SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Thứ Hai 19/10
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 20-25
"Có lời đã chép vì chúng ta là những kẻ được kể là tin vào Người".
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông nhìn đến thân xác cằn cỗi của mình, -- vì ông đã gần trăm tuổi, -- và tuổi già tàn tạ của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, "việc đó đã được kể cho ông là sự công chính".
Và khi chép rằng "Ðã được kể cho ông", thì không phải chỉ chép vì ông mà thôi, mà vì chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Ðấng đã cho Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75
Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người (c. 68).
Xướng: 1) Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa. - Ðáp.
2) Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người. - Ðáp.
3) Lời minh ước mà Người tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho chúng tôi được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 13-21
"Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: "Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?" Ðoạn người ấy nói: "Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!" Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm Chia Sẻ
sự sống cậy trông
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên, là bài Phúc Âm tiếp ngay sau bài Phúc Âm của Thứ Bảy tuần trước, và cả 2 bài Phúc Âm, cùng với Bài Đọc 1 của từng ngày, đều nhắm đến vấn đề người công chính sống bởi đức tin.
Thật vậy, chính đức tin mới chứng tỏ ai là người công chính và ai là người không công chính hay chưa công chính. Mà đức tin không thể tách rời với thử thách, tức những thử thách liên quan tới bản tính tự nhiên, tới giác quan thực nghiệm, tới ý nghĩ phàm nhân cho dù là hợp lý, tới ý muốn tự do cho dù là tốt lành v.v.
Bởi thế ai công chính là người như nhìn thấy Đấng vô hình, là người đi mà không biết mình đi đâu ngoài những nơi được hứa hẹn song chưa bao giờ tới, là người hy vọng trong cả những lúc hầu như tuyệt vọng v.v. Như trường hợp của vị tổ phụ Abraham là nhân vật được gọi là cha của những kẻ tin, như Thánh Phaolô Tông Đồ cho thấy trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Anh em thân mến,
lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông nhìn đến thân
xác cằn cỗi của mình, -- vì ông đã gần trăm tuổi, -- và tuổi già tàn tạ
của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại, ông
vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có
quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, 'việc đó đã được kể cho ông là
sự công chính'".
Đức tin đây không phải chỉ áp dụng cho riêng tổ phụ Abraham mà cho tất cả những ai tin tưởng như ông, tin tưởng vào Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, Vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho tổ phụ Abraham bằng lời hứa của Ngài, một lời hứa đã được hiện thực nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô Thiên Sai Cứu Thế. Bởi thế, Thánh Phaolô Tông Đồ đã viết thêm cho Kitô hữu thuộc Giáo đoàn Rôma như sau:
"Và khi chép rằng 'đã
được kể cho ông', thì không phải chỉ chép vì ông mà thôi, mà vì chúng ta nữa, là
những kẻ tin vào Ðấng đã cho Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi chết sống
lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công
chính hoá".
Đề tài người công chính sống bởi đức tin cũng được
chính Chúa Giêsu áp
dụng trong bài Phúc Âm hôm nay,
qua dụ ngôn Người huấn dụ về
khuynh hướng tự nhiên nơi con
người thường tham
lam vô đáy và
chỉ muốn hưởng
thụ tối đa, chẳng biết đến yêu
thương bác ái là gì, đến
nỗi họ chỉ
biết có thiên đường trần gian mà quên mất linh hồn bất tử đời
sau của mình:
"Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Ðoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!' Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".
"Nếu được lợi lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì" (xem Mathêu 16:26) thì quả thật: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?". Đó là lý do Chúa Giêsu đã cảnh giác "người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: 'Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi'" rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình cho khỏi mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Ở đây, Chúa Giêsu chẳng những cảnh báo cho người anh tham lam không chịu chia gia tài cho người em mà còn cảnh giác cả người em bị thiệt phần gia tài bị anh lấy mất nữa. Như thể Người khuyên người em rằng có lấy được phần gia tài của mình chăng nữa cũng chẳng ích lợi gì, cũng không quan trọng bằng phần rỗi đời đời của anh ta, đôi khi còn vì của cải mà mất linh hồn nữa. Trái lại, anh ta có thể lợi dụng chính những bất công và thua thiệt về vật chất ấy để sống đức tin, để sống nghèo khổ, để sống thiếu thốn, nhờ đó anh ta mới có thể càng thêm lòng trông cậy mọi sự nơi Đấng Quan Phòng Thần Linh.
Bài Đáp Ca hôm nay được trích từ Ca Vịnh của Tư Tế Giacaria, thân phụ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, bài ca vịnh được ông bộc phát sau một thời gian dài câm lặng, bởi ông đã tỏ ra hồ nghi không tin lời tiên báo của Tổng Thần Gabiên về việc người vợ son sẻ hết thời của ông sẽ hạ sinh một người con trai (xem Luca 1:18-20), cũng như sau khi người con trai "là tiếng kêu trong sa mạc" của ông vừa mở mắt chào đời và đang cần đặt tên cho.
Nội dung của Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa ý thức đức tin về một Vị Thiên Chúa giao ước cũng chính là Vị Thiên Chúa cứu độ của thành phần công chính sống bởi đức tin:
1) Chúa đã gầy dựng cho chúng
tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Người đã phán qua
miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa.
2) Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người.
3) Lời minh ước mà Người tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho chúng tôi được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi.
Ngày 19: 1. Thánh Gioan Brébeuf; thánh Isaac Jogues và các bạn tử đạo
2. Thánh Phaolô Thánh Giá, linh mục
Thánh Gioan Brébeuf, Thánh Isaac Jogues Và Các Bạn Tử Ðạo (thế kỷ XVII)
Tám tu sĩ dòng Tên bị thảm sát vì danh Chúa tại Bắc Mỹ vào thế kỷ XVII, có thể chia làm hai nhóm:
Nhóm thứ nhất chịu tử đạo tại Auriesville, thuộc liên bang Nữu Ước hiện nay, gồm có thánh René Goupil (29/9/1642), vị tử đạo đầu tiên của Mỹ Châu, thánh Isaac Jogues và Gioan Lalande (18/10/1648).
Nhóm thứ hai bị thảm sát tại Gia Nã Ðại, gồm có thánh Charles Danvel (16/3/1649), thánh Gabriel Lalmaut (16/3/1649), Thánh Gioan Brébeuf (16/3/1649), thánh Noel Chabanel (12/1649) và thánh Charles Garnier (07/12/1649).
Thánh Isaac Jogues bị dân Iroquois bắt và hành hình, nhưng ngài được người Hà Lan cứu thoát và trở về nước Pháp. Ngài đã để lại những đau khổ phải chịu và gây được một ấn tượng sâu xa. Nhưng chưa đầy ba tháng, ngài lại muốn ra đi, ngài viết: "Phải chăng vì tội lỗi nên tôi không xứng đáng chết trong dân Iroquois?". Thiên Chúa đã nhận lời ngài cầu xin và đã cho ngài toại nguyện.
Thánh Gioan Brébeuf là một nhà thần bí, luôn kết hiệp với Chúa trong lời cầu nguyện và tâm tình thống hối. Ngài luôn sẵn sàng chết vì Chúa.
Thánh Noel Chabanel, khi bị cám dỗ muốn trở về nước Pháp, ngài đã khấn hứa trong ngày lễ Thánh Thể năm 1647 rằng: Ngài sẽ ở lại mãi mãi và trung thành với sứ mạng truyền giáo cho người Hurons. Sau đó, ngài đã được vinh phúc lãnh triều thiên tử đạo.
Thánh Phaolô Thánh Giá, Linh Mục (1694-1775)
Thánh Phaolô sinh tại Uvada, miền Ligurie nước Ý ngày 03/01/1694. Ngay từ thời niên thiếu, ngài đã đặc biệt sùng kính Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngài cũng tha thiết ước mong được chịu tử đạo nên đã gia nhập đoàn quân viễn chinh ở Venise để chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau khi nhận ra ý Chúa, ngài đã giã từ vũ khí và xin vào dòng tu. Ngài được phong chức linh mục do tay Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII.
Sau đó, ngài sống cuộc đời ẩn dật tại núi Argentarô và lập dòng Thương Khó năm 1720. Lời hứa đặc biệt của dòng là chuyên lo giảng dạy cho mọi người về sự khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngài còn lập một dòng nữ chuyên lo cầu nguyện và sống cuộc đời Thương Khó Chúa.
Thánh nhân được Chúa cho làm nhiều phép lạ như nói tiên tri, thấu suốt được tâm hồn nhiều người. Hơn nữa, ngài có tài giảng thuyết, nhất là khi giảng về những đau khổ của Chúa.
Năm 1775, ngài từ trần tại Rôma, hưởng thọ 81 tuổi.
Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã phong ngài lên bậc Chân Phước và ít lâu sau, phong thánh cho ngài năm 1867.