GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Đức Thánh Cha Phanxicô

Chủ Lễ và Giảng Lễ Lòng Thương Xót Chúa

tại Quảng trường Thánh Phêrô Chúa Nhật 3/4/2016

 

"Chúa Giêsu, Đấng bằng cuộc phục sinh của mình, đã chiến thắng nỗi sợ hãi đang giam nhốt chúng ta, Đấng mong mở toang những cánh cửa khéo kín của chúng ta mà sai chúng ta ra đi. Đường lối được Vị Sư Phụ Phục Sinh cho chúng ta thấy là con đường một chiều, chỉ đi theo một hướng duy nhất: nghĩa là chúng ta cần phải tiến triển bên ngoài bản thân mình để làm chứng cho quyền năng chữa lành của tình yêu chiếm đoạt chúng ta".

 

"Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đệ mà không được việt lại trong sách này" (Gioan 20:30). Phúc Âm là cuốn sách của lòng thương xót Chúa, cần phải được đọc đi đọc lại, vì hết mọi sự Chúa Giêsu nói và làm đều bày tỏ lòng thương xót của Chúa Cha. Tuy nhiên, không phải là hết mọi sự Người nói và làm đều được viết ra; Phúc Âm của lòng thương xót là một cuốn sách còn tiếp tục (an open book), trong đó, các dấu lạ của thành phần môn đệ Chúa Kitô tiếp tục được viết xuống, những tác động yêu thương cụ thể và chứng từ về lòng thương xót tuyệt nhất. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi để trở thành những cây viết sống động của Phúc Âm, những người loan Tin Mừng cho tất cả mọi con người nam nữ ngày nay. Chúng ta làm điều ấy bằng cách thực hiện việc thương người có 14 mối bao gồm cả xác lẫn hồn là những dấu hiệu của đời sống Kitô hữu. Bằng những cử chỉ đơn sơ nhưng mãnh lực này, cho dù âm thầm, chúng ta có thể trợ giúp những ai thiếu thốn cần thiết, mang đến cho họ niềm êm ái dịu dàng và an ủi của Thiên Chúa. Nhờ đó, tiếp tục việc Chúa Giêsu làm vào ngày Phục Sinh, lúc Người tuôn đổ vào cõi lòng thành phần môn đệ sợ hãi của Người lòng thương xót của Chúa Cha, mang đến cho các vị Thánh Linh là Đấng thứ tha tội lỗi và là Đấng ban niềm vui.

 

Đồng thời, câu truyện chúng ta vừa nghe cho thấy một cái gì tương phản rõ ràng: một đàng là nỗi lo sợ của các môn đệ, những con người qui tụ lại trong một căn phòng cửa kín then cài; đàng khác, Chúa Giêsu lại trao cho các vị một sứ vụ, Người sai các vị vào thế giới để loan báo sứ điệp tha thứ. Cái tương phản này cũng có cả ở nơi chúng ta nữa, những gì chúng ta cảm nghiệm thấy như là một cuộc đối chọi nội tâm giữa một tấm lòng khép kín và tiếng gọi yêu thương mở toang ra những cánh cửa đã bị tội lỗi đóng lại. Đó là một ơn gọi giải phóng chúng ta thoát ly bản thân mình. Đức Kitô, Đấng vì yêu thương đã tiến vào qua những cánh cửa bị cài đóng bởi tội lỗi, tử thần và quyền lực hỏa ngục, Đấng muốn tiến vào từng người chúng ta để mở toang ra những cách cửa lòng khóa kín của chúng ta. Chúa Giêsu, Đấng bằng cuộc phục sinh của mình, đã chiến thắng nỗi sợ hãi đang giam nhốt chúng ta, Đấng mong mở toang những cánh cửa khéo kín của chúng ta mà sai chúng ta ra đi. Đường lối được Vị Sư Phụ Phục Sinh cho chúng ta thấy là con đường một chiều, chỉ đi theo một hướng duy nhất: nghĩa là chúng ta cần phải tiến triển bên ngoài bản thân mình để làm chứng cho quyền năng chữa lành của tình yêu chiếm đoạt chúng ta. Chúng ta thấy trước mắt chúng ta một nhân loại thường bị thương tích và sợ hãi, một nhân loại mang các dấu vết đau thương và bất định. Trước tiếng kêu than thảm thiết kêu cầu lòng thương xót và bình an, Chúa Giêsu tin tưởng kêu gọi chúng ta rằng: "Như Cha đã sai Thày thế nào thì Thày cũng sai các con như vậy" (Gioan 20:21).

 

Tất cả mọi bệnh nạn của chúng ta được chữa lành nơi lòng thương xót Chúa. Thật vậy, lòng thương xót của Ngài không ở đâu xa cách, lòng thương xót này tìm kiếm để gặp gỡ tất cả mọi hình thức nghèo khổ và giải phóng thế giới này khỏi rất nhiều hình thức nô lệ. Lòng thương xót muốn tiến đến với các vết thương của tất cả chúng ta để chữa lành chúng. Là các tông đồ của lòng thương xót nghĩa là chạm đến và băng bó các vết thương ngày nay đang hành hạ thể xác và tâm hồn của nhiều anh chị em chúng ta. Khi chữa lành các vết thương ấy, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu, chúng ta làm cho Người hiện diện và sống động; chúng ta giúp cho người khác, thành phần chạm đến lòng thương xót của Người bằng chính tay của họ, nhận biết Người là "Chúa và Thiên Chúa" (Gioan 20:28), như Tông Đồ Toma đã làm. Đó là sứ vụ Người ủy thác cho chúng ta. Rất nhiều người cần được lắng nghe và được thông cảm. Phúc Âm của lòng thương xót, một thứ phúc âm cần phải được loan báo và viết ra nơi đời sống hằng ngày của chúng ta, đang tìm kiếm con người ta bằng tấm lòng nhẫn nại và cởi mở, "những người Samaritanô nhân lành", thành phần hiểu được lòng cảm thương và sự thinh lặng trước mầu nhiệm của từng người anh chị em. Phúc Âm của lòng thương xót cần đến những người tôi tớ quảng đại và hoan lạc, thành phần yêu thương một cách vô vị lợi không mong lấy lại bất cứ sự gì.

 

"Bình an cho các con" (Gioan 20:21) là lời Chúa Giêsu chào các môn đệ của Người; cũng lời chào bình an này đang chờ đợi những con người nam nữ thuộc thời đại của chúng ta. Nó không phải là một thứ bình an được thương lượng, nó không phải là một thứ bình an vắng bóng xung đột: nó là bình an của Người, bình an xuất phát từ cõi lòng của Vị Chúa Phục Sinh, thứ bình an đã đánh bại tội lỗi, sợ hãi và chết chóc. Nó là một thứ bình an không phân chia nhưng nối kết; nó là một thứ bình an không bỏ rơi chúng ta nhưng làm cho chúng ta cảm thấy được lắng nghe và yêu thương; nó là một thứ bình an kiên trì trong cả đau thương và làm bừng nở niềm hy vọng. Thứ bình an này, như vào ngày Lễ Phục Sinh, được xuất phát một cách mới mẻ bởi việc tha thứ của Thiên Chúa là Đấng trấn an những con tim xao xuyến lo âu của chúng ta. Trở thành những người mang bình an đó là sứ vụ được ủy thác cho Giáo Hội trong ngày Lễ Phục Sinh. Nơi Đức Kitô, chúng ta được hạ sinh để làm khí cụ hòa giải, để mang ơn tha thứ của Chúa Cha cho hết mọi người, để tỏ ra cho thấy dung nhan yêu thương của Ngài qua các cử chỉ cụ thể của lòng thương xót.

 

Trong bài Thánh Vịnh đáp ca chúng ta đã nghe thấy những lời này: "Tình Ngài yêu thương bền vững muôn đời" (117/118:2). Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa là lòng thương xót muôn đời; lòng thương xót này vô cùng bất tận, không bao giờ lui bước trước cánh cửa đóng kín, và không bao giờ biết mệt mỏi. Nơi cái muôn đời này chúng ta tìm thấy sức mạnh trong những lúc thử thách và yếu đuối vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Đối với chúng ta Ngài muôn đời vẫn thế. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ về một tình yêu cao cả như vậy, một tình yêu chúng ta không thể nào nắm bắt được. Chúng ta hãy xin ơn đừng bao giờ cảm thấy chán chường trong việc kín múc từ giếng lòng thương xót của Chúa Cha này và trong việc  mang đến cho thế giới lòng thương xót đó: chúng ta hãy xin để cả chúng ta nữa được biết thương xót, để loan truyền quyền năng của Phúc Âm lòng thương xót này khắp mọi nơi.

 

http://www.news.va/en/news/pope-at-divine-mercy-mass-be-apostles-of-mercy
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh

 

http://www.romereports.com/2016/04/03/live-pope-francis-presides-over-mass-of-divine-mercy-sunday

xin mời xem đoạn video clip dài 1 tiếng 51 phút 41 giây về toàn bộ Thánh Lễ LTXC

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Đêm Vọng Lễ Lòng Thương Xót Chúa Thứ Bảy 2/4/2016

Tại Quảng Trường Thánh Phêrô trong Đêm Vọng Lễ Lòng Thương Xót Chúa, Thứ Bảy mùng 2/4/2016, tưởng niệm đúng (cả ngày trong tháng 2/4 và ngày trong tuần - Thứ Bảy) năm thứ 12 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua đời (vào lúc 9:37 phút tối sau Thánh Lễ LTXC), Đức Thánh Cha Phanxicô, vị sẽ chủ sự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXVIII (25-31/7/2016) ở Krakow cũng sẽ đến kính viếng Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa do chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo thánh hiến ngày Thứ Bảy 17/8/2002, đã nói về một thứ "đại dương - vast ocean" là LTXC trong dịp này như sau:

"Đại dương quá bao la và vô cùng này là lòng thương xót của Ngài, cho đến độ trở thành cả một thách đố lớn lao trong việc diễn tả nó một cách hoàn toàn trọn vẹn".

Căn cứ vào Thánh Kinh, Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy rằng LTXC được thể hiện nơi việc Ngài gần gũi với dân của Ngài cũng như nơi niềm êm ái dịu dàng của Ngài giành cho họ, như được thấy trong Sách Tiên Tri Hosea. Từ đó, vị giáo hoàng mở Năm Thánh Tình Thương này đã cho thấy những thể hiện của lòng thương xót Chúa, như sau:

"Có biết bao nhiêu là thể hiện về lòng thương xót Chúa! Lòng thương xót này đến với chúng ta như là những gì gần gũi và êm ái dịu dàng, và vì thế lòng thương xót ấy cũng đến với chúng ta như là lòng cảm thương và tình liên kết, như là niềm an ủi và lòng tha thứ".

Sau cùng Đức Thánh Cha Phanxcicô đã kêu gọi những ai lãnh nhận lòng thương xót Chúa hãy truyền đạt lòng thương xót này cho những ai cần đến lòng thương xót Chúa:

"Chúng ta càng lãnh nhận thì chúng ta càng được kêu gọi để chia sẻ lòng thương xót Chúa cho người khác; lòng thương xót Chúa không thể được cất giữ cho bản thân chúng ta. Lòng thương xót Chúa là một cái gì đó bừng cháy trong tâm hồn của chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương, ở chỗ nhận biết dung nhan của Chúa Giêsu Kitô nhất là ở nơi những ai xa cách nhất, yếu kém nhất, lẻ loi nhất, lầm lạc nhất và bị ruồng bỏ nhất".

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Huấn Từ Buổi Nguyện Kinh Lạy Nữ Vương Chúa Nhật 3/4/2016

 

 

"Hôm nay là ngày thực sự là tâm điểm của Năm Thánh Tình Thương... vun trồng linh đạo Lòng Thương Xót Chúa.

 

Vào chính hôm nay là ngày thực sự là tâm điểm của Năm Thánh Tình Thương, tôi nghĩ đến tất cả mọi thành phần dân chúng đang khao khát hòa giải và hòa bình.

Tôi đặc biệt nghĩ đến tình trạng rối loạn ở Âu Châu đây, đến những ai đang chị hậu quả của cuộc bạo động ở Ukraine; đến tất cả những ai ở những mảnh đất bị ngược đãi bới các thứ hận thù gây ra cả ngàn ngàn cái chết, đến tất cả những ai, hơn cả triệu người, đã từng bị tản mác bởi tình trạng trầm trọng đang xẩy ra ở đó. Những người già và trẻ em là những người chính yếu phái gánh chịu. Ngoài việc hỗ trợ họ bằng việc hằng tưởng nhớ cùng nguyện cầu của mình, tôi cũng cảm thấy cần phải cố võ việc viện trợ nhân đạo cho họ. Vì thế sẽ có một cuộc quyên góp đặc biệt ở tất cả mọi nhà thờ Công giáo Âu Châu vào Chúa Nhật 24/4/2016.

Tôi mời gọi các tín hữu hãy liên kết với nhau cho sáng kiến này của giáo hoàng bằng việc quảng đại đóng góp. Cử chỉ bác ái này, ngoài việc xoa dịu bớt tình trạng khổ đau về vật chất cũng bày tỏ sự gần gũi của bản thân tôi cũng như của toàn thể Giáo Hội với Ukraine.

Tôi hết sức ước mong việc trợ giúp không trì trệ này có thể giúp cổ võ hòa bình và việc tôn trọng luật pháp ở mảnh đất chịu thử thành thương đau này.

Trong khi chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, chúng ta hãy nhớ rằng ngày mai là Ngày Quốc Tế về vấn đề Mìn (the International Day for Mine Awareness and Assistance in Mine Action). Quá ư là nhiều người bị sát hại hay què cụt bởi những thứ khí giới kinh khủng này, và những con người nam nữ liều mạng cho những vùng đất không còn mìn nổ. Chúng ta hãy lập lại những nỗ lực của chúng ta cho một thế giới không còn mìn nổ.

Để kết thúc, tôi muốn gửi lời chào đến tất cả những ai tham dự cuộc cử hành này, đặc biệt những nhóm đang vun trồng linh đạo Lòng Thương Xót Chúa. Tất cả chúng ta hãy cầu cùng Người Mẹ của chúng ta.  

 

https://zenit.org/articles/regina-caeli-on-the-suffering-in-ukraine/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh