TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2015

 

2015 một năm nhiều bất trắc cho thế giới

RFI - Tú Anh
mediaLe Monde : "Một năm 2014 căng thẳng đưa đến những biến đổi địa chính trị trong năm 2015". Ảnh: Một giếng dầu tại Lybia bị đốt cháy do xung đột vũ trang giữa các phe phái.REUTERS/Stringer

Nhiều bất trắc và sẽ có nhiều thay đổi địa chiến lược. Đó là phân tích của Le Monde, nhật báo duy nhất ghi ngày đầu năm 2015.

Các nhật báo khác đón năm mới trên mạng với các bản tin thời sự gọn nhẹ hơn nhưng đầy đủ những sự kiện đầu năm từ « hình ảnh thế giới chào năm mới » đến những biến cố xảy ra trong đêm : Xô đạp chết 35 người tại Thượng Hải, Kim Jong Un đề nghị gặp tổng thống Hàn Quốc, và tại châu Âu, Litva trở thành thành viên thứ 19 của vùng euro…

Le Monde dùng bức ảnh một trung tâm dầu hỏa của Lybia bốc lửa để làm biểu tượng cho nhận định « một năm 2014 căng thẳng đưa đến những biến đổi địa chính trị trong năm 2015».

Dầu hỏa mất giá sẽ làm nhiều chế độ phải « xóa bài làm lại » nhất là những quốc gia đã bị suy yếu như Nga, Iran và Venezuela. Tại châu Âu, nhờ giá dầu rẻ và đồng euro thấp tăng trưởng của vùng euro nhất là Pháp sẽ phất lên trong năm 2015, tuy nhiên không chắc là thất nghiệp sẽ giảm. Cuộc chiến trên mạng, lời cảnh báo của Đức Giáo Hoàng đối với hàng giáo phẩm và thượng đỉnh về khí hậu vào cuối năm 2015 tại Paris cũng được Le Monde xem là những thách thức lớn của tương lai.

Đi vào cụ thể từng hồ sơ một, Le Monde đánh dấu hỏi : Liệu Liên minh Bắc Đại tây dương Nato và châu Âu có đủ khả năng đối phó với tổng thống Nga hay không ? Sở dĩ nhật báo có uy tín nhất nhì tại Pháp đặt nghi vấn này vì vào ngày 15/01, lãnh đạo Nga và tổng thống Ukraina sẽ phải gặp nhau để thương lượng bên cạnh tổng thống Pháp và thủ tướng Đức. Năm 2015 tại châu Âu sẽ được đặt trong khung cảnh khủng hoảng Ukraina mà Liên Hiệp Châu Âu và Nato bắt buộc phải điều chỉnh chính sách quan hệ với Matxcơva của Putin. Phải điều chỉnh vì từ sau chiến tranh lạnh đến nay, Tây phương đặt cược vào chiến lược hợp tác với Nga và hy vọng tiến bộ kinh tế sẽ mang lại dân chủ cho Nga. Điều mong đợi không xảy đến. Hai định chế Châu Âu và Nato phản ứng theo chiến thuật đánh đâu đỡ đấy. Bruxelles lúc thì xem Nga là đối tác không thể thiếu khi thì xem Nga là một mối đe dọa cho hòa bình. Còn Nato tuy cứng rắn nhưng không dám đi đến cùng thu nhận Ukraina làm thành viên.

Câu hỏi thứ hai của Le Monde là nước nào sẽ là nạn nhân đầu tiên của giá dầu tuột dốc?

Nga và Venezuela đã bước vào thời kỳ suy thoái, Iran cắt giảm trước ngân sách. Algérie phải lấy ngoại tệ dự trữ ra tiêu dùng…

Tình hình Venezuela, theo Le Monde, có vẻ nguy ngập nhất. Chế độ mà Hugo Chavez để lại sẽ điêu đứng thêm vì đồng minh duy nhất của Venezuela trong vùng là Cuba đã quyết định bình thường hóa quan hệ với Mỹ càng làm Caracas bị cô lập hơn.

Tại nước Nga, Putin cũng bắt đầu bóp ngẹt hơn không gian chính trị . Bản án phi lý trừng phạt anh em nhà dân chủ Alexei Navalny là dấu hiệu Nga sẽ trấn áp mạnh phong trào phản kháng. Tuy nhiên, trong bài báo dành riêng cho tin này, Le Monde cho rằng bản án này chỉ giúp cho nhà tranh đấu khôi phục lại hình ảnh phần nào bị sứt mẻ vì lập trường dân tộc chủ nghĩa cực đoan của ông.

Le Monde cũng đặt nghi vấn về khả năng Trung Quốc và Nga sẽ siết chặt thế liên hoàn để chống Mỹ như thời thập niên 1950. Lý do là Trung Quốc trong mọi điều kiện, bao giờ cũng đặt quyền lợi riêng lên trên hết nhất là quyền lợi kinh tế và đồng nhân dân tệ.

Về tình hình châu Mỹ, tuy ghi nhận Cuba muốn bắt tay với Mỹ nhưng Le Monde không chút ngây thơ với câu hỏi : liệu nền dân chủ sẽ trỗi dậy tại Cuba nhờ vào thương mại tự do ? Sự kiện hơn 50 nhà tranh đấu bị câu lưu trong những ngày cuối tháng 12 không phải là tín hiệu báo trước chế độ Raoul Castro sẽ mở cánh cửa chính trị.

Ngược lên Bắc Mỹ, nhật báo độc lập Pháp dự báo trận đấu « hồi thứ hai » diễn ra giữ hai gia đình Clinton và Bush như vào năm 1992. Lần này hai đấu thủ sẽ là Thượng nghị sĩ Hillary Clinton và thống đốc tiểu bang Florida, Jeb Bush.

Những lời chúc đầu năm không bao giờ toại ước

Bài xã luận đầu năm của Le Monde có lẽ dành cho độc giả đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống :Những lời chúc cho một thế giới tốt lành hơn. Ngay phần mở đầu, tác giả đã cảnh báo : thường thường những lời chúc tụng không bao giờ xảy ra.

Tuy nhiên, tác giả tỏ thực tâm muốn đem lại niềm hy vọng : Cho dù tình hình khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm cộng với những biến động địa chính trị và mối đe dọa nghiêm trọng cho khí hậu địa cầu, không có gì có thể cấm chúng ta cầu chúc một thế giới tốt đẹp hơn. Mà muốn thế giới tốt đẹp hơn thì chúng ta phải nỗ lực : nỗ lực chống « thánh chiến hồi giáo » và thủ đoạn dã man của họ đang gieo rắc kinh hoàng không những cho người dân Syria và Irak mà còn gây bất ổn cho Trung Đông, châu Phi, Nam Á và tuyển mộ chiến binh đến tận Hoa Kỳ, Pháp và châu Âu.

Châu Âu cũng cần phải đoàn kết, nỗ lực đối đầu với chính sách gây hấn của Putin đối với các quốc gia láng giềng nhất là đối với Ukraina. Châu Âu cũng phải ngăn chận tình trạng suy trầm kinh tế để tránh theo vết xe đổ của Nhật Bản kéo dài và hoang phí hơn 15 năm.

Theo Le Monde, những cố gắng đúng cho nước người thì cũng có giá trị đối với nước Pháp. Tác giả « cố vấn » các tác nhân kinh tế, công nghiệp, chính trị xã hội tại Pháp hãy dẹp qua « cuộc nội chiến lạnh », những tranh cãi phe nhóm vô bổ gây tê liệt quốc gia, vượt lên ảo ảnh một mình nước Pháp đủ sức thoát khỏi khủng hoảng, để cùng nhau đưa đất nước dấn thân đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới.

Biết trước những lời cầu chúc trên đây sẽ bị chỉ trích là là « lừa dối hoặc ngây thơ » tác giả bài xã luận nhắc nhở : Thế giới của chúng ta không bao giờ đạt được tiến bộ nếu không có những tư tưởng « không tưởng » động viên. Cũng như tôn chỉ « Tự Do, Công Bằng, Bác Ái »được trui rèn từ 200 năm nay. Cả một công trình cho năm 2015, Le Monde kết luận.

Lãnh đạo chúc Tết

Thông điệp của Le Monde mang nội dung không khác gì lời chúc năm mới của thổng thống Pháp François Hollande : "táo bạo, kiên trì, bền bĩ trong nỗ lực". Le Figaro cảnh báo : coi chừng bị sa vào cái bẫy của 2015. Ngược lại, Libération nhấn mạnh đến hai ý chính : Tổng thống chứng tỏ ông đưa nước Pháp đi tới mặc dù kết quả chậm đến và ý thứ hai là kêu gọi người dân « tự tin » vào sức mình và của quốc gia, cường quốc thứ 5 thế giới. 

Trong khi đó thì Les Echos trên mạng mời độc giả xem thống điệp chức Tết dương lịch của tổng thống Nga Vladimir Putin gởi lãnh đạo nhiều nước trên thế giới kể cả những thủ lãnh tụ theo Nga ở Abkhazia và Đông Ukriana. Trong thông điệp mà Les Echos gọi là « lời chúc sẽ không thành sự thật» tổng thống Nga tuyên bố là ông « quyết tâm cùng hợp tác với Mỹ để đem lại hòa bình cho Ukraina ».

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng sử dụng chiến thuật tuyên truyền này ?

Trong thông điệp đầu năm của Kim Jong Un được truyền hình vào đêm qua , lãnh đạo Bình Nhưỡng tuyên bố « sẵn sàng thảo luận cấp cao nhất » với Hàn Quốc. Theo Libéreation, giọng điệu của Kim Jong Un khá hòa dịu nhưng lại đặt điều kiện buộc Seoul phải chấm dứt các cuộc tập trận với Mỹ . Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng tuyên truyền là đời sống dân miền bắc đã được cải thiện mặc dù thiếu ăn vẫn là vấn nạn triền miên.

Cuba vẫn sợ tự do ngôn luận

Khi bình luận về khả năng dân chủ hóa của các chế độ độc tài, báo chí Pháp luôn tỏ thái độ thận trọng. Libération trong bài « Cuba vẫn kiểm duyệt » là một trường hợp cụ thể. Hai tuần sau khi thông báo sẽ bình thường hóa quan hệ với Mỹ hàng chục nhà tranh đấu tại Cuba bị bắt. Nhật báo cánh tả Pháp nhấn mạnh đến trường hợp nữ nghệ sĩ Tania Bruguera. Bà dự kiến tổ chức một buổi trình diễn tại quảng trường Cách Mạng dưới cửa sổ của trụ sở chính phủ. Tania Bruguera sẽ để cho người dân Cuba, nếu có tâm tư muốn trình bày thì sẽ được một phút lên sân khấu. Thư mời gửi đi trên mạng xã hội được một ngày thì công an đến bắt nữ nghệ sĩ này trong đợt trấn áp câu lưu gần 50 nhà dân chủ.

Hành động này của chính quyền có lẽ nhằm trả đũa lời kêu gọi do giới ly khai Cuba cùng ký tên và công bố hôm 20/12  : "Tập trung nỗ lực làm chuyển biến dân chủ". Đối với các nhà tranh đấu, sự kiện Cuba và Hoa Kỳ thông báo bình thường hóa quan hệ là một bước ngoặt đánh dấu kết thúc thời kỳ chính quyền « lấy cớ đất nước bị bao vây » để đàn áp nhân quyền.