SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Chay Tuần 3

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

8/3/2015 (Chúa Nhật): Phụng vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B hôm nay bắt đầu hướng về cuộc vượt qua của Chúa Kitô. 

 

Trước hết, Lời Chúa trong bài Phúc Âm (xem Gioan 2:13-25) về sự kiện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, ở chỗ: "Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: 'Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán'".

 

Thế nhưng, việc thẳng tay thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu chưa từng có như thế đã bị người Do Thái chất vấn về thẩm quyền của Người: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy", và để trả lời, Chúa Giêsu cho họ biết về một dấu lạ cả thể liên quan đến thẩm quyền của Người như sau: "Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong 3 ngày Ta sẽ dựng lại".

 

Thánh ký Gioan đã chú giải ý nghĩa về câu tuyên bố này của Chúa Giêsu như sau: "Người cố ý nói đến đền thờ là thân thể Người". Tức là Chúa Giêsu tiên báo cho dân Do Thái biết rằng Người sẽ bị họ sát hại trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người nhưng sau ba ngày Người sẽ sống lại từ trong kẻ chết.

 

Vấn đề đặt ra ở đây là mối liên hệ giữa bài Phúc Âm và hai bài đọc còn lại. Ở chỗ, nếu Phúc Âm trình thuật về biến cố Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ và lời tiên báo về cuộc vượt qua của Người, thì nội dung của bài phúc âm có liên hệ gì tới bài đọc 1 về 10 giới răn (Xuất Hành 20:1-17), và bài đọc 2 về giá trị tác dụng của thập giá Chúa Kitô (1Corinto 1:22-25) hay chăng? Nếu có thì ở chỗ nào??

 

Có thể nói phần đầu của bài Phúc Âm có liên quan tới bài đọc 1 và phần sau của bài Phúc Âm có liên quan tới bài đọc 2. 

 

Đúng thế, nếu phần nhất của bài Phúc Âm trình thuật về sự kiện Chúa Kitô thanh tẩy đền thờ, mà bài đọc 1 về 10 giới luật của Chúa, tức là về những gì liên quan đến tâm hồn của con người là nơi Chúa ngự như là đền thờ của Ngài, một nơi nếu không tuân giữ lề luật của Chúa, tức theo đường lối của Chúa, chẳng khác gì đã bị biến thành hang trộm cướp hay nơi buôn bán, cần được thanh tẩy, thì cả hai bài đọc đã ăn khớp với nhau ở chỗ này.

 

Và nếu phần thứ hai của bài Phúc Âm nhắc lại lời Chúa Kitô tiên báo về cuộc vượt qua của Người, một cuộc vượt qua từ khổ nạn và tử giá ("phá đền thờ này đi") đến phục sinh ("nội trong 3 ngày Ta sẽ dựng lại") thì ở bài đọc 2 Thánh Phaolô nói về "một Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi thì Người là Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha" ở nơi cuộc vượt qua của Người. "Vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người", mà đó mới là dấu lạ cho người Do Thái, đó mới thực sự việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta” (Bài Phúc Âm Th Sáu tuần này).

 

Như thế, theo tiến trình Mùa Chay, sau Chúa Nhật I với bài Phúc Âm Chúa Giêsu chay tịnh 40 ngày trong hoang địa, ám chỉ Người sẽ tiêu diệt vương quốc của ma quỉ, và bài Phúc Âm Chúa Nhật II với một Chúa Kitô biến hình trên núi ám chỉ cuộc phục sinh của Người, chiến thắng tội lỗi và sự chết (1Corinto 15:56-57) bằng “sự sống lại và sự sống” (Gioan 11:25), đến bài Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay này bắt đầu hướng về cuộc vượt qua của Người.

Nếu tột đỉnh của phụng niên là Tam Nhật Thánh hay Tam Nhật Vượt Qua, liên quan đến chẳng những Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Tử Giá của Chúa Kitô mà còn đến Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người nữa, vì Mầu Nhiệm Vượt Qua là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa và về Thiên Chúa, thì tất cả những gì Chúa Kitô nói và làm đều hướng về Mầu Nhiệm Vượt Qua này.

 

Chẳng hạn, biến cố Chúa Giêsu chay tịnh 40 đêm ngày trong sa mạc và chịu ma quỉ cám dỗ ở Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay là sự kiện báo trước việc Chúa Kitô chiến thắng Satan và bọn ngụy thần bằng cuộc khổ nạn của Người. Hay biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 2 Mùa Chay là sự kiện báo trước việc Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết.

 

Các phép lạ Chúa Giêsu làm, như chữa lành bệnh nạn tật nguyền và khu trừ ma quỉ, đều là những biểu hiệu ám chỉ việc Người đến để gian để cứu con người khỏi tội lỗi (quỉ ám) và sự chết (bệnh tật), cứu con người cả về than xác (bệnh tật) lẫn linh hồn (quỉ ám), bằng cuộc vượt qua của Người.

 

Về lời nói, trong Phúc Âm Nhất Lãm, Người đã báo trước 3 lần cuộc vượt qua của Người cho các môn đệ biết. Nhưng trong Phúc Âm Thánh ký Gioan, Người chỉ nói trống vậy thôi, với chung dân chúng. Chẳng hạn Người còn nói đến mầu nhiệm vượt qua của Người khi nói với dân chúng về th ân phận của hạt lúa miến gieo xuống đất cần phải mục nát đi mới sinh nhiều hoa trái (xem Gioan 12:24), hay khi Người phán: “Khi Tôi bị treo lên, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng tôi” (Gioan 12:32).

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, lần đầu tiên Người nói đến Mầu Nhiệm Vượt Qua này, khi Ngưới thách thức con người cứ phá đền thờ là thân thể của Người (khổ nạn và tử giá) nhưng Người sẽ dựng lại nó trong vòng 3 ngày (sống lại). Nghĩa là con người dù có gây ra sự dữ, có cố tình phạm đến Ngài chăng nữa thì Thiên Chúa vẫn có thể hoàn thành dự án thần linh vô cùng sâu nhiệm và toàn năng của Ngài trong việc yêu thương cứu độ họ và cho họ được hiệp thông thần linh với Ngài mà hoan hưởng sự sống toàn hảo viên mãn của Ngài và với Ngài, đúng như mục đích và chủ đích Ngài đã tạo dựng nên họ ngay từ ban đầu.

 

 

9/3/2015 (Thứ Hai): Phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Hai tuần 3 Mùa Chay liên quan đến một nhân vật bị phong cùi tên là Naaman, một quan chức người Syria.

 

Ở bài đọc thứ nhất (2 Chư Vương 5:1-15a), nhân vật này được chữa lành nhờ tin tưởng vào tiên tri Elisha, sau khi đã phải dẹp tự ái cá nhân mình đi để làm theo lời của vị tiên tri, để rồi nhờ đó đã nhận biết và tuyên xưng rằng: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel”.

 

Ở bài Phúc Âm (Luca 4:24-30), Chúa Giêsu đã nhắc đến nhân vật này, cùng với bà góa thành Sarepta xứ Sidon, cả hai đều là dân ngoại, nhưng lại tin hai vị tiên tri của Chúa, nên đã thấy được việc lạ lung Chúa làm nơi bản thân của họ. Trong khi đó, như Chúa Giêsu khẳng định với dân làng Nazarét của Người ở ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình”.

 

Câu này Người ám chỉ về chính bản thân của Người trước con mắt dân làng Nazarét là thành phần đã quá quen thuộc với Người và gia đình nghèo hèn của Người ngay từ khi Người còn sống với họ hồi còn thiếu thời và thanh niên.

 

Trong Mùa Chay, qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Giáo Hội muốn nhắn nhủ con cái mình hãy sống đức tin, bằng cách phán đoán theo siêu nhiên, hơn là tự nhiên, như dân làng của Người, hay thậm chí như phản ứng tự nhiên ban đầu của viên quan Naaman trước lời chỉ bảo của Tiên Tri Elisha.

 

 

10/3/2015 (Thứ Ba): Hôm nay, Thứ Ba trong tuần lễ thứ 3 Mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa về lòng thống hối ăn năn của con người gặp gỡ lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa chẳng những ở lòng tin tưởng của họ mà còn ở lòng cảm thương tha thứ của họ đối với anh chị em của họ nữa.

 

Thật vậy, ở bài đọc thứ nhất (Đaniên 3:25,34-43), lòng thống hối ăn năn của con người gặp gỡ lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa chẳng những ở lòng tin tưởng của họ:

 

"Vì danh Chúa,  xin đừng bỏ con mãi mãi cho quân thù, và xin đừng huỷ bỏ lời giao ước của Chúa. Xin chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng con... Vì lạy Chúa, chúng con đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và hôm nay, vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi nơi.... Nhưng với tâm hồn sám hối và với tinh thần khiêm tốn, chúng con xin Chúa chấp nhận… vì những ai tin tưởng nơi Chúa không phải hổ thẹn… Xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa..".

 

Và ở bài Phúc Âm (Mathêu 18:31-35), lòng thống hối ăn năn của con người gặp gỡ lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa còn ở lòng cảm thương tha thứ của họ đối với anh chị em của họ nữa, theo g ư ơng vị vương chủ ám chỉ Thiên Chúa là Đấng đã chẳng những không đòi nợ mà còn động lòng thương tha hết món nợ kếch sù không thể trả của người bầy tôi van xin ông.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: ‘Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?’ Chúa Giêsu đáp: ‘Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy…’”, bằng không, Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

 

Trong Mùa Chay, qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Mẹ Giáo Hội muốn nhắc nhở con cái mình hãy thống hăi ăn năn bằng lòng tin tưởng vào lòng yêu thương vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng là mô phạm yêu thương chúng ta cần noi theo để xứng đáng với danh phận làm con cái của Ngài trong cộng đồng nhân loại nói chúng và dân Chúa nói riêng là gia đình của Ngài.

 

 

11/3/2015 (Thứ Tư): Trong ngày Thứ Tư của tuần 3 Mùa Chay hôm nay, phụng vụ Lời Chúa cũng bao gồm 2 phần: phần mạc khải thần linh là Chúa Kitô và phần đức tin tuân phục của con người.

 

Thật vậy, Chúa Kitô là mạc khải thần linh trong bài Phúc Âm hôm nay (Mathêu 5:17-19) là ở chỗ, như chính Người nhắc nhở và tuyên bố với các môn đệ của Người rằng: “đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn”.

 

Câu nói này của Chúa Kitô khiến chúng ta nghĩ đến lời Người tuyên bố với dân Do Thái trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật 3 Mùa Chay đầu tuần này rằng: "cứ phá đền thờ này đi Ta sẽ dựng lại nội trong 3 ngày". Đó là lý do khi Người, trước khi tắt thở trên thập tự giá đã xẩy ra sự kiện đầy ý nghĩa là "màn trong cung thánh bị xé ra làm đôi" (Luca 23:45), ám chỉ Người là Đấng "sinh ra theo lề luật để cứu những ai lệ thuộc lề luật, nhờ đó chúng ta được lãnh nhận thân phận làm dưỡng tử" (Galata 4:4-5).

Bởi đó, phần thứ hai của phụng vụ lời Chúa hôm nay liên quan đến đức tin tuân phục về phía con người để đáp lại mạc khải thần linh là Chúa Kitô đó là, như lời Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm: “Ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".

 

Ở bài đọc một (Đệ Nhị Luật 4:1,5-9) cũng cho thấy đúng như vậy: "Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi”.

 

Việc "chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi" là gì, nếu không phải được hưởng ơn cứu độ bởi Chúa Kitô, Đấng mà đền thờ là thân xác của Người, hình ảnh được ám chỉ ở "phần đất" đưoọc Thiên Chúa hứa với các tổ phụ Do Thái để "ban cho họ", một mảnh đất hứa "chảy sữa và mật" là "ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).

 

 

12/3/2015 (Thứ Năm): Thứ Năm tuần thứ 3 Mùa Chay hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa bao gồm bài đọc một trích từ Giêrêmia 7:23-28 và bài Phúc Âm theo Thánh ký Luca 11:14-23. Cả hai mang ý nghĩa được chất chứa trong câu của bài đáp ca (Thánh Vịnh 94, 1-2. 6-7. 8-9): "Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Các bạn đừng cứng lòng" (câu 8).

 

Thật vậy, trong bài Phúc Âm, cho dù "Chúa Giêsu trừ một quỉ câm", một tác động Người muốn tỏ mình ra, hướng về cuộc vượt qua tối hậu của Người trong việc giải thoát con người khỏi ách nộ lệ của ma quỉ. 

 

Cho dù việc Người tỏ mình ra đó, tuy làm cho "dân chúng đều bỡ ngỡ" tin tưởng, "nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: 'Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ'", có nghĩa là họ vẫn không chịu tin, trái lại, còn phủ nhận bằng lập luận chủ quan cố chấp đầy mâu thuẫn của họ như thế nữa.

 

Bởi thế, Người vẫn từ bi thương xót nhẫn nại tiếp tục tỏ mình ra cho thành phần cứng lòng này nữa, bằng cách vạch ra cho họ thấy cái mâu thuẫn sai lầm trong chính phán đoán chủ quan đầy thành kiến của họ, chỉ căn cứ vào bản thân của Người bề ngoài là người như họ: 

 

"Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".

 

Trong bài đọc thứ nhất, chính Thiên Chúa đã biết lòng của dân Ngài, nên qua Tiên Tri Giêrêmia, Ngài cũng đã phán với họ rằng: 

 

"Từ ngày cha ông họ ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, ngay từ sáng sớm, Ta lần lượt sai các tiên tri tôi tớ của Ta đến với họ, nhưng họ không nghe Ta, không chịu lắng tai nghe. Họ tỏ ra cứng đầu cứng cổ, và còn sống tệ hơn cha ông họ! Ngươi có nói cho họ biết tất cả các điều ấy, thì họ sẽ không nghe ngươi đâu; Vậy ngươi hãy nói cho họ biết: Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ, không chấp nhận kỷ luật, lòng trung tín đã mất và miệng họ không còn nhắc đến nữa".

 

Qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay của Mùa Chay, Giáo Hội muốn nhắc nhở con cái mình rằng hãy lắng nghe lời Chúa, hãy đáp ứng mạc khải thần linh của Thiên Chúa, tức là hãy chấp nhận Chúa Kitô là Lời Chúa, là tất cả mạc khải của Chúa Kitô, nghĩa là hãy trung thành với Thánh Sủng là tất cả ơn cứu chuộc của Chúa Kitô mà Kitô hữu chúng ta đã lãnh nhận nơi Phép Rửa. 

 

Bởi vì, bằng không, như Chúa Giêsu khẳng định ở câu kết bài Phúc Âm: "Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán". Trái lại, như lời Chúa trong bài đọc một: "Các ngươi hãy nghe lời Ta, thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân Ta. Các ngươi hãy đi trong mọi đường lối mà Ta truyền dạy cho các ngươi, để các ngươi được hạnh phúc".

 

 

13/3/2015 (Thứ Sáu): Ngày Thứ Sáu trong tuần Thứ 4 Mùa Chay hôm nay, qua phụng vụ Lời Chúa (Hosê 14:2-10 và Marco 12:28b-34), Giáo Hội muốn nhắn nhủ con cái của mình hãy kính mến Thiên Chúa hết mình và trên hết mọi sự, đúng như Lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho ngày hôm nay: 

 

"Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi".

 

Trong câu nói này của Chúa Giêsu, lập lại điều luật trong Cựu Ước ở Sách Đệ Nhị Luật (6:4), thứ tự yêu mến Thiên Chúa hết mình ở chỗ: 1- lòng muốn, 2- linh hồn, 3- trí khôn và 4- sức lực. Nếu theo tâm lý linh hồn bao gồm 2 tài năng là trí khôn và long muốn thì đáng lẽ thứ tự phải là: linh hồn, trí khôn, long muốn và sức lực chứ? Tại sao lại đảo ngược thứ tự như vậy?

 

Phải chăng vì “lòng muốn” tiêu biểu cho tình yêu của con người, mà “Thiên Chúa là tình yêu” (1Gioan 4:8,16) nên phải ưu tiên trên hết và trước hết? Mà nói đến tình yêu là nói đến mối liên hệ, vậy vị Thiên Chúa là tình yêu chân thật duy nhất này phải bao gồm mối liên hệ thần linh giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần.

 

Thế nên, theo thứ tự, “linh hồn” liên quan đến Ngôi Cha là Đấng đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài bằng cách thở hơi vào hình tượng đất do Ngài nặn nên bởi bùn đất (xem Khởi Nguyên 2:7); “trí khôn” liên quan đến Ngôi Con là mạc khải thần linh của Thiên Chúa là những gì con người cần nhận biết bằng”trí khôn” của mình; “sức lực” liên quan đến Thánh Linh là “gió muốn thổi đâu thì thổi” (Gioan 3:8), tức là Đấng thúc đẩy con người làm những gì theo ý muốn của Thiên Chúa.

 

Như thế, một khi con người yêu mến Thiên Chúa hết mình là con người được hiệp thông thần linh với vị Thiên Chúa là Tình yêu là Cha và Con và Thánh Thần vậy.

 

Tại sao vậy? Lý do khiến dân Do Thái cần phải làm như vậy, như bài đọc 1 cho thấy, là vì cho dù dân của Ngài có tội lỗi bất trung, "đã gục ngã trong đường tội ác", nhưng nếu họ biết nhận lỗi cùng thống hối ăn năn, ở chỗ "mang lấy lời Chúa và trở về cùng Chúa", từ bỏ các thứ ngẫu tượng của mình, tức là từ bỏ "sản phẩm do tay chúng tôi làm ra", thì Thiên Chúa sẽ thương yêu chẳng những chữa lành cho họ để họ vươn lên, mà còn biến họ thành đường lối cứu độ của Ngài nữa, như chính Ngài khẳng định trong bài đọc 1:

 

"Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ và đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như cây ô-liu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho. Nó sẽ được lừng danh như rượu Liban".

 

"Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó" ở đây ám chỉ đến hoa trái thiêng liêng của họ, nghĩa là những ai đã kính mến Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình hết mình và trên hết mọi sự cũng phải thương yêu tha nhân như bản thân mình, cũng phải phản ảnh tình yêu thương của Ngài nơi tha nhân nữa, như Chúa Giêsu đã nói đến "giới răn trọng nhất" là giới răn bao gồm chẳng những Thiên Chúa mà còn cả tha nhân:

 

"Còn đây là giới răn thứ hai: 'Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi'. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". 

 

Như thế, yêu thương chính là dấu chứng thực con người trở về cùng "Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất" của mình, ở chỗ kính mến Ngài hết mình và trên hết mọi sự, một tình yêu bao trùm tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu thương họ nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô vượt qua để cứu chuộc chung nhân loại chứ không riêng gì dân Do Thái hay Kitô hữu

 

 

14/3/2015 (Thứ Bảy): Hôm nay, Thứ Bảy trong tuần III Mùa Chay, chủ đề chính yếu của phụng vụ Lời Chúa ở ngay câu đáp ca cũng chính là cuối cùng của bài đọc thứ nhất: "Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu".

 

Thật vậy, sự thật này đã được chứng tỏ ngay ở bài Phúc Âm (Luca 18:9-14) về dụ ngôn 2 người lên đền thờ cầu nguyện, trong đó, người biệt phái vênh vang "đứng thẳng, cầu nguyện" về việc lành phúc đức mình làm theo lề luật Chúa, nhưng lại tỏ ra khinh thường người thu thuế. 

 

"Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi".

 

Còn người thu thuế thì lại nhận biết mình tội lỗi nên "đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực", và với tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung "mà nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'". 

 

Theo lời Chúa Giêsu nói trong bài phúc âm để kết thúc dụ ngôn này thì "người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

 

Đúng thế, người thu thuế "hạ mình xuống" nên đã được nâng lên", như lời Chúa đã phán trong bài đọc 1 (Hosea 6:1-6) như sau: "Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người". 

 

Còn người biệt phái, tiêu biểu cho thành phần giữ lề luật như người con cả trong dụ ngôn người con phung phá nhưng lại là đứa con hoang đàng ở nhà cùng cha mà lại xa cha lạc cha (Luca 15:25-30), thành phần cũng đã được lời Chúa trong bài đọc 1 cho biết về tình trạng của họ rằng:

 

"Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng".

 

Vì Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân mà Ngài vẫn nhẫn nại với cả thành phần biệt phái như con chiên lạc này nữa. 

 

Đó là lý do, trong Phúc Âm, nhiều lần, Chúa Giêsu đã lợi dụng chính những điều soi mói bắt bẻ của họ, (như ở bài Phúc Âm Thứ Năm tuần này lien quan đến việc Người trừ quỉ câm và bị họ cho rằng Người đã lấy quỉ cả mà trừ quỉ con), để làm sáng tỏ cho họ thấy cái sai lầm của họ bằng lời của Người, đúng như bài đọc 1 đã khéo léo ám chỉ một cách tuyệt vời: "Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng". 

 

Nghĩa là, chính lầm lỗi của con người lại càng là cơ hội thuận lợi để “Thiên Chúa là ánh sáng” (1Gioan 1:5) làm sáng tỏ sự thật, như tối tăm bùng lên ánh sáng vậy.

 

Thế nên, chúng ta hãy hợp ý với câu đáp ca đầu tiên hôm nay để thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác".