ƠN GỌI NHÂN BẢN

 

Như  đàn  hạc  hoài  hương...

Viết cho hương hồn

những người...tôi yêu và yêu tôi

Phượng 

"Như đàn hạc hoài hương
Bay thẳng về tổ ấm
Trên đỉnh núi vút cao
Qua vùng trời thăm thẳm
Lên tận cõi thiên đường." (Thơ Tagore)

Chính trong khát vọng về với Thiên Chúa, cội nguồn sự sống mà thi sĩ Tagore đã dâng lời kinh tha thiết như trên. Đó cũng là lời bài hát đã được linh mục Thiện Cẩm phổ nhạc, trong số nhiều bản  nhạc cha đã phổ từ thơ Tagore, một nhà hiền Triết Ấn độ mà cha rất yêu quý! Có lẽ vì là giáo sư Triết Đông nên cha có dịp tìm hiểu, tiếp xúc với thế giới Triết Đông và có nhiều cơ hội để đọc, hiểu và thấm thía với lời thơ, ý thơ tuyệt vời của Tagore. (Tagore đã được trao giải Nobel văn học vào năm 1913 với thi phẩm nổi tiếng : “Thơ dâng” và trở thành người Châu Á đầu tiên
nhận giải Nobel. Thơ ca của Tagore giàu tinh thần nhân loại, với những vần thơ tuyệt diệu, mang
đậm những cảm nhận sâu sắc, độc đáo, thể hiện một tài năng sáng tác thơ ca khác thường
) . Khi cha Thiện Cẩm là tuyên úy cho sinh viên Công Giáo Saigon (JUC), tôi có nhiều dịp thân cận và tiếp xúc với ngài và nghe ngài nói chuyện về những ý thơ tuyệt vời, sâu sắc của Tagore, nhưng có lẽ lúc đó tôi còn quá trẻ, tuổi của hồn nhiên vô tư, kinh nghiệm đường đời chưa có nên tôi chưa hiểu thấu hết những ý hay trong thơ Tagore. Ngay cha là người yêu thơ Tagore từ lúc trẻ mà cũng phải chờ "đến 25 năm sau, khi tôi tròn 50 tuổi, vào lúc Khổng Tử gọi là “tri thiên mệnh” thì những vần thơ Tagore mà tôi đã ấp ủ cưu mang từ lâu, mới bật lên thành tiếng hát. Và bài đầu tiên là bài "Như Đàn Hạc Hoài Hương". Một bài hát khác "Xin Để Lại Anh Em" của cha cũng phổ từ thơ Tagore nói về cái chết mà khi mới nghe lần đầu qua đám tang 1 người bạn ở CA tôi đã bị đánh động tâm can (và mãi sau này khi dự đám tang cha ở Saigon, tôi mới biết cha là tác giả. Tôi phải cúi đầu xin lỗi trước hương linh cha vì nếu cha còn sống thế nào tôi cũng bị mắng "thật là tệ quá!")

"Xin vĩnh biệt mọi người tôi ra đi lần cuối, không bao giờ trở lại
Tôi đã nhận được lệnh ra đi, xin chúc tôi may mắn!
Xin để lại anh em đôi lời: yêu thương nhau mãi mãi”.

Lời bài hát đã làm tôi xúc động mạnh!. Ôi ! bài hát tuyệt vời và tràn đầy cảm xúc, khiến tôi uớc mong, mai sau  nếu tôi "ra đi", tôi mong đuợc nghe bài hát này trong tang lễ của mình như 1  "di chúc tinh thần":

Tôi đã nhận được từ mọi người nhiều hơn là tôi đã trao cho..
Hãy yêu thương nhau mãi mãi thay tôi...”

Ý thơ của Tagore qua lời bài hát làm tôi bối rối tự xét lại mình, vì nó đã diễn tả đúng tâm trạng tôi, nó đã đánh động trái tim tôi. Tôi có cảm tưởng người nằm trong quan tài kia đang cất lời chào vĩnh biệt và để lại lời nhắn cho tôi, cho mọi người ở lại. Lời nhắn đó bỗng trở thành thiêng liêng. Thế gian này ai cũng biết là “cõi tạm”, nhưng gần như ai cũng quên mất, cho nên:

Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ!”.

Xã hội ngày nay ai cũng vội vàng “tất bật”, không còn giờ để “tỉnh tâm”, để yêu thương, để “cho đi”, đến lúc “nhận ra” thì đôi khi không còn kịp nữa! Nhưng may quá, tôi vẫn còn quỹ thời gian, có thể là ít ỏi để :

“Cám ơn Đời mỗi sớm mai thức dậy”

Ta lại có thêm ngày nữa để yêu thương”

để nói những lời tử tế với mọi người, để nở nụ cười với những ai tôi gặp trên đường đi, để sẳn sàng làm một điều gì tốt cho những ai đang cần đến tôi…để sống bao dung và thả trôi đi những tị hiềm của cuộc đời, để ý thức mỗi ngày được sống bình an là tặng phẩm của Chúa ban cho!

Hôm nay 2/11 là ngày lễ các linh hồn, và cả tháng 11 này dành để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Theo thông lệ của ngày này, mọi người Công giáo thường đến viếng nghĩa trang và tuy không là lễ buộc, nhưng mọi người đều cố gắng thu xếp thời giờ để dự lễ cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời. Hằng năm tôi luôn nhớ ngày này đọc kinh, viếng nghĩa trang để cầu nguyện cho ba má và sau này tôi biết thêm vào danh sách cầu nguyện đó những người đã từng gắn bó thân thương với tôi trong hành trình dài của "chuyến xe cuộc đời".  Tháng "các linh hồn”, hay nói đúng hơn, tháng để chúng ta cầu nguyện cho những người đã chết. Tuy nhiên, “trông người lại ngẫm đến ta”, nay tôi, mai anh! Vì thế đây cũng là tháng để chúng ta nghĩ tới cái chết của chính mình:

"Ngày mai nhỡ tiếng vô thường gọi

Ta có mang theo được những gì ?”

Khi xe chúng tôi gần đến nghĩa trang Chúa Chiên lành thì phải bắt đầu xếp hàng dài để chờ đợi quẹo vào đường chính, từ đó mới đến cổng nghĩa trang. Có người đợi lâu đã lái xe vào các đường nhỏ bên cạnh để đậu xe, rồi đi bộ cho nhanh hơn, tay ai cũng cầm 1 tới 2 bó hoa đầy màu sắc để lát nữa cắm trên mộ những người thân. Chúng tôi sốt ruột vì chờ lâu quá xe không nhúc nhích thì sẽ bị trễ lễ, một chiếc xe trắng chạy vọt qua, rồi chậm lại và bật signal để xin nhập lane. Chị bạn tôi hối ông xã "anh phải chạy khít lên đừng để xe kia nó chen vào". Tôi nhớ lại nhiều lần cũng đã gặp trường họp này, vì như vậy là mấy xe kia "chơi gian", không tôn trọng luật công bằng, nên phải chạy sát lên... Nhưng có 1 lần vì sơ ý tôi chạy lẹ qua, rồi mới nhớ mình cần quẹo phải, đành phải bật signal và chờ xem ai có "lòng bao dung" thì sẽ nhường cho mình vô. Đợi vài xe thì có xe nhường, tôi mừng quá, giơ tay cám ơn, và lúc đó tôi cảm nghiệm: "Đôi khi nếu đòi hỏi sự công bằng thì sẽ không có đức ái" Từ đó tôi dễ thông cảm với những trường hợp tương tự "có thể người ta quên hay có thể người ta đang gấp...". Chị bạn tôi bình thường rất hiền nhưng có lẽ vì gấp sợ trễ lễ nên ra sức đốc ông xã nhích sát lên không cho xe trắng kia chen vô. Cuối cùng xe trắng không chen vô được, đành phải rẻ vào hẽm bên đường. Khi xe đi qua tôi quay đầu nhìn lại thì mới thấy xe trắng đó do 1 soeur lái, tôi kể lại cho chị bạn nghe - "Vậy hả?chết rồi tội nghiệp soeur".Bởi vậy, dù là  sắp đến thăm "thành phố bên kia cuộc đời" và ai cũng biết bất cứ lúc nào mình cũng đều có thể trở thành cư dân thành phố đó, nhưng hình như "sân si" trong con người vẫn chưa rủ bỏ được. Cũng như đã bao nhiêu lần tôi đã tự hứa, tôi chỉ cần nhớ và thực hành một điều Chúa dạy "Hãy noi gương ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng" nhưng rồi khi có ai vu oan cho mình điều mình không làm, khi bị chê bai, bị chạm tự ái, bị xử ức hiếp và bất công...thì cái máu "sân hận" của tôi lại nổi lên. Nhiều lần tôi phải đét cho nó mấy roi thật đau để nó không ngóc đầu lên đòi trả đủa, nhưng nó khôn ngoan lách đi hướng khác dụ tôi phải "nói lại" cho đở ấm ức...để rồi mỗi buổi sáng thức dậy trong không khí thinh lặng, yên tỉnh của ban mai, tự xét lại mình, tôi mới thấy tôi vẫn còn đầy rẫy "tham, sân, si" trong người,  rồi lại nhủ thầm: 

" Thì Lạy Chúa! Chúa biết con yếu đuối và đổi thay.
Con luôn cần đến Chúa từng phút giây
."

Khi vào đến nghĩa trang, tôi thấy cả một rừng hoa muôn sắc màu tươi thắm. Gần như trước mỗi ngôi mộ đều có cắm hoa tươi, tôi lẩn thẩn tự hỏi có biết bao nhiêu người nằm đây khi còn sống chẳng hề được người thân hay con cái đoái hoài phải sống trong cô đơn? Tại sao chúng ta không tặng những đóa hoa tươi đó ngay khi họ còn sống, để họ cảm nhận được tình cảm yêu thương của chúng ta, để họ thưởng thức được vẽ đẹp của những đóa hoa tươi. Khi họ chết rồi, họ đâu còn cảm nhận được những điều đó nữa! Khi tiếp xúc với nhà dưỡng lảo, với thế giới người già neo đơn tôi mới thấy số lượng người già bị con cái bỏ rơi không thăm viếng mỗi ngày một gia tăng. Xin hãy làm những gì tốt đẹp nhất cho cha mẹ khi các ngài còn sống, còn cảm nhận được niềm vui của con cái mang lại. ( như điều răn thứ 4 của Chúa đã dạy "Phải thảo kính cha mẹ") Còn khi chết rồi có lẽ các ngài cũng không cần nữa đâu!

“Có tốt với tôi, thì tốt với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời..”

Thánh lễ đồng tế đã bắt đầu, ở sân khấu giữa nghĩa trang. Trưa nay trời trong, ánh nắng có lúc gay gắt, có lúc dịu dàng, và có lúc gió thổi lạnh giá... có lẽ giống cuộc đời con người cũng "khi vầy, khi khác". Gió nghĩa trang u..u... thổi vang vọng vào trong micro tạo nên những âm vang "ù..ù.." như lời gọi hồn của các tử sĩ, khiến tôi chợt nhớ tới câu thơ 'Hồn tử sĩ gió ù ù thổi" trong "Chinh phụ ngâm" mà tôi học lúc còn nhỏ. Hình như đâu đây là tiếng các linh hồn đang gọi về trần thế?

Trong thánh lễ, ở phần chia sẻ lời Chúa, cha cho biết những người còn sống là "giáo hội lữ hành", nghĩa là chúng ta phãi "đi" (move) không thể ngồi yên một chỗ. Nhưng đi đâu? đi vào đời đến với những người nghèo khổ, những kẻ cô đơn sầu héo đang cần bàn tay nâng đở...

"Cuộc đời đầy những thở than, tiếng khóc chất chứa trong muôn vàn.

Xin cho con đến ủi an, đỡ nâng mong quên đi cơ hàn

 Vì nhiều người vẫn nghèo đói thế giới thiếu vắng bao nụ cười

Cho quên đi những sầu vương. Chúa ơi xin thương ai đoạn trường"  (N.D.)

 

Hãy là người tốt và làm những điều tốt. Hãy nhớ thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào,vì vậy đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này. Mới hôm qua chị bạn thân rủ tôi đi shopping vì có anh Tư bên VN mới qua chơi, tụi tôi lang thang shopping hết nơi này tới nơi kia theo yêu cầu của anh Tư tới tối mới về. Rồi lên kế hoạch tuần tới sẽ dẫn anh Tư đi tiếp ở Northstrom Rack, anh Tư hí hửng cho biết sẽ ở lại "hốt" một mớ đồ "big Sale" của "black Friday" (After Thanks Giving)  rồi mới về VN...Sáng sớm nay chị bạn gọi ĐT cho biết tối qua điện thoại bên VN gọi qua báo tin thằng em trai chị khỏe mạnh mới ngoài 40, bị heart attack đã qua đời. Hôm nay phải lo đổi gấp chuyến bay để tối nay anh Tư bay về Saigon cho kịp dự đám tang thằng em. Tôi nghe mà sững sờ:

 

"Ôi thân phận của con người
Tựa một bông hoa nở tươi
Một làn gió nhẹ lung lay
Cũng biến tan sắc màu..” 

 

 Tháng Mười Một là tháng mà Giáo Hội mời gọi con người hãy suy nghĩ về cái chết của mình và tha nhân. Khi ta suy nghĩ về sự chết, ta sẽ nhận ra sự yếu đuối của thân phận con người, sự mong manh và tính bất định của sự sống.

 

"Như hoa kia khoe màu tươi sắc thắm.
Cũng rụi tàn, khi buổi chiều hoàng hôn."

 Sống đồng nghĩa với hành động, cái đáng sợ không phải là chết mà là sống có ý nghĩa gì không? Theo Tagore, sự sống và cái chết là hai mặt của một vấn đề, là quy luật muôn đời của tạo hóa. Trong vũ trụ bao la không có gì là trường tồn vĩnh viễn, hay bất biến thường hằng.Với ông, sự sống và cái chết chỉ là hai bờ của một dòng sông, là hai bầu vú mang đầy sữa ngọt ngào trên ngực trần của người mẹ: “Khi mẹ giằng con khỏi vú bên này, con oà khóc, nhưng liền đó lại thấy nguồn an ủi ở bầu vú bên kia”

Thành thử "Đừng cứ phải đợi đến 2/11 mới nhớ tới người thân đã khuất bóng. Có lẽ còn nên dành cả tháng11 để tạ ơn Chúa vì nhiều người thân đã  được "về với Chúa". Gọi tháng 11 là tháng các Thánh, thay vì theo thói quen cũ gọi là "tháng các linh hồn"...Cần phải thâm tín rằng "Thiên chúa giàu lòng xót thương" không chỉ xóa tội, không chỉ ban ơn tha thứ mà đồng thời cũng là ơn thánh hóa: "đứa con trở về nhà cha không chỉ được tha thứ mà được trọng đãi và "ăn khao mà mừng chớ" (Lc 15, 20-32). Tháng các Thánh tưởng nhớ đến người thân đã "về với Chúa" thay vì mang màu sắc ảm đạm của ngày 2/11 phải vang vọng mãi lời hoan ca (N.N.L.)

"Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ.

 Miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi vang lời ca hát.

 Ngàn dân tung hô: tôi thật vinh phúc." (K.L.)

Lời bài hát "Ngày về" như một chỉ hướng nhìn về phía trước. Như một hăm hở đi tới điểm hẹn khi nhìn về cái chết trong niềm tin vào "Thiên chúa giàu lòng xót thương"

 Tan lễ khi trở về nhìn khung cảnh nghĩa trang, đi thăm từng nấm mồ chung quanh để thấy rõ cuộc đời là vô thường! Có những ngôi mộ người già nằm "có đôi"( không biết dưới đó có còn cãi nhau tiếp nữa không?). Có những ngôi mộ đang chờ "bạn đời" tới nằm cho vui (nhưng chắc bạn còn đang thong thả, chưa muốn xum vầy đâu!)  cũng có những ngôi mộ "lẻ loi" một mình (thôi hãy vui với câu "Happiness to be single" nha!). Có mộ khi còn tại thế nắm giữ những chức vụ quan trọng, danh vọng chất ngất; có mộ của những người đẹp lừng lẫy một thời... nhưng bây giờ dưới những nấm mồ kia chắc chỉ còn là một nắm xương khô! Có những người chết già, nhưng có những người "đi" khi còn rất trẻ, nhìn hình trông trẻ khỏe tươi tắn làm sao! Như khi chúng tôi dừng chân trước mộ của Trưởng NĐM. anh là 1 người tài giỏi, năng động đóng góp rất nhiều công sức cho giới trẻ O.C. Trong 1 tai nạn xe ở Pháp, khi tham dự đại hội giới trẻ  bên đó, anh đã trở  thành "Như cánh hạc hoài hương...bay thẳng về tổ ấm" như lời ghi khắc trên bia mộ anh.

  Nếu ai cũng nhớ ta đang "lạc bước thăm cõi tạm” có lẽ lúc đó ta sẽ sẳn sàng : “Mỗi bước trần gian: Nhẫn, Nhịn, Nhường”. Khi ấy ta sẽ sống hiền hòa nhân ái hơn, "tham sân si " sẽ chạy đi chơi chỗ khác! Lúc đó trong cuộc sống mỗi ngày, ta luôn biết nghĩ tốt về nhau, nói với nhau toàn những lời tốt đẹp, biết bao dung tha thứ cho nhau vì “Vị tha là cội nguồn hạnh phúc nhất” (ĐĐLai Lạt Ma) thì làm gì còn có những người “ra đi” nhưng “trong lòng còn bao vết thương”!   

Không phải cứ bi quan, yếm thế, người ta mới nghĩ đến cái chết, bởi vì có sống thì có chết. Sống-chết là hai đầu mối của đời người: ta vào đầu này, ta ra cửa kia, không thể nào khác được.Tagore không xem cái chết là một ám ảnh mà chỉ như một chiếc lá mùa thu nhẹ nhàng rời cành, trở về cát bụi: “Hãy để cuộc đời tươi đẹp như hoa mùa hạ / và hãy để cái chết về như lá mùa thu”. Hình như khi con người bắt đầu bước vào hoàng hôn của cuộc đời, người ta mới bắt đầu cảm nhận được cái thế giới bên kia trở nên gần gũi hơn và không còn phải là điều xa vời nữa. Lúc bấy giờ người ta mới cảm nhận "Tổ ấm" thực sự và vĩnh viễn của mình không phải là chốn trần gian này mà là nơi chốn cao xa. Và ta như "đàn hạc hoài hương" mong “bay về tổ ấm trên đỉnh núi vút cao” . Vì thế khi "vô thường" gỏ cửa: "ta sẽ cầm đèn, ta sẽ mở cổng và ta sẽ đón chào người ấy" với tâm tình "mang theo chỉ có mỗi con tim” vì:

"Những gì tôi đang có, xin trả lại cho đời.

Những gì thuộc về tôi, nay không còn nữa.

Những gì tôi cho đi, từ nay thuộc về tôi.

Trao ban là còn mãi – Tình yêu không thể chết.”

 

Nhìn quanh thế giới hôm nay : thiên tai, động đất, lũ lụt, dịch bệnh rồi khủng bố (dưới đất cũng như trên không) đang lan tràn khắp nơi!. Tai ương chết chóc có thể đổ ụp xuống đầu chúng ta bất cứ lúc nào! Thôi thì hãy tận hưởng từng phút giây của cuộc sống để yêu người, yêu đời, hãy hối hả làm được điều gì tử tế thì cứ làm kẻo không còn cơ hội để nếu có bất ngờ nhận được “lệnh ra đi” ta sẽ lên đường nhẹ nhàng, thanh thản không chút hối tiếc, băn khoăn, vì ta đã thấu hiểu:

“Ngoảnh lại cuộc đời như giấc mộng
Được,mất, bại, thành bổng chốc hóa hư không”

Phượng Vũ