SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Phụng Vụ Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Năm B

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi theo tiếng Latinh), theo chiều hướng canh tân phụng vụ từ Công Đồng Chung Vaticanô II, đã được Giáo Hội sắp xếp vào thời điểm Thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng thường chỉ có ở Tòa Thánh Rôma và trong các dòng tu mới cử hành đúng ngày, còn các giáo phận trên thế giới mừng Lễ Trọng này vào Chúa Nhật sau đó để giáo dân có thể tham dự một cách đông đảo vào mầu nhiệm yêu thương của Mình Máu Thánh Chúa Giêsu này. Ngoài ra, Giáo Hội còn có truyền thống Kiệu Thánh Thể vào ngày Lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa này nữa, do chính Đức Thánh Cha chủ sự, từ Đền Thờ Thánh Gioan Laterano đến Đền Thờ Đức Bà Cả cách nhau không bao xa, và cuộc Kiệu Thánh Thể được kết thúc bằng Phép Lành Thánh Thể.

 

Lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô là một trong ba lễ trọng được Giáo Hội chính thức thiết lập căn cứ vào mạc khải tư, thứ tự như sau: 

 

Trước hết là Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, một lễ có liên quan đến Thánh Juliana of Liège (người Bỉ, 1192-1258), một thị kiến nhân, trong vòng 20 năm âm thầm, đã từng thấy hình ảnh Giáo Hội như là một vầng trăng tròn có một vết đen như thể ám chỉ Giáo Hội còn thiếu Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, và trong thị kiến lần đầu tiên vào năm 1208 chị đã được yêu cầu xin Giáo Hội thiết lập Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô này. Vào năm 1264, Đức Thánh Cha Urbanô IV đã thiết lập Lễ Trọng này trong toàn Giáo Hội hoàn vũ và chỉ định mừng vào Thứ Năm sau Lễ Hiện Xuống, nhưng quyết định của ngài đã bị đình trệ và chỉ được công bố bởi Đức Thánh Cha Gioan XXII vào năm 1317, sau đó Đức Thánh Cha Piô V (1504-1572) đã chuyển Lễ này vào Thứ Năm sau Chúa Nhật Chúa 3 Ngôi. 

 

Sau nữa là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hiện được Giáo Hội cử hành vào Thứ Sáu sau Thứ Năm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô một tuần, một lễ đặc biệt liên quan đến Thánh Margarita Maria Alacoque (người Pháp, 1647-1690), và là một lễ đã được Đức Thánh Cha Piô IX thiết lập vào năm 1856 như là một lễ buộc trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ và được cử hành vào Thứ Sáu sau Tuần Bát Nhật từ Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. 

 

Sau hết là Lễ Lòng Thương Xót Chúa, đặc biệt liên quan đến mạc khải tư với Chị Thánh Faustina (người Balan, 1905-1938), một lễ được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập vào ngày lễ phong hiển thánh cho nữ sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa này, 30/4/2000, và được cử hành vào Chúa Nhật II Phục Sinh, đúng như ý muốn của Chúa Giêsu

 

Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô tự bản chất có liên quan đến Thứ Năm Tuần Thánh là chính thời điểm trong phụng niên Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Thế nhưng, trong phụng vụ lời Chúa của chính ngày về Thánh Thể của Tuần Thánh này, nhất là bài Phúc Âm, được Giáo Hội cố ý chọn đọc của Thánh ký Gioan, lại chỉ thuật lại biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ mà thôi, chứ không hề đả động gì tới chính việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, ngoại trừ ở trong bài đọc 2 từ Thư 2 Corinto của Thánh Phaolô (11:23-26).

 

Trong Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay, Giáo Hội đã chọn đọc các bài Phúc Âm của từng chu kỳ phụng niên A, B, C về biến cố Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Thật thế, với bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô hôm nay (14:12-16,22-26), chúng ta thấy một sự kiện lịch sử đã xẩy ra ở Nhà Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh giữa Chúa Kitô và các môn đệ của Người trong việc Thày trò "ăn lễ Vượt Qua":

 

"Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: 'Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta'. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: 'Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa'. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu".

 

Về Mầu Nhiệm Thánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly đã xẩy ra một thực tại thần linh như thế nào, với tác dụng siêu nhiên ra sao, theo đức tin của chung Kitô giáo, nhất là của Giáo Hội Công giáo, đã được bài Ca Tiếp Liên của ngày lễ này xác tín và bày tỏ một cách chính xác và rõ ràng như sau, nhất là từ câu 9 tới câu 22:

 

9. Ðiều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người.

 

10. Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ.

 

11. Ðây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người.

 

12. Ðiều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên.

 

13. Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu.

 

14. Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình.

 

15. Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân.

 

16. Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao.

 

17. Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết.

 

18. Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy.

 

19. Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau.

 

20. Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Ðấng ẩn dật bên trong.

 

21. Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển.

 

22. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna.

 

Mầu Nhiệm Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể đã được biểu hiện nơi những gì được thuật lại trong Sách Xuất Hành (24:3-8) ở Bài Đọc 1 hôm nay, nhất là liên quan đến máu giao ước, ám chỉ và hướng về Máu Thánh cứu độ Chúa Kitô sẽ đổ ra khi "đến thời điểm viên tron" (Galata 4:4):

 

"Vậy Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: 'Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán'. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: 'Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó'".

 

Việc Ông Moisen "mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe" trước khi "lấy máu rẩy lên dân chúng" nghĩa là ông muốn họ cần phải nhớ lại giao ước của Thiên Chúa đối với họ và bổn phận đáp ứng của họ với Vị Thiên Chúa giao ước này, vì máu ông vẩy lên họ "là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó".

 

Thế nhưng, chỉ có máu của Chúa Kitô "Thượng Tế" mới có giá trị vô cùng, mới có thể tha tội cho con người và cứu độ con người mà thôi, bởi vì máu của Người không phải là máu của con vật hay như con vật, mà là của chính Con Thiên Chúa hằng sống làm người, máu được Người tự hiến vì yêu thương chứ không phải bị ép uổng (xem Gioan 10:17-18;17:19). Thư Do Thái (9:11-15) của Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay cũng đã so sánh giá trị và tác dụng giữa máu thú vật và máu của Chúa Kitô như sau:

 

"Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống".

 

Trước tình yêu thương nhưng không và cho đến tận cùng của Thiên Chúa nơi máu cứu độ của Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài như thế mà chung nhân loại và riêng thành phần Kitô hữu đã lãnh nhận Phép Rửa cần phải chúc tụng tạ ơn Ngài bằng chính chén cứu độ của Con Ngài, theo tâm tình của bài Thánh Vịnh 115 (12-13,15-16bc,17-18) ở bài Đáp Ca (câu 1 và 3) sau đây:

 

1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. 

 

3) Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài.