SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Chay Tuần 5

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

22/3/2015 (Chúa Nhật): Phụng vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật V Mùa Chay tiếp tục hướng về Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô theo dự án cứu độ đầy yêu thương của Cha trên trời.

Thật vậy, nếu như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B, Chúa Giêsu ví mình là đền thờ bị phá nhưng được Người dựng lại nội trong ba ngày, ám chỉ Mầu Nhiệm Vượt Qua, và trong bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm B, Chúa Giêsu ví Người như Đấng bị treo lên để ai tin Người sẽ được sự sống, cũng ám chỉ Mầu Nhiệm Vượt Qua, thì trong bài Phúc Âm Chúa Nhật V Mùa Chay tuần này (Gioan 12:20-33) cũng ám chỉ Mầu Nhiệm Vượt Qua, khi Chúa Giêsu ngấm ngầm ví mình như "hạt lúa mì rơi xuống đất" bị mục nát đi để nhờ đó "sinh nhiều bông hạt". 

 

Chúa Giêsu quả thưc là "hạt lúa miến rơi xuống đất" nơi mầu Nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh của Người, và Người cũng đúng là "hạt lúa miến bị mục nát đi" nơi Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Tử Giá của Người, rồi Người còn là hạt lúa miến "sinh nhiều bông hạt" nơi Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người. Mầu Nhiệm Vượt Qua này đã được chính Chúa kitô xác nhận và khẳng định ở cuối bài Phúc Âm hôm nay: "Khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta".

 

Mầu Nhiệm Vượt Qua này của Chúa Kitô đã được Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô cảm nhận và tuyên xưng trong thư gởi tín hữu Do Thái (5:7-9) như sau: "Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người".

 

Nhờ cuộc phục sinh của Người mà loài người tội lỗi nói chung và dân Chúa nói riêng mới chẳng những được cứu khỏi tội lỗi và sự chết mà còn được sự sống và là sự sống viên mãn nữa, nhờ Thánh Thần được Chúa Kitô thông ban cho các tông đồ từ thân xác phục sinh của Người sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết.

 

Đó là lý do, trong bài đọc 1, trích từ Sách Tiên Tri Giêrêmia (31:31-34), "Chúa phán: 'Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta'", một thứ giao ước mới tràn đầy sự sống và Thần Linh, chứ không phải như giao ước cũ - "giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng".

 

Thế nhưng, ơn cứu độ của Thiên Chúa thực hiện theo nguyên tắc cho chung tất cả mọi người nhưng trên thực tế chỉ "cho tất cả những kẻ tùng phục Người" mà thôi, đúng như Thánh Phaolô xác tín và tuyên bố trong bài đọc 2, tức là không cho những "ai yêu sự sống mình" mà là những "ai ghét sự sống mình ở đời này", như Chúa Giêsu khẳng định và cảnh báo trong bài Phúc Âm hôm nay.

 

Bởi thế mà bài đáp ca, được trích từ Thánh Vịnh 50, Thánh Vịnh Thống Hối (3-4,12-13,14-15), mới vang lên ở câu đáp như là chính tâm nguyện mà Kitô hữu chúng ta cần dâng lên Chúa trong Chúa Nhật Thư 5 Mùa Chay là: "Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch", nhờ đó, Chúa sẽ không "loại con khỏi thiên nhan Chúa" và "thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con" để "ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ". 

 

 

23/3/2015 (Thứ Hai) Vì càng gần đền Tuần Thánh, cuộc đụng độ giữa người Do Thái và Chúa Giêsu càng trở nên ác liệt và dữ dội hơn, cho tới "giờ" của Người, "giờ Con Người được vinh hiển" (Gioan 12:23), để "kéo mọi người lên cùng Tôi" (Gioan 12:32), thời điểm của Tam Nhật Thánh, Tam Nhật Vượt Qua. 

 

Nghĩa là, cuộc đụng độ giữa bóng tối là thành phần tiêu biểu lãnh đạo Do Thái và ánh sáng là Chúa Kitô bao giờ cũng kỵ nhau và không thể đội trời chung này sẽ được kết thúc ở chỗ "bóng tối không át được ánh sáng" (Gioan 1:5), trái lại, "ánh sáng (nhờ đó còn trở nên rạng ngời hơn nữa và hơn bao giờ hết khi) chiếu soi cho những ai đang ngồi trong tối tăm và trong bóng tử thần" (Luca 1:79).

 

Ở tuần lễ Thứ Tư Mùa Chay, cuộc đụng độ tranh sáng tranh tối này được duy một mình Phúc Âm Thánh ký Gioan thuật lại ở đoạn 5 (Thứ Tư và Thứ Năm) và đoạn 7 (Thứ Sáu và Thứ Bảy). Ở tuần lễ V Mùa Chay sát với Tuần Thánh đây, Phúc Âm Thánh ký Gioan được Giáo Hội cố ý chọn đọc tiếp tục cho thấy cuộc đụng độ mỗi lúc một nẩy lửa hơn nhất là ở đoạn 8 (từ Thứ Hai tới Thứ Năm), rồi tới đoạn 10 (Thứ Sáu) và đoạn 11 (Thứ Bảy). 

 

Phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Hai tuần 5 Mùa Chay hôm nay có vẻ liên quan tới tội ngoại tình, tới tối tăm. Ở bài đọc 1, được trích từ Sách Tiên Tri Đaniên 13:1-9,15-17,19-30,33-62 (bài dài) liên quan đến vụ Bà Suzanna bị hai lão quan án trong dân dụ dẫm ngoại tình, và ở bài Phúc Âm (Gioan 8:1-11) liên quan đến người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy cốt lõi của phụng vụ lời Chúa hôm nay liên quan đến ánh sáng, đến việc tỏ mình ra của Chúa Kitô.

 

Đúng thế, bài đọc 1 được Giáo Hội cho phép đọc bài ngắn hơn: 13:41c-62, chỉ liên quan chính yếu đến việc xét xử hai lão già gian dâm, và bài Phúc Âm cũng liên quan đến việc Chúa Giêsu được yêu cầu xét xử người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. 

 

Trong bài đọc 1, Bà Suzanna nhờ lòng tin tưởng mà được Chúa minh oan cho qua thanh niên Tiên Tri Đaniên, đúng như lời đáp chính của bài đáp ca được trích từ Thánh Vịnh 22:1-3a, 3b-4, 5-6: "Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con". Thế nhưng, cũng trong chính bài đáp ca này, còn cho thấy Đấng mà Bà Suzanna đã đặt hết niềm tin tưởng, ở chỗ "Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống" (câu đáp ca 4).

 

Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, bóng tối đây không phải chỉ là tội ngoại tình của người phụ nữ nạn nhân bị bắt quả tang, mà còn là thái độ cùng hành động công chính duy luật và sử dụng lề luật để sát hại hơn là để cứu sống của thành phần trí thức "luật sĩ và biệt phái" trong dân chúng nữa. 

 

Thế nhưng, cả hai thành phần "ngồi trong tối tăm (chị phụ nữ ngoại tình) và bóng tử thần (thành phần luật sĩ và biết phái)" này đã được "ánh sáng thế gian... ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12) là Chúa Kitô chiếu soi. Ở chỗ, thành phần muốn dùng luật để ném đá người phụ nữ ngoại tình đã nhận biết mình mà "bỏ đi", "không luận tội chị" nữa, và chính người phụ nữ chẳng những được cứu cho khỏi chết về phần xác mà còn cả phần hồn nữa: "Chị hãy về và đừng phạm tội này nữa". 

 

Sự kiện người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình đáng bị ném đá chết theo lệ luật được Chúa Giêsu cứu cho cả hồn lẫn xác, và nhờ chị Người còn cứu cho cả thành phần đối phương của chị nữa, cho thấy mục đích cứu độ của Người, chẳng những cứu con người về phần hồn mà cả phần xác nữa (xác sẽ phục sinh sau này), và chẳng những cứu chung nhân loại (tiêu biểu qua nhóm đối phương của chị) mà còn từng cá nhân con người nữa (tiêu biểu nơi bản thân của chị phụ nữ ngoại tình này).

 

Ôi, qua bài Phúc Âm hôm nay, tôi cảm thấy quả thực đúng như lời đáp ca: "Chúa dọn ra cho con mâm cỗ (người phụ nữ ngoại tình), ngay trước mặt những kẻ đối phương (thành phần luật sĩ và biệt phái). Đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa". 

 

 

24/3/2015 (Thứ Ba) Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Thứ Ba Tuần V Mùa Chay, bao gồm cả bài đọc 1, trích từ Sách Dân Số (21:4-9) và từ Phúc Âm Thánh Gioan (8:21-30), cả hai đều nói đến đức tin cứu độ: "Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống" (bài đọc 1);  và "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai" (Phúc Âm). 

 

Đúng thế, đối tượng của đức tin cứu độ đây chính là Chúa Giêsu Kitô, "Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian" (Mathêu 16:16), Đấng đến "để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18). Bằng cách nào? Nếu không phải, như Người đã "nói với những người biệt phái" trong bài Phúc Âm: "Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài".

 

Và chính vì Người không làm theo ý mình mà theo ý Đấng đã sai mà nếu họ không thể nhận biết Người và chấp nhận Người nếu họ không nhận biết Cha của Người. Thế nhưng, thực tế cho thấy, họ khó lòng mà nhận biết Người và chấp nhận Người, bởi vì, như chính Người khẳng định với họ trong bài Phúc Âm: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông".

 

Trong câu "các ông sẽ chết trong tội các ông" trên đây, Chúa Giêsu cũng đã báo trước cho họ biết về một hiện tượng rất ư quái lạ, đó là chính trong lúc họ đi tìm biết về Người thì họ lại bị vấp ngã vì Người, đúng như lời tư tế lão thành Simêon đã nói tiên tri về Người "là khi ông bế Người trên tay của ông lúc Người mới được sinh ra đúng 40 ngày: "dấu hiệu mâu thuẫn": "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được". Tại sao thế? Nếu không phải tại vì, như Người đã khẳng định: "các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông".

 

Đó là lý do Người càng tỏ mình ra cho họ, những gì liên quan đến xuất xứ thần linh của Người, đến mối liên hệ mật thiết giữa Người và Cha của Người, lại càng khiến họ chẳng những không thể nào tin được mà còn cho Người là một tay lộng ngôn phạm thượng đáng chết, đúng như họ cuối cùng đã vì Người mà vấp phạm ở Dinh Thượng Tế Caipha khi Người thẳng thắn trả lời dứt khoát về Người trước lời của vị thượng tế nhân danh Thiên Chúa  mà hỏi Người "có phải là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hay chăng?", và lời khẳng định về bản thân Người đã thật sự trở thành cớ vấp phạm cho họ bấy giờ (xem Mathêu 26:63-64). 

 

Như thế, lời Chúa Giêsu tiên báo về họ rằng "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được" hoàn toàn ứng nghiệm. Trong câu tiên báo này, Chúa Giêsu chẳng những nói về tương lai tội lỗi của thành phần muốn tìm biết về Người lại vì Người vấp phạm, mà còn nói về lý do chính yếu khiến họ vấp phạm nữa, liên quan trực tiếp đến bản thân Người, ở chỗ "Ta ra đi" và "nơi Ta đi": đó là "Ta ra đi" chịu chết và "nơi Ta đi" là làm theo ý Cha, là chính thập tự giá, "một cớ vấp phạm cho người Do Thái" (1Corinto 1:23), thành phần đã thách thức Người xuống khỏi thập giá thì họ tin Người là Đấng Thiên Sai (xem Marco 15:32). 

 

25/3/2015 (Thứ Tư) Hôm nay, theo ngày trong tháng là Lễ Trọng Kính Mẹ Thai Lời, tức là Lễ Đức Mẹ Thụ Thai Lời Nhập Thể. Thế nhưng, theo ngày trong tuần là Thứ Tư trong Tuần V Mùa Chay, có năm sẽ không trùng với Lễ Mẹ Thai Lời. Bởi thế, để tiếp tục theo dõi cuộc đụng độ mỗi ngày một căng thẳng giữa người Do Thái và Chúa Giêsu, chúng ta thấy phụng vụ Lời Chúa vẫn cho thấy hai chiều kích mạc khải thần linh xuất phát từ Chúa Kitô và đức tin tuân phục xuất phát từ thành phần thính giả của Người. 

 

Về đức tin tuân phục nơi thành phần thính giả của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay (Gioan 8:31-42) đó là "những người Do-thái đã tin Người", và chính vì họ là thành phần đã tin Người mà Người tỏ mình cho họ hơn nữa. Ở chỗ cho họ thấy rõ mối liên hệ giữa Người và Abraham, vị tổ phụ mà họ thừa nhận trong bài Phúc Âm "chúng tôi là giòng dõi", cũng như mối liên hệ giữa Người và Cha của Người, Đấng họ tuyên xưng trong bài Phúc Âm: "Chúng tôi chỉ có một Cha đó là Thiên Chúa". 

 

Quả thực, ở một khía cạnh nào đó họ đã nói đúng: "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ". Vậy thì chẳng lẽ họ đã quên rằng họ đã từng làm nô lệ bên Ai Cập hơn 400 năm, và nhiều lần bị dân ngoại cai trị thời Quan Án trước thời Chư Vương của họ hay sao? Nhưng có lẽ ở đây họ muốn nói đến tình trạng nô lệ thiêng liêng, như trường hợp của ba thanh niên ở bài đọc 1 hôm nay (Đaniên 3:14-20,24-28), đã tỏ ra tin tưởng vào Thiên Chúa và cương quyết thà chết chứ không tôn thờ ngẫu tượng của một đế vương dân ngoại: "Chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu!"

 

Chưa hết, họ chẳng những là dòng dõi của tổ phụ Abraham mà còn là con cái của Thiên Chúa nữa: "Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa," Đấng họ đã tỏ mình ra cho họ trong thời Cựu Ước là vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, và tuy Lịch Sử Cứu Độ của họ đã cho thấy họ thường bất trung với Ngài và ngoại tình với các thứ ngẫu tượng, nhưng không phải là tất cả, vẫn còn một số trung kiên với Ngài, chẳng hạn như 3 thanh niên trong bài đọc 1 hôm nay, đến độ, làm cho đế vương dân ngoại phải ngưỡng phục và nhận biết Thiên Chúa: "Họ đã cưỡng lại lời vua, hy sinh tính mạng để khỏi phụng sự và thờ lạy một thần nào khác ngoài Thiên Chúa của họ". 

 

Tuy nhiên, chính vì họ là thành phần tin tưởng mình mà Chúa Kitô đã soi sáng cho họ biết rõ hơn nữa ý nghĩa của nô lệ để rồi từ ý nghĩa nô lệ này Người tỏ cho họ thấy sứ vụ Thiên Sai giải phóng của Người đối với họ theo nghĩa thiêng liêng, như Người đã nói với họ trong bài Phúc Âm hôm nay: "Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do". 

 

Như thế, cho dù họ cứ cho mình và hãnh diện, như trong bài Phúc Âm cho thấy: "Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham" và "Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!" chăng nữa, nếu họ phạm tội thì trở thành nô lệ hơn là con cái, và vì trở nên nô lệ họ không được ở trong nhà nữa. Mà đối với Người thì tội họ phạm ở đây là gì, nếu không phải là không tin vào Người, như bài Phúc Âm hôm qua chính Người đã khẳng định với những ai nghe Người, trong đó có họ. 

 

Họ đã không tin Người, đúng hơn, họ là "những người Do-thái đã tin Người" nhưng chưa tin Người như Người thực sự là. Bởi thế, Chúa Kitô đã tiếp tục tỏ mình ra cho họ, lợi dụng ngay những lập luận họ dựa vào liên quan đến thân phận họ là dòng dõi của tổ phụ Abraham và là con cái của Thiên Chúa, để gợi ý suy tư cho họ, như Người đã nói với họ trong bài Phúc Âm: 

 

"Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm'. Họ mới nói: 'Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!' Đức Giê-su bảo họ: 'Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi'".

 

Cho dù hôm nay Giáo Hội có cử hành Lễ Mẹ Thai Lời đi chăng nữa, bài phúc âm về biến cố Tổng Thần Gabiên truyền tin cho Mẹ Thụ Thai Lời Nhập Thể (Mẹ Thai Lời) cũng chất chứa Mầu Nhiệm Vượt Qua.

 

Thật vậy, về phụng vụ, Lễ Mẹ Thai Lời thường rơi vào Mùa Chay, như năm 2015 theo chu kỳ phụng niên B này, và có năm lại rơi vào Mùa Phục Sinh, chẳng hạn Năm A 2005, năm ĐTC GPII qua đời, nên phải dời vào Thứ Hai sau Chúa Nhật II PHục Sinh, tức vào Thứ Hai mùng 4/4/2005.

 

Như thế có nghĩa là Lễ Mẹ Thai Lời bao gồm cả 2 chiều kích tử nạn và phục sinh, hai chiều kích làm nên Mầu Nhiệm Vượt Qua. Nhưng, làm sao để biết được Mầu Nhiệm Vượt Qua đã được bao gồm ngày trong biến cố Truyền Tin?

 

Xin thưa, ở ngay lời tiên báo của Vị Tổng Thần Thiên Sứ Gabiên về Đấng Cứu Thế: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận" (Luca 1:30-33).

 

Đúng thế, trước hết, chiều kích phục sinh đã được tiên báo ở câu: “Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Sau nữa, chiều kích tử giá cũng được chất chứa trong lời tiên báo ngay trước đó: "Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người". Bằng cách nào, nếu không phải bằng cách tử giá, như chính Người đã cảm nhận và tuyên bố: "Đã đến giờ Con Người được vinh hiển" (Gioan 12:23), như được Thánh ký Gioan trong bài Phúc Âm Chúa Nhật V Năm B vừa rồi?!

 

Chính Tổng Trấn Philatô thuộc đế quốc Rôma, nhân vật đã được diễm phúc trực diện với chính "chân lý" là Chúa Kitô (Gioan 14:6), đã thắc mắc "chân lý là gì?" (Gioan 18:38), và tuy Chúa Giêsu không trả lời cho ông biết rõ ràng, nhưng qua lập luận và thái độ của Người (xem Gioan 18:35-37), tự mình ông cũng đã nhận ra đâu là chân lý, và  đã công khai tuyên bố chân lý ấy, bằng cách cho viết một tấm bảng gắn trên cây thập tự giá của Người bằng 3 thứ tiếng Hy Lạp, La Tinh và Do Thái (xem Gioan 19:19-20) rằng "Giêsu Nazarét (là) Vua Dân Do Thái" (Gioan 19:19), đến để "giải phóng dân mình khỏi tội" (Luca 1:77), chứ không phải khỏi bị đế quốc Rôma đô hộ. 

 

Đó là lý do, trong chính bài Phúc Âm cùng ngày hôm nay (xem Gioan 8:31-42), nếu xẩy ra vào năm không trùng với Lễ Mẹ Thai Lời như hôm nay, Thứ Tư tuần V Mùa Chay, chính Người đã cho "những người Do Thái đã tin Người", thành phần cứ tưởng rằng: "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ" biết về tình trạng nô lệ thực sự của họ theo nghĩa thiêng liêng liên quan đến linh hồn bất tử hơn là tự nhiên về thân xác và cuôc sống trần gian này: "Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do". 

 

Như thế là ứng nghiệm lời tiên báo Truyền Tin của Tổng Thần Thiên Sứ Gabiên cho người Mẹ đang đứng bên thập giá của Người bấy giờ (xem Gioan 19:25): "Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người". Ôi mầu nhiệm thay, những gì được tiên báo về Người đã được chính dân ngoại không hề biết gì về mạc khải thần linh của Dân Do Thái làm cho ứng nghiệm một cách vô thức và "bất ngờ", như sự kiện Người bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn cũng thế, do một tên lính Rôma thực hiện vậy (xem Gioan 19:31-37).

 

 

26/3/2015 (Thứ Năm): Mức độ chạm trán giữa Chúa Giêsu và người Do Thái đã đi đến chỗ nẩy lửa thật rồi, ở chỗ, như câu cuối cùng của bài Phúc Âm hôm nay (Gioan 8:51-59), Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay, chứng thực: "Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ".

 

Tại sao người Do Thái đã trở nên giận dữ đến độ lấy đá ném Chúa Giêsu, sau khi cho Chúa là bị quỉ ám ở đầu cùng bài Phúc Âm hôm nay? Nếu không phải chỉ vì Người lộng ngôn phạm thượng đầy gian dối đối với người Do Thái bấy giờ, khi Người dám thẳng thắn khẳng định và tuyên bố công khai rằng: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi".

 

Đúng thế, đối với Dân Do Thái thì hai nhân vật đáng kính trọng nhất của họ sau Thiên Chúa đó là tổ phụ Abraham và vị cứu tinh Moisen. Bởi thế, ai mà nói phạm đến Thiên Chúa hay đến Abraham hoặc đến Luật Moisen đều là những kẻ ngông cuồng, lộng ngôn phạm thượng đáng tội chết. 

 

Không phải hay sao, Tổ Phụ Abraham của họ, theo Thánh Kinh, như bài đọc 1 hôm nay, trích từ Sách Khởi Nguyên 17:3-9, là một nhân vật được Thiên Chúa tuyển chọn để lập giáo ước của Ngài với họ và đã được Thiên Chúa hứa hẹn về một tương lai hết sức rạng ngời liên quan đến thế lực, dân số và đất đai.

 

"Này Ta đây, Ta giao ước với ngươi, ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc... Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc... nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng".

 

Thế nhưng, họ đâu có ngờ rằng nếu không có Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai, thì không bao giờ lời hứa với tổ phụ Abraham của họ được nên trọn, bởi chính họ đã bội ước và đã liên tục bất trung với vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ trong suốt dòng lịch sử cứu độ của họ, không thực hiện những gì Thiên Chúa căn dặn tổ phụ Anbraham của họ khi Ngài giao ước hứa hẹn với ông, như câu cuối của bài đọc 1 hôm nay cho biết: "Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta".

 

Phần Thiên Chúa, cho dù dân tộc được Ngài tuyển chọn có thế nào chăng nữa, đến độ họ đã bị Ngài hai lần muốn tiêu diệt họ ngay trong sa mạc (xem Xuất Hành 32:7-14; Dân Số 14:1-25), và đầy ải họ ở Babylon, Ngài vẫn thực hiện được những gì Ngài đã giao ước và hứa hẹn ban cho họ, đúng như bài đáp ca (Thánh Vịnh 104:4-5,6-7,8-9) đã cảm nhận: "Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac" (câu 3).

 

Vì tất cả những gì Thiên Chúa hứa với tổ phụ Abraham của họ chỉ được hoàn tất nơi Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô Thiên Sai mà Người mới nói cho họ biết rằng: "Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng".

 

Nếu Chúa Kitô đã khẳng định với người phụ nữ Samaritanô ngoại lai rằng "việc cứu độ xuất phát từ người Do Thái" (Gioan 4:22), nhờ đó muôn dân cũng được thừa hưởng lời hứa của họ và với họ từ tổ phụ Abraham, thì sẽ chẳng bao giờ có ơn cứu độ nếu không có Đấng Thiên Sai của họ là chính Người, một Đấng Thiên Sai không như lòng họ mong ước trong việc giải cứu họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma bấy giờ, mà là một Đấng Cứu Thế được sai đến qua giòng dõi Do Thái của họ để giải thoát toàn thể nhân loại, trong đó có họ, khỏi tội lỗi và sự chết, bằng cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc vượt qua chính họ đã trực tiếp nhúng tay vào một cách mù quáng "vì lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34).

27/3/2015 (Thứ Sáu): Bài Phúc Âm (Gioan 11:45-46) trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Thứ Sáu trong Tuần 5 Mùa Chay, đưoọc nối kết với bài phúc âm hôm qua rất ư là khéo, ở chỗ, câu cuối ở bài phúc âm hôm qua và câu đầu của bài phúc âm hôm nay giống hết nhau, mà lại hoàn toàn ở 2 đoạn cùng 2 câu phúc âm khác nhau. Hai câu phúc âm trùng nhau này là: "Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu" (đầu bài Phúc Âm hôm nay - Gioan 10:45) và "Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ" (cuối bài Phúc Âm hôm qua - Gioan 8:59). 

Hai câu phúc âm cùng một nghĩa, một ở cuối bài phúc âm hôm qua và một ở đầu bài phúc âm hôm nay như để chuyển tiếp hết sức khéo léo từ bài phúc âm trước đến bài phúc âm sau. Lý do người Do Thái ném đá Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm qua đó là vì Người lộng ngôn phạm thượng, dám cho mình còn có trước cả Abraham là tổ phụ của họ. Còn lý do người Do Thái ném đá Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay đó là vì "Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa".

 

Cả hai lần bị ném đá, ở hai bài phúc âm khác nhau, chỉ vì một tội duy nhất đó là Chúa Giêsu "lộng ngôn", lộng ngôn trong bài phúc âm hôm qua vì Người đã coi thường hạ giá tổ phụ Abraham, cho mình còn ngon hơn cả Abraham, và lộng ngôn trong bài phúc âm hôm nay vì thậm chí Người chẳng những đã hạ bệ tổ phụ Abraham mà còn coi thường cả chính Thiên Chúa vô cùng cao cả nữa, bằng cách coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Và tội lộng ngôn của Người lần này còn trầm trọng hơn cả lần với tổ phụ Abraham, đến độ: "họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ".

 

Thân phận của vị Thiên Sai Giêsu Nazarét, giống như các vị tiên tri thời Cựu Ước cũng thế, điển hình là Tiên Tri Giêrêmia trong bài đọc 1 (Giêrêmia 20:10-13), như ông đã cảm nhận: "Tôi đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: 'Người này gieo khủng bố khắp nơi. Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó'. Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: 'Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó'".

 

Chúa Giêsu quả thực đã "gieo khủng bố" cho thành phần thính giả nghe Người, nhất là thành phần cực bảo thủ, thành phần không thể nào chấp nhận được những gì Người tuyên bố tất cả sự thật về Người, một sự thật bao giờ cũng liên quan mật thiết giữa Người và Cha của Người được thể hiện rõ ràng qua lời Người nói và việc Người làm: "Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha".

 

Tuy nhiên, đối với những ai thành tâm và cởi mở tìm kiếm chân lý thì sẽ được “chân lý giải phóng”, như Người quả quyết trong bài Phúc Âm hôm Thứ Tư tuần này. 

 

Đó là lý do, trong số thành phần thính giả của mình, Người cũng đã làm cho một số nhận biết Người, như câu kết của bài phúc âm hôm nay cho biết, cho dù "Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó", nhưng vẫn "có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: 'Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả'. Và có nhiều kẻ tin Người".

28/3/2015 (Thứ Bảy):

Phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Bảy trong Tuần 5 Mùa Chay hôm nay dường như hoàn toàn tương phản nhau giữa bài đọc một (Ezekien 37:21-28) có vẻ tích cực và lạc quan: "Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương", trong khi bài Phúc Âm (Gioan 11:45-56) lại cho thấy bầu trời u ám đến ghê rợn, ở chỗ: "Từ ngày đó, họ quyết định giết Người", chứ không phải chỉ lên án Người là kẻ lộng ngôn, hay chỉ ném đá Người hoặc chỉ tìm bắt Người.

 

"Quyết định giết Người" này của giáo quyền Do Thái, một quyết định xẩy ra vào thời điểm sắp tới Lễ Vượt Qua, một quyết định gắt gao tới nỗi, như cuối bài Phúc Âm cho thấy: "các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người". Lý do hoàn toàn nhuộm mầu sắc lo sợ về chính trị: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta".

Như thế, giáo quyền Do Thái, cho dù công nhận "người này làm nhiều phép lạ", mà họ là một dân tộc ưa thích điềm lạ (xem 1Corinto 1:22), cái gì cũng đòi điềm lạ (xem Gioan 2:18), mà chỉ là điềm lạ theo ý của họ muốn thôi, chứ những điềm lạ như việc Người trừ quỉ hay chữa lành bệnh tật v.v. không ai làm được như Người, kể cả việc Người làm cho Lazarô hồi sinh từ một tử thi đã xông mùi mà họ vừa được tường trình cho biết (xem Gioan 11:43-44,46), cũng chẳng hợp với ý muốn của họ, vẫn không phải là điềm lạ họ đòi hỏi để tin, nên chẳng lạ gì họ vẫn tìm cách triệt hạ Người cho bằng được, không phải bởi lo sợ cho toàn dân hơn là, đúng như vị tổng trấn của đế quốc Rôma là Philatô đã nhận định: "vì ghen tương mà họ đã nộp Người cho ông" (Marco 15:10).

Chúng ta có thể tóm gọn tổng lược tiến trình tỏ mình ra của Chúa Kitô và phản ứng của người Do Thái trước mạc khải thần linh là Chúa Kitô trong Tuần Lễ 5 Mùa Chay như sau:


Tuần 5 Mùa Chay

Ý đồ người Do Thái

Chúa Giêsu tỏ mình cho người Do Thái

Phản ứng của người do Thái


Thứ 3 

Gioan 8:21-30

 

"Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được"…  "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”.

"Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói ‘Nơi Ta đi các ông không thể tới được?’"

"Ông là ai?"

“Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người”


Thứ 4 

Gioan 8:31-42

 

"Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông."… “Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội… nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do”

“Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ”…

"Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!" 


Thứ 5 

Gioan 8:51-59

 

“Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết"…

“Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”

"Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám… Ông cho mình là ai?”

“Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ”.


Thứ 6 

Gioan 10:31-42

 

"Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?"

“Dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc của Cha Ta, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha"

"Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa".

“Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ… Có nhiều kẻ đến cùng Người. .. Và có nhiều kẻ tin Người"

 


 

Thứ 7 

Gioan 11:45-56

(Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hồi sinh Lazarô)

“có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm”.

“Từ ngày đó, họ quyết định giết Người”.

“Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ”.

“Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: ‘Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?’"

"Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người".

 

Thật ra, thái độ cứng lòng và mù quáng của chung người Do Thái và riêng thành phần giáo quyền lãnh đạo Do Thái tỏ ra trước Chúa Giêsu Kitô, dữ dội đến độ Người càng tỏ mình ra họ lại càng muốn tiêu diệt Người đi, cũng vẫn có thể thông cảm được. Bởi vì, chính thành phần tông đồ được Người tuyển chọn ở với Người để có thể nhận biết Người nhờ đó trở thành những chứng nhân tiên khởi cho Người sau này mà còn bán nộp Người và trắng trợn chối bỏ Người huống chi là họ. 

Cái lạ lùng quái quẩn ở đây nữa là thậm chí các tông đồ đã thực sự nhận biết và tuyên xưng Người một cách chính xác đúng như căn tính của Người rằng: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), ấy thế mà một người là Giuđa Íchca trong họ vẫn phản nộp Người và chính vị lãnh đạo tông đồ đoàn của họ lại trắng trợn chối bỏ Người, và "tất cả đều bỏ Người mà tẩu thoát" (Marco 14:50) khi Người bị bắt trong Vườn Cây Dầu vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh. 

Đó là lý do cả thành phần môn đệ yêu dấu thân cận nhất của Người, chung dân Do Thái và cách riêng thành phần lãnh đạo dân Do Thái, kể cả thành phần dân ngoại thuôc đế quốc Rôma lên án tử cho Người và hành hạ Người một cách vô cùng dã man vô nhân đạo, đều được bao gồm trong lời đầu tiên của Chúa Giêsu trên thập tự giá: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết việc họ làm" (Luca 23:34).

Đúng như câu đáp chính yếu của bài Đáp Ca hôm nay (Giêrêmia 31:10,11-12ab,13), Người quả là "mục tử chăn dắt đoàn chiên mình", một đoàn chiên bao gồm toàn thể loài người, bởi Người đã mặc lấy nhân tính của chung loài người, chứ không phải bản tính riêng của người Do Thái, nhưng lại mang chính giòng máu Do Thái, với tư cách là Đấng Thiên Sai của họ, nhờ đó mới là Đấng Cứu Thế xuất thân từ Do Thái, đúng như giao ước và lời hứa của Thiên Chúa Cha Người đã tự động ký kết với cha ông tổ phụ của họ và thực hiện trong lịch sử cứu độ của họ, bất chấp họ có trung thành với giao ước của Ngài hay chăng, cho đến khi Ngài hoàn tất hết mọi sự nơi Con của Ngài "khi đến thời điểm viên trọn" (Galata 4:4). 

Bởi thế, cho dù bài phúc âm hôm nay đượm mầu sắc và bầu khí đầy những ảm đạm cùng buồn thảm, nhưng trong bài đọc một lại hiện lên cả một chân trời sáng lánh rạng ngời theo dự án thần linh cứu độ của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất vô cùng yêu thương nhân hậu đã tỏ mình ra nơi Con của Ngài, một dự án thần linh cũng được le lói ngay trong bài phúc âm hôm nay, qua lời chú giải của vị thánh ký đóng vai tiên tri, đó là tông đồ Gioan, vị tông đồ tiên tri có thể nói duy nhất của Tân Ước, vì ngài còn là tác giả của Sách Khải Huyền liên quan đến "trời mới đất mới" (Khải Huyền 21:1), đến "một tân đô Giêrusalem" (Khải Huyền 21:2), đến "mọi sự mới" (Khải Huyền 21:5).

Đúng vậy, trong bài phúc âm hôm nay, ngay sau khi ghi lại lời của Thượng Tế Caipha liên quan đến mưu đồ sát hại Chúa Giêsu: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt", vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu này đã chú giải "không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối".


Vị tông đồ tiên tri này dường như đã chú giải theo chiều hướng của dự án thần linh đã được Tiên Tri Êzêkiên loan báo trong Cựu Ước, trong đó bao gồm chẳng những vai trò "chỉ có một chủ chăn mà thôi" của chính Chúa Kitô Thiên Sai, qua nhân vật biểu tượng Đavít là cha ông của Người và Người là dòng dõi theo huyết tộc, mà còn bao gồm cả "một giao ước vĩnh cửu" mà Người sẽ thiết lập bằng máu của Người, như Người đã long trọng tuyên bố trong Bữa Tiệc Ly khi lập Bí Tích Thánh Thể (xem Luca 22:20), với các tông đồ là nền tảng của một Giáo Hội được Người thiết lập như là một "nơi thánh", một "Nhà Tạm... đến muôn đời":


"Ðavit, tôi tớ Ta, sẽ là vua của chúng đến muôn đời. Ta sẽ ký kết với chúng một giao ước hoà bình: Ðó sẽ là một giao ước vĩnh cửu đối với chúng. Ta sẽ gầy dựng chúng, sẽ cho chúng sinh sản ra nhiều và sẽ thiết lập nơi thánh Ta giữa chúng cho đến muôn đời. Nhà Tạm Ta sẽ ở giữa chúng. Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta. Các dân tộc sẽ biết rằng Ta là Chúa, Ðấng thánh hoá Israel, khi đã lập nơi thánh Ta ở giữa chúng đến muôn đời".

Phải chăng những lời tiên tri này của Cựu Ước đã được ứng nghiệm ngay từ Chúa Nhật Lễ Lá (ngày mai), thời điểm Giáo Hội long trọng cử hành biến cố Chúa Kitô vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem như một Đứa Vua và được hoan hô chúc tụng là “Hoan hô Con Vua Đavít” (Mathêu 21:9) hay “chúc tụng vương quốc Đavít cha ông của chúng ta đã đến” (Marcô 11:10).

Sự kiện Chúa Giêsu vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem ấy là câu trả lời hùng hồn nhất cho thắc mắc của những người đã có mặt ở Giêrusalem bấy giờ, như bài phúc âm hôm nay thuật lại: “Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: ‘Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?’" 

Phải, Người phải đến, phải xuất hiện, vì “đã đến giờ Con Người được vinh hiển” (Gioan 12:23), không phải là vinh hiển khi Người tiến vào Thành Thánh Giêrusalem, được các môn đệ và đa số dân chúng đông đảo hoan hô chúc tụng nghênh đón, cho bằng cái vinh hiển của Người trên Sọ Trường (Golgotha) Canvê, với triều thiên là mạo gai, ngai tòa là Thánh Giá và vệ quân là hai tên tử tội trộm cướp, với tấm bảng được gắn ở cây thập tự giá: “Giêsu Nazarét – Vua Dân Do Thái” (Gioan 19:19).

Trong Mùa Chay, từ tuần lễ Thứ Tư trở đi, Giáo Hội đã cố ý chọn đọc các bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan về tiến trình tỏ mình ra của Chúa Kitô Thiên Sai với dân Do Thái, trong đó bao gồm cả những thái độ cùng phản ứng ngược chiều của thành phần dân tuyển chọn này, cho đến khi dự án cứu độ thần linh vô cùng huyền diệu của Thiên Chúa được hiện thực một cách hoàn toàn ứng nghiệm nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô khổ nạn, tử giá và phục sinh, một biến cố tột đỉnh của tất cả Lòng Thương Xót Chúa cũng như của Phụng Niên, được cử hành trong Tuần Thánh, nhất là Tam Nhật Vượt Qua, bắt đầu từ ngày mai, Chúa Nhật Lễ Lá bắt đầu Tuần Thương Khó được kết thúc vào Chúa Nhật Phục Sinh.