VĂN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT

2011, 2012, 2013, 2014

2015

Một số điều thú vị khi đắm mình trong:

 

Biển học mênh mông Tiếng Việt

Ghi lại theo bài hướng dẫn của Giáo sư Trần Chấn Trí (Tiến sĩ Ngôn ngữ học và văn chương...)

Giảng dạy Tiếng Việt & Ngôn ngữ học tiếng Việt (UCI )

Phượng 

 

"Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi" (PD)

Hằng năm khi trường Việt ngữ thông báo có khóa Tu nghiệp Sư phạm, tôi luôn là người hăng hái ghi danh đầu tiên. Một chị bạn thân biết vậy liền nói: "Bộ hưỡn lắm sao, mà cỡ bạn còn tham dự học mấy khóa này?" ( ý bạn ngầm nói tôi dạy môn Văn cấp 3, tốt nghiệp ĐHSP Sg, có kinh nghiệm giảng dạy mấy chục năm. Khai như vậy không phải để khoe mà để cho thấy sau này bị "quê 1 cục" như thế nào!). Đối với người ngoài là vậy, nhưng đối với người trong cuộc Tiếng Việt càng đi sâu, càng thấy mênh mông, càng thú vị, càng say mê...nó đã biến thành "tiếng lòng tôi" từ lúc nào không rõ! Tôi yêu câu nói nổi tiếng của Lenin "Học, học nữa, học mãi", dù tôi rất ghét chủ nghĩa Cộng sản của ông đã làm đất nước tôi điêu đứng mấy chục năm nay. (Ở đây tôi xin mở ngoặc nhỏ, khi tôi nói yêu câu nói nổi tiếng của Lenin vì tính tôi công tâm cái gì hay thì mình khen hay, cái gì đúng thì mình khen đúng, dù là của kẻ thù, nhưng thầy Trí và một số bạn  tôi thì không chịu, vì theo kiểu: "ghét ai, ghét cả đường đi lối về" mà như vậy thì thiếu công bằng, mời quý vị đọc tiếp phần sau sẽ rõ). Tôi có 1 điểm yếu là hay viết sai dấu hỏi, ngã, nên khóa tu nghiệp nào tôi cũng ghi tên học lớp "Dấu hỏi, ngã trong tiếng Việt". Tôi thuộc nằm lòng và áp dụng luật căn bản:

- Sắc  -  hỏi   -    không ----------dấu hỏi  ( vui vẻ,  ngẩn ngơ)

- Huyền -  ngã  -  nặng  --------- dấu ngã ( xã hội, dễ dàng)

Vậy đó, mà tôi cứ phải ca hoài bài "Tôi còn yêu..." (xin lỗi tác giả cho tôi đổi chữ chút xíu) " Tôi còn sai, tôi cứ sai, tôi còn sai mãi, tôi còn sai hoài...". Cách đây vài tuần 1 cô học trò cũ ( thuộc loại cưng của tôi) ở VN email nhắc nhở:" Bài cô viết hay, cảm động nhưng còn sai nhiều chính tả về dấu hỏi, ngã...". Thiệt là "quê 1 cục"! Tôi ấm ức quá kể lại với chị bạn "Bắc kỳ chính cống" xem có bí quyết nào chỉ dùm - "Đâu có bí quyết gì, tự nhiên nó có sẵn trong máu rồi nói đúng, viết đúng. Còn bạn là dân "Made in Saigon 100%" nên phải chịu thôi!". Hơn nữa thử nghĩ xem viết bài khi đang có hứng, chẳng lẽ phải dừng lại suy nghĩ, rồi đi tra tìm xem nó dấu hỏi hay ngã.Tới khi xong thì hứng chạy đi chơi chỗ khác mất tiêu rồi ( nên mong các độc giả thông cảm thứ  lỗi cho) 

Tuy nói vậy, nhưng tôi cũng quyết tâm học hỏi vì ông bà mình thường nói "còn nước, còn tát". Hằng năm, ở Nam CA,  tôi còn các lớp của khóa TNSP để "tát" sao không tham dự? Mỗi lần đi học tôi lại khám phá ra nhiều điều thú vị về tiếng Việt, để càng thêm tự hào về nó như "Tiếng Việt là tiếng duy nhất trên thế giới có dấu hỏi trong hệ thống chính tả "(độc quyền). Những chữ có dấu hỏi nhiều hơn chữ có dấu ngã (thành thử nếu bí quá thì cứ bỏ đại dấu hỏi, sẽ có xác xuất đúng cao hơn).  Phần lớn các trạng từ đều có dấu ngã (đã, vẫn, cũng, nữa, mãi...).  Ngoài ra thầy cho biết dân từ Thanh hóa trở ra rất rành về dấu hỏi, ngã, còn từ Nghệ Tĩnh trở vô thì không phân biệt được dấu hỏi, ngã. Vậy thì tôi có "đồng minh" khá đông! Do đó bài viết này dành cho "đồng minh", ai không phải "đồng minh" xin mời ra chỗ khác chơi nha, mà nói đâu xa lớp học này là lớp có đông thầy cô ghi danh nhất, vậy là tôi cũng đở cảm thấy "cô đơn", đỡ mặc cảm "tội lỗi".

 Tiếng Việt vô cùng phong phú khi đắm mình trong đó, ta sẽ thấy nó như biển học mênh mông, mà sự hiểu biết của ta chỉ như giọt nước trong biển cả bao la. Hồi học ĐHSP tôi thấy các giáo sư chỉ nghiên cứu 1 khía cạnh thôi ( Ngữ âm tiếng Việt, Từ Hán-Việt, chữ Nôm...) mà sách đọc cả năm chắc cũng chưa hết. Tiếng Việt cùng 1 chữ, nhưng có khi mang nhiều nghĩa khác nhau ( khi thì trạng từ, lúc chủ từ, rồi túc từ, động từ...) như câu 1 câu nói của người miền Nam: "Hôm qua, qua nói qua qua, mà qua hổng qua, hôm nay qua hổng nói qua mà qua lại qua, qua kỳ thiệt há!". Ngoài ra cùng 1 tiếng, nhưng khác dấu là khác nghĩa mới khổ chứ! Như dạy người ngoại quốc khi chào một người lớn tuổi để tỏ lòng kính trọng thì cúi đầu: "Chào Cụ", có người lại quên dấu nặng thành ra "Chào Cu", thiệt là đổ nợ! Cho nên các dấu trong tiếng Việt luôn là "niềm đau khôn nguôi" của người ngoại quốc khi học tiếng Việt. Đặc biệt là cùng một chữ nhưng chỉ dấu hỏi, ngã khác nhau là nghĩa đã khác nhau rồi.

ví dụ

 Dấu ngã                                          Dấu hỏi

ngã ( té)                                          ngả tư

dễ dàng                                           khi dể

suy nghĩ                                           nghỉ ngơi

Chục rưỡi (1/2 đơn vị)                 một trăm rưởi ( trên 100)

Thầy cho ví dụ:

- Tôi mải làm việc nên ít thư cho em, nhưng lòng tôi vẫn yêu em mãi mãi.

- Tôi đi qua ngõ nhà em cả trăm lần nhưng vẫn chưa dám ngỏ ý yêu em!

Tôi thầm nhủ: "Thầy ơi,chắc là lúc mới quen đó! Sau này thì "miễn nói"!

Thầy tuy dạy về ngôn ngữ nhưng coi bộ cũng rành tâm lý nên cho ví dụ về yêu đương là mọi người thích nghe và dễ vô đầu hơn. Bên cạnh đó tiếng Việt còn dựa vào sự hài thanh: Có một em bé học tiếng Việt hỏi cô giáo: "Tại sao nói thèm chảy nước miếng? miếng là gì? ( ai biết xin trả lời dùm, bảo đảm sẽ có nhiều người không biết!) Đơn giản thôi thay vì nói nước (trong) miệng thì nói trại ra là nước miếng.

Đa số tiếng Việt là đơn âm, nhưng cũng có đa âm:

- Chữ đệm : Đỏ loét, xanh lè, tím ngắt, xám xịt...chữ đệm làm tăng nghĩa chữ chính mạnh hơn, nên không thể bỏ thêm "rất" ( Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời (rất) tím ngắt..) dù là màu chân trời rất tím.

- Chữ rút gọn: trẻ (như) măng, rẻ (như) bèo--- bèo (giá bèo quá)

Tiếng Việt Nam vô cùng phong phú chỉ cần nêu một ví dụ (vì không có giờ viết hết). Nói về màu đen:  ngựa ô, mèo mun, chó mực, tóc huyền, hắc ín...rồi đen nhẻm, đen thui,  đen thùi lùi, đen bóng, đen tuyền, đen nhờ nhợ...( cũng tả màu đen nhưng lại tùy theo "đối tượng", và lại có hàm ý khen, chê, yêu, ghét trong đó). Bởi vậy người ngoại quốc học tiếng VN "chới với" là vậy! Thầy kết luận "Tiếng Việt càng đi sâu càng khó, càng khó, càng thú vị lại càng yêu hơn", rồi thầy bỏ nhỏ: "giống như yêu ai càng khó lại càng thu hút, càng hấp dẫn, càng say đắm, càng nhào vô..." thành thử :"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!" là vậy! Do đó khi vừa "chân ướt, chân ráo" tới Mỹ, việc đầu tiên là tôi đi tìm trường để dạy Việt Ngữ cho các em.

 

Tiếng Hán Việt mới và Việt Nam đang bị Bắc thuộc lần thứ V?

Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ nhất vào thời An Dương Vương cách đây khoảng 1800 năm. Nói tới An Dương Vương tôi lại nhớ tới câu chuyện vui của một lớp học ở VN, thầy dạy sử đang hỏi một học sinh : "Em cho biết ai đã lấy nỏ thần của ADV?" em HS ngớ ra không trả lời được, thầy giáo bực mình: "Em phải biết ai lấy nỏ thần của ADV chứ?" Hiệu trưởng đi ngang bèn vào can thiệp: "Thôi, em nó không biết ai lấy thì thôi, thầy cứ viết báo cáo lên phòng tài vụ, tôi sẽ chi trả cho vui vẻ cả làng"?! (Ôi nền văn hóa giáo dục VN ngày nay!)

Tổng cộng Việt Nam đã bị Bắc thuộc 4 lần và bây giờ đang bị Bắc thuộc lần thứ 5. Lần Bắc thuộc này rất tinh tế nên nhiều người không thấy, nhưng đa số đều thấy nếu có quan tâm tới tình hình đất nước như tại sao dân biếu tình chống Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa, Trường Sa lại bị đánh đập dã man và rất, rất nhiều người bị bỏ tù? Có một chính quyền quốc gia nào trên thế giới lại hành động như vậy không? Nhạc sĩ Việt Khang sáng tác nhạc bày tỏ lòng yêu nước chống giặc Tàu "ngang tàng trên quê hương ta" lại bị xử án, rồi bị giam cầm??

"Xin hỏi anh là ai?
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay!

Xin hỏi anh ở đâu?
Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm..."

Tuy là người Việt có tinh thần chống  ngoại xâm rất cao, nhưng vì là một nước quá nhỏ, ở cạnh một nước quá lớn, nên Tiếng Việt chịu ảnh hưởng tiếng Hán rất mạnh mẽ và sâu rộng, gần như tiếng Hán Việt hiện diện khắp nơi.  Ngôn ngữ luôn mang tính chất xã hội nên đời sống nó cũng thay đổi, theo thời gian cách dùng từ sẽ khác nhau. Ví dụ người làm việc cho chính quyền: Quan viên (thời xưa) - Công chức ( VNCH) -- Quan chức (XHCN). Thật là vô tình mà thành ra hữu lý hết sức khi nhắc đến câu ca dao:

"Con ơi, nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan"

Thật là quá đúng với tình trạng tham nhũng công khai của các quan chức XHCN bây giờ!

Bên cạnh đó một số chữ (giống như thời trang) được dùng lại sau một thời gian bị lãng quên: Bưu điện ( tiếng Hán xưa) - Bưu Cục ( thời Pháp thuộc) - Bưu điện ( nay dùng lại) hay một chữ khác : Tú tài ( VNCH) - Tốt nghiệp phổ thông ( sau 75) - Tú tài ( hiện nay báo chí trong nước dùng lại thi tú tài). Bên cạnh đó có một số chữ rất có ý nghĩa khi Cộng sản thay đổi chữ dùng:

- Nhà chức trách (VNCH) nghĩa là có chức năng và có trách nhiệm với dân.

- Cơ quan chức năng (XHCN) không hề có trách nhiệm với dân ( dân bị bắt vô đồn CA chết khá nhiều) hay là vụ một dân biếu Quốc hội phát biểu khi QH làm sai: "Chúng tôi đại diện cho nhân dân nên khi quốc hội làm sai thì nhân dân chịu trách nhiệm..."!?

- Công an Nhân dân, Tòa án nhân dân, Ủy ban nhân dân, Quân đội nhân dân...nghĩa là cái gì cũng "nhân dân" hết, trừ kho bạc nhà nước hay  đất đai nhà nước quản lý.

Đúng là CS dùng chữ rất tinh vi, nên Phạm Duy đã nói họ có cả "rỗ danh từ". Sau 75 nguời  Cộng sản muốn dùng từ khác với VNCH nên đã cho ra đời nhiều tiếng Hán Việt mới. Ta thử làm bảng so sánh một số chữ, để thấy chữ nào gần với tiếng Việt hơn, và chữ nào mang âm hưởng Tàu nhiều hơn để dùng cho đúng, vì qua cách dùng chữ cũng thể hiện tinh thần yêu "tiếng nước tôi".Tôi nghĩ đây cũng là 1 cách "thoát Trung" mà trong nước đang hô hào. Có 1 điều để tránh dùng chữ "trước 75" (sẽ bị nói là níu kéo quá khứ), ta sẽ dùng chữ “Tiếng Việt thuần túy” hay Tiếng Việt chuẩn.

  Tiếng Việt chuẩn                              Tiếng Hán Việt mới

- Giữ lại                                                   - Bảo lưu

- Trả lời                                                    - Đáp án

 - Mục tiêu                                               - Tiêu chí

- Đề nghị                                                   - Đề xuất

- Hành nghề                                              - Tác nghiệp

 - Suy nghĩ                                                 - Tư duy

- Lại gần                                                    - Tiếp cận

- Bán quảng cáo                                       - khuyến mãi

- Bất ngờ                                                     - Đột xuất

- Không làm được                                     - bất khả thi

 - Phẩm chất                                              - Chất lượng ( phẩm chất và số lượng?)

 - Ghi tên                                                     - Đăng ký

Có lẽ chúng ta cùng đồng ý với nhau là tiếng Việt chuẩn gần với tiếng Việt và ít âm hưởng Trung quốc hơn, đăc biệt là với 2 chữ cuối, vì nó không đúng nghĩa và mang nặng âm hưởng Tàu. Tôi thắc mắc với từ "phản hồi" ( mang âm hưởng TQ nhiều quá, có lẽ lấy từ trong nước ra) mà các báo và các trang Web Việt Ngữ đang dùng, có 1 chị đề nghị thay bằng từ "góp ý" ( có lẽ là nói gọn của "góp thêm ý kiến"), thầy chịu quá, khen tấm tắc tiếng "góp ý" vừa đầy đủ ý nghĩa vừa mang tính VN nhẹ nhàng dễ thương hết sức. Vậy thì xin quý vị chủ bút lưu ý điểm này giùm  để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở Hải ngoại. Bên cạnh đó có một số chữ mà chính thầy cũng công nhận là : "quá đúng, rất hay và chính xác" như:

 -  Kinh nghiệm và trải  qua ---------------------- trải  nghiệm

-  Hành động và thái độ-----------------------Động thái.

Tôi bèn đề nghị nếu nó "quá đúng, rất hay và chính xác" thì mình nên chấp nhận? Thầy lắc đầu! Bên cạnh đó tôi cũng thấy một số chữ cũng khá chính xác như:

-  Nơi xảy ra sự việc  -----------------------   Hiện trường

- Thăm viếng và ngắm cảnh-------------------Tham quan  

Theo tôi nghĩ mình ghét chủ nghĩa Cộng sản, chứ đâu ghét tiếng Việt, khi nó hay và đúng thì mình phải chấp nhận dùng nó thôi. Thầy bèn cười bảo "Cô này từ nảy tới giờ lo binh phe bên kia không nghen, cho tôi xin số phone, không thôi lát sau giờ học cho tôi gặp riêng để nói chuyện mới được" làm tôi nghe mà giật mình, vì ở VN khi đi dạy hay đi học mà bị đòi "gặp riêng" là có vấn đề rồi. Nhưng đây là xứ Mỹ, nên mỗi người đều có quyền có ý kiến riêng, đâu phải là dưới chế độ độc tài Cộng sản mà chỉ có ý đảng là trên hết dù đảng dắt "cả nước xuống hố" (CNXH), ai nói khác là sẽ bị vô tù...chính vì thế mà tôi yêu quê hương tự do thứ hai của tôi.Và thầy cương quyết giữ vững lập trường: "không thích dùng chữ của người mình không ưa". Thậm chí tôi biết có người còn ghét dùng cả những "câu thơ hay" của các tác giả trong nước. Đúng là một kiểu "ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng". Riêng tôi hằng ngày có câu tâm niệm:

"Một chẳng chấp, hai chẳng chấp, chất chứa trong lòng chi cho khổ

Trăm  điều bỏ, ngàn điều bỏ, thong dong tấc dạ thế mà vui!"

Trở lại với việc dùng tiếng Việt, thầy cho biết đôi khi mình chấp nhận dùng sai để được xã hội chấp nhận mình. Ví dụ: Chúng cư ( đúng)---- Chung cư (sai); Hiệp chúng quốc (đúng)-----Hiệp chủng quốc ( sai), nhưng bây giờ cả xã hội ai cũng dùng chữ "chung cư" và "hiệp chủng quốc" nên mình cũng phải dùng theo để được chấp nhận.

Bên cạnh đó có nhiều từ bây giờ tôi mới nghe nói như "nhớ nhung" (nhớ ít) mà "nhung nhớ"(nhớ nhiều) không biết thầy nói đùa hay nói thiệt đây? rồi câu "con kiến kiện củ khoai" (Kiện là khiêng, kiện hàng), nhưng người ta cứ hiểu sai là "thưa kiện". Có câu thầy cho người Việt dùng sai một cách “rất đúng” như câu:

"Châu tầm châu, mã tầm mã" (đúng) Châu là thuyền, tàu, người đi thuyền kiếm bạn bè đi chung cho vui, như 1 câu thơ nổi tiếng ở Quảng Nam:

"Chỗ nào vui bằng chỗ mô,

 chỗ nào vui như chỗ Phố, chỗ Hàn.

Dưới sông tàu chạy, trên đàng ngựa đua".  

Người Việt đọc chữ "châu" lại tưởng lầm là con trâu, bèn dịch ra "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" (ý xấu) nên sai một cách "rất đúng" vì trâu, ngựa là hai loài thú gần nhau. Người Việt có biệt tài dùng tiếng của nước khác, nhưng lại biến hóa nó thành của riêng mình mà có khi lại còn hay hơn! "Ấy mới hay, ấy mới tài". Như  "Truyện Kiều" ( Đoạn Trường Tân Thanh) của Nguyễn Du lấy ý từ tác phẩm  "Kim Vân kiều" của Trung Quốc, nhưng tác giả đã tái tạo và biến hóa nó thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, tả tình tả cảnh đều điêu luyện để mô tả xã hội phong kiến Việt Nam  ngày xưa.  Ngày nay Truyện Kiều được khen ngợi và dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới và được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, trong khi "Kim Vân kiều" chỉ là một truyện loại xoàng không được ai để ý tới.

Trên đây tôi vừa mời các bạn vào thăm một góc nhỏ của "Biển học mênh mông tiếng Việt". Hy vọng các bạn sau khi đọc xong thêm lòng yêu mến tiếng Việt và cùng nhau góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, như lời chị bạn thường nhắc nhở tôi: "Ở hải ngoại , người Việt bây giờ chỉ còn có một cách để biểu hiện lòng yêu nước cụ thể hằng ngày: đó là cố gắng gìn giữ sự trong sáng của Tiếng Việt, đừng để nó bị tha hóa bởi tiếng nước ngoài, nhất là của Trung Quốc". Chẳng lẽ chúng ta lại đành lòng như nhà thơ Nguyễn Du đã từng nói:

" Chữ trinh còn một chút này,

 Chẳng cầm cho vững, lại giầy cho tan !"?

 

Phượng