TÌNH HÌNH THỜI CUỘC
2015
Diễn biến vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo
Thảm sát bằng kalachnikov ngay trong cuộc họp tòa soạn, sát hại một cảnh sát
giữa trung tâm Paris, cướp xe…Đó là diễn tiến của vụ tấn công vào tuần báo
trào phúng Charlie Hebdo hôm nay 07/01/2015.
Vào khoảng 11 giờ 20, hai người đàn ông mặc đồ đen, nón trùm đầu, mỗi người
trang bị một khẩu kalachnikov xuất hiện trước ngôi nhà số 6 đường
Nicolas-Appert, quận 11 Paris. Họ gào lên: «
Có phải Charlie Hebdo là ở đây
không ? » Thấy rằng nhầm địa
chỉ, hai kẻ này quay sang nhà số 10 cùng đường – trụ sở của tuần báo Charlie
Hebdo.
Khi vào được trong tòa nhà, các hung thủ xả súng vào bộ phận thường trực và
leo lên tầng hai, nơi ban biên tập đang họp. Một nguồn tin cảnh sát cho AFP
biết : « Cả hai tên đã lạnh
lùng nổ súng, giết hại những người đang ngồi họp bàn về nội dung trong
phòng, và cả viên cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ họa sĩ Charb – vì bất ngờ nên
không kịp bắn trả ».
Chỉ có mỗi một người thoát chết nhờ trốn dưới gầm bàn. Người này nghe hai
hung thủ hét to: « Chúng ta
đã báo thù cho đấng tiên tri », và hô « Allah
Akbar ! ».
Khoảng 11 giờ 30, số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát nhận được cuộc gọi báo
tin vụ xả súng ở tòa soạn Charlie Hebdo. Hai cảnh sát được điều đến hiện
trường ngay lập tức.
Cả hai kẻ tấn công vừa chạy trốn vừa hô tiếp «
Allah Akbar ! ». Chúng chạm trán với một toán tuần tiễu của đội cảnh
sát hình sự địa phương. Một cuộc đọ súng diễn ra. Hai tên khủng bố chạy
thoát được bằng chiếc xe hơi Citröen C3 màu đen và phóng thẳng đến trước mặt
một xe cảnh sát. Bọn chúng bắn khoảng 12 phát vào kính trước của xe, nhưng
các cảnh sát viên ngồi bên trong không ai bị thương.
Cảnh sát nổ súng vào các hung thủ, và chúng bắn trả. Trên đại lộ
Richard-Lenoir, một cảnh sát mặc sắc phục khoảng ba mươi tuổi bị trúng đạn,
nằm gục trên mặt đất – theo một video đăng trên internet. Hai kẻ khủng bố
bèn ra khỏi xe, chạy lại gần. Người cảnh sát giơ tay, hỏi :« Các ông
muốn giết tôi sao ? » Một
tên trả lời : « Đúng thế » và
vừa chạy vừa bắn một viên đạn vào đầu người cảnh binh này.
Hai hung thủ chạy về phía chiếc xe hơi của chúng, hô to : «
Chúng ta đã báo thù cho tiên tri Mahomed ! Chúng ta đã giết Charlie Hebdo !
» và lái xe đi. Bọn chúng
sau đó tông vào một xe khác khiến người lái bị thương nhẹ, và bỏ lại chiếc
xe hơi ở Porte de Pantin, phía đông bắc Paris. Tại đây chúng cướp một chiếc
xe khác, chạy trốn về hướng bắc. Lực lượng an ninh bị mất dấu các hung thủ
từ đó.
Tổng cộng có 12 người chết trong đó ít nhất có 5 thành viên ban biên tập
Charlie Hebdo, và 8 người bị thương.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Bernard Cazeneuve cho biết có «
ba tên tội phạm » tham gia
vụ tấn công này đang được tích cực truy lùng, nhưng không nói rõ vai trò của
tên thứ ba. Ông tuyên bố, tất cả đều được huy động để «
vô hiệu hóa càng nhanh càng tốt ba kẻ tội phạm ».
Pháp để quốc tang tưởng niệm các nạn nhân vụ Charlie Hebdo
Hôm nay 08/01/2015 toàn nước Pháp để tang một ngày và treo cờ rũ ba hôm
tưởng niệm 12 nạn nhân bị sát hại trong vụ tấn công vào tòa soạn tuần
báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris hôm qua.
Sáng nay Quốc hội Châu Âu treo cờ rũ và dành một phút mặc niệm, Đức Giáo
hoàng Phanxicô cầu nguyện trong thánh lễ buổi sáng. Tối qua trên 100.000
người xuống đường tại khắp nước Pháp, nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn
ra tại các thành phố Châu Âu.
Tổng thống Pháp François Hollande hôm qua trên truyền hình đã tuyên bố
tiến hành quốc tang, quyết định hôm nay đã được đăng trên Công báo. Sự
kiện này hiếm khi diễn ra : Đây là lần quốc tang thứ năm kể từ khi thành
lập nền Đệ ngũ cộng hòa Pháp.
Toàn quốc treo cờ rũ trong ba ngày, và phút mặc niệm vào đúng 12 giờ
trưa nay đã diễn ra tại tất cả công sở, trường học, công ty. Cũng vào
thời điểm này, hệ thống xe điện ngầm, tramway và xe buýt tại Paris và
tạm ngừng hoạt động trong một phút để tưởng niệm.
Đúng ngọ, Nhà thờ Đức Bà Paris cho kéo những hồi chuông cầu nguyện, tiếp
theo là thánh lễ cầu cho các nạn nhân và gia đình. Cùng lúc đó, một buổi
lễ vinh danh và tưởng niệm diễn ra tại Quốc hội Pháp. Tại Vatican, Đức
Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ sáng nay kêu gọi : «
Hãy cầu nguyện bây giờ cho các nạn nhân của sự tàn bạo, quá nhiều nạn
nhân ! Cầu nguyện cả cho những kẻ dã man, để Chúa Trời thay đổi trái tim
của họ ». Sau đó ngài gởi thông điệp Twitter «
Cầu nguyện cho Paris » bằng
tất cả các thứ tiếng.
Quốc hội và nhiều định chế Châu Âu treo cờ rũ, dành một phút mặc niệm
các nạn nhân vụ khủng bố Charlie Hebdo. Tại trụ sở Quốc hội Châu Âu ở
Strasbourg, hàng trăm dân biểu và nhân viên tham dự buổi lễ tưởng niệm,
câu khẩu hiệu « Tôi là
Charlie » được chiếu
sáng trên mặt tiền tòa nhà. Còn trước trụ sở Ủy ban Châu Âu ở Bruxelles,
tất cả 28 lá cờ màu xanh mang 12 ngôi sao vàng của Liên Hiệp Châu Âu đều
rũ xuống, phút mặc niệm diễn ra tại đây và tại Hội đồng Châu Âu.
Trên toàn nước Pháp tối qua, hơn 100.000 người đã xuống đường để vinh
danh các nạn nhân và lên án vụ khủng bố. Tại Paris, theo số liệu của
cảnh sát có 35.000 người đủ mọi lứa tuổi tập hợp tại quảng trường
République, gần tòa soạn Charlie Hebdo, theo lời kêu gọi của nhiều
nghiệp đoàn, hiệp hội, các phương tiện truyền thông và đảng chính trị.
Nhiều chính khách cũng tham gia cuộc biểu tình trong đó có Chủ tịch Quốc
hội Claude Bartolone, Bí thư thứ nhất đảng Xã hội Jean-Christophe
Cambadélis…Đô trưởng Paris Anne Hidalgo loan báo ý định phong «
Charlie Hebdo » làm công
dân danh dự của thủ đô.
Các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố Châu Âu, từ Berlin,
Bruxelles, Madrid cho đến Luân Đôn, Thụy Sĩ, Vienna, La Haye, Stockholm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua đã chia buồn với nhân dân Pháp bằng
một thứ tiếng Pháp rất chuẩn. Nhiều tiếng nói cất lên từ Hollywood kêu
gọi bảo vệ tự do ngôn luận.
Còn trước tòa soạn Charlie Hebdo, người dân Paris tiếp tục mang hoa và
nến đến đặt trước các bức chân dung khổ lớn của bốn họa sĩ tên tuổi bị
sát hại.
Nguy cơ bạo động chống Hồi giáo tăng cao sau vụ khủng bố ở Paris
Chỉ vài giờ sau vụ khủng bố đẫm máu tại Tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo ở
trung tâm Paris vào hôm qua, 07/01/2015, đã có ít nhất ba vụ tấn công nhỏ
vào nơi thờ phụng của người Hồi giáo tại Pháp. Các sự cố này đã làm dấy lên
lo ngại về nguy cơ bạo động bùng lên, không chỉ tại Pháp, mà cả tại nhiều
nước Châu Âu khác, với cộng đồng người Hồi giáo là nạn nhân.
Theo các nguồn tin tư pháp vào hôm nay, 08/01, được hãng AFP trích dẫn, ngay
từ khuya hôm qua, vài tiếng đồng hồ sau vụ quân khủng bố hô khẩu hiệu xưng
tụng Hồi giáo xả súng sát hại 12 người tại trụ sở báo Charlie Hebdo ở Paris,
tại thành phố Le Mans, miền tây nước Pháp, kẻ lạ mặt đã ném ba quả lựu đạn
dùng để huấn luyện, đồng thời nổ súng vào một đền thờ Hồi giáo tại một khu
phố bình dân.
Ở thành phố Port-La-Nouvelle (miền nam), vào lúc tối, hai phát súng cũng
được bắn về phía một phòng cầu nguyện của người Hồi giáo. Đến sáng sớm hôm
nay, một vụ nổ có nguồn gốc tội phạm cũng xảy ra ở phía trước của một nhà
hàng bán thịt nướng kiểu Ả Rập kebab gần một đền nhà thờ Hồi giáo ở thành
phố Villefranche-sur-Saône, miền trung nước Pháp.
Theo các nhà quan sát, các sự cố kể trên rất có thể là hành vi trả đũa vụ
thảm sát tại Paris, được ghi nhận là đẫm máu nhất ở Pháp trong vòng 50 năm
nay, với thủ phạm xả súng giết hại 10 nhà báo và hai nhân viên công lực,
miệng hô vang khẩu hiệu truyền thống của người Hồi giáo «
Allah akbar » (tạm dịch là
Thượng đế vĩ đại).
Với vòng xoáy bạo động giữa các thành phần quá khích từ cả hai phía như đã
được khởi động, giới phân tích đang rất lo ngại về nguy cơ cộng đồng người
Hồi giáo tại Pháp nói riêng, và tại Châu Âu nói chung, trở thành nạn nhân
của những vụ bạo hành và kỳ thị, trong bối cảnh các hành vi tàn ác dã man
của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông đang gây phẫn uất trong dư luận
phương Tây.
Theo ông Marc Pierini, cựu Đại sứ Pháp, đồng thời là một nhà ngoại giao của
Liên Hiệp Châu Âu : « Điều
đáng lo ngại là vụ thảm sát như vậy ngay tại trung tâm Paris, sẽ kích động
thêm tâm lý bài ngoại và bài Hồi giáo ».
Trên trang Facebook của mình, ông Luciano Rispoli, một nhà ngoại giao Pháp
công tác tại Baghdad cũng lưu ý : « Ở
đâu cũng có những kẻ điên. Do đó không nên lầm kẻ thù, và lẫn lộn giữa đức
tin và sự cuồng tín, giữa lòng ngoan đạo và thái độ sùng đạo cực đoan ».
Nỗi lo ngại đặc biệt mạnh mẽ tại Pháp, nơi dung thân của một cộng đồng Hồi
giáo lớn nhất nhì Châu Âu, trong lúc Nhà nước Pháp lại rất tích cực trong
cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Châu Phi, cũng như lực
lượng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria.
Trong một vài năm gần đây, tâm lý bài Hồi giáo đã có dấu hiệu được tăng
cường tại Pháp, thể hiện qua hai thực tế : Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia
ngày càng có thêm nhiều kết quả tốt trong các cuộc bầu cử, và một số nhân
vật nổi tiếng không ngần ngại công khai thể hiện quan điểm bài Hồi giáo, như
nhà bình luận Eric Zemmour, tác giả môt quyển sách ăn khách tố cáo nạn nhập
cư là một trong những nguyên do gây bất hạnh cho nước Pháp.
Căng thẳng cũng sẽ trầm trọng thêm tại Đức, nơi cũng có một cộng đồng Hồi
giáo đông đảo – chủ yếu là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng căng thẳng đã
bắt đầu gia tăng rõ nét với sự vươn lên của phong trào chống «
Hồi giáo hóa » Pegida, phát
sinh từ thành phố Đông Đức Dresden. Vụ thảm sát tại Paris được cho là sẽ
thêm củi lửa cho phong trào bài Hồi giáo này.
Cựu Đại sứ Pháp Marc Pierini, đồng thời thành viên Hiệp hội Fondation
Carnegie Châu Âu dự đoán bi quan : «
Chúng ta đang ở trong một loại vòng luẩn quẩn… » vì
vụ khủng bố ở Paris và các cuộc biểu tình bài Hồi giáo ở Đức «
sẽ nuôi dưỡng lẫn nhau ».
Thế giới tỏ tình đoàn kết với Pháp với khẩu hiệu ''Tôi là Charlie''
Vụ khủng bố tấn công báo Charlie Hebdo khiến 12 người chết và 11 người
bị thương tiếp tục gây xúc động trên toàn thế giới, với nhiều cuộc biểu
tình tự phát để bày tỏ tình đoàn kết với Pháp diễn ra ngày từ tối thứ Tư
07/01/2015 và tiếp tục cho đến nay.
Đáng chú ý nhất là tại Thổ Nhĩ Kỳ, một nước Hồi giáo. Theo thông tín
viên Jérôme Bastion tại Istanbul, nhiều người dân bình thường, các đảng
chính trị và các tổ chức báo chí đã động viên nhau đến trước Tổng Lãnh
sự quán Pháp, để đặt hoa, thắp nến bày tỏ nỗi xúc động.
Tại đất nước Hồi giáo này, ít người dám lên án quá công khai chủ nghĩa
khủng bố Hồi giáo, nhưng những người đến trước Lãnh sự quán Pháp đều
muốn nêu bật thái độ phẫn nộ của mình bằng một sự hiện diện mang tính
chất biểu tượng.
Một cuộc biểu tình tự phát ở Matxcơva
Tại thủ đô nước Nga, theo ghi nhận của Thông tín viên Muriel Pomponne,
khoảng một trăm người – cả Nga lẫn Pháp - đã tham gia một cuộc biểu tình
tự phát bên ngoài Đại sứ quán Pháp. Họ mang theo hoa, nến, hoặc cầm
trong tay khẩu hiệu « Tôi
là Charlie » bằng tiếng
Pháp hay tiếng Nga.
Một phụ nữ tham gia biểu tình giải thích : « Tôi
không thể không đến vào hôm nay. Đây là một điều rất quan trọng. Dù là
nước Pháp hay ở nơi khác, điều quan trọng là mọi quốc gia đều phải bày
tỏ lập trường ủng hộ Charlie Hebdo, ủng hộ quyền tự do ngôn luận và
quyền tự do nói chung. »
Trước Sứ quán Pháp tại Roma chưa bao
giờ đông người như vậy
Tại Roma, thủ đô nước Ý, hàng trăm người dân vào tối hôm qua cũng tham
gia một cuộc rước đuốc để bày tỏ tình đoàn kết với báo Charlie Hebdo
theo lời kêu gọi của Liên đoàn Báo chí Quốc gia Ý, được nhiều hiệp hội
khác hỗ trợ.
Theo thông tín viên Anne Le Nir, người Ý cũng xưng tên «
Tôi là Charlie » và tất
cả đều tin rằng chỉ có đoàn kết nhất trí mới góp phần được vào công cuộc
chống lại mọi hình thức khủng bố.
Hiếm khi mà quảng trường Piazza Farnese, nơi đặt Đại sứ quán Pháp tại
Roma, lại đông người như vậy vào một buổi tối tháng Giêng giá rét. Nữ
đạo diễn Ý Cristina Comencini tâm sự : «
Chúng tôi đến đây trong tư cách công dân châu Âu… Chúng tôi rất bàng
hoàng và muốn nói rằng tất cả chúng tôi đều là người Pháp, chúng ta đều
là Charlie. Charlie Hebdo cảm ơn bạn ! »
Thị trưởng Rotterdam : « Tất cả chúng
ta đều là Charlie »
Tại Hà Lan, cũng có hàng ngàn người tụ tập để tưởng niệm các nạn nhân.
Tại khoảng hai chục thị xã, thành phố, người dân Hà Lan đã tuần hành
trong im lặng, tay cầm các tấm biển« Tôi là Charlie », nến,
bút hoặc các trang báo cũ của tờ Charlie Hebdo.
Ở thành phố Rotterdam chẳng hạn, thị trưởng thành phố, ông Ahmed
Aboutaleb, đã phát biểu bằng tiếng Pháp trước đám đông : «
Tối nay tôi là người Paris và tôi là Charlie, tối nay tất chúng ta đều
là người Paris và đều là Charlie. »
Bắt con tin tại khu phố phía đông Paris : Ít nhất hai người chết ?
Theo hãng tin Pháp AFP, đã có ít nhất 2 người thiệt mạng trong vụ chạm
súng nổ ra trong một siêu thị bán hàng cho người Do Thái tại một khu phố
phía đông của Paris, cạnh hai thị xã Montreuil và Vincennes, hôm nay
09/01/2015. Các nguồn thạo tin xác định có ít nhất năm người bị bắt làm
con tin, tại khu vực nằm sát xa lộ vành đai bao quanh thủ đô Pháp.
Các nguồn tin trên tiết lộ : Thủ phạm giết người và bắt con tin chính là
kẻ đã bắn chết một nữ nhân viên cảnh sát trẻ vào sáng hôm qua, 08/01 tại
thị xã Montrouge, sát cạnh Paris về hướng Nam, đồng thời làm một người
khác bị thương.
Kẻ này cũng có liên hệ với hai nghi phạm vụ tấn công sát hại 12 người
tại tòa soạn báo Charlie Hebdo hôm 07/01. Đó là hai anh em Said và
Sharif Kouachi, vào trưa nay, vẫn đang bị lực lượng an ninh Pháp bao vây
tại một địa điểm ở phía Bắc cách Paris 40 km, cùng với một con tin đang
bị hai nghi can cầm giữ.
Theo lời kể của một số nhân chứng, vào lúc 12 giờ giờ quốc tế, một người
đàn ông với hai khẩu súng tiểu liên đã xông vào siêu thị bán hành cho
người Do Thái, và xả súng vào những người có mặt. Các nguồn tin trên
khẳng định đã có « ít
nhất hai người chết » và
« ít nhất năm người »
bị bắt làm con tin.
Các nhân chứng này, trong đó có một nhân viên siêu thị, đã trốn thoát
được khi vụ việc xẩy ra.
Lực lượng an ninh đã lập tức cô lập khu vực, và tất cả cư dân trong các
tòa nhà gần đấy đã được yêu cầu ở yên trong nhà. Lực lượng chống bạo
động, được trang bị khiên chống đạn đã được triển khai.
Cảnh sát đồng thời công bố ảnh hai nghi can – một nam, một nữ - liên
quan đến vụ hạ sát nữ nhân viên cảnh sát hôm qua. Theo cảnh sát, đó là
hai phần tử có võ trang và nguy hiểm : Amedy Coulibaly, 32 tuổi, và
Hayat Boumeddiene, 26 tuổi. Coulibaly bị nghi là có liên can với anh em
Kouachi.
Vụ bắt con tin ở Paris : Năm người chết trong đó có hung thủ
Hôm nay, 09/01/2015, nước Pháp cùng một lúc phải đối mặt với hai vụ
khủng bố : Sáng nay, hai thủ phạm vụ khủng bố ở tòa soạn báo Charlie
Hebdo, cố thủ ở Dammartin-en-Goele, vùng Picardie, thì vào đầu giờ chiều
nay, một vụ bắt cóc con tin xẩy ra ở Porte de Vincennes, phía đông
Paris. Trong vụ thứ hai này, 5 người thiệt mạng trong đó có hung thủ,
Amedy Coulibaly, kẻ đã nổ súng bắn chết một nữ cảnh sát ngày hôm qua, ở
Montrouge, phía nam Paris.
Vào khoảng 13 giờ, một vụ nổ súng đã xảy ra tại một siêu thị nhỏ ở Porte
de Vincennes. Amedy Coulibaly đã bắt giữ nhiều khách hàng làm con tin.
Cảnh sát phong toả toàn bộ khu vực và lực lượng tinh nhuệ của cảnh sát
Pháp – RAID – được điều động đến hiện trường.
Theo đài truyền hình Pháp BFMTV, trong lúc bị cảnh sát bao vây, Amedy
Coulibaly đã gọi điện thoại tới trụ sở đài này và cho biết y có liên hệ,
phối hợp hành động với Chérif và Saïd Kouachi (thủ phạm vụ thảm sát ở
tòa soạn báo Charlie Hebdo). Vẫn theo Coulibaly, anh em nhà Kouachi
khủng bố Charlie Hebdo, còn y thì nhắm vào cảnh sát.
Vào khoảng 17 giờ, RAID tấn công vào siêu thị từ hai phía : Trực diện và
cửa bên trái. Cuộc tấn công kéo dài khoảng một phút.
Hơn một chục con tin được giải thoát. Năm người thiệt mạng, trong đó có
hung thủ Amedy Coulibaly.
Hai thủ phạm vụ khủng bố tuần báo Charlie Hebdo bị bắn hạ
Hôm nay, 09/01/2015, lực lượng đặc nhiệm của hiến binh Pháp (Nhóm Can thiệp
của Hiến binh Quốc gia - GIGN) đã tấn công một xưởng in nơi hai nghi phạm cố
thủ, ở Dammartin-en-Goele, cách Paris 40 km về phía đông bắc. Cả hai kẻ
khủng bố đã bị bắn hạ. Một con tin đã được giải thoát. Một đặc nhiệm GIGN bị
thương.
Sau vụ khủng bố ở tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo, làm 12 người
thiệt mạng, hôm 07/01/2015, cảnh sát Pháp đã xác định Chérif và Saïd Kouachi
là hai nghi phạm chính.
Hôm qua, 08/01/2015, sau khi nhận được thông tin hai nghi phạm, anh em nhà
Kouachi, hiện diện tại Villers-Cotterêts, ở Soissons, vùng Picardie, phía
đông bắc Paris, lực lượng đặc nhiệm Pháp đã triển khai tới vùng này và cuộc
truy lùng đã diễn ra suốt ngày hôm qua. Nhưng không mang lại kết quả.
8giờ30 sáng nay, cuộc truy lùng được tiếp tục. Khoảng 9giờ20, đặc nhiệm Pháp
đấu súng với hai nghi phạm và truy đuổi trên Quốc lộ 2 ở vùng
Seine-et-Marne.
Hai kẻ khủng bố xông vào một xưởng in ở Dammartin-en-Goële và cố thủ trong
đó. Vòng vây xiết chặt. Thông tin ban đầu cho biết có một người bị bắt làm
con tin. Nhưng thực ra, người này đã kịp ẩn náu trong một phòng khác, giữa
các thùng carton trong xưởng in mà hai nghi phạm không hề biết và đã dùng
điện thoại liên lạc với đặc nhiệm ở bên ngoài.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố cần phải « vô
hiệu hóa những thủ phạm » vụ
khủng bố nhắm vào tòa soạn Charlie Hebdo.
Đặc nhiệm bao vây khu xưởng in, xác định rõ đó là hai anh em nhà Kouachi và
tìm cách « đối thoại ».
Toàn bộ thành phố Dammartin-en-Goële bị phong tỏa.
Vào lúc 17 giờ, đặc nhiệm tấn công và cuộc tấn công chỉ kéo dài vài phút.
Hai anh em Kouachi bị bắn hạ. Một lính đặc nhiệm bị thương, nhưng không
nghiêm trọng. Con tin an toàn.
Trong khi đó, cuộc điều tra vẫn tiếp tục. 9 người có quan hệ gần gũi với hai
anh em nhà Kouachi đã bị tạm giữ. Theo một nguồn tin, hai người này có liên
hệ với Amedy Coulibaly, thủ phạm vụ bắn chết một nữ cảnh sát, ngày 08/01, ở
Montrouge, ngoại ô phía nam Paris.
Trong sáng nay, qua điện thoại, Chérif Kouachi, đang cố thủ trong xưởng in ở
Dammartin-en-Goële, khẳng định với một nhà báo của đài truyền hình Pháp
BFMTV là đã được Al Qaida ở Yemen tài trợ.
Gần như cùng một lúc, vào 17 giờ, lực lượng tinh nhuệ của cảnh sát quốc gia
Pháp (RAID – Tìm kiếm, trợ giúp, can thiệp, răn đe) tấn công giải thoát các
con tin trong vụ bắt con tin tại một của hàng ở Porte de Vincennes, phía
đông Paris.
Theo Thủ tướng Pháp Manuel Valls, đích thân Tổng thống François Hollande ra
lệnh tấn công.
Pháp: Kết thúc cuộc truy lùng khủng bố, 7 người chết trong đó có 3 hung thủ
Hai anh em Kouachi, nghi phạm trong vụ khủng bố đẫm máu vào tòa soạn Charlie
Hebdo, đã bị hạ sát hôm nay 09/01/2015, cùng với một tên Hồi giáo cực đoan
có liên hệ với chúng, sau một ngày truy lùng đầy kịch tính với vụ bắt con
tin ngay giữa thủ đô Paris. Bốn người khác bị thiệt mạng, và bốn người nữa
bị thương.
Sau nhiều tiếng đồng hồ đối đầu, lực lượng đặc nhiệm đã được lệnh tấn công ở
Dammartin-en-Goële thuộc vùng Seine-et-Marne, nơi Saïd và Chérif Kouachi bắt
giữ một người làm con tin từ sáng nay. Cảnh sát cũng tấn công vào một siêu
thị nhỏ chuyên bán hàng Do Thái ở phía đông Paris, tại đây một trong những
người thân cận với hai anh em sát thủ đã bắt khoảng năm người làm con tin,
sau vụ đọ súng làm ít nhất hai người chết.
Hai anh em Kouachi bị bắn hạ khi cố gắng chạy trốn và nổ súng trong lúc cuộc
tấn công bắt đầu vào lúc 16 giờ 57 Paris. Con tin được giải thoát bình an vô
sự, một cảnh sát đặc nhiệm GIGN bị thương.
Tại Paris, một trong những người thân cận của hai tên sát nhân là Amédy
Coulibaly, cũng đã bị bắn chết trong vụ tấn công vào cửa hàng «
Hyper Cacher », nơi ít nhất một người đàn ông vũ trang đã bắt giữ nhiều
người làm con tin. Xác của bốn người khác được tìm thấy tại đây, hiện chưa
rõ có phải do vụ tấn công hay không, bốn người nữa bị thương trong đó có một
người bị thương nặng.
Cuộc tấn công mở đầu bằng ít nhất hai tiếng nổ và những tia chớp sáng, mấy
chục cảnh sát sau đó đã xông vào bên trong siêu thị này. Nhiều con tin trong
đó có một cậu bé đã có thể thoát ra bên ngoài, và nhanh chóng được cảnh sát
bảo vệ.
Amédy Coulibaly, 32 tuổi, tội phạm có nhiều tiền án tiền sự, đã từng bị kết
án trong một vụ liên quan đến Hồi giáo cực đoan, đã quen biết Chérif Kouachi
trong tù, nơi anh ta trở nên « kiên định » hơn. Sinh tại Juvisy-sur-Orge ở
ngoại ô Paris, hắn cũng bị nghi ngờ là thủ phạm vụ nổ súng đẫm máu ở
Montrouge khiến một nữ cảnh sát trẻ tuổi bị chết và một thanh tra giao thông
bị thương.
Cả hai tên có liên can trong vụ án năm 2010 về mưu toan vượt ngục của Smaïn
Aït Ali Belkacem, từng là thành viên của Nhóm Hồi giáo vũ trang Algérie
(GIA), bị kết án trong vụ khủng bố ở trạm tàu điện ngầm Musée d’Orsay tháng
10/1995 tại Paris. Kouachi sau đó được miễn tố, còn Coulibaly bị lãnh án 5
năm tù vào tháng 12/2013.
Lệnh truy nã cũng được ban hành đối với người phụ nữ sống chung với
Coulibaly là Hayat Boumeddiene, 26 tuổi, hiện chưa biết tin tức ra sao.
Chérif và Saïd Kouachi, 32 và 34 tuổi, nghi phạm trong vụ thảm sát hôm thứ
Tư 7/1 tại tòa soạn Charlie Hebdo, sáng nay cố thủ cùng với con tin tại một
xưởng in nhỏ trong khu công nghiệp Dammartin-en-Goële, sau khi đọ súng với
lực lượng an ninh. Hai tên đã bị cảnh sát nhận diện lúc đang lái một chiếc
xe hơi cướp được.
Thành phố nhỏ bé này suốt cả ngày hôm nay được đặt trong tình trạng báo
động, các trường học được sơ tán, các cửa hàng đóng cửa và cư dân không dám
ra đường. Trên bầu trời, các trực thăng liên tục giám sát.
Dammartin-en-Goële nằm cách chu vi truy lùng hai hung thủ chỉ khoảng nửa giờ
xe chạy, khoảng 80 km về phía đông bắc Paris. Tại đây hai kẻ khủng bố đã bị
người quản lý một trạm xăng nhận ra, khi chúng tấn công vào đây, vũ trang
súng kalachnikov và súng phóng lựu.
Hai anh em nhà Kouachi sinh tại Paris, có cha mẹ là người gốc Algérie, là
những kẻ thánh chiến mà danh tính «
từ nhiều năm qua » đã nằm
trong danh sách đen khủng bố của Hoa Kỳ - theo một nguồn tin Mỹ.
Chérif đã được cảnh sát Pháp biết đến : với biệt danh Abou Issen, anh ta là
thành viên của « nhánh
Buttes-Chaumont » chuyên gởi
người đi thánh chiến ở Irak. Bản thân hắn ta cũng đã từng đến Irak năm 2005
rồi sau đó bị câu lưu, đến năm 2008 bị tuyên án 3 năm tù, trong đó có 18
tháng tù treo.
Saïd, người anh có vẻ kín tiếng hơn. Nhưng theo một người có trách nhiệm của
Mỹ và theo một nguồn tin cảnh sát Pháp, hắn đã từng đến Yemen năm 2011 để
được Al-Qaida huấn luyện cách sử dụng vũ khí.
Tổng thống Pháp François Hollande sáng nay đã đến trụ sở Bộ Nội vụ. Ông kêu
gọi « tất cả mọi công dân » xuống
đường vào Chủ nhật tới, trong cuộc tuần hành nhằm tố cáo vụ khủng bố vào
Charlie Hebdo, và chối từ những gì «
quá đáng » hay việc «
kết tội », khi một số địa điểm hành đạo Hồi giáo đã trở thành đích nhắm
sau vụ thảm sát. Về phía Israel bày tỏ sự quan ngại trước làn sóng «
tấn công khủng bố » tại Pháp.
Vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo, một tờ báo thường xuyên bị hăm dọa từ
năm 2006 và sau khi đăng các biếm họa về Mohamet, không có ai lên tiếng nhận
là tác giả. Các hung thủ đã hô to «
Allah Akbar » và «
Chúng ta đã báo thù cho đấng tiên tri », được tổ chức Nhà nước Hồi giáo
ở Syria và Irak xưng tụng là «
anh hùng ». Sáng nay quân nổi dậy Hồi giáo Somalie cũng ca ngợi «
hai người hùng ». Từ hôm qua, giám đốc cơ quan tình báo Anh (MI5),
Andrew Parker đã cảnh báo : «
Một nhóm khủng bố của Al Qaida tại Syria đang dự mưu các vụ tấn công quu mô
vào phương Tây ».
Toàn nước Pháp vô cùng xúc động trước vụ thảm sát, trong đó các họa sĩ tài
ba của Pháp như Wolinski và Cabu đều bị sát hại. Ngay sau ngày quốc tang,
được đánh dấu bởi câu khẩu hiệu «
Je suis Charlie » (« Tôi là Charlie ») và
một phút mặc niệm khiến cả nước chìm trong im lặng, các hiệp hội Hồi giáo
Pháp yêu cầu các giáo sĩ «
cực lực lên án bạo lực và khủng bố »trong buổi cầu nguyện thứ Sáu hàng
tuần hôm nay.
Chủ nhật 11/1 tới sẽ diễn ra «
cuộc tuần hành cộng hòa » tại
Paris theo lời kêu gọi của tất cả các đảng phái chính trị, các nghiệp đoàn,
hiệp hội, tuy nhiên đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc tố cáo bị bỏ ngoài lề
trong công cuộc « đoàn kết
quốc gia ». Theo tin tức mới
nhất, các Thủ tướng Matteo Renzi (Ý), David Cameron (Anh), Mariano Rajoy
(Tây Ban Nha), Charles Michel (Bỉ), Angela Merkel (Đức), Alexander Stubb
(Phần Lan), Xavier Bettel (Luxembourg), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald
Tusk sẽ tham gia cuộc tuần hành, cùng với Tổng thống Pháp François Hollande
và các chính khách thuộc mọi khuynh hướng.
Ảnh về cuộc tuần hành lịch sử chống khủng bố tại Pháp
"12 người bị giết, 66 triệu người bị thương". Dòng chữ ấn tượng này nhắc
nhở là vụ sát hại 12 thành viên toà soạn báo Charlie Hebdo, đã khiến cho
toàn dân Pháp bị chấn thương. Niềm xúc động đó đã làm dấy lên một phong
trào mạnh mẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận : Nên đổ mực để viết, để vẽ,
chứ không ai được làm đổ máu.
Cuộc tuần hành ngày 11/01/2015 đã trở nên một sự kiện lịch sử vì lần đầu
tiên 3,7 triệu người dân tại Pháp đã xuống đường, để bày tỏ đoàn kết với
gia đình các nạn nhân (17 người thiệt mạng) và lên án các hành vi khủng
bố man rợ.
Mời qúy thính giả bấm vào hình phía
dưới để xem loạt ảnh nhân ngày 11/01/2015.
Al-Qaida nhận trách nhiệm vụ tấn công Charlie Hebdo
Tổ chức Al-Qaida ở Yemen nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố ngày
07/01/2015 vào tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo, khiến 12 người
chết.
Trong một đoạn video được đăng trên mạng hôm nay, Naser Ben Ali al-Anassi,
một trong những lãnh đạo của tổ chức Al-Qaida ở bán đảo Ả Rập (Aqpa ), đặt
trụ sở ở Yemen, tuyên bố : «
Những anh hùng đã được tuyển mộ, họ đã hứa và đã hành động khiến người Hồi
giáo rất hài lòng ».
Nhân vật này cho biết tổ chức Aqpa nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố
vào toà soạn Cherlie Hebdo như là một hành động trả thù cho đấng tiên tri
Mohammed, được thực hiện theo lệnh của lãnh đạo tối cao của Al Qaida Ayman
al-Zawahiri và chiếu theo ý nguyện trước đây của Oussama ben Laden.
Khi tiến hành vụ tấn công vào tuần báo châm biếm ở Paris, một trong hai anh
em Kouachi cũng đã tự nhận là thành viên của tổ chức Al-Qaida ở Yemen.
Trong một đoạn video được công bố vào thứ sáu tuần trước, một lãnh đạo tôn
giáo của tổ chức Aqpa cũng đã doạ sẽ mở các cuộc tấn công mới vào nước Pháp.
Về cuộc điều tra sau các vụ tấn công khủng bố vừa qua, theo báo chí Pháp,
cảnh sát đã xác định được tung tích và đang ráo riết truy nã cô Hayat
Boumeddiene, đồng lõa của Amédy Coulibady, kẻ đã bắn chết 4 người Do Thái và
một cảnh sát ở vùng Paris ngày 09/01. Kẻ đồng lõa này đã có nhiều tiền án
tiền sự và có thể đã trốn sang Syria.
Pháp tuyên chiến với khủng bố
« Nước Pháp đang trong cuộc
chiến chống khủng bố, chống thánh chiến và Hồi giáo cực đoan, nhưng không
chống một tôn giáo nào ». Đó
là tuyên bố của Thủ tướng Manuel Valls trước các dân biểu Quốc hội Pháp hôm
qua, 13/01/2015.
Hôm qua, các dân biểu Pháp đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn
nhân các vụ khủng bố vào tuần trước tại vùng Paris. Họ cũng đã đồng thanh
đứng nghiêm hát bài quốc ca Pháp - lần đầu tiên từ năm 1918 - trước khi vỗ
tay hoan nghênh các lực lượng an ninh Pháp.
Các dân biểu Pháp, kể cả phe đối lập cánh hữu, cũng đã đồng loạt đứng dậy vỗ
tay hoan nghênh Thủ tướng Manuel Valls - một việc hiếm thấy - sau bài phát
biểu của ông trước Quốc hội hôm qua.
Những hành động nói trên phản ánh tính chất nghiêm trọng của mối đe dọa
khủng bố mà nước Pháp đang phải đối phó, đến mức mà các chính đảng sẵn sàng
gạt qua mọi bất đồng quan điểm để ủng hộ hết mình chính phủ cánh tả của Tổng
thống François Hollande.
Những kẻ tấn công khủng bố vào tuần trước đã bị tiêu diệt, nhưng hiểm họa
khủng bố vẫn còn đó, cụ thể là sau tờ Charlie Hebdo, đến lượt một tờ báo
trào phúng khác là Le Canard enchaîné có thể sẽ là mục tiêu khủng bố.
Ban biên tập tờ báo này cho biết đã nhận được những lời đe dọa ngay hôm sau
vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo. Hơn nữa, với việc tiếp tục đăng
biếm họa Mohammed, tờ Charlie Hebdo dĩ nhiên sẽ vẫn trong tầm ngắm của Hồi
giáo cực đoan.
Trước các dân biểu Quốc hội Pháp hôm qua, Thủ tướng Manuel Valls đã loan báo
nhiều biện pháp tăng cường an ninh để ngăn ngừa những vụ tấn công khủng bố
mới.
Ngoài lực lượng hơn 120.000 cảnh sát và hiến binh được triển khai để bảo vệ
an ninh những địa điểm nhạy cảm và nơi công cộng, chính phủ Pháp đã huy động
thêm hơn 10.000 binh lính, chủ yếu để bảo vệ các trường học Do Thái, nhà thờ
Do Thái giáo và nhà thờ Hồi giáo.
Thủ tướng Manuel Valls cho biết đã yêu cầu bộ trưởng Nội vụ đề nghị những
biện pháp để tăng cường kiểm soát chủ yếu trên Internet và các mạng xã hội,
mà nay được sử dụng ngày càng nhiều để chiêu dụ, liên lạc hoặc huấn luyện
những kẻ khủng bố.
Pháp cũng sẽ tăng cường giám sát các hành khách đi máy bay, với một hệ thống
gọi là PNR (Passenger name record), hiện đang được thiết lập và dự kiến sẽ
đi vào hoạt động vào tháng 09/2015, trước mắt là đối với một số chuyến bay
bên ngoài không gian Schengen.
Thủ tướng Manuel Valls cũng cho biết sẽ mở rộng việc giam riêng các tù nhân
Hồi giáo cực đoan, để dễ kiểm soát hơn, cũng như để ngăn những tù nhân này
chiêu dụ những tù nhân khác.
Từ sau các vụ khủng bố vào tuần trước, ngành tư pháp của Pháp đã thẳng tay
trừng trị những kẻ bị xem là « ca
ngợi khủng bố » dưới bất kỳ
hình thức nào, tiến hành thủ tục tư pháp đối với hơn 50 người, trong đó có
cả diễn viên hài nổi tiếng Dieudonné.
Nhưng ngoài việc tăng cường an ninh, chính phủ Pháp còn phải cố duy trì sự
đoàn kết nhất trí của xã hội Pháp. Một khi những cảm xúc sau loạt khủng bố
vừa qua lắng xuống, những mối nghi kỵ, hận thù giữa các tôn giáo, sắc tộc
nhất là giữa Hồi giáo và Do Thái, có thể sẽ trỗi dậy trở lại và đó mới thật
sự là mối nguy cho an ninh của nước Pháp.
Khẩu hiệu "Je suis Charlie" qua lời kể của tác giả
Chỉ ít giờ sau khi cả nước Pháp đang bàng hoàng lo sợ trước vụ tấn công
khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hôm 07/01 sát hại 12 người, khẩu
hiệu "Je suis Charlie" đã ra đời và ngay lập tức đã trở thành biểu tượng cho
tinh thần đoàn kết trong người dân Pháp và sự đồng cảm của cả thế giới.
Ít người biết được, cha đẻ của khẩu hiệu « Je suis Charlie » là Joachim
Roncin, nhà báo, Giám đốc nghệ thuật tạp chí Stylist, một tờ báo phát hành
miễn phí ở Pháp. Một tuần sau sự kiện này, ông mới lên tiếng qua bài viết
đăng trên nhật báo Libération để kể lại sự ra đời của khẩu hiệu "Je suis
Charlie". Chúng tôi xin trích dịch lại bài viết của ông :
Sáng thứ Tư, vụ nổ súng vào tòa soạn Charlie Hebdo đã làm ngưng lại mọi
hoạt động của ban biên tập (Stylist). Ngồi sững sờ trước màn hình máy tính,
tôi muốn diễn tả một đống cảm xúc đang làm tôi choáng váng. Cảm thấy quặn
đau vì thấy mình đang sống trong một thế giới, nơi mà người ta có thể sát
hại những con người chỉ vì họ đã vẽ tranh. Tôi ghép dán chữ Je suis vào
Charlie và thế là hình ảnh « Je suis Charlie » ra đời. Hình ảnh này có nghĩa
là « tôi tự do » và « tôi không sợ ».
Cẩn thận tôi đã hỏi một đồng nghiệp liệu câu này có chạm gì đến những
nhạy cảm đối với người thân của Charlie Hebdo. Chúng tôi đều nhất trí là
không. Tôi quyết định tải hình lên mạng và đi ăn trưa trong tâm trạng trống
rỗng. Tôi đã suy sụp hoàn toàn khi theo dõi thông tin được biết những thần
tượng thời tuổi trẻ của tôi đã bị chết. Chúng tôi trở lại phòng làm việc.
Trên Twitter, một người bạn nhà báo hỏi tôi tại sao là việc đó. Tôi đáp : «
Tôi đã tạo hình ảnh đó vì tôi không nói được lên lời ». Từ lúc đó trở đi bắt
đầu hiệu ứng lan truyền. « Tôi là Charlie » được truyền đi khắp nơi, rất
nhanh.
Khẩu hiệu đã trở thành cờ hiệu. Được chụp lại, in ra, treo trên các tòa
soạn, trong phố, trong các trường học, dịch ra đủ thứ ngôn ngữ và được hàng
triệu người xướng lên. Tôi đã nhận được số lượng tin nhắn nhiều kinh khủng
qua mạng xã hội. Người ta nói với tôi đã nhận ra trong câu khẩu hiệu này một
thông điệp giản dị, nhân bản, trung thực, tích cực. Trong giữa sự sợ hãi
khẩu hiệu như ngọn đuốc, như nắm tay giơ cao.... Ngay sau đó tôi cũng được
các cơ quan truyền thông liên hệ.
Là Giám đốc nghệ thuật của một tuần báo, tôi hiểu cần phải nuôi mối lợi
này, nhưng thú thực tôi cảm thấy sẽ là không đúng đắn và bất nhã khi bơm
mình lên qua vụ này. Tôi quyết định chỉ trả lời rải rác một vài tờ báo.
Trong đầu tôi nghĩ là phải tránh xa chuyện lợi dụng ý tưởng.
Phong trào đoàn kết trong cả nước ra đời ngày 07/01/2015 đã khiến tôi
xúc động sâu sắc, nhưng tôi không bao giờ cho mình là người đi tiên phong
như một số người muốn gán vào phía sau hình ảnh này. Hành động của tôi chỉ
là việc thể hiện một cách bộc phát tình cảm cá nhân không có gì là anh hùng.
Sau đó đã một loạt tin nhắn gửi tới tôi đề nghị gợi ý để « Je suis
Charlie » được sử dụng in trên áo, quảng cáo.... Tôi đăng trên twitter :
Thông điệp và hình ảnh được tự do sử dụng. Trái lại tôi sẽ lấy làm tiếc về
mọi sử dụng vì mục đích thương mại. Và tôi cũng nhắc lại là mục đích thương
mại duy nhất mà tôi ủng hộ đó là cho các hiệp hội mà tôi lựa chọn. Mặc dù
vậy, hiện đã có 50 sản phẩm gán với khẩu hiệu Tôi là Charlie nộp lên cơ quan
sở hữu bản quyền.
Chính vì lẽ đó mà hôm nay, tôi lên tiếng. Với tôi việc người ta có thế
biến một khẩu hiệu tự do như vậy thành một nhãn mác thì quả là điều thô bỉ,
không thể hiểu nổi. Và tôi sẽ còn lên tiêng để bảo vệ ba chữ « Je suis
Charlie ».
Chiến tranh trên mạng bùng nổ sau vụ tấn công báo Charlie Hebdo
Sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pháp, trên các mạng xã hội, những
tiếng nói bất đồng - "Tôi
không phải là Charlie" #JeNeSuisPasCharlie
- hiện đang cố tìm cách chống lại tuyên ngôn "Tôi
là Charlie" #JeSuisCharlie.
Các tin tặc ủng hộ và chống lại tự do ngôn luận hiện đang tham gia vào một
cuộc chiến tranh du kích trên mạng, mà các "nạn
nhân điện tử" đầu tiên là nhiều trang web của các định chế.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve, tại Pháp, đã có gần 4.000
thông điệp ca ngợi các vụ khủng bố trên Facebook, Twitter hay Instagram. Từ
khóa #JeNeSuisPasCharlie đã thu hút nhiều thông điệp hận thù, một bên là "Charlie
Hebdo đáng bị quả báo", "Đáng
đời cho chúng nó", và bên kia là "Hay
là chúng ta đi đốt đền thờ Hồi giáo đi" hoặc "Một
người Hồi giáo tốt là một người Hồi giáo đã chết."
Vào lúc này, đến lượt giới tin tặc tham chiến. Và như vậy, trang chủ website
của đài tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát của Phát xít Đức tại
Oradour-sur-Glane đã bị xóa, thay thế bằng một thông điệp kêu gọi Pháp "cút
đi", ký tên "Tôi không
phải là Charlie". Còn khu tưởng niệm Caen đã trở thành nạn nhân của một
cuộc tấn công dữ dội hơn nữa. Những hành động vừa kể chủ yếu do những kẻ tin
tặc ủng hộ Hồi giáo thuộc nhóm Fellaga ở Tunisia tiến hành.
Trang web chuyên về quốc phòng-tin học zataz.com cũng ghi nhận một làn sóng
tấn công tin học nhắm vào một số xí nghiệp, tòa thị chính, nhà thờ, trường
học và một số lớn các thư viện truyền thông Pháp, với các tin tặc ghi trên
các trang bị chiếm lĩnh hàng chữ : "Tôi
xác nhận rằng chỉ có Allah là đấng tối cao".
Cuộc chiến tranh du kích trên mạng đó không chỉ giới hạn trên mạng lưới
internet của Pháp, tin tặc tự nhận là thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh,
đã giành quyền kiểm soát trong một thời gian ngắn hôm thứ Hai 12/01/2015,
tài khoản Twitter và YouTube của bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Trung Đông
Centcom, cho hiển thị một biểu ngữ màu đen và trắng, trên nền hình ảnh một
chiến binh đeo mặt nạ với từ ngữ "CyberCaliphate" và
hàng chữ "I love you Isis -
Tôi yêu Isis" (Isis là từ
tắt tiếng Anh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo).
Nhóm tin tặc này cũng cho đăng trên các trang web bị khống chế các thông
điệp giả mạo mang dáng dấp của các văn kiện chính thức, và địa chỉ cá nhân
của nhiều sĩ quan Mỹ.
"Quyền tự do ngôn luận đã gánh chịu
một cuộc tấn công vô nhân đạo"
Về phần mình, nhóm hacker nổi tiếng Anonymous đã lên tiếng cam kết là sẽ trả
đũa chống lại các trang web khủng bố. Trong một thông điệp vidéo lời lẽ khoa
trương, họ tuyên chiến trên mạng với các thành phần thánh chiến, cho rằng "quyền
tự do ngôn luận đã gánh chịu một cuộc tấn công vô nhân đạo" và
yêu cầu các cư dân mạng tố giác tài khoản Twitter của những người ủng hộ
thánh chiến.
Nhóm hacker này đã tự nhận là đã đánh sập trang web tuyên truyền cho Hồi
giáo cực đoan"ansar-alhaqq.net" và
các diễn đàn thảo luận của website này.
Tuy nhiên, sáng kiến của Anonymous nhằm ngăn chặn hoạt động của các trang
web thánh chiến đã bị nhiều chuyên gia bảo mật máy tính chỉ trích mạnh mẽ.
Những người này cho rằng điều đó sẽ gây rắc rối cho cuộc điều tra đang tiến
hành, và cản trở việc giám sát một cách kín đáo các màng lưới thánh chiến.
Bên cạnh đó, nhiều giả thuyết hoang tưởng đã xuất hiện trên internet, đặt
nghi vấn về cả diễn tiến của các vụ tấn công khủng bố vừa qua. Video và ảnh
chụp được dàn dựng lại một cách "lố
bịch" được tung lên trên
mạng để làm hạ uy tín phiên bản chính thức của các cuộc tấn công. Một số
người ủng hộ chủ thuyết 'âm
mưu đen tối" khẳng định rằng
chiếc xe được những kẻ khủng bố sử dụng khác với chiếc được cảnh sát Pháp
tìm thấy một vài giờ sau đó.
Các bằng chứng là gì ? Là kính chiếu hậu của chiếc xe, tuy cùng một kiểu,
nhưng lại có màu khác ! Có người còn tự hỏi là làm thế nào một nhà báo tại
thời điểm cuộc tấn công vào báo Charlie Hebdo, lại mặc áo chống đạn, lẫn lộn
với cái áo không tay mà nhà báo đang mặc. Một cư dân mạng khả nghi đã thốt
lên trong một đoạn video đã lan truyền mạnh trên internet là : "Bộ
tưởng các tín đồ Hồi giáo là kẻ ngu hay sao ! Ngay cả một tên cướp siêu thị
quèn cũng không thể quên chứng minh thư của mình !".
Tuy nhiên, những thông điệp kiểu như trên chỉ là một thiểu số, so với khoảng
6,6 triệu tin nhắn đã bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân thông qua từ
khóa #JeSuisCharlie, theo số liệu thống kê mới nhất của website Twitter tại
Pháp.
Bộ Nội vụ Pháp đã cảnh báo người sử dụng về các thông tin sai lệch như vậy
đang lưu hành trên mạng và khuyến cáo cư dân mạng sử dụng trang web PHAROS
đã được thiết lập để tố giác thủ phạm các thông điệp thù hận đó. Nếu cứ tiếp
tục sai phạm, những kẻ này có thể bị đến bảy năm tù giam và bị phạt tiền.
Số báo Charlie Hebdo bán sạch ngay từ sáng sớm
Số báo đầu tiên của tuần báo châm biếm Charlie Hebdo kể từ sau vụ khủng bố
tuần trước đã được bán sạch ngay từ sáng sớm hôm nay, 14/01/2015 tại toàn bộ
các sạp báo ở Pháp, buộc nhà in phải phát hành thêm 2 triệu bản, tổng cộng
là 5 triệu bản.
Hôm nay, 14/01/2015, nhiều độc giả Pháp rất thất vọng vì không mua được số
báo mà trên trang nhất có đăng bức biếm họa mới vẽ nhà tiên tri Mohammed cầm
biểu ngữ « Tôi là Charlie » ,
được thực hiện bởi những thành viên ban biên tập Charlie Hebdo sống sót sau
vụ tấn công khủng bố ngày 07/01, khiến tổng cộng 12 người thiệt mạng.
Để đáp ứng nhu cầu của độc giả, nhà xuất bản đã quyết định nâng số phát hành
từ 3 triệu lên 5 triệu. Mỗi ngày 500.000 bản sẽ được phân phối cho các sạp
báo.
Trở thành biểu tượng của quyền tự do ngôn luận, số báo đề ngày hôm nay của
Charlie Hebdo đã được dịch ra năm thứ tiếng : Tây Ban Nha, Anh, Ả Rập cho ấn
bản báo giấy, tiếng Ý và Thổ Nhĩ Kỳ cho ấn bản báo mạng, đồng thời được phát
hành tại hơn 20 quốc gia (một kỷ lục đối với báo chí Pháp) .
Không chỉ ở Pháp, mà báo chí ở nhiều nước, trừ báo chí ở các nước Hồi giáo,
từ hôm qua cũng đã bày tỏ tình liên đới với Charlie Hebdo bằng cách đăng
trang nhất của tuần báo châm biếm này. Nhưng ngay cả tại Anh quốc, báo chí
nước này cũng tỏ thái độ dè dặt, không muốn bị coi là khiêu khích. Từ Luân
Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix gởi về bài tường trình :
« Trang nhất của tuần báo Charlie Hebdo làm cho báo chí Anh rất lúng
túng. Các tờ báo này chỉ miêu tả nội dung số báo ra ngày hôm nay của Charlie
Hebdo và cẩn thận tránh đăng lại trang nhất của tuần báo này, có bức tranh
biếm họa của họa sĩ Luz vẽ nhà tiên tri Mohammed.
Chỉ có nhật báo The Guardian và The Independent, từ hôm qua, đã kín đáo
đăng ở bên trong, trang nhất Charlie Hebdo, nhưng ở phía dưới trang và khổ
nhỏ. Các website của hai tờ báo này cũng thận trọng ghi thêm hàng chữ cảnh
báo độc giả : Chú ý, bài viết này có hình trang nhất tuần báo Charlie Hebdo
có thể làm cho quý vị cảm thấy bị xúc phạm.
Thế nhưng, tờ The Guardian đã hỗ trợ Charlie Hebdo 127000 euro. Sự dè
dặt này đã cảm nhận thấy từ tuần trước, ngay sau vụ tấn công vào tòa soạn
Charlie Hebdo. Nhiều tờ báo và cơ quan truyền thông đã ủng hộ tuần báo trào
phúng Pháp và tuyên bố : "Tôi là Charlie", nhưng hầu như không một tờ báo
nào đăng lại các bức biếm họa có hình nhà tiên tri Mohammed.
Ngược lại, báo chí Anh lại rất tự hào ca ngợi lòng dũng cảm của người
dân Anh : Tờ Daily Telegraph và Daily Mail, trong số ra ngày hôm nay, đã có
bài viết dài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một người bán báo tại một ngôi làng
nhỏ ở phía đông nam nước Anh. Người này, tuy có lo sợ, nhưng vẫn quyết định
đặt nhận bán khoảng 100 tờ Charlie Hebdo vào cuối tuần này. Quyết định này
trái ngược hẳn với thái độ của những tập đoàn phân phối báo chí Anh quốc chủ
trương không cung cấp báo Charlie Hebdo cho các quầy bán báo ở nước này ».
Bức biếm họa Mohammed cầm biểu ngữ « Tôi là Charlie » dĩ nhiên đã gây nhiều
phản ứng tại các nước Hồi giáo. Liên hiệp thế giới các giáo sĩ Hồi giáo, đặt
trụ sở tại Qatar, cho rằng đăng các bức biếm họa hay chiếu các phim xúc phạm
đấng tiên tri và đả kích Hồi giáo « không phải là một hành động khôn ngoan,
hợp lý ».
Một trong những tổ chức Hồi giáo sunni chủ chốt, Al-Azhar, trụ sở ở Ai Cập,
tối qua cũng đã cho rằng việc đăng tải những bức biếm họa « xúc phạm đấng
tiên tri » sẽ « gây thêm hận thù ». Nhưng tại Pháp, các tổ chức Hồi giáo
chính yếu đã kêu gọi tín đồ ở nước này giữ bình tĩnh và tôn trọng quyền tự
do ngôn luận.
Mohammed trên trang nhất Charlie Hebdo: "Tôi là Charlie"
Tờ tuần báo châm biếm Charlie Hebdo, bị khủng bố Hồi giáo tấn công vào
tuần trước, hôm nay, 13/01/2015 vừa công bố trang nhất của tờ báo này
trong số báo ra ngày mai. Trên trang nhất là bức biếm họa vẽ nhà tiên
tri Mohammed, mặc đồ trắng, đang khóc, cầm trong tay tấm biểu ngữ với
hàng chữ « Tôi là Charlie », khẩu hiệu của cả thế giới trong các cuộc
biểu tình ngày Chủ nhật 11/01/2015 lên án khủng bố và bảo vệ quyền tự do
ngôn luận..
Số báo ra ngày mai của Charlie Hebdo được mệnh danh là « của những người
sống sót », bởi vì nó được thực hiện bởi những nhà báo, họa sĩ thoát
chết sau vụ nổ súng thứ tư tuần trước. Số báo đặc biệt này sẽ được in
đến 3 triệu bản, thay vì 60 ngàn bản như bình thường, và sẽ được phát
hành bằng nhiều thứ tiếng ở 25 quốc gia trong suốt nhiều tuần, thay vì
một tuần.
Các tổ chức Hồi giáo tại Pháp hôm nay đã kêu gọi các tín đồ tại Pháp giữ
bình tĩnh, tránh những phản ứng cực đoan trước số báo ngày mai của
Charlie Hebdo.
Trang nhất tờ Charlie Hebdo được tiết lộ vào lúc chính phủ Pháp huy động
những phương tiện chưa từng có để bảo đảm an ninh cho toàn lãnh thổ,
triển khai đến hơn 10 ngàn binh lính từ đây đến ngày mai. Cùng lúc đó,
khoảng gần 5 ngàn cảnh sát và hiến binh được huy động để bảo vệ các
trường học và nơi thờ phượng của người Do Thái.
Về mặt luật pháp, sau khi đã thông qua hai đạo luật chống khủng bố trong
vòng 2 năm qua, chính phủ Pháp đã đề xuất một số hướng để tăng cường các
đạo luật này. Thủ tướng Manuel Valls đã thông báo muốn cải tiến việc thu
thập tin tình báo trong các nhà tù, biệt giam những tù nhân Hồi giáo cực
đoan.
Trước khi gây án, Chérif Kouachi, một trong hai anh em tác giả vụ tấn
công khủng bố vào toà soạn Charlie Hebdo và Amédy Coulibaly, hung thủ hạ
sát 1 cảnh sát viên và 4 người Do Thái, đã từng bị giam trong tù. Theo
lời thủ tướng Manuel Valls, Amédy Coulibaly chắc chắn là có một đồng lõa
và cảnh sát đang tiếp tục truy lùng kẻ này.
Trong khi đó, ngành tư pháp Bulgari vừa thông báo với hãng tin AFP rằng
một công dân Pháp bị bắt ở Bulgarie ngày 01/01 vừa qua bị nghi là có
liên hệ với một trong hai kẻ khủng bố tấn công toà soạn Charlie Hebdo.
Theo chưởng lý vùng Haskovo, miền Nam Bulgarie, Fritz-Joly Joachin đã bị
bắt giữ khi anh ta định đi sang Syria qua ngõ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi đi
Thổ Nhĩ Kỳ, nhân vật này đã nhiều lần liên lạc với Chérif Kouachi. Nhưng
nghi can khẳng định anh ta chỉ đi nghỉ với vợ con ở Istanbul và đồng ý
nguyên tắc việc dẫn độ về Pháp.
Hôm nay, 13/01/2015, 4 người Do Thái bị bắt chết ở Paris hôm thứ sáu
tuần trước vừa được mai táng ở Jerusalem, vào lúc mà dư luận Israel rất
lo ngại cho an ninh của người Do Thái ở Pháp và ở châu Âu.
Về phần tổng thống François Hollande hôm nay đã chủ trì một lễ tưởng
niệm long trọng ba cảnh sát Pháp thiệt mạng trong các vụ tấn công vừa
qua. Trong buổi lễ, ông Hollande đã tuyên bố những cảnh sát nói trên đã
chết « để chúng ta có thể sống tự do ». Trong tuần sau, tại điện
Invalides, Paris, cũng sẽ có lễ tưởng niệm toàn bộ các nạn nhân những vụ
khủng bố.