SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Thứ Sáu 23/10
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 7, 18-25a
"Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi cái xác chết này?"
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi, nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội ở trong mình tôi. Thành ra khi tôi muốn làm sự lành, tôi nhận thấy trong tôi có lề luật, vì sự dữ vẫn kèm bên tôi. Theo như con người bên trong, tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi. Tôi là con người vô phúc! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Như thế, chính tôi lấy tâm thần mà phục vụ lề luật Thiên Chúa; còn về xác thịt, thì vâng phục lề luật của sự tội.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 66. 68. 76. 77. 93. 94
Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài (c. 68b).
Xướng: 1) Xin Chúa dạy con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài. - Ðáp.
2) Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
3) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. - Ðáp.
4) Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con. - Ðáp.
5) Ðời đời con không quên những huấn lệnh của Ngài, bởi lẽ đó mà Ngài đã ban cho con được sống. - Ðáp.
6) Con thuộc về Chúa, xin Chúa cứu độ con, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 54-59
"Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm Chia Sẻ
sự sống thâm tâm
Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên, tiếp theo ngay sau bài Phúc Âm hôm qua
về chính bản thân của Chúa Kitô, bài Phúc Âm hôm nay, với 7 câu cuối cùng
của đoạn 12, Thánh ký Luca đã thuật lại cho chúng ta những gì "Chúa Giêsu
phán bảo dân chúng" về việc họ biết xem điềm trời mà không biết suy đoán dấu
chỉ thời đại, cũng như việc họ cần phải thanh toán với đối phương khi còn có
thể.
Trước hết, về việc họ biết xem điềm trời mà không biết suy đoán dấu chỉ
thời đại: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các
ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi
đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những
kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này,
sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì
phải lẽ?"
Sau nữa, về việc họ cần phải thanh toán với đối phương bao lâu khi còn có thể: "Thế
nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi
dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến
trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào
ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả
xong đồng xu cuối cùng".
Vấn đề được đặt ra ở đây là việc
họ biết xem điềm trời mà không biết suy đoán dấu chỉ thời đại và việc họ cần
phải thanh toán với đối phương bao lâu khi còn có thể có liên hệ gì với nhau hay
chăng, nếu có thì ở chỗ nào, vì thật sự là giữa hai sự việc này, về mạch
văn, được nối kết với nhau bằng liên từ "thế nên" ở sự việc thứ hai, ngay
sau sự việc thứ nhất, tức là có liên quan đến sự việc thứ nhất?
Thật vậy, lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay có thể hiểu về lương tâm nơi con
người, được biểu hiệu qua hình ảnh của "quan toà", một thẩm quyền phán
xét nơi con người có thể ra tay hành hạ con người như những tay "lý hình",
và đồng thời cũng có thể "tống" con người "vào ngục" là chính thâm
tâm khổ ải bất an của con người, "cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối
cùng" là chấp nhận lỗi lầm của họ, những lỗi lầm mà trước đó, lúc còn "đang
lúc đi dọc đường", lúc đang còn được lương tâm nhắc nhở đừng
làm, đừng vấp phạm, tức nếu biết tránh né, đã không bị lương tâm trở
thành "quan tòa" phán xét họ đến độ họ cảm thấy bị hành hạ bởi những áy
náy, lo sợ, khổ tâm và bất an v.v.
Dấu chỉ thời đại để họ có thể giải quyết vấn đề lương tâm của họ là chính những
nhắc nhở của lương tâm trước khi họ liều mình vấp phạm theo đam mê nhục dục của
họ, bằng việc họ trấn an lương tâm theo những lý lẽ chủ quan nông cạn đầy tham
vọng nhất thời của họ. Hay dấu chỉ thời đại để họ có thể giải quyết vấn đề lương
tâm của họ thậm chí còn là chính những cắn rứt sau khi họ đã lỡ vấp phạm, để
nhờ đó họ có thể được giải thoát "ra khỏi" ngục tù thâm tâm của họ, bằng
cách "tự mình phê phán điều gì phải lẽ?" theo lời Chúa dạy trong bài
Phúc Âm hôm nay, ở chỗ chấp nhận lỗi lầm của mình, trả lại cho công lý những gì
mình đã qua mặt và cướp quyền: "trả xong đồng xu cuối cùng".
Trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, Thánh Phaolô Tông Đồ cũng cho thấy một thứ
ngục tù nơi thâm tâm của con người đã vướng mắc nguyên tội, như thể con người
bị giam giữ, khiến con người bị gò bó hạn hẹp không thể thoát thân, đến độ con
người cảm thấy như Vị Thánh Tông Đồ Dân Ngoại than lên rằng: "Tôi là con
người vô phúc! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này?":
"Anh em thân mến, tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi,
nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm
cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi
không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm điều
tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội ở
trong mình tôi. Thành ra khi tôi muốn làm sự lành, tôi nhận thấy trong tôi có lề
luật, vì sự dữ vẫn kèm bên tôi. Theo như con người bên trong, tôi cũng ưa thích
lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối
địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi
thể tôi".
Thực tế phũ phàng cũng cho thấy, trong đời sống đạo, có những tâm hồn rất đạo đức, đọc kinh xem lễ rước lễ hằng ngày, xưng tội hằng tháng, tĩnh tâm hằng năm, chay tịnh trường kỳ, dạy đạo liên miên v.v., nhưng vẫn liên tục lỗi đức bác ái một cách trầm trọng và công khai, gây gương mù gương xấu cho những ai sống quanh mình và với mình, như cho con cái và bạn bè ngoại đạo.
Thậm chí trong những lúc bối rối, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết được ý định của Ngài để mà làm theo. Thế nhưng, khi đã rõ ràng biết được ý muốn của Thiên Chúa, như qua vị linh hướng, chúng ta liền trốn mất, hay vội vàng chối bỏ, vì ý Chúa ấy không đúng như ý của chúng ta, hay là những gì phản lại với đời sống tự nhiên của chúng ta, bắt chúng ta phải bỏ mình!
Tình trạng chối bỏ chân lý và lấn át chân lý này vẫn thường xẩy ra trong đời sống hằng ngày của tất cả mọi người trên thế gian này nói chung và của Kitô hữu chúng ta nói riêng, khi chúng ta liên tục chối bỏ tiếng lương tâm của chúng ta, liên quan đến việc làm lành lánh dữ được lương tâm nhắc nhủ hay cảnh báo, bằng việc chúng ta trấn an lương tâm hay lèo lái lương tâm theo sở thích tự nhiên của mình hay theo ý riêng vị kỷ của mình.
Bởi thế, để có thể sống chân chính và bằng an theo lương tâm của mình, hơn là theo đam mê nhục dục và tính mê nết xấu của bản tính mang nguyên tội của mình, khiến con người sống bất hạnh hơn là phúc hạnh, con người cần phải thành tâm khẩn cầu cùng Chúa bằng các ước nguyện của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Xin Chúa dạy con
sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài.
2) Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.
3) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa.
4) Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con.
5) Ðời đời con không quên những huấn lệnh của Ngài, bởi lẽ đó mà Ngài đã ban cho con được sống.
6) Con thuộc về Chúa, xin Chúa cứu độ con, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.
Ngày
23/10: Thánh
Gioan Capestranô, linh mục
Thánh Gioan Capistranô sinh năm 1386 tại nước Ý. Ngài là luật sư và là thống đốc
thành phố Pêrugia. Khi những kẻ thù của thành phố bắt giam ngài trong tù, thánh
Gioan đã có dịp suy nghĩ về ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Các kẻ thù của
Gioan chưa vội thả ngài, nên Gioan có nhiều thời giờ để nhận thức được điều quan
trọng hơn hết chính là ơn cứu độ của linh hồn mình. Vì thế, khi được trả tự do,
Gioan Capistranô liền đến xin gia nhập dòng Phanxicô. Lúc ấy Gioan được 30 tuổi.
Đối với Gioan, cuộc sống của một linh mục khó nghèo quả thực là một thay đổi
lớn. Nhưng thánh nhân đã hy sinh ý riêng của mình vì lòng yêu mến Đức Chúa
Giêsu. Và Gioan Capistranô đã cố gắng với hết cả tâm hồn để thực hiện việc này.
Sau khi trở thành linh mục, Gioan Capistranô được sai đi giảng đạo. Gioan cùng với cha cựu tập sư của mình, thánh Bênađinô Siêna, đã rao giảng về lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu khắp nơi. Gioan Capistranô rao giảng khắp Âu châu suốt 40 năm. Tất cả những ai đã nghe thánh nhân thuyết giảng đều được ơn biến đổi, yêu mến và phục vụ Đức Chúa Giêsu hơn.
Một điển tích nổi bật trong
đời sống của vị thánh này đến từ trận chiến Belgrết. Quân Thổ đã quyết định
chinh phục toàn cõi Âu châu và xóa sạch Giáo hội của Đức Chúa Giêsu. Đức thánh
cha đã gởi thánh Gioan Capistranô đến với tất cả các quốc vương Công giáo ở Âu
châu để xin họ cùng liên minh chống lại đội quân Thổ hùng mạnh. Các quân vương
đã nghe theo lời của vị linh mục nghèo khó, đi chân đất này. Gioan Capistranô đã
hâm nóng lòng yêu mến Thiên Chúa và lòng can đảm của họ bằng những lời giảng
thuyết nảy lửa. Dù cho một đội quân Kitô hùng hậu tiến ra nghênh chiến với
Môhammét II và quân đội của ông, thì dường như đội quân Kitô vẫn thua trận. Quân
thù vẫn hùng mạnh hơn gấp nhiều lần! Rồi chính thánh Gioan Capistranô, dù đã 70
tuổi, đã chạy trước đội quân Kitô và ủy lạo tinh thần của các chiến sĩ. Giơ cao
tượng Chịu Nạn trong tay, ông già với dáng người mảnh khảnh nhỏ nhắn này hô to:
“Chiến thắng! Giêsu! Chiến thắng!” Và các chiến binh Kitô cảm thấy được tràn đầy
can đảm hơn bao giờ hết. Họ đã chiến đấu cho tới lúc kẻ thù phải bỏ chạy vì
hoảng sợ. Một thời gian ngắn sau đó, thánh Gioan Capistranô qua đời vì cơn bệnh
dịch, nhằm ngày 23 tháng Mười năm 1456. Ngài được phong thánh năm 1690.
Với sự trợ giúp của Thiên
Chúa, người ta có thể làm được những công việc vĩ đại. Chúng ta hãy nài xin
thánh Gioan Capistranô san sẻ cho chúng ta lòng can đảm và nhiệt thành của ngài
để thực thi những điều hay lẽ phải