SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

Ranh giới giữa Công Bằng và Lòng Thương Xót Chúa

 

Biệt tặng chung Nhóm TĐCTT và riêng Chị TLH

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 Chuyến Hành Trình Miền Đông Bắc Hoa Kỳ - "Cho Tình Yêu Lên Ngôi Lòng Thương Xót Chúa" 10 ngày (20-29/9/2015) của nội bộ Nhóm TĐCTT (Tông Đồ Chúa Tình Thương) chúng tôi nhân biến cố Hội Ngộ Thế Giới Các Gia Đình VIII - 9/2015 ở TGP Philadelphia PA Hoa Kỳ, bao gồm 3 nơi khác nhau: New York, Philadelphia và Washington DC. 

 

Sau 2 ngày tĩnh tâm của riêng nội bộ TĐCTT tại National Shrine of Saint Katherine of Drexel ở Tổng Giáo Phận Philadelphia vào Thứ Năm và Thứ Sáu 24-25/9/2015, ngày thứ nhất về hôn nhân gia đình chủ đề "Cho Tình Yêu Lên Ngôi" và ngày thứ hai về chủ đề "Lòng Thương Xót Chúa", có một trong 60 tham dự viên là chị TLH đã bất chợt hỏi riêng tôi một câu hình như đã chất chứa trong lòng chị bấy lâu nay, và có thể đã gây bối rối tâm hồn chị không ít, câu đó như thế này: "Đâu là ranh giới giữa công bằng và Lòng Thương Xót Chúa?"

 

Ngay lúc bấy giờ tôi đã trả lời thẳng vào câu hỏi của chị... Tôi không biết chị ấy đã cảm nhận câu trả lời của tôi ngay lúc bấy giờ hay chăng / hay chưa, nhưng sau đó, nghĩ lại, tôi mới thấy nghiệm thấy rằng ở đằng sau câu hỏi này là cả một tiến trình của nó chứ không phải tự nhiên mà có câu hỏi đó. 

 

Cho tới nay tôi vẫn không hỏi lại chị ấy là tại sao chị lại hỏi tôi câu hỏi này với tôi, mà không với ai khác, và tôi đã tự suy ra như sau. Bởi qua một số lần được nói chuyện riêng với chị trước đó, tôi thấy chị có một tâm hồn rất suy tư, tương tự như Mẹ Maria luôn "lưu giữ mà suy niệm trong lòng" (Luca 2:19,51) những gì xẩy ra trong đời chị mà chị nghe thấy hay trông thấy liên quan đến đời sống đức tin.

 

Chị gia nhập Nhóm TĐCTT khóa VI vào Tháng 6/2013 sau một cuộc tĩnh tâm ở Marywood Retreat Center. Sau đó chị đã nghe chúng tôi liên tục nói về LTXC (Lòng Thương Xót Chúa) trong các cuộc tĩnh tâm hằng năm và các cuộc hội ngộ nhóm hằng tháng. Nhất là chị đã đi Hành Hương Ngày Thánh Mẫu 8/2014 và 8/2015 với chúng tôi, do chúng tôi tổ chức hằng năm. Chị cũng đã tham dự Chuyến Hành Trình Miền Đông Bắc Hoa Kỳ "Cho Tình Yêu Lên Ngôi Lòng Thương Xót Chúa" do chúng tôi tổ chức 9/2015. 

 

Để rồi, qua những chuyến đi này, có thể chị đã thấy được những trường hợp rất cụ thể để sống LTXC, những trường hợp liên quan đến sự công bằng, nhưng chúng tôi đã không giải quyết những trường hợp ấy theo đức công bằng mà bằng LTXC, nhờ đó các chuyến đi của chúng tôi được mọi sự tốt đẹp theo Thánh Ý Chúa, bất chấp những trục trặc xẩy ra ngoài ý muốn, vì chúng ta đã triệt để sống LTXC ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự, áp dụng đúng nguyên tắc và đường lối của mạc khải thần linh trong Thánh Kinh Tân Ước: "Đừng để sự dữ làm chủ mà hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành" (Roma 12:21) - "Tình thương thắng vượt phán quyết - mercy triumphs over judgment" (Giacôbê 2:13).

 

Thật vậy, năm nào cũng thế, bắt đầu cuộc Hành Hương Ngày Thánh Mẫu, sau lời chào đón quí anh chị em hành hương trên chuyến xe tour bus liên bang do chúng tôi thuê, bao giờ tôi cũng nhắc nhở mọi người hãy cố gắng sống LTXC, ở chỗ, trong khi chúng ta hành hương tìm đến với Chúa thì có thể chính Người lại chặn đầu gặp chúng ta ở một lúc nào đó và ở một nơi nào đó trong chuyến hành hương của chúng ta, qua những trái ý Người gửi đến cho chúng ta hay qua những đụng chạm do anh chị em đồng hành gây ra cho chúng ta. 

Trong chuyến Hành Trình Miền Đông Bắc Hoa Kỳ 10 ngày nhân biến cố Hội Ngộ Thế Giới Các Gia Đình VIII - 9/2015 ở TGP Philadelphia PA, tôi còn luôn luôn nhắc nhở và nhấn mạnh với anh chị em TĐCTT rằng chúng ta chẳng những lợi dụng mọi sự để sống LTXC mà còn sống LTXC một cách vui vẻ, chứ đừng nhăn nhó khó chịu, nhất là khi chúng ta cảm thấy bất mãn với những người anh chị em hay gây lủng củng trong phái đoàn đồng hành của mình. Sau đây là một số trường hợp điển hình đã xẩy ra trong các chuyến đi do chúng tôi tổ chức nhưng đã được giải quyết tốt đẹp bằng LTXC hơn là bằng đức công bằng.

 

Ranh giới giữa Công Bằng và Lòng Thương Xót Chúa nơi chuyến Hành Hương Ngày Thánh Mẫu 8/2014, có 2 biến cố xẩy ra. Biến cố thứ nhất liên quan đến 2 chiếc giường bố và biến cố thứ hai liên quan đến 2 người tài xế. 

 

Về 2 chiếc giường bố là như thế này. Sau khi phái đoàn Hành Hương Ngày Thánh Mẫu của chúng tôi năm 2014 đã đến địa điểm tổ chức Ngày Thánh Mẫu là Carthage Missouri, bao giờ cũng vào khoảng 3-4 giờ chiều Thứ Tư, và sau khi chúng tôi sắp xếp xong mọi sự trong lều riêng của mình, ai vào chỗ ấy, mỗi người một giường kèm theo một ghế để đồ, tôi mang 2 chiếc giường bố thuê còn dư đi trả lại cho Nhà Dòng. Vì kinh nghiệm cho thấy, nếu không, 2 cái giường này sẽ bị thất lại không biết đâu mà tìm và vì thế sẽ phải bồi thường cho Nhà Dòng. 

 

Tuy nhiên, trên đường đi trả tôi chợt nghĩ lại rằng tại sao mình không cho những người anh chị em khác thiếu giường nằm mượn dùng mà lại đem cất đi chứ, nếu họ trả tiền thuê hai chiếc giường thì tốt bằng không cũng chẳng sao. Thế là tôi mang 2 chiếc giường trở về lều và trao cho một người trong phái đoàn của chúng tôi ở trong lều bấy giờ giữ. Không ngờ, 2 chiếc giường ấy đã biến mất do một người khác trong phái đoàn chúng tôi tự động cho những người anh chị em lạ mượn mà chẳng biết ở đâu mà lấy lại. Tuy nhiên, khi kiểm điểm lại số giường để hoàn lại cho Nhà Dòng sáng bế mạc Chúa Nhật thì lại đầy đủ như thường, cho dù chúng tôi đã sẵn sàng bồi thường cho Nhà Dòng nếu cuối cùng vẫn không tìm thấy 2 chiếc giường "chiên lạc" ấy.

 

Về 2 người tài xế, một người già - mập và trắng, một người trẻ - gầy và đen. Cả hai người lái từ Albuquerque New Mexico đến Carthage Missouri, tức nửa đường vòng đi. Người tài xế già rất khó tính. Ngay vòng đi đã có chuyện rồi. Chính người tài xế này tự động đi "lùa" mọi người phải lên xe trong vòng nửa tiếng đồng hồ vào giờ nghỉ trưa để phái đoàn 50 người (hầu hết là phụ nữ) vừa đi vệ sinh vừa ăn trưa. Theo thông lệ hằng năm của các chuyến đi trước, bao giờ chúng tôi cũng cần đúng 1 tiếng đồng hồ mới đủ cho cả 2 việc này, sau cả mấy tiếng đồng hồ gò bó ngồi trên xe. Chúng tôi không hề có trục trặc gì với bất cứ một người tài xế nào chở chúng tôi từ trước cho tới bấy giờ. Bởi thế, với tư cách là người đứng tổ chức và đại diện cho phái đoàn hành hương, tôi đã điều đình với người tài xế già này về thời lượng nghỉ trưa, cần đến một tiếng đồng hồ mỗi lần. Người tài xế này không nói gì. Tưởng chuyện đã êm xuôi...

 

Thế nhưng, vòng về từ Missouri, ông đã cương quyết, nhất là vào ngày thứ hai, không cho chúng tôi xuống xe điểm tâm và đi vệ sinh, sau cả đêm ngồi trên xe và ngủ trên xe cả 10 tiếng đồng hồ, phải đợi gần đến trưa là lúc xe từ Arizona tiến sang hẳn biên giới California, tức là 4 tiếng nữa là 14 tiếng, mới được xuống ăn trưa và đi vệ sinh. Ông là người bấy giờ lái xe, còn người tài xế trẻ đang ngủ sau 8 tiếng lái xe, bởi thế không ai làm gì được ông ấy. Nếu cần đi vệ sinh thì ông bảo cứ việc đi vệ sinh trên xe, cho dù có gây hôi thối cho những anh chị em ngồi bên dưới khó chịu, một việc chúng tôi vẫn bảo nhau bất đắc dĩ mới đành phải làm trên xe. Bất chợt người tài xế trẻ tỉnh giấc và sau khi biết chuyện liền can thiệp giúp chúng tôi cho chúng tôi xuống điểm tâm, nhưng người tài xế già vẫn không chịu. 

 

Biết được ý định của ông tài xế già như thế, tôi không mãnh liệt cự lại ông ta để bênh vực cho quyền lợi của hành khách mà tôi phục vụ qua hãng xe mà ông là nhân viên lái xe, mà chỉ âm thầm chịu đựng dâng lên cho Chúa và tìm cách trấn an anh chị em trong xe, liên quan cả đến vấn đề tiền tip đã được thu từ đầu và dự tính chia đều cho 2 tài xế. Trước khi tiết lộ bí mật về ý định của người tài xế gây chuyện khó khăn cho chuyến xe bấy giờ, tôi đã gợi ý sống LTXC trong trường hợp bất trắc xẩy ra ngoài ý muốn, bằng cách đừng nhìn đến chính tác nhân đối phương của mình mà hãy nhìn lên Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng mọi sự cho thiện ích của những ai Ngài đã kêu gọi theo ý định của Ngài (xem Rôma 8:28). 

 

Quả thực, khi tôi cho mọi người biết ý định của người tài xế ngay sau 50 Kinh Mân Côi ban sáng kính Đức Mẹ, thì lạ lùng thay tất cả đều im lặng, chẳng ai than van trách móc gì hết. Từ đó, thừa thắng xông lên, tôi đề nghị tiền tip cho hai người tài xế vẫn chia đều, dù người tài xế trẻ đáng được nhiều hơn, bởi anh ta không làm khó dễ chuyến hành hương mà còn bênh vực quyền lợi cho chuyến hành hương nữa, thế mà chỉ có vài người không đồng ý, còn hầu hết đồng ý, kể cả em hành khách nam nhỏ tuổi nhất. Ngay khi đó, người tài xế già, dù chẳng biết chúng tôi đang bàn nhau về chuyện gì, liền cho tôi biết là tôi muốn xuống điểm tâm ở đâu, tôi liền chỉ ngay exit gần đó vì thấy có bảng quảng cáo bên đường, đầy đủ chỗ ăn uống và đi vệ sinh. Thế là chúng tôi được toại nguyện. Đúng là LTXC!

 

Ranh giới giữa Công Bằng và Lòng Thương Xót Chúa nơi chuyến Hành Hương Ngày Thánh Mẫu 2015 cũng có 2 biến cố xẩy ra. Biến cố thứ nhất liên quan đến cái lều ngủ và biến có thứ hai liên quan đến 2 người tài xế. 

 

Về cái lều ngủ của đoàn hành hương chúng tôi trong Ngày Thánh Mẫu 2015 này, khi xe tour bus của chúng tôi đến Ngày Thánh Mẫu vào chiều Thứ Tư, còn đậu ở ngoài đường chúng tôi đã chạy vào xem địa điểm lều ở chỗ nào để chỉ cho xe ra vào cho dễ, thì thấy lều của chúng tôi được che phủ kín mít, dấu hiệu cho thấy chưa có ai ở và trong đó có đủ giường bố như đã đặt mượn trước. Thế nhưng, chúng tôi không thể nào tìm cách vô trong được, bởi chung quanh lều, nhất là ở phía trước lều của chúng tôi đã kín mít các lều nhỏ của những gia đình đến trước xí chỗ. 

 

Xem xét tình hình xong, thấy có một cái lều ăn uống sát bên cạnh hai lều ngủ của hai gia đình, bấy giờ đang có họ ngồi đó, tôi lên tiếng xin họ thông cảm chừa cho chúng tôi một chỗ để 50 người chúng tôi chui vào trong lều và đi lại trong những Ngày Thánh Mẫu. Họ đã cự lại tôi, cho rằng họ đến trước nên có quyền làm thế, đến sau giáng chịu. Tôi không nói thêm một điều gì nữa, chỉ biết chạy ngay ra xe báo tin tình trạng bí lối vào lều và xin mọi người trong phái đoàn hãy sống LTXC, chẳng những đừng kêu ca trách móc mà còn vui tươi nhã nhặn với những người anh chị em ấy nữa. Khi xe tour bus của chúng tôi tiến vào sát lều của chúng tôi, dù chưa biết phải vào lều của mình bằng cách nào, thì thấy họ đang dẹp một nữa khu ăn uống của họ, nhường cho chúng tôi lối vào vừa đủ hai người qua lại.

 

Về 2 người tài xế, chúng tôi năm nay cũng có một cặp tài xế, 1 già và 1 trẻ, một to con và một gầy nhỏ, nhưng cả hai đều là anh em da mầu, chứ không phải một trắng một đen như năm ngoái. Người tài xế già và to con không khó tính và làm khó dễ chúng tôi như người tài xế da trắng năm ngoái, nhưng có vẻ chậm chạp và không giúp đỡ cho chúng tôi lắm, cho bằng người tài xế trẻ và gầy đã từng lái chở chúng tôi năm ngoái năm nay tái tấu một lần nữa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chia đều tiền tip cho mỗi người, không bớt đi của người tài xế già mà tăng thêm cho tài xế trẻ hữu dụng. Nhưng tôi kêu gọi cho thêm người tài xế trẻ tùy mỗi người. Và tôi thấy anh ta rất hài lòng khi không ít người cho anh ta thêm tiền tip khi xuống xe.

 

Ranh giới giữa Công Bằng và Lòng Thương Xót Chúa nơi chuyến Hành Trình Miền Đông Bắc Hoa Kỳ "Cho Tình Yêu Lên Ngôi Lòng Thương Xót Chúa"

 

Nếu hai chuyến Hành Hương Ngày Thánh Mẫu 2014 và 2015, chúng tôi đã sống LTXC với những người anh chị em ở ngoài nhóm thì chuyến Hành Trình Miền Đông Bắc Hoa Kỳ 10 ngày (20-29/9/2015) nhân biến cố Hội Ngộ Thế Giới Các Gia Đình VIII 9/2015 ở TGP Philadelphia PA Hoa Kỳ lại là dịp để chúng tôi sống LTXC với nhau. Khi kết thúc chuyến hành trình tuyệt vời đầy ơn Chúa và tình yêu thương nhau này, tôi đã ngỏ lời cám ơn quí anh chị đã cho chúng em được phục vụ quí anh chị và nhất là có cơ hội sống LTXC.

 

Thật vậy, một khi đã đứng ra tổ chức một việc gì, nhất là những chuyến hành hương hay hành trình dài hạn, chúng ta cần phải chẳng những phải có khả năng tổ chức và phải dám liều mạng dấn thân hy sinh phục vụ, mà còn phải có sức nhẫn nại chịu đựng một cách vui vẻ nữa. Bởi trong những chuyến đi xa và đông người không thể nào tránh được những trục trặc về nhân sự, nhất là những người anh chị em tỏ ra chậm chạp, thậm chí còn có người bị thất lạc nữa, trái lại, những người anh chị em lanh lẹ và mạnh khỏe lại than trách những anh chị em lủng củng, khiến cho cả nhóm phải chờ đợi, phải tìm kiếm, phải lo lắng, bị nhỡ nhàng v.v.

 

Trong những trường hợp như vậy, tôi sẽ sắp xếp để mọi người tiếp tục lịch trình của mình, khỏi bị nhỡ nhàng, còn tôi sẽ là người hy sinh để ở lại chờ đợi hay tìm kiếm người anh chị em của tôi, sẵn sàng bị nhỡ một chuyến đi tham quan nơi này nơi nọ. Tôi cảm thấy không hành động nào (đi chơi đây đó hay thậm chí đi lễ) bằng hành động yêu thương bác ái, như tôi đã bỏ lễ sáng Thứ Hai để đón 5 người anh chị em của tôi đến muộn. 

 

Không nơi nào tham quan có giá trị cao quí bằng chính nơi người anh chị em lủng củng của tôi, những người anh chị em hèn mọn được chính Chúa đồng hóa với Người (xem Mathêu 25:40,45), và vì thế tôi phục vụ họ là gặp gỡ và phục vụ chính Chúa Kitô. Như tôi đã chờ một người chị em sáng Thứ Hai, 21/9/2015, trong khi mọi người đúng 9 giờ sáng đang lần lượt lên xe taxi, 4 người chung phòng ngủ đi cùng một taxi, để đi tới Ground Zero ở New York, sau đó ra đảo Nữ Thần Tự Do. 

 

Hay tôi đã phải chạy về tìm cho bằng được 2 người chị em vào ngày hôm sau, Thứ Ba 22/9/2015, để cho họ lên kịp chuyến city tour vào lúc 9 giờ 30 sáng, sau đó đến Vương Cung Thánh Đường Saint Patrick, đến Trụ Sở của Liên Hiệp Quốc, dạo quanh đệ nhất phố New York, và đến Central Park hôm đó. Cả hai trường hợp chậm trễ này đều vì nhớ lầm giờ hay đồng hồ chưa được chỉnh lại v.v. 

 

Ai trong phái đoàn của chúng tôi cũng thấy được một cặp anh chị dường như có khuynh hướng tách biệt với nhóm làm sao ấy, có lần không biết anh chị ấy ở đâu nữa, thậm chí vì giấy tờ của chị ở trạm kiểm soát (security) tại phi trường Dulles DC mà nhóm 6 người đi với chị tí nữa bị nhỡ chuyến bay trở về California chiều hôm Thứ Ba 29/9/2015. Nhưng vẫn nhắc nhở nhau sống LTXC với anh chị. 

 

Phải kể là trong chuyền Hành Trình Miền Đông Bắc Hoa Kỳ này, chúng tôi đi bộ khá nhiều, cả ở New York (dù đã đi taxi cho khoảng cách xa) lẫn Philadelphia (để từ chỗ đậu xe được phép đến địa điểm có thể nhìn thấy Đức Thánh Cha Phanxicô đi ngang qua), và Washington DC (nhất là từ Đài Tưởng Niệm Washington cao nhọn lên như Cây Bút Chì đến Tòa Nhà Quốc Hội Capitol Hill, dài cả gần 2 dặm đường). 

 

Cũng may trong suốt bằng ấy ngày đi bộ, ngày nào cũng mát mẻ, bằng không chắc chắc sẽ có nhiều người bỏ cuộc giữa đường. Chẳng hạn ở Washington DC hôm Thứ Hai 28/9/2015, đã có 2 người bỏ cuộc khi gần đến Capitol Hill, sau đó có 4 người bỏ cuộc khi đã vao khuôn viên bên ngoài ở đây nhưng vẫn không thể đi tiếp tới trạm dẫn vào tham quan bên trong. 

 

Hôm đó, tôi đã cuốc bộ một mình 2 dặm rưỡi, từ Capitol Hill, khi đa số anh chị em trong phái đoàn đã cố lết tới nơi để được bắt đầu dẫn vào tham quan bên trong lúc 2:40 chiều, về chỗ đậu xe để lấy xe vào lúc 4 giờ chiều, khoảng đường dài 1 tiếng 20 phút, sau đó lái xe của mình đến chở 4 tài xế khác, (vì chúng tôi lái tất cả 5 xe mini-van thuê để chở 35 anh chị em từ Nam California, Seattle WA và Houston TX đi từ New York về Philadelphia rồi từ Philadelphia về Maryland thăm Thủ Đô Washington DC), đi lấy xe của họ mà lái đến đón nhóm người trên xe của họ đang chờ ở khu vực Capitol Hill sau khi tham quan ra. 

"Đâu là ranh giới giữa công bằng và Lòng Thương Xót Chúa?"

 

Không biết có phải những sự kiện xẩy ra trong 2 chuyến Hành Hương Ngày Thánh Mẫu 2014 và 2015, mỗi chuyến kéo dài cả tuần lễ, và chuyến Hành Trình Miền Đông Bắc Hoa Kỳ 10 ngày nhân dịp biến cố Hội Ngộ Thế Giới Các Gia Đình VIII - 9/2015 ở TGP Philadelphia PA Hoa Kỳ, như được ghi lại trên đây, đã khiến cho Chị TLH bày tỏ cho tôi biết cái thắc mắc rất hợp tình hợp lý của chị: "Đâu là ranh giới giữa công bằng và Lòng Thương Xót Chúa?".

 

Với kinh nghiệm sống LTXC của mình, đặc biệt được thể hiện qua 3 chuyến đi trên đây, những chuyến đi có Chị LTH tham dự, tôi đã trả lời với chị rằng: ranh giới giữa công bằng và Lòng Thương Xót Chúa ở ngay trong chính lòng của mình

 

Nếu chúng ta biết nhìn anh chị em của chúng ta bằng LTXC, chúng ta sẽ thấy con người đáng thương của họ trước tội lỗi đáng phạt của họ, thậm chí họ càng tội lỗi càng cần được thông cảm, bù đắp và cứu giúp như chính LTXC đối với từng con người tội lỗi khốn nạn đáng thương chúng ta. 

 

Nếu chúng ta biết nhìn lỗi lầm của anh chị em chúng ta bằng con mắt của một tội nhân như họ hay hơn họ, thay vì bằng con mắt của một quan tòa, chỉ biết phán quyết theo tội phúc và thưởng phạt, đúng phép công bằng, thì chúng ta chắc chắn sẽ không bao giờ dám ném đá họ, trái lại, còn thấy mình nếu không có ơn Chúa đã sống tội lỗi hơn họ.

 

Trong Năm Đời Thánh Hiến 14 tháng (29/11/2014 - 2/2/2016), Nhóm TĐCTT đã phát động Chiến Dịch Thi Đua Sống LTXC theo Bản Tự Kiểm Sống Linh Đạo Tình Thương 14 điều, suốt năm, từng tháng một. Chẳng hạn 2 khoản tiêu biểu sau đây, khoản nào cũng vượt lên trên giới hạn của sự công bình bằng LTXC, cũng lấy lành thắng dữ (xem Roma 12:21):

 

Khoản 10 -  Tôi có nhẫn nại trước những lủng củng, sai khuyết, lỡ lầm của anh chị em tôi, nhất là với ai làm việc với tôi, bằng cách tiếp tục thông cảm và bù đắp cho họ, hơn là tỏ ra bất nhẫn với họ, trách móc họ và loại trừ họ, bởi tôi là anh chị em của họ, hơn là tỏ thái độ trịnh thượng “ai là anh em tôi”?

 

Khoản 12 - Tôi có tự tìm đến, chứ không tránh né, với những ai tôi không thích, hoặc ai không thích tôi, nhất là những ai làm phiền đến tôi, làm hại đến tôi v.v., để chào hỏi họ và tỏ ra thân thiện với họ hay chăng, chứ không sống tâm trạng sợ ma ban ngày, trừ phi họ hết sức tìm cách muốn tránh né tôi?

 

Trong Năm Thánh Tình Thương 2016 (8/12/2015 - 20/11/2016), chúng tôi sẽ tiếp tục Chiến Dịch Thi Đua Sống LTXC bằng Chiến Dịch Chuyên Nghiệp Sống LTXC, với 12 câu tâm niệm cho 12 tháng của Năm Thánh Tình Thương sau đây, câu nào cũng cho thấy tình thương thắng vượt phán quyết (xem Giacôbê 2:13), bù đắp những gì bất công, những gì là bất chính, hoàn toàn phản ảnh chính LTXC:

  

1-   Sống LTXC là luôn tin tưởng vào Vị Thiên Chúa là Tình Yêu ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự (xem Gioan 14:1; 1Gioan 4:8,16);

 

2-   Sống LTXC là trở nên mồi ngon hy tế cho Tình Yêu vô cùng nhân hậu của Cha trên trời là Đấng thương xót (xem Roma 12:1; Luca 6:36);

 

3-   Sống LTXC là hiền lành và khiêm nhượng trong lòng như Chúa Kitô đã hóa ra như không và vâng lời cho đến chết (xem Mathêu 11:29; Philiphe 2:8);

 

4-   Sống LTXC là bao giờ cũng lấy lành thắng dữ, lấy thiện báo ác, như Chúa Kitô là Đấng vô tội đã chết cho tội nhân chúng ta (xem Roma 12:21; 1Corinto 5:21 + Roma 5:8);

 

5-   Sống LTXC là luôn trở thành anh chị em của mọi người, như Chúa Kitô đã đồng hóa Người với những anh chị em hèn mọn nhất (xem Luca 10:29,36-37; Mathêu 25:40,45);

 

6-   Sống LTXC là yêu thương anh chị em của mình cho tới cùng, như Chúa Kitô đã yêu thương từng con chiên lạc (xem Gioan 13:1; Luca 15:4-5);

 

7-   Sống LTXC là nhìn vào con người phạm nhân hơn là tội lỗi của phạm nhân, như Chúa Kitô với người phụ nữ bị bắt ngoại tình (xem Mathêu 9:13; Gioan 8:1-10);

 

8-   Sống LTXC là luôn tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, như Chúa Kitô xin tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm (xem Luca 6:27-34; Luca 23:34);

 

9-   Sống LTXC là tự động làm hòa với những phạm nhân của mình, như Chúa Kitô đã đổ máu giao hòa với loài người tội lỗi (xem Mathêu 5:23-24; Colosê 1:20);

 

10- Sống LTXC là sẵn sàng chịu thiệt thòi trong tất cả mọi sự, kể cả bỏ mạng sống mình, như Chúa Kitô đã thí mạng cho phần rỗi loài người (xem Mathêu 5:39-42; Mathêu 20:28);

 

11- Sống LTXC là chấp nhận mọi đau khổ bất hạnh để đền bù tội lỗi của tội nhân như Chúa Kitô Kitô khổ nạn và tử giá (xem Colose 1:24; Do Thái 5:8-9);

 

12- Sống LTXC là trở nên đáng thương hơn tội nhân đáng thương, như Chúa Kitô đã trở thành tội lỗi, đã thành một kẻ bị nguyền rủa (xem Roma 9:3; 1Corinto 5:21)

 

Ngày 5/10/2015, Lễ Chị Thánh Faustina, Sứ Giả mồi ngon của LTXC

 Bài này đã được NS Hiệp Nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam GP Orange phổ biến trong 2 số báo Tháng 11 và 12/2015