GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Giảng Lễ Đêm Giáng Sinh 24/12/2016 ở Đền Thờ Thánh Phêrô

 

 

 

 

"Mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm sáng láng và hân hoan, đang thách thức và thổn thức chúng ta, vì nó đồng thời cũng là một mầu nhiệm của niềm hy vọng và của những gì là sầu thảm. Nó có hương vị của những gì là sầu thảm, vì tình yêu không được chấp nhận và sự sống bị loại trừ"

 

 

 

 

"Chúa Giêsu được hạ sinh bị một số ruồng bỏ và bị nhiều người khác tỏ vẻ dửng dưng lạnh lùng. Cả hôm nay đây nữa, cái dửng dưng lạnh lùng ấy vẫn có thể xẩy ra, bất cứ ở nơi nào Giáng Sinh trở thành một ngày lễ lấy bản thân chúng ta làm chính hơn là Chúa Giêsu; khi mà các thứ ánh đèn ở những cửa tiệm đẩy ánh sáng của Thiên Chúa vào bóng tối; khi mà chúng ta hứng thú về các thứ quà tặng nhưng lại dửng dưng lạnh lùng với những anh chị em than nhân thiếu thốn của chúng ta. Cái tính chất trần tục này đã bắt cóc Giáng Sinh; chúng ta cần giải phóng Giáng Sinh".

 

 

"Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện mang ơn cứu độ đến cho tất cả chúng ta" (Tit 2:11). Những lời của Tông Đồ Phaolô cho thấy mầu nhiệm của đêm thánh này; ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện, tặng ân nhưng không của Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình nơi Con Trẻ được ban cho chúng ta.

Đó là một đêm vinh quang, thứ vinh quang được các thần trời loan báo ở Bêlem cũng như được chính bản thân chúng ta nữa trên khắp thế giới. Đó là một đêm hân hoan, vì từ đó và cho đến muôn đời, vị Thiên Chúa vô cùng và hằng hữu là Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài không phải là Đấng xa cách. Chúng ta không cần tìm kiếm Ngài ở trên trời hay ở nơi những quan niệm thần bí. Ngài ở gần gũi kề cận. Ngài đã hóa thân làm người và Ngài sẽ không bao giờ thoát ly khỏi nhân tính của chúng ta là những gì Ngài đã biến thành của riêng Ngài. Đó là một đêm ánh sáng. Thứ ánh sáng được tiên tri Isaia báo trước (xem 9:1), thứ ánh sáng cần phải chiếu tỏa trên những ai bước đi trong miền đất tối tăm, đã xuất hiện và đã bao phủ các mục đồng ở Bêlem (xem Luca 2:9).

Các mục đồng này chỉ nhận thấy "một con trẻ đã được sinh ra cho chúng ta" (Isaia 9:5). Họ nhận ra rằng tất cả vinh quang ấy, tất cả niềm vui này, tất cả ánh sáng đó, đều qui về cùng một tụ điểm duy nhất, đó là dấu hiệu được vị thiên thần báo cho họ: "Các người sẽ thấy một con trẻ được quấn trong khăn và nằm trong máng cỏ" (Luca 2:12). Đó là dấu hiệu mãi mãi cho tất cả những ai muốn tìm gặp Chúa Giêsu. Không phải chỉ bấy giờ mà cả đến ngày nay. Nếu chúng ta muốn cử hành Giáng Sinh một cách chân thực, chúng ta cần chiêm ngưỡng dấu hiệu ấy, đó là những gì đơn sơ mềm yếu nơi một con trẻ tí hon mới sinh, những gì là thường hèn nơi máng cỏ Người được đặt nằm, những gì là âu yếm dịu dàng đã bọc lấy Người trong những tấm khăn vải. Đó là nơi Thiên Chúa ở.  

Qua dấu hiệu ấy, Phúc Âm đã cho thấy những gì là ngược đời. Người ta nói về một vị hoàng đế, một vị tổng trấn, thành phần cao cả và quyền thế trong thời điểm ấy, thế mà Thiên Chúa lại không muốn hiện diện ở đó. Ngài xuất hiện không phải ở những gì là rạng ngời nơi cung điện mà là nơi bần cùng của một cái chuồng thú vật; không phải ở những xa hoa và trình diễn mà là những gì tầm thường giản dị trong đời sống; không phải bằng quyền năng mà là bằng những gì bé mọn lạ lùng. Để gặp Ngài, chúng ta cần đến nơi Ngài ở. Chúng ta cần cúi xuống, cần hạ mình, cần trở thành bé nhỏ. Con Trẻ mới sinh này thách thức chúng ta. Ngài gọi chúng ta hãy loại bỏ những gì là ảo tưởng phù vân mà hãy quay về với cái thiết yếu, hãy bỏ đi những thèm khát vô độ, hãy loại đi cái mong muốn khôn cùng của chúng ta về những thứ chúng ta chẳng bao giờ có được. Chúng ta cố gắng tẩy chay những thứ đó đi để khám phá thấy nơi cái thường hèn của Con Trẻ thần linh này sự bình an, niềm vui và ý nghĩa rạng ngời của đời sống.

Chúng ta hãy để cho Con Trẻ nằm trong máng cỏ thách thức chúng ta, thế nhưng chúng ta cũng được thách đố bởi tất cả những trẻ em trên thế giới ngày nay đang nằm không phải ở trong một cái nôi, được cha mẹ của các em âu yếm chăm sóc, mà là ở "những máng cỏ mất phẩm giá" dơ bẩn. Những trẻ em ẩn nấp ở dưới các hầm trú để tránh bom đạn, trên các vỉa hè ở những thành phố lớn, ở trong cái khoang tầu thuyền chuyên chở quá tải những người di dân... Chúng ta hãy để cho mình được thách thức bởi những trẻ em không được sinh vào đời, bởi những em khóc lóc vì không ai làm vơi đi cái đói của các em, bởi những em nắm trong tay mình các thứ khí giới chứ không phải là các món đồ chơi.

Mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm sáng láng và hân hoan, đang thách thức và thổn thức chúng ta, vì nó đồng thời cũng là một mầu nhiệm của niềm hy vọng và của những gì là sầu thảm. Nó có hương vị của những gì là sầu thảm, vì tình yêu không được chấp nhận và sự sống bị loại trừ. Đó là trường hợp xẩy ra cho Thánh Giuse và Mẹ Maria, những vị đã đụng phải những cánh cửa đóng kín và đã đặt Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ, "vì các vị không có nơi trọ" (câu 7). Chúa Giêsu được hạ sinh bị một số ruồng bỏ và bị nhiều người khác tỏ vẻ dửng dưng lạnh lùng. Cả hôm nay đây nữa, cái dửng dưng lạnh lùng ấy vẫn có thể xẩy ra, bất cứ ở nơi nào Giáng Sinh trở thành một ngày lễ lấy bản thân chúng ta làm chính hơn là Chúa Giêsu; khi mà các thứ ánh đèn ở những cửa tiệm đẩy ánh sáng của Thiên Chúa vào bóng tối; khi mà chúng ta hứng thú về các thứ quà tặng nhưng lại dửng dưng lạnh lùng với những anh chị em than nhân thiếu thốn của chúng ta. Cái tính chất trần tục này đã bắt cóc Giáng Sinh; chúng ta cần giải phóng Giáng Sinh.

Thế nhưng, trên hết, Giáng Sinh có một hương vị hy vọng, ánh sáng cùa Thiên Chúa chiếu tỏa vào tất cả những gì là tối tăm trong cuộc đời của chúng ta. Ánh sáng êm dịu của Ngài không làm cho chúng ta rùng mình kinh sợ. Thiên Chúa, Đấng phải lòng chúng ta, kéo chúng ta lại với chính Ngài bằng nỗi dịu dàng của Ngài, bằng cách hạ sinh nghèo nàn và mềm yếu giữa chúng ta, như là một người trong chúng ta. Ngài đã được hạ sinh ra ở Bêlem, nghĩa là "ngôi nhà bánh". Như thế dường như Ngài muốn nói với chúng ta rằng Ngài được sinh hạ như tấm bánh cho chúng ta, Ngài tiến vào cuộc đời của chúng ta để ban cho chúng ta sự sống; Ngài đến với thế giới của chúng ta để ban cho chúng ta tình yêu thương của Ngài. Ngài không để cướp mất nó hay để thống trị nó, mà là để nuôi dưỡng chúng ta và phục vụ chúng ta. Có một hàng thẳng giữa máng cỏ và thập tự giá là nơi Chúa Giêsu sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra. Đó là một hàng thẳng của một tình yêu thương ban phát và cứu độ, thứ tình yêu thương mang lại ánh sáng cho đời sống của chúng ta và bình an cho tâm can của chúng ta.

Đêm ấy các mục đồng đã hiểu được như vậy. Họ thuộc về số thành phần sống bên lề xã hội vào thời ấy. Tuy nhiên, không ai bị ra rìa trước nhan Thiên Chúa, và Giáng Sinh năm ấy, chính họ đã là những vị khách được mời. Thành phần cảm thấy vững tâm về mình, tự mãn, thì ở nhà với tất cả những gì họ có. Trong khi đó các mục đồng lại "vội vả lên đường" (xem Luca 2:16). Đêm hôm nay, chớ gì chúng ta cũng được thách đố và được Chúa Giêsu kêu gọi. Chúng ta hãy tin tưởng tiến đến với Người, bắt đầu từ tất cả những gì làm cho chúng ta cảm thấy bị loại trừ, từ những hạn hữu của chúng ta và tội lỗi của chúng ta. Chúng ta hãy để mình được chạm đến bởi cái dịu dàng ấy cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy tiến gần đến Thiên Chúa là Đấng đến gần với chúng ta. Chúng ta hãy dừng mắt lại nơi máng cỏ và hãy sống lại bằng trí tưởng của mình cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu: ánh sáng và bình an, bần cùng khốn nạn và bị tẩy chay. Cùng với các mục đồng, chúng ta hãy tiến vào một Giáng Sinh thực sự, mang đến cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có, những gì là chán ghét bất hòa của chúng ta, các thương tích chưa lành của chúng ta, các tội lỗi của chúng ta. Thế rồi, trong Chúa Giêsu, chúng ta sẽ hoan hưởng nếm được cái tinh thần đích thực của Giáng Sinh: cái vẻ đẹp được Thiên Chúa yêu thương. Cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse chúng ta hãy trầm ngâm trước máng cỏ, trước Chúa Giêsu được hạ sinh như tấm bánh cho cuộc đời của tôi. Khi chiêm ngưỡng tình yêu khiêm hạ và vô cùng của Người, chúng ta chỉ cần nói với Người rằng: Con cám ơn Chúa. Con cám ơn Chúa vì Chúa đã làm tất cả những sự đó vì con.

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2016/documents/papa-francesco_20161224_omelia-natale.html
Đ
aminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý bằng mầu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Sứ Điệp và Phép Lành Giáng Sinh 25/12/2016

 

Chúc Giáng Sinh Hạnh Phúc cho Anh Chị Em thân mến!

Hôm nay, một lần nữa, Giáo Hội cảm nghiệm được những gì là ngỡ ngàng của Đức Trinh Nữ Maria, của Thánh Giuse và của các mục đồng ở Bêlem, khi các vị chiếm ngưỡng Con Trẻ mới sinh nằm trong máng có là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế....

Quyền năng của Con Trẻ này, Con Thiên Chúa và Con Mẹ Maria, không phải là quyền năng của thế giới này, thứ quyền năng theo thế lực và giầu sang; nó là thuú quyền năng của tình yêu thương. Nó là thứ quyền năng đã tạo nên trời đất, thuú quyền năng ban sự sống cho tất cả mọi tạo vật: cho các thứ khoáng chất, cây cối và thú vật; nó là quyền lực thu hút con người nam nữ, biến họ nên một xương thịt, một cuộc đời duy nhất; nó là quyền năng tái sinh, tha thứ lỗi lầm, hòa giải thù địch và biến dữ thành lành. Nó là quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng yêu thương này đã khiến Chúa Giêsu Kitô tước bỏ bản thân Người khỏi vinh quang của mình để hóa thân làm người; nó khiến Người hiến mạng sống mình trên thập tự giá và sống lại từ trong kẻ chết. Nó là quyền năng của việc phục vụ, một quyền năng khai mở trên thế giới của chúng ta Vương Quốc của Thiên Chúa, một vương quốc của công lý và hòa bình.

Đó là lý do cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu đã được kèm theo bài ca của các thần trời loan báo rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Chúa thương!" (Luca 2:14).

Hôm nay, sứ điệp này vang đến tận cùng trái đất tới tất cả mọi dân tộc, nhất là với những dân tộc đang hằn vết chiến tranh cùng những cuộc xung đột dữ dội dường như lấn át cả niềm mong ước bình an.

Bình an cho những con người nam nữ ở miền đất tan nát bởi chiến tranh ở Syria... ở Thánh Địa... nhân dân Israel và Palestine... ở các phần đất khác nhau ở Phi Châu... ở miền Đông Ukraine... ở Colombia... ở các miền đất khác nhau đang chịu đựng đau khổ bởi những hiểm nguy lliên lỉ cùng nhưng bất công thường xuyên... ở bán đảo Triều Tiên...

Bình an cho những ai bị mất người thân bởi các hành động khủng bố dã man và cho cả những ai gieo rắc sợ hãi cùng chết chóc vào lòng của rất nhiều xứ sở và thành phố.

Bình an cho những người anh chị em bị bỏ rơi và bị loại trừ của chúng ta, cho những ai đang đói khổ và tất cả những nạn nhân của bạo lực. Bình an cho những ai đang lưu đầy, cho những người di dân và những người tị nạn, cho tất cả những ai hôm nay đây đang là nạn nhân buôn người. Bình an cho những dân tộc đang chịu khổ vì các tham vọng kinh tế của một thiểu số, vì lòng tham lam quá đáng và ngẫu tượng tiền bạc là những gì biến họ thành nô lệ. Bình an cho những ai bị ảnh hưởng bởi các biến động về xã hội và kinh tế, và cho những ai chịu đựng hậu quả của các trận động đất hay các tai họa thiên nhiên khác.

Bình an cho trẻ em, vào ngày đặc biệt Thiên Chúa đã trở nên một con trẻ, nhất là cho những em bị mất niềm vui của tuổi thơ vì đói khổ, chiến tranh hay lòng vị kỷ của người lớn

Bình an dưới thế cho những con người thiện tâm, những con người đang hoạt động một cách âm thầm và nhẫn nại từng ngày, trong gia đình của mình và trong xã hội, để xây dựng một thế giới nhân bản và công chính hơn, một thế giới được duy trì bởi niềm xác tín rằng chỉ có bình an mới khả dĩ có được một tương lai thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.

.................

http://www.news.va/en/news/pope-francis-christmas-message-urbi-et-orbi-full-t

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch