SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 
Mùa Vọng Tuần IV 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Chúa Nhật


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a

"Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel".

Bài trích sách Tiên tri Mikha.

Ðây lời Chúa phán: "Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. - Ðáp.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài đã củng cố cho mình. - Ðáp.

3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Người. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10

"Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa".

Bài trích thơ gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: "Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: 'Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'".

Sách ấy bắt đầu như thế này: "Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa". Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 1, 38

Alleluia, alleluia! "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 39-45

"Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Ðó là lời Chúa.



Suy niệm

 

nhập thể viếng thăm  



Hôm nay là Chúa Nhật IV Mùa Vọng. Tuy đang ở trong Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh từ ngày 17 đến 24/12, nhưng Phụng Vụ Lời Chúa là của Chúa Nhật IV hơn là thứ tự theo ngày từ 17 đến 24. Tuy nhiên, chủ đề về mầu nhiệm "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), theo Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật IV Mùa Vọng, cũng cho thấy tất cả sự thật liên quan đến biến cố giáng sinh của Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô.


Thật vậy, Đấng Thiên Sai Cứu Thế này, cho dù là Con của Vị "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24), cũng là vị "Thiên Chúa vô hình" (Colosê 1:15), nhưng được lời hứa cứu độ ngay sau nguyên tội cho biết là thuộc giòng dõi loài người, giòng dõi người nữ (xem Khởi Nguyên 3:15). Bởi thế, Người cần phải được hạ sinh bởi một người nữ và ở một địa điểm đặc biệt trên trái đất này, chứ không phải từ trời nhẩy xuống hay từ một hành tinh nào tới trái đất đây. Đó là lý do chính Thiên Chúa, qua giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái, và qua các tiên tri, đã liên tục củng cố lời hứa của mình trước niềm trông đợi mỏi mòn của họ, bằng việc Ngài báo trước về Vị Thiên Sai Cứu Thế mà Ngài đã hứa và chắc chăn sẽ sai đến, đặc biệt là qua Tiên Tri Mica trong Bài Đọc 1 hôm nay:


"Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thủy, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an".


Đúng thế, theo giòng lịch sử cứu độ của mình, dân Do Thái đã bao nhiêu lần, (thậm chí cho đến ngày nay sau hơn hai ngàn năm Đấng Thiên Sai Cứu Thế thực sự đã giáng sinh), vẫn mòn mỏi đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế của họ, như lòng họ tưởng nghĩ và mong muốn, nhất là những lúc họ bị ngoại bang thống trị như một hình phạt họ phải chịu gây ra bởi tội bất trung phản bội của họ, và họ cảm thấy bất lực không thể tự cứu được bản thân mình cùng dân tộc của mình, ngoài lòng trông mong Đấng Thiên Sai Cứu Thế của họ. Bài Đáp Ca hôm nay hoàn toàn phản ảnh tâm trạng trông mong của họ vào Vị Thiên Chúa cứu độ duy nhất của họ:


1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.


2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài đã củng cố cho mình.


3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Người. 


Sứ vụ chính yếu của Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô lịch sử này đến là để giải cứu dân mình cho khỏi bị làm tôi cho tội lỗi (xem Luca 1:77), một tình trạng thiêng liêng nhưng được tiêu biểu nơi việc họ làm tôi cho quyền lực thế gian do bởi chính tội lỗi của họ gây ra, nghĩa là Người giải phóng họ khỏi tội lỗi thì họ sẽ không còn bị làm tôi cho quyền lực ngoại xâm. Chính vì thế mà Người phải hiến thân làm của lễ hy sinh đền tội bằng việc hoàn toàn tuân phục của Người (xem Do Thái 5:8-9), đúng như những gì được Thư Do Thái khẳng định trong Bài Đọc 2 hôm nay:


"Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu lên tiếng nói: 'Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách.... Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ".


Nếu Chúa Giêsu Kitô lịch sử được sinh ra bởi giòng giống Do Thái thì mẹ của Người cũng phải là một phụ nữ Do Thái, "một người nữ phải sinh sẽ sinh conđã được tiên báo trống trống ở Bài Đọc 1 hôm nay, và người nữ ấy, trong bài Phúc Âm hôm nay chính là người nữ được Thánh ký Luca thuật lại cho biết đến thăm viếng người chị họ của mình là Isave, một người chị đã được sứ thần cho biết là "đã thụ thai được 6 thángtrong biến cố truyền tin ở bài Phúc Âm ngày 20/12 của Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh. Biến cố thăm viếng ngay sau biến cố truyền tin này được Thánh ký Luca trình thuật lại đã xẩy ra như sau:


"Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: 'Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện'".


Ý nghĩa của bài Phúc Âm Mẹ Maria thăm viếng bà chị họ Isave được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật IV Mùa Vọng hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng ngay trước hay gần đến Đại Lễ Giáng Sinh đây mang một ý nghĩa như thế nào, nếu không phải cho thấy sự hiện diện thật sự của "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) nơi mẹ của Người hay sao, một sự hiện diện thần linh thực sự chứ không phải chỉ che mắt thế gian, một sự hiện diện được chứng thực qua tác dụng thần linh nơi chính cả thai mẫu lẫn thai nhi Gioan qua lời chào của Trinh Nữ Maria Nazarét.


Tác dụng thần linh thứ nhất chứng thực "Lời đã hòa thành nhục thể" trong lòng Trinh Nữ Maria Nazarét xẩy ra nơi chính thai nhi Gioan: "khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà".


Theo các thánh suy diễn thì thai nhi Gioan được khỏi nguyên tội ngay khi còn được thụ thai trong lòng mẹ vào lúc 6 tháng tuổi, lúc "Lời đã hóa thành nhục thể" được Mẹ Maria thụ thai và cưu mang đến thăm thai mẫu của bé. Như thế, tác dụng thần linh đầu tiên của "Lời đã hóa thành nhục thể" nơi cung dạ trinh nguyên của Mẹ Maria là ơn cứu độ của thai nhi Gioan, Vị Tiền Hô Tẩy Giả tương lai của Người, Vị được sai đến để dọn đường cho Người, và chính là tiền thân của Người đóng vai như một "phù rể(xem Gioan 3:29).


Tác dụng thần linh thứ hai chứng thực "Lời đã hòa thành nhục thể" trong lòng Trinh Nữ Maria Nazarét xẩy ra nơi chính thai mẫu của thai nhi Gioan: "và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần". Không phải hay sao, chính vì được đầy Thánh Linh mà bà chị họ Isave này, cho dù không có mặt trong biến cố truyền tin Lời Nhập Thể với Mẹ Maria, bà cũng đã nói lên tất cả những gì xẩy ra lúc bấy giờ: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?... Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện'".


Mẹ Maria quả thực chẳng hề nói gì với bà chị họ của mình về biến cố truyền tin nói chung và về đặc ân được thụ thai và cưu mang Lời Nhập Thể nói riêng, như chính bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, cả lời chào của Mẹ cũng chẳng được Thánh ký Luca ghi rõ là gì. Thế mà tự mình, vì được "đầy Thánh Linh", bà chị họ này cũng nhận biết ngay rằng: 


1- Mẹ Maria có phúc hơn mọi người nữ kể cả chính bản thân bà! 


2- Mẹ đã được thụ thai một Người Con vô cùng cao cả chứ không phải chỉ là một phàm nhân tầm thường; 


3- Người em diễm phúc hơn mọi người nữ đang đứng trước mặt bà bấy giờ đã trở thành "Mẹ Chúa tôi"; 


4- Người em diễm phúc ấy đã hoàn toàn tin tưởng vào những gì được truyền tin, không như phu quân của bà vì ngờ vực nên đã bị câm; 


5- Những gì được truyền tin cho người em tin tưởng diễm phúc này chắc chắn sẽ được nên trọn liên quan đến vương quốc vô cùng tận của Người Con cao cả đang được cưu mang trong lòng người em này. 


Là Kitô hữu, chúng ta còn diễm phúc hơn thai mẫu và thai nhi Gioan Tiền Hô Tẩy Giả nhiều. Ở chỗ, nhờ Phép Rửa thanh tẩy tái sinh chúng ta đã được lãnh nhận Thánh Linh và nên một với chính Chúa Giêsu Kitô, thậm chí được đồng hóa với Chúa Kitô, đến độ ai phạm đến chúng ta là phạm đến chính Chúa Kitô: "Saulê, Saulê, sao ngươi lại bắt bớ Ta?" (Tông Vụ 9:4). Thế nhưng, chúng ta đã cảm nghiệm thấy Người và tác dụng thần linh của Người nơi chúng ta hay chăng, Đấng đang thực sự sống trong chúng ta nhờ Thánh Thần của Người và muốn tỏ mình ra cho thế gian qua chúng ta? 

 

 

Nếu liên kết Bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C này với Bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A và Năm B chúng ta càng thấy được ý nghĩa sâu xa của bài Phúc Âm Năm C hôm nay, một bài Phúc Âm Giáo Hội chọn đọc cho cả ngày 21/12 trong Tuần Bát Nhật trước Lễ Giáng Sinh. Thật vậy, nếu Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A về sự kiện Lời Nhập Thể có cha có mẹ trần gian là Thánh Giuse và Mẹ Maria, đúng như gia phả của Người trong Bài Phúc Âm ngày 17/12 đã liệt kê, nhưng Thánh Giuse không phải là cha ruột của Chúa Kitô, và Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm B về sự kiện Lời Nhập Thể được thụ thai bởi Quyền Phép Đấng Tối Cao là Chúa Thánh Thần, thì Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C hôm nay về sự kiện Lời Nhập Thể thông ban Thánh Linh của Người cho thai nhi tiền hô Gioan của mình, để thánh hiến ngài ngay trong lòng mẹ, nhờ đó ngài xứng đáng đóng vai tiền hô của Người, và làm phép rửa cho ngài là Đấng đến sau nhưng cao trọng hơn ngài, Đấng đã ban cho ngài Thánh Thần của mình ngay khi ngài còn ở trong bụng mẹ, hầu ngài có thể nhận biết Người và loan báo chính xác về Người, dù chưa bao giờ thấy Người và gặp Người.

 

Có thể nói Lời Nhập Thể trong cung dạ Mẹ Maria đã làm phép rửa cho thai nhi tiền hô Gioan ngay lúc bấy giờ, nhờ đó vị tiền hô của Người được tái sinh bởi Thánh Thần, nhờ đó sau này vị tiền hô này mới xứng đáng làm phép rửa thống hối cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã được ngài loan báo là "sẽ làm phép rửa Thánh Thần" (Gioan 1:33) mà chính bản thân ngài đã được lãnh nhận khi còn là một thai nhi 6 tháng tuổi.

 

Như thế, phải chăng Lời Nhập Thể là để thông ban Thánh Thần cho con người tội lỗi, để thanh tẩy con người và thánh hóa con người nói chung, nhất là những ai Người chọn nói riêng. Bằng không, con người tự mình không thể nào nhận biết và yêu mến Thiên Chúa như Ngài là và như Ngài đáng, trái lại, con người còn dễ sa ngã phạm tội làm mất lòng Thiên Chúa nữa, như đã xẩy ra cho hai nguyên tổ ngay từ ban đầu, dù bấy giờ hai vị chưa có đam mê nhục dục và tính mê nết xấu. Cái yếu tố chính yếu làm nên tội phúc đó là tự do của con người nói riêng, và của loài có ý muốn tự do nói chung, bao gồm cả thiên thần, loài không có xác thịt, và tất nhiên không có đam mê nhục dục cùng tính mê nết xấu mà vẫn phạm tội, hoàn toàn chỉ vì ý riêng. Nếu ngay từ ban đầu loài người hữu hình và hữu hạn đã được Thiên Chúa thông ban Thánh Linh của Ngài cho, thì họ đã không phạm tội: "Ai sinh bởi Thiên Chúa thì không thể phạm tội" (1Gioan 3:9).

 

Bởi thế, Thiên Chúa cứu chuộc con người ở chỗ thông ban Thánh Thần của Người cho con người, và chính vì vậy mà sau khi phục sinh, Chúa Kitô đã thông ban Thánh Thần của Người cho các tông đồ để nhờ đó các vị có thể tha tội lỗi cho nhân loại (xem Gioan 20:22).

 

Chính vì con người là loài hữu hình và hữu hạn, trong khi đó Thánh Linh của Thiên Chúa là Đấng vô hình và vô hạn, loài người tạo vật không thể nào xứng đáng và có khả năng để chấp nhận. Và đó là lý do Thiên Chúa phải hóa thân làm người, phải nhập thể, để nhân tính của Người, được ngôi hiệp với thần tính ngay từ khi được thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria, được Cha xức dầu Thánh Linh, trở thành phương tiện thông ban Thánh Linh, qua lời nói và việc làm của Người, những lời nói và việc làm đúng như ý Cha của Người. Bài Đọc 1 hôm nay nói về 2 bản tính này của Lời Nhập Thể khi nhắc tới 2 chi tiết liền nhau sau đây: "Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel" (nhân tính) và "nguồn gốc Người có từ nguyên thủy, từ muôn đời" (thần tính).

 

Tuy nhiên, vì là một con người thật, cho dù là vị Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giêsu Kitô vẫn có tự do và ý muốn riêng của một con người, và vì thế Người vẫn có thể làm theo ý mình hơn là ý Cha là Đấng đã sai Người. Và chính vì Người luôn làm theo ý Cha của Người mà Người luôn tràn đầy Thánh Linh, Đấng đã chẳng những tác tạo nên nhân tính của Người mà còn điều khiển cả cuộc đời của Người, nhờ đó, tất cả những gì xuất phát từ nhân tính của Người đều do Thánh Linh và có thể thông ban Thánh Linh. Nếu con người không có Thánh Linh nên mới phạm tội thế nào, thì Chúa Kitô tuân theo ý Cha của Người, bù lại tội bất tuân phục của con người ngay từ ban đầu, nên Người có Thánh Linh và thông ban Thánh Linh cho con người như vậy.

 

Và đó là lý do Bài Đọc 2 hôm nay nhấn mạnh đến yếu tố then chốt vô cùng quan trọng sau đây: "Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: 'Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'".

 



 

21/12


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Dc 2, 8-14

"Ðây người tôi yêu đến, nhảy qua núi".

Bài trích sách Diễm Ca.

Tiếng người tôi yêu, đây người đến, nhảy qua núi, băng qua đồi. Người tôi yêu giống như nai rừng, ví tựa hươu con. Ðó, người đứng sau vách nhà chúng tôi, ngó qua cửa sổ, nhìn vào chấn song.

Này người tôi yêu nói với tôi: "Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta! Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến! Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt. Trăm hoa đua nở trên đất chúng ta. Thời cắt tỉa đã đến, tiếng chim gáy véo von trên đất chúng ta. Cây vả sinh trái đầu mùa, vườn nho trổ hoa thơm ngát. Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến!

"Bồ câu ta trong hốc đá, trong kẹt ghềnh, hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót ở tai ta, vì tiếng mình êm ái, nét mặt mình xinh tươi".

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc bài này: Xp 3, 14-18a

"Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi".

Trích sách Tiên tri Xôphônia.

Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ngợi khen! Israel hỡi, hãy reo mừng! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy sung sướng và hết lòng hân hoan!

Chúa đã rút án phạt ngươi, đã xua đuổi quân thù. Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi, ngươi không còn lo sợ tai hoạ nào. Ngày ấy có tiếng bảo Giêrusalem: đừng sợ! và Sion, chớ buông thả đôi tay! Chúa là Thiên Chúa ngươi ở giữa ngươi, sẽ sung sướng vui mừng vì ngươi, sẽ thinh lặng trong niềm mến thương ngươi, sẽ hân hoan chúc mừng ngươi, như trong ngày đại lễ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 11-12. 20-21

Ðáp: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, hãy ca mừng Người bài ca mới! (c. 1a và 3a).

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, và đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran. - Ðáp.

2) Ý định của Chúa tồn tại muôn đời; tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. - Ðáp.

3) Linh hồn chúng ta mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng ta. Bởi vậy lòng chúng ta hân hoan trong Chúa, chúng ta tin cậy ở thánh danh Người. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Vầng Ðông, là ánh sáng muôn dân và là mặt trời công chính, xin hãy đến chiếu soi những kẻ ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết! - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 39-45

"Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave, và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà; và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Ðó là lời Chúa.


 

 

Suy niệm

 

nhập thể sinh động  


Theo thứ tự các bài Phúc Âm trong Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh từ ngày 17 đến hết 24/12, thì hai ngày đầu theo Phúc Âm Thánh Mathêu và 6 ngày cuối theo Phúc Âm Thánh Luca. 


Thật vậy, ngày 17 với bài Phúc Âm của Thánh Mathêu về gia phả của Chúa Giêsu, và ngày 18 với bài Phúc Âm của Thánh Mathêu về biến cố báo mộng cho Thánh Giuse về sự thật Mẹ Maria thụ thai Con Thiên Chúa. Và các bài Phúc Âm theo Thánh Luca cho những ngày còn lại là: ngày 19 về biến cố truyền tin cho vị tư tế thân phụ của thai nhi Gioan; ngày 20 về biến cố truyền tin Lời Nhập Thể cho Mẹ Maria; ngày 21 về biến cố Mẹ Maria đi thăm viếng thai mẫu của thai nhi Gioan; ngày 22 về Ca Vịnh Magnificat Ngợi Khen của Mẹ Maria; ngày 23 về biến cố hài nhi Gioan được hạ sinh, và ngày 24 về Ca Vịnh Benedictus Chúc Tụng của vị tư tế thân phụ Zacaria của hài nhi Gioan. 


Tuy nhiên, phụng vụ chu kỳ Năm C có một trùng hợp là bài Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Mùa Vọng và bài Phúc Âm cho ngày 21/12 bao giờ cũng trùng nhau, như trong năm 2015, nghĩa là cùng một bài Phúc Âm về biến cố Mẹ Maria đi thăm viếng Bà Thánh Isave cho cả 2 ngày này.


Cho dù có trùng hợp nhưng cùng bài Phúc Âm về biến cố Mẹ Maria thăm viếng thai mẫu của thai nhi Gioan này vẫn mang một ý nghĩa khác nhau theo chung phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Vọng hay riêng ngày 21/12 trong Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh.


Bài Phúc Âm cho ngày 21/12 cũng là bài Phúc Âm lễ Đức Mẹ Thăm Viếng 31/5 hằng năm của Giáo Hội. Tuy nhên, nếu trong Lễ Mẹ Thăm Viếng thì vai chính trong Bài Phúc Âm là Mẹ Maria, còn trong cùng bài Phúc Âm về biến cố thăm viếng này trong Tuần Bát Nhật trước Lễ Giáng Sinh như ngày 21/12 hôm nay, thì Thai Nhi Giêsu đóng vai chính. Bởi vì, Người muốn đến thanh tẩy và thánh hóa vị tiền hô Gioan Tẩy Giả của Người, bằng Thánh Thần của Người, nhờ đó vị tiền hô này có thể, đúng như lời Tổng Thần Ga-Biên báo cho cha của vị tiền hô rằng "con trẻ này sẽ được tràn đầy Thánh Thần trong bụng mẹ", xứng đáng đóng vai trò làm tiên hô cho Người và làm phép rửa cho Người.

 

 

Tuy nhiên, việc Người đến với vị tiền hô của Người và thông ban Thánh Linh của Người cho thai nhi tiền hô Gioan là nhờ Mẹ của Người, một Người Mẹ đã nên một với Người đến độ lời của mẹ thốt ra đã làm cho thai nhi tiền hô tràn đầy Thánh Thần và nhẩy mừng trong lòng mẹ của mình, và chính người mẹ của ngài nhờ ngài mà được đầy Thánh Linh nữa, như Bài Phúc Âm hôm nay đã cho chúng ta thấy tác dụng thần linh giây chuyền của tình trạng được đầy Thánh Linh, từ Chúa Kitô, qua Mẹ Maria, đến thai nhi tiền hô rồi đến thai mẫu của thai nhi tiền hô.

 

 

Đúng thế, bài Phúc Âm cho ngày 21/12 trong Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh hôm nay được tiếp ngay sau bài Phúc Âm cho ngày 20/12, bài Phúc Âm về biến cố truyền tin Lời Nhập Thể cho Trinh Nữ Nazarét Maria. Nếu bài Phúc Âm này, trong Chúa Nhật IV Mùa Vọng (hôm qua - năm 2015) liên quan đến những tác dụng thần linh nơi cả thai mẫu lẫn thai nhi Gioan để chứng tỏ "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) trong cung dạ trinh nguyên của Mẹ Maria, thì bài Phúc Âm thăm viếng cho ngày 21/12 hôm nay liên quan đến tác dụng thần linh của Lời Nhập Thể nơi chính bản thân của Mẹ Maria, thai mẫu của Lời Nhập Thể. 


Thật vậy, nếu "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) và "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Con Một của Ngài để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Gioan 3:16), thì một khi được diễm phúc thụ thai và cưu mang Người, mẹ của Người không thể không được thúc đẩy sống đức ái trọn hảo và để cho Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa tỏ hiện qua đời sống của mình, nơi từng lời nói cũng như nơi mỗi hành vi cử chỉ của mình.


Chứng từ đầu tiên chứng tỏ thực sự "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) nơi Trinh Nữ Nazarét Maria và thực sự hiện diện thần linh trong cung dạ trinh nguyên của Vị Trinh Nữ diễm phúc này, đã được Thánh ký Luca diễn tả ở ngay câu đầu của Bài Phúc Âm hôm nay: "Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa...".


Tác động "Maria chỗi dậy vội vã ra đi tiến lên miền núi", ngay sau biến cố truyền tin Lời Nhập Thể và thụ thai Lời Nhập Thể của Vị Trinh Nữ diễm phúc này chứng tỏ trong Vị Trinh Nữ này có một cái gì hoàn toàn khác lạ và mới lạ, như thể người trinh nữ trẻ trung nghèo hèn quê mùa này đã thực sự được "Quyền Phép Đấng Tối Cao bao phủ" (Luca 1:35), đã được Thánh Linh chiếm đoạt và thôi thúc làm tất cả những gì yêu thương cứu độ như Con Thiên Chúa sẽ làm sau này theo tác động của cùng một Vị Thánh Linh.


Thật vậy, theo kinh nghiệm tu đức cho thấy, tâm hồn nào được Thiên Chúa chiếm đoạt thì: trước hết, không thể ngồi yên, dửng dưng lạnh lùng, mà là ở chỗ, như Mẹ Maria trong bài Phúc Âm hôm nay: "chỗi dậy"; sau nữa, không thể chậm chạp, băn khoăn do dự, mà là ở chỗ, như Trinh Nữ Nazarét trong bài Phúc Âm hôm nay: "vội vã" mà không hấp tấp hơn là mau mắn; sau hết, không thể khép kín, lo âu ngần ngại, mà là ở chỗ, như bà mẹ trẻ vừa thụ thai trong bài Phúc Âm hôm nay: "ra đi", ra khỏi nhà của mình, ra khỏi con người của mình, và không phải "ra đi" đến một nơi nào gần gũi, mà là đi tới tận những miền xa xôi, những chỗ dốc dác khó đi khó tới nữa, đó là: "tiến lên miền núi".


Chủ trương của vị giáo hoàng đương kim Phanxicô của Giáo Hội Công Giáo Rôma hiện nay hoàn toàn phản ảnh đúng tinh thần của vị thôn nữ Nazarét Maria trinh nguyên trong bài Phúc Âm hôm nay. Bởi vì, ngài luôn nhấn mạnh và thúc đẩy Giáo Hội chẳng những đừng khép kín, mà cần phải liên lỉ mở cửa đón nhận những tâm hồn đáng thương, chẳng những thế, còn phải xông pha ra đi lên đường tìm kiếm họ nữa, và không phải chỉ đi đến những nơi gần gần và dễ dàng, mà phải đến tận những nơi hẻo lánh xa xôi nhất (peripheries), về cả nhân bản lẫn địa dư, nghĩa là phải chú trọng tới những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô (xem Mathêu 25:40,45), cho dù Giáo Hội có bị lem luốc và bầm dập gây ra bởi những thứ xuyên tạc, chụp mũ, vu khống và bôi nhọ của thành phần bảo thủ thiên kiến đầy thiển cận và mù tối, như chính bản thân của ngài đã và đang trở thành nạn nhân của họ.


Hình ảnh của vị thai mẫu trinh nguyên "Maria chỗi dậy vội vã ra đi tiến lên miền núi" để thực hiện một tác động đức ái trọn hảo trong bài Phúc Âm hôm nay ấy đã hiện lên trong Sách Diễm Tình Ca ở Bài Đọc 1 hôm nay, như một người tình tuyệt vời duyên dáng dễ thương nhất của Thánh Linh:


"Tiếng người tôi yêu, đây người đến, nhảy qua núi, băng qua đồi. Người tôi yêu giống như nai rừng, ví tựa hươu con. Ðó, người đứng sau vách nhà chúng tôi, ngó qua cửa sổ, nhìn vào chấn song. Này người tôi yêu nói với tôi: 'Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta! Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến! Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt. Trăm hoa đua nở trên đất chúng ta. Thời cắt tỉa đã đến, tiếng chim gáy véo von trên đất chúng ta. Cây vả sinh trái đầu mùa, vườn nho trổ hoa thơm ngát. Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến! Bồ câu ta trong hốc đá, trong kẹt ghềnh, hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót ở tai ta, vì tiếng mình êm ái, nét mặt mình xinh tươi'".


"Người tôi yêu" trong Bài Đọc 1 hôm nay đây là ai, nếu không phải là Thánh Linh, Vị Thần Linh không có hình dạng như Chúa Kitô, mà chỉ là Đấng luôn âm thầm kín đáo trong nội tâm của linh hồn, như thể "người đứng sau vách nhà chúng tôi, ngó qua cửa sổ, nhìn vào chấn song". 


Nhưng thật ra Ngài không phải chỉ là một bóng hình hay bóng ma hoang tưởng không có thật, mà là một Vị Thần Linh sinh động, là một linh hứng đầy quyền lực thúc đẩy tác hành: "Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta! Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến! ... Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến!" Và Ngài mong tác động thần linh của Ngài được tâm hồn Ngài tuyển chọn nhiệt liệt hưởng ứng và mau mắn đáp ứng xứng với và trọn vẹn những gì Ngài làm: "Bồ câu ta nấp trong hốc đá, ẩn trong kẹt ghềnh, hãy cho ta thấy mặt nàng, tiếng nàng hãy vang lên thánh thót ở tai ta, vì tiếng nàng thì êm ái, nét mặt nàng lại xinh tươi'".


Còn ai là người tình lý tưởng của Thánh Linh như Trinh Nữ Nazarét Maria hay bằng Vị Trinh Mẫu Diễm Phúc hơn mọi người nữ Maria trong bài Phúc Âm hôm nay chứ! Mẹ chính là "bồ câu" của Vị Tình Nhân Thánh Linh, nghĩa là Mẹ tràn đầy Thánh Linh, vì "bồ câu" là biểu hiệu cho Thánh Linh (xem Luca 3:22), nhờ Mẹ sống rất khiêm hạ và tuyệt đối tin tưởng vào Ngài, như thể "nấp trong hốc đá, ẩn trong kẹt ghềnh", khiến cho Thánh Linh lại càng say mê Mẹ hơn ai hết và hơn bao giờ hết, đến độ rất mong muốn được "thấy mặt nàng" và được nghe "tiếng nàng".


Tác động tràn đầy Thánh Linh của Mẹ Maria trong bài Phúc Âm hôm nay khiến Mẹ "chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa..." hoàn toàn bộc lộ cho thấy tâm hồn của Mẹ "hân hoan mừng rỡ trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi" (Luca 1:47), những tâm tình được chất chứa và vang vọng trong Bài Đáp Ca hôm nay:


1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, và đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran. 


2) Ý định của Chúa tồn tại muôn đời; tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. 


3) Linh hồn chúng ta mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng ta. Bởi vậy lòng chúng ta hân hoan trong Chúa, chúng ta tin cậy ở thánh danh Người. 

 


Ngày 21: 1. Thánh Phêrô Canisiô, linh mục Tiến Sĩ Hội Thánh

 

Thánh Phêrô Kanijs (Canisiô) sinh tại Nimègue miền Geldria nước Hòa Lan năm 1521, nhưng ngài đã sống hầu như suốt cuộc đời tại Ðức. Năm 1543, ngài vào dòng Tên tại Cologne, và nổi tiếng là một học giả uyên thâm trong nhiều lĩnh vực. Ngài đã từng giữ chức vụ giáo sư, giảng thuyết, dạy giáo lý, sứ giả của Ðức Thánh Cha, Bề Trên nhà dòng, Giám tỉnh tại Ðức và Áo, thiết lập các Chủng Viện và học viện. Ngoài ra, ngài còn là một nhà văn, đã viết nhiều tác phẩm giá trị và được phổ biến khắp nơi, chúng ta phải kể đến cuốn "Tổng luận về giáo lý Công Giáo" (1555) và nhất là cuốn "Giáo lý" (1556). Các hoạt động của ngài chỉ nhằm một mục đích là: phục vụ Giáo Hội, chống lại học thuyết của Luther đang bành trướng tại Ðức. Vào thế kỷ thứ XVI, một phần lớn nước Ðức còn lại trung thành với Giáo Hội, đó là công lao của thánh Phêrô Canisiô. Ngài đã trải qua những năm sau cùng tại Fribourg (Thụy Sĩ) với những chức vụ khiêm nhường trong lĩnh vực hoạt động tông đồ và bác ái.

Ngài qua đời tại đây ngày 21/12/1597, hưởng thọ 76 tuổi. 

Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh và đồng thời ban cho tước hiệu Tiến Sĩ Giáo Hội năm 1925.



 

22/12


Lời Chúa


Bài Ðọc I: 1 Sm 1, 24-28

"Bà Anna tạ ơn Chúa vì được sinh Samuel".

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Ngày ấy, sau khi đã cho Samuel dứt sữa, bà Anna liền bắt một con bò ba tuổi, lấy ba cân bột, một vò rượu, và dẫn con đến nhà Chúa ở Silô. Con trẻ lúc đó còn nhỏ bé. Họ tế lễ con bò và dâng con trẻ cho ông Hêli. Anna thưa: "Kính lạy ngài, chúc ngài khang an! Tôi là người đàn bà nọ đã đứng cầu xin Chúa nơi đây trước mặt ngài. Tôi đã cầu xin vì trẻ này, và Chúa đã cho tôi được như tôi xin. Vậy tôi xin dâng lại cho Chúa, trót mọi ngày nó thuộc về Chúa". Và họ thờ lạy Chúa ngay ở đó.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8abcd

Ðáp: Lòng tôi nhảy mừng trong Chúa cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Lòng tôi nhảy mừng trong Chúa, khí phách tôi hướng lên Thiên Chúa của tôi, miệng tôi rộng mở chống quân thù, tôi vui mừng vì Chúa cứu độ tôi. - Ðáp.

2) Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, người kiệt sức lại nai nịt dũng khí; kẻ no đầy nay làm thuê vì miếng bánh, người đói lả nay lại được no nê. Người son sẻ lại con đàn cháu đống, kẻ nhiều con lại trở nên héo tàn. - Ðáp.

3) Chúa cho chết và Chúa làm cho sống, cho đi xuống mồ rồi lại đem lên, làm cho nghèo rồi cho nên giàu có, hạ xuống thấp rồi lại nhắc lên cao. - Ðáp.

4) Cho kẻ bần cùng đứng dậy khỏi bụi tro, nâng cao kẻ nghèo khỏi phân nhơ rác rến, cho ngồi chung với vua quan tướng lãnh, đặt cho họ một ngai báu vinh quang. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Vua muôn dân và Ðá Góc toà nhà Hội thánh, xin hãy đến cứu độ con người mà Chúa đã tạo dựng bằng bùn đất! - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 46-56

"Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Maria nói rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!"

Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

Ðó là lời Chúa.

 


Suy niệm


 

nhập thể ngợi khen  

 


Hôm nay là ngày 22/12 trong Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh. Vẫn theo Phúc Âm của Thánh ký Luca cho 6 ngày còn lại của tuần bát nhật tiền Giáng Sinh này, mầu nhiệm cứu độ nơi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) được tiếp tục với Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ Maria.


Thật vậy, sau khi được "thụ thai Con Đấng Tối Cao... Con Thiên Chúa" (Luca 1:32,35) trong cung dạ trinh nguyên của mình từ biến cố truyền tin, và sau khi được thai mẫu "đầy Thánh Linh" (Luca 1:41) của thai nhi Gioan Tiền Hô Tẩy Giả nhận biết cùng khen tặng, thì người thôn nữ Nazarét được Sách Diễm Tình Ca trong Bài Đọc 1 hôm qua diễn tả như "Bồ câu trong hốc đá, trong kẹt ghềnh", đã "cho thấy mặt mình", với "tiếng thánh thót... êm ái" cùng với "nét mặt mình xinh tươi'" trong Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat như sau:


"Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!"


Nơi bài Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat quen thuộc này, một ca vịnh được Giáo Hội chọn đọc trong Tuần Bát Nhật tiền Giáng Sinh này, cũng như nơi Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus của tư tế thân phụ hài nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bao giờ cũng vào ngày 24/12, chất chứa một niềm trông mong và tin tưởng vào Vị Thiên Chúa cứu độ, cách riêng của dân Do Thái.


Đúng thế, nội dung của Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat của Mẹ Maria trong Bài Phúc Âm hôm nay đã chú trọng đến Vị Thiên Chúa cứu độ, thứ tự như sau: Vị Thiên Chúa đã cứu độ chính cá nhân Mẹ (1); Vị Thiên Chúa cứu độ những ai đáng thương (2), và là Vị Thiên Chúa đặc biệt cứu độ dân Do Thái của Ngài (3).


1- Vị Thiên Chúa đã cứu độ chính cá nhân Mẹ: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa". Qua câu này, Mẹ Maria đã công nhận là Mẹ cũng được Thiên Chúa cứu độ, như thể chính Mẹ nhận biết Mẹ được đặc ân vô nhiễm ngay từ lúc Mẹ được hoài thai trong lòng thai mẫu của Mẹ, như chúng ta vẫn tin theo tín điều được Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố ngày 8/12/1854. 


Mẹ được Thiên Chúa cứu độ ở đây, trong trường hợp chuyên biệt duy nhất của Mẹ, không phải vì Mẹ "khi còn là những tội nhân" (Roma 5:8) như tất cả loài người là giòng dõi của Mẹ, mà Mẹ được Thiên Chúa cứu độ ở chỗ Ngài đã gìn giữ riêng một mình Mẹ khỏi nhiễm lây nguyên tội, cùng các tì vết và hậu quả của nguyên tội, ở chỗ, Ngài đã cho Mẹ được hưởng trước Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ, cho dù Người chưa nhập thể giáng sinh, bởi Mẹ đã được Thiên Chúa từ đời đời tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa. 


2- Vị Thiên Chúa cứu độ những ai đáng thương: "Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không".


Những ai đáng Thiên Chúa cứu độ được Mẹ Maria cảm nghiệm thấy và liệt kê trong Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat này, thứ tự như sau: 


Trước hết là "những ai kính sợ Chúa", chứ không phải "những ai lòng trí kiêu căng", thành phần đầy những tự phụ tự đắc cho mình là nhất, ở chỗ kỹ càng tuân giữ lề luật, và tỏ ra khinh người, theo khung hướng tự nhiên của đa số hay hầu hết thành phần biệt phái và luật sĩ trong dân Do Thái. 


Sau nữa là "những người phận nhỏ" trước tôn nhan Chúa, chứ không phải "người quyền thế", thành phần lạm dụng quyền bính trời ban của mình để hưởng thụ hơn là phục vụ, điển hình như một quận vương Hêrôđê trong việc sát hại Tiền Hô Gioan Tẩy Giả hay tìm giết hài nhi Giêsu


Sau hết là "người đói khát", cảm thấy mình nghèo hèn thiếu thốn chỉ biết tìm kiếm chân lý và tin tưởng và Đấng Tối Cao, chứ không phải "người giàu có", thành phần tự cho mình viên mãn và tự mãn, chẳng cần gì, có thể "tự độ", tự cứu được bản thân mình, chẳng cần đến Thiên Chúa cứu độ. 


Tuy nhiên, vì là Vị Thiên Chúa cứu độ, Ngài muốn cứu tất cả mọi người, kể cả thành phần "lòng trí kiêu căng", "quyền thế" và "giàu có" nữa, mà càng như vậy thì Ngài càng cần phải cứu họ và tìm hết cách để cứu họ, như Ngài đã từng thực hiện trong suốt giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái của Ngài.


3- Vị Thiên Chúa đặc biệt cứu độ dân Do Thái của Ngài: "Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!"


Dân Do Thái nói chung, qua giòng lịch sử cứu độ của mình, một lịch sử cho thấy tình yêu thương vô cùng nhân hậu của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, đã liên lỉ tỏ ra bất trung với Ngài, bằng những thái độ bất xứng của họ, được tiêu biểu nơi "con bò vàng" (Xuất Hành đoạn 32), một thứ ngẫu tượng cho thấy họ vừa "kiêu căng" (ở chỗ từ bỏ và hoàn toàn bất tuân phục Vị Thiên Chúa đã tỏ tường cứu họ ra khỏi thân phận nô lệ ở Ai Cập), vừa "quyền thế" (ở chỗ ngang nhiên truất phế quyền bính của vị Thiên Chúa chân thật duy nhất nơi họ), và vừa "giầu có" (vì "con bò vàng" được làm nên bởi chính vàng bạc của họ đóng góp, như ám chỉ họ tự độ hay tự có thể cứu độ họ mà không cần Thiên Chúa). Thế nhưng, "dù chúng ta có bất trung, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài" (1Timôthêu 2:13).


Đó là lý do, Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat đã kết luận ở câu then chốt và chính yếu nhất làm nên lịch sử cứu độ của dân Do Thái, cũng là câu phản ảnh chính bản chất của Đấng đã xưng mình với Moisen: "Ta là Ta - I am who am" (hay) "Ta là hiện hữu" (hoặc) "Ta là Đấng Có(Xuất Hành 3:14), tức là "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp" (Xuất Hành 3:15), Vị Thiên Chúa bất biến, Vị Thiên Chúa luôn hiện hữu, Vị Thiên Chúa luôn ở với dân Ngài, Vị Thiên Chúa thủy chung trước sau như một, đã hứa là làm, bất chấp con người có bất trung và bất xứng: "Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!"

 

 

Và đó cũng là lý do ngay ở đầu Ca Vịnh Ngợi Khen của mình, Mẹ Maria đã xác tín một chân lý vô cùng quan trọng, đó là "danh Ngài là thánh". Tức là Thiên Chúa làm tất cả mọi sự, dù cho con người, nhưng cũng chỉ vì Ngài. Ngài không bao giờ làm "cho" mình, bằng không, Ngài sẽ không phải là và không còn là Đấng toàn hữu và viên mãn nữa, cũng thiếu thốn và bị hụt hẫng như con người, cần phải "cho" thêm, được thêm, có thêm, lấy thêm.

 

Tuy nhiên, Ngài phải làm "vì" mình, bằng không, Ngài không phải là Thiên Chúa nữa, bởi có một hữu thể nào cao hơn Ngài, tốt hơn Ngài. Đúng thế, chính "vì" Ngài "là ánh sáng" (1Gioan 1:5) mà không thể không soi chiếu. Chính "vì" Ngài "là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) mà Ngài không thể nào không yêu. Chính "vì" Ngài là "Cha thương xót ở trên trời" (Luca 6:36) mà Ngài không thể nào không thương xót, bất chấp con người là tạo vật có bất toàn và bất trung đến đâu chăng nữa, trái lại, họ càng bất toàn và bất trung lại càng tạo cơ hội cho LTXC tỏ mình ra "đến cùng" (Gioan 13:1). "Vì" danh của mình là Thánh mà Thiên Chúa phải tỏ hết tất cả bản tính thánh hảo của mình ra nơi con người, và tột đỉnh của mạc khải thần linh và tất cả mạc khải thần linh của Ngài ở nơi Chúa Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể và Vượt Qua. Phần con người, để được Ngài thánh hóa nên giống như Ngài, cần phải như Mẹ Maria sống Ca Vịnh Ngợi Khen, ở chỗ nhận biết mình được cứu chuộc và đáp ứng một cách tương xứng với các tác động thần linh của Thiên Chúa.


Theo tinh thần của Bài Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat về thành phần "kính sợ", "nhỏ bé" và "đói khát" đáng được Thiên Chúa cứu độ ấy, có một người nữ điển hình trong Bài Đọc 1 hôm nay, đó là thân mẫu của bé Samuel, một bà mẹ luôn "kính sợ" Thiên Chúa, nhưng lại bị Ngài để cho son sẻ, nhưng bà vẫn "đói khát" tin tưởng cầu xin cùng Chúa bằng tất cả thân phận "nhỏ bé" của mình, để rồi khi được nhận lời, bà đã giữ lời hứa dâng con mình cho Chúa:


"Ngày ấy, sau khi đã cho Samuel dứt sữa, bà Anna liền bắt một con bò ba tuổi, lấy ba cân bột, một vò rượu, và dẫn con đến nhà Chúa ở Silô. Con trẻ lúc đó còn nhỏ bé. Họ tế lễ con bò và dâng con trẻ cho ông Hêli. Anna thưa: 'Kính lạy ngài, chúc ngài khang an! Tôi là người đàn bà nọ đã đứng cầu xin Chúa nơi đây trước mặt ngài. Tôi đã cầu xin vì trẻ này, và Chúa đã cho tôi được như tôi xin. Vậy tôi xin dâng lại cho Chúa, trót mọi ngày nó thuộc về Chúa'. Và họ thờ lạy Chúa ngay ở đó".


Bài Đáp Ca hôm nay được trích trong đoạn Sách Samuel, tiếp ngay sau Bài Đọc 1 trên đây, một Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat Cựu Ước được vang lên từ môi miệng mẹ của hài nhi Samuel, cũng chất chứa và bộc lộ tâm tình tương tự như trong Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat Tân Ước của Mẹ Maria  Bài Phúc Âm hôm nay, một tâm tình tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa và chúc tụng ngợi khen cảm tạ Lòng Thương Xót của Vị Thiên Chúa cứu độ:


1) Lòng tôi nhảy mừng trong Chúa, khí phách tôi hướng lên Thiên Chúa của tôi, miệng tôi rộng mở chống quân thù, tôi vui mừng vì Chúa cứu độ tôi. 


2) Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, người kiệt sức lại nai nịt dũng khí; kẻ no đầy nay làm thuê vì miếng bánh, người đói lả nay lại được no nê. Người son sẻ lại con đàn cháu đống, kẻ nhiều con lại trở nên héo tàn. 


3) Chúa cho chết và Chúa làm cho sống, cho đi xuống mồ rồi lại đem lên, làm cho nghèo rồi cho nên giàu có, hạ xuống thấp rồi lại nhắc lên cao. 


4) Cho kẻ bần cùng đứng dậy khỏi bụi tro, nâng cao kẻ nghèo khỏi phân nhơ rác rến, cho ngồi chung với vua quan tướng lãnh, đặt cho họ một ngai báu vinh quang.


 

23/12


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Ml 3, 1-4; 4, 5-6 (Hr 3, 1-4, 23-24)

"Ta sẽ sai tiên tri Êlia đến cùng các ngươi trước ngày Chúa đến".

Trích sách Tiên tri Malakhi.

Ðây là những điều Thiên Chúa phán: Này đây, Ta sai sứ thần Ta đi dọn một con đường trước mặt Ta. Và bỗng chốc, Ðấng Chủ tể các ngươi tìm kiếm, Sứ Thần Giao Ước các ngươi mong ước, Người ngự đến trong thánh điện Người. Này đây, Người ngự đến, Chúa các cơ binh phán: Ai biết được ngày nào Người đến? Ai đứng vững mà trông xem Người? Vì Người như ngọn lửa hoả lò, như lá thuốc của phường thợ giặt. Người sẽ ngồi nung nấu luyện bạc, sẽ tẩy luyện con cái Lêvi, lọc chúng nó như vàng như bạc, để chúng trở thành cho Chúa những người dâng lễ tế trong công chính. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa, như những năm đầu.

Này đây, Ta sai Tiên tri Êlia đến cùng các ngươi, trước ngày trọng đại và kinh khủng của Ta. Người sẽ hoán cải lòng cha ông về lại với con cháu, và lòng con cháu trở về cùng cha ông, kẻo Ta ngự đến tiêu diệt địa cầu.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14

Ðáp: Hãy nhìn xem và hãy ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc các ngươi đã gần đến (Lc 21, 28).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Ðáp.

2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Ðáp.

3) Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Ðức Emmanuel, là Vua và là Ðấng ban lề luật, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin hãy đến cứu độ chúng con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 57-66

"Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi đến ngày sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan".

Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Gioan". Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.

Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó".

Ðó là lời Chúa.


 

   

 

Suy niệm

 

nhập thể từ ái  



Ngày 23/12 trong Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh hôm nay, Thánh ký Luca trình thuật lại biến cố hài nhi Tiền hô Gioan Tẩy Giả được hạ sinh, một bài Phúc Âm tiếp liền với bài Phúc Âm hôm qua về Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat của Mẹ Maria.


Thật vậy, ở cuối bài Phúc Âm hôm qua, Thánh ký Luca đã ghi nhận như thế này: "Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình". Tuy vị thánh ký này không cho biết là Mẹ Maria "trở về nhà mình" trước hay sau biến cố hài nhi Gioan được sinh ra, chúng ta cũng có thể suy đoán rằng cho tới khi hài nhi Gioan xuất hiện. Bởi vì thời gian "ba tháng" này là thời gian bao gồm cho tới khi hài nhi Gioan được sinh ra, và mục đích của Mẹ Maria đến thăm bà là để giúp đỡ bà chị họ của mình thì phải bao gồm cả chính lúc bà lâm bồn cần giúp đỡ nhất nữa mới phải.


Vậy, nếu quả thực Mẹ Maria ở lại nhà Bà Isave cho đến khi hài nhi Gioan được sinh ra thì Mẹ đã chứng kiến thấy biến cố này xẩy ra như thế nào, Thánh ký Luca đã trình thuật lại như sau: 


"Khi đến ngày sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: 'Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan'. Họ bảo bà rằng: 'Không ai trong họ hàng bà có tên đó'. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: 'Tên nó là Gioan'. Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: 'Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó'".


Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca không nhấn mạnh đến chính biến cố hạ sinh của hài nhi Gioan cho bằng đến biến cố cắt bì của ngài và biến cố đặt tên cho ngài, một biến cố bao gồm cả phép lạ xẩy ra cho vị thân phụ tư tế của ngài được khỏi câm nữa. 


Trước hết, luật cắt bì là luật của Chúa, bắt đầu từ thời tổ phụ Abraham (xem Khởi Nguyên 17:9-14) chứ không phải từ thời Moisen, thời được ghi thành luật (xem Levi 12:1-3) những gì vốn đã được thực hành theo truyền thống. 


"Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham: 'Phần ngươi, hãy giữ giao ước của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì. Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu: đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với các ngươi. Sinh được tám ngày, mọi con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì, từ thế hệ này qua thế hệ khác, kể cả nô lệ sinh trong nhà, hay nô lệ các ngươi dùng bạc mà mua của bất cứ người ngoại bang nào không thuộc dòng dõi các ngươi. Buộc phải cắt bì nô lệ sinh trong nhà cũng như nô lệ mua bằng bạc. Giao ước của Ta ghi dấu trong xác thịt các ngươi, sẽ thành giao ước vĩnh cửu. Kẻ không được cắt bì, người đàn ông con trai không được cắt bì nơi bao quy đầu, sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ: nó đã phá vỡ giao ước của Ta'".


Tục lệ và luật lệ cắt bì này của dân Do Thái mang ý nghĩa thuộc về Chúa và trở nên thanh sạch, nhờ đó họ mới được tham dự vào Lễ Vượt Qua (xem Xuất Hành 12:44,48), như thể phải lãnh nhận Phép Rửa rồi mới hợp lệ để được Rước Lễ của Giáo Hội Công Giáo bây giờ vậy. Tuy nhiên, tục lệ và luật lệ cắt bì này còn mang một ý nghĩa khác nữa về phía lãnh nhận nhân, đó là cắt bì tấm lòng của mình (xem Levi 26:41; Đệ Nhi Luật 10:16;30:6), nghĩa là kẻ cắt bì không sống theo xác thịt và cho mình nữa mà là sống theo Thần Linh và cho Chúa, như Kitô hữu sau khi lãnh nhận Phép Rửa đã cởi bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới là Chúa Kitô vậy (xem Roma 6:6; Epheso 4:24).


Tất cả ý nghĩa của tục lệ và luật lệ cắt bì liên quan đến tính cách thánh hiến và tinh thần tận hiến được nên trọn nơi hài nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, như sau này ngài đã được các Phúc Âm thuật lại về sứ vụ và đời sống cùng thế giá của ngài trong dân Do Thái, đến độ qua biến cố cắt bì và đặt tên của ngài này đã xẩy ra những việc lạ lùng liên quan đến cả tên gọi của ngài cũng như đến sự kiện vị thân phụ tư tế của ngài được chữa lành khỏi bị câm, và cả hai sự kiện này đã khiến "mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: 'Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó'".


Nếu tên gọi của Đấng Thiên Sai Cứu Thế là "Giêsu", một tên gọi được trời cao đặt cho (xem Mathêu 1:21), và có nghĩa là "Chúa cứu độ", thì tên gọi vị tiền hô của Người là "Gioan" cũng do trời cao đặt cho (xem Luca 1:13), một tên gọi được chính thân phụ bé là tư tế Zacaria đang bị câm, bởi ngờ vực về chính sự kiện bé được sinh ra, đã bất ngờ bật lên cất tiếng gọi, có ý nghĩa là Giavê từ ái, Giavê ưu ái. 

 

 

Như thế, hài nhi Gioan xuất hiện mang tên "Gioan" có nghĩa là dấu hiệu Thiên Chúa tỏ lòng từ ái và ưu ái, không phải cho riêng gia đình của bé, cho mẹ của bé khỏi bị hổ ngươi bẻ mặt bởi son sẻ, và cho cha của bé khỏi bị câm, mà còn cho toàn dân Do Thái nữa, một dân tộc đang trông chờ Đấng Thiên Sai Cứu Thế, một dân tộc bấy giờ được đại diện bởi hàng xóm láng giềng kéo đến chúc mừng chung gia đình bé và riêng bản thân bé. Và thực sự bé Gioan đã sống một cuộc đời xứng với vai trò cao trọng của mình là Tiền Hô báo trước Đấng Thiên Sai Cứu Thế là chính hiện thân sống động của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất vô cùng từ bi thương xót.


Bài Đọc 1 hôm nay, qua miệng tiên tri Malachy, Vị Giavê từ ái, Vị Giavê ưu ái, như nơi tên gọi của bé Gioan, đã báo trước về bé như là một "sứ thần" của Ngài, đóng vai như "Êlia", được Ngài sai đến trước để dọn đường cho "Đấng chủ tể" là Con của Ngài đến sau, như thế này:


"Này đây, Ta sai sứ thần Ta đi dọn một con đường trước mặt Ta. Và bỗng chốc, Ðấng Chủ tể các ngươi tìm kiếm, Sứ Thần Giao Ước các ngươi mong ước, Người ngự đến trong thánh điện Người. Này đây, Người ngự đến, Chúa các cơ binh phán: Ai biết được ngày nào Người đến? Ai đứng vững mà trông xem Người? Vì Người như ngọn lửa hoả lò, như lá thuốc của phường thợ giặt. Người sẽ ngồi nung nấu luyện bạc, sẽ tẩy luyện con cái Lêvi, lọc chúng nó như vàng như bạc, để chúng trở thành cho Chúa những người dâng lễ tế trong công chính. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa, như những năm đầu. Này đây, Ta sai Tiên tri Êlia đến cùng các ngươi, trước ngày trọng đại và kinh khủng của Ta. Người sẽ hoán cải lòng cha ông về lại với con cháu, và lòng con cháu trở về cùng cha ông, kẻo Ta ngự đến tiêu diệt địa cầu".


Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa lời nguyện cầu và nhận thức thần linh về một Vị "Chúa nhân hậu và công minh" của những tâm hồn như cha mẹ của hài nhi Gioan trong Bài Phúc Âm hôm nay, cũng như của chính Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả sau này:


1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. 


2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. 


3) Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài. 

 


Ngày 23: Thánh Gioan Kenty, linh mục


Gioan Wacienga sinh tại Kenty thuộc miền Krakow, nước Ba Lan năm 1390. Khi lên 23 tuổi, ngài theo học tại đại học Krakow và đã sống suốt cuộc đời tại đây. Sau thời gian thụ huấn, ngài được giữ chức vụ giáo sư văn chương, khoa trưởng triết học (1432) và giáo sư thần học (1443). Sau đó ngài làm cha sở Olkusz, một họ đạo nhỏ bé gần Krakow. Với chức vụ giáo sư, ngài đã nổi tiếng không những bởi kiến thức sâu rộng mà còn bởi lòng nhân từ, thương sót những kẻ nghèo khó và tâm tình thống hối.

Tình trạng lúc bấy giờ thật đen tối, chiến tranh tàn phá khắp xứ Ba Lan. Ngài luôn cảm thông những nỗi đau khổ và sẵn sàng bảo về đức tin nhưng luôn kính trọng đối phương. Ý thức được giá trị đền tội của việc hành hương, ngài đã lên đường đi Giêrusalem với hai bàn tay trắng để tôn kính mồ Chúa Giêsu.
Ngài đã đến Rôma cả thảy bốn lần để viếng mồ hai thánh Phêrô và Phaolô.

Ngài qua đời vào ngày áp lễ Giáng Sinh năm 1473, hưởng thọ 83 tuổi.

 


24/12


Lời Chúa


Bài Ðọc I: 2 Sm 7, 1-5. 8b-12. 16

"Vương quốc Ðavít sẽ tồn tại trước mặt Chúa đến muôn đời".

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Khi ấy vua Ðavít ngự trong đền và khi Chúa cho ông được bằng yên tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh, thì vua nói với tiên tri Nathan rằng: "Ông thấy không? Ta ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, còn hòm bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư?" Nathan trả lời với vua rằng: "Ðiều gì vua nghĩ trong lòng, vua hãy đi thực hiện, vì Chúa ở với vua".

Nhưng xảy ra (là) đêm ấy có lời Chúa phán cùng Nathan rằng: "Hãy đi nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: "Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng?" Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta, và Ta đã ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi; Ta đã tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi. Và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng, như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt chỉ một nơi cho Israel dân ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị quấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Israel dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù. Và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (x. c. 2a).

Xướng: 1) Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa, vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời"; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.

2) Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ". - Ðáp.

3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của con". Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Ðức Thượng Trí của Ðấng Tối Cao, Ngài an bài mọi sự cách mạnh mẽ và dịu dàng, xin hãy đến dạy dỗ chúng con con đường khôn ngoan. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 67-79

"Vầng đông từ cao thẳm tới viếng thăm chúng ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: "Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế? để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

"Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".

Ðó là lời Chúa.



Suy niệm


  nhập thể chúc tụng 




Hôm nay, ngày 24/12 trong Tuần Bát Nhật ngay trước Đại Lễ Giáng Sinh, Bài Phúc Âm của 
Thánh ký Luca ghi lại Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus của vị tư tế thân phụ của bé Gioan, ngay trong biến cố bé được cắt bì và đặt tên, như được cùng vị Thánh ký này đề cập đến trong bài Phúc Âm hôm qua.


Qua bài Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus này, tư tế Zacaria ở đây có thể nói là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, vì ông nói tiên tri chẳng những về Đấng Thiên Sai Cứu Tinh mà còn nói tiên tri về chính người con trai mới được cắt bì và đặt tên cho là Gioan. Nguyên văn Ca Vịnh mà "Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri" như sau:


"Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".


 

Nghe Bài Ca Vịnh Chúc Tụng này của tư tế Giacaria, ở phần đầu, chúng ta thấy như văng vẳng Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ Maria, ở chi tiết về Lòng Thương Xót Chúa: "Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!" (Ca Vịnh Ngợi Khen) - "Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người... trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham" (Ca Vịnh Chúc Tụng). Có thể nói Ca Vịnh Chúc Tụng là ca vịnh tiếp theo Ca Vịnh Ngợi Khen và khai triển thêm Ca Vịnh Ngọi Khen của Mẹ Maria, bằng cách cho thấy rõ hơn Lòng Thương Xót Chúa đối với dân của Ngài là ở chỗ: "Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta... để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta". 

 

 

Sở dĩ tư tế "Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri" như thế, một con người khi được Tổng Thần Gabiên truyền tin cho ông biết rằng con trai của ông sẽ được hạ sinh thì ông không tin, nay lại "được đầy Thánh Thần" đến độ "liền nói tiên tri" là vì ông được tham hưởng Thánh Thần từ người con trai của ông, như chính vợ của ông đã được tham hưởng khi thai nhi Gioan nhẩy mừng trong lòng bà khiến bà cũng đã "được đầy Thánh Linh" và cất tiếng chúc tụng Mẹ Maria.

 

 

Tuy nhiên, cha mẹ của thai nhi và hài nhi tiền hô Gioan không thể nào "được đầy Thánh Linh" như vậy, nếu không có sự hiện diện của Lời Nhập Thể trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ Maria, qua việc Mẹ đến viếng thăm ông bà, một biến cố và một sự hiện diện thần linh khiến cho cả gia đình của ông, từ thai nhi đến thai mẫu, từ hài nhi đến thân phụ. Đó là lý do ngay câu đầu tiên của bài Phúc Âm về biến cố thăm viếng của Mẹ Maria, Thánh ký Luca đã ghi nhận sự kiện Mẹ Maria "vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave". Mẹ Maria "vào nhà ông Giacaria". Đấy, chính lúc Mẹ Maria "vào nhà ông Giacaria" là lúc gia đình ông bắt đầu có sự hiện diện thần linh của Lời Nhập Thể, và qua tác động đầu tiên của Mẹ Maria là lời Mẹ chào bà Isave mà Thánh Thần từ Lời Nhập Thể trong cung dạ Mẹ đã được thông ban cho thai nhi tiền hô Gioan.

 

 

 

Trong Bài Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus này của tư tế Zacaria thân phụ của bé Gioan là Vị Tiền Hô tương lai của Đấng Thiên Sai Cứu Thế, được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho ngày 24/12 ngay trước Đại Lễ Giáng Sinh hôm nay, bao gồm 2 phần rõ ràng: phần đầu về chính "Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel", và phần sau về vị "ngôn sứ của Ðấng Tối Cao" là chính Gioan con của ông. 


Trước hết, về chính "Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel", tư tế Zacaria đã "chúc tụng" Ngài, vì Ngài là Vị Thiên Chúa cứu độ, Đấng "đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài", bằng chính việc "vào thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) cuối cùng "Ngài đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế từ dòng dõi trung thần Ðavít", hoàn toàn ứng nghiệm với tất cả những gì "Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa", bất chấp dân của Ngài có thất trung bội tín với Ngài, chỉ vì Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, ở chỗ, trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, Ngài đã liên tục tỏ ra "trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham". 


Nghĩa là Thiên Chúa cứu độ dân của Ngài, một dân tộc trong tất cả mọi dân tộc được Ngài nhưng không tuyển chọn và tỏ mình ra cho, là vì chính Ngài thương họ, hơn là họ đáng công, trái lại, còn đáng tận diệt nữa, và vì họ là một dân tộc càng phản bội thất trung bội tín với Ngài lại càng đáng thương và càng cần Ngài cứu độ để chứng thực Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ và là vị Thiên Chúa vô cùng yêu thương nhân hậu, đúng như cảm nhận của vị tư tế xướng lên Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus này: "Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn".


Sau nữa, về vị "ngôn sứ của Ðấng Tối Cao" là chính "hài nhi" Gioan con của ông, ông đã nói tiên tri rằng "Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên". Và thực sự bé Gioan này đã hoàn thành sứ mệnh của mình, chẳng những bằng chính lời kêu gọi của ngài nhắn gửi chung dân Do Thái: "Hãy hoán cải cuộc sống! Nước Thiên Chúa đã gần" (Mathêu 3:2), mà còn bằng chính phép rửa thống hối của ngài nữa, một phép rửa tiên báo cho Cuộc Vượt Qua của Đấng Thiên Sai Cứu Thế để là Đấng đến sau ngài nhưng cao trọng hơn ngài, Đấng đến làm phép rửa "bằng Thánh Thần" (Gioan 1:33), để "tha cho họ hết mọi tội khiên", Đấng xuất hiện như "Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".


Bài Đọc 1 hôm nay cũng chất chứa những lời Thiên Chúa tiên báo về chính Đấng Thiên Sai của Ngài sẽ được sai đến và xuất phát từ giòng dõi vuơng gia Đavít, một Đấng Thiên Sai sẽ cai trị bất diệt với một triều đại vô cùng bất tận, như đã được chính Sứ Thần Gabiên tái xác định với Trinh Nữ Nazarét Maria trong biến cố truyền tin (xem Luca 1:32-33), những lời đã được chính Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất phán qua tiên tri Nathan về ý định Vua Đavít muốn xây một ngôi nhà đàng hoàng cho hòm bia của Ngài rằng: "Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi".


Bài Đáp Ca hôm nay là lời "ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời", Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của riêng dân Do Thái cũng là Vị Thiên Cúa cứu độ của chung nhân loại, nơi Đấng Thiên Sai Con Ngài, Đấng sẽ thiết lập vương quốc yêu thương của Ngài giữa muôn dân bền vững đến vô cùng bất tận: 


1) Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa, vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời"; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. 


2) Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ". 


3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của con". Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.