SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Chay Tuần 1
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
22/2/2015
(Chúa Nhật): Phụng vụ lời Chúa cho Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay, nhất là bài
Phúc Âm, cho cả 3 chu kỳ A-B-C, đều liên quan đến sự kiện Chúa Giêsu chay tịnh
40 đêm ngày trong hoang địa và chịu cám dỗ. Chúa Nhật thứ hai của Mùa Chay cũng
thế, bao giờ cũng là bài Phúc Âm về sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi cao.
Giáo Hội cố ý chọn
đọc 2 Phúc Âm cho Chúa Nhật thứ 2 của 2 tuần đầu Mùa Chay như thế là để hướng
con cái mình về chính cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, một cuộc Vượt Qua bao gồm 2
chiều kích: khổ nạn (được ám chỉ nơi biến cố chay tịnh) và phục sinh (được tiêu
biểu nơi biến cố biến hình).
Riêng bài phúc âm
của Thánh ký Marcô cho chu kỳ Năm B Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay khác hẳn với 2
bài phúc âm của Thánh ký Mathêu cho Năm A cũng như của Thánh ký Luca cho Năm C.
Ở chỗ, bài phúc âm của Thánh ký Marco rất vắn gọn: 1- không hề thuật lại đầy đủ
tiến trình về các chước cám dỗ của Satan; 2- có thêm một câu rất đặc biệt không
có trong 2 phúc âm kia, đó là câu: “sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu
hạ Người”; 3- và còn có có thêm cả câu Chúa Giêsu tuyên bố về toàn bộ nội dung
Phúc Âm của Người: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn
năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Bài phúc âm của Thánh ký Marco cho chu
kỳ Năm B Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay bao gồm 2 phần: phần đầu về sự kiện
"Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt 40 đêm
ngày...", và phần hai về sự kiện "Cha Giêsu sang Xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng
của nước Thiên Chúa...".
Ở phần đầu, Thánh ký Marcô diễn tả một cảnh tượng chưa từng thấy về Chúa Giêsu
trong hoang địa, không có trong 2 phúc âm thuộc bộ Phúc Âm Nhất Lãm kia, đó là
cảnh tượng bao gồm đủ mọi sự - cả ma quỉ dưới hỏa ngục, lẫn thú vật trên mặt đất
và thiên thần trên trời cao: Người "chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú
và được các Thiên Thần đến hầu hạ".
Trước hết, "Satan" đây chính là "con khủng long, con cựu xà , tức là ma quỉ hay
Satan, tên cám dỗ cả thế gian" (Khải Huyền 12:9), sở dĩ hắn có mặt trong
hoang địa với Chúa Giêsu là vì hắn muốn khám phá ra sự thật về Người, xem Người
có thật sự là "Con Thiên Chúa" (xem Mathêu 4:3,6; Luca 4:3,9) hay chăng, vì hắn
là "con khủng long đứng trước người nữ sắp sinh con để chờ nuốt con của bà khi
bé được sinh ra" (Khải Huyền 12: 4).
Sự kiện Người "chịu Satan cám dỗ" đây ám chỉ vương quốc của hắn sắp bị Người tàn
phá: "Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra chính là để phá hủy công việc của ma quỉ"
(1Gioan 3:8), nhờ đó lời hứa ban đầu của Thiên Chúa trong vườn địa đường sau
nguyên tội được ứng nghiệm: "Người sẽ đạp nát đầu ngươi khi ngươi rình cắn gót
chân của Người" (Khởi Nguyên 3:15).
Sau nữa, "dã thú" đây là tiêu biểu đại diện cho "toàn thể thú vật trên
mặt đất" được nói đến trong bài đọc 1 (Khởi Nguyên 9:8-15), một loài thú vật tuy
thấp hơn loài người về bản tính, nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào loài người, ở chỗ,
trong lụt đại hồng thủy, chúng bị tiêu diệt như loài người nhưng cũng được cứu
với loài người và nhận lãnh giao ước của Thiên Chúa với loài người (xem Khởi
Nguyên 8:12).
Sự kiện Người "sống chung với dã thú" đây ám chỉ cuộc khổ giá của Người, một
cuộc khổ giá gây ra bởi những con người "lòng lang dạ thú" sống mù quáng theo
bản năng tự nhiên ác độc của họ.
Sau hết, "thiên thần" đây là loài thần thiêng trên trời, có bản tính tốt lành
hơn loài người, một bản tính loài người đã được Con Thiên Chúa hóa thành nhục
thể mặc lấy, nhưng vì bản tính loài người đã được ngôi hiệp với thần tính của
Người mà Chúa Kitô vẫn trổi vượt hơn loài thần thiêng trên trời, nên mới được
"các thiên thần đến hầu hạ".
Sự kiện Người "được các thiên thần đến hầu hạ" đây ám chỉ về biến cố Phục Sinh
của Người sau này, ở chỗ sau khi Người phục sinh ra khỏi mồ, các thiên
thần đã đến canh giữ mồ thánh là nơi Thánh Thể của Người được an táng (xem Marco
16:5-7; Luca 24:4-7), và vì thế ở bài đọc 2 (1Phêrô 3:18-22) Tông Đồ Phêrô
cũng đã xác tín rằng: "Các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục
Người" (1Phêrô 3:22).
Phần hai của bài Phúc Âm liên quan đến sự kiện "Chúa Giêsu sang Xứ Galilêa, rao
giảng Tin Mừng về nước Thiên Chúa..." cho thấy lời Thiên Chúa phán trong bài đọc
1 về "dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất", đó là "một ứng cái cầu vồng trên
trời", một dấu chỉ cứu độ và hy vọng, đã được nghiệm nơi bản thân Chúa
Giêsu, "Đấng công chính thay cho kẻ bất công" (Bài đọc 2), cũng như nơi "Tin
Mừng về Nước Thiên Chúa" là những gì được Người, như bài đọc 2 cho
thấy, "đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có
lúc không tin".
23/2/2015 (Thứ
Hai): Phụng vụ lời Chúa cho Thứ Hai tuần
thứ nhất Mùa Chay hôm nay, bao gồm cả bài đọc 1 từ Sách Lêvi (19:1-2,11-18) và
Phúc Âm thánh Mathêu (25:31-46), đều qui tụ lại một điểm chính yếu, đó là bác ái
yêu thương.
Bài đọc 1, sau khi lập lại các giới luật, tương tự như được liệt kê trong
10 điều răn, có tính cách tiêu cực là tránh đừng làm gì phạm đến Chúa cũng như
tha nhân của Chúa, đã đúc kết vắn gọn như sau: "Hãy yêu thương bạn hữu như chính
mình".
Bài Phúc Âm trình thuật lại cuộc chung thẩm của loài người, một cuộc chung thẩm
mà họ sẽ bị phán xét tối hậu cho số phận đời đời của họ, căn cứ vào tiêu chuẩn
duy nhất là đức bác ái yêu thương được họ tỏ ra với những người anh chị em hèn
mọn nhất của họ là thành phần được Chúa Kitô đồng hóa với Người, đến độ
việc đáp ứng hay không đáp ứng tình trạng đáng thương của thành phần này
là đáp ứng hay không đáp ứng chính Người.
Phải chăng, qua phụng vụ lời Chúa hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở con cái mình rằng
bác ái yêu thương chính là những gì chứng thực chẳng những tính chất chân thật
mà còn tác dụng hiệu năng của việc chay tịnh và cầu nguyện của Kitô hữu? Đó là
lý do, trong bài Phúc Âm Thứ Tư Lễ Tro, 3 việc làm chính yếu của Kitô hữu nhất
là trong Mùa Chay, thì việc "bố thí" liên quan đến bác ái yêu thương đã được
nói đến đầu tiên, trước việc cầu nguyện và chay tịnh.
24/2/2015 (Thứ Ba): Cầu nguyện là tuân theo Thánh ý Chúa
Phụng vụ lời Chúa của ngày trong tuần Thứ Ba tuần thứ nhất Mùa Chay hôm nay về
cốt lõi của việc cầu nguyện đó là tuân theo Thánh ý của Thiên Chúa.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Mathêu (6:7-15) đã ghi lại giáo huấn của
Chúa Giêsu ở Bài Giảng Trên Núi về vấn đề cầu nguyện: trước hết là cách cầu
nguyện là "đừng nhiều lời như dân ngoại", sau đó là chính Kinh Lạy Cha, và sau
hết là điều kiện để được tha thứ là thứ tha cho nhau, như ý nguyện cầu ở phần
hai của Kinh Lạy Cha.
Thật ra cốt lõi của chung việc cầu nguyện và của riêng Kinh lạy Cha trong bài
Phúc Âm hôm nay, đó là nguyện cho "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời".
Bởi vì, chỉ có thế "danh Cha (mới) cả sáng" và "Nước Cha (mới) trị đến". Và để
cho "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" mà về phần mình, Kitô hữu cũng
xin cho mình 3 ý nguyện thích hợp, đó là xin cho bản thân được: 1- "lương thực
hằng ngày" là chu toàn ý của Cha theo gương Chúa Giêsu là Đấng lương thực của
Người là hoàn thành những gì Cha trao phó (xem Gioan 4:34); 2- "tha nợ" là tội
lỗi phảm lại ý muốn của Thiên Chúa, xúc phạm đến lệ luật và tình yêu của Ngài;
3- "cứu khỏi sự dữ" là chiều theo ý riêng mình, là nghe theo ma quỉ, là coi thế
gian hơn những gì Chúa muốn.
Mà cho dù con người có làm trái với ý muốn của Thiên Chúa, nhưng họ vẫn không
thể nào làm lũng đoạn những dự định bất dịch của Ngài, trái lại Ngài vẫn có thể
hoàn thành những gì Ngài muốn, bất chấp con người bất trung, như lịch sử cứu độ
của dân do Thái cho thấy, nhờ đó chính con người bất trung vẫn thấy được Ngài
thực sự là vị Thiên Chúa chân thật duy nhất và vô cùng khôn ngoan và toàn năng,
như bài đọc 1 (Isaia 55:10-11) chứng thực:
"Cũng
như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho
người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ
không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu
toàn sứ mạng Ta giao phó".
Trong Mùa Chay, nếu phụng vụ lời Chúa hôm qua liên quan đến bác ái yêu thương
thì hôm nay liên quan đến việc cầu nguyện với Chúa, vẫn theo chiều hướng 3 việc
chính yếu của Kitô hữu nhất là trong Mùa Chay, được bài phúc âm Thứ Tư Lễ Tro
nêu
lêu, đó là bố thí, cầu nguyện và chay tịnh.
25/2/2015 (Thứ Tư): “điềm lạ Giona”
Hôm nay, Thứ Tư trong Tuần I Mùa Chay, Phụng Vụ Lời Chúa có
cùng một điểm qui tụ đó là “điềm lạ Giona”.
Ở bài đọc 1 (Giona 3:1-10) “điềm lạ Giona” đó là dân ngoại thành Ninivê vừa nghe
thấy tiên tri Giona loan báo: “Còn 40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá hủy”, họ liền
“tin tưởng vào Chúa” cùng nhau ăn năn hoán cải từ vua tới thú: ”không được ăn
uống gì… phải mặc áo nhặm… phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và
những điều bất chính đã phạm…”. Bởi đó, “vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đã đổi ý
phạt họ, và Người không thực hiện điều đó”.
Ở bài Phúc Âm (Luca 11:29-32), “điềm lạ Giona” đó là Chúa Giêsu, như Người phán
cùng dân chúng rằng: “Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào thì Con
Người cũng sẽ là điềm lạ cho giòng dõi này như vậy”.
Ở chỗ nào? Nếu không phải ở chỗ Chúa Giêsu sẽ làm cho dân Do Thái tin tưởng, cho
dù thành phần dân được Thiên Chúa tuyển chọn này là “dòng giống gian ác… đòi điềm
lạ”, không tin vào Người là Đấng
Thiên Sai khôn ngoan rao giảng và quyền năng chữa lành còn “hơn Giona nữa”.
Và điềm lạ Người ban cho họ để đáp ứng lòng mong ước của họ đó là "điềm lạ
Giona", điềm lạ cho thấy dù vị tiên tri này không muốn làm theo ý Chúa vì thấy
Ngài tỏ lòng thương cả dân ngoại (Giona 3:2,3,11), nhưng vẫn không thể nào cản
trở được tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài thế nào, thì Ngài cũng thương yêu
dân của Ngài như vậy và hơn vậy
nữa,
nơi Người Con được Ngài sai đến, theo huyết
nhục Do Thái,
để cứu chuộc chung loài người c
ũng như để
giải thoát cả dân Ngài cho khỏi ách nộ lệ của tội lỗi và sự chết, bằng cuộc Vượt
Qua của Người, như tiên tri Giona ở trong bụng cá 3 ngày mà không chết một cách
hết sức lạ lùng vậy.
26/2/2015 (Thứ Năm): tin tưởng khi cầu nguyện
Phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Năm tuần 1 Mùa Chay hôm nay về việc cầu nguyện, một
trong 3 việc (cùng với bố thí và chay tịnh) thiết yếu của Kitô hữu, nhất là
trong Mùa Chay vì hợp với Mùa Chay, mùa tĩnh lặng nội tâm (cầu nguyện với
Thiên Chúa), hãm mình thống hối (chay tịnh nơi bản thân) và lập công đền tội (bố
thí cho tha nhân).
Riêng việc cầu nguyện thì đã được phụng vụ Lời Chúa hôm Thứ Ba tuần này đã
nói đến rồi, liên quan tới chính Kinh Lạy Cha, đến cốt lõi của việc cầu
nguyện đó là kết hợp với Thánh Ý Chúa. Bởi thế, phụng vụ lời Chúa hôm nay về cầu
nguyện nhấn mạnh đến một khía cạnh khác, đó là lòng tin tưởng khi cầu nguyện nơi
chủ thể, hay cầu nguyện bằng lòng tin tưởng: "Lạy Chúa là Vua các thần minh và
mọi bậc quyền bính, xin ban cho con lòng tin tưởng" (bài đọc 1).
Đó là lý do, ở bài đọc 1 (Esther 14:1,3-5,12-14), Hoàng Hậu Esther đã khẩn cầu
cùng Chúa ra tay cứu dân tộc của bà cho khỏi bị dân ngoại tru diệt với tất cả
lòng tin tưởng như sau: "Lạy Chúa con, chỉ mình Chúa là Vua chúng con, xin cứu
giúp con đang sống cô độc, ngoài Chúa không có ai khác giúp đỡ con".
Và ở bài Phúc Âm, chính Chúa Giêsu đã khẳng định: "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm
thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho". Tại sao? Tại vì lòng Chúa thương
yêu, Đấng chỉ muốn tất cả những gì là tốt lành nhất cho con cái của mình, có lợi
nhất cho chúng, dù chúng nhiều khi không thấy được như Ngài, thậm chí còn hận
Ngài vì không ban cho họ những gì họ muốn theo chủ quan và thiển cận của họ,
hoàn toàn bất lợi cho phần rỗi hay thánh thiện của họ.
Bởi thế, một khi cầu nguyện bằng tất cả lòng tin tưởng, nghĩa là hoàn toàn phó
thác vào lòng thương yêu vô cùng khôn ngoan của Chúa thì quả thật xin gì được
nấy, vì chỉ xin theo Thánh ý Chúa mà thôi, không ham gì và thích gì ngoài việc
biết được ý Chúa và làm theo ý của Ngài: "Nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết
lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha của các con, Đấng ở trên trời, sẽ
ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!".
27/2/2015 (Thứ Sáu): thương cảm hơn là luận phạt
Phụng vụ lời Chúa cho Thứ Sáu tuần 1 Mùa Chay hôm nay nhấn mạnh đến khía cạnh
thương cảm hơn là luận phạt. Đó là lý do trong bài đọc 1 (Êzêkiên 18:21-28) mới
có câu: "Chúa là Thiên Chúa phán: 'Có phải ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ
không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?'". Tức là, theo nội dung của toàn
bài đọc 1 này, thì "nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công
bình chính trực, nó sẽ được sống", như dân thành Ninivê trong bài đọc 1 hôm
qua.
Trong bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu (5:20-26), ngay câu đầu tiên "Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: 'Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt
phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu'". Tại sao? Tại vì chỉ sống theo
chữ nghĩa luật lệ chứ không phải tinh thần luật lệ là chính lòng cảm thương,
thậm chí cho dù mình là nạn nhân lại đi làm hòa cùng phạm nhân của mình.
"Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em con có điều gì
phạm đến con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ mà đi làm hòa với người
anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ"
Mà nếu còn chấp nhất phạm nhân của mình, thì cho dù chỉ một chút thôi, họ cũng
vẫn bị cầm buộc tại chỗ là bản thân mình, không thể vào Nước Trời được: "Ta bảo
thật các con biết: 'Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc
cuối cùng'".
Phụng vụ lời Chúa hôm nay và ngày mai đều nói về tinh thần bác ái yêu thương là
một trong 3 việc thiết yếu của Kitô hữu, trong đó có cả việc cầu nguyện và chay
tịnh là những gì đã được Giáo Hội nhắc nhở và hướng dẫn con cái mình ở những
ngày đầu của tuần này và cuối tuần vừa rồi.
28/2/2015 (Thứ Bảy): hoàn hảo như Cha
Nếu phụng vụ Lời Chúa hôm qua về bác ái yêu thương liên quan đến tầm mức công
chính thấp kém của thành phần luệt sĩ và biệt phái thì phụng vụ Lời Chúa cho Thứ
Bảy tuần 1 Mùa Chay hôm nay cũng về bác ái yêu thương nhưng liên quan đến chính
Thiên Chúa toàn hảo: "Các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng
hoàn hảo" (Mathêu 5:48 - bài phúc âm).
Trong bài đọc 1 (Đệ Nhị Luật 26:16-19) cũng thế: "Hôm nay, người đã chọn Chúa
làm Thiên Chúa, thì hãy bước đi trong đường lối Người... để ngươi trở thành dân
thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi". "Đường lối" của Thiên Chúa đây là gì, như
bài đọc 1 cho thấy, là "các lề luật, giới răn và huấn lệnh của Người".
Thế nhưng, cốt lõi của "các lề luật, giới răn và huấn lệnh của
Người" và đích điểm của "đường lối" Chúa đây chính là lòng bác ái yêu thương
"như Cha trên trời là Đấng trọn lành", qua việc "yêu thương thù địch và làm ơn
cho kẻ ghét các con; cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy
các con nên con cái của Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời
mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất
lương".