SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
22/2/2015 (Chúa Nhật):
Satan... dã thú... Thiên Thần
Phụng vụ lời Chúa cho Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay, nhất là bài Phúc Âm, cho cả 3 chu kỳ A-B-C, đều liên quan đến sự kiện Chúa Giêsu chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang địa và chịu cám dỗ. Chúa Nhật thứ hai của Mùa Chay cũng thế, bao giờ cũng là bài Phúc Âm về sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi cao.
Giáo Hội cố ý chọn đọc 2 Phúc Âm cho Chúa Nhật thứ 2 của 2 tuần đầu Mùa Chay như thế là để hướng con cái mình về chính cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, một cuộc Vượt Qua bao gồm 2 chiều kích: khổ nạn (được ám chỉ nơi biến cố chay tịnh) và phục sinh (được tiêu biểu nơi biến cố biến hình).
Riêng bài phúc âm của Thánh ký Marcô cho chu kỳ Năm B Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay khác hẳn với 2 bài phúc âm của Thánh ký Mathêu cho Năm A cũng như của Thánh ký Luca cho Năm C. Ở chỗ, bài phúc âm của Thánh ký Marco rất vắn gọn: 1- không hề thuật lại đầy đủ tiến trình về các chước cám dỗ của Satan; 2- có thêm một câu rất đặc biệt không có trong 2 phúc âm kia, đó là câu: “sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người”; 3- và còn có có thêm cả câu Chúa Giêsu tuyên bố về toàn bộ nội dung Phúc Âm của Người: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Bài phúc âm của Thánh ký Marco cho chu kỳ Năm B Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay bao
gồm 2 phần: phần đầu về sự kiện "Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và
Người ở đó suốt 40 đêm ngày...", và phần hai về sự kiện "Cha Giêsu sang Xứ
Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa...".
Ở phần đầu, Thánh ký Marcô diễn tả một cảnh tượng chưa từng thấy về Chúa Giêsu trong hoang địa, không có trong 2 phúc âm thuộc bộ Phúc Âm Nhất Lãm kia, đó là cảnh tượng bao gồm đủ mọi sự - cả ma quỉ dưới hỏa ngục, lẫn thú vật trên mặt đất và thiên thần trên trời cao: Người "chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và được các Thiên Thần đến hầu hạ".
Trước hết, "Satan" đây chính là "con khủng long, con cựu xà , tức là ma quỉ hay Satan, tên cám dỗ cả thế gian" (Khải Huyền 12:9), sở dĩ hắn có mặt trong hoang địa với Chúa Giêsu là vì hắn muốn khám phá ra sự thật về Người, xem Người có thật sự là "Con Thiên Chúa" (xem Mathêu 4:3,6; Luca 4:3,9) hay chăng, vì hắn là "con khủng long đứng trước người nữ sắp sinh con để chờ nuốt con của bà khi bé được sinh ra" (Khải Huyền 12: 4).
Sự kiện Người "chịu Satan cám dỗ" đây ám chỉ vương quốc của hắn sắp bị Người tàn phá: "Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra chính là để phá hủy công việc của ma quỉ" (1Gioan 3:8), nhờ đó lời hứa ban đầu của Thiên Chúa trong vườn địa đường sau nguyên tội được ứng nghiệm: "Người sẽ đạp nát đầu ngươi khi ngươi rình cắn gót chân của Người" (Khởi Nguyên 3:15).
Sau nữa, "dã thú" đây là tiêu biểu đại diện cho "toàn thể thú vật trên mặt đất" được nói đến trong bài đọc 1 (Khởi Nguyên 9:8-15), một loài thú vật tuy thấp hơn loài người về bản tính, nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào loài người, ở chỗ, trong lụt đại hồng thủy, chúng bị tiêu diệt như loài người nhưng cũng được cứu với loài người và nhận lãnh giao ước của Thiên Chúa với loài người (xem Khởi Nguyên 8:12).
Sự kiện Người "sống chung với dã thú" đây ám chỉ cuộc khổ giá của Người, một cuộc khổ giá gây ra bởi những con người "lòng lang dạ thú" sống mù quáng theo bản năng tự nhiên ác độc của họ.
Sau hết, "thiên thần" đây là loài thần thiêng trên trời, có bản tính tốt lành hơn loài người, một bản tính loài người đã được Con Thiên Chúa hóa thành nhục thể mặc lấy, nhưng vì bản tính loài người đã được ngôi hiệp với thần tính của Người mà Chúa Kitô vẫn trổi vượt hơn loài thần thiêng trên trời, nên mới được "các thiên thần đến hầu hạ".
Sự kiện Người "được các thiên thần đến hầu hạ" đây ám chỉ về biến cố Phục Sinh của Người sau này, ở chỗ sau khi Người phục sinh ra khỏi mồ, các thiên thần đã đến canh giữ mồ thánh là nơi Thánh Thể của Người được an táng (xem Marco 16:5-7; Luca 24:4-7), và vì thế ở bài đọc 2 (1Phêrô 3:18-22) Tông Đồ Phêrô cũng đã xác tín rằng: "Các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người" (1Phêrô 3:22).
Phần hai của bài Phúc Âm liên quan đến sự kiện "Chúa Giêsu sang Xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng về nước Thiên Chúa..." cho thấy lời Thiên Chúa phán trong bài đọc 1 về "dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất", đó là "một ứng cái cầu vồng trên trời", một dấu chỉ cứu độ và hy vọng, đã được nghiệm nơi bản thân Chúa Giêsu, "Đấng công chính thay cho kẻ bất công" (Bài đọc 2), cũng như nơi "Tin Mừng về Nước Thiên Chúa" là những gì được Người, như bài đọc 2 cho thấy, "đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin".
Đaminh Maria Cao
Tấn Tĩnh, BVL