SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Phụng Vụ Lời Chúa Tuần X Thường Niên Năm Lẻ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Thứ Hai
Sự sống chiếu tỏa
Hôm nay, Tuần X Thường Niên Năm Lẻ, theo phụng vụ cho ngày thường trong tuần, dù chu kỳ phụng niên thuộc năm lẻ hay năm chẵn (giành cho chỉ bài đọc 1 trích các sách thuộc bộ Thánh Kinh Cựu Ước), bắt đầu sang Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, sau 9 tuần lễ đầu theo Phúc Âm của Thánh ký Marco.
Và đoạn Phúc Âm đầu tiên của Phúc Âm Thánh kỳ Mathêu được Giáo Hội chọn đọc để tiếp nối các bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho 9 tuần lễ đầu của Mùa Thường Niên đó là đoạn về Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành trên núi của Chúa Giêsu huấn dụ các môn đệ của Người.
Mối liên hệ giữa việc chuyển tiếp từ Phúc Âm Thánh ký Marco ở cuối đoạn 12 cho Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên sang Phúc Âm của Thánh ký Mathêu ở đoạn 5 cho Thứ Hai Tuần X Thường Niên thật là khít khao và tuyệt vời. Ở chỗ, trong bài Phúc Âm cuối cùng của Thánh ký Marco cho Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên trước, Chúa Giêsu vừa mới chỉ cho các tông đồ thấy gương sống trọn lành của bà góa 1 xu, thì trong bài Phúc Âm Thứ Hai bắt đầu của Thánh ký Mathêu (5:1-12) Tuần X Thường Niên này Người nói ngay với các tông đồ về Các Phúc Đức Trọn Lành.
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy".
Trong bài Phúc Âm về Phúc Đức Trọn Lành này, Thánh ký Mathêu đã mô tả một cảnh tượng rất thích hợp với nội dung của bài giảng Phúc Đức Trọn Lành ấy: "Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng...".
Trước hết, về thời điểm, bài giảng này của Chúa Giêsu chỉ được Người thực hiện và chỉ xẩy ra vào lúc "khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi...", tức là vì dân chúng mà có bài giảng này, nhưng, ngay câu sau đó lại cho thấy lại bài giảng này giành riêng cho các tông đồ, nghĩa là giáo huấn của Người được truyền đạt từ cao (tấm mức tông đồ, Giáo Hội) xuống thấp (tầm mức dân chúng, giáo dân, cộng đồng);
Sau nữa, về địa điểm, bài giảng này được Chúa Giêsu giảng không phải là dưới thung lũng, hay ở đồng bằng, hoặc trong thành phố, hay ở trên thuyền ngoài bờ biển như các lần khác sau này, mà là ở trên "núi", một biểu hiệu cho ý nghĩa trọn lành, sống trổi vượt hơn thế gian, hơn phàm nhân;
Sau hết, về tính cách, bài giảng này được Chúa Giêsu giảng một cách thân tình, ở tư thế "ngồi xuống" với thành phần "các môn đệ đến gần Người" để Người có thể dạy bảo các vị những gì giúp các vị "là ánh sáng thế gian" (5:14). Cử chỉ "ngồi" đây còn ám chỉ quyền giảng dạy của Chúa Giêsu nữa, một quyền giảng dạy được Người trao ban cho chung Tông Đồ Đoàn (xem Mathêu 18:18) và cho riêng Tông Đồ Phêrô (xem Mathêu 16:19), một quyền bính được Giáo Hội hằng năm tưởng kính nơi phụng vụ Lễ "Ngai Tòa Thánh Phêrô - Chair of Peter" vào ngày 22/2 hằng năm.
Một chi tiết được Thánh ký Mathêu ghi nhận cũng cần lưu ý ở đây nữa là: "lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người", tức là thế giá và uy tín của Chúa Giêsu đã lôi kéo các môn đệ đến cùng Người, và chỉ có từ Chúa Kitô và bởi lằng nghe Chúa Kitô, thấm nhuần giáo huấn của Người, các tông đồ mới có thể trở thành chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người sau này.
Nếu căn cứ vào các chữ "phúc" ở đầu mỗi phúc thì có tất cả là 9 Phúc hơn là chỉ có 8 phúc. Và phúc nào cũng ngược đời hết. Ở chỗ, trong khi thế gian cho những 9 điều được Chúa Giêsu gọi là và cho là phúc thì họ cho là khốn, đặc biệt là 3 phúc đầu và 2 phúc cuối. Theo tu đức Kitô giáo vốn có 3 bậc hay 3 giai đoạn nên trọn lành thì 9 phúc được Chúa Giêsu liệt kê theo thứ tự trong bài Phúc Âm hôm nay, về ý nghĩa liên hệ của của chúng với nhau, có thể được ghép lại thành 3 phúc cho một giai đoạn hay một bậc nên trọn lành. Chẳng hạn, 3 phúc đầu (1-2-3) thuộc về bậc hay giai đoạn tu đức khởi sinh (từ bỏ), 3 phúc tiếp theo (4-5-6) thuộc về bậc hay giai đoạn tu đức tiến sinh (tập đức), và 3 phúc cuối cùng (7-8-9) thuộc về bậc hay giai đoạn tu đức hiệp sinh (nên một).
Đúng thế, tất cả những gì Chúa Giêsu giảng dạy riêng cho thành phần môn đệ của Người nói chung và về Phúc Đức Trọn Lành nói riêng ở Bài Giảng Trên Núi hôm nay, không phải chỉ cho riêng các vị mà qua các vị cho chung dân chúng, cho nhân loại, cho thế gian nữa, nhất là cho đàn chiên được các vị thay Người chăn dắt sau này. Đó là lý do, trong bài đọc 1 hôm nay, bắt đầu trích từ Thư 2 Corintô (2:1,1-7), Thánh Phaolô đã bày tỏ ý hướng về sứ vụ nhận lãnh để chia sẻ, như kinh nghiệm của chính bản thân ngài là vị tông đồ dân ngoại như sau:
"Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha nhân từ cùng là Thiên Chúa mọi niềm an ủi, là Đấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân, với niềm an ủi mà Thiên Chúa đã an ủi chúng tôi.... Nếu chúng tôi chịu gian truân là để anh em được an ủi và được cứu rỗi; nếu chúng tôi được an ủi là để anh em được an ủi; nếu chúng tôi được ủy lạo là cho anh em được ủy lạo và được cứu rỗi...".
Như thế, Thiên Chúa là Đấng thương yêu tất cả mọi người, chứ không phải riêng một mình ai và cho một mình ai. Ở chỗ, Ngài có ban ơn đặc biệt riêng cho ai hay cho một nhóm người nào, như cho riêng dân Do Thái được Ngài tuyển chọn trong Cựu Ước hay cho Giáo Họi được Con Ngài thiết lập, cũng là để cho phần rỗi chung của loài người, của tất cả mọi người: "Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1Timôthêu 2:4).
Đó là lý do câu Đáp Ca chính trong Thánh Vịnh 33
(2-3,4-5,6-7,8-9) ở phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã kêu gọi rất chí lý
rằng: "Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường
bao".
Thứ Ba
sức sống nội tâm
Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần X Thường Niên hôm nay tiếp tục ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, một bài Phúc Âm về Các Phúc Đức Trọn Lành được Chúa Giêsu chỉ dạy riêng cho các môn đệ thân tín của Người, để các vị có thể "giảng dạy cho họ tất cả những gì Thày đã truyền dạy các con" (Mathêu 28:20), trước hết bằng đời sống chứng nhân của các vị, như "ánh sáng" chiếu tỏa trên "thế gian" này.
Đúng thế, nội dung của những lời Chúa Giêsu tiếp tục dạy cho các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay (5:13-16) đã cho thấy rõ ý hướng của Người, như câu mở đầu của bài Phúc Âm hôm qua, tỏ lộ, ở chỗ Người dạy riêng cho các môn đệ nhưng nhắm đến lợi ích chung dân chúng và riêng đoàn chiên của các vị sau này: "Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng...".
Đó là lý do Người đã khẳng định với các môn đệ của Người rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".
Chúa Giêsu đã ví các môn đệ của Người như "muối đất" và như "ánh sáng thế gian". Tại sao Người không đề cập đến "ánh sáng thế gian" trước mà là "muối đất" trước. Phải chăng Người có ý nói đến 2 phương diện tối yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly của thành phần môn đệ được Người tuyển chọn, đó là phương diện nội tâm (cần phải có trước) và phương diện làm chứng (thành quả tất yếu đến sau)?
Đúng vậy, nếu một người tông đồ mà không có đời sống nội tâm sâu xa mặn mà như "muối đất", trái lại, nội tâm của họ hết sức nông cạn, hời hợt, sống theo tình cảm, đầy ắp kiến thức suông, mang tâm tình tự phụ tự mãn v.v., chẳng kết hợp với Chúa Kitô và theo tác động thần linh của Chúa Thánh Thần, thì làm sao họ có thể có cùng một tâm tưởng của Chúa Kitô, có những lời nói sưởi ấm lòng người như Chúa Kitô, có những tác hành và phản ứng nhân ái yêu thương với Chúa Kitô, và vì thế họ không thể nào làm chứng cho Người theo đúng như ơn gọi và sứ vụ chuyên biệt trổi vượt cao cả của họ như "một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được nữa".
Chính vì ý thức được thâm sâu những gì Chúa Giêsu truyền dạy như thế mà Giáo Hội, qua Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962 - 8/12/1965), đã khẳng định về căn tính và sứ vụ chính yếu bất khả thiếu của mình là "Ánh Sáng Chư Dân - Lumen Gentium", nhan đề của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, một căn tính và sứ vụ chiếu soi muôn dân, sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô: "Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo" (Công Đồng Chung Vaticanô II - Sắc Lệnh 'Ad Gentes - Cho Chư Dân' về Việc Truyền Giáo của Giáo Hội - đoạn 2).
Trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô, qua bức Thư 2 Corintô (1:18-22), đã làm chứng cho một Đấng chân thật "là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà tôi, Silvanô và Timôthêu đã rao giảng nơi anh em, Người không phải vừa 'Có' lại vừa 'Không'; trái lại, nơi Người chỉ là 'Có' mà thôi". Bằng chính tư cách tông đồ đích thực của ngài, hoàn toàn phản ảnh Chúa Kitô. Ở chỗ nếu Chúa Kitô chỉ 'có' thì ngài cũng 'có': "Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín, chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em không phải là vừa 'Có' lại vừa 'Không'".
Nếu Chúa Kitô cũng là "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), mà các môn đệ của Chúa Kitô cũng "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14), thì có nghĩa là tự mình các môn đệ của Người không phải "là ánh sáng thế gian", nên các vị được trở thành "ánh sáng thế gian" và chiếu tỏa ra "ánh sáng thế gian" là vì Chúa Kitô "ánh sáng thế gian" chiếu tỏa ra qua họ, nhờ đó, họ chỉ là phản chiếu "ánh sáng thế gian" là Chúa Kitô thôi, nhờ đời sống nội tâm như "muối đất" của họ. "Muối đất" ở đây còn ám chỉ cả thành phần nữ đan sĩ tu kín hay nam đan sĩ khổ tu ở trong nhà dòng sống đời nội tâm cầu nguyện. "Muối đất" ở đây cũng có thể hiểu về các tâm hồn đang âm thầm đau khổ nhưng hy sinh chấp nhận mọi sự theo Thánh ý Chúa cho phần rỗi nhân loại.
Vì "các con là muối đất", "là ánh sáng thế
gian", phản chiếu Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" như thế mà Bài Đáp Ca từ
Thánh Vịnh 118 (129,130,131,132,133,135) đã
Thứ Tư
Luật Thánh bất diệt
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư trong Tuần X Thường Niên, vẫn tiếp tục và theo sát bài Phúc Âm hôm qua và hôm kia cả về đoạn 5 lẫn 3 câu tiếp ngay sau 2 bài Phúc Âm Thứ Hai và Thứ Ba đầu tuần.
Trong bài Phúc Âm này, Chúa Giêsu khẳng định 3 điều rất quan trọng, thứ tự như sau:
1- Lề luật cần được Người kiện toàn hơn là hủy hoại: "Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn". Trong Đoạn 5 và 6 về Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi này đã làm sáng tỏ lời khẳng định này của Chúa Giêsu, khi Người thường dùng công thức: lề luật thì dạy cho chung Dân Do Thái một cách căn bản như thế này... còn Thày thì dạy cho các con sống trọn lành theo tinh thần của lề luật, một tinh thần của lề luật liên quan trực tiếp đến chính tinh thần của con người giữ luật, do đó, các điều Chúa Giêsu dạy trong Bài Giảng Trên Núi về Phúc Đức Trọn Lành liên quan đến cả cõi lòng và nội tâm của con người nữa chứ không phải chỉ liên quan đến thân xác và thể lý của họ thôi, như chúng ta sẽ thấy trong tuần này về các khoản về giết người, ngoại tình, thề nguyền v.v.
2- Lề luật là những gì bất biến và vĩnh viễn: "Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành". Bởi vì, lề luật từ Thiên Chúa mà có, nên không bao giờ sai lầm, được Ngài ban bố cho dân Do Thái qua Moisen, để giúp cho dân của ngài sống xứng đáng với Ngài, sống vượt lên trên các dân tộc ngoại bang không nhận biết Chúa nên họ thờ tà thần và sống lăng loàn theo tự nhiên.
3- Lề luật là những gì cần phải tuân giữ và giảng dạy một cách chính xác: "Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời". Chúa Giêsu đến là để làm lề luật của Cha Người ban bố cho dân Do Thái được nên trọn hảo hơn, để nhờ đó phản ảnh "Cha trên trời là Đấng trọn lành" (5:48), và cũng nhờ đó ai càng tỉ mỉ tuân theo lời Người khuyên dạy càng nên giống Cha, tức càng "cao cả trong Nước Trời".
Thánh Phaolô, trong Thư 2 Corintô hôm nay (3:4-11), cũng đã bày tỏ nhận định và niềm xác tín liên quan đến "văn tự" của lề luật cựu ước cũng như đến tinh thần của lề luật hay đến thần trí của tân ước, hoàn toàn phản ảnh câu Chúa Giêsu nói "Thầy không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn": "Không phải chúng tôi có thể nghĩ tưởng điều gì như là bởi chính chúng tôi, nhưng điều đó là do Thiên Chúa: chính Người là Đấng đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên của Tân Ước, không phải của văn tự, mà là của Thần trí, vì văn tự chỉ giết chết, còn Thần trí mới tác sinh".
Thánh Phaolô đã từng là một người Pharisiêu nhiệt thành với lề luật của Do Thái giáo của ngài, đến độ đã xin cho mình quyền hành bách hại Kitô hữu vào thuở Giáo Hội sơ khai, nhưng từ khi "bị' Chúa quật ngã trên đường ngài phóng ngựa đi Damasco, đôi mắt của ngài bấy giờ vẫn mở mà lại chẳng thấy gì hết, một hiện tượng như ám chỉ ngài thông luật một cách mù quáng theo "văn tự" hơn là theo tinh thần của lề luật, bởi thế, sau đó, vì ngài đã được tuyển chọn "làm dụng cụ để mang danh Ta cho Dân Ngoại, cho vua chúa của họ cũng như cho dân Do Thái" (Tông Vụ 9:15) mà ngài đã được chữa lành, nhờ đó ngài đã thấy được "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) và rao giảng sự thật về Chúa Kitô, Đấng đã "không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn" bằng Thần Linh của Người.
Câu Đáp Ca "Thiên
Chúa, Chúa chúng ta, là Đấng Thánh" trong Thánh
Vịnh 98 (5,6,7,8,9) là niềm xác tín và tuyên xưng của Cựu Ước về vị Thiên Chúa
chân thật duy nhất của mình, một Vị Thiên Chúa đã ban cho dân tuyển chọn của
Ngài lề luật thánh và truyền dạy họ phải "nên
thánh vì ta là Đấng Thánh" (Levi 19:2, 20:26).
Và Chúa Kitô "là phản ảnh vinh quang Cha"
(Do Thái 1:3) đã đến để "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), nên đã dạy cho chung con người
và riêng thành phần môn đệ của Người, đặc biệt là qua Bài Giảng Trên Núi về
Phúc Đức Trọn Lành, những gì cần phải thuục hành để có thể "nên
trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành"
(Mathêu 5:48).
Thứ Năm
"vạ lửa địa ngục"
Trong bài Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần X Thường Niên hôm nay (Mathêu 5:20-26), Chúa Giêsu bắt đầu cho thấy những gì là căn bản theo lề luật vẫn được thành phần "luật sĩ và biệt phái" tỉ mỉ tuân hành một cách "văn tự", thứ tuân hành của họ "chẳng được vào Nước Trời", và những gì lề luật cần được Người hoàn trọn bằng một tinh thần trọn lành hơn nơi từng khoản lề luật được Người tự ý nêu lên cho các môn đệ của Người thấy.
Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại điều luật đầu tiên được Chúa Giêsu nhắc đến liên quan đến điều răn Thứ 5 trong Thập Giới, để dạy các môn đệ của mình sống trọn lành hơn như sau:
"Các con đã nghe dạy người xưa rằng: 'Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án'. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là 'ngốc', thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là 'khùng', thì sẽ bị vạ lửa địa ngục".
Ở đây, theo luật cũ thì phạm nhân giết người "sẽ bị luận phạt nơi toà án", còn đối với Chúa Giêsu thì không cần phải phạm tội ác giết người, mà chỉ cần "phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt" rồi. Chưa hết, tội còn nặng hơn nữa nếu "ai bảo anh em là 'ngốc', thì bị phạt trước công nghị". Sau hết, tội càng trầm trọng hơn bao giờ hết với hình phạt tương xứng có thể nói là nặng nhất kèm theo đó là "Ai rủa anh em là 'khùng', thì sẽ bị vạ lửa địa ngục".
Đến đây đọc lại đoạn Chúa dạy này, chúng ta thấy hình như tội giết người có vẻ nhẹ nhất, không bằng tội nguyền rủa anh em mình là khùng! Hình như Chúa Giêsu muốn ngầm cho các môn đệ của Người biết rằng, nếu con người ta mang tâm tư phẫn nộ giận dữ anh chị em mình, có tâm trạng khinh thường anh chị em mình đến độ dám nguyền rủa anh chị em mình thì kể như họ đã giết anh chị em họ ngay trong tâm hồn của họ, và nếu có súng trong tay họ có thể giết anh em của họ bất cứ khi nào họ muốn, nhất là khi họ không cầm được cơn giận.
Bởi thế, ngay sau đó, Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ, nếu các vị là nạn nhân, chẳng hạn như các vị bị ai hận tức, khinh bỉ chúng ta hay nguyền rủa chúng ta, thi hành một việc rất khó làm, hoàn toàn phản khắc với lý lẽ tự nhiên trần tục, thậm chí bị trần gian coi là nhu nhược và điên khùng, đó là "Nếu các con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em của các con có điều gị bất bình với các con, thì các con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, rồi đi làm hoà với người anh em của các con trước đã, rồi hãy trở lại mà dâng của lễ".
Ở đây, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ thực hành một điều thật là trái khuấy, ở chỗ nạn nhân phải tự động làm hòa với phạm nhân trước, chứ không phải phạm nhân theo phép công bằng phải đi xin lỗi nạn nhân. Hành động trọn lành được Chúa Giêsu dạy đây đã được chính bản thân Người thực hiện, đó là Vị Thiên Chúa bị loài người xúc phạm qua nguyên tổ của họ ngay từ ban đầu đã tự động giải hòa với con người phạm nhân tội lỗi bằng bửu huyết tử giá Con của Ngài (xem Colose 1:20).
Hành động bác ái trọn lành khác thường đến phi thường này có thể nói còn có giá trị hơn cả việc con người dâng lễ vật lên cho Thiên Chúa nữa. Hay nói đúng hơn, để xứng đáng dâng lễ vật cho Ngài con người ta còn cần phải yêu thương trọn lành như Ngài, biết tha thứ cho những ai làm khốn mình. Đó là lý do, ở phần đầu Thánh Lễ có nghi thức xám hối, một nghi thức để ngay bấy giờ chúng ta âm thầm tha thứ cho những ai phạm đến chúng ta, như thể chúng ta bỏ của lễ lại mà về làm hòa vậy.
Trong Thư 2 Corintô (3:15, 4:1,3-6) ở bài đọc 1 hôm nay Thánh Phaolô tiếp tục đề cập đến cái khác biệt giữa lề luật ("sách Moisen") và Thần Linh, mà Kitô hữu được kêu gọi sống theo Thần Linh, sống một cách tự do và vinh hiển, không bị lệ thuộc vào xác thịt hay bị trần tục chi phối:
"Anh em thân mến, cho đến nay, mỗi lần đọc sách Môsê, vẫn còn có cái màn che lòng con cái Israel. Nhưng khi người ta đã trở lại cùng Chúa, màn ấy mới được cất đi. Chúa là Thần linh, và ở đâu có Thần linh Chúa, thì ở đấy có tự do. Phần chúng ta hết thảy, không màn che mặt, chúng ta phản ảnh vinh quang của Chúa, được biến hoá giống hình ảnh Chúa, từ vinh quang này đến vinh quang khác, xứng với tác động của Thần Linh Chúa".
Thánh Phaolô còn nhấn mạnh đến thành phần không thể hay chưa thể thi hành được những gì cao quí và cao cả của Phúc Âm, của Lời Chúa dạy, chẳng hạn những kẻ giận tức anh em mình, khinh thường anh em mình hay nguyền rủa anh em mình, như sau: "Nếu Phúc Âm chúng tôi còn ẩn khuất, thì cũng chỉ ẩn khuất cho những ai hư mất, cho những ai không tin, vì thần thế gian này đã làm cho tâm trí họ trở thành mù quáng, khiến họ không còn thấy được sự sáng chói Phúc Âm của vinh quang Đức Kitô, Người là hình ảnh của Thiên Chúa".
Những sự trọn lành Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ của Người liên quan đến đức ái trọn hải để họ tuân giữ nhờ đó họ trở thành "ánh sáng thế gian" chính là những gì phản ánh "vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi", như câu Đáp Ca chính của bài Thánh Vịnh 84 (9ab-10,11-12,13-14).
Thứ Sáu
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bài Phúc Âm cho Phụng Vụ Chu Kỳ Năm B được lấy từ Phúc Âm Thánh Gioan (19:31-37), chứ không phải Thánh Marco, trong khi bài Phúc Âm Năm A vẫn Thánh Mathêu và Năm C vẫn Thánh Luca, vì Năm A và C có hai bài Phúc Âm thích hợp về Thánh Tâm Chúa Giêsu, một bài của Phúc Âm của Thánh Mathêu (11:25-30) về một Thánh Tâm "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Năm A) và một bài Phúc Âm của Thánh Luca (15:3-7) về Thánh Tâm yêu thương "con chiên lạc".
Còn bài Phúc Âm của Thánh Gioan cho Năm B là bài phúc âm về biến cố Chúa Giêsu tử giá bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn khiến máu cùng nước chảy ra: "Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra".
Sự kiện cho dù đã chết mà thân xác tử giá của Chúa Kitô vẫn bị lưỡi đòng đâm vào như thế chứng tỏ là "Người đã yêu thương những ai thuộc về Người thì Người muốn chứng tỏ rằng Người yêu thương họ cho đến cùng" (Gioan 13:1), đến giọt máu cuối cùng, đến giọt nước cuối cùng, cả hai "máu" và "nước" đều biểu hiệu cho sự sống nơi thân thể của Người, đã hoàn toàn tiết ra hết không còn gì trong thân thể của Người nữa.
Sự kiện "máu và nước chảy ra" ở đây cũng tiêu biểu cho việc Giáo Hội được hạ sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô như nguyên tổ Evà từ cạnh sườn của Adong trong vườn địa đường vậy, một sự kiện có thể đã được cảm nghiệm bởi Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong Thư Epheso: "... Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội. Người đã hiến mình cho Giáo Hội, để làm cho Giáo Hội nên thánh hảo, thanh tẩy Giáo Hội trong nước bằng quyền năng lời của Người, để hiện lên trước nhan Người một Giáo Hội hiển vinh, thánh hảo và tinh tuyền, không nhăn nheo hay bất cứ sự gì như thế" (5:25-27).
Sự kiện "máu và nước chảy ra" đây còn tiêu biểu cho chính cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, "máu" (tiểu biểu cho cuộc tử nạn) chảy ra trước "nước" (tiêu biểu cho sự sống hay Thánh Linh) chảy ra sau. Nhưng cả hai đều tiêu biểu cho tình Ngài yêu thương Giáo Hội: "máu Thày sẽ đổ ra vì các con" (Luca 22:20), "các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Gioan 20:22).
Thánh Tâm Chúa Giêsu quả thực là biểu hiệu cho tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với chung nhân loại và riêng Giáo Hội Nhiệm Thể của Người, và chính bản thân của Người nói chung và Thánh Tâm của Người nói riêng là hiện thân của tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, một tình yêu tuyệt vời đã được mạc khải trong suốt Lịch Sử Cứu Độ của Dân Do Thái, như được Tiên Tri Hosêa (11:1b,3-4,8c-9) thuật lại tất cả tâm can của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này hết sức cảm động như sau:
"Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.... Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn... Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt".
Ở Bài Đọc 2, trong Thư Epheso (3:8-12,14-19), vị tông đồ Phaolô, một "kẻ hèn nhất trong các thánh" đã bày tỏ niềm nguyện cầu của mình cho Kitô hữu Thành Êphêsô được nhờ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Kitô mà trở nên "con người thiêng liêng" đầy những kiến thức thần linh về mọi chiều kích của tình yêu Chúa Kitô:
"Tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa".
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin hoán cải con trở nên như những trẻ nhỏ của Lòng Thương Xót Chúa, để con biết nhìn hết mọi anh chị em con bằng ánh mắt của tình yêu vô cùng nhân hậu Chúa như Mẹ Maria, cho tất cả được hiệp nhất nên một trong Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Thứ Bảy
Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria
Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, trước kia chỉ là Lễ Trái Tim Mẹ Maria hay Lễ Khiết Tâm Đức Mẹ, nhưng từ khi Chị Lucia, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima còn "sống ở thế gian lâu hơn để làm cho Mẹ đưoọc nhận biết và yêu mến" (Mẹ nói với Lucia ở Fatima 13/6/1917) đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII bức thư ngày 12/10/1940, trong đó, có 2 thỉnh nguyện chính: 1- xin Đức Thánh Cha hiệp cùng với hàng giáo phẩm trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria; 2- xin ngài thiết lập Lễ Trái Tim Mẹ (đã được phép cử hành ở địa phương bấy giờ), thành lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria cho chung Giáo Hội hoàn vũ.
Về điều thỉnh nguyện thứ 1, Đức Thánh Cha Piô XII, vị giáo hoàng sau này đã tuyên bố Tín Điều Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời ngày 1/11/1950, đã hiến dâng toàn thể loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 31/10/1942; và về điều yêu cầu thỉnh nguyện thứ 2, theo ý của ngài, Bộ Phượng Tự đã ban hành văn kiện ngày 4/5/1944 về việc thiết lập lễ này theo đúng danh xưng mới cho toàn thể Giáo Hội, nhưng cử hành vào ngày 22/8 hằng năm, cho tới năm 1969, theo chiều hướng canh tân phụng vụ, Lễ Trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đã được chuyển vào Thứ Bảy ngay sau Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Đúng thế, nếu bài Phúc Âm Năm B về biến cố Chúa Kitô tử giá bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn khiến "máu cùng nước chảy ra", mà bấy giờ Chúa Kitô đã chết không còn biết đau đớn gì nữa, thì người đau thay Chúa, đau cái đau của Chúa, đau cái đau với Chúa và đau cái đau như Chúa bấy giờ chính là Mẹ Maria, Người Mẹ duy nhất của Người trên trần gian, và cũng là người Mẹ kính mến Người không thể nào tượng tượng nỗi, một tình yêu như vô biên đến độ càng làm cho Mẹ đau cái đau đã được vị tư tế lão thành Simeon, đã tiên báo 33 năm về trước khi Hài Nhi Giêsu được Mẹ cùng với bõ Giuse dâng ở trong Đền Thánh sau 40 ngày vào đời, diễn tả như thể bị "lưỡi gươm đâm vào lòng" (Luca 2:35).
Tuy nhiên, bài Phúc Âm cho ngày Lễ Dâng Con ấy Giáo Hội lại không sử dụng lại cho Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria mà là một bài Phúc Âm khác cũng của Thánh ký Luca (2:41-51) về biến cố Mẹ Maria tìm thấy Người Con Thiếu Nhi Giêsu 12 tuổi của Mẹ trong Đền Thánh sau 3 ngày Mẹ lạc mất Người.
"Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: 'Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây, đã đau khổ tìm Con'. Người thưa với hai ông bà rằng: 'Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?' Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói".
Cụm từ "sau 3 ngày" này phải chăng ám chỉ đến thời gian Chúa Giêsu khổ nạn và tử giá nằm trong mộ đá cho tới khi Người sống lại từ trong kẻ chết, một thời gian Mẹ mãnh liệt tin tưởng Con Mẹ chắc chắn sẽ phục sinh và trông đợi Người, nhưng cũng là thời gian Mẹ cảm thấy như mất đi lẽ sống vì Con Mẹ không còn ở với mẹ hay mẹ ở với Con Mẹ như khi Người còn sống nữa. Ba ngày lạc mất Con Mẹ cũng thế.
Nếu Mẹ yêu mến Chúa đến độ không thể nào sống thiếu Chúa và sống mà không có Chúa thì Con Mẹ là chính "hiện thân của bản thể Cha" (Do Thái 1:3), là Thiên Chúa thật, là tất cả của Mẹ tự nhiên không còn ở với Mẹ nữa, Mẹ chẳng khác nào như chết đi vậy. Trong thời gian lạc mất con này Mẹ quả thực cảm thấy lòng Mẹ như thể bị gươm sắc đâm vào, vô cùng nhức nhối. Bởi thế, không lạ gì, khi vừa gặp thấy Con, Mẹ bản tính vốn ít nói đã như thể không cầm được lòng mình lên tiếng trách yêu Người như thể bày tỏ cho Người biết nỗi "đau khổ tìm Con" của Mẹ.
Cho dù "không hiểu lời Người nói", thế nhưng, như bài Phúc Âm hôm nay ghi nhận, "Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng". Đây là chi tiết thứ hai liên quan đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Bởi vì Trái Tim Mẹ là tiêu biểu cho đức tin của Mẹ, ở chỗ, lòng Mẹ vẫn tin cho dù trí Mẹ không hiểu, và Mẹ luôn có thái độ lắng nghe, bằng cách "ghi nhớ ... trong lòng" từng lời và mọi lời của Chúa, để Mẹ nhờ đó có thể đáp ứng ý Chúa ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự một cách mau mắn và xác đáng đẹp lòng Chúa mọi bề.
Ở đây, theo chiều hướng Fatima, thì Trái Tim Mẹ ở đây không phải là Trái Tim Đau Thương, Trái Tim 7 Sự (bi 7 lưỡi gươm đâm vào), hoặc Trái Tim Trinh Khiết hay gọi tắt là Khiết Tâm Mẹ, mà là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Nếu Trái Tim Mẹ tiêu biểu cho đức tin tuân phục của Mẹ thì "Vô Nhiễm Nguyên Tội" tiêu biểu cho tình trạng "đầy ơn phúc" ngay từ lúc hoài thai của Mẹ, một tình trạng "đầy ân phúc" nhờ đức tin tuân phục của Mẹ mà mức độ "đầy" không bao giờ vơi (Mẹ không bao giờ phạm một tí lỗi lầm nào), trái lại, càng "đầy" cho tới khi sức tự nhiên của Mẹ không thể nào chịu đựng được nữa nếu quyền năng của Chúa buông Mẹ ra thì Mẹ liền chuyển (transition) từ đời này sang đời sau.
Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi Mẹ từ lúc hoài thai trong lòng thai mẫu là nhờ Mẹ được hưởng trước ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Con Mẹ, được gìn giữ khỏi mọi hậu quả và tì vết nguyên tội, như thể, Mẹ được bài đọc 1 (Isaia 61:9-11) diễn tả "Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo".
Hỡi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa muôn đời. Amen.