Trọn Lành như Cha Thương Xót

(Mathêu 5:48 + Luca 6:36)

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Bài chia sẻ cho Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

Ngày Tĩnh Tâm Thứ Bảy 11/4/2015 để dọn mừng Lễ Lòng Thương Xót Chúa 12/4/2015

 

 

Đấng Tối Cao - Một Ác Thần!

 

Vì chưa nhận được mạc khải thần linh từ trời, từ chính Thiên Chúa, như trong Lịch Sử Cứu Độ của Dân Do Thái, về một vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, ngoài Ngài ra không có một hay không còn một chúa tể nào khác, mà con người ngay từ ban đầu, biến mình từ tạo vật thành hóa công, theo ý nghĩ và ý muốn của mình, "tạo dựng" nên Thiên Chúa. 

 

Và vì ý nghĩ và ý muốn khác nhau, theo bản tính đã vướng mắc nguyên tội đầy lầm lạc, loài người đã đi đến chỗ tôn thờ đa thần, trong đó có thần mặt trời (Thái Dương Thần như ở Nhật giáo của người Nhật) hay thần xúc vật (Thần Bò ở Ấn giáo của người Ấn Độ), thậm chí họ còn tin thờ những thứ thần linh hoàn toàn đối nghịch nhau, như thần lành và thần dữ (ác thần), thần ánh sáng và thần bóng tối v.v.

 

Nói chung, vì được dựng nên theo hình ảnh thần linh, với một ước muốn sống trường sinh bất tử, cho dù mang thận phận hữu hình và hữu hạn, tận đáy lòng của mình, con người vốn tin có một Đấng Tối Cao nào đó, một vị Thần Linh đầy quyền năng, nhất là trong việc cứu con người khỏi những bất hạnh và nguy khốn trong đời. 

 

Ngoài yếu tố chính yếu về Đấng Tối Cao là quyền năng vô địch của Ngài, con người còn cho rằng Ngài là vị thần linh công minh theo chủ trương tự nhiên "ác quả ác báo" hay "gieo gió gặt bão" của con người, thậm chí cho rằng Ngài là vị thần linh khôn ngoan hơn con người nữa: "mưu sự tại nhân thành sự tại thiên", như Khổng giáo chủ trương.

 

Chủ trương Đấng Tối Cao cũng là và chính là Đấng Thưởng Phạt Công Minh đã hoàn toàn biến Đấng Tối Cao của loài người trở thành hung thần và ác thần, và vì thế trở thành tà thần và ngụy thần (loại thần giả tạo xấu xa). Ở chỗ, động một tí là Đấng Tối Cao nổi cơn thịnh nộ lên và sử dụng quyền năng của mình để giáng phạt con người cho xứng với tội lỗi của họ. 

 

Trong khi đó, là loài "nhân vô thập toàn", không thể nào không phạm tội, làm lành thì ít hành ác thì nhiều, thì không một ai có thể tồn tại với Đấng Tối Cao Thưởng Phạt vô cùng Công Minh này! Vậy thì lòng mong đợi được cứu độ nơi con người mang thân phần hữu hạn luôn hướng về vô hạn, nhưng tự nhiên vô cùng mù quáng và yếu hèn về tâm linh không thể nào vươn lên và tự cứu mình đã biến thành hoang tưởng, vì Đấng Tối Cao của họ chỉ là một hung thần, một ác thần hơn là một Cứu Chúa. 

 

Đó là lý do, vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của Dân Do Thái là dân tộc độc thần duy nhất thời xưa, tuy quả thực là vị Thiên Chúa toàn năng, đã cứu dân tộc của họ ra khỏi thân phận nô lệ ở Ai Cập hùng mạnh, và quả thực là vị Thiên Chúa vô cùng Công Minh thưởng phát đâu vào đó, đến độ hình ảnh về Ngài trong Thánh Kinh Cựu Ước bề ngoài có vẻ là một vị hung thần độc đoán nghiêm trị hơn là một vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu như "khi đến thời viên trọn" (Galata 4:4) nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. 

 

“Thiên Chúa là Tình Yêu”

 

Thế nhưng, nếu theo dõi kỹ Lịch Sử Cứu Độ của Dân Do Thái, nhất là cuộc hành trình 40 năm băng qua sa mạc của họ, đến độ hai lần Thiên Chúa đã muốn tiêu diệt họ, một lần khi họ thờ bò vàng (xem Xuất Hành 32:7-14) và một lần sau khi do thám Đất Hứa (xem Dân Số 14:11-20), nhưng Ngài đã tha cho họ nhờ lời chuyển cầu của Moisen; rồi trong thời Quan Án và thời Các Vua, họ vẫn tiếp tục bất trung với giao ước của Ngài, đến độ Ngài không thể nào không đầy ải họ sang bên Babylon (2 Chư Vương 25:1-12), nhưng vì chính Danh Thánh của mình, Ngài đã tự động mang họ về lại Đất Hứa mà Ngài đã ban cho họ (xem Ezekien 36:16-25). 

 

Rồi nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, "Ngài đã yêu những ai thuộc về mình (bao gồm cả Do Thái lẫn Dân Ngoại) thì Người muốn chứng tỏ là Ngài yêu họ cho tới cùng" (Gioan 13:1), ở chỗ, Con của Ngài đã "hiến mạng sống mình cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10), và hiến cho từng con chiên một, cho tới con chiên lạc cuối cùng (xem Luca 15:1-5), và ở chỗ "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con của Ngài, nhưng phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32), cho dù loài người không xứng đáng để Ngài thí Người Con duy nhất vô cùng cao trọng của Ngài, trái lại, trong khi "chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta" (Rôma 5:8).

 

Đó là lý do "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gioan 19:25,20:2,21:7) đã cảm nhận "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) vô cùng chính xác về vị Thiên Chúa của Kitô giáo. Thật ra, cảm nhận thần linh này của "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" chỉ là phản ảnh mạc khải thần linh của chính Thiên Chúa, Đấng đã xưng mình "Ta là Ta" (Xuất Hành 3:16), cũng như của Chúa Kitô; "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24).

 

Đúng thế, danh xưng của Thiên Chúa trong Cựu Ước được Ngài tỏ cho Moisen từ trong bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi "Ta là Ta - I am who am", có nghĩa là Ta là Sự Thật, Ta là Sự Hữu, Ta là Sự Có, mà Tình Yêu bao giờ cũng nhưng không (tự Có), khởi động (Có trước) và thủy chung (Có từ đầu đến cuối), đúng như "Thiên Chúa đã tỏ mình ra thực sự "là Tình Yêu" trong Lịch Sử Cứu Độ, ở chỗ Ngài đã nhưng không dựng nên con người, đã tự động hay khởi động thiết lập giao ước với tổ phụ họ, và đã trung thành với họ bất chấp tình trạng liên lỉ bất trung của họ. 

 

Danh xưng "Thiên Chúa là Thần Linh" trong Tân Ước được Chúa Giêsu mạc khải trong Phúc Âm của "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" cũng thế. "Thần Linh" đây không phải chỉ có tính chất vô hình như bản tính của các thiên thần, mà còn có tính chất thẩm thấu trong liên hệ mật thiết yêu thương. Ở chỗ, trong khi thiên thần không thể ở trong linh hồn con người ta thì "Thiên Chúa là Thần Linh" có thể thấu suốt con người và ở trong từng người, và biến đổi con người, khiến con người có thể hiệp nhất nên một với Ngài.

"Thiên Chúa là Tình Yêu" có thể nói là tất cả mạc khải thần linh của vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của cả Do Thái giáo và Kitô giáo, là bản tính toàn hảo của Ngài, một bản tính được Ngài tỏ ra cho con người, trong Lịch Sử Cứu Độ, mà tột đỉnh là cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai Con của Ngài, Đấng đã đến "để tỏ Cha ra" (Gioan 1;18), bằng cả lời nói và việc làm của Người.

 

Điển hình nhất là ở Bài Giảng Trên Núi, khi Người khuyên dạy các tông đồ phải sống đức bác ái trọn lành đối với tha nhân, vì chỉ có "đức ái trọn hảo - perfectae caritatis" mới làm cho các vị nhờ đó đạt tới lý tưởng thánh thiện siêu việt nhất đó là nên giống chính "Cha trên trời".

 

Trong Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, lời Chúa Giêsu kêu gọi các vị sống "đức ái trọn hảo" đó là "các con hãy nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành" (5:48), nhưng ở trong Phúc Âm Thánh ký Luca, Chúa Giêsu lại kêu gọi các tông đồ rằng: "Các con hãy cảm thương như Cha của các con thương xót" (6:36). Như thế, "trọn lành" như Cha đây chính là "thương xót" như Cha. "Trọn lành" mà không "thương xót" thì không phải là "trọn lành", không giống Cha, trái lại, càng "thương xót" càng "trọn lành như Cha của các con trên trời". 

 

Thật vậy, "Cha trên trời" trọn lành ở chỗ, như chính lời Con của Ngài dẫn chứng trong Phúc Âm Thánh Mathêu, "Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính" (5:45).  

 

Bằng tình yêu vô cùng nhân hậu xót thương của mình, "Cha trên trời là Đấng trọn lành" còn được tỏ ra ở chỗ: "Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta là khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta" (Roma 5:8); thậm chí còn ở chỗ Ngài "đã không dung tha cho Con riêng của mình, một đã phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32).

 

“Cha trên trời là Đấng thương xót

 

Thế nhưng, phần chúng ta, cần phải "thương xót" như thế nào mới có thể "nên trọn lành như Cha của các con trên trời"? Sau đây là bản phân tích tổng hợp cả hai bài Phúc Âm, bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, Phúc Âm cho thành phần dân Chúa và liên quan đến tinh thần của lề luật là chính sự "trọn lành", và bài Phúc Âm của Thánh ký Luca, Phúc Âm cho thành phần dân ngoại, liên quan đến tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa là "tình thương".

 

 

 

Phúc Âm Thánh Mathêu (5:38-48)

 

Phúc Âm Thánh Luca (6:27-36)

 

Sống Tự Nhiên

 

46 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ?

47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ?

 

32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 

 

 

 

 

33 Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.

34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.

 

 

Sống Trọn Lành

 

43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.

 

 

27 Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 

 

Sống Xót Thương

 

38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

 

 

29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 

 

 

 

 

 

35 Hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả.

 

Sống Tự Nhiên

 

Để các tông đồ có thể biết thế nào là sống trọn lành, Chúa Giêsu đã nói đến những thái độ hay phản ứng ở lãnh vực hay tầm mức tự nhiên, theo bản tính tự nhiên, theo con người tự nhiên, không cần phải có ơn Chúa cũng làm được và bao giờ cũng là khuynh hướng chung của con người sống trên trần gian này.

 

Chúa Giêsu đã nêu lên 4 thái độ tự nhiên mà đã là người ai cũng làm như vậy, bao gồm cả những ai không có đức tin, thành phần "dân ngoại" (theo Phúc Âm Thánh Mathêu), không phải dân Chúa, không phải Kitô hữu, thậm chí cả thành phần "thu thuế" được coi là thành phần tội lỗi (theo Phúc Âm Thánh Mathêu) hay "tội nhân" (theo Phúc Âm Thánh Luca). 

 

Bốn thái độ tự nhiên vô tội nhưng không "trọn lành" này là 

1- "yêu thương kẻ yêu thương mình" (Mathêu 5:46; Luca 6:32); 

2- "chào hỏi anh em mình" (Mathêu 5:47); 

3- "làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình" (Luca 6:33); 

4- "cho vay mà hy vọng đòi lại được" (Luca 6:34).

 

Sống Trọn Lành

 

Sống trọn lành trước hết là không sống theo tự nhiên mà là sống một cách siêu nhiên, sống một cách trên tầm mức tự nhiên bình thường của một con người tầm thường.

 

Sống trọn lành ở đây, căn cứ vào giáo huấn Chúa dạy trong cả 2 bài Phúc Âm, đều liên hệ mật thiết và trực tiếp đến đối tượng tha nhân, đó là (căn cứ vào Phúc Âm của Thánh ký Luca đầy đủ hơn về 4 đối tượng khác nhau, thay vì chỉ có 2 như trong Phúc Âm Thánh ký Mathêu và 2 đối tượng này cũng bao gồm trong Phúc Âm Thánh Luca): 

 

1- "kẻ thù"

2- "kẻ ghét"

3- "kẻ nguyền rủa"

4- "kẻ vu khống"

 

Vậy, thành phần chủ thể là môn đệ chân chính và trọn lành của Chúa Kitô phải đối xử ra sao với 4 đối tượng này, nếu không phải, như lời Chúa dạy trong Phúc Âm Thánh Luca, cần phải đối xử hoàn toàn ngược lại với những gì đối tượng tha nhân gây ra cho bản thân của thành phần môn đệ Kiô hữu:

 

1- "yêu >< thù"

2- "làm ơn >< ghét"

3- "chúc lành >< nguyền rủa"

4- "cầu nguyện >< vu khống"

 

Căn cứ vào thứ tự của 4 thái độ sống trọn lành được liệt kê trên đây theo lời Chúa, chúng ta có thể thấy ý nghĩa về thành phần "kẻ thù" như thế nào? Có thể nói "kẻ thù" của chúng ta có 1 trong 3 thái độ hay 2 hoặc cả 3 thái độ phạm đến chúng ta, những thái độ từ trong ra ngoài con người của họ thứ tự là: "ghét" (ở trong lòng) + "nguyền rủa" (ở ngoài miệng lưỡi ngôn từ) + "vu khống" (nơi việc làm - bản dịch The New American Bible sử dụng chữ "maltreat/mistreat - đối xử tồi tệ / bạc đãi").

 

Riêng việc "yêu kẻ thù mình" theo lời Chúa dạy đây không phải chỉ ở tầm mức "từ bi hỉ xả" như giáo lý của Nhà Phật, hay ở tầm mức sống cao thượng như một chính nhân quân tử theo chủ trương của Khổng giáo, mà là ở chỗ "làm ơn" cho họ nữa, thậm chí dám chết cho cả kẻ thù của mình nữa, vì "yêu" lên tới tột đỉnh là ở chỗ hiến mạng sống mình vì người mình "yêu" (xem Gioan 15:13), như gương của chính Thiên Chúa đã yêu thương kẻ thù của Ngài là thành phần tạo vật nhân loại xúc phạm đến Ngài, bằng việc hiến tế để cứu chuoọc họ nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. 

 

Sống Xót Thương

 

Nếu sống trọn lành liên hệ trực tiếp đến đối tượng tha nhân thì sống xót thương trực tiếp liên hệ đến chủ thể Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô mà thôi. Có thể nói, sống xót thương là phần thực hành cụ thể cho thấy thành phần Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô có thực sự sống trọn lành như Cha trên trời hay chăng.

 

Căn cứ vào cả hai bài Phúc Âm, chúng ta thấy những thái độ hay thực hành cụ thể liên quan đến lòng thương xót trọn lành bao gồm 1 nguyên tắc và 5 thái độ được lời Chúa liệt kê thứ tự như sau (ở đây trích hầu hết từ Phúc Âm theo Thánh ký Mathêu dù Phúc Âm Thánh ký Luca cũng tương tự nhưng không đầy đủ bằng):

 

Nguyên tắc về đối tượng: "đừng chống cự người ác". Ở đây, Chúa Giêsu chỉ bảo thành phần môn đệ sống trọn lành xót thương là đừng phạm đến bản thân của "người ác", vì dầu sao họ cũng đáng thương, bởi "họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không bảo chúng ta hay ngăn cản chúng ta đừng chống lại việc gian ác họ làm, việc xấu xa tệ hại họ gây ra.

 

Nguyên tắc về đối xử"Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi" (Mathêu 5:42), thậm chí "Hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả" (Luca 6:35). 

 

Ở phần thực hành lòng thương xót đối với những ai phạm đến bản thân Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, theo nguyên tắc về đối xứ trên đây, thì thành phần bị xúc phạm từ trong ra ngoài (như thứ tự liệt kê) cần phải chẳng những sẵn sàng chấp nhận - "ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi" mà còn quảng đại tha thứ nữa - "cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả". Chữ "vay" hay "vay mượn" ở đây ám chỉ việc phạm đến nhau, việc nợ nần nhau theo ý nghĩa "nợ" trong Kinh Lạy Cha.

 

1- "bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa" (về danh giá, trực tiếp đụng đến bản thân của mình)

2- "ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài" (về của cải tùy thân)

3- "Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm" (về công sức việc làm)

 

Cả 3 thái độ trọn lành trên đây chứng tỏ nạn nhân bị xúc phạm thực sự là "ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi" mà còn thậm chí "cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả".

 

Chúa Kitô Thương Xót – Con tin nơi Chúa!

 

Chúa Kitô chính là hiện thân sống động của "Cha trên trời là Đấng trọn lành" và Người cũng "xót thương như Cha thương xót".

 

Trước hết, đối với các tông đồ được Người tuyển chọn ở với Người để có thể làm chứng về Người, Người cũng huấn luyện cho các vị có lòng xót thương như Người. Chẳng hạn, khi hai tông đồ Giacôbê và Gioan xin Người khiến lửa trời xuống thiêu đốt một ngôi làng Samaria vì không chịu tiếp rước Người thì Người đã quở trách các vị (xem Luca 9:51-55); hay khi các tông đồ ngăn cản không cho các trẻ nhỏ đến cùng Người, Người cũng lên tiếng bênh vực các em (xem Mathêu 19:13-15).

Sau nữa, đối với chính các tông đồ "là những kẻ thuộc về Người trên thế gian này, thì Người muốn chứng tỏ Người yêu thương họ đến cùng" (Gioan 13:1), ở chỗ, theo nội dung sâu xa của bài Phúc Âm được Thánh ký Gioan thuật lại kèm theo ghi chú, Người đã rửa chân cho các tông đồ là đầy tớ của Người, trong đó có cả người môn đệ phản nộp Người là Giuđa Íchca - "chân" là phần thân thể thấp hèn nhất trong thân thể đây chẳng những ám chỉ tông đồ Giuđa Íchca bao giờ cũng được liệt kê cuối cùng trong danh sách 12 tông đồ, mà còn ám chỉ lạc loài của người môn đệ như con chiên lạc này cần được Người "yêu cho đến cùng" - tìm cách mang về đàn là tông đồ đoàn.

 

Sau hết, đối với chính bản thân mình, Người càng tỏ ra "thương xót như Cha xót thương", ở chỗ, cho dù chung dân Do Thái và riêng Hội Đồng Đầu Mục Do Thái đã cố tình tìm cách giết Người cho bằng được, bằng bàn tay của dân ngoại Rôma, Người vẫn cảm thương họ và càng thương họ hơn bao giờ hết, và tìm cách cứu vớt họ bằng chính cái chết của Người bởi tay họ: "Xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34).

 

Thiên Chúa của Kitô giáo là vị Thiên Chúa toàn hảo, không phải chỉ ở chỗ toàn năng và vô cùng khôn ngoan cùng thưởng phạt công minh, mà còn chính là ở chỗ Ngài là Cha yêu thương vô cùng nhân hậu, một vị Thiên Chúa chỉ sống động bởi tình yêu và cho tình yêu, một tình yêu toàn năng và khôn ngoan lo cho lợi ích đời đời của tạo vật, thậm chí trong cả phán quyết luận phạt của Ngài, một tình yêu biến đổi tạo vật, làm cho họ đưoọc hiệp nhất nên một với Ngài, đến độ họ có thể yêu thương như chính Ngài, "xót thương như Cha trên trời xót thương", "trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành".

 

Sở dĩ Kitô hữu phải nên trọn lành và xót thương như Cha trên trời trọn lành và xót thương là vì họ là con cái của Ngài, thành phần dưởng tử của Ngài trong Con Một của Ngài, và vì là con cái Thiên Chúa là Cha của mình thì họ phải tác hành một cách trọn lành xót thương như Cha của mình mới xứng đáng là con cái của Ngài, chứ không thể tác hành tự nhiên như dân ngoại hay thành phần tội nhân đối với tha nhân, nhất là đối với kẻ thù của mình. 

  

Vẫn biết những việc Chúa làm và những gì Chúa dậy vô cùng cao siêu, con người tự nhiên vô cùng yếu hèn không thể nào với tới và đạt được, thế nhưng, chính Vị Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu đã hóa thân làm người như chúng ta và đã sống những gì Người dạy, thì có nghĩa là Kitô hữu, thành phần đã được hiệp nhất nên một với Người với tư cách là con cái của Cha trên trời, cũng có thể làm được như Người, nếu họ dám để Người tự do yêu thương họ và nhờ đó biến đổi con người tự nhiên của họ, đến độ họ có thể "yêu nhau như Thày yêu thương các con" (Gioan 13:34, 15:12).

 

Thế nhưng, để có thể nên trọn lành và xót thương như Cha trên trời, cần phải có một ánh mắt thấu suốt mới có thể cảm thương như Ngài, và khi đã có được ánh mắt của Ngài và con tim của Ngài thì loài người hữu hạn vốn thiển cẩn và hẹp hòi sẽ có thể nhìn mọi sự hoàn toàn khác và có thể làm được những gì bản tính tự nhiên vốn bất khả và sợ hãi.

 

Muốn có được ánh mắt cảm thương và cõi lòng bao la như Cha trên trời, Kitô hữu chúng ta nói chung và TĐCTT nói riêng cần phải được Ngài chiếm đoạt và biến đổi, đến độ chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: "Sự sống tôi hiện đang sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20).

 

Tuy nhiên, để được tình yêu Thiên Chúa chiếm đoạt và biến đổi như thế, TĐCTT chúng ta có dám để cho Ngài tự do yêu thương chúng ta hay chăng, hay chúng ta một đàng rất sợ bị Chúa bỏ rơi nhưng đàng khác, trái lại, chúng ta lại tỏ ra rất ư là mâu thuẫn ở chỗ khi Chúa tỏ tình yêu thương chúng ta, muốn chiếm đoạt và biến đổi chúng ta bằng Thánh Giá đau khổ thử thách như Ngài "đã không dung tha cho Con Một của Ngài" (Roma 8:32) thì chúng ta lại chạy trốn hay chống lại tác động thần linh của Ngài!?! 

 

Bởi vậy, kết cục ở đây là muốn nên trọn lành và xót thương như Cha trên trời, TĐCTT chúng ta cần phải "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!" ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự!

Hội thảo chia sẻ  

Hội Thảo về Ánh Mắt của Lòng Thương Xót Chúa để có thể "xót thương như Cha thương xót"

1.      "Thiên Chúa không sai Con đến trần gian để luận phạt trần gian mà là để thế gian nhờ Người mà được cứu độ" (Gioan 3:17);

2.      "Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta ở chỗ trong khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta" (Roma 5:8);

3.      "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Ngài, một phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32);

4.      "Thiên Chúa vì chúng ta đã làm cho Người là Đấng không hề biết đến tội lỗi trở thành tội lỗi để trong Người chúng ta trở nên chính sự thánh thiện của Thiên Chúa" (2Corinto 5:21)

5.      "Tôi đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người" (Mathêu 20:28);

6.      "Tôi đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư hoại" (Luca 19:10);

7.      "Tôi đến không phải để kêu gọi kẻ cho mình là công chính mà là tội nhân" (Mathêu 9:13)

8.      “Tuy thân phận là Thiên Chúa nhưng Người đã không tự coi mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại, Người đã tự hạ ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra như loài người… đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá…” (Philiphe 2:6-8).

9.      “Người đã không còn hình tượng gì nữa” (Isaia 52:14)

10.  “Người đã bị khai trừ khỏi nhân sinh” (Isaia 53:8)

11.  “Tôi là một con sâu bọ đất chứ không phải là người nữa” (Thánh Vịnh 22:7)

12.  "Hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29)

13.  "Người đã mang lấy các bệnh nạn của chúng ta, đã gánh chịu các khổ đau của chúng ta" (Isaia 53:4; Mathêu 8:17)

14.  "Người không bẻ gẫy cây sậy rũ rượi và không dập tắt ngọn bấc còn xông khói" (Isaia 42:3; Mathêu 12:20)

15.  "Xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34)

16.  "Ai trong quí vị không có tội thì hãy ném đá chị ta trước đi... Này chị, họ đi đâu hết cả rồi. Không ai kết tội chị sao... Tôi cũng không kết tội chị. Chị hãy về đi. Nhưng từ nay hãy tránh đừng phạm tội ấy nữa" (Gioan 8:7,10-11)

17.  "Con luôn ở với cha, hết mọi sự của cha là của con. Thế nhưng chúng ta cần phải mừng rỡ hân hoan! Người em này của con đã chết và đã hồi sinh. Nó đã bị thất lạc mà nay lại tìm thấy" (Luca 15:31-32)

18.  "Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết rằng đã đến giờ Người phải qua thế gian mà về cùng Cha. Người đã yêu thành phần thuộc về Người trên thế gian này và Người muốn chứng tỏ rằng Người yêu thương họ cho đến cùng. Ma quỉ đã xui giục Giuđa, con của Simon Íchca, trao nộp Người, vì thế, trong bữa ăn tối, Chúa Giêsu - hoàn toàn nhận thức được rằng Người từ Cha mà đến và sẽ trở về cùng Cha, Vị Cha đã ban hết mọi sự cho Người - đã chỗi dậy khỏi bữa ăn và cởi áo ra. Người đã cầm lấy một tấm vải và thắt chung quang mình. Đoạn Người đổ nước vào chậu và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ của mình rồi lau chân của họ bằng tấm vải quấn quanh mình" (Gioan 13:1-5)

19.  "Tôi muốn lòng nhân lành chứ không phải hy tế" (Hosea 6:6; Mathêu 9:13)

20.  “Tình thương thắng vượt phán quyết” (Giacôbê 2:13) 

 Tông Đồ Chúa Tình Thương - Tự Kiểm sống Linh Đạo Tình Thương  (tháng thứ 5) trong Năm Đời Thánh Hiến 2015

5- Khi anh chị em tôi cố tình xúc phạm đến tôi, hiểu lầm oan ức, xuyên tạc vu khống, nói hành nói xấu, vô ơn bội nghĩa, lừa đảo gian lận, xỉ vả lăng nhục tôi v.v. tôi có tự động làm hòa với họ hay chăng, không cần họ xin lỗi tôi?