TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2015

 

Niềm  tự  hào  về  nước  Mỹ  khi

Thăm  Ground Zero -  New  York (U.S.A.)

 

Phượng 

 

Tôi theo dòng người lặng lẽ ngắm nhìn, 2 cái hồ, mỗi hồ (một ở phía Bắc và một ở phía Nam) ngay vị trí của Cao Ốc Tháp Đôi xưa kia, rộng y như cũ. Chỉ khác nhau về chiều hướng: hướng lên (như một cao ốc chất ngất ngày xưa) và hướng xuống (như một ký ức sâu xa bất tận  và mãi mãi, như "khoảng trống" giữa lòng hồ - a center void - cho thấy). Dòng người hầu như ai nấy đều im lặng theo đuổi những cảm nhận và suy nghĩ của riêng mình. Tôi tự hỏi không biết 911 có phải là con số định mệnh của nước Mỹ? vì 911 chính là con số thuộc nằm lòng của dân Mỹ để gọi khi có Emergency, và ngày nay 911 cũng biến thành con số nằm lòng trong tâm khảm người dân Mỹ khi nhớ lại biến cố đau thương, ngày mà nước Mỹ bị bọn khủng bố tấn công một cách dã man và tàn khốc. Theo phúc trình của Ủy ban 911, các không tặc đã biến những chiếc máy bay thành những quả bom tự sát lớn nhất trong lịch sử. Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 là một trong những sự kiện quan trọng đáng chú ý nhất trong thế kỷ 21, và là một trong những vụ khủng bố gây thiệt hại nhiều nhất về tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, và quân sự của lịch sử Hoa Kỳ, cũng như những nơi khác trên thế giới. Hồi ức đau thương quay về trong tôi: sáng hôm đó tôi loay hoay trong lớp với đám học trò nhỏ, thấy nhân viên văn phòng lao xao, nhưng tôi không để ý, cứ tưởng là chuyện riêng gì của họ. Buổi chiều khi lái xe về nhà tôi mở radio mới bàng hoàng biết tin nước Mỹ bị khủng bố tàn khốc. Thành phố Austin ( Texas) nơi tôi đang ở là 1 thành phố nhỏ hiền hòa, yên bình như Đà Lạt, nhưng giờ đây trước tin khủng bố "long trời lở đất" này, tôi có cảm tưởng như không còn nơi đâu là yên bình trên nước Mỹ vì  bọn khủng bố luôn để mắt dòm ngó để ra tay sát hại 1 cách vô nhân đạo.  Buổi tối đó và liên tiếp những ngày sau, gần như nhà nào cũng mở TV liên tục để xem đi xem lại những hình ảnh đau đến thắt tim với các cột khói bốc cao ngất trời và tòa tháp đôi rùng mình đổ xuống, rồi những hình ảnh thương tâm của những xác người cháy đen, những thân xác vướng nơi các tòa nhà hay tan tành từng mảnh nhỏ.Quả thật đó là nơi tập trung và triển lãm mọi nỗi thống khổ của con người. Nó giống như hỏa ngục của trần gian với hằng trăm, hằng ngàn thân xác tả tơi, bị nhấn chìm trong khói và sức nóng của nhiên liệu phản lực đang bốc cháy, họ như đang gào thét:

"Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi
Thịt da này dành cho thù hận
Cho bạo cường cho tham vọng của một lũ điên"

Lời hát TCS năm xưa tưởng chỉ để dành cho quê hương Việt Nam đau khổ trong chiến tranh của tôi, sao bây giờ lại hiển hiện noi quê hương thứ 2 của tôi? Gần 3000 thân xác chỉ trong phút chốc đã tan tành thịt da  "cho thù hận, cho bạo cường cho tham vọng của một lũ điên". Nhìn những hình ảnh kinh hoàng ghê rợn đó, tôi muốn thét lên 1 tiếng thấu trời xanh để đòi lại sức sống và hạnh phúc cho những nạn nhân đáng thương  vô tội đó. Những nạn nhân ngày 11/9 đó không phải là người thân của tôi, cũng không phải là bạn bè hay người quen biết của tôi, nhưng tôi vẫn rơi nước mắt khi nhớ tới họ ( Họ là dân từ 90 quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó có 2 nguời Việt Nam)

Những ngày đó cả nước Mỹ như tràn ngập trong đau thương, sầu nảo, nhưng nước Mỹ không cô đơn, cả thế giới đứng bên cạnh họ. Phản ứng của các chính phủ và phương tiện truyền thông trên khắp thế giới là gay gắt lên án hành động khủng bố, với những hàng tít trên nhật báo Pháp Le Monde, tóm lược thái độ đồng cảm của quốc tế: "NGÀY HÔM NAY TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ NGƯỜI MỸ", và hàng triệu người trên thế giới tổ chức thắp nến tưởng niệm nạn nhân. Nhưng đâu đó ở Hà nội, ở Bắc kinh vẫn có những người "hả hê' trước việc làm dã man của bọn khủng bố. Tôi đã từng đọc được những dòng tâm tình: "Tôi là một người Việt Nam sống trên đất nước Mỹ. Tôi đã nhìn thấy tất cả những gì xảy ra trong ngày 11/ 9 . Tôi cảm thấy xót xa vô cùng cho những người vô tội đã chết, và tôi cũng không kém phần phẫn nộ khi những ai đó “hả hê” vì nước Mỹ phải chịu cảnh như vậy. Nếu ai đó còn cho rằng việc làm của bọn khủng bố mất hết tính người, vô nhân đạo kia là chính đáng thì tôi không hiểu tính người của họ để đâu? Nếu trong 2 toà nhà cao tầng kia có cha mẹ, con cái, anh em họ hàng của họ ở trong đó thì họ sẽ nghĩ gì?"
Vụ tấn công 911 tác động mạnh mẽ bao trùm lên toàn thể dân chúng Mỹ. Mọi người xúc động bày tỏ lòng biết ơn đối với những lính cứu hỏa vì họ đã thể hiện lòng dũng cảm khác thường giữa tình thế hiểm nghèo nơi hiện trường và họ phải gánh chịu con số tử vong cao chưa từng có khi thi hành nhiệm vụ. Dân Mỹ trong đau thương
vẫn xen lẫn niềm tự hào và khâm  phục khi thấy những người lính cứu hỏa New York vì nhiệm vụ vẫn lao mình vào để cứu người dù biết là mình sẽ chết. Câu chuyện kể lại cha tuyên úy cũng cùng có mặt với họ bên cạnh hiểm nguy tràn ngập và ngài đã ban phép lành cho họ trước khi lao vào cõi chết, để rồi cuối cùng tất cả đều hy sinh, kể cả cha tuyên úy. Câu chuyện hào hùng hy sinh của gần 400 lính cứu hỏa bất chấp hiểm nguy xông vào cứu người là nét son tự hào lộng lẫy cho người dân Mỹ trong sự kiện bi thảm 911. Chưa hết,  chuyến bay thứ 4 mà mục tiêu tấn công là trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Theo băng ghi âm của 911, một hành khách trên chuyến bay đã yêu cầu người điện thoại viên cùng cầu nguyện với anh trước khi nhóm hành khách này xông lên tranh giành với nhóm khủng bố để chiếm lại quyền điều khiển chiếc phi cơ. Sau khi cầu nguyện xong, người hành khách chỉ thốt lên "let’s roll"  như 1 tiếng hô xung trận. Và tất cả hành khách đã xông lên chiến đấu dũng cảm với bọn khủng bố, chứ không sợ hãi khoanh tay ngồi chờ chết, nhờ đó chiếc máy bay thứ tư đã rơi xuống một cánh đồng (80 dặm về phía Đông), và không gây bất cứ tổn hại nào về vật chất và nhân mạng cho bất kỳ ai ở dưới đất, họ đã chết như những người hùng. Ngày 11/9 chúng ta đã  chứng kiến những hành vi ác độc nhất của bọn khủng bố và đồng thời cũng được thấy những hành động dũng cảm, anh hùng tốt đẹp nhất của dân Mỹ. Mới cách đây vài tháng 2 thanh niên Mỹ đã thể hiện tính chất anh hùng đó khi bất chấp hiểm nguy,  xông vào vật lộn với tên khủng bố trên 1 chuyến xe lửa của Pháp để cứu nguy sinh mạng cho bao nhiêu người trên chuyến xe lửa đó. Sau đó họ đã được tổng thống Pháp mời vào điện Elysee để trao bằng tưởng lệ khen ngợi gương anh hùng của họ.

Biến cố 911 là một chấn thương tâm lý nặng nề trong tâm khảm người dân Mỹ, tôi nhớ lại cả 6,7 tháng sau biến cố này, tôi có việc cần phải đi máy bay, mọi người trong nhà cầu nguyện cho tôi đi bình an. Lên máy bay sự xuất hiện của những người Hồi giáo cùng chuyến bay  khiến ai cũng lo sợ, một vị hành khách đã đến nói với cô tiếp viên, ông từ chối ngồi gần người hành khách Hồi giáo, cô tiếp viên thông cảm nên đã đổi chổ cho ông. Một bầu khí căng thẳng  bao trùm cả chuyến bay, mọi người thỉnh thoảng lại liếc nhìn các vị hành khách Hồi giáo để xem chừng động tỉnh hầu có thể kịp thời ra tay ngăn chặn. Sau đó khi máy bay  hạ cánh, lúc bánh xe máy bay  vừa chạm  xuống đường băng, không ai bảo ai cả chuyến bay đồng loạt vổ tay rào rào, mọi người thở phào nhẹ nhỏm và bổng nhiên cười nói vui vẻ vì biết mình đã bay an toàn. Cũng như tin mới đây cho biết 1 bé trai Hồi giáo với họ Mohamed đem vào trưòng tiểu học khoe với các bạn và cô giáo, mình vừa chế ra 1 loại đồng hồ đeo tay, khiến cô giáo hoảng sợ không biết nó có nguy hiểm cho tính mạng của mình và đám học trò nhỏ, nên cô gọi cảnh sát cầu cứu. Em bé đã bị cảnh sát đến còng tay đem đi điều tra, thì ra đó chỉ là 1 sự ngộ nhận. Sau này tổng thống Obama đã mời em bé đến thăm Nhà Trắng như 1 lời xin lổi. Câu chuyện này cho thấy nổi ám ảnh 911 vẫn còn trong tâm khảm người Mỹ. May là xứ Mỹ thượng tôn pháp luật nên những người Hồi giáo ở New York và khắp nước Mỹ vẫn được sống bình đẳng và an toàn, chứ ở bên các xứ Hồi giáo, bạn không cần khủng bố giết hại dân lành vô tội,  bạn chỉ cần nói 1 lời thiếu tôn trọng tôn giáo của họ là lập tức bạn sẽ bị lên án "xử tử" ngay. Đó là sự khác biệt lớn lao giữa Mỹ và các nước Hồi giáo, có phải chăng vì thế mà họ căm thù và muốn tiêu diệt nước Mỹ?

Tôi đang miên man theo dòng hồi tưởng của mình, thì 1 chị bạn kéo tay tôi chỉ cho thấy 1 nụ hoa hồng trắng, rồi thêm 1 nụ hồng nữa trên bờ của  Hồ Tưởng Niệm, nơi đây có 76 tấm bảng đồng ở mỗi hồ,  dùng để khắc tên của 2983 nạn nhân, bao gồm tất cả mọi người đã chết liên quan đến biến cố 911. Nhìn nụ hoa hồng nhỏ xinh dễ thương ở tấm bảng đồng, trên bờ "Hồ tương niệm", tôi thầm nghĩ đúng là 'Đời đã cho lộc và đời đã cho hoa". Nơi đây cái đẹp của sự hy sinh phục vụ , của sức sống đã được tái sinh từ nơi đổ nát hoang tàn, bình địa đã thay chổ cho thảm kịch của đau thương và tang tóc. Bọn khủng bố đã muốn nước Mỹ cúi đầu khuất phục với hành vi tàn sát dã man nhất của chúng. Nhưng chúng đã sai lầm! Đúng vậy, biến cố 911 không làm dân Mỹ chịu khuất phục, trong đau thương họ đứng sát cạnh nhau, nắm tay nhau, nâng đở nhau Một làn sóng hiến máu tự nguyện đã dấy lên ngay sau ngày 11 tháng 9 để cứu sinh mạng người bị nạn. Theo một tường trình trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ ra ngày 7 tháng 5 năm 2003: " lượng máu được hiến tặng trong những tuần lễ sau vụ tấn công 11/9 cao hơn nhiều so với cùng kỳ trong năm 2000.  Cao hơn nữa qua biến cố 911, bọn khủng bố đã cho dân Mỹ có cơ hội thể hiện tính chất anh hùng và ngẩng cao đầu cho cả thế giới thấy khả năng và sức manh tiềm tàng để xây dựng lại tất cả từ con số không (Ground Zero) to đẹp hơn xưa gấp nhiều lần. Ngày nay một "World Trade Center"(WTC)  đã được xây dựng vươn lên độ cao 1 776 ft (541 m) tương ứng với năm nước Mỹ giành độc lập (năm 1776), để trở thành tòa nhà cao nhất Tây Bán Cầu, và là cao ốc cao thứ ba trên toàn thế giới. Những lá cờ chụp hình WTC với hàng chữ "See Forever" treo khắp thành phố New York, biểu hiện niềm tin không 1 thế lực nào có thể xóa nổi  sự hiện diện của nó. Một WTC bao gồm một quần thể với hai Hồ Tưởng Niệm, một Bảo Tàng Viện. Nó là một khối liên hợp gồm 7 kiến trúc ăn thông với nhau trên diện tích 16 mẫu Anh (Văn phòng, cửa hàng trưng bày, nhà hàng thế giới và 1 shopping mall ở tầng hầm) Hằng ngày nhộn nhịp với 50.000 nhân viên làm việc tại WTC và 40.000 khách hàng qua lại.  

 Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi viếng thăm Ground Zero vừa rồi (9/15) khi ghé New York cũng đã phát biểu:

“Ở đây, giữa những đau thương và tang tóc, chúng ta cũng có một cảm giác mãnh liệt về đức tính anh hùng của những người có khả năng, tiềm tàng sức mạnh. Từ đó chúng ta có thể rút ra trong sâu thẳm của đau thương và tang tóc, các bạn cũng đã chứng kiến ​​những đỉnh cao của sự hào phóng và phục vụ. Những bàn tay chìa ra, sức sống được mang lại.”

Ngài nhớ lại, những tấm gương, những hành động anh hùng của nhân viên cứu hỏa thành phố Nữu Ước, những người đã bước vào tòa tháp khi họ đang bị thiêu đốt. Ngài nói rằng những hành động như thế cho thấy sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác.

Những lời khen ngợi của ĐTC khiến tôi càng tự hào về nước Mỹ, quê hương thứ 2 của tôi, đặc biệt khi ĐTC nhấn mạnh: “Nơi của sự chết này cũng đã trở thành nơi của sự sống, nơi của những sự sống được cứu vớt, một bài thánh cho niềm vui chiến thắng của sự sống vượt lên trên những người chủ trương sự hủy diệt và chết chóc, sự lành vượt lên trên sự dữ"    

Ground Zero ngày xưa là nơi đổ nát, tang thương;  ngày nay là điểm di tích lịch sử, là niềm tự hào về ý chí và niềm tin vào chính bản thân mình với sức mạnh đi lên của nước Mỹ. Ground Zero biến thành tâm điểm thu hút du khách khi ghé thăm New York, ai cũng muốn 1 lần ghé thăm Ground Zero. Cách đây vài năm lúc đến New york,  tôi cũng đã ghé thăm Ground Zero, dù rằng lúc ấy chung quanh tòa nhà này vẫn còn bị rào cản chưa cho vào, bởi bên trong cao ốc này chưa xong, nhưng cũng có rất nhiều du khách đã muốn đến thăm nơi này. Ngày nay du khách tha hồ tìm hiểu, khám phá khi mua vé đi theo tour tham quan với hướng dẫn viên cùng những câu chuyện kể ( đã được ghi âm) để họ có thể hiểu thấu nỗi kinh hoàng và những gì xảy ra ở Ground Zero thông qua lời của những người trong cuộc cũng như các nhân chứng. Sứ mệnh của việc tưởng nhớ 911 là ghi nhớ và vinh danh hàng ngàn nạn nhân vô tội, tôn trọng nơi này và biến nó thành nơi linh thiêng xuyên qua thảm kịch lớn với mất mát đau thương. Nhận biết sự chịu đựng của những người sống sót, sự can đảm của những người đã xả thân mình để cứu mạng những người khác và cũng để biết ơn những ai đã "bên cạnh" chúng ta trong những giờ phút đen tối nhất. Khách cũng có thể thăm viện bảo tàng 911 để tưởng nhớ những người đã khuất và xem hàng chục ngàn tư liệu, hình ảnh và phim, video sống động liên quan đến biến cố 911, để sau đó bảo đảm quý vị sẽ cảm thấy "không bao giờ quên" ("never forget.").

Đoàn chúng tôi không có nhiều giờ, nên không đi theo tour và viếng viện bảo tàng được nhưng tôi đã đọc được 1 câu chuyện thú vị về "Cây sống sót" ( Survivor Tree). Sau 911 những người dọn dẹp đống đổ nát đã tìm thấy một cây sồi trắng, bị đánh bật gốc và cụt ngọn chỉ còn lại khoảng 8 ft, chìm ngập trong đống mảnh vỡ ở Ground Zero. Người ta đem nó về "nuôi dưỡng" lại tại công viên của thành phố New York và bây giờ nó đã cao được 30 ft đâm chồi, mọc nhánh và ra hoa vào mùa Xuân. Nó chính là hiện thân của sự sống sót và phục hồi nhanh chóng cho lịch sử của 911, và nó cũng chính là biểu tượng cho sự hồi sinh diệu kỳ của Ground Zero.

Rời Ground Zero, chúng tôi đi sang khu phố gần đó, đường phố New York lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập người qua lại.  Ở 1 góc phố, chị bạn kéo tay tôi lại và kêu lên: "Kìa! nhìn xem". Tôi nhìn theo tay chỉ của chị và thấy một nhóm thanh niên ngồi ở bàn,  chung quanh là biểu ngữ vẻ hình TT Obama, bên cạnh dòng chữ "Obama is wrong", kế bên là hình TT Putin với hàng chữ: "Putin is right" ( phải chăng vì Putin đang muốn bá quyền xâm lăng từ từ tới các nước chung quanh, và muốn "trị vì" nước Nga mãi mãi??) Một số thanh niên thuộc nhóm họ đứng cạnh phát tờ flyer "chống Mỹ và ủng hộ Nga" cho người đi đường.  Chị bạn tôi kêu lên:

- Sao chính quyền lại để cho họ tự do làm như vậy?.

Tôi mỉm cười:

- Bạn quên đây là xứ Mỹ tự do sao? mỗi người đều có quyền phát biểu chính kiến của mình. Theo tôi đây chính là hình ảnh chứng tỏ sự ưu việt của nền tự do xứ này!

Nói tới đây tự dưng trong tâm tôi dâng lên nổi ngậm ngùi khi nhớ lại người dân Việt Nam tôi chỉ vì muốn tranh đấu cho nhân quyền, cho tự do, chỉ vì yêu giang sơn gấm vóc cha ông để lại, phản đối bá quyền Trung quốc xâm lược mà bị trả thù, bị đánh đập dã man, bị tù đày xiềng xích...Có lẽ từ lâu dân Việt Nam tôi đã phải sống theo kiểu như nhà thơ Nguyễn chí Thiện đã từng viết:

"Tôi đương sống, nhưng từ lâu đã chết

Chết trong tim, trong óc, chết tâm hồn".

Chợt nhớ lại câu tôi vừa đọc được ở Ground Zero "...tưởng niệm 911 là cách chúng ta tái khẳng định sự tôn trọng đời sống, tăng sức mạnh cho quyết tâm của chúng ta trong việc duy trì, gìn giữ Tự Do" (... strengthen our resolve to preserve freedom...), rồi buồn bả tự hỏi: "Bao giờ, biết đến bao giờ dân Việt Nam tôi mới được hít thở phần nào bầu khí Tự Do như bầu khí Tự Do tôi đang sống ở xứ Mỹ này??"

 

Phượng