TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2015

 

 

COP21 : Vì sao Hiệp định khí hậu Paris mang tính lịch sử ?

media

Hiệp định chống biển đổi khí hậu được toàn thể 195 nước tham gia đàm phán chấp thuận ngày 12/12/2015 trong niềm phấn khởi và được ca ngợi là lịch sử. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tất các các chính phủ hợp tác với nhau bảo vệ môi trường và tương lai trái đất với một mục tiêu cao vọng.

Có ít nhất ba điểm trọng yếu nhất trong hiệp định từ nay có thể gọi là Hiệp định Paris thay thế Nghị định thư Kyoto được thông qua năm 1997.

Thứ nhất là vào lúc mọi người lo ngại không đạt được chuẩn mực giới hạn 2°C thì mục tiêu cao vọng hơn 1,5°C được ghi vào thỏa thuận. Chiến thắng bất ngờ này nhờ vào đòi hỏi kiên định của các nước nghèo ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và các quốc đảo Thái Binh Dương, rồi cuối cùng được Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ tán đồng, đẩy tới kết quả chung cuộc.

Điểm thứ hai là từ nay « toàn thế giới » cùng nhau hợp tác, chia sẻ trách nhiệm chung. Những nước giàu phải tài trợ 100 tỷ đô la hàng năm cho các nước đang phát triển để đối phó với hệ quả của biến đổi khí hậu và chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Ngân sách này sẽ được xem xét lại vào năm 2025.

Điểm thành công thứ ba là lần đầu tiên cuộc tranh đấu dài hơi của các tổ chức phi chính phủ, của phong trào xã hội công dân đã kích động giới chính trị phải có hành động, không thể viện lý do lợi ích kinh tế trước mắt để hy sinh tương lai của các thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, cho dù nhấn mạnh đến sự thành công lịch sử của hội nghị COP21, giới khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường tỏ ra dè dặt và đòi phải có những nỗ lực bổ sung.

Theo nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc GIEC, để duy trì nhiệt độ khí quyển tăng không quá 2°C từ nay cho đến cuối thế kỷ thì lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030 không được quá 40 tỷ tấn. Thế nhưng, các cam kết của các nước cộng lại không thể xuống dưới 55 tỷ tấn mà thôi.

Do vậy theo hiệp hội môi trường Pháp Fondation Nicolas Hulot, nếu các nước ký kết hiệp định không xem xét lại mục tiêu cam kết tại Le Bourget vào năm năm tới đây, thì mục tiêu 1,5°C sẽ không bao giờ đạt được.

 

Thế giới hoan nghênh thỏa thuận Paris về khí hậu

 

media

Vào lúc 19 giờ 30 tối ngày 12/12/2015 tại trung tâm Hội nghị Le Bourget, trước cử tọa hơn 2000 người gồm các bộ trưởng, các chuyên gia, các quan sát viên quốc tế, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius chính thức thông báo thông qua thỏa thuận « lịch sử » chống biến đổi khí hậu.

Là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên lên tiếng chào mừng thỏa thuận Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá đây là « cơ hội tốt nhất để cứu hành tinh trước đe dọa biến đổi khí hậu ». Chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh đến « khúc quanh lịch sử », khi tất cả các quốc gia đã có cùng một tiếng nói trước thách thức khí hậu. Vẫn theo Tổng thống Barack Obama, « Thỏa thuận Paris không cho phép giải quyết tất cả mọi vấn đề nhưng đây là một cơ sở cần thiết và mang tính lâu bền để đối phó với khủng hoảng khí hậu ».

Hoa Kỳ là quốc gia thải khí carbon nhiều nhất, làm hâm nóng trái đất. 56 % công luận Mỹ ủng hộ một thỏa thuận về khí hậu mang tính ràng buộc. Ngược lại, đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ Viện và nhiều ứng cử viên muốn đại diện cho đảng này ra tranh cử Tổng thống năm 2016 thì lại xem thỏa thuận Paris là một mối đe dọa cho công việc làm của người dân Mỹ.

Nhìn sang Ấn Độ, nền kinh tế gây ô nhiễm thứ 4 trên toàn cầu, từ New Delhi, Thủ tướng Narendra Modi tỏ ra hài lòng về văn bản cuối cùng vừa được thông qua. Theo ông Modi «Không có người thắng, hay kẻ thua. Phần thắng đã thuộc về Công lý (…) Thành quả có được tại Paris là nhờ sự khôn ngoan tập thể của các nhà lãnh đạo trên thế giới để giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây nên ».

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ quan niệm là quốc tế vừa « viết nên một trang sử mới, đem lại hy vọng cho 7 tỷ người trên hành tinh ». Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến tính chất « lịch sử của thỏa thuận Paris cho những thế hệ mai sau ».

Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh với thỏa thuận vừa đạt được, toàn thế giới cùng «bảo đảm tương lai cho các thế hệ sau này ». Riêng Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà kêu gọi cộng đồng quốc tế « bắt tay ngay vào việc để hàng tỷ người trên trái đất được sống trong những điều kiện an toàn hơn ». 

Kết thúc COP 21 : Xếp hình vì ‘‘Công lý, Khí hậu, Hòa bình’’ tại Paris

 

media

Vào lúc Thượng đỉnh Khí hậu COP21 đang trên đường kết thúc, tại thủ đô Paris, ngày 12/12/2015, khoảng 10.000 người đã tham gia vào nhiều hoạt động tập thể mang tính biểu tượng, như xếp chữ « Công lý, Khí hậu, Hòa bình », với điện thoại cầm tay, một phút mặc niệm các nạn nhân của biến đổi khí hậu, hay tuần hành với dải vài đỏ dài tượng trưng cho ngưỡng nhiệt độ không thể vượt qua. Do tình trạng khẩn cấp, khoảng 2.000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ an ninh.

Ứớc tính hàng trăm người đã tham gia vào sự kiện dùng điện thoại di động để xếp thành 3 chữ cái khổng lồ bằng tiếng Anh : Justice, Climat, Peace (Công lý, Khí hậu, Hòa bình) ngay tại trung tâm Paris, nhờ công nghệ định vị vệ tinh. Tác giả của sáng kiến này là hiều hiệp hội của giới trẻ vì môi trường, như Avenir Climatique, Climates, Refedd, Liên đoàn Hướng đạo sinh Pháp, phong trào WARN !, Thanh niên Sinh thái và Fyeg – Liên đoàn Thanh niên Sinh thái Châu Âu…

Theo ban tổ chức sự kiện xếp chữ « Công lý, Khí hậu, Hòa bình » (Climate, Justice, Peace), hành động này nhằm gửi đến các nhà lãnh đạo một tín hiệu đòi hỏi và khích lệ mạnh mẽ.

DR

Một dải vải đỏ dài đã được kéo dọc theo đại lộ La Grande Armée, đối diện với đại lộ Champs-Elysées, khoảng 3.500 người đã tham gia vào hoạt động đặc biệt này. Băng vải đỏ tượng trưng cho « đường ranh đỏ » nhiệt độ không thể vượt qua, để các hiện tượng thời tiết bất thường trên Trái đất không vượt quá tầm kiểm soát. Cụ thể là nỗ lực tối đa để giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5° C so với thời kỳ tiền công nghiệp, như đòi hỏi của rất nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước dễ bị tổn thương nhất.

Vào đúng 12 giờ trưa, tất cả những người tham gia hoạt động vì khí hậu dành một phút im lặng để tưởng nhớ đến các nạn nhân của biến đổi khí hậu « trong quá khứ ».

Đỉnh điểm của ngày hành động là cuộc tập hợp tại chân tháp Eiffel lịch sử, nơi hàng trăm người kết thành chuỗi cùng giương cao hàng chữ « + 3°C : Tình trạng Khí hậu khẩn cấp », để đánh động sự chú ý của công luận, trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp chống khủng bố khiến giới bảo vệ môi trường đã không thể tiến hành nhiều biểu dương lực lượng quy mô lớn trong suốt thời gian COP 21.

Theo Le Monde, ngày 10/12/2015, trước đó các hiệp hội vì môi trường đã có nhiều thương lượng với Bộ Nội vụ để một cuộc tập hợp « đông đảo, hòa bình, khí thế » diễn ra tại trung tâm Paris.

Các hoạt động sôi nổi trên đường phố Paris diễn ra vào lúc tại trung tâm Le Bourget, các bên đàm phán đang chuẩn bị đi tới một thỏa thuận được nhiều nhà quan sát ghi nhận là «lịch sử ».

Tuy nhiên, cũng rất nhiều người có mặt trong cuộc tập hợp lớn vì khí hậu tại Paris không thừa nhận ý nghĩa tích cực của thỏa thuận. Tại một diễn đàn được lập ra tại chỗ, nhà môi trường nổi tiếng người Canada Naomi Klein – một đại diện của các phong trào tranh đấu triệt để - cảnh báo : dự thảo thỏa thuận cuối cùng « sẽ đưa nhân loại vào thảm họa », vì tính chất thỏa hiệp. Một nhà tranh đấu khác cho rằng, « chúng ta là thế hệ cuối cùng có thể ngăn cản được xu thế đi đến một thảm họa về khí hậu ».

Trong khi đó, ông Jean-Maris, một người có mặt tại chỗ, chia sẻ với AFP, « điều quan trọng không phải là những gì diễn ra tại Le Bourget », nơi diễn ra Thượng đỉnh Khí hậu, « mà điều thiết yếu chính là mỗi công dân chúng ta phải thay đổi cách hành xử của mình ».

Tại Paris, 195 nước thông qua thỏa thuận chống biến đổi khí hậu ‘‘lịch sử’’

 

media

Một thỏa thuận quốc tế chưa có tiền lệ nhằm chống hiện tượng hâm nóng khí hậu đang đe dọa hành tinh đã được đại diện 195 quốc gia thông qua tối ngày 12/12/2015, trong những tràng vỗ tay vang dội. Đây là thắng lợi của hai tuần lễ thương lượng gay go tại Paris, sau thất bại của các thượng đỉnh khí hậu những năm trước.

Chủ tịch hội nghị COP21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius xúc động phát biểu : « Không thấy có phản đối nào, tôi tuyên bố hiệp định Paris về khí hậu đã được thông qua ». Những tràng pháo tay kéo dài nhiều phút, tiếp theo là những cái bắt tay mừng rỡ trong khán phòng, sáu năm sau thất bại của thượng đỉnh Copenhagen.

Ủy viên Châu Âu phụ trách vấn đề khí hậu Miguel Areas Canete phấn khởi nói : « Gần một tháng sau các vụ khủng bố đã làm 130 người thiệt mạng tại Paris, nước Pháp đã đoàn kết được thế giới xung quanh thỏa thuận toàn cầu quan trọng nhất từ trước đến nay về vấn đề biến đổi khí hậu ».

Các đoàn đại biểu đã tiến hành những cuộc thương lượng gay gắt, với mục đích giữ tình trạng trái đất nóng lên « từ 2°C trở xuống », và « tiếp tục các nỗ lực để hạn chế ở mức 1,5°C » so với thời kỳ tiền công nghiệp. Viện trợ cho các nước đang phát triển để đối phó với các đe dọa của biến đổi khí hậu, sẽ đạt mức 100 tỉ đô la hàng năm kể từ năm 2020, và đây sẽ chỉ được coi là « mức sàn » và mức đóng góp này được kêu gọi nâng lên trong những năm sau đó. Đây là một yêu sách các nước nghèo liên tục yêu cầu từ nhiều năm qua.

Thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2020, giúp nền kinh tế thế giới hướng về một mô hình thải khí carbone thấp. Cuộc cách mạng này được tiến hành qua việc loại bỏ dần các năng lượng hóa thạch (than đá, dầu lửa, khí đốt) hiện đang thống trị trên thế giới, để chuyển sang năng lượng tái tạo. Theo thỏa thuận, một cơ chế sẽ được thiết lập để xét lại mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi 5 năm một lần, bắt đầu từ năm 2025.

Văn bản cũng tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia, trong đó các nước phát triển phải đóng góp nhiều hơn, do trách nhiệm lịch sử trong việc phát khí thải.

Như vậy mục tiêu đạt đến một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc được ấn định năm 2011 tại Durban (Nam Phi) nay đã trở thành sự thật , sau hai tuần lễ thương thảo tại trung tâm hội nghị Le Bourget, ngoại ô phía bắc Paris. Trong buổi khai mạc COP21, 150 nguyên thủ đã đến Paris để nói lên nhu cầu khẩn cấp phải hành động trước hiện tượng hâm nóng khí hậu.

Trong những giờ phút hồi hộp khi phải kéo dài thời gian kết thúc hội nghị, Chủ tịch COP21 Laurent Fabius đã kêu gọi các nước thông qua « một thỏa thuận lịch sử » trong một bài phát biểu đầy xúc cảm được ngắt quãng bởi những tiếng vỗ tay.

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã hối thúc các đại diện toàn thế giới «hoàn tất công việc », nhằm chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu khiến nóng hạn, lụt lội, tan băng trở nên trầm trọng thêm. Tổng thống Pháp François Hollande cổ vũ cộng đồng quốc tế hãy tiến hành « một bước quyết định ». Về phía các tổ chức phi chính phủ, giám đốc Greenpeace Kumi Naidoo cho rằng đây là một « bước ngoặt » : năng lượng hóa thạch đã "bị bỏ lại bên lề lịch sử". 

 

Xã hội dân sự toàn cầu tổ chức Thượng đỉnh Khí hậu riêng

media

 

Trong hai ngày của kỳ nghỉ cuối tuần trước, mùng 5 và 6 tháng 12/2015, nhiều tổ chức xã hội dân sự khắp nơi đã tổ chức một Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu của các công dân, song song với COP21, tại Montreuil, thành phố ngoại ô Paris. Cuộc hội ngộ lớn này của các phong trào dân sự có mục tiêu xây dựng một thế giới phát triển bền vững. « Thay đổi hệ thống chứ không được thay đổi khí hậu », đó là khẩu hiệu có mặt khắp nơi trong dịp này.

Khoảng 30.000 người đã tham gia vào sự kiện đặc biệt này, trong bối cảnh Paris và nhiều nơi trên toàn nước Pháp vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, sau loạt khủng bố đẫm máu ngày 13/11/2015. Các hoạt động vì một nền nông nghiệp bền vững là một trong các nội dung nổi bật trong hai ngày Thượng đỉnh khí hậu của công dân toàn cầu (1).

Nếu như bức tượng lớn Nữ thần Tự do phun khói lên trời, với dòng chữ « Tự do gây ô nhiễm » là hình ảnh được hầu như tất cả mọi người đến với Thượng đỉnh song song này chú ý, thì « Cây ước mơ » là nơi thu hút rất nhiều tham gia, từ các em bé cho đến người già. Ai cũng có thể treo lên chiếc cây chung này một giải vải nhỏ, với những hy vọng cho một điều tốt đẹp. Iris, một bé gái bốn tuổi, cũng gắn lên cây một giải lụa, cùng với bố. Chị Stéphanie Montassiercho biết nội dung ước mơ của con gái :

Chị Stéphanie Montassier12/12/2015Nghe

« Tôi mong rằng, con gái tôi vẫn sẽ được thấy các loài động vật, những loài đang trên đường tuyệt chủng ».

Stéphanie Montassier làm việc trong lĩnh vực nhà cửa, một nghề mà theo chị mang lại rất nhiều ô nhiễm cho môi trường, tuy nhiên, chị vẫn có những nỗ lực riêng để giảm thiểu tác hại :

« Trong công việc hàng ngày của mình, tôi cố gắng lựa chọn các sản phẩm, vật liệu nào có thể được tái chế, được tái sử dụng trong lĩnh vực nhà cửa. Chúng tôi cố gắng chọn lọc những gì có thể giữ lại khi phá các nhà cũ, và đối với những nơi ở mới, để tránh lãng phí, chúng tôi không trang bị toàn bộ, nếu như chúng tôi không biết trước được người sử dụng cuối cùng muốn gì. Ví dụ như, không đặt thảm chẳng hạn, vì có thể người sử dụng tương lai muốn một thứ khác ».

Tuần hành, hội thảo, diễn đàn, sinh hoạt văn nghệ, phổ biến hiểu biết : Rất nhiều hoạt động diễn ra tại Montreuil cuối tuần qua.REUTERS/Benoit Tessier

Chúng tôi gặp anh François Guion, một phóng viên của nguyệt san tranh châm biếm Zélium, khi anh đứng giữa dòng người để giới thiệu số báo mới có tựa đề « Kỷ nguyên tuyệt vời của nạn nghiện thực phẩm công nghiệp ». François bày tỏ quan niệm mình :

Anh François Guion12/12/2015Nghe

« Với hành động của mình, chúng tôi tố cáo việc những người làm nông đã bị dồn đẩy để buộc phải tham gia vào hệ thống công nghiệp thực phẩm. Họ bị thúc đẩy để mua các loại thuốc trừ sâu, phân hóa học… để nuôi các xí nghiệp.

Hiện nay, chúng ta đã có các phương pháp nông nghiệp sinh thái, cho phép nuôi sống cùng một số lượng cư dân nhưng với chi phí thấp hơn, đồng thời giúp cho việc bảo vệ môi trường bền vững.

Hãy làm sao để tránh cho việc, như tại Pháp, đất đai bị khai thác kiệt quệ, các chất hữu cơ, sự sống của đất đai bị hủy hoại. Đất đai càng kiệt quệ, thì người làm nông lại càng phụ thuộc vào phân bón hóa học.

Mua tạp chí trào phúng Zélium của chúng tôi là một cách để ủng hộ nền truyền thông tự do và châm biếm ».

Một hoạt động tâm điểm của hai ngày Thượng đỉnh công dân này là hội nghị của 196 chiếc ghế, do một phong trào bất tuân dân sự tổ chức. 196 chiếc ghế là con số các quốc gia tham dự Thượng đỉnh Le Bourget. Số ghế này được các thành viên của phong trào « tịch thu » từ nhiều ngân hàng, bị quy trách nhiệm trốn thuế hàng tỷ đô la. Sau đây là tiếng nói của một đại diện phong trào :

Nhà hoạt động phong trào bất tuân dân sự ANV COP2112/12/2015Nghe

«Action non violente COP21  là một phong trào công dân, kêu gọi bất tuân dân sự. Chúng tôi kêu gọi các công dân có những hành động trực tiếp, như việc tước ghế. Thoạt nhìn việc tịch thu ghế của các nhà băng có vẻ như là một hành động vô ích, nhưng mục đích của hành động này là để lên án các hoạt động trốn thuế của các ngân hàng.

Hoạt động trốn thuế này khiến các ngân hàng không còn tiền để đóng cho Quỹ Xanh. Hiện nay, trong các đàm phán tại COP21, các quốc gia đã không tìm được đủ 100 tỷ đô la cho Quỹ Xanh. Chúng tôi biết rằng : Tiền cho khí hậu là có, nhưng nó nằm trong các ‘‘thiên đường trốn thuế’’. Chính vì thế chúng tôi tổ chức hoạt động tước ghế của các ngân hàng, như một hành động biểu tượng.

Chúng tôi đã đưa ra lời kêu gọi các công dân toàn cầu, ‘‘Hãy đứng thẳng và kiên quyết hành động để cứu khí hậu’’. Lời kêu gọi được đưa ra hồi tháng 6/2015. Kêu gọi này đã nhận được sự ủng hộ của khoảng 3.000 chữ ký.

Chúng tôi được biết, Ngân hàng BNP đã có một thông báo nội bộ để các nhân viên chú ý đề phòng phong trào tước ghế. Việc các công dân vào ngân hàng để tịch thu ghế là một hành động có ý nghĩa. Các ngân hàng không muốn đối đầu, không muốn đưa vụ việc ra tòa, vì họ không muốn đứng ở thế phải trả lời các chất vấn của công dân về việc trốn thuế.

Trong ‘‘thượng đỉnh 196 ghế’’ vừa diễn ra, có rất đông người tham dự. Mọi người đều trương lên cùng một thông điệp : ‘‘Tất cả chúng ta đều là người tịch thu ghế'''.

Phong trào chúng tôi như vậy đã được ủng hộ ».

Các nhà tranh đấu thuộc một hiệp hội ở Basque đang « bắt làm con tin » 8 chiếc ghế của ngân hàng HSBC ở Bayonne, ngày 02/11/2015.Ảnh : GAIZKA IROZ/AFP

Chúng tôi gặp anh Iker Elosegi, một nhà nông đến từ xứ Basque, miền nam nước Pháp. Anh đến đây không phải để quảng cáo cho sản phẩm riêng của bản thân, mà cho các sản phẩm nông nghiệp bền vững của cả vùng anh ở. Iker nhấn mạnh đến ý nghĩa vô cùng lớn của những hành động thông thường :

Ông Iker Elosegi12/12/2015Nghe

« Hành động chính trị đầu tiên mà mọi người – có điều kiền - đều có thể làm, làm ba ngày một lần : đó là ăn.

Việc chúng ta lựa chọn ăn gì sẽ tác động trực tiếp đến việc các sản phẩm nào sẽ được tạo ra, loại hình nông nghiệp nào sẽ được thiết lập. Những việc này để lại các hệ quả vô cùng to lớn đối với đời sống của một vùng đất, cảnh quan của một vùng đất.

Người làm nông có khả năng rất lớn. Các cư dân của một đất nước có khả năng thay đổi đất nước mình thông qua con đường như vậy (chọn đồ ăn để quyết định sản phẩm). Bằng hành động này, thông qua việc tôi mua gì, tôi ăn gì, mỗi người sẽ tham gia vào việc quyết định chúng ta sẽ có trên đồng ruộng những người làm nông hay là những người kinh doanh - nông nghiệp ».

Trước khi chia tay với Montreuil, chúng tôi gặp được Jane Noppe. Nhà hoạt động dân sự gốc Anh này đến Thượng đỉnh các công dân vì khí hậu với rất nhiều suy nghĩ về tương lai của phong trào dân sự của các công dân toàn cầu, mà theo bà, không thể tách rời khỏi các nỗ lực của chính quyền quốc gia, mà đặc biệt là địa phương :

Bà Jane Noppe12/12/2015Nghe

« Chúng ta cần cả hai. Cần các công dân, và các tổ chức của công dân, như Greepeac, Attac. Tôi là thành viên của Diễn đàn Xã hội Forum Social tại Ivry, là chi nhánh của Diễn đàn Xã hội Toàn cầu. Cần phải có tất cả những điều này. Bên cạnh đó cần quyết tâm của chính quyền. Bởi vì, nếu chỉ là những người có mặt ở đây, thì tuy là đông đảo, nhưng không thật sự nhiều so với toàn thể xã hội.

Tôi cho rằng việc thỏa thuận giữa các quốc gia với nhau cần tiến triển. Tuy nhiên, một khi các mục tiêu giảm khí thải của từng nước đã được quyết định, cần phải triển khai thành các mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực. Ví dụ như, tiêu thụ năng lượng ít hơn trong giao thông, trong việc sưởi ấm nơi ở, ít hơn trong nông nghiệp… Cần phải thay đổi phương thức trong sản xuất nông nghiệp, ít phân bón, có nghĩa là ít khí thải hơn… Ít chăn nuôi hơn, ít (ăn và sản xuất) thịt hơn… Nhiều thứ cần được giảm xuống…, để khí thải giảm xuống. Tăng trưởng sẽ giảm xuống một chút, nhưng chúng ta vẫn có cuộc sống tiện nghi, chứ không phải trở về thế giới của đèn dầu, của hang động. Chúng ta vẫn sẽ sống đàng hoàng (…).

Về mặt cụ thể, tôi cố gắng tham gia vào các chương trình truyền thông. Một trong những hoạt động quan trọng của hiệp hội Attac chúng tôi là phổ biến kiến thức cho đại chúng. Những vấn đề này không hề đơn giản, do đó cần phải giải thích cho mọi người, những người trong cùng khu phố, cùng nơi làm việc, hoặc những người quen biết khác. Về điều mà mỗi người có thể làm được ở tầm mức nhỏ bé của mình. Cũng cần giải thích khả năng mà mỗi người chúng ta có thể tác động đến những lãnh đạo địa phương, thành phố, thị trấn, hay cụm dân cư, để tham gia thay đổi, để khuyến khích các công dân tham gia ». 

---