SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa Tuần IX Thường Niên Năm Lẻ

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


                                                                  

Thứ Hai

"Bắt lấy giết đi"

Chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh tiếp tục nơi phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Thứ Hai Tuần IX Thường Niên Năm Lẻ. 

Trước hết là dụ ngôn về vườn nho của Thiên Chúa được Ngài trồng là chính dân Do Thái (xem Isaia 5:7), một dân tộc được Ngài tuyển chọn riêng và chăm sóc đặc biệt, với Lề Luật của Ngài để bảo vệ họ khỏi nếp sống đa thần hay ngẫu tượng như dân ngoại, như thể Ngài "rào dậu chung quanh" họ, cùng với các ngày lễ và nghi lễ phụng thờ được Ngài thiết lập cho họ, như thể Ngài "đào bồn đạp nho" nơi họ, còn việc Ngài "xây một cái thápở vườn nho của Ngài là dân Do Thái có thể hiểu là Đền Thờ Giêrusalem, nơi Ngài ẩn ngự, hay cũng có thể là Ngài đã thiết lập giao ước với các vị tổ phụ của họ, và lời hứa của Ngài trở thành như niềm hy vọng hướng về tương lai của họ

Thế nhưng, thành phần "tá điền" lãnh đạo dân của Ngài đã chẳng những không mang lại "hoa lợi vườn nho", lại còn tỏ ra hung dữ bạo nghịch đối với thành phần tiên tri "đầy tớ" của Ngài, được Ngài sai đến với họ, khi họ "đánh đập và đuổi về tay không" đối với người "đầy tớ" đầu tiên, khi họ "đánh vào đầu và làm sỉ nhục" đối với "đầy tớ" thứ hai, và khi họ "sát hại" người "đầy tớ" thứ ba. Thậm chí họ còn dám "sát hại" "người con trai yêu quí" của Ngài là Đức Giêsu Kitô khi Ngài sai Người đến với họ nữa, với mục đích để cướp đoạt "gia nghiệp" của Người, ở chỗ họ lên án tử cho Con của Ngài nhân danh "Thiên Chúa hằng sống" (xem Mathêu 26:63), nhân danh chính Ngài để "bắt cậu giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho".

Tất nhiên, cho dù "họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34; xem Tông Vụ 3:17), nhưng tự bản chất việc của họ vẫn là những tội ác cần phải đền trả, ở chỗ, như dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, Thiên Chúa là chủ vườn nho "sẽ đến tiêu diệt bọn tá điền và giao vườn nho cho người khác", như lịch sử cho thấy, vườn nho của Thiên Chúa đã trở thành một Dân Tân Ước là chính Giáo Hội Chúa Kitô, một Giáo Hội được chính Người thiết lập (xem Mathêu 16:16), một Giáo Hội được xây dựng trên chính bản thân của Người đã từng là "Tảng đá bị những người thợ xây loại bỏ đã trở thành đá góc tường", như Người ám chỉ trong bài Phúc Âm hôm nay

Như thế có nghĩa là Thiên Chúa vẫn có thể biến tất cả những sự dữ gây ra bởi con người để mang lại thiện hảo cho họ theo đúng như ý định vô cùng nhân hậu và quan phòng thần linh vô cùng khôn ngoan đầy quyền năng của Ngài, đúng như lời rao giảng ban đầu của Tông Đồ Phêrô ngỏ cùng cộng đồng Do Thái sau khi chữa lành ở "cửa Đẹp" của đền thờ cho một người què từ lúc mới sinh: "Anh em thân mến, tôi biết rằng anh em đã tác hành một cách vô thức như thành phần lãnh đạo của anh em đã làm. Thiên Chúa đã làm cho nên trọn bằng cách thế đó những gì Ngài đã loan báo từ lâu qua các vị tiên tri đó là Vị Thiên Sai của Ngài cần phải chịu đau khổ" (Tông Vụ 3:17-18). 

Từ một tảng đá bị thợ xây loại bỏ là một Đức Kitô khổ nạn và tử giá, Thiên Chúa đã biến thành tảng đá góc tường là một Chúa Kitô phục sinh, Đấng "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18), để Người có thể thông ban sự sống thần linh của Người cho nhân loại, qua Giáo Hội Nhiệm Thể của Người, thành phần "tá điền" mới được sai đến để làm vườn nho của Người và cho Người: "Bởi thế, các con hãy đi tuyển mộ môn đồ ở khắp mọi dân nước và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ..." (Mathêu 28:19).

"Sự sống" được thông ban cho nhân loại xuất phát từ Chúa Kitô Vượt Qua đây thật ra cũng được thông phần bởi những ai sống theo lương tâm chân chính trong dân gian nói chung, nhất là trong Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái nói riêng, bằng niềm tin kính vị Thiên Chúa chân thật duy nhất như Ngài đã liên lỉ tỏ mình ra cho dân tộc của họ, điển hình là trường hợp của nhân vật Tobia trong bài đọc 1 năm lẻ hôm nay, trích từ Sách Tobia (1:1a-2; 2:1-9). 

Đúng thế, nếu không phải là người lành sống bởi đức tin thì nhân vật Tobia này đã trở thành như mọi người bình thường khác, như chính những lời họ nói với ông trong bài đọc 1 thuật lại ở đoạn cuối nhưng ông vẫn bất chấp mà làm theo đức tin của ông, như sau: "Khi mặt trời lặn, ông đi chôn xác. Tất cả các người bà con chỉ trích ông rằng: 'Ông đã bị lên án tử hình cũng vì công việc đó, và may là ông thoát khỏi án tử, nay ông lại đi chôn kẻ chết nữa sao?' Nhưng Tôbia kính sợ Thiên Chúa hơn là sợ nhà vua, vẫn lấy trộm xác kẻ bị giết, giấu trong nhà, rồi đến nửa đêm ông đem đi chôn".

Chính vì nhân vật Tobia có một đời sống công chính nên đã tỏ ra "kính sợ Thiên Chúa hơn là sợ nhà vua", và vì thế đã thuộc về thành phần khôn ngoan kính sợ Chúa được bài Thánh Vịnh 111 (1-2,3-4,5-6) trong phần Đáp Ca của phụng vụ Lời Chúa hôm nay khen tặng như sau:

1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Đất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.

2) Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối, người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính.

3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.  


Thứ Ba

 "Thần trí tác sinh

"Sự sống" thần linh hay cái chết thiêng liêng nơi con người được tỏ hiện ở chỗ họ có "trả về cho Cesa những gì của Cesa và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa", như câu Chúa Giêsu trả lời cho "nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê" là thành phần "lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói". 

Câu trả lời của Người dù đã làm cho"họ rất đỗi kinh ngạc về Người", như bài Phúc Âm kết thúc, thế nhưng, trước khi trả lời cho họ, câu họ đặt ra: "Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsa không?", một câu hỏi thật hóc búa, Người trả lời đằng nào cũng chết, "có" thì theo đế quốc Roma phản dân tộc, còn "không" thì tỏ ra xui dân phản loạn với đế quốc này, Người đã phải căn cứ vào một vật thể, đó là "đồng tiền", vì vấn đề "nộp thuế cho Cêsa" liên quan đến "đồng tiền" của đế quốc Rôma. 

Thế rồi sau khi "họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: 'Hình và ký hiệu này là của ai đây?' Họ thưa: 'Của Cêsa'. Người liền bảo họ: 'Vậy thì của Cêsa, hãy trả cho Cêsa; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa'". 

Câu trả lời này của Chúa Giêsu không phải chỉ là một nguyên tắc cần phải áp dụng vào lãnh vực chính trị, ám chỉ phải tuân phục quyền bính thích hợp, mà còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa, đó là dù có tuân phục quyền bính trần gian ("trả cho Cêsa") nhưng với một tinh thần đức tin siêu nhiên vì Chúa ("trả cho Thiên Chúa"), ở chỗ, vì Chúa là Đấng quan phòng làm chủ lịch sử hơn là vì sợ con người có quyền bính: "Đừng sợ kẻ chỉ giết được thân xác mà không thể nào hủy hoại được linh hồn. Đúng ra hãy sợ Đấng có thể hủy hoại cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục" (Mathêu 10:28).

Chưa hết "của Cesa trả cho Cesa, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa" còn có nghĩa là "người ta không sống nguyên bởi bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mathêu 4:4). Cho dù cần phải "có thực mới vực được đạo", thế nhưng, vì con người được dựng nên để được sống đời đời chứ không phải chỉ sống trên thế gian mau qua tạm gửi này thôi, nên "chính thần trí mới cống hiến sự sống chứ xác thịt là thứ vô dụng" (Gioan 6:63): "cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, cái gì sinh bởi Thần Linh là Thần Linh" (Gioan 3:6).

Bởi thế, trong Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành trên núi, Chúa Kitô đã khẳng định với thành phần môn đệ của Người là "Không ai có thể làm tôi hai chủ ... Các con không thể vừa làm tôi cho Thiên Chúa vừa làm tôi cho tiền của được" (Mathêu 6:24). Nghĩa là "của Cesa hãy trả cho cesa và của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa" là thế. 

Nếu "hình và ký hiệu" trên đồng tiền được thành phần âm mưu bắt bẻ Người bảo là "của Cesa" ở đây và vì thế "của Cesa hãy trả cho Cesa", thì con người được nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27), có thể so sáng như một đồng tiền có giá trị có "hình và ký hiệu" của Thiên Chúa nên cần phải trả về cho Ngài những gì thuộc về Ngài. Đó là lý do Thánh Âu Quốc Tinh, sau cuộc đời vừa lạc giáo về tâm thần vừa trác táng về xác thể, đã có được một cảm nghiệm rất chí lý và xác thực là: "Chúa đã dựng nên con cho Chúa nên lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa" (Tự Thú I,1).

Trong bài đọc 1 cho năm lẻ của phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, được tiếp tục trích từ Sách Tobia, đã cho thấy một gương điển hình của một con người thực sự đã biết "trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa". Ở chỗ ông luôn tuân theo ý Chúa trong mọi sự, cho dù là bị bất hạnh về phần xác (mù lòa) và nghịch cảnh về tâm thần (bị chê trách nhạo báng bởi các người thân thuộc):

"Từ lúc còn bé, ông có lòng kính sợ Thiên Chúa, và tuân giữ giới răn của Người, tuy bị mù lòa, ông cũng không phiền trách Thiên Chúa. Trái lại, ông vẫn một lòng kính sợ Thiên Chúa, và tạ ơn Người hằng ngày trong đời ông. Vả các vua xưa nhạo báng thánh Gióp thế nào, thì nay bà con họ hàng cũng chê cười đời sống của ông mà rằng: 'Hy vọng của ông ở đâu? Ông làm phúc và chôn xác được ích gì?'... Bà vợ ông nổi giận trả lời rằng: 'Rõ là niềm hy vọng của ông ra vô ích, và kết quả việc bố thí của ông nay đã rõ ràng!' Và bà tiếp tục nói những lời như thế mà mạt sát ông".


Thánh Vịnh 111 (1-2,7bc-8,9) trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã khen tặng một con người như nhân vật Tobia này, một con người đã biết "trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa" bằng đời sống công chính theo đức tin trung thực của mình như sau:

1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng hâm mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Đất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. 

2) Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng, cậy trông vào Chúa. Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, cho tới khi nhìn thấy kẻ thù phải hổ ngươi.  

3) Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. 


Thứ Tư

"Thiên Chúa kẻ sống"

Chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh trở lại một cách tỏ tường hơn 2 ngày đầu tuần này ở phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Thứ Tư Tuần IX Thường Niên Năm Lẻ, qua lời Chúa Giêsu, trong bài Phúc Âm của Thánh ký Marco (12:18-27), xác quyết với "ít người phái Sađốc" là thành phần "không tin có sự sống lại" rằng: "Ngài không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống"

Một trong những chứng cứ được phái Sađốc căn cứ vào để phủ nhận sự kiện sống lại, đó là chính câu họ đặt ra chất vấn Chúa Giêsu: 

"Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ".

Nghe như thế, Chúa Giêsu đã khẳng định với họ rằng: "các ông thật lầm lạc". Ở chỗ nào? Ở chỗ, như Người vạch ra cho họ thấy, trước hết về lý do họ lầm lạc"Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa", sau nữa về chính vấn đề vợ chồng liên quan đến việc sống lại: "khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời. Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: 'Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp'".

"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống" là một chân lý được chính Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay. 

Trước hết, "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống" ám chỉ mầu nhiệm thân xác của con người sẽ được sống lại, dù họ là người lành hay kẻ dữ. Thật vậy, thân xác của loài người, sau nguyên tội và bởi nguyên tội, "đã từ đất bụi phải trở về với đất bụi" (Khởi Nguyên 3:19). Thế nhưng, nhờ "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) và Vượt Qua mà thân xác của con người đã được giải cứu khỏi sự chết về thể lý, nghĩa là sẽ được sống lại, trở thành thiêng liêng "như thiên thần", không còn vấn đề liên hệ xác thịt như trong đời sống vợ chồng nữa. Con người thực sự đã được Chúa Kitô cứu chuộc cả linh hồn lẫn thân xác chứ không phải chỉ nguyên một minh linh hồn bất t mà thôi, nhờ đó, thân xác thiêng liêng mới có thể cùng với linh hồn vô hình tồn tại đến muôn đời muôn kiếp.

Sau nữa, "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống" còn ám chỉ Ngài là Thiên Chúa của thành phần công chính sống theo đức tin, như 3 vị tổ phụ tiêu biểu của dân Do Thái là "Abraham, Isaac và Giacóp", thành phần nhận biết Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất nên đã chấp nhận ý muốn của Ngài và đáp ứng những gì Ngài muốn, cho dù tương lai có mù mịt không biết bỏ quê cha đất tổ đi về đâu, thậm chí cho dù có phải chính tay sát hại đứa con duy nhất của một giòng dõi đông như sao trời nhiều như cát biển theo lời Chúa hứa, như trường hợp của tổ phụ Abraham (xem Khởi Nguyên 12:1-4 và 22:15-18), cha của các kẻ tin (xem Roma 4:9-12).

Thật vậy, tất cả mọi xác phàm đều sống lại, nhưng chỉ có kẻ nào tin tưởng "nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô" (Gioan 17:3) mới được "sự sống đời đời" (cùng đoạn vừa dẫn), vi một thân xác phục sinh vinh hiển như thân xác phục sinh của Chúa Kitô (xem Philiphê 3:21). Tuy nhiên, kể cả thành phần bị hư đi trong hỏa ngục chăng nữa, thậm chí bao gồm cả Satan và ma quỉ, cho dù không muốn, bấy giờ, trong cõi đời đời, cũng vẫn "nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô". 

Thế nhưng, sự "nhận biết" này ở trong cõi hư mất không phải bởi Thánh Linh của Thiên Chúa ở trong họ như khi họ chưa hư đi nữa, mà bởi họ không thể nào chối bỏ được sự thật bất diệt này, hay nói cách khác, bởi "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) không thể nào không chiếu soi, cho dù con người có chấp nhận hay phủ nhận, một "ánh sáng thật" (Gioan 1:9): "Ánh sáng chiếu trong tăm tối, thứ tối tăm không thể nào át được ánh sáng" (Gioan 1:5). 

Trong bài đọc 1 cho năm lẻ hôm nay từ Sách Tobia (3:1-11,24-25) đã cho thấy hai "kẻ sống" đã tỏ ra nhận biết Thiên Chúa trong hoàn cảnh khổ nhục của mình, đó là nhân vật nam Tobia (cha của Tobia con) và nhân vật nữ "Sara, con gái của Raguel, người thành Mêđi", họ hàng với gia đình Tobia, cả hai đều tin tưởng chạy đến kêu cầu Thiên Chúa là Đấng duy nhất thông biết mọi sự và là Đấng duy nhất có thể cứu giúp họ "thoát khỏi cảnh nhục nhã", bằng cách phó thác bản thân cho Ngài: "Lạy Chúa, giờ đây xin cứ đối xử với con theo thánh ý Chúa, và xin hãy cho linh hồn con được an nghỉ; vì thà con được chết còn hơn sống!" 

Là "Thiên Chúa của kẻ sống", Ngài đã nghe thấy tiếng than van kêu cầu của cả hai, như Sách Tobia cho biết như sau: "Lúc ấy, lời cầu nguyện của hai người trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa Cao Cả, được chấp nhận. Chúa liền sai thiên thần Raphael đến để cứu giúp hai người trong chính lúc họ dâng lời cầu nguyện lên trước tôn nhan Chúa". Và những gì xẩy ra sau đó đã được Sách Tobia thuật lại và sẽ được đọc thấy ở những ngày còn lại trong tuần này.

Theo thân phận của mình, thường thành phần sống theo đức tin bao giờ cũng sống gian truân lận đận khốn khổ trên trần gian này, nhưng nhờ thế họ mới là kẻ sống, bởi họ sống theo đức tin và càng khốn khó họ càng tin tưởng vào Ngài hơn, đúng như tâm tình của bài Thánh Vịnh 24 (2-4a,4b-5ab,6-7bc,8-9) được Giáo Hội chọn cho phần Đáp ca hôm nay: 

1) Con tin cậy vào Chúa, xin đừng để con tủi hổ. Xin đừng để quân thù hoan hỉ về con. Phàm ai trông cậy Chúa, ắt chẳng hổ ngươi, hổ ngươi sẽ là những kẻ liều thân phản bội.

2) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa.  

3) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. 

4) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối, Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. 


Thứ Năm


Tin Yêu Lẽ Sống


Phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Năm của Tuần IX Thường Niên hôm nay bao gồm bài Phúc Âm của Thánh ký Marco (12:28b-34) và bài đọc 1 trích từ Sách Tobia (6:10-11a; 7:1,9-17; 8:4-10) cùng với bài Đáp Ca trích từ Thánh Vịnh 127 (1-2,3,4-5), tất cả đều phản ảnh ý nghĩa của chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh ở một khía cạnh nào đó. 


Trước hết, lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm đã cho thấy "sự sống" thần linh là ở chỗ kính mến Thiên Chúa hết bản thân mình: "hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức", cùng yêu thương tha nhân như bản thân mình: "hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". 


Giới răn thứ hai "yêu tha nhân như bản thân mình" là giới răn gắn liền bất khả phân ly với giới răn thứ nhất và là giới răn bất khả châm chước. Đến độ, Chúa Giêsu đã khẳng định với vị luật sĩ hỏi Người "trong các giới răn, điều nào trọng nhất?" về cả 2 giới răn bất khả phân ly này rằng: "Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó", một câu trả lời chí lý khiến nhà thông luật đặt vấn nạn đã phải công nhận một cách rất chính xác rằng: "Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh", một nhận thức tuyệt vời chỉ cần thực hành nữa là trọn vẹn nên vị luật sĩ đã được Chúa Giêsu vừa khen tặng vừa phấn khích rằng: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". 


Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao "Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó"? Phải chăng "yêu thương là hoàn trọn lề luật(Roma 13:10)!? Và phải chăng yêu thương mới làm cho con người hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, ở chỗ tác động yêu thương chính là tác động con người nhận biết Ngài là "Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất", chỉ có Ngài là đáng yêu trước hết mọi sự và trên hết mọi sự, Đấng "đã yêu chúng ta trước" (1Gioan 4:19), như Ngài đã tự tỏ mình ra đúng là như thế trong Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái: Ngài đã yêu thương dân của Ngài tuyển chọn một cách nhưng không, đã yêu thương một cách trọn lành, đã yêu thương một cách thủy chung, bất chấp dân này phản bội Ngài và liên lỉ gian dâm ngoại tình với tà thần ngoại bang cùng ngẫu tượng của họ.


Vì Chúa Kitô "xuất hiện lần thứ hai là để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người" (Do Thái 9:28), tức "bền đỗ cho đến cùng" 24:13) bằng lòng tin tưởng mãnh liệt vào Người, mà "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6), một đức ái chính là hoa trái của đức tin, là tầm vóc viên mãn của đức tin. Bởi thế, trong cuộc chung thẩm, để được sự sống đời đời hay bị luận phạt, con người sẽ bị Vị Thẩm Phán Giêsu phán xét theo tiêu chuẩn đức ái về hành động đối với tha nhân - yêu thương nhau như bản thân mình, mà thật ra là đức tin về tinh thần đối với Thiên Chúa - kính mến Thiên Chúa hết mình (xem Mathêu 25:37-39,44).


Ở bài đọc 1 cho năm lẻ hôm nay chúng ta thấy một đôi tân hôn đã tỏ ra yêu nhau như bản thân mình, như là vợ chồng "nên một xác thịt (xem Khởi Nguyên 2:24), không hoàn toàn bởi nhục dục theo xác thịt: "Hỡi Sara, hãy chỗi dậy, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa hôm nay, mai và mốt; trong ba đêm đầu, chúng ta hãy kết hợp với Thiên Chúa. Qua đêm thứ ba rồi, chúng ta mới giao hợp với nhau: vì chúng ta là con cái các thánh, chúng ta không thể giao hợp với nhau như những người dân ngoại không biết gì đến Thiên Chúa".


Thế nhưng, hành động yêu thương nhau một cách siêu nhiên tinh tuyền theo đức tin như thế là hành động hoàn toàn phản ảnh lòng họ hết mình kính mến Thiên Chúa của họ: "Lạy Chúa là Thiên Chúa tổ phụ chúng con, danh Chúa đáng chúc tụng cho đến muôn đời! Hỡi trời đất, biển cả, sông ngòi và mọi tạo vật, hãy chúc tụng Chúa. Chúa đã lấy bùn đất mà dựng nên Ađam, và ban cho người một bà nội trợ là Evà. Và giờ đây, lạy Chúa, Chúa biết không phải vì dục tình mà con cưới em này làm vợ, song chỉ vì muốn có con cái nối dòng, để danh Chúa được chúc tụng muôn đời".


Đời sống yêu thương đối với nhau có tính cách siêu nhiên đầy niềm tin vào Thiên Chúa này của đôi tân hôn trong Sách Tobia ở bài đọc 1 hôm nay đã được Thánh Vịnh 127 có ý nghĩa về hôn nhân gia đình ở bài Đáp Ca khen tặng rất hay như sau:


1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người: Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.


2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn; con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa. 


3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con! 



Thứ Sáu

Sự sống chiếu soi


"Đám dân chúng thích thú nghe Người nói". Bài Phúc Âm hôm nay (Marco 12:35-37) đã được kết thúc như thế. Bởi vì, họ thấy vấn đề được Người đặt ra rất là kỳ lạ nhưng hết sức lý thú mà họ chắc chưa bao giờ nghĩ ra hay đặt vấn đề.


Theo bài Phúc Âm của Thánh ký Marco thì đây không phải là vấn đề được thành phần thông luật vốn chất vấn ngài đặt ra, mà chính Người tự nêu lên: 


"Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: 'Sao các luật sĩ lại nói Đấng Cứu Thế là con vua Đavít? Vì chính Đavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: 'Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con'. Chính Đavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Đavít được?'" 


Ở đây, trong bài Phúc Âm này, không thấy Thánh ký Marco thuật lại những lời giải đáp của Chúa Giêsu về vấn nạn chính Người tự nêu lên ấy. Thế nhưng, căn cứ vào chính vấn nạn tự đặt ra này của Chúa Giêsu: "Chính Đavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Đavít được?", chúng ta thấy dường như Người muốn kín đáo mạc khải cho dân Do Thái biết rằng Người là vị Thiên Chúa nhập thể, có 2 bản tính, thiên tính và nhân tính. 


Thiên tính ở chỗ: "Chính Đavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: 'Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con'". Nhân tính ở chỗ: "Các luật sĩ lại nói Đấng Cứu Thế là con vua Đavít... Chính Đavít gọi Người là Chúa". 


Đây là một mạc khải thần linh do chính Đấng có 2 bản tính tỏ ra chứ không phải do loài người suy luận. Loài người chỉ suy luận theo những dấu hiệu bề ngoài và lập luận theo lý lẽ của trần gian mà thôi. Ở chỗ, nếu "Đấng Cứu Thế là con Vua Đavít", mà Vua Đavít là loài người thì tất nhiên con của vua cũng phải là loài người và chỉ là loài người như vua, chứ không thể nào lại là một Vị Thiên Chúa vô cùng cao cả tự hữu và hằng hữu có trước vua và dựng nên vua. 


Vấn đề ở đây là tại sao Chúa Giêsu lại đặt vấn đề này ở đây, với mục đích gì? Thánh ký Marco không cống hiến cho chúng ta một chút ánh sáng nào, trong khi đó Thánh Mathêu ở cuối đoạn 22, đã cho biết thêm mấy chi tiết như sau: chi tiết thứ nhất đó là sở dĩ Người đặt câu hỏi này là để răn cho thành phần Pharisiêu kiêu ngạo một bài học biết mình trước mặt Người.


Thật vậy, theo trình thuật của Thánh Mathêu thì sau khi thấy phái Sađốc vừa bị Chúa Giêsu bịt miệng về vấn đề sống lại, (được bài Phúc Âm hôm Thứ Tư tuần này thuật lại), nhóm người Pharisiêu đã qui tụ lại như thể muốn chứng tỏ họ khôn ngoan thông giỏi hơn nhóm Sađốc, với một câu hỏi khác còn độc hơn của vấn đề Sađóc nữa, đó là vấn đề giới răn trọng nhất (được bài Phúc Âm hôm qua Thứ Năm thuật lại). 


Thế rồi, sau khi Chúa Giêsu trả lời cho nhóm Pharisiêu xong, Thánh ký Mathêu liền cho biết tiếp thế này: "Chúa Giêsu đã đặt một câu hỏi ngược lại cho những người Pharisiêu qui tụ bấy gi" (22:41), đó là chính câu cũng được Thánh ký Marco thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay, để rồi sau câu hỏi của Người, Thánh Ký Mathêu đã kết luận như sau: "Không ai có thể trả lời, vì vậy, từ hôm ấy trở đi, chẳng có ai dám hỏi Người bất cứ câu hỏi nào nữa" (22: 46). 


Thái độ tỏ ra thông luật mà lại mù tịt trước vấn đề được Chúa Giêsu đặt ra như thế chứng tỏ thành phần thông luật này chỉ là thứ đám con nít trước mặt một vị Đại Sư Thần Linh Giêsu vậy thôi. Đó là lý do ngày mai chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu càng tỏ ra thẩm quyền của mình đối với thành phần thông luật giả hình này như thế nào....


Thế nhưng, trình độ thông luật nhưng vẫn như mù quáng chẳng biết gì trước nhan Chúa Giêsu của thành phần Pharisiêu trong bài Phúc Âm đã được chính vấn nạn hóc búa của Chúa Giêsu như sự sống chiếu soi chữa lành cho, nếu họ biết mình và hạ mình xuống, như nhân vật Tobia cha là người công chính nhưng vẫn khiêm hạ trước Thánh Nhan Thiên Chúa, được bài đọc 1 ở Sách Tobia (11:5-17) thuật lại về việc con trai ông sau khi lấy vợ trở về nhà sử dụng phương thuốc của Thần Rapheal để chữa lành mắt cho ông như sau:


"Bấy giờ Tobia lấy mật cá, xức lên mắt cha mình. Chờ đợi nửa giờ, thì một vẩy trắng tựa như màng trứng tách ra khỏi hai mắt. Tobia cầm vẩy trắng ấy kéo ra khỏi mắt cha mình, ông liền thấy được. Rồi ông, vợ ông và những người quen thuộc ca tụng Chúa. Còn Tobia thì cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi; đây chính tôi đang nhìn thấy Tobia con trai của tôi'".


Những câu của bài Đáp Ca cho ngày hôm nay như là tâm tình của nhân vật Tobia công chính bị hoạn nạn những đã được chữa lành đôi mắt mù lòa:


1) Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa, tôi sẽ ngợi khen Chúa suốt cả cuộc đời, bao lâu còn có thân tôi, tôi còn ca ngợi Chúa. 


2) Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù. 


3) Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. 


4) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi, quả phụ và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. 

 

 

 

                                                                                                            Thứ Bảy


                                                                                                    tận cùng sự sống



Phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên hôm nay với bài Phúc Âm cuối cùng của Thánh ký Marco (12:38-44) là Phúc Âm có 16 đoạn được Giáo Hội chọn đọc cho 9 tuần đầu của Mùa Thường Niên, và cũng là đoạn áp cuối của Sách Tobia (12:1-5,20) ở Bài Đọc 1. Chưa hết, hôm nay bài Đáp Ca không được trích từ Thánh Vịnh như thường thấy mà lại được trích từ đoạn cuối cùng của chính Sách Tobia. 


Trước hết, bài Phúc Âm được Thánh ký Marcô thuật lại nhận định của Chúa Giêsu cho dân chúng biết về thành phần "luật sĩ" và lời khuyên dạy của Người giành cho "các môn đệ" về hành động dâng cúng chẳng là gì của một bà góa. 


Đây là một cảnh tượng trái nghịch nhau được Thánh ký Marco ghép lại từ hai trường hợp hoàn toàn tương phản nhau, giữa thành phần luật sĩ thông thái và bà góa đơn nghèo. 


Trước hết Chúa Giêsu đã nặng lời chê trách và cảnh báo thành phần thông luật trước mặt công chúng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn". Trong phán quyết này của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Người có nhắc đến thành phần "các bà góa", trong đó có một bà góa được Người sử dụng để khuyên dạy các môn đệ của Người:


"Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: 'Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bá goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống'".


Quả thật là thế, sở dĩ bà góa được Chúa Giêsu nói đến và khen tặng như một tấm gương sáng cho các môn đệ "bỏ nhiều hơn hết", hơn cả "lắm người giầu bỏ nhiều tiền" hơn bà nữa, là vì trong khi các người khác, nhất là các người giầu "bỏ của mình dư thừa", thì người đàn bá góa ấy lại "đang túng thiếu", nhưng bất chấp túng thiếu, thậm chí chẳng cần khôn ngoan, hành động đến như điên dại, ở chỗ bà "đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống".


Tinh thần và hành động của bà góa này đúng là anh hùng trước nhan Chúa hơn là trước mặt người đời, nhất là trước mặt thành phần giầu sang phú quí, thành phần có thể còn tỏ ra khinh bỉ bà nữa là đằng khác. Bà góa này vốn nghèo còn có thể càng nghèo hơn nữa bởi sự bóc lột của thành phần luật sĩ bị Chúa Giêsu vạch mặt trong bài Phúc Âm: "Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá". 


Thế nhưng, trước nhan Chúa, bà lại giầu sang hơn ai hết, vì bà có một sự sống nội tại siêu việt trên cả thành phần thông luật Chúa hơn bà, thành phần có thể đã bóc lột tiền bạc ngặt nghèo của bà. Chính đức tin của bà và lòng trông cậy hoàn toàn vào Chúa của bà đã khiến bà có những hành động phi thường trổi vượt đáng khâm phục. Bà đã biết lợi dụng tiền bạc chẳng là bao của mình để trả về cho Chúa tất cả những gì Ngài ban cho bà. Sự sống của bà do Chúa ban không thể lệ thuộc vào tiền bạc để sống hơn là vào chính Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên bà và ban sự sống cho bà.


Sách Tobia trong bài đọc 1, qua lời của Thiên Thần Raphael, cũng đề cập đến 2 loại người được Chúa Giêsu nêu lên trong bài Phúc Âm, bao gồm cả bà góa tốt lành (trước) lẫn thành phần luật sĩ giả hình cần phải cải thiện đời sống (sau): "Cầu nguyện, ăn chay, bố thí, thì tốt hơn là cất giấu kho vàng, vì việc bố thí cứu khỏi chết, tẩy sạch tội lỗi, mang lại lòng từ bi và sự sống đời đời. Còn những ai phạm tội và làm điều gian ác, thì là thù địch của linh hồn mình".


Theo chiều hướng của những gì được Thần Raphael nói trên đây về hai loại người công chính và bất chính này, bài Đáp Ca cũng vang lên những cảm nhận chân thực về Chúa của người công chính là Đấng cũng từ bi nhân hậu với cả thành phần tội nhân bất chính nữa.


1) Chúa trừng phạt, rồi Chúa lại tha thứ; Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay Chúa. 


2) Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những việc làm của các ngươi.

 

3) Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội. 


4) Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với các ngươi.