Ngoài các nạn nhân tại Nepal, 68 người thiệt mạng tại miền bắc Ấn
Độ, và 18 người tại Tây Tạng, theo các thông tin chính thức mới
nhất. Con số tổn hại nhân mạng chắc chắn sẽ còn tăng lên. Theo ông
Gilbert Potier, giám đốc điều hành của Tổ chức Y sĩ Thế giới
(Medecins du Monde), « với
các vụ động đất có cùng cường độ, sẽ có khoảng từ 5.000 đến 20.000
người chết, và số người bị thương gấp từ hai đến năm lần ».
Các ê kíp nhân đạo tại chỗ gặp rất nhiều khó khăn để ước lượng được
mức độ hủy diệt và các nhu cầu cứu trợ. Theo người phụ trách cấp cứu
của tổ chức Y sĩ Không biên giới, Laurent Sury, việc quan trọng hiện
nay là « khẩn trương
chăm sóc người bị thương. Còn trên thực tế, phần lớn việc tìm kiếm
người bị nạn do các cư dân địa phương thực hiện là chính, với các
phương tiện rất ít ỏi của họ ».
Theo một người phụ trách tìm kiếm, hiện còn rất nhiều người đang bị
vùi lấp trong các đống đổ nát.
Hàng nghìn người dân ở thủ đô Katmandou phải qua đêm bên ngoài, dưới
trời mưa giá lạnh, vì sợ nhà cửa sụp đổ do các dư chấn. Chỉ riêng
tại Katmandou, đã có ít nhất 700 người chết hôm qua. Sáng nay, đã
xảy ra nhiều dư chấn, trong đó trận mạnh nhất là 6,7 độ Richter, làm
rung chuyển cả New Delhi.
Chính quyền Nepal dự kiến lập các lều tạm cư, mở trường học và công
sở để đón tiếp những người bị nạn. Hiện tại các bệnh viện đã quá
tải, rất nhiều hoạt động chăm sóc người bị thương phải làm ở bên
ngoài.
Động đất còn gây tuyết lở gần đỉnh Everest, khiến ít nhất 17 người
leo núi thiệt mạng.
Hôm qua, Bộ trưởng Thông tin Nepal tuyên bố « chúng
tôi cần một sự ủng hộ lớn và rất nhiều cứu trợ ».
Nhiều quốc gia ngay lập tức đã đáp ứng. Hoa Kỳ hứa giải ngân một
triệu đô la cho các nhu cầu khẩn cấp, và sẽ gửi một ê kíp cứu nạn.
Sáng nay, Úc tuyên bố khoản viện trợ đặc biệt 5 triệu đô la. Nhiều
chuyên gia Liên Hiệp Châu Âu đang đến các vùng bị nạn. Các quốc gia
Châu Âu như Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha sẽ gửi đoàn cứu trợ trong
những ngày tới. Các tổ chức phi chính phủ như Oxfam, Chữ thập đỏ và
Y sĩ Thế giới cũng đã đưa nhiều ê kíp đến nơi. Ấn Độ đã đưa 2 phi cơ
vận tải quân sự hỗ trợ, còn Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đóng góp một
ê kíp cứu nạn với chó chuyên nghiệp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Ngân
hàng Phát triển Châu Á, để xác định các nhu cầu hỗ trợ tài chính.
940.000 trẻ em Nepal cần phải được cứu trợ khẩn cấp tiếp theo
cuộc động đất hồi cuối tuần qua làm 3200 người tử vong. Cơ quan
bảo vệ nhi đồng Liên Hiệp Quốc Unicef lo ngại nạn nhân trẻ em sẽ
là nạn nhân của các bệnh truyền nhiễm, theo thông báo công bố
hôm nay 27/04/2015.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, hai ngày sau cuộc động đất tàn
phá thủ đô Katmandou và nhiều làng mạc Nepal, hành trăm ngàn trẻ
em Nepal tiếp tục ngủ ngoài trời hoặc trong những chiếc lều cứu
hộ. Nguy cơ xảy ra bệnh truyền nhiễm rất cao.
Bản thông báo của Unicef cho biết có ít nhất « 940.000
trẻ em sống trong những vùng bị thiệt hại nặng nhất cần phải
được cứu trợ, chăm sóc khẩn cấp. Do thiếu nước sạch và vệ sinh,
các nạn nhân nhỏ tuổi dễ bị bệnh đường hô hấp trong khi một số
em khác bị ly tán với gia đình ».
Chuyên gia Christopher Tidey cho biết thêm đã huy động các toán
cứu trợ và sẽ gửi hai máy bay vận tải chở 120 tấn hàng cứu trợ
gồm thuốc men, chăn mền và lều đến thủ đô Katmandou.
Tổng kết thiệt hại nhân mạng mới nhất cho biết 3.218 chết tại
Nepal, 67 người tại Ấn Độ là ít nhất 20 người chết tại Trung
Quốc. Nhiều tòa nhà và di tích văn hóa tôn giáo của Nepal bị sụp
đổ.
Cơn địa chấn ngày thứ Bảy (25/4) vừa qua, với cường độ 7,9 trên
thang Richter được xem là vụ động đất nghiêm trọng nhất từ năm
1934 đến nay tại Nepal.
Trận động đất xảy ra ngày 25/04 cùng với những dư chấn hôm qua
là thảm họa nặng nề nhất tại Nepal từ 80 năm nay. Quốc tế khẩn
cấp gửi cứu trợ nhân lực và hàng hóa giúp người bị nạn tại
Nepal.
Liên Hiệp Quốc cho biết 14 nhóm y tế quốc tế đang trên đường tới
Nepal, cùng với 15 nhóm cứu hộ. Hoa Kỳ gửi 70 nhân viên cứu hộ,
6 chó nghiệp vụ được huấn luyện tìm nạn nhân, cùng với 45 tấn
hàng hóa trong đó có các thiết bị nâng dỡ. Washington quyết định
viện trợ 1 triệu đô la cho Nepal, Canada 5 triệu đô la và Anh 5
triệu bảng.
Liên Hiệp Châu Âu cũng thông báo viện trợ 3 triệu đô la để cung
cấp nước sạch, nhà tạm và các phương tiện truyền thông. Nhiều
nước trong Liên Hiệp thông báo giúp riêng Nepal và đã gửi viện
trợ tới nước này. 11 nhân viên cứu hộ Pháp đang trên đường tới
Kathmandu. Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng và đã gửi 13 máy bay quân sự
mang lương thực, chăn màn, nhân viên cứu hộ và chó nghiệp vụ,
cùng với một bệnh viện dã chiến. Pakistan cũng làm tương tự.
Các nhóm cứu hộ của Trung Quốc, gồm 62 người và chó nghiệp vụ,
đã có mặt tại Kathmandu. Một nhóm 70 người Nhật cũng đang trên
đường tới. Và Nga sẽ gửi 2 máy bay chở nhân viên cứu hộ, bác sĩ,
bác sĩ tâm lý, cùng với nhiều trực thăng và máy bay không người
lái. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đã có mặt tại hiện trường,
như tổ chức Y sĩ thế giới hay Hành động chống nạn đói. Các tổ
chức này chưa thể đánh giá cụ thể nhu cầu tại chỗ do đường tới
các khu vực bị nạn rất khó khăn. Họ chỉ biết rằng nhu cầu vô
cùng lớn.
Từ hôm qua, một số bệnh viện dã chiến ngoài trời đã được dựng
lên để giảm tải các bệnh viện thành phố. Các đội cứu hộ vẫn tiếp
tục cố gắng tìm kiếm và cứu những người còn kẹt trong các đống
đổ nát. Tuy nhiên, tình hình vẫn nguy kịch hơn cả tại các vùng
nông thôn vùng tâm trấn, cách Kathmandu khoảng 80 km. Đường xá
dẫn tới các khu vực này bị cắt đứt hoàn toàn vì lở đất.
Nepal nằm trong vùng địa chất nguy hiểm nơi động đất lớn vẫn xảy
ra gần như theo chu kỳ. Từ ít nhất 8 thế kỷ qua, trung bình cứ
75 năm, một tai họa tương tự như trận động đất vừa xảy ra lại đổ
vào đất nước này. Một trong những nguyên nhân là Nepal nằm trong
vùng giao lưu của hai mảng kiến tạo lục địa : Á- Âu và Ấn Độ.
Trận động đất nổ ra hôm 25/4 vừa rồi với cường độ 7,8 theo thang
Richter, được cho là có sức tàn phá lớn nhất kể từ gần một thế
kỷ qua ở đất nước nhỏ bé nằm dưới chân dãy núi Hymalaya. Các nhà
địa chấn học dự báo trong những tháng tới dư chấn lớn vẫn sẽ
tiếp tục xảy ra trong khu vực này.
Nguyên nhân của trận động đất
hôm 25/4
Cơn rung chấn có cường độ 7,8 độ Richter xảy ra là do một nứt
gẫy lớn trong lòng đất. Quá trình đứt gẫy diễn ra quá nhanh, chỉ
trong vòng hơn một phút, đã tạo ra sóng xung động cực kỳ
lớn. Vết nứt gãy này có chiều dài khoảng 150 km, rộng 50 km và
nằm sâu ở dưới lòng đất tới 15 – 20 km. Tác động của quá trình
nứt gãy kiến tạo dồn nén năng lượng khổng lồ phá bung lớp vỏ
trái đất. Vùng rạn vỡ bắt đầu từ phía tây bắc thành phố
Katmandou, sau đó lan truyền sang phía đông trên chiều dài gần
100 km.
Viện địa chất Mỹ (USGS) xác định, đứt gãy xảy ra lần này tại
điểm hội tụ của hai mảng kiến tạo mà các nhà địa chấn học đều
biết đó là mảng lục địa Ấn Độ ở phía nam và mảng Á – Âu ở phía
bắc.
« Mảng kiến tạo
lục địa Ấn Độ trôi với tốc độ 2cm/một năm qua vùng bình nguyên
Tây Tạng », ông
Jérôme Vergne, nhà địa chấn học của Đài quan sát trái đất
Strasbourg giải thích." Sự di chuyển đó không diễn ra liên tục
đều đều mà bất ngờ. Ở trận động đất Nepal sức giật bất ngờ là
rất lớn, gây ra đứt vỡ bất ngờ trên mặt nứt giữa hai mảng kiến
tạo".
Điều gì còn xảy ra trong
những ngày, tháng tới ?
Sẽ còn nhiều dư chấn xảy ra trong những tháng, thậm chí nhiều
năm tới đây. Thời gian tới, vẫn có thể còn xảy ra động đất trong
các khu vực nhỏ của nước này. Nhà địa chấn học Pascal Bernard
thuộc Viện Vật lý địa cầu Paris giải thích : « Phần
bề mặt ở phía nam Katmandou trước mắt không bị đứt vỡ. Điều này
có nghĩa là vùng này chưa bị địa chấn phá ra hoàn toàn. Những
năm tới sẽ là thời kỳ nhạy cảm với khu vực này ».
Các dư chấn vẫn sẽ còn tiếp tục diễn ra, nhưng thường là với
cường độ yếu dần. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho biết trong quá
khứ đã có trường hợp dư chấn có cường độ lớn như rung động ban
đầu. Cơn dư chấn ở Nepal hôm Chủ nhật vừa rồi cũng có cường độ
mạnh tới 6,7 độ Richter.
Sự gặp gỡ các mảng kiến tạo lục địa, cùng bắt nguồn từ trong dãy
Hymalaya, đã biến nơi đây là vùng có nguy cơ nổ ra động đất lớn
nhất thế giới. Chuyên gia Bernard khẳng định, trong khoảng thời
gian từ vài chục đến vài trăm năm, người ta biết là sẽ còn xảy
ra những trận động đất trong khu vực Hymalaya với cường độ còn
lớn hơn trận động đất vừa rồi.
Lòng đất trong khu vực này bị dồn nén mãi rồi đến ngày bung ra
vỡ vụn từng mảng, hay nó cũng giống như sợi dây chun nếu ta cứ
kéo căng mãi rồi nó sẽ phải đứt. Trong số những trận động đất
lớn nhất được ghi nhận do nguyên nhân hai mảng kiến tạo tiến lại
gần nhau có trận địa chấn nổ ra tại phía đông Katmandou hồi năm
1934. Trái lại phần miền tây của Nepal, từ hơn 500 năm nay chưa
biết đến một trận động đất mạnh nào.
Người ta dự báo các trận động đất mạnh hơn 8,5 thâm chí là 9 độ
Richter, nhưng trong thang thời gian phải tới 200 năm sau. Như
vậy là điều tồi tệ nhất có thể sẽ còn xảy ra nhưng có lẽ trong
một vài thế kỷ tới.
Nepal không chỉ nổi tiếng là trung tâm du lịch leo núi của thế
giới mà còn là nơi tập trung nhiều công trình văn hóa lịch sử
lâu đời. Trận động đất lớn hôm 25/4 đã bỗng chốc tàn phá tan
hoang vùng Katmandou. Một phần di sản văn hóa lịch sử và tôn
giáo của đất nước trở thành đống đổ nát không thể phục hồi.
Thủ đô Katmandou, thành phố được coi là trung tâm lịch sử của cả
nước, sau trận động đất lớn hôm thứ Bảy, nhiều đền đài, công
trình kiến trúc lịch sử được xây dựng từ thế kỷ thứ 12 và thế kỷ
18 giờ đây chỉ còn là những đống gạch đá đổ nát. Nhiều chuyên
gia lo ngại một phần di sản văn hóa quý giá của Nepal sẽ vĩnh
viễn bị mất sau trận động đất kinh khủng vừa qua.
Không thể chịu được sức rung chấn tới 7,8 độ Richter, ngọn tháp
Dharhara, biểu tượng lịch sử của đất nước và là nơi thu hút
chính du khách đến thăm thủ đô Nepal, đã bị đổ sập trong vòng
vài phút. Tòa tháp trắng 9 tầng có cầu thang soắn ốc 200 bậc này
được xây dựng từ thế kỷ thứ 19, giờ là một đống đổ nát.
Unesco đang cố gắng thu thập thông tin để đánh giá chính xác mức
độ tàn phá đối với các cung điện Patan và Bhaktapur của các
triều đại vua trước đây nằm trong khu thung lũng Katmandou. Đại
diện của Unesco tại Nepal, Christian Manhart cho biết các di
tích lịch sử quan trọng tại Katmandou đều bị hư hại nghiêm
trọng.
« Nhiều khu đền đã bị sập. Trong đó có hai ngôi đền ở khu hoàng
cung Patan bị sập hoàn toàn, còn khu vực quảng trường Durbar ở
trung tâm Katmandou thì còn tồi tệ hơn ». Hiện tại vẫn còn quá
sớm để có thể nói đến phục hồi các công trình đó cũng như nói
đến sự trợ giúp của Unesco trong lĩnh vực này.
Mối quan tâm của Unesco giờ đây còn được dành cho di tích lịch
sử Lumbini, nơi được cho là điểm phát tích của Đức Phật cách đây
2600 năm. Địa điểm được xếp hạng di sản thế giới của nhân loại
cũng bị ảnh hưởng của trận động đất mặc dù Lumbini ở cách
Katmandou 280 km.
Tại thủ đô Katmandou, khi động đất xảy ra lúc 11 giờ 59 phút hôm
25/4, quảng trường Durbar đang tập trung rất đông du khách trong
và ngoài nước. Còn lúc này, mọi ưu tiên là đào bới đống đổ nát
với hy vọng tìm được người sống sót. Không còn ai nghĩ tới tòa
tháp được vua Nepal xây dựng từ thế kỷ 19, được Unesco xếp hạng
di sản thế giới và là một biểu tượng của thủ đô Katmandou.
Unesco từng ghi nhận những công trình lịch sử của Nepal là «
trung tâm xã hội, tôn giáo và đô thị của Katmandou, thành phố có
lịch sử rất phong phú và truyền thống tôn giáo đa dạng. «
Katmandou, với di sản kiến trúc độc đáo, những cung điện, đền
đài, các khu nội cung luôn là nguồn cảm hứng cho rất nhiều văn
nghệ sĩ , thi sĩ của Nepal cũng như nước ngoài », Unesco
đánh giá trên trang mạng của tổ chức.
Theo chuyên gia Balaiji, không dễ gì các công trình như vậy có
thể được phục dựng trở lại. Trận động đất này đã gây ra những
tổn thất về di sản không thể nào bù đắp được cho Nepal cũng như
cho cả nhân loại. Nhìn vào mức độ hủy hoại các công trình, các
chuyên gia trong lĩnh vực đều cho rằng việc phục chế là hầu như
không thể.
Nhưng Unesco cũng nhắc lại là vào năm 1833 và 1934, sau hai trận
động đất kinh hoàng một số công trình của thung lũng Katmandou
cũng đã được phục dựng.