SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Chay Tuần 4

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

15/3/2015 (Chúa Nhật): Phụng vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm B hôm nay được phản ánh nơi cảm nhận đầy xác tín của Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại trong bài đọc 2 (Êphêsô 2:4-10) sau đây:

 

"Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô".

 

Đúng thể, hai yếu tố Thiên Chúa nhân từ và con người tội lỗi đã gặp nhau ở phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm B này, nhưng tình thương bao la của Thiên Chúa đã thắng vượt tội lỗi và cứu chuộc nhân loại. Như trong bài đọc 1 (2Niên Ký 36:14-16,19-23) đã nhận định về tình trạng càng ngày càng tội lỗi của dân Chúa đến độ họ bị đi đầy sang Babylon, nhưng Chúa vẫn thương mang họ về lại đất hứa sau thời gian 70 năm đúng như lời Ngài đã phán qua tiên tri Giêrêmia. 

 

"Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem... Cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người... Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị.."

 

"Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: 'Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên'".

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan (3:14-21) càng cho thấy rõ Thiên Chúa yêu thương nhân loại biết là dường nào. Ở chỗ:

 

"Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt". 

 

Thật vậy, Thiên Chúa ban Con Một của Ngài cho thế gian là để cứu thế gian chứ không phải để luận phạt thế gian. Thế nhưng, để được cứu, hay để lãnh nhận ơn cứu độ con người phải tin vào Con của Ngài, phải chấp nhận Con của Ngài, phải nhận biết Con của Ngài. Đó là lý do Thánh Phaolô, cũng trong bài đọc hai đã khẳng định nguyên tắc cứu độ như sau:

 

"Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ".

 

Đối với thành phần không tin Con của Ngài, không chấp nhận và nhận biết Con của Ngài thì tự họ luận phạt họ, như Chúa Kitô khẳng định trong bài Phúc Âm như sau:

 

"Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa".

 

Theo tiến trình phụng vụ Lời Chúa từ Chúa Nhật thứ 1 Mùa Chay cho tới nay thì nếu Chúa Nhật tuần thứ 1 về một Chúa Kitô chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang địa và bị ma quỉ cám dỗ, ám chỉ Người sẽ đạp nát đầu rắn quỉ (xem Khởi Nguyên 3:15) bằng cuộc tử giá của Người, Chúa Nhật tuần thứ 2 về một Chúa Kitô biến hình, ám chỉ cuộc phục sinh vinh hiển của Người, hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết, và Chúa Nhật thứ 3 về một Chúa Kitô như một đền thờ của Thiên Chúa bị bàn tay con người phá hủy bằng cách sát hại nhưng Người đã dựng lại nội trong 3 ngày, ám chỉ đến mầu nhiệm vượt qua từ sự chết (bị phá hủy) đến sự sống (dựng lại) của Người, thì Chúa Nhật thứ 4 cũng chất chứa mầu nhiệm vượt qua như vậy, ở chỗ: 

 

"Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào (để chữa lành cho những ai bị rắn cắn mà nhìn lên nó, và loài người cũng bị rắn quỉ cắn trong địa đường nên cũng phải nhìn lên Đấng bị tử giá), thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy (khổ nạn và tử giá), để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời (phục sinh)". 

 

Tóm lại, qua phụng vụ lời Chúa trong Mùa Chay nói chung và Chúa Nhật IV nói riêng, Giáo Hội muốn cho con cái của mình thấy được chẳng những một Chúa Kitô vượt qua để thấy được Đấng đã sai Người là Cha trên trời vô cùng yêu thương nhân loại, đến độ lợi dụng chính tội lỗi của con người để tỏ lòng thương con người, mà còn nhờ đó cảm nghiệm được tình thương bao la vô cùng bất tận của Thiên Chúa và tin vào Con của Ngài là tất cả mạc khải thần linh của Ngài và về Ngài, là hiện thân sống động tình thương của Ngài đối với nhân loại tội lỗi vô cùng hèn hạ khốn nạn tội lỗi bất xứng chỉ đáng sa phạt đời đời mà thôi!

 

 

16/3/2015 (Thứ Hai): Hôm qua, Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật mầu hồng (nơi mấu áo lễ của vị linh mục chủ tế) biểu hiệu cho niềm vui ngay trong Mùa Chay, một niềm vui được xuất phát từ chính thân phận tội lỗi của con người, như những gì bài đọc 1 và bài đọc 2 nhắc đến, một thân phận tội lỗi không thể tự cứu được mình nhưng lại được cứu rỗi bởi Vị "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Con Một Mình... không phải để luận phạt thế gian mà để thế gian nhờ Người mà được sự sống" (Gioan 3:16-17). 

 

Theo chiều hướng vui mừng ấy, cả hai bài đọc của phần phụng vụ Lời Chúa trong ngày Thứ Hai của Tuần Lễ IV Mùa Chay hôm nay đều phản ảnh qua bài đáp ca với câu đáp là: "Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con", ở chỗ, cũng theo bài đáp ca (Thánh Vịnh 29, 2 và 4. 5-6. 11e-12a và 13b) là vì: 1- "Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ", 2- "Cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời", 3- "Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con". 

 

Ở bài Phúc Âm (Gioan 4:43-54), việc "Chúa đã giải thoát con" được thể hiện qua "phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa", nơi "dân chúng ra đón tiếp Người", chứ không như ở Giuđêa là nơi dân chúng chính thống Do Thái giáo đặt vấn đề với Người về việc Người thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem, được bài phúc âm Thánh Gioan thuật lại ở Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B, và "phép lạ thứ hai" ở "Cana Xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu" này đó là phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho "người con trai đang đau liệt" của "một quan chức nhà vua ở Capharnaum" bằng lời phán "Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi".Và chính nhờ việc "ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về" mà quả thực "con ông được khỏi.... vào đúng giờ Chúa Giêsu bảo ông: 'Con ông mạnh rồi', nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin".

 

Ở bài đọc 1 (Isaia 65:17-21), việc "Chúa đã giải thoát con" còn liên quan đến cả một viễn tượng tràn đầy hy vọng và tươi sáng bởi những gì được Thiên Chúa tác tạo hay tái tạo nữa theo dự án thần linh của Ngài: "Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giêrusalem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu, không còn người già chết sớm nữa, vì người chết trăm tuổi cũng còn gọi là chết trẻ, người không sống đến trăm tuổi, kể là bị chúc dữ. Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho".

 

Viễn ảnh "trời mới đất mới" về "một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng", nơi "không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa", nơi trẻ mãi không già và là nơi hoan hưởng phúc hạnh, chính là dự án cánh chung của Thiên Chúa, như được Sách Khải Huyền của Thánh Gioan diễn tả ở đoạn 21 vậy. 

 

 

17/3/2015 (Thứ Ba): Trong tuần lễ Thứ 4 của Mùa Chay, tuần lễ được mở màn bằng Chúa Nhật hồng, Chúa Nhật vui mừng, liên quan đến nội dung của phụng vụ lời Chúa hôm ấy về ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, ơn cứu độ của Vị Thiên Chúa yêu thương trần gian đến ban Con Một Mình để thế gian nhờ Người mà được sự sống, mà trong tuần, phụng vụ Lời Chúa cũng tiếp tục theo chiều hướng vui mừng ấy. 

 

Thật vậy, chiều hướng vui mừng bởi ơn cứu độ của Thiên Chúa, bởi vị Thiên Chúa yêu thương cứu độ, trước hết, đã được cảm nhận và bày tỏ ngay trong bài đáp ca (Thánh Vịnh 45, 2-3. 5-6. 8-9): "Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp" (câu đáp ca 2). 

 

"Nước giòng sông" đây như thế nào thì đã được diễn tả trong bài đọc 1 (Êzêkiên 47:1-9,12), một thứ "nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông... nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ... Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến".

 

Một trong những tác dụng của "dòng nước này phát xuất từ đền thờ" đó là chữa lành, như trong chính bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan (5:1-3a, 5-16) thuật lại về thứ nước ở "một cái hồ, tiếng Do Thái gọi là Bếtsaiđa", "tại Giêrusalem, gần cửa 'Chiên'", nơi đó, hễ ai là người xuống hồ trước tiên khi xẩy ra hiện tượng "nước động" đều được khỏi bất cứ một bệnh nào. Tuy nhiên, "có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm" không thể nào được chữa lành nhờ thứ nước linh thiêng ấy, vì  "Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi".

Thế nhưng, lần này, anh ta không cần phải xuống hồ, phải chạm đến giòng nước tự nhiên nhưng linh thiêng ấy cũng tự nhiên được lành sạch khi Chúa Giêsu phán: "Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về". Như thế, căn cứ vào tác dụng chữa lành, thì phải chăng chính lời Chúa mới chính là thứ nước chữa lành thiết yếu, mãnh lực nhất và tinh tuyền nhất, phát ra từ đền thờ Chúa là chính thân thể của Người nói chung và môi miệng của Người nói riêng, một thân thể đã được Người thách thức dân Do Thái trong bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho Chúa Nhật III phá đi và nội trong 3 ngày Người sẽ dựng lại.

 

Mà theo bài đọc một diễn tả về nơi xuất phát ra giòng nước chữa lành, giòng nước mang lại sự sống này, một thứ "nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông... nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ... " thì phải chăng đó là hình ảnh ám chỉ "máu và nước chảy ra" (Gioan 19:34) từ cạnh sườn bị đâm vào bởi một lưỡi đòng: "máu" biểu hiệu cho tử giá nói chung và sự sống nói chung, và "nước" biểu hiệu chung phục sinh và cho riêng Thánh Linh là Đấng được Chúa Kitô phục sinh thông ban cho các tông đồ sau khi Người sống lại (Gioan 20:22). 

 

Còn về trường hợp bệnh nhân 38 năm được Chúa Giêsu tự động chữa lành cho trong bài Phúc Âm hôm nay, dù anh ta không hề xin Người và tỏ vẻ tha thiết van xin (có thể là vì anh ta không hề biết Người) trong khi Người lại biết anh ta, nhất là biết rằng anh ta sẽ vì Người mà vấp phạm, nhưng Người vẫn chữa lành anh ta. Bởi vì, là tình yêu Người không thể nào không yêu, và tình yêu của Người trổi vượt hơn và bao trùm tất cả mọi tội lỗi của con người, bao gồm cả kẻ lành người dữ, cả kẻ công chính lẫn người bất lương. Lúc đầu Người chữa lành phần xác của anh ta, sau đó Người còn muốn chữa lành phần hồn của anh ta nữa, bằng việc cảnh báo anh ta, “kẻo khốn hơn trước” về phần hồn, để giúp anh ta sau này nghĩ lại sẽ biết ơn Người.

 

 

 

18/3/2015 (Thứ Tư): Phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Tư trong tuần lễ Thứ 4 của Mùa Chay hôm nay vẫn tiếp tục chiều hướng hân hoan vui mừng của phụng vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật mầu hồng đầu tuần vừa rồi, bởi nhân loại nói chung và dân Chúa nói riêng được Thiên Chúa yêu thương vô cùng nhân hậu cứu độ nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

 

Đó là lý do bài đáp ca hôm nay, trích từ Thánh Vịnh 144: 8-9, 13cd-14, 17-18đã chất chứa cảm nghiệm thần linh cũng chính là niềm xác tín: "Chúa là Ðấng nhân ái và từ bi", ở chỗ, "chậm bất bình và giầu ân sủng" (câu 1), "Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên" (câu 2), và "Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm" (câu 3).

 

Và đó cũng là lý do, ở bài đọc 2, trích từ Sách Tiên Tri Isaia (49:8-15), Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu thương vô cùng nhân hậu của Ngài ra như sau: "Trong thời thuận tiện, Ta đã nghe lời ngươi; trong ngày cứu độ, Ta đã cứu giúp ngươi; Ta đã gìn giữ ngươi và đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở... Họ sẽ không còn đói khát nữa, gió nóng và mặt trời không làm khổ họ, vì Ðấng thương xót họ sẽ là người hướng dẫn họ và đưa họ đến uống ở suối nước... Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu".

 

Ở bài phúc âm, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở cho dân Do Thái biết về một vị Thiên Chúa yêu thương vô cùng nhân hậu đối với họ, chẳng những trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, một giòng lịch sử cho thấy cho dù họ liên lỉ bất trung với Ngài mà Ngài vẫn trung thành với họ, cho "đến thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) qua Con của Ngài là chính bản thân Người: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". 

Thế nhưng, Chúa Cha đã làm việc liên lỉ như thế nào và để làm gì, nếu không phải như chính Chúa Kitô Con Ngài đã minh định và xác nhận: Thứ nhất, đó là "Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài"; thứ hai, đó là "Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài". 

 

Như thế, trong khi nói về Chúa Cha, Chúa Kitô cũng chứng thực Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái và đồng thời cũng là chính Đấng Cứu Thế, Đấng cứu độ trần gian, đến để làm theo ý Cha và bằng tất cả những gì Cha đã ban cho Người để "thế gian nhờ Người mà không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Gioan 3:16), như Người đã khẳng định trong bài phúc âm Chúa Nhật 4 Mùa Chay đầu tuần vừa rồi. Thế nên, trong bài phúc âm hôm nay, Người đã làm sáng tỏ tất cả sự thật này khi phán:

 

"Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục.... Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người". 

 

 

19/3/2015 (Thứ Năm): Hôm nay, Thứ Năm trong Tuần 4 Mùa Chay Năm B, phụng vụ Lời Chúa, như một máy quay hình, từ góc độ hướng về dự án cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài, một dự án khiến cho con người cảm thấy hân hoan vui mừng, sang góc độ về đức tin tuân phục của con người, được tỏ hiện nơi dân Do Thái là dân được Chúa tuyển chọn và là dân từ họ mà "ơn cứu độ xuất phát" (Gioan 4:22), nhưng lại là dân đã tỏ ra không tin tưởng Ngài, hầu như trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ cho tới tận "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) là thời điểm Thiên Chúa tỏ hết mình ra nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. 

 

Đó là lý do trong bài Phúc Âm (Gioan 5:31-47), từ góc cạnh Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra hay tỏ dự án cứu độ thần linh của Ngài ra nơi Chúa Giêsu, ở chính công việc của Chúa Giêsu Kitô là những gì chứng thực nhất cho thấy Người quả thật được Cha sai đến: 

 

"Tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi" (c

âu 36-37), 

 

Chúa Giêsu đã quay sang góc cạnh đức tin tuân phục của dân Do Thái trước mạc khải thần linh của Thiên Chúa, ở chỗ, như Thánh Gioan đã nhận định trong lời mở đầu phúc âm của mình "Người đã đến với dân riêng của Người mà họ không chấp nhận Người" (Gioan 1:11), và thái độ "bất chấp" này của họ cũng đã được Chúa Giêsu xác nhận trong bài Phúc Âm hôm nay: 

 

"Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống...". 

 

Tại sao? Lý do chính yếu đã được chính Chúa Giêsu vạch ra cho họ thấy đó là: "Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?...  Nếu  các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?" (câu 39-40,44,46-47). 

 

Thật vậy, thói tật cứng lòng bất chấp này của dân Do Thái đã có ngay từ ban đầu, ở chỗ, cho dù họ, như bài Đáp Ca (Thánh Vịnh 105/106: 19-23) nhận định: 

 

"Họ quên Thiên Chúa là Vị Cứu Tinh từng làm việc lớn lao bên miền Ai-cập, việc diệu kỳ trong cõi đất Kham, việc khiếp kinh giữa lòng Biển Đỏ" (câu 2), đến độ: "Tại Khô-rếp, họ đúc một con bê, rồi phủ phục tôn thờ tượng đó. Họ đổi Chúa vinh quang lấy hình bò ăn cỏ" (c

âu 1), và vì thế họ đã trêu ngươi chọc giận Thiên Chúa là Đấng muốn tận diệt họ khỏi mặt đất này đi cho rồi, nhưng nhờ Moisen can thiệp mà Ngài đã tha cho họ: "Chúa tính chuyện sẽ tiêu diệt họ, nếu người Chúa chọn là Mô-sê chẳng đem thân cản lối, ở ngay trước mặt Người, hầu ngăn cơn thịnh nộ, kẻo Chúa diệt trừ dân" (câu 3).

 

Đúng thế, trong bài đọc 1 (Xuất Hành 32:7-14), sau khi "ĐỨC CHÚA lại phán với ông Mô-sê: 'Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn'" (câu 9-10), "Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa : 'Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập ? Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao : Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất ? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài.  Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en'" (câu 11-13), nhờ đó, "ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe" (câu 14). 

Qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, tuy góc độ đức tin tuân phục nơi dân Do Thái có vẻ nổi hơn, nhưng tận cùng thì chính thái độ bất chấp của họ lại càng chứng thực góc yêu thương cứu độ đến cùng của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu, ở chỗ, qua bài phúc âm, chẳng những nhẫn nại với thành phần dân của Ngài là thành phần hằng mang sẵn bản chất "bất chấp" của họ, mà còn, như bài đọc 1 cho thấy, lợi dụng chính tội lỗi ngông cuồng mù quáng của họ để tỏ lòng thương vô biên của Ngài nữa.

 

 

20/3/2015 (Thứ Sáu): Phụng vụ Lời Chúa cho ngày hôm nay, Thứ Sáu trong tuần 4 Mùa Chay tiếp tục chiếu soi thêm về góc độ đức tin tuân phục của thành phần dân Chúa, thành phần càng ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trước mạc khải thần linh của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô càng ngày càng sáng tỏ hơn, như bài Phúc Âm hôm nay (Gioan 7:1-2,10,25-30) cho thấy ở ngay câu đầu: "Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người".

 

Tuy nhiên, như Thánh ký Gioan đã khẳng định ngay trong lời mở đầu Phúc Âm của mình: "Ánh sáng chiếu soi trong tăm tối, một thứ tối tăm không át đưoọc ánh sáng" (1:5), chính vì thế, Người vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho dân của Người, đến độ, như Thánh ký Gioan ghi thuật: "Có một số người ở Giêrusalem nói: 'Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô?'"

 

Chính vì cái tăm tối của họ mà họ mới cần đến ánh sáng chiếu soi, và quả thực họ đã được đích thân Chúa Kitô là Đấng thấu suốt lòng người đã tỏ cho họ biết xuất xứ thực sự Người từ đâu mà đến, vấn đề then chốt nhất họ đang muốn biết về Người để tin tưởng hay bất chấp: "Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta".

 

Thế nhưng, thực tế cho thấy ánh sáng càng tỏ rạng thì họ lại càng kỵ ánh sáng. Do đó, phản ứng của họ trước chứng từ của Chúa Kitô là "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9) là ở chỗ phủ nhận ánh sáng, che lấp ánh sáng, như câu kết của bài phúc âm hôm nay cho thấy: "Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu". Tại sao? Nếu không phải như chính Chúa Kitô đã khẳng định với nghị viên trong Hội Đồng Đầu Mục Do Thái là Nicôđêmô “đến gặp Người ban đêm” (Gioan 3:2), rằng: "Thế gian chuộng tối tăm hơn ánh sáng, vì các việc làm của họ đều gian ác" (Gioan 3:19).

 

Trong bài đọc 1 (Khôn Ngoan 2:1a,12-22) cũng cho thấy như vậy, cho thấy thành phần gian ác bao giờ cũng kỵ ánh sáng và muốn phủ lấp ánh sáng đi: "Những kẻ gian ác suy nghĩ chín chắn, đã nói rằng: 'Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật'". 

 

Thế nhưng, quả thực chính vì "bóng tối không thể át được ánh sáng" mà "bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người". 

 

Quả thực đúng như câu chính của bài đáp ca (Thánh Vịnh 33, 17-18. 19-20. 21 và 23) đã cảm nhận và xác tín rằng: "Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường", thậm chí, còn hơn thế nữa, "Chúa ra mặt chống người làm ác" (câu đáp ca 1), trái lại, "Ngài gìn giữ họ (kẻ đoạn trường) xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy. Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Ngài" (câu đáp ca 3).

 

 

 

21/3/2015 (Thứ Bảy): Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Thứ Bảy trong tuần IV Mùa Chay, vẫn tiếp tục soi chiếu góc cạnh đức tin tuân phục của dân Do Thái trước mạc khải thần linh của Thiên Chúa là bản thân của Chúa Giêsu Kitô, một thành phần dân mà càng được Chúa Giêsu Kitô là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa tỏ mình ra cho lại càng bị tẩu hỏa nhập ma, càng bị chói mắt đến mù quáng, như bài Phúc Âm hôm nay (Gioan 7:40-53) cho thấy: "Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?". 

 

Đó là lý do, như bài Phúc Âm cùng ngày ghi lại, trong thành phần nghe Chúa Giêsu tỏ mình ra thì một số tin tưởng với tất cả lòng thành, bao gồm cả thuộc hạ của hội đồng thẩm quyền Do Thái: "Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: 'Tại sao các ngươi không điệu nó tới?' Các người thừa hành thưa rằng: 'Chẳng hề có ai nói như người ấy'. Các người biệt phái trả lời rằng: 'Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật'". 

 

Thậm chí bài phúc âm còn cho thấy bao gồm cả một nghị viên có uy tín trong hội đồng đầu mục Do Thái này nữa: "Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: 'Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?' Nhưng họ trả lời rằng: 'Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa'". 

 

Qua lần lên tiếng này của nghị viên Nicôđêmô, chúng ta thấy rằng lần ông bí mật đến gặp Chúa Kitô ban đêm đã thực sự có tác dụng nơi tâm hồn chân thành của ông, nghĩa là ông đã nhận biết Chúa Kitô, đã tin tưởng Người, giờ đây được dịp là ông lên tiếng bênh vực bao che Người một cách khéo léo trong tầm tay của ông, cho dù ông biết trước rằng lời ông nói có thể sẽ bị chống đối. Cho dù không chính thức thuộc về thành phần môn đệ của Chúa Kitô, nhưng ông cũng được nếm mùi môn đệ không hơn Thày, đầy tớ không hơn chủ (xem Gioan 13:16) qua việc bị chống đối như Chúa Kitô. 

 

Tình trạng Chúa Kitô bị chống đối và bách hại không thể nào không xẩy ra cho Người cũng như cho những ai theo Người, như thân phận của các vị tiên tri trong lịch sử cứu độ của dân Do Thái, một thân phận bị chống đối và bách hại, đúng hơn một thân phận trở thành cớ vấp phạm (xem Luca 2:34) được bài đọc 1 đã cho thấy: "Chúng ta hãy bỏ cây vào bánh của nó, chúng ta hãy diệt trừ nó khỏi đất kẻ sống, và người ta không còn nhớ đến tên nó nữa".

 

Thế nhưng, Chúa Kitô không hề chống lại họ, mà chỉ biết hướng về cùng Cha của Người, theo lời đáp ca chính của ngày hôm nay: "Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài".

 

Nếu theo dõi kỹ, kể từ Thứ Tư Tuần 4 Mùa Chay, chúng ta thấy Chúa Giêsu càng tỏ mình ra càng bị dân Do Thái nói chung và thành phần có thẩm quyền nói riêng chống đối, hay nói ngược lại, dân Do Thái càng tìm biết Người, thì Người càng được dịp tỏ mình ra cho họ, nhưng lại càng khiến họ bị chói lòa đến mù quáng đến độ sát hại Người.

 

 

Ý định của người Do Thái

Chúa tỏ mình cho người Do Thái

Phản ứng của người Do Thái

Thứ 4

muốn giết Người vì Người lộng ngôn - là người mà cho mình ngang hàng với Thiên Chúa

Nhưng Chúa Giêsu lợi dụng dịp này để tỏ  cho họ thấy được rõ ràng mối liên hệ mật thiết giữa Người  và Cha

 

Thứ 5

muốn biết về Người nên dựa vào thế giá của Tiền Hô

Gioan và tìm tòi Thánh Kinh

Nhưng cả hai điều ấy đều chứng thực về Người, nhất là ở chính các việc  NgườI  làm theo ý Đấng sai Người

 

Thứ 6

tưởng rằng biết được nguồn gốc xuất thân của Người căn cứ vào nhận định trần gian của họ

Nhưng Chúa Giêsu đã cho họ biết

Người xuất thân từ trời, từ  trên cao, tức từ Cha là Đấng đã sai Người.

“Họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai dám đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người”

Thứ 7

 

“sau khi nghe Chúa Giêsu giảng”

(về những gì cần chứng thực về Người là Đấng Thiên Sai như những sự trên đây)

“dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người”, nhất là phe thẩm quyền không chấp nhận Người vì Người xuất thân từ Galilêa. “Sau đó ai về nhà nấy”.