cùng chịu khổ của họ mới không phải là việc hủy diệt mà là việc phát triển những gì họ lãnh nhận, bằng cách mục nát đi như hát lúa miến trong lòng đất vậy (xem Gioan 12:24-26).

 

Do đó, nếu họ không phát triển là do họ không chịu mục nát đi, sợ mục nát đi, sợ bị thiệt thòi, sợ bị hủy diệt, cho dù đã được sự sống, tức họ không đáp ứng những gì họ lãnh nhận, chứ không phải Thiên Chúa tiền định cho họ bị hư đi.

 

“Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Timothêu 2:4), đến độ “đã ban Con một mình cho thế gian để ai tin vào Người sẽ không phải chết nhưng được sự sống đời đời” (Gioan 3:16), thậm chí “vì chúng ta đã không dung tha cho Con của mình, một phó nạp Người cho chúng ta được công chính” (Rôma 8:32), lại không thể nào lại là Đấng “tiền định” cho bất cứ một ai hư đi, trái lại, nơi Con của mình, Ngài còn tìm kiếm từng con chiên lạc (xem Luca 15:4-7). “Thiên Chúa không sai Con Ngài xuống thế gian để luận phạt thế gian mà là để thế gian nhờ Người mà cứu độ” (Gioan 3:17).

 

Bài Phúc Âm (Luca 9:22-25) hôm nay cho thấy đầu tiên không phải là việc con người bỏ mình và chịu khổ, bỏ sự sống mình v.v., mà là một Chúa Kitô khổ nạn, tử giá và phục sinh cho phần rỗi của chung nhân loại và của riêng những ai chấp nhận Người, bằng cách bỏ mình và chịu khổ để theo Người, để có thể theo Người, để xứng đáng theo Người. Nhờ đó nên giống Người như hạt lúa miến mục nát đi mà sinh nhiều hoa trái là phần rỗi các linh hồn khác nữa, chứ không phải của riêng bản than chúng ta, đúng như dự án và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô.

 

Trong bài đọc 1 hôm nay cũng thế (Đệ Nhị Luật 30:15-20), dân Chúa có thể tự do chọn giữa sự sống và sự chết, giữa phúc lành và chúc dữ, tùy theo việc họ có đáp ứng những gì Thiên Chúa đã tự động hứa ban cho họ là Đất Hứa tiêu biểu cho tự do và hạnh phúc (như Ai Cập tiêu biểu cho cảnh nô lệ và khổ ải) hay chăng, bằng cách yêu mến Ngài và tuân giữ các giới răn của Ngài, như Ngài truyền cho họ để họ nên công chính và xứng đáng hưởng gia sản Ngài đã nhưng không ban cho họ để họ được hưởng.

 

Bằng không, nếu không đáp ứng những gì Người ban cho họ thì họ sẽ bị mất hết mọi sự. Bấy giờ họ không thể nào kêu được nữa, bởi chính họ đã chọn sự chết và muốn bị chúc dữ mà thôi, chứ không phải bởi vị Thiên Chúa chân thật duy nhất vô cùng từ bi nhận hậu của họ.

 

Câu Chúa Giêsu phán trong Phúc Âm Thánh ký Luca hôm nay: “ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta sẽ được sống” (9:24) cũng là câu Người nói trong Phúc Âm Thánh ký Gioan ngay sau khi Người ví hạt lúa miến mục nát đi (12:24-25).

 

Hạt lúa miến đây ám chỉ bản thân Người sẽ phải chịu khổ nạn và tử giá, nhưng nhờ mục nát đi khi được gieo xuống đất ám chỉ nhập thể như thế mà hạt lúa miến thần linh ấy sinh nhiều hoa trái phục sinh. Như thế, chay tịnh chẳng khác gì như thể vượt qua sự chết mà vào sự sống như Chúa Kitô. 

 

Hạt lúa miến thần linh ấy cũng đã được gieo vào tâm hồn của Kitô hữu qua Bí Tích Rửa Tội, để trở thành mầm mống sự sống thần linh nơi họ, một mầm mống sự sống thần linh làm cho sự sống tự nhiên và tâm linh của con người Kitô hữu triển nở cho đến tầm vóc viên trọn của chúng, nếu con người biết đáp ứng theo chiều hướng sự sống thần linh này, tức là sống ngược lại với tất cả mọi khuynh hướng tự nhiên và bất hảo của bản tính tự nhiên và hạn hữu của mình, tức là dám bỏ mình đi và chịu khổ để theo Chúa, Đấng đã yêu thương ban sự sống cho họ một cách nhưng không, bằng một lòng tin tưởng bất khuất không sợ hãi, nhờ đó Ngài được tự do yêu thương họ và muốn làm gì thì làm nơi họ và qua họ.

 

Một thí dụ điển hình nhất liên quan đến ý nghĩa của câu nói đầy mâu thuẫn của Chúa Giêsu là ai yêu sự sống mình sẽ mất còn ai mất sự sống mình vì Thày thì giữ được nó, đó là một người bị rắn cực độc cắn vào chân, nếu không chặt ngay cái chân đó đi thì chắc chắn sẽ mất cả mạng sống, tức là nếu họ sợ mất một chân thì sẽ mất cả mạng, còn nếu bỏ cái chân ấy đi cho dù tiếc xót thì mới giữ được mạng.

 

 

20/2/2015 (Thứ Sáu): Chay Tịnh là sống Đức Tin nơi Đức Ái


Phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Sáu sau Lễ Tro hôm nay cho thấy ý nghĩa và tính chất đích thực của việc chay tịnh là tác động biểu hiệu cho tinh thần hy sinh bỏ mình và chịu khổ.

 

Thật vậy, ở bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu (9:14-15), trong câu Chúa Giêsu trả lời cho vấn đề được các môn đệ của Tiền Hô Gioan đặt ra là tại sao các môn đệ của Người không chay tịnh như họ và thành phần biệt phái vẫn làm, chúng ta, nếu để ý, sẽ thấy được ngay mục đích của việc chay tịnh, đó là được kết hiệp với Thiên Chúa: “Làm sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang còn đang ở với họ”.

 

Đúng thế, theo tu đức Kitô giáo, một khi được kết hiệp với Thiên Chúa thì linh hồn cảm thấy hân hoan vui sướng, đến độ cho dù có phải hy sinh đau khổ vẫn cảm thấy bình an vui sống, như thể chẳng có gì là chay tịnh, là hy sinh hãm mình và bỏ mình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ không còn cảm thấy khổ đau và không cần phải hy sinh hãm mình chay tịnh gì nữa. Bởi vì: “Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.

 

Ở đây Chúa Giêsu ám chỉ đến cuộc khổ nạn của Chúa cũng như đến việc Người thăng thiên trở về cùng Cha của Người. Nơi đời sống tu đức Kitô giáo cũng vậy. ý nghĩa của biệc “tân lang ra đi” đây có thể hiểu rằng:

 

1- Liên quan đến cuộc khổ nạn: Chúa ẩn mặt đi khỏi linh hồn khiến linh hồn phải sử dụng đức tin một cách mãnh liệt hơn để ở với Người: “Thiên Chúa là thần linh, nên ai tôn thờ Ngài cũng phải tôn thờ trong tinh thần và chân lý” (Gioan 4:24).

 

2- Liên quan đến việc thăng thiên: Một khi linh hồn sống đức tin càng thuần túy: “đừng đụng đến Thày” (Gioan 20:17), thì "tân lang ra đi" càng xa tầm mức tự nhiên trần thế của họ, thì linh hồn càng được Chúa chiếm đoạt và sống trong linh hồn, đến độ Người tỏ ra khổ đau nơi họ và qua họ, nghĩa là cái đau của Người là của họ, nhất là khi họ thấy các tội nhân xúc phạm đến Chúa của họ, và họ tìm hết cách để đền tạ Chúa và bù tội lỗi của tội nhân, bằng hy sinh chay tinh bỏ mình.

 

Như thế, việc chay tịnh của thành phần Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô có liên hệ mật thiết chẳng những với đức tin mà còn với tha nhân nữa: việc chay tịnh liên hệ đến đức tin ở chỗ chay tịnh chính vào lúc và  sau khi “tân lang ra đi”, và việc chay tịnh, sau khi nhờ đức tin được nên một với Chúa, phải liên quan đến chính đức bác ái yêu thương, đến phần rỗi của tha nhân, đến chứng từ đức tin, như bài đọc 1 (Isaia 58:1-9a) cho thấy:

 

"Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”

 

Phụng vụ lời Chúa hôm qua, Thứ Năm sau Thứ Tư Lễ Tro, Giáo Hội muốn dạy con cái mình rằng: chay tịnh, một hành động tiêu biểu cho hy sinh hãm mình và chịu khổ, là đáp ứng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô được ban cho Kitô hữu khi lãnh nhận Phép Rửa, nhờ đó ơn cứu chuộc này chẳng những không bị mất đi mà còn sinh hoa trái thiêng liêng nữa, và vì thế chay tịnh không phải là việc tự diệt mà là tăng trưởng siêu nhiên.

 

Phụng vụ lời Chúa hôm nay, Thứ Sáu sau Thứ Tư Lễ Tro, Giáo Hội tiếp tục giáo huấn con cái mình về chay tịnh liên quan đến tính chất của nó, bao gồm cả mục đích và tác dụng thần linh của nó, ở chỗ, chay tịnh chính là sống đức tin, mà là một “đức tin thể hiện qua đức ái” (Galata 5:6), có thể mới chứng thực tính chất chân thực và siêu nhiên của chay tịnh Kitô giáo, một thứ chay tịnh giúp Kitô hữu nên một với Chúa để “yêu thương như Thày yêu thương các con” (Gioan 13:34;15:12). 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL