GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỒNG BÀO THƯỢNG Ở KONTUM VÙNG TÂY NGUYÊN VIỆT NAM

 

 

Đồng Bào Thượng ở Kontum Năm 2001 - 15 Năm trước
Trần Trung Lương ̣(Toronto): Cha Nguyễn Văn Đông gốc Kontum coi sóc họ đạo Sa Thầy ở Kontum. Cha Đông là người sống mộc mạc, đơn sơ và nghèo khó. Ngài được mời về Nhà Thờ Chính Tòa Saigon, để giảng mở đầu cho mùa Chay năm 2001. Bài giảng đơn sơ như thế này: 

 

... Kính thưa ông bà anh chị em, 

Thật là xúc động khi tôi được mời giảng bài Tin Mừng đầu mùa Chay tại nhà thờ chính tòa. Tôi thú thực với anh chị em là đứng trước cảnh tráng lệ đẹp đẽ và sang trọng trong nhà thờ này, lòng tôi bị giao động qúa. Tôi so sánh cảnh này với cảnh nghèo nàn trong xứ Sa Thầy ở cao nguyên nơi tôi phụ trách, tôi thấy đây cách biệt một trời một vực. Tôi thấy bị lúng túng. 

Quý anh chị em chắc có biết, nói về tỉnh Kontum, tôi xin tự hào khoe rằng, xứ tôi phụ trách cái gì cũng nhất, lớn nhất, có người dân tộc đông nhất, đồng bào khắp nước đổ về đây nhiều nhất, có nhiều rừng núi nhất, và...nghèo nhất. 

Tôi làm linh mục đã hơn ba chục năm. Năm nay tôi vừa tròn 61 tuổi. Tôi trẻ nhất so với mấy linh mục ở chung. Dù có tuổi nhưng được cái tôi chưa phải vào nhà thương hay uống thuốc nên còn có thể gồng mình cáng đáng nhiều việc. Xứ Sa Thầy nơi tôi phụ trách có 4 cha, cha chính xứ đã 77 tuổi, bịnh tiểu đường đã yếu lắm, còn 2 cha kia thì một ông nằm liệt giường vì bệnh cột sống, một ông ung thư giai đoạn cuối, nên chỉ còn mình tôi chạy ra chạy vô. Công việc nhiều lắm, ờ nhiều mà vui. 

Tỉnh Kontum, từ thị xã quét một vòng bán kính xung quanh ra toàn tỉnh là 70 cây số, do vậy xứ tôi rộng tha hồ mà đi, đi mệt thôi. Đi mà rất vui, vui vì giúp đỡ được nhiều người. Anh chị em cũng biết là tỉnh Kontum có số lượng người phong cùi nhiều nhất nước. Tại nhà xứ, tôi là người trẻ nhất, có sức khoẻ nhất nên tôi được giao việc phụ trách người cùi, vì vậy mà tôi hay đi thăm họ lắm. 

Tôi xin kể anh chị em nghe. Kontum có đến 70% là người dân tộc, sống rải rắc khắp nơi. Nguyên đi từ giáo xứ này sang giáo xứ khác đã thấy mệt rồi, huống chi bây giờ đi thăm người bịnh, toàn tỉnh chỉ có tôi. Đồng bào Thượng sống ở đây nghèo lắm, có thể nói họ nghèo nhất nước. Họ gọi tôi là Bab. Tôi nhớ có lần vào thăm một buôn làng, già làng nói : Ơ Bab ơi, Bab nói Bab nghèo ha, Bab mới thấy nghèo thôi, chứ chúng tôi nghèo qúa rồi, nghèo riết rồi nên không thấy mình nghèo nữa, khổ quen rồi cho khổ luôn... 

Có lần tôi đi bộ 12 cây số vào thăm một buôn người dân tộc. Ở đây họ có phong tục là hễ ai mắc bệnh phong cùi thì làng sẽ cất riêng một mái nhà trong rừng cho người đó ở, người bệnh này không được ở chung trong làng. Mà vì họ nghèo qúa, ngay cái nhà họ ở cũng không ra cái nhà thì mái nhà họ cất trong rừng cho người cùi ở đâu có thể gọi là nhà, phải gọi là cái lều hay cái ổ mới đúng, chỉ một mùa mưa là nát. 

Lần kia tôi tới thăm những mái lều này, tôi phải cúi rạp người xuống mới vào nhà họ được. Thấy tôi đến thăm, họ mừng qúa anh em à. Họ cứ nhìn tôi rồi họ cười. Họ nói Bab đến thăm thì họ sung sướng lắm, qúy lắm. Họ cười mà tôi khóc, anh chị em ơi. Họ đã nghèo lại cùi. Tôi biếu họ món gì thì họ ôm vào ngực như sợ bỏ ra là mất. 

Lần khác tôi vừa vào lều thì có ông già nói : Bab ơi, Bab có nylon không, nếu Bab có thì Bab cho con một miếng đi, một miếng thôi, để con che cái chỗ con nằm. Bab ơi, đêm qua mưa lớn qúa, cả nhà con chỗ nào cũng ướt, cũng lạnh, con không ngủ được, Bab ơi. 

Anh chị em đã thấy người Thượng cùi khổ đến mức nào chưa ?. Họ vừa nghèo, vừa bệnh, lại không được học hành gì cả. Anh chị em có biết người Thượng cùi khổ đến mức nào chưa ?. Họ vừa nghèo, vừa bệnh, lại không được học hành gì cả. Họ chỉ biết đếm đến số 100 là hết. Các anh chị em có thể tưởng tượng nổi không, họ cầm tờ giấy 20 ngàn, mua chai nước mắm 7 ngàn, họ không biết nhận lại là bao nhiêu, người bán hàng đưa lại bao nhiêu họ cầm bấy nhiêu, vậy đó. Đã nghèo lại không được học, sống chỉ bám vào đất mà sống, nên giàu sao được. Cứ mỗi lần từ thị xã lên thăm họ, tôi cố tìm chỗ nào có thức ăn rẻ nhất mà mua cho họ. Ví dụ ở đây một kí ruốc là 20 ngàn, nhưng ở Phan Thiết chỉ bảy ngàn thôi. Tôi là người Bình Định, dân miền Trung cũng nghèo đói quá mà tha phương đến tận Kontum, nên tôi rành lắm. Ở Kontum đồmg bào mình nghèo quá, khắp bốn phương về sinh sống, Bắc có, Trung có, Nam có. Họ đều nghèo như nhau, nhưng lại tốt bụng, nên tôi xin họ giúp gì, dù nghèo họ cũng giúp tôi ngay. Tôi cứ lang thang khắp tỉnh, có cá vụn, cơm khô, muối hạt, tôi cứ xin. Chỗ nào người ta bán rẻ nhất là tôi tìm đến, vừa mua vừa xin cho họ. Có lần một số bạn bè cho tôi một ít tiền và nói với tôi : “ Nhờ Cha mua ít đồ tặng cho họ đi cha”. Tôi liền đi mua nhiều thứ rẻ, gói thành từng gói nhỏ. Như cá khô thì tôi gói theo kí. Tôi đem cho họ, họ mừng lắm. Lần đó đến một xã, khi tôi đã phát hết quà, còn lại trong giỏ mấy kí cá khô, lại gói trong giấy bóng màu vui mắt, trẻ con cứ theo tôi mà nhìn, ánh mắt của chúng tỏ ra thèm lắm, nhưng chúng không dám nói. Tôi hỏi : các con có thích không ? Chúng gật đầu. Tôi xuống xe ngay và phát hết mấy kí cá khô còn lại, đây con một kí, con một kí. Chúng nhìn tôi chăm chăm, hai tay ôm gói cá khô miệng cứ hỏi tôi hoài : Bab ơi Bab cho con thiệt hả Bab ? Tôi nói : Ừ, Bab cho con thiệt mà. Chúng lại hỏi : Bab cho con thiệt hả Bab, Bab cho con thiệt hả Bab ? 

Thưa anh chị em, có đến những vùng này mới thấy hết cái khổ cùng cực của người dân ở đây. Tôi cứ tự hỏi là nếu tôi đem mấy kí cá khô này tặng bà con ở Saigon, chắc các anh chị sẽ nói ông cha này khùng. Thế đấy thưa anh chị em.Tôi muốn nói rằng, chúng ta nhớ giúp người nghèo người bịnh, trong khả năng của chúng ta, không cần nhiều, mỗi người một ít thôi. 

Thưa anh chị em, một ít thôi, một tấm nylon nhỏ, một kí cá khô, giúp cho họ bớt khổ, họ mừng lắm, thưa anh chị em. Tôi mong rằng tất cả quý ông bà và anh chị em sẽ sống đẹp hơn lên trong Mùa Chay này, để xứng đáng với đức hy sinh quên mình của Chúa Giêsu. Amen.
 


Đ
ng Bào Thượng ở Kontum 2016 - 15 Năm Sau:

Chúng em đang được Hội dòng cử lên  Giáo phận Kon Tum (Miền Tây Nguyên) để cộng tác vào việc truyền giáo của Giáo phận nói chung và thực hiện sứ vụ truyền giáo của Hội dòng nói riêng;
Hiện nay, chúng em đã được Đức Giám Mục Giáo phận Kon Tum gởi đến một địa điểm của Giáo phận được mệnh danh là "VÙNG TRẮNG" có nghĩa là không "TÔN GIÁO" thuộc huyện Đắc pơ, Tỉnh Gia Lai.

Bước đầu của chúng em chỉ là hiện diện, chia sẻ cuộc sống với đồng bào dân tộc thiểu số sắc tộc Bahnar sống rải rác ở khu vực này. 
Qua thời gian tuy vắn vỏi, nhưng chúng em thấy ngày nay anh em dân tộc thiểu số đã mất đi  nhiều (nếu không nói là bị bóc lột tận cùng: nhân phẩm; tài sản; kế sinh nhai; quyền lợi.....): Rừng không còn nên môi trường sống cũng bị huỷ hoại, đất đai bị chiếm đoạt nên kế sinh nhai cũng không còn; người già không được chăm sóc; trẻ em thiếu điều kiện sống......Quanh năm chỉ sống với "mì và mía" là những sản phẩm vốn dĩ  tầm thường và có rất ít giá trị.

Những điều kiện sống tốt, có công việc làm, người già được quan tâm, trẻ em được sống trong môi trường vệ sinh và nhất là có điều kiện học hành..... là điều bà con dân tộc cần hơn cả; 
Đầu tư cho môi trường; kế sinh nhai; học vấn; vệ sinh.....chính là những kế hoạch thiết thực và một sự đầu tư hiệu quả nhất cho cuộc sống của anh em đồng bào thiểu số tại Tây Nguyên nói chung và vùng chúng em đang hiện diện nói riêng. Nhưng lại cần một kế hoạch lâu dài và cần nhiều sự đóng góp.

Đó là chưa nói đến những "khó khăn" trong việc "chia sẻ Niềm vui Tin Mừng" cho anh chị em đồng bào thiểu số!!!

Một vài chia sẻ xin gởi đến anh để cùng có những suy tư về "Sứ vụ Truyền Giáo" của Dòng.
Xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và Anh Cả dấu yêu của chúng ta, chúc lành cho thiện chí của quí anh chị.
Thân ái trong Đức Kitô.

Em của anh;
Tu sĩ Lm. Albert Maria Nguyễn Minh Chiến C.M.C