GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIẢNG LỄ CHÚA KITÔ VUA CHÚA NHẬT 20/11/2016

BẾ MẠC NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT

 

door

 

"Chúng ta hân hoan chia sẻ cái rạng ngời vì chúng ta được Chúa Giêsu là Vua của chúng ta; quyền lực của tình yêu Người biến đổi tội lỗi thành ân sủng, chết chóc thành phục sinh, sợ hãi thành tin tưởng...

Tuy nhiên nó sẽ chẳng có ý nghĩa mấy nếu chúng ta tin Chúa Giêsu là Vua vũ trụ mà lại không để cho Người làm Chúa của cuộc đời chúng ta...

"Cho dù Cửa Thánh có đóng thì cửa ngõ đích thực của lòng thương xót là trái tim của Chúa Kitô bao giờ cũng vẫn rộng mở cho chúng ta. Từ cạnh sườn bị rạch toạc ra của Đấng Phục Sinh cho đến tận cùng thời gian tuôn ra lòng thương xót, ơn an ủi và niềm hy vọng".

 

Lễ trọng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, Vua Vũ Trụ, là tột đỉnh của phụng niên cũng như của Năm Thánh Thương Xót. Thật vậy, bài Phúc Âm cho thấy vai trò làm vua của Chúa Giêsu như là tột đỉnh công cuộc cứu độ của Người, và Phúc Âm cho thấy như thế một cách lạ lùng. "Đức Kitô của Thiên Chúa, Đấng được Tuyển Chọn, Đức Vua" (Luca 23:35,37) hiện lên như môt kẻ chẳng có quyền lực hay vinh quang gì hết: Người ở trên cây thập tự giá, Người dường như là một tên bị chiến bại hơn là một tay chiến thắng. Vai trò làm vua của Người là những gì ngược ngạo: ngai tòa của Người là cây thập tự giá; triều thiên của Người là mạo gai; Người không có vương trượng mà chỉ là một cành nứa bị dúi cầm trong bàn tay; Người chẳng có y phục sang trọng mà bị lột cả áo khoác; Người chẳng đeo nhẫn óng ánh trên ngón tay nhưng bàn tay Người bị đinh đâm thủng; Người chẳng có báu vật mà bị bán với giá 30 đồng bạc. 

Triều đại của Chúa Giêsu quả thực không thuộc về thế gian này (xem Gioan 18:36); nhưng chính vì lý do này mà Thánh Phaolô đã nói với chúng ta trong Bài Đọc Thứ Hai, chúng ta được ơn cứu chuộc và tha thứ (xem Colose 1:13-14). Vì cái uy nghi cao cả của vương quốc Người không phải là quyền lực theo quan niệm trần gian này mà tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể gặp gỡ và chữa lành tất cả mọi sự. Chúa Kitô vì yêu thương đã hạ mình xuống với chúng ta, Người đã sống tình trạng khốn khổ của nhân loại chúng ta, Người đã trải qua đến tận cùng thân phận của con người chúng ta: bất công, bị phản bội, bị bỏ rơi; Người đã nếm được cái chết, mồ chôn, âm phủ. Nhờ thế mà vị Vua của chúng ta đã đi đến tận cùng của vũ trụ để gồm tóm và cứu độ hết mọi sinh linh. Người đã không lên án chúng ta, không khống chế chúng ta, và Người không bao giờ coi thường tự do của chúng ta, song Người mở lối cho chúng ta bằng một tình yêu khiêm hạ tha thứ tất cả mọi sự, hy vọng tất cả mọi sự, bảo trì tất cả mọi sự (xem 1Corinto 13:7). Chỉ có tình yêu duy nhất này đã có thể thắng vượt và tiếp tục thắng vượt các thứ kẻ thù tàn khốc nhất của chúng ta là tội lỗi, chết chóc và sợ hãi.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta loan báo cuộc chiến thắng đặc biệt này, một chiến thắng nhờ đó Chúa Giêsu đã trở thành Đức Vua của mọi thời đại, thành Chúa của lịch sử: chỉ bằng quyền lực của tình yêu là bản tính của Thiên Chúa, là chính sự sống của Ngài và là tình yêu vô cùng bất tận (xem 1Corinto 13:8). Chúng ta hân hoan chia sẻ cái rạng ngời vì chúng ta được Chúa Giêsu là Vua của chúng ta; quyền lực của tình yêu Người biến đổi tội lỗi thành ân sủng, chết chóc thành phục sinh, sợ hãi thành tin tưởng.

Tuy nhiên, nó sẽ chẳng có ý nghĩa mấy nếu chúng ta tin Chúa Giêsu là Vua vũ trụ mà lại không để cho Người làm Chúa của cuộc đời chúng ta: tất cả những điều ấy chẳng là gì nếu bản thân chúng ta không chấp nhận Chúa Giêsu và nếu chúng ta cũng không chấp nhận đường lối làm vua của Người. Tuy nhiên, có những con người được bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy có thể giúp chúng ta trong vấn đề này. Ngoài Chúa Giêsu ra thì còn 3 loại nhân vật nữa: thành phần dân chúng đang nhìn lên, những người ở gần cây thập tự giá, và tên tử tội bị đóng đanh cạnh Chúa Giêsu.

Trước hết là dân chúng: Bài Phúc Âm nói rằng "dân chúng dừng chân nhìn xem" (Luca 23:35): không ai nói một lời, không ai đến gần hơn. Dân chúng giữ một khoảng cách, chỉ muốn nhìn xem những gì đang xẩy ra thôi. Họ cũng là những con người đã chen lấn nhau đến gần Chúa Giêsu khi họ cần một cái gì đó, giờ đây là những con người tách xa khỏi Người. Đối với các hoàn cảnh của đời sống chúng ta, cùng với những niềm trông đợi khôn nguôi của chúng ta, chúng ta cũng có thể bị cám dỗ giữ mình tách xa khỏi vai trò làm vua của Chúa Giêsu, không hoàn toàn chấp nhận cái nhục nhã nơi thứ tình yêu khiêm hạ của Người là những gì khiến chúng ta cảm thấy không ổn và bị xáo trộn. Chúng ta thích ở tại cửa sổ, đứng tách ra, hơn là đến gần và ở với Người. Thế nhưng một dân thánh đức, nhận Chúa Giêsu là Vua của mình, được kêu gọi để theo đường lối yêu thương khả hữu của Người; họ được kêu gọi để tự vấn, mỗi người và từng ngày xem: "Tình yêu muốn tôi làm gì, nó thôi thúc tôi đi đâu đây? Tôi đang cống hiến câu trả lời bằng đời sống của tôi cho Chúa như thế nào?"

Còn một nhóm thứ hai, bao gồm những cá nhân khác nhau: các vị lãnh đạo dân chúng, những binh lính và một tử tội. Tất cả họ đều nhạo cười Chúa Giêsu. Họ khiêu khích Người cùng một cách thức: "Ngươi hãy cứu lấy bản thân ngươi đi!" (Luca 23:35,37,39). Cái khuynh hướng này còn tệ hơn cả cái khuynh hướng của dân chúng nữa. Họ thách đố Chúa Giêsu, như ma quỉ đã làm ở đầu Phúc Âm (xem Luca 4:1-13), để Người bỏ đi việc cai trị như Thiên Chúa muốn, mà hãy cai trị theo kiểu cách của thế gian, đó là hãy xuống khỏi thập giá và hủy diệt các kẻ thù của Người! Nếu Người là Thiên Chúa thì hãy tỏ quyền năng của Người cùng cái ưu việt của Người ra! Chước cám dỗ này là một thứ tấn công tình yêu: "hãy cứu lấy bản thân mình" (các câu 37,39); không phải cứu kẻ khác mà là chính bản thân mình. Hãy chiếm lấy cái khải hoàn cho bản thân ngươi do bởi quyền năng của ngươi, bởi vinh quang của ngươi, bởi vinh thắng của ngươi. Đó là một chước cám dỗ khủng khiếp nhất, chước cám dỗ đầu và cám dỗ cuối trong Phúc Âm. Khi đối đầu với cuộc tấn công này ở chính đường lối hiện hữu của mình, Chúa Giêsu đã không nói năng gì, đã chẳng phản ứng chi. Người không tự vệ, Người không cố gắng thuyết phục họ, Người không tỏ ra bênh vực vai trò làm vua của Người. Trái lại, Người tiếp tục yêu thương; Người tha thứ, Người sống giây phút thử thách này theo ý muốn của Cha Người, tin rằng tình yêu sẽ sinh hoa kết trái.

Để chấp nhận vai trò làm vua này của Chúa Giêsu, chúng ta được kêu gọi chiến đấu chống lại chước cám dỗ này, được kêu gọi để gắn ánh mắt của chúng ta vào Đấng Tử Giá, tỏ ra trung thành với Ngài hơn bao giờ hết. Biết bao nhiêu lần, ngay cả trong số chúng ta, chúng ta tìm kiếm những gì thoải mái và vững chắc do thế gian cống hiến. Biết bao nhiêu lần chúng ta bị cám dỗ xuống khỏi Thánh giá. Cái lọc lừa của quyền lực và thành công dường như là một đường lối dễ dàng nhanh chóng trong việc lan truyền Phúc Âm; chúng ta sớm quên đi cách thức thể hiện của Vương Quốc Thiên Chúa. Năm Thánh Thương Xót này mời gọi chúng ta hãy tái nhận thức cái cốt lõi, hãy trở về với những gì là thiết yếu. Thời điểm của lòng thương xót này kêu gọi chúng ta hãy nhìn lên dung nhan đích thực của vua chúng ta, Đấng rạng chiếu ở cuộc Phục Sinh, cũng như hãy tái khám phá ra dung nhan trẻ trung mỹ lệ của Giáo Hội lữ hành, một dung nhan rạng ngời khi nó tỏ ra đón nhận, tự do, trung thành, nghèo nàn về phương tiện nhưng giầu có về yêu thương. Lòng Thương Xót, những gì dẫn chúng ta đến tâm điểm của Phúc Âm, thôi thúc chúng ta hãy bỏ đi những thói quen và những thực hành có thể gây ngãng trở cho việc phụng sự Vương Quốc của Thiên Chúa; lòng thương xót thôi thúc chúng ta chỉ tập trung vào vai trò làm vua muôn thuở và khiêm hạ của Chúa Giêsu, đừng chiều theo những thứ quyền chức trôi nổi và các thứ quyền năng thay đổi của hết mọi thời đại.  

Trong Phúc Âm còn một người nữa, gần Chúa Giêsu hơn, đó là kẻ trộm van xin Người rằng: "Hỡi Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi khi ngài vào vương quốc của ngài" (câu 42). Con người này, chỉ nhìn vào Chúa Giêsu, tin tưởng vào vương quốc của Người. Anh ta không khép kín bản thân mình, trái lại - với các thứ lầm lạc của mình, các thứ tội lỗi của mình, cùng các thứ rắc rối trục trặc của mình - anh ta đã hướng về Chúa Giêsu. Anh ta đã xin được nhớ đến, và anh ta đã cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa: "Hôm nay anh sẽ được ở cùng Tôi trên thiên đàng" (câu 43). Vừa khi chúng ta cống hiến cho Thiên Chúa cơ hội thì Ngài nhớ đến chúng ta. Ngài sẵn sàng xóa bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn tội lỗi của chúng ta, vì ký ức của Ngài - không như của chúng ta - không ghi nhận sự dữ đã gây ra hay tính điểm các thứ bất công trải qua. Thiên Chúa không có trí nhớ về tội lỗi mà chỉ nhớ đến chúng ta, nhớ từng người chúng ta, thành phần chúng ta là con cái yêu dấu của Người. Và Ngài tin rằng bao giờ cũng có thể bắt đầu lại, để nâng bản thân chúng ta lên.

Chúng ta cũng xin được ơn có một trí nhớ cởi mở và sống động ấy. Chúng ta hãy xin ơn không bao giờ đóng cửa hòa giải và tha thứ, nhưng biết làm sao vượt trên sự dữ và những khác biệt, mở ra mọi ngõ lối khả dĩ cho niềm hy vọng. Như Thiên Chúa tìn tưởng nơi chúng ta, một cách vô cùng ngoài bất cứ công trạng nào của chúng ta, chúng ta cũng được kêu gọi để làm thẩm thấu niềm hy vọng và cống hiến cơ hội cho người khác. Vì, cho dù Cửa Thánh có đóng thì cửa ngõ đích thực của lòng thương xót là trái tim của Chúa Kitô bao giờ cũng vẫn rộng mở cho chúng ta. Từ cạnh sườn bị rạch toạc ra của Đấng Phục Sinh cho đến tận cùng thời gian tuôn ra lòng thương xót, ơn an ủi và niềm hy vọng.

Rất nhiều người hành hương đã băng ngang qua ngưỡng Cửa Thánh, và xa khỏi cái náo nhiệt của tin tức hằng ngày, họ đã nếm được sự thiện hảo cao cả của Chúa. Chúng ta dâng lời tạ ơn về điều ấy, khi chúng ta nhớ lại chúng ta đã lãnh nhận lòng thương xót ra sao để thương xót, để cả chúng ta nữa trở thành những dụng cụ của lòng thương xót. Chúng ta hãy cùng nhau tiến lên theo đường lối này. Xin Đức Mẹ Diễm Phúc hỗ trợ chúng ta, Mẹ là vị cũng đứng gần Thánh giá, Mẹ là vị đã hạ sinh chúng ta ở đó như người Mẹ dịu dàng của Giáo Hội, một người Mẹ mong muốn qui tụ tất cả mọi người ở dưới áo choàng của Mẹ. Dước cây Thánh giá, Mẹ đã thấy người trộm lành được ơn tha thứ, và Mẹ đã nhận người môn đệ của Chúa Giêsu làm con Mẹ. Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót, Đấng chúng ta ký thác bản thân của chúng ta: trong hết mọi hoàn cảnh chúng ta sống, với hết mọi lời cầu chúng ta nguyện, khi được nâng lên cho đôi mắt xót thương của Người đều được đáp ứng.

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2016/documents/papa-francesco_20161120_omelia-chiusura-giubileo.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý

Vào lúc kết thúc buổi Nguyện Kinh Truyền Tin trưa ngày Chúa Nhật bế mạc Năm Thánh Thương Xót hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô chẳng những ngỏ lời cám ơn tất cả những ai đã góp phần vào thành quả thiêng liêng của Năm Thánh Thương Xót, cách riêng "nhiêu bệnh nhân và thành phần lão niên đã không ngừng cầu nguyện, dâng hiến khổ đau của mình cho Năm Thánh. Đặc biệt cám ơn các nữ tu dòng kín", mà còn ký ban hành Tông Thư Misericordia et Misera, một Tông Thư ngỏ cùng toàn thể Giáo Hội, kêu gọi Giáo Hội tiếp tục cảm nghiệm lòng thương xót bằng cường độ như trong Năm Thánh Thương Xóty, sẽ được ra mắt và phổ biến tại Văn phòng Báo chí của Tòa Thánh vào ngày mai, Thứ Hai 21/11/2016, Lễ Đức Mẹ Dâng Mình.

firma-740x493