SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

"Thày là Sự Sống"

Chủ Đề cho Phụng Vụ Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Theo ý nghĩa phụng vụ và nội dung của các bài đọc thuộc phần phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Phục Sinh 7 tuần, từ Đại Lễ Phục Sinh đến Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, thì Mùa Phục Sinh theo chủ đề: "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25).

N
ếu Tuần Bát Nhật Phục Sinh chủ đề là "Thày là sự sống lại", bởi suốt Tuần Bát Nhật Phục Sinh, mở đầu là Chúa Nhật Phục Sinh và kết là Chúa Nhật II Phục Sinh, các bài Phúc Âm đều trình thuật về sự kiện hiện ra của Chúa Kitô, thì 5 Chúa Nhật còn lại của Mùa Phục Sinh có chủ đề "Thày là sự sống".

Thật vậy, chính vì chủ đề "Thày là sự sống" mà 
giai đoạn cho 5 Chúa Nhật còn lại của Mùa Phục Sinh, các bài Phúc Âm Chúa Nhật đều được Giáo Hội cố ý chọn đọc mang ý nghĩa "Thày là sự sống". 

Trước hết, các bài Phúc Âm cho 5 Chúa Nhật còn lại của Mùa
 Phục Sinh, (không kể Chúa Nhật Phục Sinh và Chúa Nhật II cuối Tuần Bát Nhật Phục Sinh), đều hoàn toàn phản ảnh chủ đề chính "Thày là sự sống" ở các khía cạnh khác nhau, thứ tự như sau:

Chúa Nhật III Phục Sinh: Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh

Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục Sinh, tuy vẫn còn các bài Phúc Âm trình thuật về 3 cuộc hiện ra khác nhau của Chúa Kitô Phục Sinh, nhưng cả 3 bài đều đã bắt đầu hướng về chủ đề "Thày là sự sống" ở khía cạnh tái sinh thần linh, như chúng ta thấy các bài phúc âm ngày thường trong tuần thứ hai Phục Sinh, nhất là 3 ngày đầu tuần, liên quan đến vấn đề tái sinh từ trên cao, tái sinh bởi trời, bởi nước và Thánh Linh v.v., một cuộc tái sinh thần linh đã xẩy ra nơi hai môn đệ đi Emmau sau khi gặp Đấng Phục Sinh (Năm A), một cuộc tái sinh thần linh xẩy ra nơi chung các tông đồ sau khi nhận ra Đấng Phục Sinh để có thể sửa soạn làm chứng nhân cho Người (Năm B), một cuộc tái sinh thần linh xẩy ra nơi sự kiện các tông đồ đã không còn sợ hãi và ra khỏi nhà đi đánh cá, nhất là riêng Tông Đồ Phêrô đã tỏ thái độ nhiệt tình đáp ứng lòng mong ước của Đấng Phục Sinh (Năm C).  
Năm A 

Cuộc tái sinh thần linh đã xẩy ra nơi hai môn đệ đi Emmau sau khi gặp Đấng Phục Sinh.
Phúc Âm (Luca 24:13-35, bài Phúc Âm như Thứ Tư Bát Nhật Phục Sinh): "Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem... thuật lại các việc đã xẩy ra dọc đường và hai vị đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào".
Bài đọc 1 (Tông Vụ 2:14,22-28, sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở): "Đức Giêsu Nazarét... đã bị nộp và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hạnh hạ rồi giết đi... Thiên Chúa đã cho Người phục sinh"
Bài đọc 2 (1Phêrô 1:17-21, sự sống ở khía cạnh tài sinh thần linh là nhờ ở): "Máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền không tì ố... Nhờ Người anh em tin vào Thiên Chúa là Đấng đã làm cho Người sống lại từ trong cõi chết". 

Năm B 
Cuộc tái sinh thần linh xẩy ra nơi chung các tông đồ sau khi nhận ra Đấng Phục Sinh để có thể sửa soạn làm chứng nhân cho Người.  

Phúc Âm (Luca 24:35-48, bài Phúc Âm như Thứ Năm Bát Nhật Phục Sinh): "Có lời chép rằng: Đức Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lĩnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ Thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy". 
Bài đọc 1 (Tông Vụ 3:13-15,17-19, sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở): "Đấng ban sự sống thì anh em giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại".
Bài đọc 2 (1Gioan 2:1-5a, sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở): "Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, làm trạng sư nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta".

Năm C 
Cuộc tái sinh thần linh xẩy ra nơi sự kiện các tông đồ đã không còn sợ hãi và ra khỏi nhà đi đánh cá, nhất là riêng Tông Đồ Phêrô đã tỏ thái độ nhiệt tình đáp ứng lòng mong ước của Đấng Phục Sinh. 
Phúc Âm (Gioan 21:1-14 hay 1-19, bài Phúc Âm như Thứ Sáu Bát Nhật Phục Sinh): "Simon Phêrô bảo: 'Tôi đi đánh cá đây'. Các vị kia nói rằng: 'Chúng tôi cùng đi với anh'. Mọi người ra đi xuống thuyền... Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng 'con có yêu mến Thày không?' (3 lần)... 'Thày biết con yêu mến Thày' (3 lần)... 'Con hãy theo Thày' (sau khi báo cho vị tông đồ này biết 'sẽ chết cách nào)". 
Bài đọc 1 (Tông Vụ 5:27b-32,40b-41, sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở): "Đấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Người làm thủ lãnh và làm Đấng Cứu Độ".
Bài đọc 2 (Khải Huyền 5:11-14, sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở): "Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quí, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng". 

C
ái tuyệt vời ở đây là sự liên kết chặt chẽ hết sức mạch lạc giữa các bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho các Chúa Nhật nói riêng rất ăn khớp với nhau và liên tục với nhau theo đúng chủ đề chung. Điển hình nhất là bài Phúc Âm của Thánh Ký Gioan cho Năm C trên đây, liên quan đến vai trò mục tử của Thánh Phêrô sẽ được diễm phúc trở nên giống như vai trò Mục Tử Nhân Lành của Chúa Kitô hy sinh cho chiên được sống, và vai trò mục tử nhân lành gương mẫu này của Người được mạc khải cho thấy rõ ràng trong cả 3 bài Phúc Âm A-B-C của Tuần IV Phục Sinh kế tiếp

Chúa Nhật IV Phục Sinh: Sự Sống - Mục Tử Thần Linh

Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh bao giờ cũng được Giáo Hội chọn làm Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, và vì thế càng làm sáng tỏ chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Trong Chúa Nhật này, cả 3 chu kỳ phụng vụ A-B-C đều được trích từ Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn 10, về Vị Mục Tử Nhân Lành thật lòng yêu thương chiên của mình và muốn cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn (Năm A), đến độ dám hiến mạng sống của mình cho chiên (Năm B), để chiên có thể được sự sống đời đời trường sinh bất tử (Năm C).
Năm A 
Sự Sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh thật lòng yêu thương chiên của mình và muốn cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn. 
Phúc Âm (Gioan 10:1-10): "Tôi đến cho chiên được sự sống và được sống dồi dào";
Bài đọc 1 (Tông Vụ 2:14a, 36-41, sự sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh là vì): "Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh lên làm Chúa và làm Đức Kitô".
Bài đọc 2 (1Phêrô 2:20b-25, sự sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh là vì): "Người là Đấng không hề phạm tội... chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá". 
Năm B 
Sự Sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh đã yêu thương chiên của mình đến độ dám hiến mạng sống của mình cho chiên. 
Phúc Âm (Gioan 10:11-18): "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống mình vì chiên... Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta".

Bài đọc 1 (Tông Vụ 4:8-12, sự sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh là vì): "Chính Người là viên đã đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Đá Góc Tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác".

Bài đọc 2 
(1Gioan 3:1-2, 
sự sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh là vì): "Tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa và thực sự là thế". 

Năm C 
Sự Sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh đến để cho chiên của mình có thể được sự sống đời đời trường sinh bất tử.

Phúc Âm 
(
Gioan 10:27-30): "Tôi cho chiên được sự sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất".
Bài đọc 1 (Tông Vụ 13:14,43-52, sự sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh qua thành phần tông đồ thừa sai như Thánh Phaolô và Barnabê): "Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất".
Bài đọc 2 (Khải Huyền 7:9,14b-17, sự sống xuất phát từ vị Mục Tử Thần Linh cho những ai chiến thắng): "Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên".

Chúa Nhật V Phục Sinh: Sự Sống - Liên Hệ Thần Linh

Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Phục Sinh vẫn theo Phúc Âm Thánh Gioan, tiếp tục chủ đề "Thày là sự sống" của 4 Tuần cuối của Mùa Phục Sinh, nhưng ở khía cạnh liên hệ thần linh: trước hết là mối liên hệ thần linh giữa Chúa Kitô và Cha của Người (Năm A), sau đó là mối liên hệ thần linh giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (Năm B), và sau hết là mối liên hệ thần linh giữa nội bộ Giáo Hội với nhau (Năm C).

Năm A 

S
ự sống nơi mối liên hệ thần linh giữa Chúa Kitô và Cha của Người.
Phúc Âm (Gioan 14:1-12): "Ai thấy Thày là thấy Cha... Những điều Thày nói với các con không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thày, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày".
Bài đọc 1 (Tông Vụ 6:1-7, sự sống nơi mối liên hệ thần linh với Thiên Chúa qua sứ vụ chứng nhân): "Anh em hãy chọn lấy 7 người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa".  

Bài đọc 2 
(1Phêrô 2:4-9sự sống nơi mối liên hệ thần linh với Thiên Chúa qua sứ vụ chứng nhân): "Anh em là giòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người".
Năm B  
Sự Sống nơi mối liên hệ thần linh giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.
Phúc Âm (Gioan 15:1-8): "Thày là cây nho các con là cành. Ai ở trong Thày và Thày ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thày các con không thể làm gì được".

Bài đọc 1 (Tông Vụ 9:26-31, sự sống nơi mối liên hệ thần linh với Giáo Hội): "Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần".

Bài đọc 2 
(1Gioan 3:18-24, sự sống nơi mối liên hệ thần linh với Chúa Kitô và Giáo Hội): "Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau như Người đã ban giới răn cho chúng ta". 
Năm C 

Sự sống nơi mối liên hệ thần linh giữa nội bộ Giáo Hội với nhau.
Phúc Âm (Gioan 13:31-33a, 34-35): "Thày ban cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy".

Bài đọc 1 
(Tông Vụ 14:20b-26, sự sống nơi mối liên hệ thần linh trong Giáo Hội): "Các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin". 
Bài đọc 2 (Khải Huyền 21:1-5a, sự sống nơi mối liên hệ thần linh của Giáo Hội): "Tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa, tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình".

Chúa Nhật VI Phục Sinh: Sự Sống - Hiện Diện Thần Linh

Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục Sinh vẫn theo Phúc Âm Thánh Gioan, tiếp tục chủ đề "Thày là sự sống" của 4 Tuần cuối của Mùa Phục Sinh, nhưng liên quan đến khía cạnh hiện diện thần linh, một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa (Năm A), một hiện diện thần linh nhờ ở trong tình yêu thần linh bằng việc tuân giữ lệnh truyền của Chúa Kitô (Năm B), và là một hiện diện thần linh được ở trong Cha và Con bằng tình yêu thương (Năm C).
Năm A 
Sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa.

Phúc Âm 
(Gioan 14:15-21): "Nếu các con yêu mến Thày thì hãy giữ giới răn của Thày. Và Thày sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở cùng các con luôn mãi".

Bài đọc 1 (Tông Vụ 8:5-8, 14-17, sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa): "Khi đến nơi, hai ngài - Phêrô và Gioan - cầu nguyện cho họ được lãnh nhận Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu".
Bài đọc 2 (1Phêrô 3:15-18, sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa): "Vì Đức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra, Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại". 
Năm B 
Sự sống của một hiện diện thần linh nhờ ở trong tình yêu thần linh bằng việc tuân giữ lệnh truyền của Chúa Kitô.
Phúc Âm (Gioan 15:9-17): "Cha đã yêu mến Thày thế nào thì Thày cũng mến yêu các con như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thày. Nếu các con tuân lệnh Thày truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thày".

Bài đọc 1 
(Tông Vụ 10:25-26,34-35,44-48, sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa): "Phêrô đang nói các lời đó thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời... 'Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã lãnh nhận Thánh Thần như chúng ta?'"

Bài đọc 2 
(1Gioan 4:7-10, 
sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần là Tình Yêu của Thiên Chúa): "Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta đó là Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến trong thế gian, để nhờ Người mà chúng ta được sống".
Năm C 
Sự sống của một hiện diện thần linh được ở trong Cha và Con bằng tình yêu thương. 
Phúc Âm (Gioan 14:23-29): "Ai yêu mến Thày thì sẽ giữ lời Thày, và Cha Thày sẽ yêu mến người ấy, và Chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy".
Bài đọc 1 (Tông Vụ 15:1-2, 22-29, sự sống của một hiện diện thần linh được ở trong Cha và Con bằng tình yêu thương hơn là chỉ cắt bì bề ngoài theo hình thức): "Thánh Thần và chúng tôi xét thấy rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt, và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải".

Bài đọc 2 
(Khải Huyền 21:10-14,22-23, 
sự sống của một hiện diện thần linh được ở trong Cha và Con bằng tình yêu thương như ở trong thánh thánh từ trời xuất phát từ Thiên Chúa): "Tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa... Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên". 

Chúa Nhật VII Phục Sinh: Sự Sống - Hiệp Nhất Thần Linh

Chúa Nhật Thứ Bảy Mùa Phục Sinh là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Phục Sinh, Giáo Hội đã chọn đọc đoạn 17 của Phúc Âm Thánh Gioan là đoạn trình thuật về Lời Nguyện Hiến Tế của Chúa Kitô kết thúc Bữa Tiệc Ly, một lời nguyện cho thấy chủ đề "Thày là sự sống" ở khía cạnh hiệp nhất thần linh là tột đỉnh linh đạo Kitô giáo cũng là chủ đích tạo dựng và cứu chuộc loài người của Thiên Chúa, một hiệp nhất thần linh của những ai thuộc về Thiên Chúa (Năm A), một hiệp nhất thần linh của những ai được thánh hóa trong chân lý (Năm B), và một hiệp nhất thần linh của những ai được tham dự vào vinh hiển của Con (Năm C).

Năm A 
Sự sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai thuộc về Thiên Chúa. 
Phúc Âm (Gioan 17:1-11a): "Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã kéo ra khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha... Mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con được vinh hiển nơi chúng".

Bài đọc 1 (Tông Vụ 1:12-14, s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai thuộc về Thiên Chúa như các tông đồ và các nữ môn đệ của Chúa Kitô qui tụ lại sau khi Người Thăng Thiên): "Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, và Bà Maria mẹ Chúa Giêsu, với các anh em Người".

Bài đọc 2 
(1Phêrô 
4:13-16, s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai thuộc về Thiên Chúa và được chịu khổ vì Chúa Kitô): "Nếu anh em bị xỉ nhục vì Danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, bởi vì Thần Khi vinh quang, Thần Khí của Thiên Chúa, sẽ ngự trên anh em".

Năm B 

Sự sống nơi cu
ộc hiệp nhất thần linh của những ai được thánh hóa trong chân lý.

Phúc Âm 
(Gioan 17:11b-19): "Lạy Cha chí thánh, vì danh Cha xin hãy gìn giữ những ai Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Chúng Ta... Vì họ mà Con tự thánh hiến để cả họ cũng được thánh hóa trong chân lý".
Bài đọc 1 (Tông Vụ 1:15-17, 20a, 20c-26, s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai được thánh hóa trong chân lý, chẳng hạn như trường hợp của Tông Đồ Mathias thay cho người môn đệ phản bội Giuđa Íchca): "Trong những người đi cùng với chúng ta suốt thời gian Chúa Giêsu sống giữa chúng ta, kể từ ngày Gioan tẩy Giả, cho đến ngày Chúa Giêsu lìa chúng ta mà lên trời, chúng ta phải chọn lấy một người có mặt đây, để cùng với chúng ta làm chứng Người đã sống lại". 
Bài đọc 2 (1Gioan 4:11-16, s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai được thánh hóa trong chân lý và sống trong yêu thương): "Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta đã được tuyệt hảo".
Năm C 
Sự sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai được tham dự vào vinh hiển của Con.
Phúc Âm (Gioan 17:20-26): "Con đã ban cho họ vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một như Chúa Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một". 
Bài đọc 1 (Tông Vụ 7:55-59ab, s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai được tham dự vào vinh hiển của Con, như trường hợp của vị tử đạo tiên khởi là Phó tế Stephano): "Stephano đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa: 'Kìa tôi xem thấy trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa'".
Bài đọc 2 (Khải Huyền 22:12-14,16-17,20, s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai được tham dự vào vinh hiển của Con, nhất là vào giây phút cánh chung): "Ta là Alpha và Omega, là thứ nhất và cuối cùng, là nguyên ủy và cùng đích. Phúc cho những ai giặt áo của mình trong máu Con Chiên, để được hưởng dùng cây sự sống, và đợợc qua cửa để vào thành". 


                                                           Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên: Sự Sống - Hiệp Nhất Thần Linh
Ở những nơi không cử hành Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên vào đúng Thứ Năm trong Tuần Thứ Sáu của Mùa Phục Sinh như ở Tòa Thánh Rôma, tức không cử hành vào đúng thời điểm 40 ngày sau khi Người Phục Sinh, thì phụng vụ lời Chúa cho Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên sẽ hoàn toàn thay cho phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật VII Phục Sinh.

Cho dù Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên được hầu hết các giáo phận trên thế giới 
cử hành vào Chúa Nhật VII Phục Sinh, nhưng chủ đề của phụng vụ Lời Chúa vẫn không gì thay đổi, vẫn là chủ đề "Thày là Sự Sống" của 4 tuần cuối của Mùa Phục Sinh, nhưng ở khía cạnh Sự Sống - Hiệp Nhất Thần Linh như Chúa Nhật VII Phục Sinh.

Phúc Âm (
Mathêu 28:16-20; Marco 16:15-20; Luca 24:46-53)
Sự Sống nơi cuộc Hiệp Nhất Thần Linh với Chúa Kitô Thăng Thiên, ở chỗ luôn có sự hiện diện của Người: "Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Phúc Âm Thánh Mathêu - Năm A); ở chỗ luôn có Người đồng hành và hỗ trợ: "Các vị đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các vị, và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo" (Phúc Âm Thánh Marco - Năm B); ở chỗ sống với Người bằng một đức tin thuần túy đến độ khi "Người rời khỏi các vị mà lên trời" thì các vị chẳng những không buồn, trái lại còn "trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các vị luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa".
Bài đọc 1 (Tông Vụ 1:1-11, sự sống ở chỗ hiệp nhất thần linh càng vươn tới tột đỉnh vào lúc Chúa Giêsu Thăng Thiên, vì cho dù con mắt xác thịt của các tông đồ không còn được nhìn thấy Thày của các vị nữa nhưng nhờ đó mà các vị lại được rửa trong Thánh Thần để được biến đổi nên như Thày mà trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Thày và cho Thày): "Ít ngày nữa các con sẽ được rửa trong Thánh Thần... Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên nhân chứng cho Thày... cho đến tận cùng trái đất". 
Bài đọc 2 (Epheso 1:17-23, sự sống ở chỗ hiệp nhất thần linh với chính Đấng đang ngự bên hữu Cha trên trời và là Đấng trổi vượt trên tất cả mọi đẳng cấp thần trời): "Chúa khiến mọi sự qui phục dưới chân Người, và tôn Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể của Người, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người".