GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 


Đức Thánh Cha Phanxicô:
Hiệp Nhất Kitô Giáo là Ơn Ban của Tình Thương Thiên Chúa




Dẫn Nhập của người dịch:

Tuần Lễ cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo hằng năm vẫn được diễn ra ở Roma, từ ngày 18/1 đến 25/1, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại, và được kết thúc ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành bằng một Giờ Kinh Phụng Vụ Tối chính ngày, được chính Đức Giáo Hoàng chủ sự. 

Truyền Thống này được bắt đầu từ năm 1908 khi Mục Sư Anh Giáo Paul Wattson phát động tuần lễ này như thời điểm cầu nguyện cho mối hiệp nhất Kitô giáo. Thế nhưng, năm nay mới là lần thứ 49 của Tuần Lễ Nguyện Cầu Cho Kitô Giáo Hiệp Nhất này.

Vì năm 2016 đang ở trong Năm Thánh Tình Thương, nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với đại diện của Giáo Hội Chính Thống và Anh Giáo bước qua Cửa Thánh ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, vì Cửa Thánh ở Đền Thờ này đã được vị hồng y James Harvey đặc trách đền thờ này thay ĐTC mở cùng ngày khi ĐTC mở Cửa Thánh Đền Thờ Gioan Latêranô Chúa Nhật III Mùa Vọng ngày 13/12/2015. Sau đó cả 3 vị quí cầu nguyện trước mộ Thánh Phaolô. 

Sau đây là Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô cho biến cố bế Mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Kitô Giáo Hiệp Nhất trong Năm Thánh Tình Thương này (chúng ta nên lưu ý là dường như bài nói nào của Đức Thánh Cha Phanxicô tyrong Năm Thánh Tình Thương, cho cả đời lẫn đạo, ngài đều tài tình khéo léo móc nối với LTXC một cách tự nhiên tràn đầy ý nghĩa rất hay, như Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông 2016 hay Bài Giảng Bế Mạc Tuần Lễ này):




"Không thể nào có được một cuộc tìm kiếm thực sự cho mối hiệp nhất Kitô giáo mà lại thiếu lòng tin tưởng hoàn toàn vào tình thương của Chúa Cha".


"Tôi là kẻ hèn mọn nhất trong các Tông Đồ... vì tôi đã bách hại Giáo Hội Chúa. Thế nhưng, nhờ ơn Chúa, tôi đang là những gì tôi là, và ơn của Ngài trong tôi không phải là không có tác dụng". Đó là cách thức Vị Tông Đồ Phaolô đã tóm gọn ý nghĩa về cuộc trở lại của ngài. Cuộc trở lại xẩy ra sau cuộc gặp gỡ sâu sắc bất ngờ với Chúa Kitô Phục Sinh trên đường từ Giêrusalem đến Damasco này chính yếu không phải là một cuộc hoán cải về luân lý mà là một cảm nghiệm biến đổi về ân sủng của Chúa Kitô, đồng thời cũng là một ơn gọi thực hiện sứ mệnh mới trong việc loan báo cho hết mọi người về Chúa Giêsu là Đấng trước đó ngài đã bách hại bằng cuộc bắt bớ những người môn đệ của Chúa Kitô. Thật vậy, vào lúc ấy, chàng Phaolô đã hiểu rằng đang có một mối hiệp nhất thực sự và siêu việt giữa Đức Kitô hằng sống và thành phần môn đệ của Người, ở chỗ Đức Kitô sống động và hiện diện nơi họ và họ sống trong Người. Ơn gọi trở thành một Tông Đồ không xuất phát từ công lao loài người của chàng Phaolô, một con người mà ngài coi là 'hèn mọn nhất' và 'bất xứng', mà là từ lòng nhân lành vô cùng của Thiên Chúa, Đng đã chọn ngài và ủy thác cho ngài công việc thừa tác phải làm.

Thánh Phaolô cũng chứng tỏ nhận thức tương tự này về những gì đã xẩy ra trên đường đi Damasco trong bức thư thứ nhất ngài gửi cho Timothêu: "Cha tạ ơn Đức Giêsu Kitô là Chúa của chúng ta, Đấng đã ban cho cha sức mạnh, vì Người đã coi cha là người đáng tin cậy, khi chỉ định cha phục vụ Người. Cho dù cha đã từng là một kẻ lộng ngôn cũng là một tên bách hại và một con người bạo động, cha vẫn được thương xót vì cha đã tác hành một cách vô thức và chẳng biết tin tưởng gì. Ân sủng của Chúa chúng ta đã tuôn đổ dồi dào trên cha, cùng với đức tin và đức mến vào Đức Giêsu Kitô". Tình thương tràn ngập của Thiên Chúa là lý do duy nhất cho thừa tác vụ của chàng Phaolô và đồng thời nó là những gì Vị Tông Đồ này cần phải loan báo cho hết mọi người

Cảm nghiệm của Thánh Phaolô tương tự như cảm nghiệm của cộng đồng được Tông Đồ Phêrô viết cho bức Thư Thứ Nhất của ngài. Thánh Phêrô viết cho các phần tử của các cộng đồng nhỏ bé và mềm yếu này, đang bị đe dọa bách hại, và ngài gán cho họ những danh hiệu sáng ngời đươc giành cho dân thánh Chúa: một dân được tuyển chọn, một hàng tư tế vương giả, một dân nước thánh hảo, một sở hữu đặc biệt của Thiên Chúa. Đối với những Kitô hữu tiên khởi ấy, cũng như ngày nay đối với tất cả chúng ta là thành phần Kitô hữu đã lãnh nhận phép rửa, thì đó là nguồn an ủi và liên lỉ ngỡ ngàng khi biết rằng chúng ta đã được tuyển chọn để thuộc về dự án cứu độ của Thiên Chúa, một dự án có tác hiệu nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ Giáo Hội. "Tại sao vậy Chúa? Tại sao lại là con chứ? tại sao là là chúng con đây?Đến đây chúng ta chạm đến mầu nhiệm tình thương và việc chọn lựa của Thiên Chúa. Chúa Cha yêu thương tất cả chúng ta và muốn cứu độ tất cả chúng ta, vì thế Ngài kêu gọi một số người chiếm lấy nó nhờ ân sủng của Ngài, để qua họ tình yêu của Ngài có thể vươn tới tất cả mọi người. Sứ vụ của toàn thể dân Chúa đó là loan báo các công cuộc lạ lùng của Chúa, mà trước hết và trên hết là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, một mầu nhiệm nhờ đó chúng ta vượt qua từ bóng tối tội lỗi và sự chết đến ánh quang rạng ngời của sự sống mới và hằng hữu của Người.

Theo chiều hướng Lời Chúa chúng ta đã từng nghe và là những gì đã hướng dẫn chúng ta trong Tuần Cầu Nguyện cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo này, chúng ta có thể thực sự khẳng định rằng tất cả chúng ta, thành phần tin vào Chúa Kitô, đã được kêu gọi để loan báo các công việc quyền năng của Thiên Chúa. Ngoài những khác biệt vẫn còn chia cách chúng ta, chúng ta hân hoan nhìn nhận rằng nơi nguồn gốc của đời sống Kitô hữu chúng ta bao giờ cũng là ơn gọi từ chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể đạt được tiến bộ trên con đường tiến đến chỗ hiệp thông hữu hình giữa Kitô hữu chúng ta, chẳng những khi chúng ta đến gần nhau hơn, mà nhất là khi chúng ta hoán cải bản thân mình về với Chúa, Đấng bằng ân sủng của Người, đã chọn và gọi chúng ta làm môn đệ của Người. Việc hoán cải bản thân mình có nghĩa là để cho Chúa sống và làm việc trong chúng ta. Vì thế, khi các Kitô hữu thuộc những Giáo Hội khác nhau cùng lắng nghe Lời Chúa và tìm cách mang ra thực hành, thì họ thực hiện những bước đi quan trọng hướng về mối hiệp nhất. Vấn đề ở đây không phải chỉ là tiếng gọi liên hợp chúng ta lại với nhau mà còn ở chỗ chúng ta chia sẻ cùng một sứ vụ loan truyền tất cả những công cuộc kỳ diệu của Thiên Chúa nữa. Như Thánh Phaolô, và như thành phần dân được Thánh Phêrô viết thư cho, cả chúng ta cũng không thể nào không loan báo tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa là những gì đã chiếm đoạt chúng ta và biến đổi chúng ta. Trong khi chúng ta đang tiến tới mối hiệp thông trọn vẹn giữa các Kitô hữu, chúng ta có thể khai triển nhiều hình thức hợp tác để trợ giúp cho việc truyền bá Phúc Âm. Bằng việc cùng nhau bước đi và làm việc, chúng ta nhận thức rằng chúng ta đã vì danh Chúa mà liên kết với nhau rồi.

Trong Năm Thánh Tình Thương Ngoại Lệ này, chúng ta luôn phải nhớ rằng không thể nào có được một cuộc tìm kiếm thực sự cho mối hiệp nhất Kitô giáo mà lại thiếu lòng tin tưởng hoàn toàn vào tình thương của Chúa Cha. Trước hết chúng ta hãy xin ơn tha thứ về tội lỗi chia rẽ của chúng ta, thứ tội lỗi là vết thương toạc ra nơi thân mình của Chúa Kitô. Với tư cách là Giám Mục Rôma và là vị mục tử của Giáo Hội Công giáo, tôi xin thương xót và tha thứ về hành vi cử chỉ tỏ ra không trung thực với các giá trị Phúc Âm của người Công giáo đối với các Kitô hữu thuộc những Giáo Hội khácĐồng thời tôi mời gọi tất cả mọi anh chị em Công giáo hãy thứ tha, nếu họ, ngày nay hay trong quá khứ, đã bị những Kitô hữu khác phạm đến. Chúng ta không thể xóa bỏ được những gì đã xẩy ra, nhưng chúng ta không muốn để gánh nặng của các lầm lỗi quá khứ tiếp tục lây lan đến các mối liên hệ của chúng ta. Tình thương của Thiên Chúa sẽ canh tân đổi mới những mối liên hệ của chúng ta.

Trong bầu không khí trang nghiêm nguyện cầu này, tôi gửi lời chào huynh đệ đến... (các vị đại diện thuộc các Giáo Hội hay giáo phái Kitô giáo khác).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy liên kết chúng ta với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu Kitô đã dâng lên Cha của Người: "Xin cho họ được hiệp nhất nên một, để nhờ đó thế gian tin". Hiệp nhất là tặng ân của tình thương từ Thiên Chúa là Cha. Trước mộ của Thánh Phaolô, vị tông đồ và tử đạo, được lưu giữ ở Đền Thờ nguy nga này, chúng ta cảm thấy rằng lời kêu cầu thấp hèn của chúng ta được hỗ trợ bởi việc chuyển cầu của muôn vàn vị tử đạo Kitô giáo, trong quá khứ cũng như hiện tại. Các vị đã quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa, các vị đã cống hiến chứng từ trung thực bằng sự sống của mình cho các công cuộc lạ lùng được Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta, và các vị đang hoan hưởng mối hiệp thông trọn vẹn trước nhan Thiên Chúa là Cha. Được hỗ trợ bởi gương của các vị và được an ủi bởi những lời chuyển cầu của các vị, chúng ta hãy dâng lời nguyện cầu khiêm hạ của chúng ta lên Thiên Chúa. 

http://www.news.va/en/news/pope-francis-homily-for-christian-unity-vespers

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh



Mời xem đoạn video clip 3 phút 16 giây riêng biến cố ĐTC Phanxicô bước qua Cửa Thánh: 

http://www.romereports.com/2016/01/25/pope-crosses-the-holy-door-in-saint-paul-outside-the-walls-with-an-orthodox-and-anglican

Và trọn video clip dài 1 tiếng 20 phút 18 giây về chính Giờ Kinh Phụng Vụ bế mạc biến cố này bao gồm chính yếu là bài giảng của ĐTC:

http://www.romereports.com/2016/01/25/live-pope-francis-leads-the-vespers-of-the-solemnity-of-the-conversion-of-saint-paul


ĐTC Phanxicô sẽ thăm viếng Thụy Điển vào ngày 31/10/2016 là thời điểm bắt đầu kỷ niệm 500 năm (1517 - 2017) biến cố Thệ Phản Cải Cách (Protestant Reformation), và biến cố này sẽ được diễn ra ở Lund là nơi hình thành LWF (Liên Hiệp Thế Giới Lutheran) vào năm 1947. Ngài sẽ đồng chủ sự với Giám Mục Munib Youman và Rev. Martin Junge là 2 vị đương kim chủ tịch và tổng bí thư của LWF.