TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2015

2011, 2012, 2013, 2014

 

 

NHU CẦU DÂN CHỦ - PHÁP QUYỀN TẠI VIỆT NAM

 

 

http://baomai.blogspot.com/
Tác giả cho rằng đảng cộng sản VN đang đối diện nhiều áp lực buộc phải thay đổi, trong đó có nhu cầu của xã hội về dân chủ và pháp quyền.

Càng gần đến đại hội XII của đảng cộng sản, càng có nhiều quan chức và trí thức trong đảng cộng sản lên tiếng về các vấn đề quốc gia. Đó là các vấn đề gì?

Phải chăng, trước hết đó là vấn đề nhân dân chưa làm chủ?

image
Mới đây, ngày 12/9, nhân dịp trả lời báo chí trước chuyến thăm Nhật Bản, Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu về vấn đề thể chế một đảng tại Việt Nam như sau:

"Tôi cho rằng bản chất cốt lõi nhất của dân chủ là bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; thể chế chính trị nào đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số nhân dân, của dân tộc thì thể chế đó sẽ có sức sống lâu dài, mãnh liệt, không phụ thuộc vào việc có một đảng hay đa đảng. “

Nếu thật sự ông Trọng tin rằng chế độ một đảng đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và có “sức sống lâu dài” thì tại sao chính ông và các lãnh đạo khác của đảng cộng sản luôn lo sợ bị “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ”, thậm chí bây giờ còn đề cao nỗi sợ “tự diễn biến”?

http://baomai.blogspot.com/
Tại sao các lãnh đạo cộng sản mỗi khi gặp các tướng lãnh quân đội, công an đều căn dặn “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”?

Hỏi cũng chính là trả lời, vì chế độ cộng sản chuyên chính, như ở Đông Âu và Liên Xô trước đây, có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.

Nguyên nhân sự sụp đổ tất yếu của chế độ một đảng nằm trong chính lời nói của ông Trọng, đó là chế độ một đảng không thể “bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân”, vì quyền làm chủ quan trọng nhất của nhân dân chính là lãnh đạo phải do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng, có nhiệm kỳ.

http://baomai.blogspot.com/
Trong chế độ một đảng thì quyền lực thực sự thuộc về lãnh đạo của đảng chuyên chính cầm quyền. Dân không có sự lựa chọn nào khác để bầu ngoài đảng cộng sản.

Chính một cựu lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản, nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An cũng công nhận chế độ hiện tại là chế độ “đảng chủ” chứ không phải dân chủ.

Pháp luật chưa chuẩn

image
Ông Nguyễn Sinh Hùng (giữa) thăm Trụ sở Thị trường Chứng khoán New York Mỹ, hôm 01/9/2015.
Cũng tại phiên thảo luận về Bộ luật hình sự sửa đổi ngày 14/9, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu phải làm rõ các hành vi như thế nào là chống phá nhà nước:

“Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy.

"Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”.

Bản thân ông Hùng cũng là một ví dụ điển hình cho nhận định của ông.
Câu nói của ông đã thẳng thắn phơi bày nền “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” thật ra chỉ là chế độ đảng trị. Ý chí của lãnh đạo đảng cộng sản là luật.

image
Khi nhà cầm quyền “muốn bắt ai thì bắt” thì các thiết chế bảo vệ công lý và quyền con người như tòa án, viện kiểm sát chỉ là bình phong cho quyền lực độc đoán.
Vậy thì có thể kết luận ông Hùng đã “nói xấu chế độ” chưa và có thể bắt ông được chưa?

Câu nói của ông Hùng gợi nhớ lại câu nói nổi tiếng của cựu chánh án tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương: “Luật dân sự xử sao cũng được”.

Rõ ràng rằng, qua nhận định của chính các lãnh đạo cộng sản, luật pháp ở chế độ một đảng, từ dân sự tới hình sự, hết sức tùy tiện và bất công.

http://baomai.blogspot.com/
Đó là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của đất nước vì dân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật chứ không ai sống và làm việc theo chỉ thị, nghị quyết của một đảng.

Năng lực quá thấp

image
Một chế độ mà nhân dân không làm chủ, pháp luật không chuẩn mực thì sự lụn bại của quốc gia là tất yếu.
Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu tổ chức ngày 27/8/2015, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên nhận xét thẳng thắn:
"Việt Nam đang tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực, với tốc độ tụt hậu khoảng cách ngày càng xa. Đẳng cấp phát triển của Việt Nam đang rất thấp."
Các chuyên gia và quan chức Nhà nước tại Diễn đàn đều thống nhất:
"Nhà nước phình to, ôm đồm, trùng lắp, thiếu giải trình... đang trở thành lực cản cho thị trường phát triển."

image
Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng trong một phiên họp khối Asean (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á).
Bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng công nhận:
"Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN-6, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”.

Đơn cử một vấn đề cụ thể, một đảng cầm quyền mà sau 40 năm thống nhất, đến giờ phút này vẫn không biết làm sao để tổ chức thi đại học cho tốt, làm sách giáo khoa cho đàng hoàng, thì chắc chắn đảng đó không thể đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sức ép thay đổi

image
Cũng tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết:
“Chúng ta không còn cửa nào phát triển, nếu không mở ra bên ngoài. Sức mua của thị trường nội địa quá thấp… Tình thế hiện nay chỉ có hai lựa chọn, một là mở cửa, hai là chết.”
Như thế, nhà cầm quyền không hề có tầm nhìn xa trông rộng để đưa đất nước đi tắt đón đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, mà rất bị động, phải đợi đến lúc gần “chết” mới chịu thay đổi.

Nếu thật sự các lãnh đạo cộng sản tin rằng họ đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân như lời ông Nguyễn Phú Trọng, thì họ đã dám ra tranh cử bình đẳng và nắm quyền một cách chính danh như đảng Dân Chủ Tự Do của Nhật Bản, hoặc đảng Nhân Dân Hành Động của Singapore, cả hai đảng trên đều nắm quyền liên tục rất lâu qua các cuộc bầu cử đa đảng, có nhiệm kỳ.

image
Mới đây, ông Bộ trưởng bộ kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh của Việt Nam, khi trả lời đài BBC ngày 11/9/2015, đã nói rõ giải pháp cho Việt Nam là dân phải có quyền bầu ra lãnh đạo, đồng thời phải sửa đổi luật pháp để trở nên minh bạch, nghĩa là cần phải cải tổ thể chế để đạt được mục tiêu nền tảng “nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực”.

image
Còn GS Trần Ngọc Thêm, thành viên Hội đồng lý luận trung ương Đảng CSVN, cũng phát biểu trên VietnamNet ngày 9/9/2015 là “cần xây dựng một cách triệt để hai giá trị Dân chủ (nhân dân làm chủ) và Pháp quyền (pháp luật chuẩn mực)”.

Như vậy, từ quan chức tới trí thức trong đảng cộng sản đều hiểu rõ nhu cầu bức bách của xã hội là nhân dân phải làm chủ, pháp luật phải chuẩn mực.

Phải đối thoại với dân

Lâu nay, đảng cộng sản rất hay tổ chức các cuộc hội thảo về lý luận với các chính đảng ở các quốc gia khác. Đồng thời, đảng cộng sản cũng tổ chức đối thoại nhân quyền với chính quyền các quốc gia khác như Mỹ, Úc… Thậm chí, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ về, quan chức trong đảng còn phấn khởi vì Mỹ đã công nhận thể chế chính trị của Việt Nam.

image
Đảng Cộng sản VN đã 'đối thoại' được với 'cựu thù', liệu đảng có thể đối thoại với dân, tác giả đặt vấn đề.
Trong khi đó, nhân dân Việt Nam chưa bao giờ công nhận tính chính danh của đảng cộng sản cầm quyền qua bầu cử, cũng chưa bao giờ phúc quyết hiến pháp để trao độc quyền chính trị cho đảng cộng sản.

Mâu thuẫn hay khác biệt về nhân quyền, lý luận là giữa người dân trong nước với đảng cộng sản, không phải là mâu thuẫn, khác biệt giữa đảng cộng sản với các đảng khác hay các quốc gia khác.
Điều cần thiết là đảng cộng sản phải tổ chức đối thoại một cách sòng phẳng với người dân, với các nhân sỹ trí thức độc lập, với các tổ chức dân chủ để cùng nhau xây dựng đất nước trên cơ sở “nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực”, bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân.

Đảng cộng sản còn bắt tay với cựu thù Mỹ được thì không có lý do gì để người trong một nước lại không bắt tay được với nhau. Chúng ta chấp nhận “đa nguyên” nhưng phải “hợp tác” với nhau để cùng nhau xây dựng đất nước. “Đa nguyên hợp tác” chứ không phải “đa nguyên chống đối” hay “đa nguyên chống phá”.

image
Và đoàn kết quốc gia nghĩa là toàn dân cùng nhau tuân thủ pháp luật chuẩn mực của quốc gia đó chứ không phải hô hào đoàn kết chung chung, bắt dân phải chấp hành nghị quyết của đảng cộng sản như hiện nay.

Những vấn đề nhức nhối khác của Việt Nam trong giáo dục, y tế, môi trường, giao thông,… chỉ có thể bắt đầu giải quyết khi xã hội đã có nền tảng vững chãi là “nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực”.

Xã hội có nhu cầu cải tổ thể chế chính trị rất rõ ràng nhưng phải có áp lực mới có thể thay đổi. Các lực lượng dân chủ tiến bộ trong cũng như ngoài đảng cộng sản cần phối hợp với nhau để cải tổ đất nước.

Mục tiêu của công cuộc phối hợp cải tổ này là để xây dựng được nền tảng cho Việt Nam cất cánh chứ không phải cho một phe đảng nào nắm đặc quyền đặc lợi.

Do đó, chủ động tham gia vào công cuộc hiện thực hóa “nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực” là nghĩa vụ của mọi công dân.



Th.S Nguyễn Tiến Trung